Hành trình cuối đông (kỳ 8)

Tiêu Dao Bảo Cự

Tư liệu 7

Đối thoại với một số nhà văn về tình hình báo chí, văn nghệ hiện nay

Dân chủ, công khai: Những yêu cầu cấp bách của một nền văn nghệ đổi mới

Vừa qua, các nhà thơ, nhà văn Hữu Loan, Bùi Minh Quốc, Thanh Thảo, Bảo Cự có đến thăm toà soạn báo Nghĩa Bình. Tại đây, một cuộc trao đổi về tình hình đổi mới báo chí, văn nghệ hiện nay đã được tổ chức.

Hữu Loan, tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim”, sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp đã được quần chúng chép tay truyền nhau, phổ nhạc. Cách biệt 30 năm, Hữu Loan mới lại xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ. Bây giờ anh đã là ông gìa 76 tuổi, râu tóc bạc phơ. Các nhà thơ Bùi Minh Quốc, Thanh Thảo thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Nhà thơ Bùi Minh Quốc (Tức Dương Hương Ly) đã được biết qua tác phẩm Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ hiện đang là chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng, tổng biên tập tạp chí văn nghệ Langbian. Thanh Thảo là nhà thơ quen thuộc ở Nghĩa Bình, tác giả Những người đi tới biển, Khối vuông Rubic… Tiêu Dao Bảo Cự, công tác ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng, một cây bút nổi bật trong vùng tạm chiếm, tác phẩm Tự do hay là chết của anh đã được nhiều người biết tiếng, được đọc trên đài Việt Nam trước giải phóng.

Phóng viên: Theo các anh, tình hình đổi mới báo chí, văn nghệ hiện nay được hiểu như thế nào? Nó có tác động như thế nào đến tình hình kinh tế xã hội? Hiện nay đang có thế lực nào ngăn trở sự đổi mới? Thái độ cần có của người làm văn nghệ trong tình hình hiện nay ra sao?

Bùi Minh Quốc: Đồng chí Trường Chinh đã từng nói “Đổi mới là lẽ sống còn”. Không đổi mới thì hết sức nguy ngập. Tình hình mọi mặt hiện nay không chỉ đang báo động mà thực sự là một tai hoạ. Trước đây, chúng ta vẫn thường cho rằng mặc dầu kinh tế của ta còn lạc hậu nhưng chế độ xã hội là ưu việt. Lập luận này hiện nay không còn đứng nữa. Ngay cả Liên Xô hiện nay vẫn nói đến tình trạng thiếu dân chủ còn ở ta đang diễn ra tình trạng vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Muốn đổi mới, muốn dân chủ hoá xã hội điều kiện tiên quyết là phải công khai. Không công khai được nếu báo chí không đổi mới. Những chồng đơn, những nỗi oan khiên nằm trong các văn phòng quan liêu đã được báo chí phanh phui ra một phần nhưng một năm sau khi có chỉ thị của Ban Bí thư về báo chí, tình hình chống tiêu cực trên mặt báo lại giảm. Có nhiều nguyên nhân. Cũng có thể do đội ngũ phóng viên, tổng biên tập thiếu bản lĩnh, cũng có thể do một số cấp uỷ không thực tâm muốn đổi mới.

Bảo Cự: Làm báo không nói thật thì thiết nghĩ không nên làm báo. Chả lẽ báo chí là công cụ của sự gỉa dối. Chắc chắn Đảng không chủ trương như thế. Theo tôi không có sự thật nào không có lợi. Báo chí là vũ khí quan trọng của thời kỳ công khai, dân chủ. Phải hiểu nghĩa rộng hơn về Đảng. Đảng không chỉ là những con người cụ thể, đôi khi không chỉ là cấp uỷ cụ thể. Cái đúng bao giờ cũng có điểm tựa là đường lối chung của Đảng. Những người chống lại đôi khi không phải vì họ không hiểu nhưng vì những điều đổi mới đụng chạm đến đặc quyền đặc lợi của họ. Công luận luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ hơn cả báo chí. Ví dụ như hai câu thơ sau đây của một bài thơ Thanh Thảo đăng trên tạp chí văn nghệ Langbian:

Những cây thông ào vào Tỉnh uỷ

Xin đừng đốn chúng tôi

Bên cạnh một số ý kiến phản đối, nhiều người còn cho rằng cần phải nói mạnh hơn nữa. Kẻ sĩ phải ngẩng cao đầu, không hề van xin ai cả.

Phóng viên: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Hội Nhà văn khoá III có đánh giá về tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua có tích cực đổi mới song có những lệc lạc, trong đó có những lệch lạc nghiêm trọng. Chung quanh sự đánh gía này có những ý kiến khác nhau. Các anh nhận định như thế nào về sự đánh gía ấy?

Thanh Thảo: Tôi cho rằng đây là một nhận định tai hại. Báo Văn nghệ không chỉ là một tờ báo của Hội Nhà văn, trước hết nó là tờ báo của độc giả, của công chúng văn học. Báo Văn nghệ không là tiếng nói của riêng ai. Qua đánh gía này, Ban Chấp Hành Hội Nhà văn đã bộc lộ mình là một thành trì bảo thủ, thiếu công khai với yêu cầu của Đảng về “cởi trói” cho văn nghệ. Tôi có cảm tưởng như họ thích được “trói” hơn là “cởi trói”. Làm nô lệ bao giờ cũng dễ hơn làm người tự do. Cái thời chỉ định ai ngồi đâu, ngồi đó đã qua rồi. Nhiều nhà văn đã lên tiếng, tuy vậy vẫn cần cảnh giác với những kẻ hô hào đổi mới, cải tổ như một khẩu hiệu. Vết thương không phát hiện kịp thời có thể sinh ra dòi bọ. Công khai bao giờ cũng có lợi. Một ví dụ như “ Tiếng Đất” của Hoàng Hữu Các trên báo Văn nghệ đã được nhận định là lệch lạc, riêng tôi không thấy sai chỗ nào cả. Có những bài viết như thế mới nhìn thấy được tình hình bức bách hiện nay ở nông thôn. Không thể duy trì mãi sự im lặng. Im lặng là nuôi dưỡng cho sai lầm này đến sai lầm khác.

Bùi Minh Quốc: Theo tôi thì báo Văn nghệ có công , không có tội. Việc phê phán báo Văn nghệ không thể làm độc đoán, nóng vội mà phải chờ suy nghĩ chung của mọi người. Nhiều anh em trong giới văn nghệ đều cho tờ báo này đi đầu trong đổi mới. Một số bài viết trên báo Văn Nghệ có tác dụng điển hình rộng lớn. Ban Chấp hành Hội Nhà văn khoá 3 được sản sinh ta trong sự ngự trị của giáo điều lý luận, chưa thực sự dân chủ trong cơ chế Nhà nước, xã hội.Nó vẫn giữ nguyên căn bệnh này trong cơ thể và do đó, nhìn và đánh gía báo Văn Nghệ với con mắt hoàn toàn cũ.

Phóng viên: Cuối cùng với nhà thơ Hữu Loan, xin anh cho biết cuộc hành trình vào lòng quần chúng của bài thơ “Màu tím hoa sim” và lý do của sự im lặng 30 năm. Hiện tại, anh có ý kiến gì về tình hình đổi mới văn nghệ?

