John Steven Kreis
(Trích: Những bài giảng về lịch sử thế kỷ 20. Nguồn: http://www.historyguide.org/europe/lecture13.html)
Hiếu Tân dịch
Những tư tưởng và mộng tưởng có tính không tưởng, giống như những tư tưởng và mộng tưởng khác, sinh ra trong những xã hội mà ở đó chúng là phản ứng, thế giới cổ đại hay thế giới hiện đại cũng đều không phải là một thực thể không thay đổi. Những phân tích về tư tưởng không tưởng mà không để ý đến những biến đổi xã hội trong tiến trình lịch sử của thời cổ hay thời hiện đại thì chắc chắn sẽ có những chỗ rơi vào sai lầm thảm hại (M. Finlay “Thuyết không tưởng Cổ và Kim”).
Tôi chẳng tin tưởng gì[1] vào tương lai của “nền văn minh” mà tôi biết số phận của nó là phải bị tàn phá, và có lẽ chẳng lâu nữa đâu: đối với tôi thật thích thú khi nghĩ về tình trạng man rợ một lần nữa lại tràn ngập thế giới, và những xúc cảm những đam mê cuồng nhiệt chân thực, dù chỉ thô sơ, thế chỗ cho những nỗi thống khổ của chúng ta… là điều thường an ủi tôi, Tôi đã thật sự thất vọng vì tôi nghĩ cái gì mà những anh ngốc thời nay gọi là tiến bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân nó, tôi sung sướng biết rằng tất cả những cái đó sẽ gặp một trở ngại bất ngờ… (William Morris, thư gửi Georgiana Burne-Jones, 12 tháng Năm, 1885)
Chúng ta đang sống trong một thế giới trong đó không có ai được tự do, trong đó khó có ai được an toàn, trong đó hầu như không thể nào lương thiện mà vẫn giữ được tự do.” (George Orwell, Đường đến bến Wigan1937)
Sự đi xuống của tính thần không tưởng và sự đi lên của cơn ác mộng họ hàng với nó diễn ra song song với lịch sử của cái thế kỷ siêu thực này, cái thế kỷ vừa thực hiện một phần những giấc mơ của thế kỷ 19 vừa phủ định chúng. (Chad Walsh, Từ không tưởng đến ác mộng, 1962)
Chúng ta sống trong lòng một cuộc khủng hoảng lịch sử, trong đó chúng ta chỉ có thể lựa chọn giữa không tưởng và kết liễu của nền văn minh, trong đó chúng ta đối mặt với nghịch lý hiện sinh của một tinh thần không tưởng tất yếu. (Michael Young, “Một lịch sử của Tương lai,” 1984)
Nơi này không tốt (Những lời cuối cùng được D. H. Lawrence viết ra)
PHẦN MỘT
Là một công cụ văn chương và thuộc thể loại văn chương hư cấu, không tưởng chiếm một vị trí quan trọng lạ lùng nhưng không thể chối bỏ được trong lịch sử văn học phương Tây.Vì trong thể loại không tưởng tác giả cố gắng kết hợp sự thật, hư cấu, tưởng tượng và khoa học giả tưởng. Quả thật, bên trong ranh giới của cái không tưởng, điều gì cũng có thể diễn ra được. Một tác giả thể hiện một cái nhìn sáng sủa về loại xã hội nào ông ta muốn được thấy phát triển trong tương lai. Điều mà ông ta thay đổi trong cái nhìn đó là sản phẩm của kinh nghiệm và của tưởng tượng mà kinh nghiệm giúp tạo ra. Năm 1979, Frank và Fritzie Manuel viết một cuốn sách nhan đề là “Tư tưởng không tưởng trong thế giới Phương Tây”, một công trình đồ sộ ít nhiều tổng kết công việc của cả đời họ. Trong lời Tựa cho công trình ấy họ viết những lời như sau về không tưởng:
Mỗi học thuyết không tưởng, bén rễ vào thời đại và xứ sở của chúng, nhất định phải tái tạo cái hoạt cảnh của thế giới riêng của nó, cũng như những trăn trở của nó về những vấn đề xã hội đương thời. Ở đây có thể nói về sự tương tự với những giấc mơ và những tưởng tượng kỳ quái thuộc chứng bệnh tâm thần. Những người quan sát các hành vi hoang tưởng nhận xét rằng mặc dầu chứng bệnh có vẻ giữ nguyên không đổi, các lực lượng kỳ bí, thấy-hết-mọi-sự theo dõi và hành hạ tinh thần người bệnh thay đổi theo thời gian và công nghệ. Chúng có thể là các linh hồn, là điện thoại, các máy thu thanh thu hình, trong các thời kỳ lần lượt kế tiếp nhau. Không tưởng không phải là một bệnh, nhưng trong một phạm vi rộng lớn chúng lợi dụng các thiết bị hiện có của xã hội, có thể là các kiểu tối tân nhất, tô điểm và bố trí lại chúng. Thường thường một người không tưởng tiên đoán cuộc cách mạng xảy ra sau đó và các hậu quả của phát triển công nghệ đã hiện ra dưới dạng phôi thai, ông ta có thể đã có độ nhạy ăng ten đối với tương lai. Tuy nhiên các công cụ của ông ta hiếm khi vượt ra ngoài những tiềm năng cơ giới của thời đại ông ta. Dù có cố gắng phát minh ra một cái gì đó hoàn toàn mới, thì ông ta cũng không thể tạo ra một thế giới từ chỗ không có gì.
Đã xác định rằng không tưởng ít nhiều là sản phẩm của thời đại trong đó nó ra đời, chúng ta phải tự hỏi từ đầu tại sao nó được viết ra. Điều gì khiến tác giả viết một cuốn tiểu thuyết không tưởng?
