Bertrand Russell
Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ
Minh Triết phương Tây
Bertrand Russell
Nam Dao chuyển ngữ
Nxb ThiVăn
Copyright ©
Tri ân
Xin tri ân học giả Bùi Văn Nam Sơn đã khích lệ và cho phép tham khảo Từ điển thuật ngữ Triết mà ông khởi soạn, dịch giả Nguyển văn Khoacho tôi đọc công trinh của ông về Socrate thời cổ Hy Lạp, dịch giả Nguyễn Ước cho tôi một biên soạn thuật ngữ Triết học Anh-Việt, TS Nguyển xuân Xanh giúp chỉnh sửa một số đoạn có liên quan đến Toán học, GSTS Hoàng Hải Học đề nghị một số vấn đề học thuật cần đào sâu. Thật may mắn, tôi được Linh mục Trần Tam Tỉnh, Giáo sư danh dự Đại Học Laval về Cổ sử và Khảo cổ, đã quan tâm đến công việc và giúp tôi biên tập lại trên nhiều vấn đề liên quan đến Thần học và Tôn giáo phương Tây. Tôi xin thành tâm cảm ơn mọi giúp đỡ, nhưng nhận trách nhiệm về những sơ xuất, lỗi lầm chắc hẳn không tránh được trong công việc dịch thuật này
Lời người chuyển ngữ
Lời tựa của Bertand Russell
Minh Triết phương Tây
Khai nhập 3
Tiền Socrates 7
Athens 67
Hậu-cổ Hy Lạp 143
Sơ thời Ki-tô 175
Trường phái Kinh Viện 203
Triết học thăng hoa 253
Trường phái Duy
Nghiệm 325
Khai Minh
và Lãng Mạn 353
Kể từ Triết thuyết
Duy Lợi 407
Triết học đương đại 453
Kết từ 499
Lời người chuyển ngữ
Vì một duyên khởi khó có thể truy nguyên, tôi đã quyết định dịch cuốn Wisdom of the West của Bertrand Russell, một học giả tên tuổi lẫy lừng trên thế giới trong thế kỷ 20. Bạn thân quen có người can, có kẻ thúc giục. Người thì bảo quĩ thời gian không còn nhiều, giành thời gian sáng tác. Kẻ lại khuyên, cứ thấy gì cần thì làm. Nhưng tại sao cần? Và cần cho ai? Tôi xin khất câu trả lời.
Bertrand Russell xuất thân là một nhà toán học kiệt xuất, một triết gia cận đại sáng chói, và một nhà văn đã từng đoạt giải Nobel. Trong phụ chú Lời đầu, tôi sẽ liệt kê những tác phẩm của ông, tự thân nói rõ đóng góp của ông vào di sản văn hóa thế giới.
Wisdom of the West, xin chuyển ngữ là Minh Triết phưong Tây, trước tác ông viết năm 1959 lược lại tổng thể nền văn hóa Tây phương từ thời cổ đại 5,6 trăm năm trước Công Nguyên cho đến thế kỷ 20. Công trình này giải dài trên hai ngàn năm trăm năm, đặt trọng tâm trên tư tưởng và triết học. Những điều này không trên trời rơi xuống, là những sản phẩm của con người sống và tư duy trong thời đại của mình. Công trình giải mã, xếp đặt, và phê phán của ông đòi hỏi một sự hiểu biết rộng và sâu về lịch sử và xã hội Âu châu trên hai bờ Đông và Tây của Địa Trung hải. Ông không chỉ liệt kê niên biểu, trình bày lại những đề xuất, những sáng tạo về tư duy triết lý. Với cá tính, và ông trình bày chúng dưới góc nhìn riêng biệt của ông, khi hóm hỉnh theo thế cách uy-mua đặc thù của người Anh, khi phê phán không khoan nhượng với những gì đi ngược lại con đường duy lý khoa học. Nhưng rồi cuối cùng, ông vẫn giữ được hơi văn thấm đẫm chất con người khai mở, rộng lượng, và không có cái ảo tưởng độc quyền chân lý.
