Minh triết phương Tây (kỳ 12)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Trường phái Kinh Viện (tiếp theo)

Khi Đế quốc phương Tây tràn ngập những bộ tộc man di rút cục đều theo Ki-tô giáo thì Đế quốc phương Đông bị những kẻ theo Mohammed tấn công dữ dội. Họ không bắt theo đạo Hồi, nhưng giảm số lượng vật cống hiến cho những người theo đạo khiến đa số sau này đều cải đạo. Kỷ nguyên Mohammedian tính từ khi Nhà tiên tri Mohammed di dân đi từ Mecca đến Medina vào năm 622. Sau khi vị này chết năm 632, cuộc chinh phục Ả Rập đã nhanh chóng biến đổi thế giới trong vòng một thế kỷ. Syria bị khuất phục năm 634-36, Ai Cập năm 642, Ấn Độ năm 664, Carthage năm 697, và Tây Ban Nha năm 711-12. Trận chiến thành Tours năm 732 xoay chiều, quân đội Ả Rập phải rút về Tây Ban Nha. Constantinople bị vây năm 619, và lần thứ hai năm 716-17. Đế quốc Byzantine mất đất cho đến khi người Thổ Ottoman chiếm thành phố năm 1453. Sự bùng nổ của Hồi giáo là do tình thế suy kiệt những Đế quốc mà nội bộ có nhiều xung đột mâu thuẫn. Syria và Ai Cập lại còn khốn khổ hơn vì không theo con đường chính thống Ki-tô.

Tôn giáo mới như Nhà tiên tri tuyên bố thật ra là quay lại thờ Nhất thần theo Cựu Ước, gạt bỏ những tín nhiệm huyền bí của Tân Ước. Giống người Do Thái, ông cấm thờ hình ảnh người chết, nhưng khác Do Thái, ông cấm uống rượu. Điều cấm kỵ này hiệu quả thế nào là chuyện đáng ngờ, nhưng về điều cấm thứ nhất thì xin kể khuynh hướng chống tôn thánh theo Nestorius[1]. Chinh phục là một bổn phận tôn giáo, nhưng tín đồ không phải là người tác hại. Điều này gây sốc với người theo Ki-tô giáo, Do Thái, và đạo thờ Lửa Zoroastrian.

Ban đầu, người Ả Rập không có kế hoạch đi chinh phục một cách hệ thống. Đất đai của họ cằn khô, và họ phải lấn biên đi cướp bóc. Nhưng khi gặp chống cự yếu đuối, kẻ ăn cướp trở thành người đi chinh phục. Đất chiếm được đều quản lý như trước dưới quyền vua Hồi, những kẻ thừa kế Nhà Tiên tri và giòng giõi qua chọn lựa thiên nhiên. Sau, chế độ này biến thành triều đại cha truyền con nối dưới thời Umayyad kéo dài cho đến năm 750. Gia đình này tuân thủ lời Tiên tri trên mặt chính trị chứ không phải tôn giáo, chống lại những sự cực đoan cuồng tín. Nói chung, người Ả Rập khi đó không giáo điểu, và chủ đích của họ là gặt hái những thành quả vật chất mà thôi. Chính thế mà họ tuy là thiểu số mà lại có thể quản lý được những vùng đất rộng lớn của những bộ tộc văn minh và có những tín ngưỡng xa lạ.

Ở Ba Tư, lời Tiên tri thuận lợi vì phù hợp với truyền thống tư biện và tôn giáo sẵn có. Sau cái chết của con rể Mohammed là Ali năm 661, những người Hồi giáo chia ra giáo phái Sunni và Shiah. Giáo phái Shiad, trung thành với Ali, là thiểu số và không được Umayyads chia chác gì. Ba Tư thuộc thiểu số này, ảnh hưởng đến sự thành lập triều đại Abbasids, đã chuyển kinh đô từ Damascus về Baghdad. Chính trị dưới triều đại này khuyến khích sự cuồng tín trong Hồi giáo. Tuy nhiên, họ mất Tây Ban Nha khi một vị vua Hồi được Umayyads lập lại ở Cordova. Dưới triều Abbasids,

clip_image002 Cuộc chinh phục Hồi giáo

Đế quốc Hồi trở nên rực rỡ với Harun-al-Rachid, người đồng thời với Charlemagne, rất nổi tiếng từ những huyền thoại “Ngàn lẻ một đêm” Ả Rập. Sau khi vị này chết năm 809, Đế quốc lâm nguy vì chuyện dùng quân đánh thuê người Thổ, giống như Rome thời trước với lính man di Đức. Triều đại Abbasids suy thoái, cuối cùng Baghda bị tàn phá bởi người Mông Cổ năm 1256.