Hữu Loan: “Màu tím hoa sim” là bài thơ khóc vợ tôi viết trong chiến tranh. Đây là những cảm xúc thực, nó buộc tôi phải nói lên bằng thơ. Một thời chúng ta cứ sợ nói đến những đau thương mất mát, đã tạo dựng một giá trị về những thắng lợi chúng ta đạt được quá ư dễ dàng. Có người đổi đầu đề bài thơ là “Đồi sim màu tím”. Màu Tím như vậy thành ra cụ thể mất rồi. Vì vợ tôi thích màu tím, màu tím với tôi lúc này là một ảo giác, một ảo ảnh. Bài thơ là cả một sự thành thật. Nó có sức đi xa, đi rộng, xuyên suốt thời gian. Trước đây nó bị cấm, tôi hỏi những người có trách nhiệm tại sao nó được quần chúng ưa thích lại bị cấm? Họ trả lời “quần chúng chưa được giáo dục” . Hơn 40 năm nay nó vẫn được quần chúng ưa thích vậy thì quần chúng vẫn chưa được giáo dục hay sao? Không được nói thực, tôi chán, về nhà làm ruộng có vậy thôi.

Hiện nay tôi có cái vui là thấy lớp trẻ làm văn nghệ hiện nay bạo dạn, nhiệt tâm, có kiến thức và suy nghĩ tiêng. Có điều tôi thấy bất công trong xử phạt, những người bị sai lầm ít thì xử phạt ngay lập tức còn những người sai nhiều, đem tai hoạ đến nhiều người thì xử chậm hoặc nhẹ. Đổi mới là xu thế hiện nay trên thế giới, chứ không phải riêng nước ta. Cho nên phải đổi mới ngay không thể chần chừ. Phải tạo lại niềm tin, đây là chỗ hở nhất chúng ta hiện nay. Tôi tâm niệm một điều là lịch sử không đứng yên một chỗ. Không thể chờ đợi. Bất cứ ai có thể ngồi im nhưng lịch sử vẫn tiến tới.

Hồng Hà thực hiện

(Báo Văn hoá -Thể thao Nghĩa Bình)

Xuân Kỷ Tỵ 89

Tư liệu 8

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Kiến nghị về quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của các hội văn nghệ địa phương

Kính gởi:

– Bộ Chính trị Trung ương Đảng

– Ban Bí thư Trung ương Đảng

– Quốc hội

– Hội đồng Nhà nước

– Hội đồng Bộ trưởng

– Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

– Đồng chí tổng bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng kính gởi:

– Ban Tuyên huấn Trung ương

– Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương

– Bộ Văn hoá

– Bộ Thông tin

– Uỷ Ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, nghị quyết 05/BCT của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ đã chỉ rõ vai trò, vị trí chức năng, nhiệm vụ của văn hoá, văn nghệ và phương hướng cho các chính sách đối với văn hoá, văn nghệ.

Công văn số 312/VHVN của Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương lại một lần nữa xác định rõ vai trò, vị trí của các hội văn nghệ địa phương, sự tài trợ cần thiết của Nhà nước đối với các hoạt động của Hội, đặc biệt nhấn mạnh đến quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của hội.

Tuy nhiên trong thực tế chỉ có một số rất ít các hội văn nghệ địa phương được cấp giấy phép ra tạp chí và chưa có hội nào được phép thành lập nhà xuất bản.

Đối với các hoạt động của các hội văn nghệ, việc ra báo, tạp chí và thành lập nhà xuất bản là hoạt động tối thiểu và chủ yếu của hội để được thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Nếu không có các hoạt động này việc thành lập các hội văn nghệ chỉ là hình thức. Những hoạt động này còn là phương thức bảo đảm cho quyền tự do sáng tác, tự do báo chí, tự do tư tưởng mà nghị quyết của Đảng và hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã khẳng định. Đây cũng là quyến tối thiểu của các hội văn nghệ.

Tất cả mọi lý do nêu ra để hạn chế việc ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của các hội văn nghệ đều không chính đáng, trái với nghị quyết của Đảng và chỉ là cách kềm hãm các quyền tự do đã được khẳng định, đặc biệt tạo ra sự cản trở rất lớn trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Do đó chúng tôi kiến nghị các cơ quan Nhà nước có chức năng trực tiếp liên quan đến vấn đề này ra ngay các văn bản pháp lý để cụ thể hoá nghị quyết của Đảng về quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của các hội văn nghệ, các cơ quan lãnh đạo của Đảng, mặt trận, đoàn thể ở Trung ương kiểm tra, thúc đẩy việc thực hiện nghị quyết của Đảng có hiệu lực thực tế trên lĩnh vực này.

Đề nghị các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời sớm.

Trân trọng cám ơn.

Đà Nẵng, ngày 23-11-1988

TM Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Chủ tịch

Bùi Minh Quốc

TM Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng

Tổng thư ký

Hồ Hải Học

(Ký tên và đóng dấu)

Tư liệu 9

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Uỷ Ban Trung ương

Liên hiệp Văn học

Nghệ thuật Việt Nam

Số: 72/ ĐCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1988

Kính gửi các đồng chí chủ tịch , các hội văn nghệ tỉnh, thành

Một báo cáo của Ban Tuyên giáo tỉnh Đaklak cho biết: Vừa rồi đ/c Bùi Minh Quốc và mấy đồng chí của Hội Văn nghệ Lâm Đồng sang tỉnh Đaklak vận động Hội Văn nghệ Đaklak và giới sáng tác ở Đaklak:

a. Ký kiến nghị của các hội văn nghệ địa phương và một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động văn học, nghệ thuật.

b. Phản đối quyết nghị của Ban Chấp hành Hội Nhà văn (họp hồi tháng 9-1988) về tuần báo Văn nghệ (chấn chỉnh tờ báo về nội dung và tổ chức). (Quyết nghị được toàn thể thông qua, không phiếu trắng, không phiếu chống).

Ban Tuyên giáo tỉnh Đaklak cũng cho biết: Tỉnh uỷ và Ban Vận động lập Hội Văn nghệ Đaklak không đồng tình với đ/c Bùi Minh Quốc và Hội Văn nghệ Lâm Đồng.

Nhân việc này, sau khi trao đổi ý kiến với Ban Tuyên huấn Trung ương, và với sự nhất trí của Ban Tuyên huấn Trung ương, chúng tôi xin thông báo với các Hội Văn nghệ tỉnh, thành mấy điểm sau đây:

1. Mỗi hội văn nghệ địa phương, về các mặt tổ chức, chỉ hoạt động trong địa phương mình, không được đi vận động ở các tỉnh khác về những vấn đề tổ chức của các hội khác. Còn cá nhân hội viên nào có ý kiến chỉ phát biểu trong tổ chức của hội mình (đúng như quy định của điều lệ các hội và quy định của Nhà Nước về hoạt động của các hội)

2. Mỗi hội văn nghệ địa phương không được can thiệp vào công việc nội bộ của một hội khác (kể cả các hội văn học nghệ thuật toàn quốc). Việc tổ chức của mỗi hội là công việc nội bộ của hội ấy, được xử lý theo điều lệ của hội ấy, đúng cơ chế dân chủ nội bộ của hội (đúng như quy địnnh của điều lệ các hội)

3. Chúng ta là văn nghệ sĩ, chúng ta thực hiện quyền tự do sáng tác để phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, nhưng tự do sáng tác trên cơ sở tinh thần trách nhiệm cao của người sáng tác đối với nhân dân, đối với xã hội và phải tính đến hiệu quả xã hội của tác phẩm như nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hoá, văn nghệ đã nêu rất rõ. Và chúng ta cần nắm vững phương châm mà đồng chí Tổng Bí thư Trung ương Đảng đã nêu ra ở Đại hội III của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Dân chủ, nhưng phải có lãnh đạo; Tích cực đổi mới nhưng phải có quản lý và kỷ luật”.

