Mekong dòng sông nghẽn mạch [3]

LÀO PDR.COM

Đi ra từ lãng quên

Ngô Thế Vinh

Từ một Xứ Sở Bị Lãng Quên, Lào đang muốn trở thành

Xứ Kuwait Thủy Điện của Đông Nam Á.

clip_image002

Nam Ngum, con đập thủy điện đầu tiên của Lào

MỞ LẠI HỒ SƠ LÀO TRƯỚC CHUYẾN ĐI

Từng bị mang tên là “Xứ Sở Bị Lãng Quên – Forgotten Country”, gần đây Lào lại đang được biết tới không chỉ qua Du Lịch Sinh Thái – Ecotour với hơn 600 ngàn du khách / năm nhưng còn được chú ý nhiều hơn nữa do tin tức từ bên ngoài về những biến động chánh trị ở Lào. Dĩ nhiên phải từ bên ngoài vì không có tự do báo chí hay đúng hơn không có sinh hoạt báo chí ở Lào. Hai tờ tuần san / bán tuần san Le Rénovateur – Đổi Mới [tiếng Pháp] và Vientiane Times – Vạn Tượng Thời Báo [tiếng Anh] là của Nhà Nước Lào chủ yếu dành cho người nước ngoài.

Bây giờ là tháng 12, thời điểm tốt về thời tiết để viếng thăm Lào (giữa khoảng tháng 11 tới tháng 3): sau đó khí hậu quá khô nóng rồi tiếp theo là Mùa Mưa. Nhưng xem ra thời điểm lúc này lại không tốt về dự báo tình hình chánh trị ở Lào với dồn dập những tin tức:

– Các vụ nổ bom từ Vạn Tượng tới Pakse làm rung chuyển nước Lào. Tướng lưu vong Vang Pao người Hmong phủ nhận trách nhiệm (AFP, 26/07/ 2000).

– Vụ nổi dậy vũ trang bị giấu nhẹm ở vùng núi non Muong Khoun, Lào (AFP, 04/08/ 2000).

– Tin Bộ trưởng Tài chánh Khamsay con trai ông Hoàng Đỏ Souvanouvong tỵ nạn chánh trị bị Lào phủ nhận (AFP, 05/08/ 2000).

– Rồi tiếp theo những tin như: vụ tấn công biên giới Lào Thái với cờ Hoàng Gia Lào; người Mỹ gốc Hmong mất tích trên đường tới Lào; người Hmong đốt chợ ở cây số 52 trên quốc lộ 13 phía bắc Vạn Tượng; đoàn xe chở quân đội Cộng sản Việt Nam di chuyển qua thủ đô Vạn Tượng…

– Bà Ngoại trưởng Albright khẳng định Mỹ không hậu thuẫn phong trào kháng chiến ở Lào, Tòa Đại Sứ khuyên không nên du lịch đường bộ lên phía bắc Vạn Tượng.

– Rồi là cả một bài viết dài đọc được trên Internet viết về “Những Biến Chuyển Tại Lào” với đầy bất ổn.

Chuyến đi của tôi tới với con Sông Mẹ / Mae Nam Khong (tên Lào Thái của con sông Mekong) trong bối cảnh chánh trị địa dư như vậy – không qua Guide Tour không với tính cách một du khách. Hành trang đem theo phải kể cả những dữ kiện đầy ắp của cuộc hành trình 2 năm 24 ngày của Đoàn Thám Hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier (Mekong Expedition 1866 – 1868) cách đây hơn một thế kỷ.

Từ nước Mỹ ngay sau Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day, đang là không khí rộn rã chuẩn bị mừng Giáng Sinh và đón mừng năm mới 2001, năm đích thực đầu tiên của Thế Kỷ 21. Một ngày trước chuyến đi, tôi còn nhận được lời khuyên “bảo trọng” của người bạn làm báo am hiểu tình hình xứ Lào.

TỪ BANGKOK SANG VẠN TƯỢNG

Thái Lan đang rộn dịp mùa bầu cử. Trong chánh trị người dân Thái phân hóa nhưng lòng tôn kính của họ đối với nhà vua luôn luôn là một. Cả nước Thái đang hân hoan làm lễ mừng sinh nhật thứ 72 của quốc vương Bhumibol. The King’s 72nd Celebration là dòng chữ có thể đọc được trên tất cả thân tàu của các chuyến bay hãng hàng không Hoàng Gia Thái.

Tới Bangkok lúc 2 giờ sáng, phi trường Don Muang vẫn tất bật nhộn nhịp 24 giờ. Sáng hôm sau bằng chuyến bay Thai Royal International 747 với các cô tiếp viên đẹp mịn như tơ (Smooth As Silk, First Time and Every Time) đi Vạn Tượng. Máy bay đầy ắp du khách, cả những Lào kiều từ Mỹ từ Úc lần đầu tiên về thăm quê hương 25 năm sau. Chỉ một giờ bay để đặt chân tới phi trường quốc tế Wattay khang trang và xinh xắn, mới được Nhật Bản xây xong. Không còn những bảng hiệu tuyên truyền kiểu “Nông Công Binh Đoàn Kết Bảo Vệ Chủ Nghĩa Xã Hội”. Vạn Tượng cuối năm 2000 đã khác xa với những trang sách của Graham Greene trong Người Mỹ Trầm Lặng (1955).

Từ những thập niên 30, để kiện toàn bộ máy thư lại, chánh quyền bảo hộ Pháp đã đưa rất nhiều gia đình công chức Việt Nam sang Lào, đông tới mức (ngoại trừ kinh đô Luang Prabang) số người Việt tại các thành phố lớn như Vạn Tượng, Savanakhet, Xieng Khouang, Pakse đã trở thành đa số. Các bang hội người Hoa là cộng đồng di dân lớn thứ hai.

Thủ đô Vạn Tượng trên đà phát triển nhưng vẫn là một thị trấn nhỏ với những ngôi biệt thự cũ thời Pháp ẩn khuất dưới tàn cây xanh ngày càng ít đi. Sở Ngân Khố cũ trên đường Fa Ngum chỉ còn bốn bức tường vàng với mái đổ nát, rất tương phản không xa đó là Tòa Nhà Trắng uy nghi của chủ tịch nhà nước Lào.

Nhưng từ cái nền phẳng xanh ấy của Vạn Tượng bắt đầu vươn lên những tòa nhà mới cao tầng, các buildings, nổi bật nhất vẫn là các khách sạn 4 sao hàng trăm buồng, nhìn xuống những đường phố tấp nập xe cộ, xe gắn máy Honda, xe Tuk Tuk ba bánh, xe hơi nhỏ và cả những Taxi của công ty Lavi là một liên doanh Lào-Việt.

Vội vã với Đổi Mới, Vạn Tượng từ một thị trấn im ngủ đã như một nàng công chúa choàng thức dậy để đón những hoàng tử đang đổ tới từ Thái Lan.

Tấp nập nhất là khu trung tâm quảng trường Nam Phou (với vòi nước phun chỉ có vào ban đêm) với đủ thành phần du khách thuộc nhiều quốc gia nhưng đông nhất vẫn là Tây ba lô.

MAE NAM KHONG – SÔNG MẸ CẠN DÒNG

Bây giờ mới là giữa tháng Chạp – vừa hết Mùa Mưa, chưa vào cao điểm Mùa Khô (khoảng tháng 4 tháng 5 ) vậy mà khúc sông Mekong chảy qua Vạn Tượng như đã khô cạn với ngổn ngang những cồn và bãi. Bên tả ngạn phía Lào, từ lầu ba khách sạn Lane Xang nhìn xuống chỉ thấy xanh rờn các bãi trồng bắp trồng chuối lan ra tới 1/3 sông trước khi tới được dòng nước như con sông nhỏ, rồi là cả một giồng cát lớn giữa sông ngăn đôi với một dòng chảy khác bên hữu ngạn phía Thái Lan.

Đây đâu phải là hình ảnh đích thực của Con Sông Mekong Dũng Mãnh lớn thứ ba của Châu Á và lớn thứ 11 của thế giới? [như mạch sống của người dân Lào, Cam Bốt cũng như của hàng bao triệu cư dân Việt nơi ĐBSCL].

Nang Ouane, sinh ra và lớn lên ở Vạn Tượng. Chị là người có học hiểu biết, ngoài tiếng Lào tiếng Việt chị còn nói được tiếng Pháp tiếng Anh. Là chuyên viên cao cấp ngành ngân hàng trong số rất hiếm những người Lào học thức còn ở lại sau ngày đội quân Pathet Lao từ các khu hang động Sầm Nứa xuống tiếp thu thủ đô Vạn Tượng. Chị vẫn sống bình dị đời một công chức với tương lai là đàn con 7 đứa trai gái học rất giỏi đã có bốn đi du học ngoại quốc. Đứa con gái lớn của chị tốt nghiệp ngành điện toán ở Úc, nay là người sáng lập mạng lưới Internet phát triển rất nhanh trên đất Lào.

Sáng nay từ nhà trên đường tới sở làm, Ngân Hàng Ngoại Thương cũng trên đường bờ sông Fa Ngum, Nang Ouane vận một chiếc váy dệt theo lối y phục cổ truyền của phụ nữ Lào, chị có một vẻ đẹp hiền thục và giọng nói thật thanh thoát:

– Chỉ mới sáu bảy năm trở lại đây thôi con sông Mekong mới khô cạn đến như vậy. Trước đây khúc sông chảy qua Vạn Tượng lúc nào cũng đầy nước, chỉ có khác là mực nước cao thấp trong Mùa Mưa và Mùa Khô chứ đâu có trơ bờ bãi như bây giờ mà mưa thì vẫn vậy.

Thời điểm chị nói trùng hợp với năm hoàn tất con đập Man wan (1993) cao 35 tầng trên thượng nguồn – con đập đầu tiên công suất 1500 MW trong dự án một chuỗi 14 con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam của Trung Quốc (chỉ riêng con đập Man wan này cùng thừa đủ để cung cấp điện cho toàn vùng Vân Nam Quế Châu ). Cũng vào năm đó, một hiện tượng được coi là bất thường khi mực nước con sông Mekong đột ngột tụt thấp xuống mà không vào Mùa Khô, chỉ lúc đó thì người ta mới biết là Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào hồ chứa con đập Manwan.

Dòng chảy của con sông Mekong nơi hạ lưu sẽ ra sao khi cả chuỗi 14 con đập bậc thềm Vân Nam (khởi đầu 7 nay 14) được hoàn tất trong hai thập nhiên đầu của thế kỷ 21. Nước trong các hồ chứa không chỉ để chạy các turbines mà còn được dùng để tưới cho những vùng ruộng đất mênh mông vốn khô cằn của Trung Quốc.

Qua Thong Dien, người tài xế Lào gốc Việt cho biết thêm:

– Em từ vùng giải phóng Xieng Khouang theo gia đình lên sống ở Vạn Tượng từ 1976. Nhà gần sông tụi em thường ngày ra chơi. Em nhớ rõ là hồi đó con sông Mekong rất nhiều nước kể cả Mùa Khô (trong dịp Tết Pimay); còn Mùa Mưa thì khỏi nói con sông nước chảy mạnh là thế nào. Nhưng chỉ có năm bảy năm gần đây thôi khúc sông mới cạn như vậy, bây giờ mới tháng 11 – 12 mà sông đã thiếu nước. Hai mùa mưa nắng thì vẫn thế mà không biết nước chảy đi đâu hết !