Văn hoá Hồi khởi xuất từ Syria, nhanh chóng phát triển ở Ba Tư và Tây Ban Nha. Ở Syria, người Ả Rập kế thừa truyền thống Aristotle qua ảnh hưởng giáo phái Nestorian, thời Ki-tô giáo chính thống thừa nhận triết học Tân-Plato. Tuy nhiên, nhiều lầm lạc vì có sự trộn lẫn triết học này với lý thuyết của Aristotle. Ở Ba Tư, người đạo Hồi học toán Ấn Độ, và đề xuất hệ thống số Ả Rập mà lẽ ra phải gọi là số Ấn Độ. Nền văn minh Ba Tư sinh ra những nhà thơ như Firdousi, giữ được những tiêu chuẩn nghệ thuật mặc dù bị Mông Cổ xâm chiếm vào thế kỷ thứ 3.

Truyền thống Nestorian qua đó người Ả Rập làm quen với văn hoá Hy Lạp đã vào Ba Tư trước đó, vào thời sau khi Đại đế Byzantine là Zeno đóng cửa trường học Edessa năm 481. Từ hai nguồn này, tư tưởng gia Hồi giáo thừa hưởng Lôgíc và triết lý Aristotle, cùng với truyền thống khoa học cổ điển. Triết gia Hồi lớn nhất là Avicenna ( 980-1037) ở Ba Tư.

Sinh ở tỉnh Bokhara, ông dậy triết và y khoa ở Ispahan, cuối cùng về ngụ cư ở Teheran, thích một đời sống thoải mái và cố giảm khía cạnh thần học vì những luận điểm phi chính thống. Công trình của ông có ảnh hưởng lớn ở phương Tây qua những bản dịch từ nguyên tác tiếng Hy qua tiếng La tinh. Một trong những vấn đề ông quan tâm là tính phổ quát, trọng tâm của phái Kinh Viện sau này. Ông cố tương đồng Plato với Aristotle. Cho rằng sự phổ quát của Ý thể đến từ tư duy, ông lập lại Aristotle, tương tự như Averroes và rồi Albertus Magnus (là thày của Thomas) đề đạt.

Nhưng Avicenna tìến thêm một mức định tính. Phổ quát đồng thời có trước, là, và sau mọi sự: có trước, trong sáng thế của Thượng Đế, khi Đấng trời sinh vạn vật của thế giới bên ngoài; và sau, trong trí năng con người tiếp nhận thế giới qua tư duy và thực chứng kinh nghiệm.

Tây Ban Nha cũng sản sinh những triết gia lỗi lạc, như Averroes (1126-98), thuộc dòng pháp quan Ả Rập ở Cordova. Ông học luật, nhiệm chức pháp quan ở Seville, rồi Cordova. Năm 1184, ông là thành viên của triều đình, sau phải lưu lạc qua Morocco vì có tư tưởng khác với niềm tin được phổ biến thời ấy. Đóng góp chính của ông là đưa học thuyết Aristotle vượt thoát ảnh hưởng méo mó của Tân-Plato. Ông tin, như Thomas sau này, rằng sự hiện hữu của Thượng Đế có thể biện minh một cách duy lý. Về linh hồn, ông cùng quan điểm với Aristotle, cho rằng không bất tử, nhưng trí tuệ nous thì bất tử bởi nous là một thực thể, nó không thuộc bất cứ cá thể nào. Quan niệm này đi ngược với giáo điều Ki-tô.

clip_image004

Tượng Avicenna

Văn bản bằng tiếng LaTinh của Averroes được phổ biến chẳng chỉ trong phái Kinh Viện mà còn trong giới học giả có cái nhìn thông thoáng. Họ sau này được gọi là những triết gia Averroist.

Chiến lược chính trị của Giáo Hoàng Gregory VII, ở thời điểm năm 1085 khi ông chết, là xoay trở quyền lực về tay Giáo hội trong Đế quốc. Cuộc tranh chấp giữa Thế quyền và Thần quyền kéo dài liên miên. Giáo hội không đạt được mục tiêu chính trị. Trong khi ấy, giới Giáo sĩ thay mặt Thượng Đế khẳng định quyền lực tinh thần ở những thành phố Lombardy vào thời những kẻ chủ trương Thánh chiến Thập tự nắm thế thượng phong.

