Lược sử tính hiện đại

Jacques Attali

Hiếu Tân dịch

Truy tìm những nghĩa lắt léo khác nhau của tính hiện đại trong những nền văn minh khác nhau, trong những ngôn ngữ khác nhau, trong nhiều thời đại khác nhau, trong suốt chiều dài lịch sử, chính là truy đến cùng, ở những chỗ tốt nhất, những bí mật của thân phận con người. Đó là xác định cách suy nghĩ của mỗi nhóm người về điều mà nó mơ tưởng về tương lai, trong thời gian và trong không gian, chống lại những gì có thể có hại cho nó, đề cao những gì hợp với mơ ước không tưởng của nó envaloirisant ce qui est conforme à son utopie. Đó cũng là diễn dịch sự tiến triển của các giá trị, các tư tưởng, những gu thẩm mĩ, những chủ đề phẫn nộ, những quan niệm về tiến bộ, những tổ chức kinh tế, những công cuộc táo bạo, những hệ thống chính trị, những phong tục; và đời thường hơn, những cách ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, giải trí, yêu đương, ve vãn nhau, và cảm thấy hạnh phúc.

Những suy nghĩ này không hề vô ích, cũng không có gì bảo đảm rằng những giá trị mà chúng ta đang ôm ấp và chúng ta coi như đã thật sự đạt được kể cả dân chủ, tự do cá nhân và quyền con người sẽ vẫn là những giá trị của tương lai. Những giá trị khác, trong những hoàn cảnh nhất định, sẽ thay thế chúng, trong trí tưởng và trong thực tế.

Mỗi lần một nhóm mới lên nắm quyền, nó chỉ cho phép coi như “hiện đại” những thay đổi chuẩn bị cho tương lai mà nó mơ ước, củng cố quyền lực của nó và duy trì nó lâu dài. Khi đó nó xác định một “cái mới” được ưa thích hơn “cái cũ”.

Nghệ thuật của một thời đại, (từ hội họa đến văn chương rồi đến điện ảnh và các loại hình mới khác nữa) nói chung được bảo trợ bởi chính giới tinh hoa thống trị, là phản ảnh của sự táo bạo của giới này, của những dự phóng của giới này về tương lai. So với những chiều kích khác của xã hội, nghệ thuật thể hiện tốt hơn quan niệm ưu thắng về tính hiện đại.

Một xã hội mà “hiện đại hóa” là mục tiêu công khai của những kẻ lãnh đạo có cái nhìn sáng tỏ về tương lai của nó, thì ràng buộc mật thiết với cái mà nó gọi là “tiến bộ”.

Những xã hội tiền sử trong cả nghìn năm đều muốn những sự lặp lại, vì sợ mọi thay đổi sẽ mang đến cái chết. Con người hi vọng và không được bảo đảm sự trở lại của mặt trời mỗi buổi sáng, mưa mỗi mùa thu, những chồi non đầu tiên mỗi mùa xuân. Không có gì gây bất an hơn sự thay đổi. Khi đó đối với họ, tính hiện đại là sự trở lại của vẫn cái ấy. Hiện đại là ổn định. Vũ trụ học của họ, cũng đầy tài năng như nghệ thuật của họ, là biện hộ cho sự không tưởng này.

Rồi cái mới trong sự phục vụ cho cá nhân trở thành một giá trị tích cực, với những tiến bộ kỹ thuật đầu tiên: lửa, đá đẽo, rồi ròng rọc, đòn bẩy, bánh xe và chuyển từ du cư sang định cư, từ làng mạc sang phố thị.

Trước hết, chính trong xã hội của những dân du mục vùng Cận Đông và những dân đi biển Địa Trung Hải, những người phát minh ra nông nghiệp và thành thị, nó (cái mới) được coi như một cơ hội. Tương lai cho phép hi vọng giảm lao khổ cho con người, làm chậm lại thời khắc của cái chết, và sống tốt hơn. Con người gắn bó trong một nhóm. Con người tự mình trở nên đáng quý. Đó là tính hiện đại của Con người.