Trong việc chuyển ngữ Minh Triết phương Tây, tôi tự ép mình trong một số tiêu chuẩn, nhằm tránh “dịch là phản”, như chúng ta thường nghe. Trước tiên, về nội dung, tôi cố gắng theo thật sát văn bản để sác xuất phản nội dung nằm ở mức tối thiểu. Dịch, nhưng tôi không phóng dịch. Ba khó khăn tôi gặp phải. Thứ nhất, về triết học ngôn ngữ của chúng ta không có một thuật ngữ thuần nhất được chấp nhận, và điều này rồi chúng ta dần dần khắc phục. Thứ hai, giữa ngôn ngữ của chúng ta với tiếng Anh, ngôn ngữ của nguyên bản, có những khác biệt không nhỏ. Đôi khi tôi buộc phải ngắt những câu dài dòng trong nguyên bản thành hai, ba trong bản dịch. Cũng lắm lúc, tôi phải triển khai dài hơn nguyên bản, với mục đích là làm cho bản dịch dễ hiểu. Đây là tiêu chuẩn tiên quyết tôi tự đề ra: nội dung là chính, hình thức văn hay chữ tốt chỉ thứ yếu. Thứ ba, nguyên bản có những đoạn có tính phê phán của tác giả, thường được viết sau khi ông trình bày một quan điểm nào đó, nhiều khi có khả năng gây lẫn lộn cho độc giả. Ngoài ra, ngôn ngữ ông đôi khi có thể loại uy-mua Ăng-glê mà tiếu lâm trong văn hoá của ta không thật hợp; vì vậy, dẫu cố, tôi thật tình không chuyển hết được chất hài hước hóm hỉnh của Bertrand Russell trong một số đoạn viết. Nhưng chịu vậy. Khác biệt trong văn hoá tiếu lâm là loại hình sâu nhất trong những khác biệt nói chung, và chuyện lực bất tòng tâm, là giới hạn của tôi, nói riêng. Cuối cùng, trong bản in của nhà xuất bản biên tập bởi Paul Foulkes có những đồ hình minh họa mà tôi nghĩ không thật sự cần thiết giúp độc giả nắm bắt thêm được gì đáng kể. Tôi quyết định không dùng chúng trong bản chuyển ngữ này.
Với việc chuyển ngữ Minh Triết phương Tây, tôi may mắn ở cùng tần số về mặt tư duy với tác giả Wisdom of the West, tin rằng hiểu biết đã từng và còn tiếp tục giải phóng con người khỏi sự kìm kẹp u minh. Phương pháp để đạt đến tri thức không là những tư biện huyền bí mặc bộ áo sấm truyền giáo điều và tô son vẽ phấn thần thánh, mà dựa trên lý lẽ có tính thực chứng qua kinh nghiệm. Tôi cũng may mắn ở chỗ tác giả đã trình bày những quan điểm triết học một cách rạch ròi minh bạch, tránh dùng từ ngữ hết sức rối rắm để triết giải thành món hàng độc quyền của một thiểu số triết gia và triết giả. Nói cho cùng, khi ngôn ngữ lạm dụng hình thức đến độ nội dung không thể nắm bắt được đối với những người không phải chuyên gia, những sự ‘gọi là thật’ đều đáng đặt lên bàn cân nghi hoặc.
Thấy gì cần thì làm. Ai cần? Và cần gì? Chuyến về nước lần cuối, tôi có duyên may gặp một số bạn bè nay là dịch giả, và nhất là những bạn trẻ hiếu học trong một xã hội cứ ra đầu ngõ là gặp tiến sĩ mà học vị viết kèm chức danh trên những tấm thiệp nhỏ bằng 1/8 bàn tay. Có bạn trẻ bảo, muốn nhưng không biết sách nào hay. Có bạn thở dài, dẫu biết có, nhưng lại bằng tiếng nước ngoài, đọc khổ lắm. Giảng dạy trong ngành Kinh Tế trên dưới 35 năm trong nhiều Đại học ở Canada, Pháp, Mỹ , Úc…, quán tính khiến tôi lăm le dịch ‘Lý thuyết tổng quát…’ của J.M.Keynes, nhưng hỏi thì đã có người dịch rồi. Vả lại, tôi vội vã, chưa kịp hỏi các bạn trẻ cần gì. Bạn nói, tụi em cần… biết thế giới này đi về đâu? Trong đầu tôi nghĩ đến tiểu thuyết 1984 của G.Orwell, nhưng dự cảm đầy khó khăn trước mặt để tác phẩm này có cơ duyên ra mắt bạn đọc.