Chúng tôi tin tưởng rằng các hội văn nghệ trong cả nước tăng cường đoàn kết tiếp tục mở rộng và nâng cao hoạt động của mình theo tinh thần đổi mới, đổi mới trong văn nghệ theo đúng hướng chỉ đạo của Ban Bí thư và do đó góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Xin chúc các đồng chí mạnh khoẻ để thực hiện chức năng của hội văn nghệ địa phương: vừa là vườn ươm, vừa là vườn hoa trái.

T/M đoàn chủ tịch

Uỷ ban Trung ương Liên hiệp VHNTVN

Chủ tịch

Cù Huy Cận

(ký tên và đóng dấu)

Ghi chú: Một bản kính gửi Ban Tuyên huấn Tỉnh, Thành… để tham khảo.

Tư liệu 10

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Kiến nghị về việc giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các hội văn học nghệ thuật và các tạp chí văn nghệ địa phương

Kính gởi:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng

– Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương Đảng

– Ban Tuyên huấn Trung ương

– Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam

– Bộ Thông tin

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, nghị quyết 05/BCT của Bộ Chính trị về văn hoá văn nghệ đã chỉ rõ vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của văn hoá, văn nghệ và phương hướng cho các chính sách đối với văn hoá văn nghệ.

Công văn số 312/VHVN của Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương lại một lần nữa xác định rõ vai trò, vị trí của các hội văn nghệ địa phương, sự tài trợ cần thiết của Nhà nước đối với các hoạt động của hội, đặc biệt nhấn mạnh đến quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của hội.

Tuy nhiên, hiện nay có một số chỉ thị, quy định của Nhà nước đang làm cho các điều ghi trong các văn kiện của Đảng trở nên không có hiệu lực thực tế. Phần lớn các Hội gặp khó khăn về kinh phí, tổ chức, không được cấp giấy phép xuất bản.

Điều đó gây không ít khó khăn cho các hội văn nghệ và tạp chí văn nghệ của các địa phương. Vì vậy chúng tôi kiến nghị:

1. Các cơ quan Nhà nước có chức năng và thẩm quyền ra ngay các văn bản pháp lý để thể chế hoá nghị quyết của Đảng về quyền ra báo, tạp chí, thành lập nhà xuất bản của các hội văn nghệ.

2. Quy định một tỷ lệ tối thiểu nhất định trong ngân sách địa phương cho các hoạt động văn học nghệ thuật.

3. Ban hành các chính sách ưu đãi về tác quyền và về vốn, thuế, tín dụng đối với các hoạt động nghề nghiệp sản xuất, dịch vụ văn học nghệ thuật.

4. Trung ương tổ chức một hội nghị của các hội văn nghệ và các tạp chí văn nghệ địa phương, có các ngành liên quan của Trung ương tham dự để bàn bạc giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan đến các hội và các tạp chí văn nghệ địa phương theo đúng tinh thần nghị quyết của Đảng. Về thời gian, đề nghị Trung ương tổ chức Hội nghị này trước tháng 1-1989.

Huế, ngày 26 tháng 11 năm 1988

Đồng ký tên:

Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên:

Tổng thư ký Hoàng Phủ Ngọc Tường

(Đã ký)

Hội Văn nghệ Lâm Đồng:

Chủ tịch Bùi Minh Quốc

(Đã ký)

Tạp chí Sông Hương:

Tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ

(Đã ký)

Tạp chí Langbian:

Phó tổng biên tập Bảo Cự

(Đã Ký)

________

Tư liệu 11

Hà Văn Thuỳ

Hội Văn nghệ Kiên Giang

Rạch Giá, 5-12-1988

Anh Bùi Minh Quốc

Và các anh em HVN Lâm Đồng thân mến,

Sáng nay chúng tôi nghe đọc thông báo của UBTƯLHVHNT do Huy Cận ký. Nghe xong hầu hết anh em đều cười vì sự lố bịch của nó. Đó là một văn bản xâm phạm tự do của văn nghệ sĩ một cách trắng trợn. Vẫn là thói áp đặt cũ rích thời xưa. Cả hai lý do nó đưa ra để phản bác việc làm của các anh đều không có cơ sở. Điều trớ trêu và nghịch lý hơn là những cấm kỵ như vậy lại xuất phát từ cái gọi là UB… mà người ta sinh ra cái UB đó để nhằm đoàn kết các lực lượng VHNT. Với văn bản này, cáii UB do ông Huy cận đứng đầu đã áp đặt chủ trương cách ly các tổ chức và các hoạt động VHNT. Tất cả mọi việc đều là của riêng từng nhà, từng hội, đừng ai can thiệp nội bộ người khác theo kiểu đèn nhà ai nấy rạng. Điều này trái với xu hướng hoà đồng, đoàn kết thống nhất các tổ chức và các hoạt động VHNT theo tinh thần đổi mới hiện nay. Ngay sau khi đọc xong, Chín Sỹ nhận xét: văn bản này đã tách biệt mối quan hệ giữa Hội TƯ và địa phương. Sau này, những hoạt động của Hội TƯ sẽ không được hội địa phương ủng hộ. Cụ thể là có thể có Hội sẽ không cấp kinh phí cho cán bộ của Hội địa phương đi dự đại hội hội chuyên ngành TƯ… Với văn bản này, UB đã tự làm mất vai trò của mình và người ký cái văn bản đó cũng tự làm mất uy tín của mình đối với văn nghệ sĩ và đồng bào cả nước.

Anh em ở đây ủng hộ việc làm của các anh. Riêng tôi đánh gía đó là việc làm đầy nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm. Cả hai vấn đề các anh đề xuất đều có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động VHNT. Chẳng sớm thì muộn, người ta phải chấp nhận yêu cầu đó. Đã là việc làm đúng, các anh đừng ngán gì cả. Bạn bè ở bên các anh. Nếu có sai thì chính là ở chỗ các anh chưa biết chọn mặt mà gửi vàng. Như là quy luật của sự phát triển. bất cứ Hội VN mạnh nào cũng ngày càng độc lập với tuyên huấn, và cấp uỷ. Các anh chọn Đaklak để truyền đạo là sai lầm. Khi chưa bám vào đất thì cái cây này làm sao mà đứng thẳng trên gốc rễ của mình được. Mà thôi, cũng đừng trách họ….Mấy lời bổ bả thăm hỏi, mong góp với các anh tiếng nói ủng hộ của người cùng hội cùng thuyền.

Chúc các anh vững và sống khoẻ

Thân

Hà Văn Thuỳ

(Theo tinh thần của thư này, lúc đó anh Hà văn Thuỳ chỉ mới được nghe công văn của ông Cù Huy cận, qua đó chưa hiểu rõ toàn bộ chuyến đi của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng, tưởng đoàn Văn nghệ Lâm Đồng chỉ làm việc với Văn Nghệ Đaklak)

Tư liệu 12

Kính gửi:

– Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương

– Uỷ ban Trung ương Liên hiệp VHNT Việt Nam

– Hội Nhà văn Việt Nam

– Hội Nhà báo Việt Nam

– Báo Nhân Dân, Báo Văn nghệ TW

– Các hội văn nghệ các tỉnh, thành

– Ông Bùi Minh Quốc

Kính thưa các cơ quan và các đồng chí,

Vừa qua, có một công văn mang số 72/ĐCT đề ngày 25-11-1988 của UBTƯ LHVHNT Việt Nam do ông Cù Huy Cận ký tên, gửi riêng cho các đồng chí chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, thành trong cả nước.

