Lê Tuấn
(VNTB) – Nước Nga – vốn được tuyên bố là Liên bang Dân chủ, từ giã con đường XHCN để đi vào con đường TBCN, đặc biệt sau Hiến pháp năm 1993. Nhưng đến nay, lá cờ dân chủ vẫn bị bó buộc bởi chủ nghĩa Putin, biến nước Nga trở thành một nước dân chủ phi tự do. Và XHDS Nga đã có một cuộc chiến lâu dài từ bên trong đất nước của mình.
Hành trình xây dựng XHDS nước Nga chính là bài học lớn về cách nhà nước đón nhận XHDS, thủ đoạn nhà nước đối với XHDS và cách tồn tại của các nhóm XHDS trong trạng thái bị đe dọa, phỉ báng, bắt bớ, giam cầm.
XHDS nước Nga ra đời trong thời kỳ biến chuyển của lịch sử
Mầm mống của XHDS Nga hiện nay ra đời vào tháng 8/1975, trong Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu, được tổ chức tại Helsinki. Lãnh đạo các nước châu Âu, Liên Xô, Hoa Kỳ và Canada đã tham gia Hội nghị và ký Văn kiện cuối cùng của hội nghị này, trong đó bao hàm các nghĩa vụ duy trì các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Nhà hoạt nhân quyền Yuri Orlov, Andrei Amalrik, Valentin Turchin và Anatoly Scharansky đã ra ý tưởng thành lập một tổ chức độc lập (phi chính phủ) nhằm giám sát việc thực hiện các điều nhân đạo (đã ký kết) của Hiệp ước Helsinki. Ngày 12/05/1976 tại một cuộc họp báo được tổ chức trong căn hộ của Viện sĩ Andrei Sakharov, Yuri Orlov công bố thành lập Moscow Helsinki Group (MHG).
MHG bắt đầu tiếp nhận thông tin phản ảnh các trường hợp cụ thể về hành vi xâm phạm quyền con người của các cơ quan chức năng Liên Xô như: tự do lựa chọn nơi cư trú; tự do rời khỏi đất nước; tự do lương tâm; quyền của các tù nhân chính trị; quyền của liên hệ của công dân; quyền được xét xử công bằng; và quyền lợi kinh tế-xã hội. Sau đó,MHG tổng hợp, ký tên và gửi đến Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao, các đại sứ quán ở Moscow, truyền thông.
Kết quả, báo chí Liên Xô đã bắt đầu một chiến dịch đe dọa và bôi nhọ đối với MHG, tiến tới bắt giữ các thành viên của MHG (02/1977), buộc các thành viên chủ chốt phải lưu vong nước ngoài. Và nhóm Helsinki tiếp tục bị đàn áp sau đó, theo phán quyết của tòa án Liên Xô, các thành viên MHG bị kết án tổng cộng 60 năm.
MHG đã gây sự chú ý với người dân Liên Xô lúc đó và là mối quan tâm của cộng đồng thế giới. Năm 1978, Thượng viện Hoa Kỳ đề cử giải Nobel Hòa bình cho các thành viên lãnh đạo (MHG) bị bắt; các câu hỏi về số phận của họ thường xuyên được đề cập bởi các nhân vật chính trị và công chúng của các nước dân chủ trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Liên Xô.
Những nỗ lực của MHG cũng được xem như là nỗ lực chung trong hình thành XHDS tại Nga. Đến năm 1993, MHG được công nhận là một tổ chức phi chính phủ, mở ra thời kỳ mới cho XHDS Nga. Cùng với nó là sự ra đời của tổ chức CAF-Nga (có trụ sở chính tại Anh) thành lập năm 1993; Trường Nhân quyền Moscow – hoạt động để “cải thiện tình trạng nhân quyền và XHDS ở Nga thông qua giáo dục công dân.” (1994)…
Sự bùng nổ các tổ chức XHDS đã đem lại không khí dân chủ mới, nhưng điều đó không ngăn nổi những u ám và khó khăn mà các hội đoàn dân sự tại nước này phải đối diện, khi họ muốn tăng cường tiếng nói dân chủ một cách có hiệu quả hơn trong hệ thống nhà nước. Trong đó, cung ứng dịch vụ xã hội, phản biện xã hội, giám sát tham nhũng và sự lũng đoạn quyền lực.
XHDS thời Putin: chặn đứng truyền thông tư nhân
Sự sụp đổ của Liên Xô đã mở ra một kỷ nguyên của tự do báo chí. Dù rằng, sự tự do có nhiều hạn chế, ví như đã dẫn đến sự tham nhũng bên trong hệ thống báo chí, các phương tiện truyền thông bị kiểm soát bởi những ông trùm kinh doanh và các đầu sỏ chính trị, nhưng dù sao nó vẫn còn sự cạnh tranh.