Đặc biệt xã hội của người Do Thái rồi xã hội của người Hy Lạp mỗi xã hội theo cách của mình, biện minh cho cái mới.

Trong xã hội của người Do Thái, dân tộc sống trong sa mạc, chắc chắn là một trong những dân tộc đầu tiên (dù sao cũng là đầu tiên trong số những dân tộc trở thành ‘Phương Tây’) cái mới được chào đón khi nó giúp cho mỗi người tham gia vào sự sửa chữa thế giới, sứ mệnh của con người trên Trần thế, điều kiện để chúa Cứu thế đến với thế giới này và để những người chết được phục sinh. Đối với họ, cái tốt nhất của tương lai là lao nhanh đến sự bất tử bằng cách sửa chữa thế giới.

Trong xã hội của người Hy Lạp, là những người sống bên biển, tiếp nhận và đồng hóa tốt hơn ai hết tất cả những gì từ nơi khác đến, cái mới cũng tốt như cái tự họ có, bởi vì nó đem lại cho mỗi người, hay đúng hơn cho mỗi công dân, những nguồn mới của cái đẹp, sự thích thú và thoải mái.

Trong xã hội của người La Mã, xã hội quân sự tập trung, sau những thất bại của họ, họ lấy lại cho mình một phần di sản của xã hội Do Thái và Hy Lạp. Đổi mới chủ yếu là quân đội và sức mạnh. Và công cuộc đô thị hoá tiến những bước ngoạn mục.

Trước tiên trong nội bộ và sau đó ở ngoài, một giáo phái Do Thái Hy Lạp hóa, Cơ Đốc giáo, áp một cái nhìn khác về phía tốt đẹp hơn: tương lai không phải ở đây, nó ở trong Cứu chuộc và Phục sinh. Trong khi ở xã hội Do Thái Hy Lạp sự giàu có vật chất được coi là một phúc lành thì [trong Cơ đốc giáo] nó trở thành một tai ách. Hiện đại là người biết từ bỏ tài sản của mình dâng cho Nhà Thờ. Đó là tính hiện đại của Tín ngưỡng.

Khi đó người Cơ Đốc lấy lại quyền uy của nhất thần giáo, sự mềm dẻo của đa thần giáo, sức mạnh của tập trung. Con người không còn là đáng kể nữa, nhóm/tập đoàn mới là đáng kể. Tự do và Lý trí của cá nhân không quan trọng nữa, quan trọng là Tự do và Lý lẽ của Nhà Thờ, nơi bao bọc, bảo hộ và trao đổi tín ngưỡng và sự phục vụ. Những ông chủ sắp đặt nô lệ theo lợi ích của mình và của Nhà Thờ.

Tính hiện đại này tồn tại ở châu Âu hơn một nghìn năm trăm năm.

Vào thế kỷ XII ở Ý và Bắc Âu bắt đầu một cuộc cách mạng nông nghiệp và công nghiệp. Nhà buôn, tư sản bắt đầu sản xuất cách khác. Tiền lương ra đời. Những nhà tư sản muốn có một nghệ thuật mới, họ tài trợ cho những tháp chuông là thứ cạnh tranh với những quả chuông. Kiến trúc, âm nhạc và văn chương quan tâm đến những vấn đề khác tôn giáo. Các hoạ sĩ vẽ những chân dung nhà tư sản, cực kỳ táo bạo, họ còn vẽ cả những tranh phong cảnh nữa.

Bắt đầu từ thế kỷ XV, phát kiến châu Mỹ, ngành in và kế toán, ở châu Âu cải cách và trong một số cảng của Ý ra đời cái mà sau này người ta gọi là “châu Âu thời hiện đại.” Nhà buôn và thợ thủ công vượt nông dân. Lục địa di chuyển trái tim của nó từ Venise sang Provinces-Unies[1].