Thưa các đồng chí! Là một người hoạt động trong giới văn nghệ, được xem qua và nghiên cứu kỹ công văn trên, tôi thấy có nhiều điểm cần phải lên tiếng với bạn bè đồng nghiệp và với các cơ quan có chức năng gần gũi với ngành nghề của mình. Tôi xin đặt ra những vấn đề sau đây:

1. Do có một báo cáo của Ban Tuyên giáo Đaklak (cho ai biết, không rõ), ông Bùi Minh Quốc ở Hội Văn nghệ Lâm Đồng đến tỉnh Đaklak “vận động” Hội Văn nghệ Đaklak và giới sáng tác hai vấn đề… (nội dung ở điều a và b trong công văn) cho nên UBTƯLHVHNT Việt Nam mới thảo ra công văn ấy. Tôi xin hỏi: ông Bùi Minh Quốc là ai mà làm cho UBLHVHNTVN lo lắng đến phải cử ông Cù Huy Cận thảo một công văn có hàm ý dặn dò và răn đe chúng tôi trong cả nước vậy? Tôi không lầm, ông Bùi Minh Quốc là một đảng viên cộng sản, đã và đang hoạt động văn nghệ của Đảng ta, ông là một con người có cống hiến tài năng và xương máu của mình cho ngành, người trong và cả ngoài nước cũng biết. Trong giai đoạn Đảng ta đề ra việc đổi mới, cải tổ những lạc hậu, bảo thủ, bao cấp trong văn nghệ, ông Bùi Minh Quốc có suy nghĩ một số “cái mới” của mình về một số sự kiện, cũng như cơ chế văn nghệ, có dịp ông đưa ra tham khảo với một số bạn bè, đồng chí thì có gì là quá đáng? Hơn nữa tỉnh uỷ và Văn nghệ Đaklak có ủng hộ hay phản đối thì tuỳ, vì ở đâu cũng có tổ chức, có đảng bộ, không ai ngây thơ gì mà nghe theo Bùi Minh Quốc (tôi nói thí dụ) đi chống lại chủ nghĩa xã hội. Điều này ông Cù Huy Cận thò vòi ra vén ví người ta một cách thô bạo quá không nên, tôi e ông Cận đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân! Cách nay hàng ngàn năm, thời Lý, Chúa phong kiến còn treo trống trước ngọ môn để cho thường dân có điều cần, đến gióng lên và được vào đối thoại với vua nữa là, huống chi bây giờ dưới chế độ dân chủ hoá, công khai hoá của Đảng ta?

2. Ở đoạn đầu, phần 1, công văn viết: “Mỗi hội văn nghệ địa phương, về các mặt tổ chức, chỉ hoạt động trong địa phương mình… Còn cá nhân hội viên nào có ý kiến thì phát biểu trong tổ chức của hội mình” ông Cận bó bao lãnh địa văn nghệ sĩ chi hẹp hòi quá vậy? Như thế thì vấn đề giao lưu, tham quan, tham khảo, trao đổi, hợp tác, hợp đồng trong nghề nghiệp phải làm sao? Một công dân Việt Nam hoạt động văn nghệ bị mất quyền lợi giao lưu dân tộc như thế thì nói chi đến giao lưu quốc tế?

3. Ở đoạn đầu, phần II, công văn viết: “Mỗi hội viên địa phương không được can thiệp vào công việc nội bộ của hội khác (kể cả Hội Văn học Nghệ thuật Toàn Quốc)”. Điều này ông Cận đặt ra đầy mâu thuẫn. Một là: đa số các hội viên của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương hiện nay hoạt động ở các Hội văn nghệ địa phương, các cơ quan, đơn vị cơ sở… Như vậy, cái “Hội Toàn Quốc” đó là của ai? Ở đâu? Chẳng lẽ của mấy người có biên chế tại trụ sở đóng tại Hà Nội đó muốn làm gì thì làm, không ai được quyền nói tới? Vậy thì cái chữ “ Liên hiệp” trong con dấu của ông Cận để làm gì? Hai là, giả sử như có một bạn đồng nghiệp ở một nơi nào đó bị ức hiếp, chúng tôi không được quyền lên tiếng bênh vực cho lẽ phải nữa ư?

Kính thưa các đồng chí, nhân danh cá nhân tôi nhận xét, cái công văn mang số 72/ĐCT của ông Cù Huy Cận ấy có mang một tính chất cửa quyền, quan liêu, bảo thủ, bao cấp trầm trọng. Nó xúc phạm rất nặng trên nhiều phương diện đối với các Hội văn học nghệ thuật ở các địa phương của chúng tôi. Yêu cầu các đồng chí nghiên cứu lại nội dung cái công văn ấy.

Thân ái kính chào đoàn kết!

Rạch Giá, ngày 12-12-1988

Nguyễn Anh Động

(Hội viên Hội Nhà văn VN, đang công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang)

(Nguyễn Anh Động viết thư này lúc mới nhận được công văn của UBTƯLHVHNTVN, chưa hiểu rõ chuyến đi của đoàn Văn nghệ Lâm Đồng)

Tư liệu 13

Đảng Cộng sản Việt Nam

Tỉnh uỷ Lâm Đồng

Số: 52CV/TƯ

Đà Lạt, ngày 22 tháng 12 năm 1989

Kính gởi: Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Trong tháng 11 và 12, đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự – đại diện Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã có một số hoạt động ở các tỉnh miền Trung, không được các địa phương đồng tình và báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cơ quan lãnh đạo công tác văn hoá văn nghệ Trung ương.

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu đồng chí Bùi Minh Quốc, Bảo Cự làm báo cáo kiểm điểm đầy đủ toàn bộ hoạt động ở các tỉnh Miền Trung nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng đồng chí trong chuyến đi vừa qua.

I. Nội dung báo cáo cần làm rõ những vấn đề sau:

1. Xuất phát từ quan điểm tư tưởng nào để tiến hành các hoạt động đó.

2. Những việc làm đó là chủ trương của tập thể Thường trực Hội Văn nghệ, Ban Chấp hành Hội hay chỉ là ý kiến của một số cá nhân trong Ban Chấp hành Hội.

3. Cách làm của các đồng chí trong Thường trực Hội Văn nghệ ở các tỉnh miền Trung đã phù hợp với tình hình hiện nay chưa, và đã cần thiết phải làm như vậy không?

4. Tại sao những việc làm không bình thường như vậy mà các đồng chí không xin ý kiến lãnh đạo Tỉnh và tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng của Tỉnh? Xác định rõ trách nhiệm của hai đồng chí là Đảng viên được Đảng phân công phụ trách Hội Văn nghệ trong vấn đề này.