Phải có những điều kiện gì để ông ta đắm chìm vào ý tưởng ấy? Nói chung một tiểu thuyết không tưởng hay rộng hơn, một cái khung không tưởng của tâm trí, hay một phương pháp phân tích, chỉ xuất hiện như kết quả của một thời kỳ tồi tệ. Cứ nghĩ mà xem. Nếu mọi việc như ý muốn, cần gì phải nghĩ để tạo ra cách cải tiến nó? Liệu cái hoàn thiện có thể hoàn thiện thêm được không? Một trải nghiệm những thời kỳ tồi tệ tạo ra những cái nhìn về tương lai trong đó cái xấu cái ác trong xã hội được loại bỏ, thay thế hoặc chuyển hóa, thường vì lợi ích của cả loài người. Trong quá khứ nó đã như vậy, nó đã như vậy với một chính khách Anh Thomas Moore (1478-1535). In 1516, More hoàn thành tác phẩm quan trọng nhất của ông, ‘Không tưởng’ (Utopia), viết bằng tiếng Latin, sau đó được xuất bản bằng tiếng Anh năm 1556, Moore miêu tả nước Anh mà ông bắt đầu hoài nghi, và một hòn đảo có tên Utopia, nơi mà tất cả những tệ nạn xã hội mà ông nhận thấy ở nước Anh đều được chuyển hóa. Moore quan sát một nước Anh trong đó sự giàu có và lợi ích cá nhân có ý nghĩa hơn lòng mộ đạo Cơ đốc, hay lòng từ thiện. Trong Utopia ông viết:
Phải chăng đây không phải là một hạnh phúc bất công và độc ác, nó cho những người cao sang quyền quý, như người ta thường gọi, quyền thừa kế và phần thưởng, và các thợ kim hoàn, những người như thế, nếu không phải là bọn người lười biếng vô tích sự thì cũng là bọn bợ đỡ và những kẻ bày ra những trò vui vô vị; còn về những dân cày nghèo khó, những thợ mỏ, lao công, phu xe, thợ rèn, thợ mộc, không có họ không cộng đồng dân cư nào có thể tiếp tục tồn tại, thì sao?Nhưng sau khi nó đã lấy đi những năm tuổi trẻ và sức lực cường tráng của những người lao động, cuối cùng khi họ bị tuổi già đè nặng và ốm yếu, trở nên nghèo khó túng quẫn, bần cùng, thiếu thốn mọi thứ, nó quên đi nhiều đau đớn của họ, nó không nhớ đến những khoản tiền trợ cấp cho họ, bỏ mặc họ, một cách độc ác nhất, với cái chết khốn khổ của họ. Vậy mà ngoài điều này ra, những kẻ giàu có không chỉ là những kẻ gian lận mờ ám, mà chúng còn dựa theo luật chung để giật ra khỏi miệng người nghèo và vồ lấy một phần miếng ăn hàng ngày của họ. Như vậy trong khi trước sự đền bù bất công đối với những đau khổ của họ vốn đã làm lợi cho hạnh phúc chung, nay họ phải làm điều sai trái, và cư xử độc ác nhân danh lẽ công bằng , vâng, và làm điều đó bằng sức mạnh của luật pháp. Như vậy khi tôi xem xét và cân nhắc trong đầu mình tất cả cộng đồng này, ngày nay nơi nơi đều phát đạt thịnh vượng, cầu Chúa phù hộ cho tôi, tôi chẳng thấy gì ngoài âm mưu của bọn giàu có đang kiếm chác của cải dưới danh nghĩa cộng đồng.
Chính Sir Thomas More là người đã đưa từ ‘không tưởng’ (utopia) và ‘người không tưởng’ (utopian) vào kho từ vựng của ngôn ngữ hiện đại. Từ ‘không tưởng’ trong tay Thomas More thật sự là một trò chơi chữ. Trong tiếng Hy Lạp từ “topo” có nghĩa là “chỗ”. Nhưng tiếp đầu ngữ “ou” hay “eu” sang tiếng Anh biến thành “u” có nghĩa kép: “ou” nghĩa là “không” và “eu” nghĩa là tốt. Nói cách khác, “utopia” có nghĩa là “nơi chốn tốt”, nó nói lên một cách nhìn thế giới mà mọi tệ đoan xã hội đã bị xóa bỏ. Nhưng vốn là một tác phẩm hư cấu – mặc dầu cuốn sách của Moore dựa một phần trên những thông tin do Amerigo Vespucci (1451-1512) cung cấp – Utopiacũng lại có nghĩa là “không nơi nào”.
Gần bốn trăm năm sau khi Thomas Moore viết Utopia, các tác giả Anh và Mỹ vẫn đang vật lộn với những quan điểm riêng của mình về một nền cộng hòa hoàn hảo. Năm 1891, nhà xã hội chủ nghĩa và họa sĩ thiết kế người Anh William Morris (1834-1896), đã sáng tạo ra tác phẩm hư cấu nổi tiếng nhất của ông mang tên “Những tin tức từ không nơi nào”. Trong trí óc Morris, xã hội tương lai sẽ không cần có chính phủ. Nghị viện sẽ không phải là chỗ ngồi của chính phủ mà sẽ là kho chứa phân người. Gần hai mươi năm trước đó, nhà văn và họa sĩ Anh Samuel Butler (1835-1902) đã viết cuốn Erewhon một cuốn sách châm biếm trong đó mọi phong tục tập quán đều ngược đời. Tội ác được đối xử như bệnh tật và bệnh tật như tội ác. Và sau đó có nhà văn Mỹ Edward Bellamy (1850-1898), cuốn tiểu thuyết của ông ‘Ngoái lại’ viết năm 1888, ngày nay được coi là tác phẩm cổ điển về không tưởng, trong đó một người đàn ông ngủ một giấc và tỉnh dậy sau một trăm năm trong tương lai.