Trong phần chủ yếu của châu Âu Cơ Đốc giáo, người ta gọi là “tân tiến/hiện đại” những ai tin vào tính hiện đại của Tín ngưỡng và nghĩ rằng tương lai chỉ có trong Cứu rỗi, và gọi là “cố lỗ/thủ cựu” những ai chỉ muốn quay lại lý trí của người Hy Lạp.

Dần dần ở Bắc Âu cũng như ở Ý, hình thành một ý niệm mới về tính hiện đại, không phải Cơ đốc cũng không phải Hy Lạp. Nó không phải là tính hiện đại của Con người, cũng không phải là tính hiện đại của Tín ngưỡng, mà là tính hiện đại của Lý trí. “Tính hiện đại Mới” này quan tâm đến những thay đổi kỹ thuật và khoa học, xa rời những giá trị Cơ Đốc và không coi tư tưởng Hy Lạp là nguổn cảm hứng duy nhất. “Tính hiện đại Mới” này tin vào tiến bộ, vào thị trường và vào tự do. Khi đó tương lai của tương lai là sự mở rộng tự do thương mại, tự do tư tưởng, tự do sở hữu, tự do trao đổi và tự do bầu cử.

Nó bắt đầu ở Hà Lan và Anh bằng cuộc cách mạng công nghiệp; ở Mỹ bằng một cuộc chiến tranh giành độc lập, và cuối cùng ở Pháp bằng một cuộc cách mạng chính trị.

Chính là ở Pháp, vào đầu thế kỷ tiếp theo, thế kỷ XIX, lần đầu tiên từ “hiện đại” xuất hiện, dưới ngòi bút Balzac[2]. Thuật ngữ này chỉ một thời đại, một nền văn minh, và một quan niệm về tương lai, hòa trộn tự do cá nhân, quyền con người, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa thực chứng, niềm tin vào tiến bộ kỹ thuật và công nghiệp. Tính hiện đại bị chinh phục. Người ta đi tìm động cơ. Với Auguste Comte[3], đó là khoa học; với Saint Simon[4], công nghiệp; với Marx[5], đấu tranh giai cấp; với Tocqueville[6], bình đẳng hoá các mối quan hệ xã hội và nền dân chủ; với Max Weber[7], hợp lí hóa.

Cuối thế kỷ XIX những nghĩa mới của tính hiện đại này đến lượt chúng lại bị thách thức, trước hết bởi chủ nghĩa xã hội của Fourier[8], Proudhon[9] và Marx. Khi đó xuất hiện những hình thức mới của tính hiện đại Lý trí, hình dung và nhằm tạo ra một con người mới, thoát khỏi tha hóa và độc tài của sở hữu tư nhân.

Rồi một loại thách thức khác bắt đầu với Nietzsche[10], dưới cái tên “chủ nghĩa hư vô” mà sau đó người ta gọi một cách sai hơn là “chủ nghĩa hậu hiện đại.” Nó đi kèm với tiếng nghiến ken két trong âm nhạc và hội họa. Đây không phải là một tuyên bố về một sự thay đổi ý nghĩa của tương lai, mà là trực gíác rằng thế kỷ XX sẽ là thế kỷ của những thế kẹt của Con người, Tín ngưỡng và Lý trí.

Rồi, vào đầu những năm 1950, người ta hoan nghênh sự trở lại đắc thắng của dự án về lý trí. Sau khi đã cung cấp cho con người những phương tiện đi lại (tàu hỏa, ôtô, máy bay), bạo lực (vũ khí) cho phụ nữ những phương tiện để thực hiện với ít nhọc nhằn nhất những nhiệm vụ cổ xưa (giặt giũ, chăm sóc, nuôi dưỡng) nền dân chủ thương mại từ nay về sau có xu hướng thỏa mãn những nhu cầu của tré em giải trí, học hành bằng những hàng tiêu dùng. Và hơn nữa, nó nhằm cải biến người lớn và trẻ em bằng cách thỏa mãn tính thất thường của họ, không áp đặt những qui tắc lên họ nữa, mà phỉnh nịnh những ham muốn của họ bất kể chúng là gì, để cho họ mắc nợ vô giới hạn, và cho phép họ không tôn trọng những ước lệ của đời sống cộng đồng nữa.