Trong cuộc tranh chấp về phong chức danh cho Đại đế, Giáo Hoàng Urban II (1088-99) có ý thâu tóm quyền lực vào tay mình. Vào 1093, con của Đại đế Henri IV là Conrad làm loạn và tìm sự ủng hộ của Urban. Những thành phố phía bắc vốn theo Giáo Hoàng nên Conrad dễ dàng thâu tóm vùng Lombardy. Vua nước Pháp là Phillip cũng bị thuyết phục, và Urban đạt thắng lợi lớn. Ở hội đồng Clermont năm sau, Giáo Hoàng phát động cuộc Thánh chiến Thập tự.

clip_image006

Tượng Averroes

Thừa kế Urban là Giáo Hoàng Pascal II, tiếp tục chuyện phong vương cho đến khi Henry IV chết năm 1106. Trên lãnh thổ Đức, Đại đế kế nhiệm là Henry V. Giáo Hoàng đề nghị vua đừng dính líu vào chuyện phong vương, đổi lại Giáo hội sẽ tạm thời bỏ quyền sở hữu đất đai. Những người đòi đại diện Thượng Đế có nhiều trói buộc với trần thế này hơn là cái đề nghị thoả thuận vừa kể. Khi được thông báo, hàng Giáo sĩ Đức kêu ầm lên phản đối. Khi đó, Henry đang ở Rome, làm áp lực với Giáo Hoàng, và tự mình đội lên đầu Vương miện. Chiến thắng của thế quyền tuy thế không lâu. Mười một năm sau, năm 1122, Giáo Hoàng Calixus II lại quay lại kiểm soát chuyện phong vương.

Dưới thời Đại đế Frederik Barbarossa (1152-90), cuộc tranh chấp giữa Thế quyền và Thần quyền vào một giai đoạn mới. Năm 1154, Hadrian IV người Anh được bầu làm Giáo Hoàng. Ban đầu, cả vị này lẫn Đại đế đều chung sức chống lại Rome lúc ấy thách thức quyền lực Giáo hội. Phong trào đòi độc lập cho Rome nằm dưới sự lãnh đạo của Arnold ở Brescia, một kẻ cuồng tín chống lại Giáo hội, cho rằng những người có tài sản dưới thế không thể vào Thiên đàng được. Cách nhìn này hẳn đi ngược quyền lợi Thần quyền, và Arnold bị tấn công không thương tiếc. Sự cố này đã xảy ra trước, nhưng khi Hadrian nhiệm chức thì tới đỉnh điểm. Ông trừng phạt người Rome vì quấy rối xã hội và đặt họ trong vòng kiểm soát cấm đoán. Cuối cùng, tinh thần độc lập Rome suy yếu, và họ truất quyền Arnold. Đi trốn nhưng rồi rơi vào tay quân lính của Barbarossa, Arnold bị thiêu sống. Năm đó, năm 1155, Đại đế được đội vương miện, nhưng gặp những cuộc tuần hành phản kháng của dân chúng. Hai năm sau, Giáo Hoàng tuyệt giao với Đại đế. Một cuộc chiến tranh giữa hai bên bùng nổ và kéo dài 20 năm. Liên minh Lombard tiếng là ủng hộ Giáo Hoàng, nhưng thực ra là để chống quyền lực Đại đế thì đúng hơn. Thắng thua bất phân, thế giằng co cứ thế kéo dài. Milan bị đốt rụi năm 1162, nhưng cuối năm khi tiến về Rome thì quân đội Barbarossa bị dịch hạch.Trong cuộc tranh quyền với Giáo Hoàng, Barbarossa thua trận ở Legnano năm 1176, nhưng qui ước thiết lập hòa bình sau đó khá mong manh. Đại đế điều quân liên hợp với cuộc Thánh chiến thứ 3 và chết ở Anatolia năm 1190.

Chung cục, cuộc tranh chấp giữa Thế quyền và Thần quyền không có lợi gì cho cả đôi bên. Những thành quốc miền bắc nước Ý ủng hộ Giáo Hoàng khi bị Đại đế đe dọa, và nếu không, thì đeo đuổi ích lợi riêng hoàn toàn khác biệt với quyền lợi Giáo hội. Tiếng là theo Ki-tô, những thành quốc này triển khai những luồng tư tưởng thoáng đạt giống như những xã hội Tin Lành vào thế kỷ 17. Những thành phố ven bìển trở thành quan trọng trong cuộc Thánh chiến, cung ứng tầu bè và vật liệu. Niềm tin tôn giáo có lẽ là một yếu tố, nhưng mặt kinh tế cũng đóng một vai trò không nhỏ trong Thánh chiến. Phương Đông, lấy danh nghĩa đạo hạnh thánh thiện, nhưng cũng cướp bóc. Những người Do Thái ở châu Âu là đối tượng bị tôn giáo chính thống khinh khi dè bỉu. Đối với những người Hồi giáo, nhận định rằng thế giới Ki-tô có một nền văn hóa cao hơn không chút nào hiển nhiên cả.