Rồi đưa tay chỉ xuống những bãi trồng bắp trồng rau dọc theo con đường Fa Ngum trải dài xuống tới mé sông cạn, Thong Dien tiếp:

– Chỗ ấy trước kia là sông nước chứ đâu có đất mà trồng trọt và cả cất nhà lên như vậy.

Theo tầm tay Thong Dien thì dưới những bụi chuối xanh um còn có ẩn hiện cả mấy túp nhà lá, hắn tiếp:

– Đất phù sa quá tốt nay đem trồng rau trồng bắp hay cả trồng chuối thì cứ gọi là “vô tư”.

Ngữ vựng tiếng Việt của tôi tuy không gọi là giàu nhưng cũng không thể bảo là nghèo nàn, hai chữ “vô tư” theo cách dùng của anh tài xế người Lào gốc Việt này rất mới đối với tôi. Vô tư tự nó có nghĩa tốt, không thiên vị nhưng với Thong Dien thì hẳn phải có một ý nghĩa rất khác. Từ nay với tôi, Thong Dien sẽ có tên là anh tài xế Vô Tư. Người Lào và cả nhà nước Lào hầu như vẫn vô cảm trước hiện tượng một con sông Mekong đang ngày một cạn dòng.

Thời gian ở Lào, tôi chưa hề được nghe một ai nhắc tới những con đập bậc thềm Vân Nam. Không lẽ một khúc sông Mekong cạn kiệt như vậy mà lại là nguồn nước cho Biển Hồ và hai con Sông Tiền Sông Hậu nơi Đồng Bằng Châu Thổ?

Trong trí tưởng tôi hiện ra hình ảnh đối nghịch của khúc Sông Tiền hoành tráng đẫm phù sa mênh mông trải rộng tới hơn 3 km, từ bao thế kỷ vẫn ôm ấp và và không ngừng bồi dưỡng cho hàng trăm cù lao lớn nhỏ như cù lao Rồng, cù lao Phụng, cù lao Quy và cù lao Thới Sơn với rượi mát những khu nhà vườn…

Một mai khi cạn nguồn phù sa và nước ngọt để chỉ còn cường triều nước mặn thì đó sẽ là buổi hoàng hôn của nền Văn Minh Miệt Vườn. và cũng để rồi sẽ có một ngày nào đó – đây đó trên khúc sông Mekong sẽ:

Sông kia giờ đã nên đồng

Bên làm nhà cửa bên trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếc ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò… [Tú Xương]

CÁ TRÊN KHÚC SÔNG MẸ

Những ngày ở Vạn Tượng, buổi sáng sớm mai trời còn mát tôi đã có mặt đi bộ dọc bờ sông Mekong theo con đường Fa Ngum – giống như đường bờ sông Sài Gòn.

Kể từ 1994 khi có cây cầu Mittaphap bắc ngang qua sông Mekong, không còn cảnh huyên náo thuyền bè tấp nập từ Lào với thúng mủng trống trơn trên đường sang bến cảng Nong Khai phía Thái Lan để khi trở về thì chất đầy hàng hóa từ thời kỳ “Đổi Mới”.

Nay chỉ còn thưa thớt trên sông những chiếc thuyền chài nhỏ mà tôi theo dõi từ sáng sớm cho tới khi vào bờ. Để tận mắt thấy từ trên mỗi chiếc ghe, con cá lớn nhất lưới được không hơn một bàn tay, phần còn lại là mớ cá vụn. Không ai có cái xa xỉ thả lại xuống sông những con cá nhỏ ấy để chờ một mẻ lưới lớn hơn ở mai sau (vì đây là nguồn protein trong ngày của một gia đình).

Bác ngư dân già vẻ ẩn nhẫn nói: sông ngày càng cạn và cá thì ít đi. Nước con sông Mekong vẫn còn đỏ phù sa nhưng dòng chảy thật chậm. Không có bên lở bên bồi mà chỉ có những bờ bãi hai bên bờ cứ kéo dài ra. Vậy mà người ta còn đưa xe ủi đất tới đắp cao thêm bờ đê, không lẽ để ngăn cả chút gió mát từ dòng sông đã mất hết vẻ dũng mãnh và đang cạn dần.

ĐẬP NAM NGUM 30 NĂM SAU

Nếu Quốc Tự That Luong như một biểu tượng cho lịch sử nước Lào thì đập Nam Ngum cũng là niềm hãnh diện khác của tiến bộ và phát triển của người dân Lào. Hình đập Nam Ngum được in trên bưu thiếp, con tem, trên đồng bạc 50 kip (sau này không còn lưu hành nữa vì nạn lạm phát phi mã ở Lào).

Là con đập thủy điện đầu tiên được xây dựng và hoàn tất rất sớm ngay giữa những năm giông bão của cuộc Chiến Tranh Việt Nam bằng tiền vay của Ngân Hàng Thế Giới và nhiều nước khác. Mỹ cũng đổ tiền thêm vào giúp Lào sớm hoàn tất con đập để có thêm nguồn điện cung cấp cho căn cứ không quân chiến lược Udon lúc đó đang nhộn nhịp hoạt động ở vùng đông bắc Thái.

Năm 1971, đập Nam Ngum hoàn tất giai đoạn một, đánh dấu một thời điểm lịch sử khi hai vua Lào Savang Vathana và Thái Adubjadej Bhumidol cùng gặp nhau trên một con phà lộng lẫy trăng đầy hoa đèn giữa dòng chính sông Mekong “để cùng bấm nút nhấn, cùng một lúc điện và đôla chảy ngược chiều nhau về hai quốc gia Thái Lào”.

Phải đi suốt 420 Km đường bộ từ Vạn Tượng tới Luang Prabang, vượt hơn 170 Km đường đèo với núi cao và lũng sâu, để thấy tính đa dạng các sắc tộc Lào ( Lao Lum – Kinh, Lao Theung – Thượng, Lao Soung – Núi) và còn thấy được ánh sáng điện từ con đập Nam Ngum vươn xa tới đâu – tới những thôn bản trên các rẻo cao xa xôi hẻo lánh nhất.

Ở một chừng mực nào đó, với từng bước phát triển hài hòa, cùng lúc quan tâm tới bảo vệ sinh cảnh môi trường, thì không thể phủ nhận được là đập Nam Ngum đã thực sự cải thiện đem lại ánh sáng cuộc sống văn minh tới người dân Lào.

Với người Lào hiểu biết tiến bộ, thấy được tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của Lào, họ không muốn kìm hãm đất nước họ mãi dừng lại như “một thứ viện bảo tàng các di tích của thời kỳ đồ đá đồ đồng” để mua vui cho du khách.

Hồ chứa đập Nam Ngum trải rộng trên một diện tích hơn 250 km2 (lớn hơn 1/ 3 toàn diện tích đảo quốc Singapore), như một thắng cảnh thiên nhiên có vẻ đẹp hùng vĩ với cảnh trí núi non và hàng trăm những hòn đảo lớn nhỏ, tuy không còn thú lớn nhưng vẫn là nơi trú ngụ của khỉ, chút, các loài chim và rắn nước.

Còn phải kể tới một cảnh trí lạ mắt khác là vô số những ngọn cây cao hơn 50 mét tua tủa vươn lên khỏi mặt nước do rừng cây chưa kịp khai quang đã bị dìm sâu dưới đáy hồ. Cây không chỉ làm rách lưới ngư dân nhưng còn có thể làm vỡ thuyền bè đụng phải khi di chuyển trên mặt hồ.

Các tay lái gỗ Thái không chỉ phá những khu rừng mưa ở Lào mà còn thuê toán người nhái với cưa máy tiếp tục khai thác những cây gỗ quý còn lại dưới hồ. Đám thợ lặn kể lại rằng họ còn bắt gặp những chiếc xe bò và khung nhà của dân làng Na Bon phải bỏ lại khi thác nước đổ ập vào thôn bản của họ. Do làm bằng gỗ tốt nên những nông cụ ấy sẽ còn đó cả trăm năm nhưng mỗi ngày một dìm sâu trong lớp chất lắng từ núi và đảo không ngừng đổ xuống mỗi năm và đang làm cạn hồ.

Nam Ngum trở thành tụ điểm du lịch hấp dẫn với các quán ăn, với thuyền máy du ngoạn trên hồ. Nơi bờ hồ phía nam, nhóm doanh nhân Mã Lai có kế hoạch đầu tư mở khách sạn 4 sao Dan Savanh Nam Ngum Resort 200 buồng, với bãi tắm, sân golf và cả Sòng-Bài-Sinh-Thái / Eco-Casino _ thêm một hình thức đĩ điếm hóa / prostitution từ “sinh thái” của đám con buôn. Không phải là vô lý khi gặp một giáo sư đại học Stanford đang viếng thăm Lào đã có nhận xét và phát biểu: – Đến một lúc nào đó người dân Lào trở thành “công dân hạng hai – second class citizen ” ngay trên đất nước họ.

Cá trong hồ là nguồn lợi tức cho ngót 4 ngàn ngư dân quanh vùng với lượng cá đánh được trước đây lên tới 850 ngàn tấn mỗi năm nhưng cá ngày càng ít đi do lối đánh cá “lùng và diệt” bất kể cá lớn nhỏ với lưới, súng hơi và cả điện xoẹt.

Để bù lại, người ta bắt đầu trồng thêm chuối trên các đảo: những trái chuối ngự vàng óng thơm ngon bán rẻ cho khách không phải từng nải mà là từng buồng. Buổi sáng khi ghe chài ra hồ cũng là lúc mấy chiếc ghe khác từ ngoài đảo đưa chuối vào bờ.

Cũng chẳng thể ngờ rằng ngay từ 1975 người Cộng Sản Lào đã có “vận dụng sáng tạo” là dùng hai đảo lớn giữa biển hồ để biến thành “trại lao cải – reeducation camp” cho những thành phần xã hội mà họ gọi là “cặn bã của tư bản” bao gồm gái điếm, trộm cắp, thiếu niên du đãng… có lẫn tù chánh trị hay không trong đám tù hình sự đó thì chỉ có chính nạn nhân mới tự biết.

Ngồi trên chiếc tàu sắt thô sơ chạy bằng máy dầu cặn, vỏ tàu sắt thì vẫn an toàn hơn tàu gỗ khi chọn đi vào vùng hồ còn tua tủa những ngọn cây gỗ trắc _ cứ như trận địa Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán thuở nào.

Tenoi Laxami là tài công cũng là chủ tàu, vẻ hiền lành như mọi người dân Lào. Tuổi chỉ mới ngoài 30, khi các kỹ sư Nhật Bản bắt đầu tới khảo sát khu xây đập Nam Ngum thì Laxami chưa chào đời. Anh không phải gốc dân làng Na Bon nên không biết những thôn bản nằm dưới đáy sâu hồ ra sao nhưng cảnh quan của đập Nam Ngum ngày nay thì lại quá thân thuộc với anh từ tấm bé.