5. Vì sao khi đến các địa phương không báo cáo xin phép lãnh đạo các địa phương để gây nên sự phản ứng của các Tỉnh?

6. Việc sử dụng kinh phí vào chuyến đi này đã hợp lý chưa?

II. Cách Làm

Ngoài phần kiểm điểm chung, có kiểm diểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân hai đồng chí. Các bản kiểm điểm đều viết thành văn bản gởi trước cho Thường Trực, trình bày trước tập thể Ban Chấp hành Hội Văn Nghệ, có sự tham gia của các cơ quan chức năng để tham gia góp ý.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao trách nhiệm cho đồng chí Trần Mạnh Cừ, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ và Ban Thường vụ Đảng uỷ Dân chính Đảng theo dõi giúp đỡ Hội Văn Nghệ và đồng chí Bùi Minh Quốc, Bảo Cự thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Thời gian hoàn thành việc họp Ban Chấp hành Hội để nghe đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự báo cáo phải xong trước ngày 15 tháng 1 năm 1989.

TM Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Phó Bí thư

Nguyễn Duy Anh

(Ký tên và đóng dấu)

Nơi nhận:

– Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng

– Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

– Thường vụ Đảng uỷ Dân chính Đảng

– Thường trực UBND Tỉnh

– Lưu văn phòng Tỉnh uỷ

Tư liệu 14

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Số 90/VN

Đà Lạt, ngày 24 tháng 12 năm 1988

Báo cáo về chuyến đi công tác của Ban Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng trong tháng 11 và 12/ 88

(Trích)

…….

Về các việc nêu trên, qua ý kiến của Ban Bí thư TW Đảng (trong điện gửi đi các tỉnh, thành uỷ), công văn số 72/ĐCT của UBTW Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo ở các cơ quan TW, ý kiến của một số tỉnh uỷ đối với Tỉnh uỷ Lâm Đồng về chuyến đi của đoàn Hội Văn nghệ Lâm Đồng và yêu cầu báo cáo kiểm điểm cụ thể của Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng theo công văn 52/CV/TƯ ngày 22-12-88, chúng tôi xin nói rõ thêm và bày tỏ quan điểm của mình như sau:

1. Những việc làm trên đây xuất phát từ quan điểm, tư tưởng nào?

Từ bức xúc riêng của Hội Văn nghệ Lâm Đồng không được tiếp tục cấp giấy phép xuất bản tạp chí Langbian (sau khi đã xuất bản được 3 số) đến bức xúc chung của các hội văn nghệ địa phương về các mặt tổ chức, kinh phí hoạt động, nhất là quyền ra báo, tạp chí và xuất bản, đồng thời với tinh thần trách nhiệm công dân trước cuộc đấu tranh cho đổi mới theo tinh thần nghị quyết của Đảng, chúng tôi tự thấy phải nhập cuộc để góp phần vào sự nghiệp chung.

Chúng tôi đã suy nghĩ và hoạt động với nhận thức rõ rệt và tinh thần trách nhiệm đầy đủ của người đảng viên Cộng Sản, người công dân và người sáng tác trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng và đối với vận mệnh của đất nước nói chung.

2. Việc làm trên là chủ trương của tập thể hay chỉ là ý kiến của một vài người.đã xin ý kiến của lãnh đạo chưa?

Trong kế hạoch quý IV/1988 mà BCH Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã họp thông qua ngày 19-10-88, ngoài những nội dung khác, có ghi rõ điểm 4 như sau:

“Tổ chức toạ đàm đóng góp xây dựng tạp chí Langbian. Trực tiếp ra Hà Nội để xin giấy phép và xuất bản tạp chí Langbian số 4. Nếu cần thiết, bằng mọi cách hợp pháp và công khai đấu tranh cho yêu cầu chính đáng này của Hội Văn nghệ Lâm Đồng cũng như của các hội bạn”.

Văn bản về kế hoạch này đã gửi báo cáo cho Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực UBND Tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng.

Trước chuyến đi công tác, Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã làm việc với đồng chí Nguyễn Duy Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lâm đồng về công việc của Hội trong đó có mục đích yêu cầu của chuyến đi (Buổi làm việc ngày 31-10-1988) và có văn bản báo cáo Thường trực UBND Tỉnh Lâm Đồng để xin xe và xăng đi công tác, được TT UBND Tỉnh chấp thuận. Ngày 3-11-1988 cơ quan Hội Văn nghệ đã họp toàn thể cơ quan để phân công và chuẩn bị các mặt cho chuyến đi.

Trong quá trình làm việc với các hội bạn và gặp gỡ đồng nghiệp ở các tỉnh bạn có một số vấn đề cụ thể phát sinh như làm kiến nghị, ra tuyên bố, tham dự toạ đàm, nói chuyện và đọc thơ… tinh thần và nội dung cũng không ngoài mục tiêu chung đã đề ra. Chúng tôi tham gia những việc đó với trách nhiệm đại diện cho Hội Văn nghệ Lâm Đồng và với tư cách cá nhân, hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình, không thể nhất thiết một việc cụ thể nào cũng xin ý kiến của lãnh đạo được khi không có điều kiện.

3. Cách làm như trên đã cần thiết chưa, có bình thường không, có gây ra tình hình phức tạp không?

Cách làm như trên là cần thiết

Những kiến nghị, yêu cầu về các quyền cơ bản của các Hội Văn nghệ, việc bày tỏ thái độ đối với việc tuần báo Văn nghệ đã được đề xuất, công bố nhiều lần nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm của địa phương và Trung Ương trả lời, giải quyết. Cụ thể:

a. Trong năm 1987 và 1988, các văn bản của Hội Văn nghệ Lâm Đồng gửi Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan Trung ương về tổ chức, kinh phí, hoạt động của Hội.

b. Kiến nghị của BCH Hội Văn nghệ Lâm Đồng, Ban Biên Tập tạp chí Langbian và văn nghệ sĩ Lâm Đồng về vụ tuần báo Văn Nghệ ngày 14-10-1988.

c. Kiến nghị của 7 tạp chí văn nghệ miền Trung về việc cấp giấy phép cho tạp chí và quyền xuất bản tháng 3-1988.

d. Phản ứng của văn nghệ sĩ và công chúng cả nước về vụ tuần báo Văn Nghệ đã đăng tải trên các báo chí.

Do những biện pháp nêu trên đã không có hiệu lực, không được chú ý nên phải có những biện pháp tích cực hơn và cũng là những biện pháp bình thường của quá trình dân chủ hoá.

Bình thường và không bình thường

Trong một xã hội có dân chủ thực sự, người công dân tự do phát biểu chính kiến của mình về mọi vấn đề là điều bình thường.

Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam điều 67 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và nhân dân”.

Đáng lẽ thực hiện đúng Hiến pháp là điều bình thường nhưng trong thực tế của ta hiện nay lại ngược lại, không thực hiện theo Hiến pháp là bình thường, đòi thực hiện quyền theo Hiến pháp là không bình thường.

Như thế, cách làm của chúng tôi chỉ là những biện pháp bình thường trong quá trình đẩy mạnh dân chủ hoá hiện nay.

Gây ra tình hình phúc tạp

Tình hình đất nước ta hiện nay rất phức tạp. Ai cũng thấy điều đó. Bất cứ đảng viên và công dân nào có lo âu cho vận nước đều thấy đau lòng trước cơn khủng hoảng hiện nay và nghĩ đến trách nhiệm của mình.