Trường phái Kinh Viện, như một phong trào, khác triết học cổ điển ở chỗ kết quả được đóng khung trước, và phải quay theo chu trình của quan điểm chính thống. Vị thánh của trường phái này trong số những triết gia cổ điển là Aristotle với ảnh hưởng dần dần thay thế triết thuyết Plato. Về phương pháp, họ tuân thủ sự phân loại của Aristotle với tầm nhìn biện chứng có cơ sở thực chứng. Về lý thuyết, vấn đề phổ quát đã tách thế giới triết gia thành hai phe đối nghịch. Những người theo triết lý Duy Thực cho rằng phổ quát là toàn bộ sự vật, trực tiếp dựa trên quan điểm Plato và lý thuyết Ý thể. Nhưng người theo lý thuyết Duy Danh thì bảo phổ quát chỉ là tên gọi, theo cách nhìn của Aristotle.

Kinh Viện được cho là xuất phát từ Roscelin, một tu sĩ Pháp và là thầy của Abelard. Rất ít thông tin về Roscelin, và tư tưởng vị này chỉ được viết lại bởi Anselm và Abelard. Theo Anselm, Roscelin theo thuyết danh nghĩa, cho rằng vũ trụ là hơi thở của trống không hư vô. Phủ nhận sự hiện hữu của phổ quát, ông không chấp nhận toàn thể là thực và bao trùm những phần cấu tạo toàn thể đó. Quan điểm này dẫn đến cách nhìn nguyên tử (atomist) một cách chặt chẽ hơn. Liên quan đến giáo điều Ba Ngôi, cách nhìn này là một thứ cuồng tín, và Roscelin phải công khai từ bỏ ý kiến mình ở Rheims vào năm 1092.

clip_image008

Tượng Abelard

Abelard sinh năm 1079, là một triết gia có tầm quan trọng đáng kể. Học rồi dạy ở Paris, sau vào tu viện một thời gian, ông lại quay về giảng dạy năm 1113. Chuyện tình của ông với Heloise, một nữ tu, khiến chú ông là Canon Fulbert nổi giận, mang thiến ông và bắt cả hai người vào dòng tu kín. Abelard sống cho đến 1142, rất nổi danh, và là người theo lý thuyết Duy Danh. Ông đi vào chi tiết, đề xuất rằng thế giới chẳng chỉ là sự kiện thuần hiện tượng mà còn mang ý nghĩa. Phổ quát được nhìn nhận qua sự đồng dạng của những vật thể, nhưng sự đồng dạng này tự thân không là vật thể như những người theo lý thuyết Duy Thực đã nhận định sai lầm. Trong thế kỷ 13, phong trào Kinh Viện lên đỉnh điểm. Cuộc tranh chấp giữa Thế quyền và Thần quyền cũng vậy. Tính cách quyết liệt này thể hiện suốt thời Trung Cổ ở châu Âu. Sau đó, những thế lực cách tân mới xuất hiện, từ thời Phục Hưng của Ý ở thế kỷ 15 cho đến sự hồi sinh của khoa học và triết học ở thế kỷ 17.

Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216) là một chính trị gia kiệt xuất đã đưa quyền uy của Giáo hội đến một đỉnh cao chưa từng có. Sicily bị Henry VI, con của Barbarossa, xâm chìếm.Vị Đại đế này lấy Constance, công chúa giòng dõi vua Norman ngự trị đảo này. Henry chết năm 1197, con mới hai tuổi là Frederik kế vì. Mẹ vua đưa con cho Innocent bảo hộ. Đổi lại, quyền hành tối cao của Innocent được thừa nhận. Chuyện này trở thành phổ biến khắp Âu châu sau đó. Trong cuộc Thánh chiến thứ 4, kế hoạch của Innocent bị người Venetian ngăn trở và đẩy ông vào thế chiếm Constantinople. Nhưng cuộc Thánh chiến với Albigenses[2] thành công mỹ mãn. Miền nam nước Pháp thoát ảnh hưởng cuồng tín nghịch đạo, nhưng hầu như hoàn toàn bị phá hủy. Bên Đức quốc, Hoàng đế Otto bị hạ bệ, và Frederik II nay đã trưởng thành kế vị. Innocent III nắm trong tay cả Đại đế lẫn Vua. Trong Giáo hội , quyền lực rộng lớn hơn được kết cấu với bộ máy quản trị Giáo hội. Những thành tựu này cũng báo hiệu mây mù sau này. Nắm quyền lực tuyệt đối, hẳn sẽ đến lúc quyền lực ấy phải có lúc giảm đi, và đó là những bước dẫn đến phong trào Cải Cách.