Với số câu tiếng Lào mới học chỉ đủ cho xã giao du lịch nhưng tôi có thêm được Thong Dien, tài xế người Lào gốc Việt đã rất hoạt bát thông dịch. Vượt được hàng rào ngôn ngữ rồi thì tôi cũng có nhiều điều để giúp Laxami và Thong Dien hiểu thêm về lịch sử những giai đoạn hình thành con đập Nam Ngum.

Buổi sáng 9 giờ, trên mặt hồ phía tây vẫn phủ dầy một lớp sương mù. Giờ này thì Tây Ba lô – những con cò ăn đêm ấy, chắc còn đang ngủ. Quán Nam Ngum cũng mới mở cửa. Sabai dee! Mấy cô gái Lào tóc đen láy búi cao trên chiếc cổ trắng ngần cũng mới tới quán và bắt đầu bắc nước sôi lên bếp.

Thong Dien kêu ly “cà phê sữa nóng – kafeh hawn”, riêng tôi thì kêu ly “kafeh dam baw sai nâm tan – cà phê đen không đường”. Bánh mì baguette, cà phê sữa do người Pháp du nhập nay trở thành rất phổ biến và được mọi người dân cả ba nước Đông Dương ưa chuộng.

Một nhà thủy tạ trắng 2 tầng vươn lên giữa hồ, nơi để du khách có tầm nhìn toàn cảnh con đập và đứng chụp hình. Laxami nói:

– Nhà thủy tạ ấy vốn cao 3 tầng nhưng nay chỉ còn 2 do mực nước hồ dâng cao, chỉ mới đây thôi.

Tôi chợt hiểu rằng từ 1971, sau ngót 30 năm một phần hồ bị chất lắng từ núi đổ xuống làm cho cạn, cộng thêm với kế hoạch tăng công suất đập thủy điện Nam Ngum từ 30 tới 150 MW nên mực nước trong hồ dâng cao hơn.

Thấp thoáng từ xa là những chiếc ghe chài. Họ ra hồ từ sáng sớm. Laxami nói:

– Số cá đánh được ngày càng ít đi. Cách đây mấy năm, công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn có tới đây làm lễ thả xuống hồ hơn một trăm con cá Pla Beuk (loại catfish khổng lồ hiếm quý của sông Mekong, được các nhà ngư học Thái gây giống nhân tạo) nhưng cho tới nay chưa ngư dân Lào nào lưới được một con cá Pla Beuk trong hồ.

Là loại cá của sông sâu với dòng chảy, mỗi năm vượt hàng ngàn dặm lên thượng nguồn để đẻ trứng, nay đem thả trong hồ liệu có bao nhiêu con cá Pla Beuk trong số đó còn sống sót?

Tàu chậm lại để tiến gần tới một ghe nhỏ của cặp vợ chồng ngư dân già. Mươi con cá mỏng manh bằng lòng bàn tay mới lưới được nằm phơi bụng trong lòng thuyền. Laxami bảo nếu đem mớ cá ấy ra chợ bán cũng được 7000 kip – chưa tới một đôla nhưng đủ cho hai vợ chồng sống qua ngày với bữa ăn chủ yếu là một trõ xôi nếp với muối ớt đâm Padaek.

– Nghe nói mấy tháng nữa nhà nước ra luật cấm đánh cá bằng lưới mắt nhỏ và điện xoẹt để bảo về nguồn cá trong hồ.

Ra luật và thi hành vẫn còn là một khoảng cách đại dương trên xứ Lào (cấm thuốc phiện, cấm phá rừng, bảo vệ nguồn cá…).

Với Laxami thì cái gì thuộc hồ Nam Ngum cũng có một lịch sử một giai thoại. Chỉ dãy núi xanh sẫm chạy dài bên hữu ngạn, Laxami nói:

– Đó là Pu Mụt – núi tối, do núi luôn luôn có màu tối sẫm cho dù ngày nắng, đó như trạm dự báo thời tiết cho ngư dân đi hồ: mưa gió hay bão táp bao giờ cũng đến trước với rặng núi tối, tới trước rất lâu trước khi lan ra khắp mặt hồ.

Laxami tiếp:

– Ngày gió lớn, sóng trên hồ cao tới hơn 1 mét đủ để lật ghe thuyền nhỏ, đã có một ngư nhân gốc Việt, ông Trần cách đây ít lâu bị lật ghe chết mất vợ và con, sau đó ông ta bỏ nghề về sống ở Vạn Tượng nhưng thỉnh thoảng vẫn trở lại thăm.

Rời dãy núi tối, con tàu đi qua những đảo lớn nhỏ với những những cái tên thơ mộng khác: Pu Padang Nang Non / cô gái đang ngủ, Pu Kao Nang / núi chín cô, Pu Eng / rặng núi cong và Pu Huot / núi trõ xôi…

Nhà khách Xantiphap – Hòa Bình, là một khu nhà gỗ trên đảo dành cho khách du lịch có thú quạnh hiu chọn qua đêm giữa cái mênh mông của biển hồ.

Laxami đã không tìm được một cái tên tượng hình thơ mộng nào cho hai hòn đảo có trại cải tạo: Đỏn Thao (đảo chàng) và Đỏn Nang (đảo nàng) – như một thứ ổ tội ác – Lao Sodom, với cả đồn công an trên đó.

– Nghe nói trên đó có giam cả viên chức ngụy?

Lớn lên từ Vùng giải phóng Cánh Đồng Chum, cách mạng và ngụy là từ ngữ quen thuộc củaThong Dien. Laxami trả lời thật đôn hậu:

– Ngụy hay không nhưng đã là người tốt thì giống nhau!

Một dân tộc Lào nổi tiếng hiền lành như vậy mà đã dứt chế độ quân chủ của họ với vua, hoàng hậu và hoàng thái tử đều chết trong trại cải tạo nơi vùng hang động Sầm Nứa.

Trở lại với con đập Nam Ngum, đã 30 năm rồi, người dân nghĩ sao về con đập?

Laxami phát biểu giản dị và công bằng:

– Chẳng thể nào vui được nếu là dân làng Na Bon mất hết nhà cửa ruộng vườn quê cha đất tổ của họ. Nhưng nói chung dân trong vùng được hưởng tiện nghi có điện, hồ có cá, thêm lợi tức do du khách đem tới và hàng ngày gặp gỡ, chúng tôi cũng được tiếp xúc với tiến bộ và văn minh.

Nhưng rồi Laxami hiểu rằng đến một ngày nào đó hồ Nam Ngum cũng sẽ bị cạn vì đất núi đổ xuống. Anh cũng không dấu được vẻ lo sợ khi kể lại là:

– Các ông già bà cả thì còn sợ rằng làm con đập như vậy là xúc phạm tới thần linh [phi] có thể bị trừng phạt.

Laxami muốn nói tới một trận động đất với cả cơn hồng thủy sẽ cuốn trôi hết làng mạc và dân cư trong vùng.

Tin hay không tin ở thần linh thì “động đất do hồ chứa – reservoir triggered seismicity ” cũng không phải là không có cơ sở khoa học.

TỪ NAM NGUM TỚI ĐIỆN KHÍ HÓA NƯỚC LÀO

Sang đầu thế kỷ 21, theo Bộ Điện Lực Lào thì vẫn còn 19 huyện trong tổng số 121 huyện trên toàn quốc phải sống trong cảnh không điện. Đó là những làng mạc xa xôi hẻo lánh gần biên giới, giao thông khó khăn nên dân chúng vẫn phải sống trong cảnh tối tăm cho dù Lào là nước xuất cảng điện sang các nước láng giềng.

Là một xứ sở núi non, ngoài con sông Mekong vẫn được coi là dũng mãnh với các phụ lưu, Lào còn có vô số những con sông nhỏ; do đó Phân Bộ Điện Lực Lào đang có kế hoạch phát triển thêm các đập thủy điện ‘bỏ túi’ trên những khúc sông nhỏ nhằm đem lại tiện nghi ánh sáng cho người dân Lào.

Từ 1975 nhà nước Lào đã sở hữu 3 đập thủy điện: Nam Ngum 30 MW thuộc tỉnh Vạn Tượng, Nam Dong 1 MW tỉnh Luang Prabang và Sélabam 2 MW tỉnh Champassak. Nguồn thủy điện ấy chủ yếu chỉ để phục vụ các thành phố lớn.

Chánh phủ Lào đã vay thêm ngoại tệ để tăng công suất cho các nhà máy thủy điện đã có sẵn và xây thêm con 2 đập mới. Cho tới năm 2000, Công Ty Điện Lực Công Cộng Lào đã có 5 đập thủy điện với công suất tổng cộng lên tới 270 MW. Đập Nam Ngum tăng từ 30 tới 150 MW, đập Selabam từ 2 tới 5 MW, riêng đập Nam Dong thì vẫn giữ công suất 1 MW. Có thêm 2 đập thủy điện mới Sexet 45 MW ở tỉnh Savannakhet và Nam Leuk 60 MW ở tỉnh Bolikhamsay. [Lào vẫn còn phải sử dụng 2 nhà máy nhiệt điện chạy bằng xăng dầu: một ở Vạn Tượng công suất 8 MW, một ở Luang Prabang 1 MW]. Dĩ nhiên trên đất nước Lào còn những đập thủy điện lớn khác như:

Houay Ho 150 MW, Nam Theun Hinboun 210 MW… nhưng là của công ty ngoại quốc hay liên doanh với chánh phủ Lào dưới dạng BOOT (Build/ xây, Own/ sở hữu, Operate/ khai thác, và Transfer/ chuyển nhượng).

Trong mấy năm qua Lào đã xuất cảng 644 triệu KWH sang các nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam nhưng vẫn phải nhập cảng 163 triệu KWH cho các vùng xa xôi gần biên giới do địa hình khó khăn để thiết lập đường dây cáp cao thế vận chuyển điện. Như điện tỉnh Sầm Nứa là từ con đập thủy điện Hòa Bình.

Phải kêu gọi dân chúng Lào tiết kiệm điện để xuất cảng vẫn là một khẩu hiệu trên một đất nước được mệnh danh là “xứ Kuwait thủy điện của Đông Nam Á”.

160 KM ĐƯỜNG BỘ LÊN VANG VIENG

Rời đập Nam Ngum theo đường số 5 ra quốc lộ 13, cảnh trí hai bên bờ sông một màu xanh tươi bát ngát. Hai bên đường rải rác những căn nhà gạch mới – không còn là nhà sàn, đang được xây cất, do tiền từ ngoại quốc gửi về. Thong Dien chỉ mấy con trâu đang lội qua sông, nói:

– Những con trâu mập thế kia mà sao xuống nước vẫn cứ nổi, em từng chăn trâu và để trâu lội qua sông cứ gọi là “vô tư”…

Đến đây thì chữ vô tư lại có nghĩa khác, của một trạng từ. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Ngữ vựng tiếng Việt của tôi hẳn được giàu thêm qua một chuyến đi Lào.

Đường lên Vang Vieng, cảnh rất thường gặp là mấy cô thiếu nữ Lào xinh đẹp bận váy thay vì Jean chạy xe Honda, thỉnh thoảng còn gặp một đầu máy kéo chở đầy người đi chợ như một phương tiện giao thông khác của người dân Lào – cảnh tượng giống như ở Vân Nam.