Nhưng nói đến văn học không tưởng thế kỷ mười chín không thể không nhắc đến tác phẩm kinh điển của H. G. Well’s (1866-1946), cuốn ‘Cỗ máy thời gian’. Và nếu chúng ta nhìn ngược trở lại năm 1623, về một tác phẩm của nhà triết học Ý Tommaso Campanella (1568-1639), một người dị giáo bị quản thúc 27 năm ở Naples và sau đó rơi vào cảnh đau khổ cùng cực, đã xuất bản cuốn sách hư cấu không tưởng ‘Thành phố mặt trời’ (The City of the Sun).
Morris, Campanella, More, Bellamy, và Wells chỉ là số ít những đại biểu của tinh thần không tưởng trong tư tưởng châu Âu. Nhưng tác phẩm không tưởng đầu tiên có lẽ của Plato, học trò của Socrates và thầy của Aristotle. Cuốn Cộng hòa của Plato vĩnh viễn được coi là tác phẩm không tưởng đầu tiên trong lịch sử. Mặc dầu cuộc đối thoại này thật ra liên quan đến giáo dục hay văn hóa đòi hỏi tạo ra một xã hội hoàn hảo, nhưng trong nội dung của nó có đủ tinh thần không tưởng để được coi như một đại diện của khuôn khổ tư duy không tưởng.
Tất cả những tác phẩm không tưởng này có một điểm chung, chúng được viết ra trong thời kỳ xã hội suy tàn. Chẳrng hạn Plato viết vào thời kỳ nền dân chủ trực tiếp của Hy lạp đã trở nên lỗi thời. Thời đại Cổ điển ở Hy Lạp đã kết thúc, một thời đại mới bắt đầu bằng một cuộc chiến tranh và chấm dứt bằng một cuộc chiến tranh khác. Athens không còn là trung tâm của nền văn minh cổ Hy lạp nữa, và đã bị người Sparte đánh bại. Người Hy lạp có giáo dục bắt đầu nghi ngờ liệu chỉ riêng đức hạnh không thôi có đủ làm nên một cuộc sống tốt đẹp hay không? Hơn nữa, làm sao người ta có thể ca ngợi thành bang Athens và nền dân chủ trực tiếp của nó, khi mà chính nền dân chủ trực tiếp này đã kết án tử hình Socrates – người Athens đức độ nhất. Và Sir Thomas More, nạn nhân của căng thẳng tâm lý trong đời tư, và những căng thẳng chính trị trong đời công, đã không còn có thể hòa giải được hai đời sống ấy.
Sự hòa giải được cố gắng thực hiện trong cuốn sách của ông, cuốn Utopia, nhưng kết quả cuối cùng của nó có lẽ chỉ đến trong vụ án của ông và ông bị chặt đầu bởi tay đao phủ của người bạn tốt của ông, vua Henry VIII.
Hay như Campanella, nạn nhân dị giáo bị trừng phạt, bị giam hãm trong một đời sống khổ nhục cả về thể xác lẫn tinh thần, không có gì đáng ngạc nhiên rằng ông đã viết ra một tác phẩm không tưởng đầy ánh sáng rực rỡ. Sau hết, ông đã chịu 27 năm trong tù. Và Morris, Bellamy và Butler – tất cả đã viết những tác phẩm hư cấu không tưởng của họ vào thời gian chủ nghĩa vật chất thô bỉ và quan hệ tiền trao cháo múc dường như đã khuất phục và chi phối loài người. Đối với các nhà văn Anh Morris và Butler, các vấn đề mà họ nhận dạng ở xã hội Anh tập trung vào thất bại của nền văn hóa thời Victoria trong cuộc chiến chống chủ nghĩa duy vật mà nền văn hóa này đã sinh ra và duy trì. Một nền kinh tế chính trị tự do ‘laissez faire’[2] đã không mang lại những gì hứa hẹn. Thật ra sự giàu có của dân tộc về thực chất đã tăng lên, nhưng đại bộ phận dân chúng, ‘những người cùng khổ’ như người ta thường gọi, vẫn còn sống trong những điều kiện xã hội kinh khủng. Với Bellamy hoàn cảnh có hơi khác một chút. Ông đã phát hiện ra rằng giấc mơ lớn của nền cộng hòa Hoa Kỳ đã không mang lại điều nó hứa hẹn về sự cải thiện chậm nhưng chắc. Hơn một trăm năm sau khi khai sinh ra nền cộng hòa, chủ nghĩa vật chất, quan hệ tiền trao cháo múc, lừa đảo và tham nhũng đã trở thành trung tâm của một xã hội được coi là xây dựng trên hai cột trụ là nghĩa vụ công dân và đạo đức cộng hòa.
Kinh nghiệm của tất cả các nhà văn này làm hình thành những tưởng tượng và cái nhìn không tưởng của họ. Dù hão huyền hay không, họ đã đưa ra những hứa hẹn về một thế giới tốt đẹp hơn. Bởi vậy họ đòi hỏi một thế giới với những chính phủ mạnh, hay một thế giới không có chính phủ nào cả. Có những không tưởng trong đó sự giàu có được chia đều cũng như những không tưởng trong đó sự giàu có bị thủ tiêu hoàn toàn. Và có những không tưởng trong đó có Thượng đế là người hòa giải, cũng nhiều như những không tưởng trong đó không có chỗ cho Thượng đế hay bất kỳ loại thánh thần nào.