Frederik II được phong vương với sự ủng hộ của Giáo hội, đổi lại là phải thừa nhận sự tối cao của Thần quyền. Vị vua trẻ tuổi này gốc Đức và Norman lớn lên trong một xã hội đang có những biến chuyển văn hóa. Ở Sicily, sự chung chạ giữa Hồi giáo, Byzantine, Đức và Ý cùng tạo ra những ảnh hưởng tổng hợp tiến đến khai sinh một nền văn minh đã cho phép nước Ý hồi sinh. Frederik được sự tôn trọng cả ở phương Đông lẫn phuơng Tây. Nhìn vào những công trình cải tổ chính trị thật tiến bộ, Frederik là một người dám làm và có tư duy độc lập. Sự nghiệp chính trị của vị vua này khiến ông có biệt danh là nhân vật kỳ diệu của thế giới.

Trong hai năm liền, cả Innocent III và Otto, vua Đức chiến bại dưới tay Đại đế Frederik, đều chết. Giáo hội được Honorius III cai quản, nhưng liện hệ với Frederik suy yếu. Biết rõ văn minh Ả Rập, Thánh chiến không thuyết phục Frederik. Cạnh đó, khó khăn ở Lombardy chủ yếu vì ảnh hưởng Đức không được ưa chuộng. Điều này chia rẽ Giáo Hoàng và Đại đế, vì xưa nay Giáo Hoàng được người Lombard ủng hộ. Năm 1227, Honorius mất và người kế nhiệm là Gregory IX thu phép thông công của Frederik vì tội không tham chinh Thánh chiến. Vị này không coi chuyện đó quan trọng. Lấy con gái vua Norman ở Jerusalem năm 1228, ông đi Palestine và điều đình thỏa hiệp với người Ả Rập. Dẫu Jerusalem không phải là một địa điểm chiến lược quan trọng, nhưng người Ki-tô giáo có nhiều gắn bó. Thành phố thánh linh này thu về, Frederik trở thành Vua Jerusalem.

Với Giáo Hoàng, dẫu không cho thỏa hiệp là phương cách tốt nhưng trước sự thành công của Frederik, ông đành tái lập quan hệ hòa hoãn với vị Đại đế này vào năm 1230. Thời gian sau đó, vương quốc Sicily tiến hành cải cách hành chính và thảo ra một bộ luật dân sự. Thương mại được khuyến khích, những trói buộc quan thuế bị bãi bỏ, giáo dục được tăng cường với sự thành lập của Đại học Naples. Năm 1237, tranh chấp với Lombardy lại bùng nổ, và cho đến lúc chết năm 1250, Frederik buộc phải tiến hành chiến tranh với nhiều đời Giáo Hoàng. Sự tàn bạo trong những cuộc chiến này làm lu mờ những thành quả tiến bộ của vương triều Frederik. Cuộc chiến đánh cho bật gốc dị giáo tiếp diễn nhưng không thành công mỹ mãn. Người Albigenses ở miền nam nước Pháp bị xóa sổ trong Thánh chiến năm 1209. Nhưng những phong trào dị giáo khác sống sót. Tòa án dị giáo được thiết lập năm 1233, nhưng không thể áp đảo được người Do Thái ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Dị giáo Waldenses, một phong trào cuối thế kỷ 12 trong khuynh hướng Cải Cách, theo chân Peter Waldo lưu vong từ Lyon đi về thung lũng ở Piedmont phía tây Turin, hiện còn tồn tại như một giáo phái Tin Lành nói tiếng Pháp. Những sự cố này minh chứng rằng một số thế hệ sau đó hiểu không thể tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng bằng phương pháp săn đuổi phù thủy. Tuy thế, xét đoán qua lịch sử, có vẻ như bài học này không hoàn toàn được hiểu như vậy.