Heo, gà vịt ngan, kể cả gà tây turkeys với mào đỏ rực được thả chạy rong trên đường. Thong Dien tiếp:

– Trâu bò ở đây mập mạp khỏe mạnh lại rất ít phải lao động, cũng nhàn nhã như người dân Lào, rơm cỏ lại nhiều cứ gọi là ăn uống “vô tư”.

Nếu bánh mì baguette với cà phê sữa đặc như dấu ấn ảnh hưởng của văn hóaPháp thì hẳn những chú gà tây turkeys sống sót trong dịp lễ Thanksgiving trước đây nơi Cây Số Sáu [Six Clicks City] có lẽ là di sản duy nhất tốt đẹp ngoài rất nhiều bom đạn chưa nổ mà người Mỹ còn để lại trên xứ Lào.

Trên khúc đường đèo đầy nắng gió, thỉnh thoảng lại gặp mấy cô gái Hmong rất trẻ mà đã làm mẹ với địu con trên lưng. Những đứa trẻ nhỏ xíu thiếu cân ấy nếu sống sót qua được 5 tuổi giữa thiên nhiên khắc nghiệt, chúng sẽ rất sớm trở thành những chiến sĩ của rừng xanh. Dưới trướng của ông tướng Vang Pao, giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam đã không thiếu những tay súng Hmong còn ở tuổi vị thành niên nhưng rất can trường xông tới phía trước làm bia đỡ đạn để rồi họ cũng bị người Mỹ bỏ rơi lại phía sau trên những Núi Đồi Bi Thảm.

Trên một thửa ruộng trơ gốc dạ gần chân núi là cảnh mấy nông dân Lào đang dùng đầu máy để cầy lật những luống đất. Sau điện khí hóa với các đập thủy điện, bước đầu kỹ nghệ hóa với nhà máy xi măng, nhà máy Pepsi và Bia Lào (rất nổi tiếng) nay tới bước cơ giới hóa nông nghiệp là nét phát triển mới của xứ Lào. Vang Vieng, vốn là một thị trấn rất nhỏ vùng cao nằm phía bờ đông của con sông Nam Xong với phía tây là rặng núi đá chập chùng như một bức tường thành có nhiều hang động và đang trở thành một tụ điểm càng ngày càng thu hút nhiều du khách. Dân trong vùng chủ yếu là người Hmong, người Yao. Nguyên là một địa danh nổi tiếng trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam, với một đường bay ngắn STOL (Short Takeoff and Landing ) đã từng hoạt động tấp nập trong cuộc chiến tranh bí mật của CIA ở Lào, được biết tới với cái tên Lima Site 6. Nay vẫn còn đó một phi đạo trống trải với các bồn xăng bỏ hoang phế.

Vang Vieng mùa này đang tấp nập du khách, họ tới đây để leo núi thăm hang Tham Cheng, rồi tắm suối, bơi sông, chèo thuyền và cả hút thuốc phiện rất dễ kiếm trong các thôn bản người Hmong với giá thật rẻ. Những cô gái Lào bụi đời cặp đôi với các ông Tây Ba lô không còn là cảnh hiếm thấy. Gần khu chợ, đã kịp thời mọc lên vô số những nhà khách/ guesthouses rẻ tiền từ 1 đôla một đêm. Nhưng cũng không thiếu khu nghỉ mát sang trọng Vang Vieng Resort với bungalows kiểu Anh chủ yếu phục vụ những doanh nhân Tàu Đài Loan Hong Kong Singapore đang kiếm tiền như nước trên đất Lào.

Cả một dòng suối trong như thủy tinh chảy ra từ chân ngọn núi đá, nơi lý tưởng để thả mình vào thư giãn. Nhìn từ xa con sông Nam Xong thì vẫn cứ là một màu trong xanh và lung linh trong ánh nắng. Một đất nước chỉ bằng 1/3 diện tích bang Texas, không chỉ với nạn phá rừng tự sát và khai thác thủy điện khắp nơi, rồi ra với ngót 1 triệu du khách mỗi năm trong thập niên tới, thì mọi con suối mọi dòng sông và sinh cảnh thiên nhiên núi non vốn trinh nguyên của Lào sẽ mau chóng trở thành quá khứ. Giống như Việt Nam, Lào đang Đổi Mới với cái giá rất cao phải trả về môi sinh cho các thế hệ tương lai.

Không chỉ ở Vạn Tượng hay Luang Prabang, ngay tại thị trấn rất nhỏ Vang Vieng này, các quán Café Internet lúc nào cũng đông khách ngoại quốc. Quản lý mạng lưới Internet này là đám thanh niên sinh viên Lào rất năng động và nói được tiếng Anh.

Tim tên người Mỹ gốc San Francisco, được giới thiệu như một “nhà văn – writer” làm “part time” trong 1 quán Café Internet đã nói với tôi:

– Thật hết sức ngạc nhiên (amazing – chữ của Tim) chỉ mới 2 năm trước đây thôi, Internet còn bị coi là illegal ở Lào, vậy mà bây giờ thì Café Internet tự do mọc ra khắp nơi.

Vào một quán Internet như vậy với cà phê miễn phí, lên lưới tính theo giờ giá rất phải chăng (rẻ hơn cả ở Mỹ), lại có post cards đẹp với tem hộp thư gửi tại chỗ và những chiếc T-Shirt với hàng chữ LaoPDR.com.

Từ nay nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào – Lao People’s Democratic Republic đã có một địa chỉ trên thế giới ảo – virtual world để bước vào Thế Kỷ 21 – Thế Kỷ Toàn Cầu Hóa.

LUANG PRABANG CON ĐƯỜNG VƯƠNG GIẢ

Từ Kasi cũng theo quốc lộ 13 về hướng bắc là hơn 170 Km đường đèo hẹp dốc và ngoằn ngoèo, cũng để thấy được đủ cảnh trí của núi cao và lũng sâu.

Vào đầu thập niên 40, người Pháp bước đầu hoàn tất con đường nối Vạn Tượng với cố đô Luang Prabang (Old Royal Route ) nhưng sau đó thì bị hư hại hoàn toàn trong thời gian chiến tranh, đến thập niên 60 được Mỹ sửa chữa lại nhưng sau 75 lại bị đứt đoạn hư hỏng.

Phải mãi đến năm 1996, với sự giúp đỡ của Việt Nam đoạn đường này mới được phục hồi sau rất nhiều gian khổ của những toán công nhân làm đường Việt Nam và cả cái giá cao phải trả về nhân mạng (ít nhất có khoảng 20 người bị phiến quân phục kích giết, chưa kể số tai nạn lao động).

Ngày nay để đi từ Vạn Tượng tới Luang Prabang nếu là một chuyến đi suông sẻ chỉ trong một ngày thay vì ba ngày đường như trước kia.

Cũng vẫn quốc lộ 13, khúc từ Luang Prabang tới Côn Minh lại do các toán công binh cầu đường Trung Quốc đảm trách Như ảnh hưởng “vùng da beo” Lào được sự giúp đỡ từ nhiều quốc gia nhưng đáng kể nhất là Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Phải thấy sự lớn lao của Cung Văn Hóa ở trung tâm thủ đô Vạn Tượng do Trung Quốc xây tặng rồi tới Viện Bảo Tàng Kaysone Phomvihane ở “Cây Số 6” do Việt Nam vừa hoàn tất với tổn phí hơn 4 triệu đôla tài trợ không bồi hoàn mới thấy nét phô trương tranh giành ảnh hưởng của hai quốc gia láng giềng này trên đất Lào.

Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc về địa danh “Cây Số 6” – được biết tới với cái tên “Six Clicks City” giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam, là khu riêng biệt của người Mỹ như một ốc đảo với những bungalows nhà ở, trường học, hồ bơi, sân quần vợt, rạp chiếu bóng, quán ăn, tiệm rượu và cả phòng tắm hơi. Dĩ nhiên trong vòng rào kẽm gai kiên cố ấy có cơ quan USAID, tòa đại sứ Mỹ như một trung tâm quyền lực và cả một bộ phận CIA điều khiển cuộc chiến tranh bí mật ở Lào. Một nước Lào như Bernard Fall nhận định, đã không được coi là một thực thể địa dư chủng tộc hay xã hội mà thuần chỉ là một tiện nghi chánh trị.

Sau 1975 không còn người Mỹ thì cũng chính nơi đây trở thành tổng hành dinh của chủ tịch Kaysone Phomvihane cho tới ngày ông mất 1992 và nay là Viện Bảo Tàng.

Ông Hoàng Đỏ Souvanouvong được biết tới nhiều hơn nhưng người thực sự tổ chức đảng Cộng Sản Lào là Kaysone Phomvihane xuất thân trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội từ 1942, đã khéo léo lãnh đạo lực lượng Pathet Lào trong suốt hơn 40 năm cho tới khi thống nhất toàn nước Lào 1975. Ngày khánh thành Viện Bảo Tàng mang tên ông 13/12/2000 tờ báo Le Rénovateur đã vinh danh ông là Chiến Sĩ Nhân Dân mà người dân Lào sẽ không bao giờ quên: Le soldat du peuple. Nous ne t’oublions jamais!”

Đoạn quốc lộ do Việt Nam làm khá tốt nhưng cũng thật là khó mà bảo rằng di chuyển trên đoạn đường ấy là an toàn. Nhân viên Liên Hiệp Quốc và của các tổ chức thiện nguyện nước ngoài vẫn được khuyên không nên dùng con đường bộ này vì nhiều đoạn mất an ninh với xe bị chận cướp và cả hành khách bị giết.

Cách đây không lâu, Luang Prabang đã bị đặt trong tình trạng giới nghiêm do vụ một sĩ quan Hmong nổi loạn bắn chết cảnh sát, viên chức nhà nước và cả phục kích giết các công nhân làm đường Việt Nam.

Có nhiều giả thiết về một biến cố nhất thời như vậy. Bên ngoài thì nhìn như dấu hiệu lớn mạnh của phong trào chống Cộng mà người Hmong là lực lượng chủ chốt. Phía nhà nước Lào thì giải thích đây chỉ là phản ứng riêng lẻ của một sĩ quan bất mãn bị giải ngũ mà trợ cấp hưu bổng thì quá ít oi. Thêm cách giải thích khác của chánh quyền Vạn Tượng là đổ lỗi cho “bọn xấu” gây ra. Nguyên nhân gì đi nữa thì cũng đã có đổ máu – có cả máu của người Việt.

Không ai có thể đoan chắc điều gì khi chọn di chuyển trên Con Đường Vương Giả ấy. Làm sao mà không lên ruột khi giữa những đoạn đèo cao heo hút ấy thỉnh thoảng lại xuất hiện mấy người lính da cháy nắng đen đủi ăn mặc tùy tiện với súng AK hay súng kíp, chẳng biết thuộc phe nào làm dấu vẫy gọi cho xe dừng lại. Chuyện gì đây, chỉ để xin thuốc hút, đòi tiền mãi lộ hay còn đi xa hơn nữa. Cái gì xảy ra lúc ấy thì cũng dễ dàng ngụy trang như một tai nạn xe lật đèo và bao giờ có người biết tới thì cũng khó mà nói trước.