Ai, cái gì đã gây ra tình hình phức tạp? Không phải vì nông dân đòi ruộng đất, văn nghệ sĩ đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do báo chí và xuất bản gây ra tình hình phức tạp mà chính là vì có kẻ đã lợi dụng danh nghĩa Đảng và Nhà nước cướp ruộng đất của nông dân, chụp mũ chính trị lên đầu văn nghệ sĩ; chính là vì kỷ cương quá buông lỏng mà nghiêm trọng nhất là trong nhiều trường hợp chính các cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm luật mà không bị xử lý thích đáng; chính là vì nghị quyết đúng đắn của Đảng không được thực hiện; chính là vì trong bộ máy của Đảng và Nhà Nước còn có những kẻ luôn nhân danh Đảng nhưng hoàn toàn làm trái ngược nghị quyết của Đảng, không muốn thực hiện đúng nghị quyết của Đảng vì sợ mất đặc quyền đặc lợi hoặc vì thiếu năng lực thực hiện nghị quyết của Đảng.

Không thể lấy lý do sợ gây ra tình hình phức tạp để ngăn chặn, trấn áp, chụp mũ những người đấu tranh cho công lý, đấu tranh thực hiện nghị quyết của Đảng.

Nếu sự bất bình chính đáng của quần chúng không được bộc lộ ra thì sự bình yên gỉa tạo bên ngoài với làn sóng ngầm ghê gớm bên trong còn nguy hiểm hơn nhiều. Khi nó bộc phát ra, đó là thảm hoạ của chế độ và đất nước.

Kẻ địch có thể lợi dụng tình hình phúc tạp để xuyên tạc, kích động phá hoại ta không? Kẻ địch luôn luôn phá hoại ta bằng mọi cách và cái gì cũng có thể xuyên tạc được, kể cả những gì thiêng liêng nhất.

Các cơ quan có trách nhiệm và nhân dân phải cảnh giác vạch mặt và trừng trị chúng nhưng đừng thấy ai cũng là địch. Hiện nay có những kẻ phá hoại lòng tin, phá hoại chủ nghĩa xã hội còn hơn địch, đó là những kẻ nhân danh Đảng, nhưng hoàn toàn làm trái những nghị quyết đúng đắn của Đảng. Phải vạch mặt và chống lại chúng như chống lại kẻ địch.

4. Việc làm như trên có can thiệp vào tổ chức Hội khác, vượt ra ngoài lĩnh vực của mình không?

– Các hội văn nghệ địa phương nếu bàn bạc, cùng có ý kiến giải quyết những vấn đề chung của các hội thì không phải là can thiệp vào nội bộ của các Hội khác.

– Thế nào là can thiệp? Nếu can thiệp là bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề mình cho là trái đạo lý, trái luật pháp, trái nghị quyết của Đảng thì mọi người đều có quyền can thiệp vào bất cứ vấn đề gì, bất cứ tổ chức gì.

– Cả nước có ý kiến về trường hợp tuyển sinh Nguyễn Mạnh Huy của Nghĩa Bình.

– Cả nước có ý kiến về vụ BCH Nhà văn và tuần báo Văn nghệ ( đã có và hẳn sẽ tiếp tục có nữa về việc Ban Thư ký Hội Nhà văn mới cách chức tổng biên tập Nguyên Ngọc).

Các nhà khoa học được giải Nô-ben ở Châu Âu có ý kiến về giải pháp chính trị ở Kampuchia, không chấp nhận bọn Khơmer Đỏ trở lại cầm quyền.

Bất cứ cơ quan nào của Đảng và Nhà nước, đoàn thể nếu làm sai nhân dân đều có quyền có ý kiến.

– Người hoạt động văn học nghệ thuật không phải chỉ biết có hoạt động trên lĩnh vực này mà với tư cách công dân, với lương tri của người nghệ sĩ chân chính phải có thái độ và trách nhiệm đối với mọi việc trên đất nước này, trên cả hành tinh này. Ai có quyền cấm văn nghệ sĩ tham gia hoạt động xã hội, chính trị? Văn nghệ sĩ nếu chỉ muốn sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật vĩnh cửu nhưng làm ngơ trước nỗi bất hạnh của người chung quanh mình, bàng quan trước số phận đau thương của dân tộc mình thì bản thân anh ta và tác phẩm của anh ta nhất định không đáng gía một xu.

5. Việc làm trên có tính chất vận động bè phái, vận động chính trị không?

Chúng tôi không chủ trương vận động vì đại biểu các hội văn nghệ bạn, các cá nhân trong đó có các Hội thành lập lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, các nhà hoạt động văn học nghệ thuật có uy tín, trình độ cao, khi đặt bút ký vào các kiến nghị, tuyên bố có đủ sáng suốt và trách nhiệm về việc làm của mình. Nói vận động là làm tổn thương đến họ.

– Nếu cần thiết phải vận động làm việc gì tốt đẹp thì cũng phải vận động. Đảng viên phải vận động quần chúng làm cách mạng. Đảng mở cuộc vận động làm trong sạch bộ máy của Đảng và các cơ quan Nhà Nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

– Vận động làm điều tốt, vận động để thực hiện các nghị quyết của Đảng không phải là bè phái. Bè phái là bọn xấu câu kết lại để mưu lợi riêng. Những người tốt liên minh lại để chống cái xấu không phải là bè phái.

– Hiểu theo nghĩa rộng của từ chính trị thì không ai thoát ra khỏi các hoạt động chính trị. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là một sinh hoạt chính trị lớn mọi người đều có trách nhiệm tham dự. Cuộc vận động làm trong sạch Đảng là một cuộc vận động chính trị mọi đảng viên và quần chúng đều phải tích cực tham gia.

6. Việc làm trên có vi phạm ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên không?

– Trong Điều lệ Đảng và các qui định khác của Đảng không có điều nào cấm đảng viên thực hiện quyền công dân của mình. Chúng tôi đã làm mọi việc với tinh thần đảng viên và trách nhiệm công dân.

– Đảng viên không phải chỉ có biết chấp hành và phục tùng. Đảng viên phải đóng góp trí tuệ cho Đảng. Đảng viên phải biết sáng tạo, có sáng kiến, có dũng khí, biết vận dụng linh hoạt nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống chứ không phải chỉ biết đợi chỉ thị từ trên đưa xuống.

– Nếu một Đảng chỉ gồm những đảng viên thụ động, chỉ biết máy móc chờ đợi lệnh trên thì đảng đó không bao giờ lãnh đạo xã hội được. Đảng ta trước đã không như thế, hiện nay và sau này cũng sẽ không bao giờ như thế cả.

– Có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng đã được tổng kết, rút ra từ các hoạt động sáng tạo của cơ sở. Cơ sở là thực tiễn cuộc sống sinh động. Đảng phải chứng nghiệm sự đúng đắn của mình trong cuộc sống chứ không thể việc gì cũng tự cho mình đúng đắn. Chủ trương khoán trong nông nghiệp hay giao quyền tự chủ trong các đơn vị sản xuất kinh doanh là những thí dụ điển hình. Không phải cứ cái gì Đảng cấp trên không nói là cấp dưới, đảng viên không được làm.

7. Vấn đề một vài Ban Tuyên huấn, cấp uỷ các tỉnh không đồng tình:

– Chúng tôi chưa được thông báo đầy đủ, rõ ràng về sự không đồng tình này. Tuy nhiên sự không đồng tình này có thể xảy ra vì thông tin không đầy đủ và chính xác, hoạt động của chúng tôi bị xuyên tạc, hoặc vì quan điểm nhận thức vấn đề khác nhau. Sự khác biệt trong nhận thức về những vần đề mới nảy sinh trong công cuộc đổi mới hiện nay là điều bình thường. Công khai tranh luận làm rõ đúng sai là thể hiện tinh thần dân chủ thực sự của công cuộc đổi mới.