Mặc dầu ở vị trí quyền lực tối thượng của Giáo hội, thế kỷ thứ 13 vẫn là thời gian mà đấu đá ngay trong hàng ngũ Giáo sĩ vẫn có. Nói chung, Giáo hội không tuân thủ qui định của những người sáng lập, và sự hiện diện của hai dòng tu, trong chừng mực nào đó, đã lấy lại một sự cân bằng. Đó là dòng Dominicain và dòng Franciscain tu theo những nguyên tắc của St. Dominic (1170-1221) và St. Francis Assise (1181-1226), tự nguyện sống nghèo khổ như những người hành khất. Nhưng những thề nguyền đó chẳng phải lúc nào cũng được thực hiện.

Hai dòng tu này trở thành những kẻ chuyên xét xử dị giáo. Thật may mà chuyện này không lây lan sang Anh quốc hoặc Scandinave (bắc Âu). Trong một quãng thời gian, tra tấn được coi như cần để giải tỏa linh hồn những kẻ có tội ra khỏi địa ngục muôn đời. Những suy đoán thực dụng hẳn cũng đã cố kết với ước muốn đạo hạnh của những quan tòa sử tội dị giáo, nhưng tuy thế, chẳng có ai bên Anh chống chuyện Joan d’Arc bị thiêu sống.

Ngược lại dự kiến của những người sáng lập, hai dòng tu Dominicain và Franciscain bỏ sức đi theo con đường học hỏi. Hãy kể Albertus Magnus và học trò là Thomas thuộc dòng Dominican. Và Roger Bacon, Duns Scotus và William Occam theo dòng Franciscain. Trong địa hạt triết học, họ là những tư tưởng gia có đóng góp giá trị vào văn hóa thời đó.

Trong thần học, chúng ta lưu ý hai thể loại. Loại thứ nhất, Thần học Tự nhiên, đặt vấn đề Thượng Đế như nguyên nhân tiên khởi, nguyên nhân vận hành mọi sự… Đây là thần học theo Aristotle, và có thể coi là Siêu hình học. Loại thứ nhì, gọi là Thần học Giáo điều, triển khai bởi Thomas theo đó thần học điều nghiên những vấn đề quan hệ với sự soi rạng khải truyền (revelation). Ở đây, chúng ta quay lại với những tư tưởng gia Ki-tô như Augustine, người có cái nhìn về thiên khải và ân sủng Thượng Đế, nằm ngoài phạm trù lý tính. Thần học giáo điều xa lạ với triết lý, và chẳng có gì tương tự với thần học theo Aristotle.

Yếu tố thần học khiến Siêu hình học Thomas vượt Aristotle trên một phương diện quan trọng. Thượng Đế trong Siêu hình Aristotle là một kiến trúc sư vô vụ lợi, và sự hiện hữu của Thượng Đế không có liên quan đến bất cứ vật thể cá biệt nào. Chúng ở đó, có sẵn, cũng như những vật liệu cấu thành ra chúng. Với Thomas, Thượng Đế là nguồn sống của mọi hiện tồn. Một vật thể hiện hữu phải có điều kiện. Trực tiếp hay gián tiếp, sự hiện hữu đó tùy thuộc vào điều gì đó tất yếu như Thượng Đế. Trong ngôn ngữ Kinh Viện, điều này được diễn tả như bản chất và hiện hữu. Bản chất là một phẩm tính, cái vật thể là. Hiện hữu chỉ ra cái là, và chính là vật thể.

clip_image010

Frederick II (trái) gặp Al-Kamil (phải).

Hai quan niệm trên đều trừu tượng, ở nghĩa cả bản chất lẫn hiện hữu không thể đứng riêng rẽ. Một vật thể cụ thể là như vậy. Nhưng ngôn ngữ cho phép đề xuất một phân biệt ở đây. Triết gia Frege thời cận đại[3] nêu lên vấn đề tương tự khi ông đề cập đến ý nghĩa và tham khảo. Ý nghĩa một chữ đặt ra một câu hỏi, và chữ ấy có hay không liên quan với vật thể nó chỉ định là một câu hỏi khác. Một vật thể hữu hạn hiện hữu và có bản chất là hai ý niệm khu biệt tuy ta không thể tách chúng rời ra. Về Thượng Đế, không có khác biệt khách quan giữa bản chất và hiện hữu. Lý thuyết siêu hình về sự phụ thuộc của những vật thể hữu hạn đưa đến luận chứng thứ năm về sự hiện hữu của Thượng Đế trong Summa Theologica[4]. Hãy bắt đầu từ những sự kiện có rồi qua đi, tất có nghĩa là hiện hữu không cần thiết, lúc có lúc không. Nếu thế, từng có thời gian mà không có gì hiện hữu, vì không có vật thể hữu hạn nào có thể tự cho mình sự hiện hữu. Như vậy, tức ngay lúc này cũng có thể chẳng có gì hiện hữu, một điều khó chấp nhận. Phải có một sự hiện hữu cần thiết của một cái gì đó. Và cái gì đó là điều ta xướng danh là Thượng Đế.