Cho dù viên sĩ quan Hmong ấy đã bị bắt, đi tù cải tạo ở đâu thì không ai biết nhưng các vụ tấn công lẻ tẻ trên con đường ấy vẫn cứ xảy ra, dư luận thì cho rằng có thể vẫn do số người Hmong có vũ trang được CIA bí mật hỗ trợ trong cuộc chiến tranh Việt Nam có liên can.

Chiếc xe vẫn ngon trớn đổ dốc, đang nơi một khúc quặt với cả khối đá tảng che khuất phía trước thì gặp mấy người lính có đeo súng AK và cả M16 vẫy chặn, vẫn tươi cười đưa tay vẫy gọi nhưng đồng thời tài xế Vô Tư lại nhấn lút ga cho xe chạy luôn. Đoạn đường bỏ lại phía sau vẫn yên tĩnh. Quyết định nào là đúng? Không bao giờ có được câu trả lời dứt khoát. Tôi thì nghĩ tới sự may mắn. Tỏ vẻ quá quen thuộc trên đoạn đường đèo này, tài xế Vô Tư nói:

– Em quên mua thuốc lá để trong xe, có dừng lại cũng chẳng có gì nộp cho mấy ông ấy.

Rõ ràng Vô Tư muốn trấn an tôi rằng vụ chặn xe kia đơn giản chỉ là để xin thuốc hút. Thì cứ tin là như vậy và tôi thì không muốn là một Bernard Fall thứ hai, ngã xuống không phải trên Con Đường Phố Buồn Tênh / Street Without Joy ở Việt Nam mà lại là trên Con Đường Vương Giả của xứ Lào được coi là đang trong thời bình.

Đặt chân tới Luang Prabang tôi mới được cho biết là một lầm lẫn khi xe lên đèo vào sẩm tối, trở thành mục tiêu rất dễ bị theo dõi bằng đèn. Rút kinh nghiệm bằng chuyến trở về khởi hành thật sớm nhưng còn tệ hại hơn, xe lại phải đổ đèo thật chậm cũng với đèn nhưng trong một biển dày đặc sương mù với tầm nhìn không xa hơn 3 mét.

Nếu không mất an ninh thì Con Đường Vương Giả ấy sẽ là đoạn đường ngoạn cảnh – scenic route tuyệt đẹp của đất nước Lào. Đâu có thua gì cảnh trí tuyệt vời của con đường Đèo Hải Vân từ Đà Nẵng ra Huế mà Paul Théroux từng đánh giá là đẹp nhất thế giới.

VISIT LAOS YEAR 2000

Một đất nước bao gồm nhiều sắc tộc, lại giàu tính lịch sử văn hóa và nghệ thuật, cộng thêm với cảnh trí thiên nhiên nhiều núi non, rất giàu những ngọn suối và cả con sông Mekong vốn dũng mãnh như mạch sống của đất nước Lào.

Du lịch sinh thái – Ecotour trở nên hấp dẫn và đang nhanh chóng phát triển thành kỹ nghệ tạo sức bật cho nền kinh tế Lào. Thay cho chánh sách đóng cửa, quyết nghị của Đại Hội 4 Đảng Cách Mạng Nhân Dân Lào là cả một bước ngoặt: “Du lịch là nguồn lợi tức và là thành tố quan trọng để mở mang xứ sở và được coi là một trong tám chương trình phát triển ưu tiên của Lào”.

Nha Du Lịch Quốc Gia NTA (National Tourism Authority) là thành viên của Tổ Chức Du Lịch Thế Giới WTO và Tổ Chức Du Lịch Á Châu Thái Bình Dương PATA (Pacific-Asia Tourism Association) được thành lập cùng với mạng lưới du lịch địa phương.

Từ thập niên 90, ngân sách của nhà nước và tiền của doanh nhân ngoại quốc đầu tư đã lên tới con số hơn 180 triệu đôla để xây dựng các tiện nghi phục vụ du lịch. Hơn 300 hướng dẫn viên du lịch và cả cảnh sát du lịch (Tourism Police ) được đào tạo. Đặc biệt là kế hoạch kết hợp du lịch trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong GMS / Greater Mekong Subregion. Số buồng khách sạn và nhà khách lên tới 5500 buồng và 11 cửa khẩu được mở ra cho khách du lịch vào Lào trong số đó có 3 nơi du khách có thể lấy visas khi tới nơi – visa on arrival.

Ngoài cố đô Luang Prabang đã được UNESCO xếp vào Khu Di Sản Thế Giới / World Heritage Site, Lào còn rất giàu những di tích và thắng cảnh, cả những chương trình du ngoạn chèo thuyền trên sông Ou, sông Ngum và đi xuyên rừng (hiking ) ở Sepien tỉnh Champassak rất hấp dẫn du khách.

Đã có những trang nhà Web Page quảng cáo du lịch Lào. Các sắc tộc thiểu số rất tích cực tham gia Năm Du Lịch Lào với tổ chức những ngày lễ hội truyền thống với các vũ điệu và trang phục đầy màu sắc: hội tưới nước Pimay đầu năm ở Luang Prabang, lễ hội That Luang ở Vạn Tượng, That Inhang ở Savanakhet, Wat Phou ở Champassak, các ngày hội pháo bông (rocket festivals) trên khắp nước Lào…

Vài con số dễ nể về Du Lịch Lào:

Năm 1991, chỉ có 37 000 du khách đem lại 2.25 triệu đôla.

Năm 1999, số du khách tăng lên gần 20 lần thu nhập lên tới ngót 100 triệu đôla, số ngoại tệ thật đáng kể cho ngân sách luôn luôn thiếu hụt của đất nước Lào.

Khi mà số du khách có triển vọng lên tới con số một triệu trong thập niên đầu của thế kỷ 21, thì nét quyến rũ của Lào như “một xứ sở của thiên nhiên nguyên vẹn nhất Đông Nam Á” sẽ mau chóng trở thành sự kiện của quá khứ.

MỘT NỀN Y TẾ THÔ SƠ CỦA LÀO

Cho dù Bộ Y Tế Lào có được một tòa nhà mới uy nghi trên đường Samsenthai, nền y tế Lào với rất nhiều khẩu hiệu vẫn cứ rất là thô sơ sau 25 năm tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội.

Số tử vong trẻ em vẫn rất cao, tuổi thọ trung bình của người dân Lào rất thấp ngay như so với các quốc gia láng giềng.

Mahosot vẫn là bệnh viện chính của Vạn Tượng, cũ kỹ và thô sơ. Bệnh viện Settathirat do Nhật giúp xây và trang bị thì chưa biết bao giờ hoàn tất. Các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thì lại càng thô sơ hơn nữa: bệnh nhiễm như lao phổi nằm chung với các bệnh tiêu hóa không làm ai thắt mắc.

Cả nước Lào với dân số hơn 5 triệu, chỉ gồm 1800 bác sĩ, với một số rất ít được tu nghiệp ở nước ngoài. Lương một bác sĩ sau 7 năm học khoảng 150 đôla / năm, chỉ đủ tiền xe di chuyển nếu phải bổ nhiệm về làm ở một nhà thương tỉnh hay huyện xa nhà.

Doanh nhân ngoại quốc, du khách và người Lào có tiền, khi có bệnh thì được chuyển qua Thái Lan. Một bệnh viện tỉnh ở Thái như Udon cách bên kia cầu Mittaphap 50 km vẫn có tiêu chuẩn hơn về mọi phương diện so với bệnh viện đại học Mahosot của thủ đô Vạn Tượng.

Lào đang theo bước Thái Lan, phát triển du lịch bằng mọi giá: chuyển từ Du Lịch Xanh – Ecotour sang Du Lịch Đen – Opium Tour & Sextour . Bệnh hoa liễu khá phổ biến ở Lào, số các cô gái quê nhiễm HIV ngày một gia tăng. Hiểm họa dịch AIDS là có thật, sách hướng dẫn du lịch khuyên khách tới Lào luôn luôn mang theo “condom” từ nhà thay vì dùng bọc cao su “made in Thailand” được đánh giá là thiếu phẩm chất và có tỉ lệ hơn 10% không an toàn!

Vì thiếu phương tiện phát hiện nên những con số thống kê nhiễm HIV ở Lào không hề phản ánh thực trạng. Qua cuộc khảo sát năm 1993 (vào thời điểm chỉ mới có 102 ngàn du khách/ năm) thì đã có 0.8% số người hiến máu nhiễm HIV; đến năm 1999 số du khách đã tăng lên gấp 6 lần – trong đó có rất nhiều Tây Ba lô đi tìm hút thuốc phiện và các cô gái AIDS-free ở Lào, thì dịch HIV có triển vọng sẽ tăng theo cấp số nhân.

Khu Bệnh Nhiễm quá thô sơ và nghèo nàn của bệnh viện Mahosot vẫn với tấm bảng hiệu cũ kỹ bằng tiếng Pháp “Service des Maladies Infectieuses et Médecine Tropicale ”, đất nước Lào quả thật chưa hề được chuẩn bị để đương đầu với trận dịch HIV/AIDS do các ông Tây Ba lô đang truyền sang các cô gái Lào.

MƯỜNG LUÔNG KHU DI SẢN THẾ GIỚI

Chuông chiều ngân trong gió

Tháp núi ẩn màn sương

Lầu vua thu bóng nhỏ

Chùa bụt lạnh hơi sương (Vân Đài 1942)

Cho dù đã được UNESCO chọn là Khu Di Sản Thế Giới nhưng cố đô Luang Prabang [Mường Luông] lại đang có những đổi thay thật mau chóng. Nhà khách, quán ăn mọc khắp nơi, thực đơn luôn luôn có phần tiếng Anh và không làm ai ngạc nhiên khi một quán ăn bình dân khác có cả thực đơn tiếng Do Thái. Trở lại thăm Hoàng Cung vẫn trên con đường Phothisarat, nay đã trở thành Viện Bảo Tàng Quốc Gia nhưng bên trong thì ngày càng trống trải. Nhiều kỷ vật của các nguyên thủ quốc gia tặng nhà vua như khẩu súng săn với báng nạm ngọc của Leonid Brezhnev, bộ đồ trà của Mao Trạch Đông… vốn được trưng bày nơi phòng khách thì nay đã biến mất, hỏi nhân viên hướng dẫn thì không có câu trả lời ngoài một nụ cười hiền. Chỉ có bức tranh tường (mural ) của họa sĩ Pháp Alex de Fautereau với chủ đề “Một Ngày Luang Prabang” nơi Phòng Khách Sứ Thần chẳng thể gỡ đi đem bán thì vẫn nguyên vẹn.

Có thêm mấy chiếc Trống Đồng tuổi từ 600 tới 1000 năm tìm thấy được ở Bắc Lào. Giữa mặt trống đồng là hình mặt trời tỏa sáng, trang trí vòng quanh là các hình cá, hoa và chim. Hình trạm nổi những con ếch bên rìa trống đồng tượng trưng cho Mùa Mưa. Tất cả những hình ảnh ấy kết hợp hài hòa như biểu tượng cho “sự sống, đất đai màu mỡ và sự phồn vinh ”.