Các nhà không tưởng viết những hư cấu lãng mạn, tôi cho rằng đó là từ thích hợp nhất để mô tả họ. Kinh nghiệm của họ làm hình thành những thiên hướng của họ và những khao khát của họ. Hóa ra những tác phẩm này được viết vào những thời gian – bên trong một kinh nghiệm – trong đó xã hội dường như đang mất đi nền tảng của nó, hơn là đang tiến tới một mục tiêu cao hơn. Đối với Plato, đó là việc nhận ra đức hạnh vốn là cái đã làm cho Athens trở nên một thành bang tuyệt vời đã không cứu nổi thành bang này nữa. Đối với Thomas More, đó là sự kiện những kẻ giàu có chỉ quan tâm đến việc làm tăng thêm sự giàu có của họ, nên số phận chung của loài người là cứ phải chịu phụ thuộc và chịu đau khổ. Và đối với William Morris, chính chủ nghĩa tư bản công nghiệp – sự thoái hóa lớn của loài người – đã tước đi chân giá trị của loài người. Nghệ thuật, tư tưởng và sáng tạo bị hy sinh để mở đường cho giai cấp trung lưu và những người mà nó đại diện.
PHẦN HAI
Nhưng trong thế kỷ hai mươi, một công cụ và kỹ thuật văn học mới được phát minh, một công cụ sinh ra không phải từ tiến bộ bên ngoài, mà còn là kinh nghiệm rõ ràng của ảo mộng tiêu tan, cay đắng, lo sợ, khiếp hãi, buồn nản và thất vọng. Thế giới hiện ra như cái đồng hồ hỏng. Nhìn từ xa thì mọi sự dường như tốt đẹp. Nhưng áp đồng hồ vào tai, thì chẳng nghe thấy gì cả.
Năm 1932, tác giả Aldous Huxley (1894-1963) cung cấp cho ta một cách nhìn thế giới trong cuốn tiểu thuyết của ông “Thế giới mới tươi đẹp” (Brave New World). Chỉ có điều lần này cái nhìn không phải là không tưởng mà là phản-khôngtưởng, hay là, vì chưa có cách diễn tả nào tốt hơn, ta gọi nó là dystopia. Huxley cảnh báo bạn đọc về tình trạng vô chính phủ về mặt đạo đức trong một kỷ nguyên khoa học, một kỷ nguyên được nhận dạng bằng hai chữ A.F. (after Ford= sau Ford). Tất nhiên đưa khái niệm này ra là Huxley đã cân nhắc kỹ, công nghệ ô tô của Henry Ford (1863-1947) đã không chỉ hoàn thành dây chuyền lắp ráp, tạo ra những thần kỳ trong nền sản xuất cơ khí hóa, mà còn tạo ra những người đàn ông và đàn bà cơ khí hóa của thế kỷ hai mươi. Ông mô tả một thứ không tưởng xám xịt, ghê tởm, một thứ dyxtopia, trong đó chủ nghĩa lý tưởng của Plato được đưa vào một cách cưỡng bức, bởi sự giáo dục khoa học và điều kiện hóa của một xã hội người máy, trong đó hạnh phúc được coi là đồng nghĩa với sự lệ thuộc. Số phận của những người hiện đại chúng ta hiện ra đau đớn trong tay Huxley, chúng ta là những con số vô danh và không biết sợ, (176-45-9925). Sức đẩy quan liêu của thế kỷ hai mươi đã giải quyết vấn đề tình trạng bừa bãi cá nhân. Chúng ta cùng ở với nhau trong đó. Nhưng chúng ta là cái gì ngoài một con số trong bản kiểm kê?
Nhà văn Tiệp Karel Capek (1890-1938) đã cho chúng ta khái niệm vềdystopia của riêng ông trước Huxley cả mười năm, trong vở kịch cực kỳ ăn khách R.U.R, công diễn lần đầu tiên ở New York năm 1921. R.U.R là phiên bản thế kỷ hai mươi của cuốn tiểu thuyết đầu thế kỷ mười chínFrankenstein của Mary Shelley’s (1797-1851). Tuy nhiên trong tay Capek tấm phông nền không phải là nhà máy thế kỷ XIX mà là những văn phòng kinh doanh của Những Người Máy vạn năng của Rossum, và chúng ta không gặp chủ thợ của nhà máy mà gặp những rôbôt và những nhà kinh doanh. Quả thật chính là từ vở kịch R.U.R của Capek mà từ ‘robot’ lần đầu tiên đi vào tiếng Anh, một từ được làm có ý nghĩa biểu cảm hơn bởi nhà văn khoa học giả tưởng Mỹ Isaac Asimov, trong tập truyện ngắn tuyệt vời “Tôi, Rôbôt”.
Một nhân vật trong R.U.R nhận xét rằng:
Trong mười năm các Rôbốt vạn năng của Rossum đã sản xuất ra thật nhiều ngô, thật nhiều vải, thật nhiều mọi thứ, đến mức mọi hàng hóa trong thực tế không có giá. Sẽ không còn nghèo khổ. Tất cả mọi công việc được thực hiện bởi những cỗ máy sống. Mọi người sẽ thoát khỏi mọi lo âu và không sợ bị tàn héo vì lao động. Mọi người sẽ chỉ sống để hoàn thiện bản thân.
Bạn thấy rồi đấy. Những giấc mơ không tưởng cộng-sản-tập-thể-xã-hội-chủ-nghĩa-Thiên-chúa-giáo-Macxit được đưa vào hiện thực. Con người thoát khỏi tội tổ tông, họ thoát khỏi lao động nhàm chán, con người được ban cho tự do từ vương quốc của tất yếu để theo đuổi những mục tiêu sáng tạo và hoàn thiện của riêng mình. Như một phần thưởng, tất cả những cái đó đạt được bởi con người, cho con người, trên trái đất này, không phải trên một kinh thành Augustine nào đó của Chúa Trời. Tất nhiên, đạo đức là kết quả cuối cùng hợp lô gich khi con người trở thành thần thánh và kiểm soát được số phận của mình – những gì họ sáng tạo ra quay trở lại hủy diệt họ. Đó là số mệnh của những kẻ sáng tạo ra những Người máy toàn năng Rossum.