clip_image012

St. Domenic

clip_image014

Francis Assise

Chúng ta cần bình luận thêm trên quan điểm vừa trình bày của Thomas. Đầu tiên, dĩ nhiên, là tiền đề cho rằng hiện hữu của tất cả mọi sự vật là cần minh xác hoặc đáng quan tâm. Đây là điểm trụ cột của Siêu hình học Thomas. Nếu điều này không được chấp thủ như trong quan điểm Aristotle, ta không nói thêm được gì. Giả dụ như ta chấp nhận tiền đề trên thì, tự trong nội trình suy giải, có một luận cứ không vững. Từ phát biểu rằng mọi vật thể hữu hạn có thể trong một thời đoạn nào đó không hiện hữu, ta không thể đi ngay đến kết luận trong mọi thời điểm không có gì hiện hữu.

Thuật ngữ bản chất và hiện hữu của Thomas thật ra đã được Aristotle diễn dịch bằng tiềm năng (potentiality) và thực tại (actuality). Bản chất là tiềm năng, còn hiện hữu là thực tại. Trong những vật thể hữu hạn, hai yếu tố này pha trộn với nhau. Hiện hữu của vật thể là tham gia vào một vận hành nào đó, và sự vận hành phải phát xuất từ một cái gì khác.

clip_image016

Thomas

Minh chứng thứ nhất và thứ nhì lý giải cho sự hiện hữu của Thượng Đế về mặt cơ bản là triết lý Aristotle. Trong Summa, Thomas lý giải động cơ vận hành là bất chuyển, và căn nguyên là vô căn. Nhưng điều này đều phủ nhận phép hồi qui vô hạn áp dụng trên hai quan niệm nói trên. Chính vì thế mà tiền đề bị phá vỡ. Lấy thí dụ, nếu mọi căn nguyên đều đến từ một căn nguyên nào đó, chúng ta không thể tiếp tục suy luận như thế và bảo rằng chung cục sẽ có một căn nguyên mà trước nó không có gì gọi là căn nguyên được. Điều này tự thân là mâu thuẫn. Cũng phải nhấn mạnh rằng Thomas không đề cập đến chu kỳ căn nguyên trong thời gian. Chu kỳ là một thứ tự lớp lang những căn nguyên, cái nọ tùy thuộc cái kia ở một thời điểm và vị trí, không giống như những mắt xích một vòng treo từ cái móc trên trần nhà. Cái trần này có thể là căn nguyên đầu tiên trước nó không có căn nguyên nào khác, bởi nó không móc vào vật chi khác. Nhưng đó không phải là lý do để phủ nhận phép hồi qui vô hạn. Chuỗi số vô tỉ lớn hơn zero và bao gồm số 1 là vô cùng, và không cần có số thứ nhất. Trong trường hợp vận hành, vấn đề hồi qui vô hạn không thể đặt ra. Hai vật thể quay vòng xung quanh chúng như mặt trời và các hành tinh có thể cứ thế vận hành cho đến vô tận.

Minh chứng thứ tư cho sự hiện hữu của Thượng Đế khởi phát từ nhận thức về những mức độ hoàn hảo của những vật thể hữu hạn. Muốn thế, phải giả dụ có một mức độ hoàn hảo nào đấy. Minh chứng thứ năm ghi nhận rằng vật thể vô cơ trong thiên nhiên cũng góp phần trợ giúp trong một thế giới có trật tự. Đây là phương cách bảo rằng, vì những vật thể vô cơ thuộc loại vô năng, có một sự thông tuệ bên ngoài sắp đặt trật tự này cho chúng. Minh chứng này thuộc thể loại thuyết Duy Đích (teleological) giả định rằng trật tự là cần. Không có lý do gì để chấp nhận giả định này, và chúng ta cũng có thể cho rằng sự hỗn mang cũng cần, và luận cứ dựa trên điểm này sẽ đi ngược lại minh chứng thứ năm. Luận cứ bản thể của St. Anselm chúng ta đã đề cập bị Thomas bác bỏ, không phải trên phương diện Lôgíc mà là trên cơ sở thực dụng. Nếu vì trí tuệ hữu hạn nên chúng ta không cách nào nắm bắt được bản chất của Thượng Đế thì sự hiện hữu, là hệ luận của bản chất, không thể nghiệm suy (implication) ra được.