Không xa Hoàng Cung về phía bắc trên đường bờ sông Manthatoulat là con sông Mekong tuy chưa phải Mùa Khô mà đã co thắt lại như một con sông nhỏ. Các vườn rau nơi mé sông ngày một mở rộng và mực nước thì cứ lùi dần. “Sự sống, đất đai màu mỡ và sự phồn vinh” ấy rồi ra sẽ trở thành quá khứ chỉ có trên mặt trống đồng. Không có ai thắc mắc về hiện tượng con sông đang cạn dòng ấy. Nhưng tôi thì hiểu rằng chỉ cách đó vài trăm cây số về phía bắc mấy con đập bậc thềm Mạn Loan [Manwan], Đại Chiếu Sơn [Dachaosan], Cảnh Hồng [Jinghong] và sắp tới là con đập mẹ Xiaowan… trong chuỗi 8 con đập khổng lồ Vân Nam đã bắt đầu ảnh hưởng làm tụt thấp mực nước của con sông Mekong và ngăn chặn phù sa xuống hạ nguồn.

Con sông Mekong đẫm phù sa vốn là tặng dữ của thiên nhiên từ bao ngàn năm thì nay đang nhợt nhạt dần.

TỪ TÂY BA LÔ TỚI HENRI MOUHOT (1826 – 1861)

Henri Mouhot là một cái tên gần như xa lạ với đa số cư dân Lào bây giờ. Cho dù là người Pháp đầu tiên tới kinh đô Luang Prabang nhưng tên tuổi Mouhot lại được biết đến như người tái phát hiện khu đền đài Angkor.

Tuy không phải là người Tây Phương đầu tiên tới Angkor, nhưng do những trang bút ký hấp dẫn và lôi cuốn được in ra ba năm sau khi ông chết, khiến tên tuổi Mouhot gắn liền với khu đền đài Angkor. Mouhot cũng là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tác thời đó, điển hình là sự ra đời của các tác phẩm như The Governess of the King and I của Anna Leonowens 1870.

Gốc người Pháp nhưng Mouhot đã gặp phải sự thờ ơ của đồng hương. Ông đã phải quay sang nhờ tới người Anh. Là nhà thám hiểm và đồng thời cũng là nhà sinh học, Mouhot vừa đi vừa tìm kiếm các loài côn trùng hiếm. Tháng 12 năm 1860, Mouhot quyết định khởi hành từ Bangkok để lại sang Lào, băng qua vùng đông bắc Thái, đi qua những bộ lạc, những vương quốc của Vua Lửa thuộc các tỉnh Korat, Loei bây giờ, nơi chưa hề có dấu chân người Tây Phương nào.

Những đứa trẻ từ vùng bắc Thái sang tới Lào đã mau chóng trở nên thân thuộc với một ông Tây râu đỏ và con chó Tin Tin luôn luôn theo cùng. Bọn chúng đã biết kiếm bắt côn trùng nộp cho ông để đổi lấy chiếc vòng đồng hay thuốc lá và Mouhot nhận xét là “lũ trẻ ấy dường như đã biết hút thuốc khi khi mới rời vú mẹ.”

Phải hơn 7 tháng trời lặn lội để từ Bangkok tới kinh đô Luang Prabang là một thị trấn quyến rũ như Genève và tại đây Mouhot được vua Tiantha tiếp đón trọng hậu.

“Sau 10 ngày chờ đợi cuối cùng tôi được diện kiến nhà vua với nghi lễ long trọng. Phòng tiếp tân được trang trí như một ngày lễ hội lớn với màu sắc sặc sỡ. Nơi sảnh đường nhà vua nhàn nhã ngả mình trên một chiếc divan với bên mặt là 4 vệ sĩ cầm gươm quỳ hầu, phía sau là các hoàng thân tất cả đều rạp mình phủ phục và phía sau xa hơn nữa là các quan triều đình xoay lung ra ngoài và úp mặt xuống nền đất.”

Từ Luang Prabang như trạm xuất phát, Mouhot đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm khảo sát ra các vùng rừng núi xa nhưng rồi chì 3 tháng sau ông bị cơn sốt rừng / forest fever – có lẽ là cơn sốt rét ác tính và chết ở cái tuổi mới 35 với dòng chữ cuối cùng trên trang bút ký: “Thương cho tôi, Chúa ôi…” Xác Mouhot được vùi nông bên bờ sông Nam Khan, một phụ lưu của con sông Mekong với con chó Tin Tin vẫn tru lên nằm bên mộ chủ.

Phải sáu năm sau (1867) khi Đoàn Thám Hiểm Pháp tới Luang Prabang, họ mới tìm ra nơi chôn và Doudart de Lagrée với tư cách trưởng đoàn đã xây cho Mouhot ngôi mộ khang trang dầu tiên.

Ban Pha Nom cách cố đô Luang Prabang 5 Km về hướng đông, với hơn 100 nóc gia thuộc sắc tộc Lu gốc từ Vân Nam, nổi tiếng về nghề dệt thủ công dùng để tiến vua.

Bằng một con đường đất bốc mù bụi đỏ rất khó đi lại đang từng khúc bị cắt sửa nên xe phải chạy đường vòng. Theo sách hướng dẫn thì tấm bảng chỉ đường cũng đã bị gỡ mất và cuối cùng phải nhờ tới hai em nhỏ trong bản Phanom mới tìm ra ngôi mộ Mouhot khuất lất dưới những tàn cây um tùm.

Khó mà tưởng tượng rằng cách đây ngót 140 năm trong cảnh hoang sơ của rừng rậm, bên dòng sông chảy xiết, nỗi hiu quạnh và can trường của Mouhot phải lớn lao đến là thế nào.

Ngôi mộ sơn trắng vuông vức bắt đầu ngả sang màu rêu phong, còn gắn 2 tấm bia đá đen cổ đã sứt mẻ từ hơn một thế kỷ trước:

Henri Mouhot 1826 – 1861.

Doudart de Lagrée fit élever ce Tombeau en 1867

Pavie le reconstrusit en 1887

(Doudart de Lagrée xây ngôi mộ này năm 1867 và được Auguste Pavie lãnh sự Pháp ở Luang Prabang trùng tu năm 1887).

Ở lần trùng tu cuối cùng năm 1990, ngôi mộ lại được gắn thêm một bảng lưu niệm bằng đá trắng gửi từ Montbéliard quê hương nơi sinh của Mouhot với dòng chữ khắc thật đơn giản nhưng ý nghĩa:

“La ville de Montbéliard fière de son enfant 1990”.

(Montbéliard hãnh diện về đứa con của mình 1990)

Mouhot biểu hiện cho thế hệ thanh niên Pháp tuổi trẻ rạng rỡ học thức sống giữa thế kỷ 19 – thế kỷ của chịu đựng và khắc kỷ đã như người lính tiền trạm trước khi Pháp áp đặt nền bảo hộ trên cả ba nước Đông Dương.

Theo bước chân Mouhot ngót 140 năm sau, là tấp nập những Tây Ba lô cũng từ Thái đổ tới Lào, không phải đi tìm các loài côn trùng hiếm mà là chất nhựa đặc quánh ứa ra từ nhữngtrái cây thuốc phiện. Không ít người người tới Lào và đã không bao giờ trở về.

HANG PHẬT PAK OU

Chỉ mới đây thôi khi chưa có con đường bộ người ta phải đi thuyền máy với hơn 2 giờ đường sông từ Luang Prabang ngược dòng Mekong để tới bản Pak Ou. Pak Ou hay “cửa sông Ou” nơi con sông Nam Ou nước trong xanh không có phù sa đổ vào con sông Mekong. Bên kia sông là một ngọn núi đá cao đứng sừng sững. Phải bằng chuyến đò ngang để qua sông.

Với giúp đỡ ngân sách của Thụy Điển, nay khách đã có thể tới Pak Ou bằng đường bộ, qua bản Shang Hay – rất nổi tiếng về làm chum và cất rượu gạo, để tới bản Pak Ou êm đềm nằm bên tả ngạn sông Mekong.

Pak Ou Caves là tên chỉ chung hai hang Phật: Tam Ting (Hang Dưới) và Tam Phum (Hang Trên).

Chẳng thể ngờ rằng nơi ấy có những hang đá lớn chứa cả hơn 4000 tượng Phật cổ từ hơn 300 năm trước với đủ kích thước và hình dạng mà như một kỳ công dân Lào phải ban đêm chèo thuyền trốn giặc để đi giấu Phật khi kinh đô Luang Prabang bị ngoại xâm.

“Ký họa đầu tiên về Hang Phật Pak Ou cũng đã được tìm thấy trong tường trình về cuộc thám hiểm sông Mekong 1865- 1867 của Françis Garnier”.

Khi còn thể chế quân chủ, theo truyền thống hàng năm nhà vua đều tới thăm hang Phật vào ngày tết Pimay và ở qua đêm trong một ngôi chùa hoàng gia nơi bản Pak Ou. Dân chúng cũng tấp nập dùng ghe thuyền từ Luang Prabang ngược dòng Mae Nam Không tới hang Pak Ou hành hương, với nghi thức dùng nước hoa thơm tắm Phật. Thêm hơn 200 bậc thềm để tới được hang trên, cảm giác như bước vào một thế giới khác. Trong ánh sáng chạng vạng, không gian tĩnh lặng ẩm mát thoảng mùi rêu mốc và thời gian như ngừng lại. Từ bên trong nhìn ra ngoài cửa hang là hàng dãy những tượng Phật bao phủ bụi thời gian, cả bị sứt mẻ nhưng không suy xuyển vẫn là nụ cười an tĩnh của Đức Phật lan tỏa xuống con sông Mekong còn đẫm phù sa như cũng đang cạn dần.

Hang Pak Ou nổi tiếng là linh thiêng để dâng lời cầu nguyện. “Không phải Phật tử nhưng tôi cũng đã thắp nén nhang và có bó hoa tươi cúng Phật với lời khấn nguyện cho con sông Mekong cứ mãi nguyên vẹn, vẫn mãi là mạch sống của cư dân bảy quốc gia sống hai bên bờ con sông ấy…”

Nhưng chỉ vừa bước ra cửa hang, nhìn ngấn nước trên vách đá đã tụt xuống thật thấp thì tôi chợt hiểu rằng lời cầu nguyện ấy đã như một “giấc-mơ-không-thể-được”.

Những bãi cát trồi lên sớm hơn, người dân quanh vùng kéo nhau tới đây sớm hơn để đãi vàng.

MỘT THOÁNG THÁI LAN / BÊN KIA CẦU MITTAPHAP

Cây cầu do Úc hoàn tất 1994 như cánh cửa mở ra để Lào tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Từ Thái Lan qua cầu, du khách có thể đóng dấu nhập cảnh khi tới giống như tại phi trường quốc tế Wattay. Nơi đầu cầu có trạm đổi tiền, bưu điện và cửa hàng bách hóa sang trọng miễn thuế dành cho du khách. Giai thoại về một hệ thống cửa hàng bách hóa “free duty shop ” theo tiêu chuẩn quốc tế do Singapore thiết kế nơi các cửa khẩu trên toàn xứ Lào, mà chủ nhân triệu phú đô la xuất thân nghề buôn vàng lại là một phụ nữ Lào gốc Việt rất đơn sơ hiện sống ở Paksé.

Từ trên cầu nhìn xuống dòng chảy để thấy suốt chiều dài 4661 Km của dòng sông từ Tây Tạng ra tới Biển Đông, với cả chiều dày lịch sử, đã và đang soi bóng bao nền văn minh, có cả Văn Minh Miệt Vườn trên một vùng đất mới chưa đầy 300 tuổi đã lại đứng trước nguy cơ tiêu vong.