Tính hiện đại đó trở thành súc tích, bạo chúa, thay đổi thất thường đến mức nó lẫn với ám ảnh về cái mới, và nó tự xóa bỏ trong tức khắc dưới tên gọi “đương đại.” Tương lai là tiếp tục của hiện tại, không có một ý nghĩa nào khác ngoài sự khác nhau của chúng, ngay cả bên lề, với cái trước nó. Không có ý nghĩa nào cả. Như thể sự tăng tốc thay đổi giúp tạo ra một ảo ảnh về sự kéo dài vô hạn độ dài cuộc sống.

Ngày nay hầu như tất cả trên thế giới, và mặc dầu những rắc rối, hiện đại là sử dụng đúng những phương tiện mà những cư dân hạnh phúc nhất và tự do nhất ở phương tây sử dụng, tức là những phương tiện vật chất cần thiết để làm việc, dạy học, ăn uống, tự chăm sóc, ở, học, giữ được sự riêng tư, những phương tiện chính trị cần thiết để giải phóng khỏi những trói buộc chính trị, những cấm kỵ, những thành kiến, những quy tắc cổ lỗ, vẫn đang ngăn cản sự phát triển của phụ nữ, đàn ông và trẻ em. Hiện đại hóa, đó là chấp nhận như dự phóng tương lai lý trí và những gì từ nó sinh ra: tiến bộ kỹ thuật, đổi mới, tự do cá nhân, quyền con người, tự do và nền dân chủ.

Ngày mai, cái gì sẽ là hiện đại. Cái gì sẽ là nghĩa của tương lai? Có nhiều Lý trí hơn không? Nhiều tự do cá nhân hơn không? Nhiều quyền con người hơn không? Hay trái lại, nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm hơn? Nhiều thay đổi hơn hay ổn định nhiều hơn? Tăng tốc hơn hay chậm rãi hơn? Nhiều công nghiệp hơn hay nhiều dịch vụ hơn? Người ta muốn sống lâu hơn hay sống tốt hơn? Người ta muốn nhiều tự nhiên hơn hay nhiều nhân tạo hơn? Nhiều Tín ngưỡng hơn hay nhiều Bản thể hơn? Nghệ thuật của tính hiện đại trong tương lai sẽ là gì? Phong tục, thời trang, chiến đấu, yêu đương sẽ ra sao? Dự phóng tương lai của mỗi người, mỗi dân tộc, của nhân loại sẽ là gì? Người ta có thể đoán ra nó, bằng cách đọc các nguyện vọng và các nghệ thuật của hiện tại không?

Thực chất quan niệm phương tây ngày nay về tính hiện đại chắc chắn sẽ được áp dụng cho lâu dài: với những người hiện chiếm đại đa số ở phương tây và ngày càng nhiều người ở nơi khác, chủ nghĩa cá nhân vẫn là mục tiêu vì nó là giải phóng, đồng nhất với mô hình phát triển châu Âu và Mỹ hai thế kỷ qua, nó nhằm đến những phong tục ngày càng tự do và những thực tế ngày càng hợp lý. Hiện đại vẫn sẽ là làm giàu và hưởng thụ cuộc sống lâu dài hơn. Một cuộc sống kéo dài bằng mọi giá nhờ những thứ đồ giả, bên ngoài rồi bên trong – cơ học, hoá học, di truyền học, số học. Rất lâu về sau, bằng cách nhântạo hóa cuộc sống và hợp nhất những chức năng giới tính, con người dần dần biến thành vật nhân tạo và hàng hóa nhân tạo. Người ta gọi nó là tính siêu hiện đại dị dạng (hypermodernité) hay tính hiện đại của hiện tượng nhân tạo (modernité de l’artefact).