Nếu Thượng Đế theo Tân-Plato cùng hiện hữu với thế giới thì với Thomas, Thượng Đế ở trên chế ngự và tạo ra thế giới. Như vậy, Thượng Đế có mọi phẩm chất tối thượng, thuộc tính của sự hiện hữu của Người. Qua trước tác của Thomas, Aristotle sừng sững trong triết học cho đến thời Phục Hưng. Sau đó, những luận điểm bác bỏ giảng dạy của hai vị này thường là vì thiếu thông tin hoặc thói xử dụng tư biện siêu hình không cơ sở. Nghiên cứu thực chứng chống lại khuynh hướng này được Roger Bacon, học giả dòng tu Franciscain, nêu lên một cách mạnh mẽ.

Bacon là người đồng thời với Thomas, và không có ý chống lại thần học. Mặc dầu đã xây dựng nền tảng trên đó nhiều nghiên cứu sau này xử dụng, ông không muốn giảm thấp quyền năng của Giáo hội trên phương diện tâm linh. Điều này đúng với những tu sĩ dòng Franciscain vào thế kỷ 13 và đầu 14. Tuy thế, phương cách họ tiếp cận vấn đề lòng tin và lý lẽ đã xô nhào tư duy bảo thủ thời Trung Cổ. Theo Thomism, phái dựa vào công trình thần học của Thomas, lý tính và lòng tin có những chồng chéo. Tư tưởng gia dòng Franciscain tìm cách phân biệt hai phạm trù này. Tách như thế, họ mong giải phóng thần học khỏi triết học cổ điển. Đồng thời, triết học cũng cắt đứt được tính công cụ phụng sự cho mục đích thần học.

Kèm vào nghiên cứu triết học, dòng Franciscain cũng quan tâm đến khoa học. Đặc biệt, họ lập lại ảnh hưởng của Tân-Plato trong việc khuyến khích Toán học. Tách bạch nghiên cứu duy lý khỏi phạm trù đức tin đòi hỏi khoa học và triết học ngừng tranh cãi. Tương tự, đức tin cũng không áp đặt giáo điều lên khoa học và triết học. Tranh chấp trong chuyện này khó có thể đi xa hơn. Nếu những người lấy đức tin để áp đặt trên những vấn đề duy lý, hoặc họ phải lui bước, hoặc họ tiếp tục tranh cãi trong những phạm trù họ không có thẩm quyền. Chỉ khi không tham dự vào danh mục những vấn đề biện chứng thì đức tin mới giữ được tính độc lập. Và trong trường hợp này, một người có thể làm công việc nghiên cứu có tính duy lý mà đồng thời có thể giữ được đức tin của mình vào Thượng Đế. Người phái Thomism thật ra tự làm yếu đi vị trí tư duy của mình khi tìm cách minh chứng sự hiện hữu của Thượng Đế, điều họ không mấy thành công. Về mặt đức tin tôn giáo, tiêu chuẩn duy lý là không thể đáp ứng được, và trong trường hợp như thế thì cái chúng ta gọi là linh hồn hoàn toàn tự do gắn kết với bất cứ gì trí tưởng tượng cho phép.


[1] Nestorius là Giáo Chủ ở Constantinople (428-31), người tìm cách giải thích trong Ba ngôi thì ngôi thứ nhì hiện thân thành Jesus Christ, một con người. Vì xung đột với chính thống, ông phải di qua Ba Tư sau đó.

[2] Đây là cuộc chiến với người Cathars và đồng minh vùng Languedoc, chia rẽ quí tộc miền bắc và miền nam nước Pháp. Người miền bắc ủng hộ Thánh chiến một phần vì Giáo hội ra lệnh tịch thu đất của người Cathar và đồng minh.

[3] Friedrich Ludwig Gottlob Frege (1848 – 1925), người Đức, được coi như kẻ sáng lập ngành Lôgic cận đại và cha đẻ của khoa triết học phân tích qua công trình trong ngôn ngữ và toán học.

[4] Tác phẩm viết bởi Thomas Aquina (1225-1274), là trước tác cổ điển trong lịch sử triết học và văn học phương Tây, sách gối đầu cho Thần học Ki-tô giáo tổng hợp những điểm chính trong giáo giảng của Giáo hội.

Comments are closed.