Thế giới này đi về đâu? Hai tỉ năm nữa, giải ngân hà lạnh ngắt, và mặt trời thành một tảng băng thạch không lồ. Trái đất, hòn bi xanh trong ca từ họ Trịnh, sẽ miên viễn trắng mầu trinh bạch, và thế giới của chúng ta thành một vệt sáng sao sa. Hề chi, có hề chi! Thôi thì khi sống, ta sống cái thân phận làm những người tỉnh thức, và điều các bạn ưu tư nặng ý nghĩa khi các bạn hỏi chúng ta, những kẻ đèo bồng thế giới này, đi về đâu? Để đáp câu hỏi này, chúng ta cần biết chúng ta là ai, muốn gì, và đang góp tay làm gì trong cái thế gìới chao đảo này.
Vâng, thế giới chưa bao giờ chông chênh chao đảo như hiện nay, mặc dầu các bạn có điện thoại cầm tay, có internet, biết ta rồi sẽ đặt chân lên sao Hoả, tận dụng cả thiên hà trong cái vô củng lớn cũng như công nghệ nano trong cái vô cùng nhỏ. Thế giới của chúng ta là thế giới kỹ thuật tiến bộ ngoạn mục, và con người, một loài sinh vật mà cứu cánh tiêu thụ được rao giảng là nhằm mục đích giải phóng, mỗi ngày một lún sâu vào thể loại công dân hạng hai, hạng ba… trong một nền quản trị rất “duy lý và khoa học” của những người “anh Cả”, the Big Brother, trong tiên tri Orwell được mô tả qua kiệt tác “1984”. Nhìn quanh, dân số tăng quá tải, môi sinh bị tàn hủy, và những quyền năng kinh tài đang chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế toàn cầu, lao động bị máy móc thiết bị thay dần. Và chẳng cần kêu gọi, Đại tư bản Quốc tế đã đoàn kết để thống trị thế giới. Với khoảng 500 nhân mạng, những người hiện quyết định cho cả trái đất trên mọi dạng hình đã cướp ngày trong cuộc suy thoái tài chính toàn cầu năm 2008, lột gần đến trắng tay giai cấp trung lưu ở Âu Mỹ, đẩy những nước đang phát triển vào tỉnh thế lệ thuộc buộc phải bán rẻ tài nguyên, vân vân…
Để ngự trị, phải vô hiệu hóa từng người một. Làm thế nào? Đánh vào cái điểm yếu muôn đời của con người là vật dục. Xã hội tiêu thụ, hiện tượng những nhà xã hội học vào thập niên 70 từng truy cứu trở thành “tự nhiên”, tất yếu, không có gì để bàn. Sản xuất để tiêu thụ, muốn thế hàng hóa không được bền mà phải hư hỏng và phế thải trong một thời hạn. Và con người, làm sao cho họ hành xử như một cỗ máy tiêu thụ dưới tác động của rao hàng quảng cáo kích dục. Nhìn xung quanh, từ Âu đến Á, từ nghèo đến giàu, cá nhân bị định hướng đua đòi, tị hiềm, và cái quyền năng vô hình ở mọi chốn đều dùng những phương tiện truyền thông nhằm biến tập thể thành những cộng đồng a dua nhau mang túi xách Gucci, đeo đồng hồ Rolex, thoa son Yves Rocher, và bôi nước hoa Channel. Trong khi đó, rừng bị phá trụi, nước nguồn nay ô nhiễm, rác thải ra dưới dạng plát-tích bất khả phân hủy nay trôi giạt kết thành một lục địa to bằng năm lần nước Pháp (8 lần nước Việt Nam) cứ dập dềnh trên đại dương.
Trước mắt, thế giới chúng ta là thế. Quyền năng nay tập trung vào đám đại gia Tư sản không biên giới ở mọi quốc gia. Họ thao túng tất cả, nguy hiểm nhất là họ đang định hình tương lai nhân loại. Để làm được vậy, họ tìm cách khiến chúng ta bất lực. Như một tập thể, và hay nhất là từng người, họ nhằm làm sao cho chúng ta không có sức đối kháng. Sức ấy đến từ hiểu biết. Và như vậy, phải triệt tiêu sự hiểu biết cơ bản nhất là ý thức của mỗi con người về chính mình, và ý thức về liên hệ của cá nhân mình với cộng đồng xung quanh như gia đình, làng xóm, sắc tộc, quốc gia, và rộng hơn là nhân loại. Phương cách triệt tiêu ý thức thì nhiều, nhưng phổ biến, là nhằm làm sao hủy triệt đạo lý khiến con người khó lòng tạo được một xã hội nhân bản. Mỗi người trở thành một ốc đảo đắm chìm trong vật dục qua tiêu thụ, đo mình và người khác qua các mục hạng ăn tiêu, không còn mối liên kết hàng ngang với nhau xưa nay được xây dựng trên nền tảng của nhân ái, liên kết, cộng hòa. Xã hội hiện nay ở nhiều nơi là những xã hội đang tuột dốc vào vực sâu vô đạo. Vì những con người thành viên không còn biết cách làm người sống với nhau, sống cùng nhau, và sống cho nhau.