Chúng ta dễ dàng thêm vào bức tranh hoang tàn ấy bộ phim Thời Hiện đại của Charlie Chaplin năm 1936. Dưới lốt nhại, châm biếm và slap-stick[3], Chaplin họa chân dung một nền văn minh máy móc đang thật sự điên rồ với tốc độ và hiệu quả. Dưới phụ đề “Câu chuyện công nghiệp”, phim mở ra cảnh một chiếc đồng hồ choán đầy màn ảnh. Tiếp theo là cảnh một đàn bò đang chạy thục mạng. Mối liên hệ thật hoàn hảo: thời gian và tốc độ là khẩu hiệu của thời hiện đại. Mặc dầu Thời Hiện đại là phim chuyện câm dài cuối cùng, chúng ta vẫn nghe thấy lời thoại, tuy nhiên giọng người có vẻ thù hằn với chính bản thân cuộc sống, chúng là phi nhân. Lời thoại là những câu ra lệnh cho một nền công nghiệp hiệu quả hơn trong đó công nhân phải trả giá bằng sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Những lời đầu tiên nghe thấy trong phim là lời của ông chủ “Công ty Điện Thép”, y xuất hiện trên màn hình và ra lệnh “tăng tốc’ cho một dây chuyền lắp ráp. Lời thứ hai y thốt ra, không khác lời đầu tiên, chỉ đơn giản ra lệnh “Công đoạn năm, nhanh nữa lên, Bốn, Bảy” Ở cuối phim, y ra lệnh cho người chịu trách nhiệm về tốc độ của dây chuyền phải tăng tốc lên để “cho nó một giới hạn”. Kẻ lang thang, do Chaplin đóng, bây giờ đau khổ vì giai đoạn tiên tiến của phương pháp Ford, chạy không kịp tốc độ của dây chuyền trên đó anh ta phải xiết các đai ốc, và hóa điên.
Đáng lẽ phải nói, hiện nay có một cái gì như truyền thống của cả utiopia lẫn dystopia. Toàn bộ truyền thống dystopia, một truyền thống hầu như xuất hiện trong những năm 1920 và 1930 – muốn nói với bạn một điều gì đó – đã tìm thấy người phát ngôn hùng hồn của nó trong tiểu thuyết ‘1984’ của George Orwell (1903-1950). Như một dystopia như một vật lưu niệm của quan sát nội tâm, vừa bình thản vừa bấn loạn, nếu có thể tưởng tượng ra một cái gì như thế. Cuốn tiểu thuyết là hiện thân của cả huyền thoại lẫn hiện thực, và tôi tin chắc rằng nó vẫn còn là chuẩn của tiến trình văn học thế kỷ hai mươi trong một thời gian dài nữa.
George Orwell tên khai sinh là Eric Arthur Blair, sinh ngày 25 tháng 6, 1903, tại một thành phố Ấn Độ cách biên giới Nepal khoảng hai mươi lăm dặm. Theo cách nhìn của chính ông trong cuốn ‘Đường tới bến Wigan’, ông sinh ra trong một gia đình thường thường bậc trung, một chi tiết mà ông cố ý ghi lại. Orwell là một con người đầy mâu thuẫn và nghịch lý, một người tự tuyên bố là xã hội chủ nghĩa trong khi đồng thời ông phê phán những người xã hội chủ nghĩa đương thời một cách quyết liệt nhất. Trong cuốn Đường tới bến Wigan ông nhận xét rằng:
Đôi khi người ta có ấn tượng rằng chỉ riêng các từ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa đã lôi kéo về phía chúng bằng một sự mạnh thần kỳ mọi kẻ uống nước ngọt (kiêng rượu), những người theo chủ nghĩa khỏa thân, những người chân đi dép, những kẻ điên tình, những người Quâycơ, những lang băm, những người hòa bình chủ nghĩa và nữ quyền chủ nghĩa ở Anh…
Một mặt, chúng ta đã đến một giai đoạn mà, bản thân từ chủ nghĩa xã hội đã gợi ra một bức tranh đầy những máy bay, máy cày, và những nhà máy khổng lồ sáng choang bằng kính và bê tông, mặc khác, một bức tranh về những người ăn chay có bộ râu dài rủ xuống, các chính ủy bônsêvich (nửa găngxtơ, nửa máy hát) hay những quý bà đoan trang chân đi dép, những nhà macxít đầu tóc bù xù đang nhằn những từ đa âm tiết, những tín đồ Quâycơ đào thoát, những kẻ cuồng tín bẩm sinh, những kẻ luồn lọt cửa sau Công đảng.
Giá chỉ có những đôi dép và những áo sơ mi màu xanh có thể chất đống lại và đốt đi, và tất cả những người ăn chay, người kiêng rượu, và Jesus đuổi về nhà ở Welwyn Garden City để tập yoga trong lặng lẽ.
Giống như với đạo Cơ đốc, quảng cáo tồi nhất cho chủ nghiã xã hội là những môn đồ của nó.
Nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa của Orwell không phải là macxít, là leninit, cũng không phải có tính triết học hay thậm chí kinh tế học. Xã hội chủ nghĩa, đối với Orwell có nghĩa là đàng hoàng chính đáng và công bằng xã hội. Hệ thống giai cấp của phân biệt xã hội không nên phá bỏ đi, đúng hơn, tất cả mọi đàn ông đàn bà nên có ý thức rõ ràng hơn về giai cấp của mình và quan hệ của mình với các giai cấp khác. “Điều cần thiết duy nhất là nhét hai sự kiện quen thuộc này vào ý thức của công chúng. Một, là quyền lợi của tất cả những người bị bóc lột là như nhau, và hai, là chủ nghĩa xã hội tương thích với cách cư xử hợp lẽ phải thông thường”.