Bên kia cầu là Nong Khai một thị trấn nhỏ nằm phía cực bắc cao nguyên Isan – nguyên là cả một vùng đất rộng lớn mênh mông và khô hạn nhưng lại được bao quanh bởi con sông Mekong – một biên giới tưởng như là thiên nhiên nhưng thật ra là do thực dân Pháp Anh toa rập cắt một phần lớn đất Lào sát nhập vào Thái từ 1941. Cư dân Isan đa số là người Lào chiếm 1/3 dân số Thái – nói cùng ngôn ngữ (cũng dễ hiểu vì sao các chương trình truyền hình Thái là phần giải trí và cả thông tin thường ngày của các gia đình khá giả bên Lào). Phải kể tới số không ít những người Việt tản cư sinh sống lâu năm ở đây từ những thập niên 40 – 50 khi cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng ra cả ba nước Đông Dương.

Cho tới những năm 60, cao nguyên Isan vẫn còn là vùng đất nghèo nàn. Để đáp ứng với cường độ Chiến Tranh Việt Nam gia tăng và cũng để ngăn chặn xâm nhập của cộng sản vào đất Thái, Mỹ đã ồ ạt đổ tiền vào phát triển Isan, mở mang hệ thống xa lộ tối tân, xây 4 phi trường quân sự chiến lược, nơi xuất phát các đoàn máy bay phản lực oanh kích Bắc Việt và cả những đoàn cấp cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi. Mỹ cũng tích cực giúp Thái xây các con đập thủy điện trên phụ lưu sông Mekong điển hình là hai con đập Nam Pong và Nam Pung, nhằm điện khí hóa nông thôn, cải thiện hệ thống tiêu tưới khiến mức nông sản gia tăng vượt mức.

Như từ bao giờ, Nong Khai vẫn là cửa ngõ đi vào xứ Lào nhưng hương vị của một thị trấn tỉnh nhỏ bên sông ngày nay không còn nữa từ ngày có cây cầu Mittaphap. Đây là nơi du khách đổ tới bằng đường bộ dừng chân trước khi vượt sông qua Lào.

Các nhà khách tiện nghi, khách sạn 4 sao mọc lên, có cả Holidays Inn Mekong Royal trên đường Jomanee cao 8 từng với 200 buồng lộng lẫy nhìn ra con sông Mekong.

Nong Khai đang vào giữa mùa bầu cử, trên đường phố tràn ngập Posters với khẩu hiệu của các ứng viên vận động tranh ghế. Bác tài xế taxi người Thái có ánh mắt lúc nào cũng như đang cười, giọng hiền lành:

– Chúng tôi sẽ bầu cho ứng viên nào giàu nhất, vì họ chỉ cần danh chẳng cần tiền nên sẽ không có tham nhũng. Không biết tự bao giờ người dân Thái đã thấm nhuần chủ nghĩa thực tiễn kiểu Mỹ. Đó cũng là lý do tại sao đảng Người Thái Yêu Thái của nhà tỉ phú Thaksin Shinawatra có triển vọng thắng phiếu dễ dàng để tiến tới lập nội các mới. Học vấn của Thaksin cũng là điều đáng nói: tốt nghiệp tiến sĩ Đại Học Houston Texas trở thành người giàu có nhất Thái vì kinh doanh thành công trong ngành điện toán, được báo chí Mỹ mệnh danh là “ông trùm kỹ thuật cao / high-tech mogul”.

Thaksin biểu tượng cho thế hệ lãnh đạo mới tại các quốc gia đang phát triển trên đà toàn cầu hóa / globalization theo cái nghĩa Mỹ hóa / Americanization: biểu hiện rõ nét là nguyên thủ các quốc gia như Đài Loan, Chile, Mễ Tây Cơ và sắp tới là Thái Lan, Phi Luật Tân… đều được đào tạo và có học vị tiến sĩ từ Mỹ.

Thái Lan là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không bị ách đô hộ của thực dân Anh Pháp vào thế kỷ 19, lại thoát khỏi nửa thế kỷ chiến tranh, được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh Việt Nam, và còn tiếp tục được hưởng lợi sau cuộc chiến ấy do dịch vụ cung cấp gạo thực phẩm rau trái cho hai triệu người Việt hải ngoại, phải nói rằng thập niên 80 là thời kỳ kinh tế phát triển huy hoàng nhất của Thái.

Như từ bao giờ, người dân quê Thái chỉ lại được nhớ và nhắc tới trong mùa bầu cử. Mỗi lá phiếu đều có giá tính theo đồng baht – bản vị tiền tệ Thái. Mua chuộc không xong thì có giải pháp bạo lực. Tham nhũng và bạo lực luôn luôn là bộ đôi nguy hiểm – Dangerous Duo trên sân khấu chánh trị Thái. Câu nói của một giáo sư Chánh Trị Học Đại Học Thammasat phản ánh điều ấy:

– Tại sao lại phải tiêu hơn 30 triệu baht (hơn nửa triệu đô la) để mua một ông xã trưởng trong khi chỉ cần 1/10 số tiền ấy thuê một tay súng là xong?

Cũng để trấn an người dân đi bầu, viên Tướng tổng tư lệnh quân đội Thái đã hứa là “sẽ không có đảo chánh cho dù kết quả cuộc bầu cử ra sao.” [Sic] Nhưng nếu cần phải đổi ý thì cũng là quyền của ông Tướng ấy.

Cuộc binh biến 1932, đã như một khúc rẽ trong sinh hoạt chánh trị Thái, đã chấm dứt vương quyền độc tôn, chuyển qua chế độ quân chủ lập hiến giống như Anh Quốc, vua và hoàng gia chỉ có vai trò lễ nghi. Nhưng đến đời Bhumibol thì tình hình đổi khác, nhà vua trở thành một trọng tài được kính trọng bởi mọi phía như một “mẫu số chung” nối kết lòng người và đứng trên mọi tranh chấp.

Khi mà nhà vua là yếu tố để đoàn kết và ổn định xã hội Thái trong hơn nửa thế kỷ, thì một câu hỏi lớn được nêu ra là sau Bhumibol liệu ai là người có thể thay thế nối ngôi trong khi hoàng thái tử thì hoang đàng chỉ là một phó bản mờ nhạt của phụ thân. Đây đang là mối ưu tư của mỗi người dân Thái khi biết nhà vua năm nay đã cũng đã 72 tuổi rồi và người ta đang nghĩ tới công chúa Chakri Sirindhorn có cơ trở thành nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử đầy biến động của Thái Lan bước sang thế kỷ 21.

Đặt chân tới thị trấn biên thùy này, tôi không có nhiều mối bận tâm về chánh trị của xứ Thái. Tôi đến một quán ven sông và đang muốn tìm tới sự yên tĩnh của dòng sông Mekong. Tôi cũng đang nghĩ tới mấy con cá Pla Beuk – Pangasianodon gigas , giống cá bông lau khổng lồ nặng hơn 300 kg, nay còn hay mất nơi khúc sông dưới chân cầu Mittaphap.

Pla Beuk thì có đó cả bao ngàn năm rồi chứ đâu có phải chờ tới năm 1930, mới có con cá Pla Beuk đầu xuất hiện trên sách báo Tây phương. Và sớm hơn trước đó cả nửa thế kỷ James McCarthy (1881 – 1893) nhà thám hiểm Anh trong cuốn sách Surveying and Exploring in Siam đã có ghi nhận về cá Pla Beuk với nhiều chi tiết khi ông: “giúp ngư dân kéo con cá Pla Beuk nặng 130 cân Anh dài 7 bộ vòng thân 4.2 bộ, là loại cá không vẩy không răng…” McCarthy còn đề cập tới cả trứng cá Pla Beuk giống như trứng cá tầm caviar [sturgeon] rất ngon và hiếm quý từng được các vua Lào dùng như phẩm vật triều cống triều đình Huế hay Bangkok.

Vào thăm chợ Nong Khai, chủ yếu để thăm những mớ cá còn lưới được từ con sông Mekong. Không khác bao nhiêu với những ngôi chợ Việt Nam, đầy màu sắc với hoa trái vùng nhiệt đới. Chưa bao giờ tôi thấy me dốt lại có thể nhiều đến như vậy với những sọt những thúng chất thành vồng trên các xạp. Bạn hàng trong chợ không ít là người Việt nhưng họ tránh nói tiếng Việt. Lý do là dân Thái không mấy ưa người Việt mà họ coi như là cội nguồn bất an do có liên hệ tới các hoạt động của đảng Cộng Sản Thái trước đây [CPT – Communist Party of Thai ]. Các nhà cách mạng Việt Nam như chí sĩ Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh khi bị thực dân Pháp lùng bắt cũng đã có một thời gian từng bôn ba sống và hoạt động trên lãnh thổ Thái.

VIỆT KIỀU TRÊN ĐẤT THÁI

Theo Hoàng Văn Hoan, “Giọt Nước Trong Biển Cả” thì vào giữa thập niên 40, khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, số người Việt ở Thái, đa số từ Lào tản cư sang đã lên tới cả 100 ngàn. Ban đầu do có thiện cảm với cách mạng Việt Nam, người Thái và chánh phủ Thái không những chấp nhận sự có mặt đông đảo của cộng đồng người Việt, họ còn tận tình giúp đỡ. Đất Thái trở thành hậu phương an toàn và địa bàn hoạt động của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cuộc sống tuy tha hương nhưng lại thuận lợi tới nỗi chính những người Việt ấy như quên là mình đang sống trên đất khách quê người. Tới mức họ trở thành chủ quan và cao ngạo, sống phô trương lộ liễu chẳng quan tâm gì tới tập quán phong tục của người Thái. Họ mở Nông Trường lấy tên Việt Nam, luôn luôn rầm rộ tổ chức những ngày lễ hội với cờ xí treo khắp nơi,với cả bộ đội Việt kiều mang súng nghênh ngang đi khắp đường phố…

Và hiển nhiên cái gì phải tới đã tới: từ thập niên 50 không phải chỉ người dân Thái địa phương than phiền mà cả báo chí Thái Lan của chánh quyền mới hữu khuynh cũng khởi đầu một chiến dịch chống đối người Việt.

Từ thiện cảm giúp đỡ, đã lại chuyển sang tình cảm thù nghịch. Và hậu quả là Việt kiều ở Thái tuy không bị cưỡng bách hồi hương nhưng họ bị kỳ thị, bị cấm di chuyển ra khỏi nơi đang cư trú. Khác với người Hoa dễ dàng được chấp nhận hội nhập vào xã hội Thái, người Việt sống trên đất Thái đã có một thời gian từng bị đối xử như một thứ công dân hạng hai.

Và chỉ mới đây thôi, sau hơn nửa thế kỷ tình hình có phần nào được cải thiện khi chánh phủ Bangkok bắt đầu chấp thuận cho những người Việt sống lâu năm và sinh đẻ trên đất Thái được nhập tịch.