Thế giới đi về đâu là câu hỏi có đáp án khi chúng ta biết, và gần 8 tỉ người chúng ta trên trái đất đã bắt đầu quá tải này, muốn nó đi về đâu. Cái biết này phải là một sự đồng thuận của những cá nhân có ý thức. Ý thức cá nhân vững vàng chỉ khi được xây dựng trên nền tảng minh triết. Tất cả có thể lại khởi đi từ sự phục hồi đạo lý xã hội mà mầm mống đã có, hoặc đang thành hình, và hẳn sẽ uốn nắn tương lai của trái đất này.
Chuyển ngữ cuốn sách Minh Triết phương Tây này, tôi hy vọng cung ứng một nguồn tri thức cần thiết để hình thành ý thức cá nhân nhằm đặt cơ sở cho công cuộc phục hồi đạo lý xã hội. Qua công trình của Bertrand Russell, ý thức này đến từ cảm năng và đặc biệt là trí năng. Chính tinh thần duy lý làm đòn bẩy cho khoa học mà những thành tựu thật đã thay đổi bộ mặt thế giới. Nhưng ngoài phương Tây, nhân loại còn có một nền Minh Triết phương Đông xuất xứ từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ… mà song song với cảm năng và trí năng, những hiền giả còn đề cập đến chữ Tâm, một quan năng có tác động lên thế giới hiện thực. Và tôi mong mỏi sau này, qua tiếng Việt, những học giả cao minh mang phổ biến hầu soi rọi những khác biệt Đông-Tây một cách cơ bản. Phần tôi, nghĩ lại công việc mình, quả tôi thật đã làm một việc quá sức. Dịch Triết dưới khía cạnh lịch sử tư tưởng nhưng tôi không là triết gia được đào tạo bài bản mà chỉ có kiến thức chuyên ngành trong một bộ môn khoa học nhân văn. Dĩ nhiên, sai sót như thế hẳn có, và rất có thể có nhiều. Nhưng xin bạn đọc thể tình, tôi mượn lời cụ Tiên Điền, tâm sự:
Lỡ làng nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây
Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng
Một số qui ước
· Tên người, vua chúa, địa dư, thành quốc, sắc tộc… đều là Anh ngữ theo bản gốc để bạn đọc tiện tham khảo và so sánh. Tên những tác phẩm đều đặt trong dấu “ – ”
· Thuật ngữ dùng trong bản dịch nhắm làm sao cho dễ hiểu, giản đơn… nhưng cũng chẳng thể tránh hết được những từ Hán Việt. Trong bản dịch, khi thấy cần, tôi để thuật ngữ Anh trong ngoặc cạnh thuật ngữ Việt.
· Để dễ tiếp cận, những cước chú trong bản chuyển ngữ là hiệu đính những gì liên quan đến văn bản của Bertrand Russell nhưng ông chỉ đề cập mà không khai triển. Những cước chú này phần lớn được trích dịch từ Wikipedia, bản Anh ngữ. Tôi cũng hiển thị một số hình ảnh minh họa cần thiết.
· Xin đề nghị qui ước phân kỳ toàn bộ nền văn hóa Hy Lạp làm ba thời kỳ. Thời tiền-Socrates là tiền-cổ Hy Lạp, khoảng thế kỷ thứ 7 đến thứ 5 TCN. Sau đó, thời cổ-Hy Lạp từ 470-332 TCN, là một giai đoạn rực rỡ của triết học Hy Lạp ở Athens với 3 khuôn mặt vĩ đại là Socrates, Plato và Aristotle. Cuối cùng, thời hậu cổ-Hy Lạp từ 332-146 TCN là từ khi Đại đế Alexander chinh phục BaTư, sau đó văn hóa Athens dần dần được phổ biến khắp nơi ở Trung và Cận Đông
· Thời hậu-Hy Lạp với văn hóa Kitô, Trung cổ, rồi Phục Hưng, Khai Minh, Hiện Đại… đều theo sát phân kỳ trong bản gốc của Bertrand Russell.