Cuốn sách quan trọng nhất của Orwell, ít ra là trong tầm mắt của chúng tôi, là cuốn “Trại súc vật” (1945). Ra đời năm 1949, cuốn 1984 cho chúng ta những hình ảnh thường và ngôn ngữ của Anh Lớn, ‘nghĩ nước đôi’ (doublethink) và ‘Tân Ngôn’ (Newspeak). Bây giờ ta cũng có thể nói về cái gì đó ‘kiểu Orwell’ (orwellian). 1984 cũng cho chúng ta mô hình về một xã hội toàn trị, một cái nhìn về quyền lực, quyền uy và kiểm soát được sử dụng núp dưới danh nghĩa sự hài hòa của xã hội. Chúng ta phải tự hỏi vậy 1984 là huyền thoại hay hiện thực? Tức là, Orwell đã mô tả những gì mắt thấy tai nghe trong đời thực của ông, hay là ông phát ra lời cảnh báo về những gì sẽ xảy ra? Vàonăm 1984, báo chí chạy loạn lên về những tin tức cập nhật và những câu chuyện về Orwell. Ảnh ông xuất hiện trên trang bìa tạp chí Times, cũng như những tờ báo hàn lâm. Bao nhiều phần trong những gì Orwell viết ra đã trở thành hiện thực? Orwell có đúng không? Dường như toàn bộ giới văn chương chờ đợi ba mươi lăm năm chỉ để nhìn xem. Nhiều nghiên cứu hàn lâm và đại chúng được xuất bản trong những năm dẫn đến 1984.
Cuối năm 1948, nhà xuất bản Frederic Warburg nhận được một bản thảo cuốn tiểu thuyết cuối cùng của George Orwell. Cuốn tiểu thuyết ấy có tên là 1984. Warburg tóm gọn ấn tượng của ông về cuốn sách trong câu: “Đây là một trong những quyển sách khiếp hãi nhất mà tôi từng đọc”. Câu này được nhiều nhà phê bình và sinh viên phụ họa trong năm thập kỷ qua. Bức chân dung ảm đạm của Orwell về chế độ toàn trị là nhân tố chủ yếu trong cuốn tiểu thuyết nay đã thành kinh điển. Năm 1949, nó bán ra được 400.000 bản và 1984, đã bán được hơn mười một triệu bản. Đến nay 1984 vẫn được cả học sinh phổ thông và sinh viên đại học đọc. Thực tế, lượng sách bìa mềm của cuốn 1984 hiện nay được bán ra trung bình hàng tháng là 65.000 bản và cuốn sách đã được in đến lần thứ 70.
Orwell khởi thảo những ghi chép đầu tiên của mình cho cuốn sách 1984 sau này vào năm 1943, dưới một tựa đề gợi ý là “Người đàn ông cuối cùng ở châu Âu”. Ông dự định sẽ viết thành hai tập. Ngay từ năm 1943 đã hình thành ý niệm về “Hai phút căm thù” và một xã hội tương lai dựa trên dối trá và lừa lọc có tổ chức và có hệ thống. Suốt những năm 1940 Orwell bị ám ảnh bởi một nỗi sợ lặp đi lặp lại rằng lịch sử sẽ bị thương tổn do những thay đổi vì mục đích chính trị. Nói cách khác, lịch sử sẽ bị những kẻ cầm quyền viết lại. Và như vậy, Winston Smith, nhân vật chính trong 1984 làm việc trong Bộ Thông tin mà công việc chính của y là sửa chữa lại lịch sử bằng cách viết lại nó.
Năm 1944 Orwell nhận được hai cuốn sách cả ủng hộ lẫn công kích chủ nghĩa tư bản ‘laissez-faire’. Hai cuốn sách đó là cuốn Đường về nô lệ của Hayek và Tấm gương của quá khứ của K. Zilliacus. Về cả hai cuốn sách, Orwell viết: “Chủ nghĩa tư bản dẫn đến xếp hàng chờ phát chẩn, tranh cướp thị trường và chiến tranh. Chủ nghĩa tập thể dẫn đến trại tập trung, tôn thờ lãnh đạo và chiến tranh”. Theo Orwell chỉ có một lối thoát, đó là một thỏa hiệp trì hoãn, trong đó “nền kinh tế kế hoạch hóa kết hợp cách nào đó với tự do tư tưởng, điều này chỉ có thể xảy ra nếu khái niệm về cái đúng cái sai được khôi phục trong chính trị”. Không thấy có dấu hiệu nào của thỏa hiệp này trong 1984. Orwell mô tả rõ ràng một xã hội đàn áp hà khắc. “Bằng cách đưa toàn bộ đời sống đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước”, Orwell viết năm 1944, “chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ giao quyền lực cho một “nhóm thân cận” của những kẻ quan liêu, trong mọi trường hợp sẽ là những kẻ săn tìm quyền lực vì quyền lực và sẽ không chùn tay trước bất cứ điều gì để duy trì quyền lực. Cái nhóm thân cận của những kẻ quan liêu này tất nhiên đã trở thành đảng Thân cận của 1984.
Cái nhìn của Orwell về áp bức và hình ảnh còn mạnh hơn về Anh Lớn đã hiện lên rõ ràng trong trí Orwell ngay từ năm 1944. Xét cho cùng những tòa án đại thanh trừng những năm 1930 ngày nay chỉ là một phần của lịch sử, một lịch sử mà với tư cách nhà báo Orwell biết rất rõ. “Ngoài phố, những loa phóng thanh rống lên, những lá cờ phần phật trên các nóc nhà, cảnh sát súng tiểu liên nhăm nhăm trong tay lảng vảng qua lại rình mò, mặt lãnh tụ, rộng một mét hai, trừng trừng nhìn xuống từ mọi điểm”. Hãy hình dung tất cả những tấm chân dung khổng lồ của Hitler và Stalin được trang hoàng cho mọi góc phố ở Đức và Liên Xô, bạn sẽ biết Orwell lấy những hình tượng của ông từ đâu ra.