Khi Vladimir Putin lên nắm quyền, đã đặt dấu chấm hết cho tất cả. Putin tái lập sự độc quyền của chính phủ đối với các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng lưới truyền hình quốc gia, vốn là nguồn tin tức hàng đầu của cho phần lớn dân số. Một trong những hành động đầu tiên của ông tổng thống là tiếp quản đài truyền hình tư nhân lớn nhất (NTV), buộc chủ sở hữu tài phiệt, Vladimir Gusinsky, phải sống lưu vong; tiếp quản tạp chí tư nhân có lượng phát hành nhiều nhất, Itogi. Hãng tin nhà nước RIA Novosti – được biết đến với tính trung lập tương đối của nó – đã bị đóng cửa và trở thành Russia Today. Mạng truyền hình Dozhd rơi vào im lặng. Trong khi đó, các đài phát thanh độc lập Ekho Moskvy bị thay thế biên tập viên từng làm bên truyền thông nhà nước. Kết quả là giờ đây, gần như tất cả các tổ chức phương tiện truyền thông là hoặc nhà nước sở hữu hoặc xu hướng thân nhà nước.
Nga dưới thời Putin còn đi xa hơn thế, khi muốn kiểm soát hoàn toàn internet, là nơi duy nhất có thể được bày tỏ ý kiến một cách tự do, nơi có thể có tự do báo chí. Khống chế bởi yếu tố khủng bố (nhiều hay ít liên quan đến việc hạn chế các quyền tự do của công dân), chính quyền Putin tận dụng xóa bỏ các trang web độc lập mà không cần có quyết định của tòa án. Vào tháng 4/2014, dự luật chống khủng bố sửa đổi của Nga, công nhận blog thuộc hệ thống truyền thông nhưng cũng đồng thời cho phép các cơ quan an ninh nước này được truy tố blogger nếu họ xuất bản các nội dung đe dọa an ninh quốc gia. Nhưng thực tế, nó ra đời để bịt miệng những người bất đồng chính kiến trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Vladimir Putin.
Các động thái này được xem như một cuộc đàn áp trên phương tiện truyền thông độc lập và đặc biệt là internet – một nền tảng hỗ trợ cho những tiếng nói bất đồng quan điểm (bao hàm cả sự thảo luận chính trị) trong một đất nước mà nhà nước chiếm lĩnh các kênh sóng truyền hình. Phương tiện truyền thông xã hội và blog vì thế trở nên vô cùng “quan trọng” đối với XHDS của Nga. Cuộc biểu tình khổng lồ của Nga trong năm 2011-2012 về chống gian lận bầu cử chính là do các phương tiện truyền thông xã hội đặc biệt là mạng xã hội – Vkontakte, LiveJournal tổ chức.
Riêng Vkontakte, vốn là được ví như “facebook nước Nga”, được thành lập vào năm 2006 và thu hút 60 triệu người sử dụng hàng ngày, trong đó có các nhà hoạt động XHDS, đã bị chiếm quyền quản trị bởi nhà nước vào tháng 4/2014 thông qua một hợp đồng đầu cơ giữa những người đồng sáng lập VK và 1 tổ chức giả danh “XHDS”. Còn Pavel Durov – người sáng lập chính, phải chạy ra khỏi nước Nga vì từ chối không giao nạp cho Mật Vụ Nga một danh sách chi tiết các cá nhân có liên quan hoạt động trong phong trào Euromaidan (phong trào Hội nhập Liên Minh Châu Âu bắt nguồn từ cuộc biểu tình tháng 11 ở thủ đô Kie – Ukraine) ở nước Nga và Châu Âu.
Cơ quan giám sát Internet của Nga (Roskomnadzor) cũng đã chặn 13 hồ sơ liên quan đến phong trào phản đối Ukraina trên Facebook vì cho rằng nó “chứa các các lời kêu gọi, hành động khủng bố.” Trong quá khứ, Wikipedia, YouTube, Google, và nền tảng blog phổ biến nhất của Nga là LiveJournal cũng đã bị chặn.
Sự kiểm soát trạng thái của phương tiện truyền thông khiến cho các tổ chức DSXH e ngại vì nó cho phép nhà nước tùy tiện đưa ra những “lời tuyên truyền dối trá”, trong khi các tổ chức NGO lại bị rơi vào trạng thái “định nghĩa chính trị”. Bản thân các phương tiện truyền thông cũng tự đặt mình vào thế tự kiểm duyệt, nếu không muốn đối mặt với sự xóa sổ.
Kể từ khi trở lại của Vladimir Putin lên nắm quyền [tháng Năm 2012] áp đã thực sự tăng lên đáng kể.” Thật vậy, những thay đổi này dường như là một phần của một nỗ lực để kiểm soát bao quát không chỉ là Internet, mà còn tất cả các nguồn phương tiện truyền thông độc lập.