Minh Triết phương Tây
Bertrand Russell
Tựa
“Một cuốn sách lớn”, theo lời Callimachus – nhà thơ thành Alexandria – “là một tội lớn”. Nói chung, tôi chia sẻ cách nhìn này. Tôi mang cuốn sách này đến với bạn đọc bởi vì nếu như là tội, nó chỉ là một tội nhỏ. Tuy nhiên, xin có đôi lời giải thích, vì trước đây tôi cũng từng viết một cuốn sách khác trên cùng thể loại. “Minh Triết phương Tây” là một công việc mới, nhưng mặc dù vậy, nó sẽ không hiện diện nếu như tôi không viết cuốn “Lịch Sử Triết học Tây phương” trước đó.
“Minh Triết phương Tây” là một cố gắng trình bày tổng quan về Triết học Tây phương từ Thales đến Wittgenstein, nhắc nhở những biến cố lịch sử liên hệ đến tư duy triết lý. Để làm như vậy, tôi phải trình bày những khuôn mặt, tài liệu, địa lý… gần nhất với những thời điểm chúng xuất hiện. Khi có thể làm được, tôi chuyển tư duy thường là qua chữ nghĩa thành những đồ hình có khả năng vận tải những thông tin một cách đầy đủ. Không có chi nhiều để nói thêm ở đây trừ chuyện cố gắng này chẳng phải lúc nào cũng thành tựu. Nhưng thế cách trình bày Triết học này đáng thử nghiệm, nhất là vì trình bày qua đồ hình khá trung dung chứ không nặng phần ngôn từ ngoắt ngoéo. Việc mô tả qua đồ hình, trong chừng mực ta có thể đạt được, còn có thêm lợi thế là không bị ràng buộc vào bất kỳ ngôn ngữ cụ thể nào[1] .
Hai điều xin nói thêm về lịch sử Triết học. Thứ nhất, rất ít có những tổng kết vừa ngắn gọn vừa dễ hiểu. Tuy thế, cho mỗi một vấn đề, có loại sách vở viết vể chúng khá xúc tích. Những công trình loại này thường buộc phải quay ngược lại tra cứu những văn bản gốc, và công việc tôi làm không nhằm cạnh tranh, so sánh với những trước tác này được . Thứ hai, khuynh hướng ngày một chuyên môn hóa khiến những nhà trí thức nay quên mất món nợ tư duy với những người đi đầu dẫn đạo. Công việc của “Minh Triết…” là nhắc nhở điều này. Trong một nghĩa nào đó, Triết học Tây phương là Triết học Hy Lạp, và quả là lạ khi ta ấp ủ tư duy Triết lý mà lại tự mình cắt rời khỏi những triết gia tên tuổi lẫy lừng trong quá khứ. Người ta có thể lầm tưởng rằng chỗ gặp của những triết gia là sự biết một cái gì đó trên mọi sự. Triết gia thật ra chỉ nhận là có hiểu biết trong giới hạn của mình. Tuy nhiên, cho rằng họ không cần biết bất cứ gì trên mọi sự hẳn là sai lầm. Những người tưởng rằng Triết học thực sự khởi xuất từ 1921, hay gần đó, không biết rằng rất nhiều vấn đề Triết lý đương đại là quá trình và không thể xuất hiện thình lình từ chỗ không có gì cả.
Một tổng kết về lịch sử Triết phương Tây có thể trình bày theo hai cách. Hoặc ta chỉ hoàn toàn tường thuật, ai nói gì, và bị những ảnh hường nào. Hoặc ta trộn thế cách tường thuật đó với một cách nhìn phê phán, từ đó hiểu thêm tiến trình của thảo luận Triết học từng có, và sẻ tiếp nối ra sao. Tôi chọn cách thứ hai. Nhưng thế cách này không nên hiều như chúng ta gạt bỏ những triết gia vì quan điểm của họ bị xét lại. Kant từng nói ông không sợ bị bác bỏ mà chỉ sợ bị hiểu nhầm. Và chúng ta củng sẽ cố gắng hiểu triết gia đề xuất gì trước khi bác bỏ điều này điều kia. Tuy nhiên, làm được thế không dễ chút nào. Cuối cùng, đây là vấn đề phán đoán mà mỗi người phải thủ đắc cho chính mình.