– Trong hành trình đi qua các tỉnh, chúng tôi không hề chính thức làm việc với Ban Tuyên giáo hay với cấp uỷ các tỉnh mà chỉ làm việc với các hội văn nghệ bạn. Những sinh hoạt khác do các Hội văn nghệ hoặc các cơ quan văn hoá văn nghệ ở địa phương tổ chức. Chúng tôi chịu trách nhiệm về việc làm của mình và nếu cần báo cáo xin ý kiến lãnh đạo của địa phương thì đó là trách nhiệm của các cơ quan đứng ra tổ chức ở địa phương chứ không phải trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi cũng chưa hề nghe ai trực tiếp phản đối khi chúng tôi tham gia sinh hoạt ở các địa phương mà chỉ có sự đồng tình, kể cả các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên Huấn các tỉnh mà chúng tôi đã gặp, trao đổi như các đồng chí Châu Khắc Chương ở Đaklak, Kim Tấn ở Gia Lai-KonTum, Bằng Tín ở Phú Khánh.

– Sau khi chúng tôi đi qua, một vài địa phương đã có báo cáo, đánh giá khác đi nhưng không hề trao đổi lại với chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng có nơi đã báo cáo tình hình không chính xác, không trung thực, tạo ra một sự báo động giả đối với Ban Bí thư Trung ương. Đáng chú ý là ở Đaklak, kể cả khi cử đồng chí Tám, Phó Ban Tuyên huấn Đaklak sang trao đổi với Tỉnh uỷ Lâm Đồng (đồng chí Tám là người chúng tôi chưa hề tiếp xúc trong mấy ngày ở Đaklak).

Có ý kiến báo cáo rằng việc tổ chức sinh hoạt tại quán Nhớ là do chúng tôi có quan hệ móc nối tổ chức, trong khi thực tế trước đó chúng tôi không hề biết gì và chương trình sinh hoạt nội dung tưởng niệm Thanh Tịnh đã chuẩn bị trước như phần trình bày ở trên.

Thường trực Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Đaklak không hề yêu cầu chúng tôi điều gì như “không đưa nội dung ra cho anh chị em sáng tác, công chúng…”

Ở Nghĩa Bình, trong chuyến về, chúng tôi có đến chính thức làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghĩa Bình (cụ thể làm việc với đồng chí Lang, phó Ban Trực và đồng chí Hiểu, phó Ban Phụ trách Huấn học). Chúng tôi đã tranh luận với hai đồng chí này về quan điểm, nhận thức, phương pháp và có lưu ý các đồng chí về việc trước đó, khi nắm tình hình và đánh gía, Ban Tuyên Giáo có tổ chức họp liên tịch nhưng chỉ nghe ý kiến một phía, trong khi đối với những người chúng tôi tiếp xúc nhiều hơn như các đồng chí Thanh Thảo, Từ Quốc Hoài, Vũ Ngọc Liễn ở Hội văn Nghệ Nghĩa Bình và những người ký tên vào bản tuyên bố lại không được hỏi ý kiến.

Chúng tôi có đề nghị Ban Tuyên giáo nêu vấn đề này công khai trên báo Nghĩa Bình để công luận phán xét.

8. Trong khi Hội Văn Nghệ kinh phí khó khăn, việc tổ chức đi, sử dụng xăng xe như thế có hợp lý không?

Hội Văn nghệ Lâm Đồng là một hội sinh sau đẻ muộn (mới Đại hội đầu năm 1988), là một trong những hội văn nghệ khó khăn nhất nước! Đi tới đâu, nhìn cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, bộ máy tổ chức của các hội bạn mà chúng tôi phát thèm.

Tuy nhiên vì yêu cầu bức xúc của Hội và yêu cầu chung của các hội, chúng tôi phải tổ chức chuyến đi này. Chi phí chúng tôi sử dụng theo quy định của Nhà nước và của Hội. Chuyến đi của chúng tôi đã vượt qua chặng đường gần 6000km, thời gian gần 1 tháng rưỡi. Đi đến đâu chúng tôi cũng được đồng nghiệp đồng chí và đồng bào ủng hộ, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất với tất cả tấm lòng yêu thương, nhiệt tình và tâm huyết. Không có điều kiện đó, chúng tôi không thể nào thực hiện được chuyến đi đầy cam go như chuyến đi vừa qua.

9. Nói thêm về nhà thơ Hữu Loan:

Trong chuyến đi của chúng tôi có nhà thơ Hữu Loan cùng đi. Chưa ai nói chính thức nhưng chúng tôi có cảm giác rằng nhà thơ Hữu Loan cũng thành một vấn đề đối với một số người. Chúng tôi mới chỉ gặp Hữu Loan lần đầu trong tháng 1-1988 khi tình cờ anh đến Đà Lạt và dự Đại hội thành lập Văn nghệ Lâm Đồng. Sau đó qua thời gian ở Đà Lạt sáng tác anh gắn bó nhiều với Hội Văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian.

Chúng tôi không biết trước kia anh can dự trong vụ án Nhân Văn như thế nào, nhưng với tư cách người viết và người đọc, chúng tôi hâm mộ nhiều bài thơ của Hữu Loan thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm đầu hoà bình lập lại ở miền Bắc. Mấy chục năm qua Hữu Loan im tiếng trên văn đàn. Công cuộc đổi mới đất nước khởi đầu từ Đại hội Đảng làn thứ VI đã đưa Hữu Loan trở lại với văn đàn, với đồng nghiệp, với công chúng. Qua tiếp xúc trực tiếp với Hữu Loan dù chỉ mới thời gian ngắn, ngoài lòng hâm mộ tác phẩm, chúng tôi còn rất quý trọng nhân cách của anh. Khi chúng tôi đi công tác các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (tháng 9-1988) và các tỉnh miền Trung, trước lời ngỏ ý của anh muốn cùng đi để có dịp thăm đất nước sau 30 năm chưa đi đâu ra khỏi huyện nhà, chúng tôi tự thấy có trách nhiệm, với tư cách là người đại diện một tổ chức văn nghệ, phải tạo điều kiện để đáp lại nguyện vọng rất chính đáng và cũng rất đơn sơ đó. Qua chuyến đi, chúng tôi càng tận mắt chúng kiến sự hâm mộ, quý trọng của đồng nghiệp và công chúng đối với anh.

Anh đã nói chuyện, trả lời các câu hỏi của đồng nghiệp và công chúng, đã đọc thơ, những bài thơ trước kia và những bài thơ sáng tác trong mấy năm gần đây, theo yêu cầu của đồng nghiệp và công chúng tại những buổi gặp gỡ mà các cơ quan đoàn thể sở tại tổ chức.

Anh là một nhà thơ, một công dân, đương nhiên anh hoàn toàn ý thức được quyền và trách nhiệm của một nghệ sĩ, một công dân, và chịu trách nhiệm về thơ và những điều mình nói, trước pháp luật và công luận.

Cuối cùng, có thể chốt lại các vấn đề như sau:

1. Các văn bản, kiến nghị chung được ký kết tay đôi hoặc tay ba như đã trình bày là kết quả của sự trao đổi, bàn bạc bình đẳng, cởi mở, nghiêm túc và đầy trách nhiệm giữa các đại diện các Hội, các tạp chí văn nghệ địa phương, chứ không hề là kết quả của một sự vận động nào. Nói rằng do có sự vận động mà đại diện các Hội, các tạp chí nêu trên đã ký kiến nghị là một sự xúc phạm đối với các đại diện đó. (Mặt khác trên cơ sở đổi mới tư duy, cũng cần phải quan niệm đúng về sự vận động, nếu vận động để đòi các nghị quyết đúng đắn của Đảng được đảm bảo thực hiện thì việc đó chỉ có lợi cho Đảng).