Trái lại có một cách nhìn khác rằng ngày nay tính hiện đại đã tạo ra thời đại của nó, rằng châu Âu đã cạn kiệt trong một thảm họa đạo đức, tài chính, sinh thái, công nghệ và thẩm mĩ, rằng lý trí đã thất bại. Một số người khẳng định rằng không thể đoán trước hay mong muốn điều gì về tương lai, cái tương lai có lẽ chỉ là tiếp nối của một hiện tại khó lường. Họ gọi nó là phi hiện đại (amoderne).

Với những người khác nữa, không tưởng tốt đẹp nhất cho tương lai sẽ là trở về với những giá trị nền tảng của văn hóa cổ, về với tính hiện đại của Con người và Tín ngưỡng. Những “tính hiện đại hoài cổ” (rétromoderne) này đi đến chỗ ca ngợi một chủ nghĩa chính thống tôn giáo, một chủ nghĩa toàn trị sinh thái hoặc một dân tộc học tinh túy. “Tính hiện đại thần quyền” (Théomodernité), “tính hiện đại sinh thái” (éomodernité), “tính hiện đại chủng tộc” (ethnomodernité).

Cuối cùng, với những người khác, tính hiện đại tây phương sẽ bị một đạo đức học mới vượt qua, một đạo đức học tôn giáo hay thế tục, dựa trên một chủ nghĩa vị tha, khước từ chủ nghĩa vị kỷ, trong những lựa chọn. Chúng ta có thể nêu tên, vẫn trong cùng một từ vựng đó, thuật ngữ “tính hiện đại cải biến.” (altermodernité). Từ đó sinh ra những hình thức mới của tổ chức doanh nghiệp, nền kinh tế, xã hội, hệ tư tưởng, phong tục, nghệ thuật, lối sống, cách làm việc, sáng tạo, giải trí, yêu đương, và làm chính trị.

Theo ý tôi “tính hiện đại cải biến” là lối thoát tích cực duy nhất khỏi cái bẫy mà loài người mắc vào từ khi nó quyết định nắm vận mệnh của nó trong tay và không còn tự hài lòng với một thế giới lặp lại nữa. Nó có thể xảy ra, và với xác suất thấp. Elle est possible, et peu probable.Nghệ thuật đóng một vai trò chủ yếu trong những thành tựu và những thất bại của nó.

Sự đối chiếu giữa những quan niệm khác nhau này về tính hiện đại, và những lực lượng phục vụ cho chúng, phụ thuộc bản chất của thế giới vào năm 2030, theo cách mà, vào thời điểm đó người ta suy nghĩ, chuẩn bị, sản xuất, chiến đấu cho thế giới của năm 2060. Và sau đó nữa.

Trích Jacques Attali “Histoire de la Modernité” (Champ essais 2015)


[1] Nước cộng hoà bảy tỉnh phía bắc Hà Lan (République des sept Provinces-Unies des Pays-Bas)

[2] Honoré de Balzac (1799-1850): Nhà văn Pháp

[3] Auguste Comte (1798-1857): nhà triết học và xã hội học Pháp, đề xướng thuyết thực chứng.

[4] Saint Simon (1760-1825): nhà triết học chính trị Pháp, nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng.

[5] Karl Marx: nhà triết học, xã hội học và kinh tế chính trị Đức, khởi xướng chủ nghĩa cộng sản.

[6] Tocqueville (1805-1859) nhà khoa học chính trị, sử học và ngoại gaio Pháp, tác giả “Dân chủ ở Mỹ”

[7] Max Weber (1864-1920): nhà xã hội học, triết học, luật học, và kinh tế chính trị Đức.

[8] Charles Fourier (1772-1837): nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp.

[9] Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865) chinh khách, triết gia Pháp, để xướng thuyết hỗ sinh (mutualism).

[10] Friedrich Nietzsche (1844-1900) Nhà triết học, ngữ học, phê bình văn hóa, nhà thơ Đức.

Comments are closed.