Những vấn đề triết học đề cập trong cuốn “Minh Triết…” này khác với trước tác “Lịch sử Triết học Tây phương” được viết trước đó. Một số tài liệu mới do TS Paul Foulkes, người biên tập và in sách, đã cung cấp và chọn lựa một số đồ hình với mục đích minh họa một số vấn đề Triết học được thảo luận. Nếu như sau khi đọc mà bạn còn mong tiếp tục đào sâu thêm những vấn đề này thì coi như mục đích chính của cuốn sách là đã đạt được.
Bertrand Russell
Khai Nhập
Triết gia làm gì khi họ vùi đầu vào công việc? Đây đúng là một câu hỏi khá cũ, và ta có thể trả lời nó bằng cách trình bày trước tiên những gì không là công việc của họ. Có nhiều điều trong thế giới quanh ta được coi như dễ hiểu. Chẳng hạn cách vận hành của máy hơi nước. Cái này thuộc lĩnh vực cơ khí học và nhiệt động học. Thêm một thí dụ, ta biết khá nhiều về cách cấu tạo và chức năng của cơ thể con người. Thể loại tri thức này thuộc phạm vi giải phẫu và sinh lý học. Hoặc, sau cùng, sự chuyển động của tinh tú, điều mà chúng ta có thừa kiến thức. Đây là đề tài của thiên văn học. Mọi bộ phận tri thức được minh định như trên đều thuộc về một trong các bộ môn khoa học.
Nhưng tất cả những lãnh địa tri thức ấy giáp ranh cõi bờ của cái ta không biết. Khi đi đến những giới biên đó hoặc xa hơn, ta bước từ khoa học qua địa hạt của tư biện và ức đoán. Hoạt động trí tuệ này là một cuộc thám hiểm, và bên cạnh những chuyện khác, đây chính là triết học. Như ta sẽ thấy ở phần sau, các lĩnh vực đa dạng của khoa học đều bắt đầu như là thám hiểm triết học, hiểu theo nghĩa trên. Khi nào một bộ môn khoa học có được nền móng vững chắc, từ đó nó sẽ diễn tiến một cách độc lập, ngoại trừ những vấn đề ở giới tuyến và các câu hỏi về phương pháp. Trong một chừng mực nhất định, cuộc thám hiểm tự nó tiếp diễn hầu tìm ra địa bàn khả dụng mới.
Đồng thời chúng ta phải phân biệt triết học với các thể loại tư biện khác. Triết học tự nó không nhằm giải quyết các phiền lụy hoặc cứu rỗi linh hồn của chúng ta. Nói như người Hy Lạp, đó là một thứ phiêu lưu dã ngoại chẳng có mục đích nào khác ngoài chính nó. Do đó, về nguyên tắc không có vấn đề tín điều, nghi thức hoặc các thể loại thần linh ở đây, cho dù trong số những triết gia vẫn có những người tuân thủ những giáo điều cứng nhắc. Đối với điều không biết ta có thể chọn một trong hai thái độ. Một là chấp nhận các phán quyết của những người cho rằng họ kiến ngộ nhờ vào kinh điển, những điều huyền nhiệm, hay các nguồn thần hứng. Còn cách kia là tự mình đi ra mà nhìn và tìm cho mình, và đấy là con đường của khoa học và triết học.
Cuối cùng còn một đặc điểm của triết học ta nên lưu ý. Nếu có ai đặt câu hỏi toán học là gì, ta có thể đưa cho người ấy một định nghĩa theo từ điển, và nói cho ra lẽ, bảo đó là khoa học về con số. Xét cho cùng đây là một nhận định không cần phải tranh cãi, hơn nữa nó là điều người nêu câu hỏi có thể hiểu được dễ dàng cho dù ông ta có thể dốt toán. Tương tự, ta có thể đưa ra định nghĩa cho bất cứ môn ngành nào đã đạt được một khối kiến thức xác định. Nhưng không thể định nghĩa triết học như thế. Định nghĩa nào cũng hàm chứa sẵn một thái độ triết lý và gây tranh cãi. Cách duy nhất để khám phá xem triết học là gì là làm công việc triết học. Trình bày cho thấy trong quá khứ người ta đã làm công việc này như thế nào là mục đích chính của cuốn sách này.