Cái nhìn ảm đạm của Orwell về xã hội toàn trị không chỉ đến từ nhận thức của ông về các chế độ thực tế lúc đó ở Ý, Tây Ban Nha, Đức và Liên Xô, mà còn từ việc ông đọc cuốn sách của James Burnham năm 1946 Cuộc cách mạng quản lý. Burnham trình bày một tương lai trong đó các nhà quản lý kỹ trị và các chuyên gia tiếp quản từ các nhà chính trị và chính trị chỉ còn là một cuộc tranh giành quyền lực. Cuộc tranh giành này diễn ra giữa ba lục địa Âu, Á và Mỹ. Tuy nhiên năm 1944 Orwell đã hình dung ra một thế giới gồm có hai hoặc ba siều cường thống trị không có khả năng chế ngự lẫn nhau trong đó hai cộng hai có thể bằng năm nếu der Führer[4] muốn thế. Năm 1947 Orwell viết một bài báo cho tờ tạp chí Mỹ Partisan Review trong đó ông thể hiện rõ ràng những nỗi lo sợ chân thành về tương lai. Trong bài báo Tiến tới liên hiệp châu Âu ông viết:
“Nỗi sợ kích động bởi bom nguyên tử và nhiều vũ khí khác chưa ra đời lớn đến nỗi mọi người kiềm chế sử dụng chúng. Điều đó có nghĩa là sự xâu xé thế giới giữa hai hoặc ba siêu cường không thể lật đổ bằng những cuộc nổi dậy bên trong. Trong mọi khả năng cấu trúc của chúng là có thứ bậc, với một đẳng cấp á thánh ở trên đỉnh và đẳng cấp nô lệ thật sự ở dưới đáy, và sự nghiền nát tự do sẽ vượt qua mọi mức độ mà thế giới đã từng biết. Trong mỗi nhà nước một không khí tâm lý cần thiết sẽ được duy trì bằng cách cắt rời hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài, và bằng một cuộc chiến tranh giả liên tục chống lại các nước thù địch. Những nền văn minh kiểu này có thể giữ ổn định đến hàng nghìn năm”
Orwell trở lại làm việc cho ‘1984’ với những trải nghiệm cá nhân của ông về chế độ toàn trị và cuốn sách của Burnham trong tâm trí. Nhưng thế giới quan của ông còn được hình thành bởi cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin (1884-1937). Cuốn tiểu thuyết Chúng ta, viết năm 1920/21, xuất bản ở Nga năm 1952, lấy bối cảnh thế kỷ 26 trong một đô thị của xã hội toàn trị. Orwell đọc cuốn tiểu thuyết này một cách hăng say và tuyên bố nó hay hơn cuốn Brave New World của Huxley. Zamyatin đã vạch trần mặt phi lý của chế độ toàn trị. Sự hy sinh con người và sự tàn ác có mục đích tự thân, và lãnh tụ được khoác những phẩm chất thần thánh. Trong tay Zamyatin lãnh tụ bây giờ được gọi là Nhà Từ thiện.
Những quan tâm về mặt lý thuyết của Orwell về hình dung có thể có của tương lai có thể coi như một dạng trào phúng chính trị. Nhưng 1984 không chỉ tiên báo kiểu xã hội toàn trị mà Orwell tin rằng sẽ đến. Ngược lại, Orwell phát đi một cảnh báo về điều mà ông tin là có thể đến “ngay cả ở Anh, nếu không bị chống lại”. Orwell lấy niên đại cho cuốn tiểu thuyết của mình là 1984, một thời điểm trong tương lai. Ông có lẽ đã cố gắng kêu gọi các độc giả của mình cố mà tránh nó. Nhưng điều mà độc giả cảm nhận được, cả lúc ấy và bây giờ, là cái xã hội ấy đã đến rồi. Mặc dầu 1984 lấy cảm hứng từ các tiểu thuyết của Zamiatin và Huxley, và có lẽ cả tiểu thuyết của H.G. Wells và những gì ông biết về những sự kiện xảy ra ở Tây Ban Nha, Ý, Đức và Nga lúc đó, Orwell còn lấy dàn cảnh của ông từ những gì ông quan sát trực tiếp ở nước Anh hậu chiến. Phần lớn 1984 được đặt trong một London xám xịt, khắc khổ và buồn chán, thiếu thốn, xếp hàng, những điều bất tiện, những tòa nhà sập và chốc chốc lại có những trận bom. Nhiều chi tiết của cuốn tiểu thuyết liên quan đến những năm 1941-43 khi Orwell làm việc cho BBC. Chẳng hạn những hình ảnh về căng tin trong Bộ Sự thật, nơi Winston Smith được thuê làm, được rút ra trực tiếp từ căng tin của BBC. Bản thân Bộ Sự thật, cao 1000 fut, là một phiên bản phóng đại của Bộ Thông tin Anh thời chiến. Thậm chí nhân vật Anh Lớn (Big Brother) cũng có thể đã được rút ra từ thủ trưởng Bộ Thông tin, Brendan Bracken, mà nhân viên dưới quyền thường gọi là B.B.
Phần lớn tính cách ảm đạm của 1984 được quy cho tình trạng sức khỏe kém của Orwell. Ông chỉ sống thêm được bảy tháng sau khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, và chết vì bệnh lao năm 1950. Và từ năm 1939 đến 1946, ông phải sống trong tình trạng phấp phỏng khi nhiều người thân trong gia đình ông lần lượt qua đời. Cha ông chết vì ung thư năm 1939. Mẹ ông chết năm 1943, chị ông, Marjorie, năm 1946 và người vợ đầu của ông, Eileen, năm 1945. Tất cả những hoàn cảnh ấy chắc chắn đã thêm vào tâm trạng u tối và tuyệt vọng gắn liền với tiểu thuyết 1984 của Orwell.