Cho dù đã sang thế hệ thứ ba, trở thành công dân Thái – đã từ lâu mất liên hệ với thực tại của Việt Nam nhưng họ vẫn là những người Thái gốc Việt giữ tình cảm gắn bó với quê nhà, với chế độ cộng sản Hà Nội qua hình ảnh Cách Mạng Tháng Tám và cuộc Kháng Chiến Chống Pháp ngày nào. Chân dung ông Hồ vẫn còn được các cụ già thuộc thế hệ thứ nhất tuổi ngoài 80 trưng giữ ở một nơi trang trọng trong gia đình.

Tới khu chợ cá Nong Khai, niềm vui là còn thấy được mớ cá tươi ngon lưới được từ con sông Mekong. Trên sạp cá ấy có cả một con cá lớn Pa Pu hơn 50 kg đang được xẻ khúc. Tôi hỏi mà không chút trông đợi về một con cá Pla Beuk. Lần này thì là sự kinh ngạc khi thấy chủ vựa lại tủ nước đá khệ nệ bưng ra một đầu cá Pla Beuk với lời giải thích:

– Pla Beuk nay rất hiếm nhưng may là anh tới đúng lúc. Đây không phải là một con cá Pla Beuk lớn đúng cỡ, chỉ cân nặng chừng 45 Kg chứ không phải hơn ba tạ, mà người ta còn lưới được trên sông Mekong.

Có lẽ đây là một trong mấy con cá Pla Beuk thiên nhiên cuối cùng còn sót lại nơi lũng sâu nào đó của con sông Mekong mà tôi còn có may mắn thấy được trong khu chợ Nong Khai vào vào những ngày cuối năm 2000.

Đến Nong Khai cũng là đến với ngôi Đền Phật Giữa Sông – Phrathat Klang Nam bị đổ sập xuống từ năm 1847 và càng ngày càng bị nước cuốn xa ra giữa dòng và chỉ thấy nhô lên trong mùa nước thấp. Henri Mouhot 140 năm trước (1860) khi từ Bangkok băng qua cao nguyên Isan để sang Lào, khi ngược dòng sông Mekong cũng đã ghi nhận về “Một ngôi đền Phật bị lũ cuốn xa khỏi bờ và nay chỉ còn phân nửa nhô trên mặt nước, giống như một con tàu đắm”.

Chỉ 5 km phía đông Nong Khai là một cảnh trí kỳ lạ khác Wat Khaek, như một nét văn hóa mới khác của con sông Mekong với những tượng đài khổng lồ chỉ mới được dựng lên từ thập niên 70. Tượng Rắn Thần Naga Bảy Đầu cao hơn 30m với sự tích rắn che chở cho Đức Phật qua khỏi cơn giông bão. Với tôi, Naga còn biểu trưng cho những khu rừng mưa, ngậm giữ nước trong mùa mưa và rồi nhả ra trong mùa khô điều hòa mực nước con sông Mekong, giúp ngư dân có cá và nông gia hai mùa đủ nước gieo trồng.

UDON THANI NGÀY NÀO

50 km phía nam Nong Khai là thị trấn Udon Thani, trước đây là căn cứ không quân chiến lược Mỹ được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam với tràn ngập những cô gái Thái từ vùng quê đổ về làm việc trong những quán Bar, tiệm đấm bóp, khách sạn với phòng máy lạnh chủ yếu để phục vụ đám lính Mỹ GI’s đồn trú. Điện từ đập Nam Ngum phía Lào bên kia sông Mekong cũng đã góp phần không nhỏ cho bước phát triển nhảy vọt của Udon.

Sau 1975 cho dù Chiến Tranh Việt Nam đã chấm dứt, hàng trăm lính Mỹ lấy vợ Thái Lan chọn ở lại Udon và từ chối hồi hương. 25 năm sau, đã không còn dấu vết của một khu gia binh như vậy. Họ đã phân tán đi tứ xứ: số về Mỹ, số theo chân vợ và con cái đã trưởng thành đi làm ăn ở những nơi khác. Còn lại chăng là một tiệm Fast food T&J với Hamburger và French Fries khá thành công mà chủ nhân là một cựu chiến binh Mỹ hiếm hoi còn ở lại.

Udon ngày nay được đánh giá là một thành phố đẹp chưa có ô nhiễm tệ hại như Bangkok. Không còn người Mỹ nhưng nếp sống Mỹ hóa thì đã lại rất đậm nét nơi đây với Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken và Mac Donnald… trong các Malls.

Với cây cầu Mittaphap, Udon nay trở thành địa điểm lý tưởng cho dân Vạn Tượng qua mua sắm / shopping mỗi cuối tuần không phải chỉ có hàng đẹp giá rẻ mà còn đáp ứng thời trang cho các cô gái Lào thế hệ 2000. Cũng vẫn cô bác sĩ Lào từng du học ở Pháp cho biết:

– Bất cứ mode nào mới nhất ở Paris, New York hay Hong Kong thì chỉ một hai tuần sau đã có mặt ở tiệm bách hóa Udon.

Chỉ tấm bảng hiệu rất lớn bên đường “We Care, Ask Oudon International Hospital ”, cô bác sĩ Lào nói tiếp:

– Bệnh viện Quốc Tế Udon như là tuyến trên để chuyển bệnh cấp cứu từ nhà thương Mahousot Vạn Tượng mà không cần phải đi Bangkok.

Một cách lặng lẽ và chắc chắn đất nước Lào đang thực sự từng bước “Thái Hóa” qua sức mạnh thẩm thấu kinh tế và văn hóa của nước láng giềng đầy năng động lại nói cùng thứ tiếng bên kia bờ con sông Mekong.

KHU LÀNG TIỀN SỬ BAN CHIANG

Ban Chiang như đỉnh của một tam giác với Nong Khai và Udon là cạnh đáy, 56 Km về hướng đông theo con lộ 22. Tới với khu khai quật Ban Chiang là trở lại với Thời Kỳ Đồ Đồng với nền văn minh có lẽ là cổ xưa nhất của con sông Mekong bị vùi lấp và được coi là phát hiện quan trọng nhất trong vùng Đông Nam Á từ sau Thế Chiến II.

Như một giai thoại, cách đây 44 năm (1966) một sinh viên khảo cổ học người Mỹ khi đi vào cánh đồng của khu làng Ban Chiang, anh ta đã bị vấp ngã trên rễ một gốc cây bông gạo kapok và chẳng thể ngờ rằng anh đã ngã vào cả một kho tàng cổ sử. Quanh anh là vô số mảnh sành nhô ra từ mặt đất. Anh thâu thập những mảnh vỡ ấy gửi về Bangkok và sau đó về Đại Học Pennsylvania để nghiên cứu.

Những mảnh sành mảnh xứ và cả xương người với dân làng Ban Chiang từ trước đến nay đâu có lạ gì vì họ vẫn đụng phải khi đào xới đất để canh tác. Chỉ khi có tin đồn về “ngôi làng tiền sử” được lan truyền thì dân làng mới đổ xô tới đào bới kiếm đủ loại cổ vật mà họ không biết là vô giá đem bán rẻ cho các nhà sưu tập ngoại quốc.

Khá trễ mãi 4 năm sau, các nhà khảo cổ Mỹ và Thái mới khởi sự khai quật có hệ thống. Chỉ trong 2 năm họ đã đào bới được 18 tấn di chỉ gồm các dụng cụ bằng đồng, bình chậu sứ, cả đồ dệt và hài cốt trong các ngôi mộ cổ. Nghiên cứu sơ khởi cho thấy đây là một khu làng cổ trên 5 ngàn năm, và có lẽ phát hiện kỳ thú nhất là các vật dụng bằng đồng được đúc cách đây hơn 3600 năm trước Công Nguyên – nghĩa là sớm hơn các đồ đồng xưa nhất của Trung Đông 500 năm. Phát hiện này đã phủ nhận luận cứ cho rằng kỹ thuật luyện đồng khởi đầu từ lưu vực sông Tigris và Euphrates năm 3000 trước Công Nguyên, cũng phủ nhận luôn giả thiết cho rằng đồ đồng là từ Trung Quốc du nhập về Phương Nam [bởi vì đồ đồng cổ nhất của Trung Quốc chỉ mới từ 2000 năm trước Công nguyên]. Như vậy có thể nói rằng kỹ thuật luyện đồng là từ Đông Nam Á du nhập sang Trung Hoa thay vì ngược lại.

Đó là chưa kể tới những đồ trang sức cũng bằng đồng rất mỹ thuật phản ánh một xã hội thái hòa có văn hóa cao chứ không ở trình độ man di so với Trung Quốc như người ta vẫn nhận định. Cả về nông nghiệp cũng vậy nữa, với kỹ thuật carbon phóng xạ C14 khảo sát những vỏ trấu còn sót lại trong các bình sứ khai quật được ở Ban Chiang chứng tỏ trên vùng đất Đông Nam Á này đã sớm có một nền nông nghiệp phát triển trước cả Trung Hoa.

Các nhà nhân chủng học đã vẽ lại chân dung của người tiền sử tại Ban Chiang: họ có trán rộng, lưỡng quyền cao với cặp chân dài và khỏe mạnh tuổi thọ trung bình khoảng 30 nguyên nhân tử vong là bệnh tật như sốt rét, có lẽ họ thuộc chủng tộc Hòa Bình (Hoabinhians) từ Thời Đồ Đá đã sinh sống trong vùng Đông Nam Á từ 12 000 tới 5000 năm trước Công nguyên. Joyce White cho rằng khu làng tiền sử Ban Chiang đã có được một tổ chức xã hội nông nghiệp ổn định từ 8000 tới 7500 năm trước Công Nguyên, trong khi dấu hiệu về lúa sớm nhất ở Trung Hoa vùng thượng nguồn sông Dương Tử là vào khoảng 6500 – 5800 trước Công Nguyên. Luận cứ ấy càng thêm vững chãi khi Peter Bellwood cho rằng nếu kể tới yếu tố khí hậu thì cái “nôi đầu tiên trồng lúa” phải là vùng nhiệt đới Đông Nam Á Châu Gió Mùa.

Rồi như rơi vào một hố đen (sau này là một hố đen khác trên Cánh Đồng Chum), không rõ nguyên nhân nào từ thế kỷ thứ 2 Ban Chiang trở thành hoang vắng không còn cư dân nào sinh sống nữa. Khép lại trang cổ sử kỳ thú của một vùng đất mà sách vở kinh điển viết về nguồn gốc các nền văn minh hầu như người ta đã hoàn toàn lãng quên – như đã lãng quên một nền văn hóa khác của con Sông Mekong.

Trở về Mỹ tin một cột đọc được trên trang nhất của báo Người Việt là vụ nổ trên cầu Mittaphap, nơi mà ít ngày trước đó tôi đã dừng chân nhìn xuống dòng chảy của con sông Mekong để tìm bóng dáng của một con cá Pla Beuk.

BANGKOK [Tin Kyodo]_ Bom nổ trên cầu Mittaphap tại biên giới hai nước Lào Thái khiến 11 du khách tới từ Thái Lan bị thương, giao thông trên cầu ngay sau đó bị gián đoạn. Vụ nổ đã xảy ra vào lúc 4 giờ 5 phút chiều Thứ Tư ngày 25/ 01/ 2001. Tang vật tìm được cho thấy trái bom được điều khiển từ trạm kiểm soát nơi chân cầu phía Lào.

NGÔ THẾ VINH

Vạn Tượng – Nong Khai

12/2000

Comments are closed.