XHDS thời Putin: tấn công NGO/INGO bằng luật
Vladimir Putin đứng đầu nhà nước năm 2000 sau sự từ chức của Boris Yeltsin. Từ năm 2008, dù bị hiến pháp cấm phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng bằng một sự lách luật, Putin đã trở lại với cương vị cao nhất. Tuy nhiên, Putin cũng đối mặt với sự phản ứng của quần chứng thông qua sự bùng nổ internet. Đặt bàn tay của mình trên một bản sao của hiến pháp, ông thề với “tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của nhân dân và công dân” cũng như “quan sát và bảo vệ Hiến pháp của Liên bang Nga.”
Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga vào tháng 05/2012, người dân Nga và bản thân XHDS Nga đã tiếp nhận một làn sóng của pháp luật hạn chế nhân quyền/ tự do ngôn luận chưa từng thời hậu Xô Viết như: Luật biểu tình (sửa đổi), luật tài trợ nước ngoài cho các tổ chức NGO, luật thanh lọc internet, luật về tội phỉ báng, luật tội phản quốc, luật LGBT, luật hình sự về cấm nhận hỗ trợ NGO từ người Mĩ, luật sở hữu các phương tiện truyền thông đại chúng Nga…
Điều đó có nghĩa, Putin muốn vận dụng luật pháp nhằm co thắt XHDS và các hoạt động dân sự độc lập tại nước Nga, yếu tố ngày càng khiến quyền lực và vị trí của ông ta lung lay.
Tất cả những luật lệ trên dù vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Nga bởi nó tiến hành thủ tục tố tụng sai phạm như bắt bớ tùy tiện, sử dụng bạo lực với những người bảo vệ nhân quyền, đẩy XHDS bao gồm các nhà báo, nhà hoạt động dân sự xã hội vào một môi trường “kiểm soát” nhưng không an toàn. Nó gợi nhớ về âm hưởng Liên Xô, và nhiều người tin rằng, Putin đang cố gắng quản thúc XHDS theo cách riêng của mình, bất chấp Hiến pháp.
Putin đã kiểm soát chặt chẽ luật pháp và hiến pháp bằng cách “thao tác luật” sao cho có lợi cho bản thân nhất, trong khi kiềm chế hoặc giảm bớt các NGO cũng như đã tấn công không khoan nhượng vào XHDS bằng nhiều cách khác nhau, từ việc cho phép chính phủ thực hiện kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng đến việc cho ra đời các luật mới đầy hà khắc trong nhiều lĩnh vực, từ chính sách văn hóa của Nga đến mở rộng quyền kiểm soát internet, đặt ra những thách thức nghiêm trọng mới cho XHDS Nga.
Vào ngày 21/07/2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật quy định các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhận tài trợ từ nước ngoài là “cơ quan nước ngoài”. Đạo luật này áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức phi thương mại ở Nga hoạt động trong lĩnh vực chính trị và nhận tiền tài trợ từ nước ngoài. Trong đó, “hoạt động chính trị” được định nghĩa là bất cứ điều gì có thể “gây ảnh hưởng dư luận để thay đổi các chính sách”.
Theo Chính phủ Nga, dự luật này được thông qua để tăng cường sự quản chế của chính phủ, đồng thời giảm bớt ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài đối với nền chính trị Nga. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết, mục đích duy nhất của nó chính là tìm cách kiểm soát bất đồng chính kiến thông qua gây áp lực đối với XHDS. Bởi lẽ, nó cho phép nhà nước Nga can thiệp mạnh tay hơn vào XHDS, dẫn đến sự thiếu độc lập về đường hướng lẫn tài chính và khiến các NGO vi phạm đặc trưng cơ bản nhất của mình là tính phi chính phủ, không vì mục đích lợi nhuân, phi bạo lực và phi đảng phái chính trị. Do đó, hầu như các tổ chức NGO đã từ chối đăng ký vì họ lo sợ rằng họ sẽ bị bức hại nếu họ chấp nhận đăng ký, vì nó có ý nghĩa tương đương với làm gián điệp.