Có nhiều câu hỏi những người chịu suy nghĩ tự đặt cho mình lúc này hay lúc khác mà khoa học không thể giải đáp. Và những ai đã cố gắng tư duy thì khó mà đặt lòng tin vào những câu trả lời có sẵn từ phán truyền sấm ký. Công việc của triết học là khảo sát, và đôi khi loại bỏ, những câu hỏi ấy.
Khi không cưỡng được, chúng ta đặt cho mình những tra vấn chẳng hạn về ý nghĩa cuộc đời, nếu quả thật câu hỏi này không hoàn toàn vô nghĩa. Rồi chúng ta hỏi liệu thế giới này có mục đích không, tiến trình lịch sử đi về đâu, hay là những băn khoăn này cũng lại vô nghĩa nốt? Lại còn các vấn đề khác, thí dụ thiên nhiên có tuân theo một qui luật nào hay không, hay là chẳng qua ta suy ra như thế bởi ta muốn thấy sự vật tuân theo một trật tự nào đó. Và ở mức tổng quát, thế giới có phân ra thành hai phần tinh thần và vật chất hay không. Và nếu như thế thì chúng làm thế nào gắn kết vào nhau?
Con người thì sao? Là một hạt bụi yếu ớt bò lê trên một hành tinh tầm thường bé nhỏ, như cách nhìn của giới thiên văn học? Hay là một đống hóa chất gắn kết vào nhau một cách kỳ quặc, nói theo các nhà hóa học? Hoặc rốt cuộc, nhìn qua con mắt của Hamlet[2], con người là kẻ vừa có lý trí sang cả, vừa có khả năng vô tận? Hay có lẽ con người cùng một lúc là tất cả các thứ đó?
Ngoài điều này còn các câu hỏi về thiện ác. Có chăng một cách sống tốt lành và một cách sống xấu xa tồi tệ? Hoặc chúng ta sống như thế nào mặc kệ, không có chuyện đúng sai hơn kém? Một cách sống tốt lành nếu có thì nó ra làm sao? Và bằng cách nào ta học được cách sống như thế? Có cái gì đó ta có thể gọi là minh triết chăng, hay cái mang vỏ minh triết chẳng qua chỉ là một sự điên khùng rỗng tuếch?
Tất cả các câu hỏi này đều làm đau đầu nhức óc. Ta không thể lý giải chúng bằng những khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm, và những ai có đầu óc độc lập sẽ không chịu tuân thủ các lời phán truyền của những kẻ rao giảng loại thuốc trị bá bệnh. Đối với các câu hỏi như thế, lịch sử triết học cung ứng những giải đáp tùy khả năng cho phép. Khi khảo cứu chúng, ta học được cái cách mà những kẻ khác ở những thời đại khác đã suy tư về chúng. Ta có dịp hiểu được họ nhiều hơn qua phong cách họ xử lý triết học, một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của họ. Sau cùng, điều này có thể chỉ dạy chúng ta phải sống như thế nào, cho dù cái ta biết chẳng là bao.
[1] Trong bản dịch này, chúng tôi không tái tạo lại những đồ hình thường chỉ có tính minh họa và chẳng giúp thêm được gì hơn những trình nầy qua ngôn ngữ (ND).
[1]Hamlet là nhân vật trong một vở kịch nổi tiếng của Shakepeares, được mô tả như kẻ tư duy theo thế cách hoài nghi, hiện sinh, nhân bản và tương đối. “Là, hay không là, câu hỏi là chỉ vậy” (to be be or not to be, that is the question) là câu Hamlet phát biểu, còn được xưng tụng đến nay như cách thế hiện sinh.
[1] Trong bản dịch này, chúng tôi không tái tạo những đồ hình thường chỉ có tính minh họa và chẳng giúp thêm được gì hơn những trình nầy qua ngôn ngữ (ND).
[2]Hamlet là nhân vật trong một vở kịch nổi tiếng của Shakepeares, được mô tả như kẻ tư duy theo thế cách hoài nghi, hiện sinh, nhân bản và tương đối. “Là, hay không là, câu hỏi là chỉ vậy” ( to be be or not to be, that is the question ) là câu Hamlet phát biểu, còn được xưng tụng đến nay như cách thế hiện sinh.