Thế giới của Đường băng số Một – nước Anh – là thế giới đói ăn, với những căn nhà xám xịt và những màn hình tivi hai chiều. Đó là thế giới của nỗi sợ bị giam giữ, và điều này được mô tả càng rõ ràng khi cuốn tiểu thuyết được viết từ điểm nhìn của một người, Winston Smith. Bạn đọc phải trải nghiệm thế giới qua mắt của anh ta, chỉ mắt của anh ta thôi. Thay đổi duy nhất là một đoạn ngắn có tiêu đề “Lý thuyết và thực tế của chủ nghĩa tập thể chính trị đầu sỏ” của Emmanuel Goldstein, một nhân vật giống Trotsky và là đối tượng hàng ngày của ‘Hai phút căm thù’. Orwell còn đưa một Phụ lục vào cuốn tiểu thuyết “Các nguyên tắc của Tân Ngôn” Phần này cho ta một giải thích chi tiết về công việc của Winston Smith trong Bộ Sự thật.
Đảng Thân cận muốn đàn áp tất cả những người bất đồng chính kiến – chụp cho họ cái mũ “tội phạm tư tưởng” – bằng cách xóa bỏ khỏi ngôn ngữ tất cả các từ có thể biểu hiện sự phản kháng. Thử nghĩ xem, nếu bạn phải đàn áp bất đồng chính kiến bằng cách thay đổi ngôn ngữ, bạn sẽ phải xóa đi những từ nào. Đối với O’Brien, một đảng viên của đảng Thân cận “điều không thể chấp nhận được đối với chúng tôi, là một tư tưởng sai trái lại có thể tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cho dù nó bí mật hay bất lực đến thế nào”.
Trong ‘1984’ người của giai cấp vô sản chiếm đến 85% tổng dân số. Họ sống trong nghèo đói và dốt nát và được Đảng Thân cận và Cảnh sát Tư tưởng coi là vô hại. Những người của giai cấp vô sản còn giữ được những giá trị nhân bản lành mạnh về tình bạn và gia đình mà Đảng Thân cận đã hết sức xóa bỏ trong những đảng viên của nó. Và Winston Smith thổ lộ trong nhật ký của mình “nếu có tia hy vọng nào, thì nó nằm ở giai cấp vô sản”. Trong mắt Orwell giai cấp vô sản không chỉ là một lực lượng, mà còn là một sức mạnh tự nhiên có khả năng nhấn chìm đảng bằng phẩm tính nhân đạo của chính nó. Cả những người vô sản và Winston Smith đều không tìm kiếm trong quá khứ một lối thoát bởi vì “chẳng có gì là của riêng anh ngoại trừ mấy centimet khối bên trong hộp sọ của anh”
Nếu bạn từng có cơ hội đọc ‘1984’, rời khỏi cuốn tiểu thuyết bạn sẽ buồn bã, tức giận và thậm chí lên án cái thế hệ đã phải sống qua chế độ toàn trị trong những năm 1930-40. Bạn cũng sẽ cảm nhận được tác động đầy tình cảm của trí tuệ Orwell. Dystopia là một vũ khí mạnh, thậm chí mạnh hơn nhiều tác phẩm không tưởng trước đó. Không tưởng đưa ra một cái nhìn về tương lai – cái nhìn về một xã hội nên như thế nào. Là một tiểu thuyết về những điều thực tế đang diễn ra như thế nào, ‘1984’ có thể không được coi như một mẩu tiên tri thông minh về phần Orwell. Tốt hơn nên để cái đó cho H.G.Wells. Tôi nghĩ, đúng hơn chúng ta nên coi‘1984’ của Orwell như một miêu tả những gì ông thấy diễn ra xung quanh ông trong nước Anh thời hậu chiến. Lại nữa, những hình ảnh của cuốn tiểu thuyết và hai phiên bản phim là những hình ảnh của London thời hậu chiến. Chúng là những cái nhắc nhở thường xuyên về những gì nước Anh cần tránh, và trên một phạm vi rộng hơn, là những gì tất cả chúng ta cần tránh.
Rõ ràng là trí tuệ của Orwell và dystopia của ông là sản phẩm không tất yếu của trí tưởng tượng của ông mà quan trọng hơn là của kinh nghiệm sống của chính ông. Vì nó còn có thể là cái gì khác nữa? Khi nước Anh nổi lên từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai, và khi Công đảng lên nắm chính quyền, Nhà nước bắt đầu can thiệp mạnh mẽ vào đời sống của các công dân. Và như vậy, tiếp theo Đại chiến Thế giới lần thứ hai, nước Anh bắt đầu xây dựng chế độ bao cấp nhà nước rộng lớn, được coi như Nhà nước Phúc lợi. Không ai được miễn trừ trả chi phí cho cái nhà nước Phúc lợi ấy. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể kết hợp với nhau thành “con đường trung dung”. Orwell đã thấy sự liên kết này đã được thực hiện như thế nào ở Ý, Đức, Tây Ban Nha và Liên Xô. Liệu nước Anh có thể theo sau từ xa không?
Hiếu Tân, 12.02.2010
[1]Nguyên văn: Niềm tin của tôi không lớn hơn một hạt mù tạc.
[2]Thuật ngữ kinh tế, có nghĩa là nền kinh tế không bị hạn chế bởi chính phủ, đặc biệt dưới dạng thuế quan và các công ty độc quyền nhà nước.
[3]Một loại hài kịch.
[4]der Führer: Lãnh tụ (tiếng Đức trong nguyên bản).