Nội dung các văn bản đã cho thấy rõ ở đây không hế có vấn đề Hội này can thiệp vào nội bộ Hội khác, không hề có vấn đề các Hội văn nghệ địa phương can thiệp vào nội bộ các Hội ở Trung Ương.

2. Việc các cá nhân hoạt động văn học nghệ thuật, yêu thích văn học nghệ thuật và hưởng ứng đổi mới ký tên vào một bản tuyên bố do mọi người cùng suy nghĩ và soạn thảo về những vấn đề trong đời sống văn học nghệ thuật và xã hội, chính trị của đất nước đã thể hiện rõ sự giác ngộ trách nhiệm công dân của họ. Đây là một việc làm bình thường trong các quyền công dân đã được Hiến pháp thừa nhận tất yếu phải nảy sinh trong quá trình dân chủ hoá. Điều không bình thường là lâu nay các quyền đó chỉ tồn tại trên giấy chứ không được vận hành trong thực tế. Khi các nghệ sĩ, các công dân với sự suy nghĩ độc lập đã hạ bút ký tên để nói lên ý kiến của mình như vậy, chứng tỏ họ đã bắt đầu dám tự mình thoát ra khỏi nỗi sợ một cái gì đó vô hình treo lơ lửng trên đầu, tự mình cởi sợi dây trói mà gần đây các nghị quyết đúng đắn của Đảng đã cởi cho họ. Nói rằng do ai đó vận động có tính bè phái mà những người ấy ký tên là xúc phạm họ. Đây chính là một trong những dấu hiệu tốt bước đầu đổi mới, là sự phát huy tính tích cực chủ động của quần chúng hết sức cần thiết cho đổi mới. Mọi người đều rõ rằng bệnh độc đoán chuyên quyền, vi phạm dân chủ, bệnh dân chủ hình thức bao giờ cũng tồn tại và sinh sôi trên mảnh đất của tâm lý thụ động trông chờ dân chủ của quần chúng. Không thể có dân chủ hoá xã hội nếu quần chúng không tự mình thoát ra khỏi tình trạng thụ động. Khi quần chúng đã ý thức được rằng phải hành động để giành lấy các quyền đã được Hiến Pháp thừa nhận chứ không ngồi chờ sự ban phát các quyền ấy, tự nhiên sẽ nảy sinh những hình thức hợp hiến phong phú của cuộc đấu tranh cho đổi mới. Có ý kiến cho rằng làm như thế tình hình sẽ phức tạp. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân khiến cho tình hình phức tạp là do các nghị quyết đúng đắn của Đảng không được thể chế hoá kịp thời và tương xứng, thậm chí những thể chế cũ quá lạc hậu vẫn tồn tại, là công tác tổ chức công tác cán bộ – mắt xích quan trọng nhất – chậm được đổi mới, là tình trạng đổi mới nửa vời, nói và làm không đi đôi.

Cũng từ sự khác nhau về quan điểm này mà có ý kiến khác nhau về cách làm. Thiết tưởng không nên độc quyền áp đặt một cách làm duy nhất. Rõ ràng quá trình dân chủ hoá đang đòi hỏi tiến hành công tác thăm dò dư luận trực tiếp công khai định kỳ để mỗi người dân nói lên ý kiến của mình về mọi vấn đề.

Lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Dân chủ nhưng phải có lãnh đạo, tích cực đổi mới nhưng phải có quản lý và kỷ luật”, cần phải được hiểu theo quan điểm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cán bộ và đổi mới phong cách mà Đại Hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định. Chỉ có sự lãnh đạo được đổi mới và nâng cao, khắc phục triệt để bệnh độc đoán, chuyên quyền, tư tưởng và tác phong “đảng trị”, chỉ có đổi mới tổ chức, đổi mới cách lựa chọn cán bộ lãnh đạo, nới đảm bảo được dân chủ thực sự. Chỉ có đổi mới được cơ chế quản lý, phương pháp quản lý, con người quản lý đúng với yêu cầu đổi mới và sự thống nhất giữa kỷ luật và pháp luật mới có dân chủ thực sự. Ý kiến đa số trong hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cuối tháng 11-1988 vừa qua về việc muời mấy Tổng Biên Tập các tờ báo tích cực đổi mới lần lượt “ra đi” dưới hình thức này hay hình thức khác là một tiếng chuông cảnh tỉnh về công tác cán bộ không thể bỏ ngoài tai. Phải chăng đây là một sự đe doạ ngầm đối với những ai thực sự dấn thân cho công cuộc đổi mới? Những dữ kiện đại loại như thế không thể không tiếp tục làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào quyết tâm đổi mới của TW, và ai sẽ phải chịu trách nhiệmvề sự giảm sút lòng tin đó?

Việc đồng chí Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương công bố bức điện mật của Ban Bí thư gửi các Tỉnh uỷ, Thành uỷ (không gửi Hội Nhà báo) về vấn đề chuyến đi của Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng tại Hội nghị BCH Hội Nhà Báo là một việc làm vô nguyên tắc nhằm dụng ý gì? Vì sao khi có một uỷ viên BCH Hội Nhà báo đã ghi âm việc này thì đồng chí Trần Trọng Tân lại yêu cầu xin lại cuốn băng đó? Có gì khuất tất ở đây?

Trên báo Nhân dân ngày 23-12-1988 đồng chí Trần Trọng Tân đã đưa ra nhận xét có tính qui kết đối với hoạt động của cái mà đồng chí gọi là “nhóm người trong Hội Văn Nghệ Lâm Đồng”, sẽ không khỏi gây thắc mắc và hiểu lầm tai hại trong anh chị em hội viên Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và bạn đọc cả nước.

Chúng tôi yêu cầu được công bố toàn bộ văn bản này trên Báo Đảng và các báo khác để đồng chí Trần Trọng Tân chính thức viết bài nhận xét và chúng tôi sẽ cùng đồng chí đối thoại trên báo.

Những điều chúng tôi trình bày trên đây không phải chỉ là ý kiên riêng của chúng tôi mà là tập hợp ý kiến của đông đảo anh chị em văn nghệ sĩ tâm huyết ở khắp nơi mà chúng tôi đã gặp gỡ.

Vấn đề chúng tôi nêu ra, việc của chúng tôi làm, cách xử lý của Tỉnh uỷ Lâm Đồng theo chỉ thị của Ban Bí thư sẽ không phải chỉ là vấn đề của riêng chúng tôi, của riêng Lâm Đồng, mà là của cả nước. Anh chị em văn nghệ và công chúng cả nước hẳn đang theo dõi diễn tiến của tình hình để có thái độ.

Chúng tôi đòi hỏi được đặt toàn bộ việc làm trong chuyến đi vừa qua của mình trước sự xem xét của công luận, với niềm tin sâu sắc rằng mình đã hành động đúng tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, đúng Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, với tấm lòng, lương tri của người Cộng Sản, một công dân lương thiện bình thường, và sẽ được ghi nhận như một dấu hiệu tích cực góp vào quá trình dân chủ hoá xã hội đang diễn ra không đơn giản.

Bảo Cự

Uỷ viên Thường vụ Trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Bùi Minh Quốc

Chủ tịch Hội Văn nghệ Lâm Đồng

Comments are closed.