Tổ chức Ân xá Quốc tế báo cáo rằng có ít nhất “10 tổ chức NGO đã được đưa đến tòa án do không đăng ký làm “cơ quan nước ngoài”; 5 tổ chức NGO đã được đưa đến tòa án sau khi họ thất bại trong việc trình bày các tài liệu theo yêu cầu trong các đợt “kiểm tra”; 10 lãnh đạo phi chính phủ Nga được lệnh phải tuân theo “luật”; 37 tổ chức NGO đã chính thức cảnh báo rằng họ sẽ vi phạm pháp luật, nếu họ tiếp tục nhận được nguồn tài trợ nước ngoài và tùy tiện định nghĩa “các hoạt động chính trị”. Điều này bao gồm xuất bản trực tuyến, tài liệu về nhân quyền tại Nga, và không đăng ký làm “cơ quan nước ngoài”
Cơ quan giám sát bầu cử của nhóm Golos (“Voice”) nơi tổ chức các cuộc quan sát nhằm phát hiện ra sự gian lận trong bầu cử quốc hội và tổng thống năm 2011-2012 là nạn nhân đầu tiên khi luật được áp dụng, và họ đã đi đến quyết định giải tán tổ chức. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Công (Kostroma) cũng chịu số phận tương tự và đóng cửa bởi họ không thể nộp tiền phạt quá lớn. Liên hoan phim Bok o Bok (“Side by side”) của cộng đồng LGBT phải nộp tiền phạt và đóng cửa, dù rằng, tổ chức đứng sau liên hoan phim có có trụ sở tại Nga, được thành lập ở Nga nhưng dù có tập trung vào văn hóa thì, liên hoan phim vẫn bị áp đặt bởi các “hành vi chính trị” được định nghĩa trong luật.
Tổ chức Human Rights Watch sau đó đã gọi năm 2012 là “năm tồi tệ nhất cho nhân quyền tại Nga.” Và xét mức độ của sự đàn áp đối với XHDS tương đương với thời kỳ Xô viết.
Hai năm sau ngày có hiệu lực, tình trạng đối với các tổ chức NGO ngày càng tồi tệ hơn, khi phải đối mặt với hàng trăm cuộc kiểm tra và cảnh báo. Một số nhóm nổi bật nhất hoạt động về quyền con người đã bị phạt và một số buộc phải đóng cửa, trong đó có tổ chức Vì Nhân Quyền, bị Nga trục xuất vào tháng 6/2013 và đại sứ Hoa Kỳ tại Matxcơva, ông Michael McFaul đã bày tỏ: “Lại thêm một ví dụ về tình trạng trấn áp xã hội công dân.” Ngoài ra, còn có cơ quan giám sát chống tham nhũng, Transparency International; nhóm Luật sư hoạt động vì quyền lập hiến và tự do, JURIX; nhóm hoạt động dựa trên Ủy ban Chống tra tấn (chủ yếu là cảnh sát), Nizhni Novgorod; nhóm bảo vệ sinh thái, Goldman… Chưa kể, nhóm văn hóa cũng không thoát khỏi “số phận” như: liên hoan phim LGBT, Side-by-Side; ngư dân xã hội, Hunters Yaroslavl; Trung tâm Nghiên cứu Chính sách xã hội và giới tính, Saratov; Bà mẹ lính, Kostroma; và thăm dò dư luận độc lập, trung tâm Levada…
Nhưng những tai ương của các tổ chức NGO của Nga không dừng lại ở đó… Đến ngày 7/4/2014, Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tuyên bố cứng rắn rằng, Nga sẽ không để cho phương Tây lợi dụng hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) để gây ra kết cục đổ vỡ và rối loạn như họ đã làm gần đây ở Ukraine. Theo đó, Putin đã yêu cầu Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) phải bảo đảm chắc chắn rằng, Nga sẽ không theo chân cái mà ông gọi là “tấm gương Ukraine” tái diễn ở đất Nga.
Năm tháng sau (9/2014), tổ chức giáo dục, từ thiện, quyền con người và xã hội “Memorial” (Society “Memorial”), bị Bộ Tư pháp Nga đâm đơn kiện Tòa án Tối cao Liên bang Nga vào ngày 24/09/2014, yêu cầu đóng cửa các Society “Memorial”, với lý do “vi phạm” trong cơ cấu tổ chức của nó.
Gieo rắc sự sợ hãi, làm mất uy tín và bắt buộc các tổ chức XHDS phải vâng lời, đó chính là cách mà các nhà chức trách Nga đang làm. Tất cả nhằm mục đích loại bỏ yếu tố XHDS ra khỏi vị trí trung gian giữa người dân và chính quyền. Biến các tổ chức XHDS trở thành “lính đánh thuê phương Tây” trong mắt người dân nhằm triệt hạ nhóm XHDS.
Một số luật như Luật về cơ quan nước ngoài, là nhằm chống lại các tổ chức nhân quyền, ngăn chặn họ nhận tài trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài để duy trì sự độc lập. Bởi nếu tổ chức phi chính phủ đăng ký “cơ quan nước ngoài” thì đồng nghĩa là “kẻ phản bội”, “gián điệp” tại nước Nga.
Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/12/hanh-trinh-xa-hoi-dan-su-nhin-tu-nuoc.html