Bertrand Russell
Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ
Triết học thăng hoa
Trong thế kỷ 14, tầm nhìn Trung Cổ bắt đầu chuyển hướng, lực lượng cách tân nổi lên thay đổi cách nhìn thế giới, hiện đại và tân tiến hơn. Về mặt xã hội, cấu trúc phong kiến của xã hội Trung Cổ trở nên bất ổn qua sự bùng phát của một giai cấp thương nhân tạo ra những liên kết với những nhà tư bản không tuân phục trật tự sẵn có. Về phương diện chính trị, giai cấp quí tộc mất khả năng hưu chiến, những chỗ cố thủ chắc chắn của họ bị những khí giới mới sáng tạo đe dọa. Nếu cuốc và xẻng của nông dân không thể phá đổ tường lũy những thành trì kiên cố thì thuốc súng có khả năng đánh sập chúng. Có 4 phong trào đánh dấu những giai đoạn chuyển tiếp từ sự tàn lụn của hệ thống Trung Cổ đến bước nhẩy vọt ngoạn mục của Âu Châu ở thế kỷ 17.
Trước tiên, là công cuộc Phục Hưng của Ý ở thế kỷ 15 và 16. Mặc dù Dante còn chìm sâu trong thế cách tư duy Trung Cổ, ông đã dùng ngôn ngữ thông tục khiến văn bản trở nên phổ biến cho những người không biết tiếng Latinh. Tuy thế, có những kẻ vẫn quay về lối mòn xưa cũ như Boccaccio và Petrach. Thứ hai, mặc dù quan tâm văn hoá của những người thời trước để dấu vết trong nghệ thuật và khoa học, những chỉ dấu nứt rạn với truyền thống, chủ yếu là truyền thống tăng lữ thời Trung Cổ, cũng đã xuất hiện. Trong khi sân khấu Trung Cổ thường đưa ra những vấn đề liên quan đến Thượng Đế, những tư tưởng gia thời Phục Hưng chú trọng đến những gì gắn bó với Con Người. Từ khởi điểm đó, nền văn hóa mới mang mầu sắc Nhân Bản, gây những ảnh hưởng sâu rộng và quan trọng. Trong khi những thay đổi thời Phục Hưng tác động lên mọi khía cạnh của đời sống, phong trào Nhân Bản là một trọng điểm của những triết gia và học giả. Ở Ý, Phục Hưng không gắn kết với sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc. Đất nước Ý khi đó phân thành từng vùng nhỏ dưới sự quản lý của những Thành quốc, hoặc đơn giản là vô chính phủ. Ý nằm dưới sự chủ quản của triều đại Habsburg ở Áo và Tây Ban Nha, và chỉ thành một quốc gia độc lập vào giữa thế kỷ 19. Phong trào Phục Hưng tạo ảnh hưởng, chuyển hướng về phương bắc qua Đức, Pháp, và những quốc gia phía dưới. Tính cách Nhân Bản của những vùng này rộ nở độ chừng một thế kỷ sau những bước khởi đầu ở Ý.
Phong trào Nhân Bản cùng thời với Cải Cách Luther, động cơ thứ ba thay đổi thế giới Trung Cổ. Một số đề xuất cải cách đã được Giáo Hội ghi nhận trước đó. Những tư tưởng gia Nhân Bản đã phê phán những sai trái của cách quản trị Giáo hội, nhưng chẳng làm gì được những vị Giáo hoàng rất khát vàng và đầy quyền lực. Khi phong trào Cải Cách khởi động, Rome kết tội và phản kháng dữ dội. Lẽ ra là phải tiếp thu trong khuôn khổ Giáo Hội, những phong trào này bị cô lập và buộc phải triển khai thành những Giáo Hội Tin Lành. Cuối cùng, Giáo Hội cũng bó tay, phải tiến hành cải cách, nhưng đã quá muộn để hàn gắn cuộc ly giáo, và Ki-tô ở phương Tây bị phân rẽ từ đó. Tôn giáo Cải Cách nợ phong trào Nhân Bản khái niệm tăng lữ phổ cập. Mọi người đều trực tiếp liên hệ với Thượng Đế, và Chúa Ki-tô không cần những giáo chức thừa sai đại diện cho mình làm trung gian.
Phong trào thứ tư có ảnh hưởng là sự phục hồi những khảo cứu thực nghiệm được khởi xuất từ cách nhìn phê phán của Occam. Hai thế kỷ sau đó, nhiều tiến bộ trong địa hạt khoa học được hình thành. Một tái khám phá quan trọng là hệ thống nhật tâm theo Copernicus. Tường trình về chuyện này in ra năm 1543. Sau đó, từ thế kỷ 17, Vật lý và Toán học tiến vượt bực và làm nền tảng cho những thành tựu kỹ thuật cho phép phương Tây giữ vai trò thống trị. Truyền thống khoa học không chỉ mang lại những tiện lợi vật chất, nó còn khuyến khích cách tư duy độc lập của con người. Và khi văn minh châu Âu lan tỏa, lý tưởng chính trị như hệ quả cũng song hành với những phát triển khác.
Triển vọng từ sự phát triển của nghiên cứu khoa học là cách nhìn của văn hoá Hy Lạp. Làm khoa học, theo thế cách “cứu vãn hiện tượng”, tạo cơ sở cho tri thức tương ứng với cái bề mặt quan sát được của sự vật. Quyền năng của thế cách này khác hẳn tính giáo điều mà Giáo Hội thời Trung Cổ áp đặt lên con người. Dĩ nhiên, một hệ thống với cấp bậc tôn ti cần một tiếng nói thống nhất trên những vấn đề có nhiều cách nghĩ khác nhau. Tiếng nói duy nhất là chỉ dấu của sự thượng tôn, nhưng tại sao là thế thì chưa bao giờ có một giải thích nào. Rất có thể những kẻ ủng hộ tiếng nói duy nhất trên vì chúng tránh không đưa con người vào hoài nghi. Nhưng chẳng thể vì lý do này mà quan điểm của họ đúng đắn, hệt như một đề xuất không gần sự thật hơn khi nó được lớn tiếng rao giảng. Đúng sai trong suy luận phải tuân thủ những tiêu chí Duy Lý, hay dùng ngôn ngữ của Socrates, phải biện chứng.
Thành công ngoạn mục của khoa học và những áp dụng kỹ thuật cũng tạo ra một số hiểm nguy. Chẳng hạn, nhiều người nghĩ rằng nếu cứ cố gắng và đi đúng đường thì chẳng có chi là không đạt đến mọi thành tựu. Tiến bộ vượt bực của kỹ thuật tùy thuộc sự hợp tác và cấu kết của nhiều bộ óc, nhiều bàn tay, nhưng những kẻ sáng tạo thường mang ảo tưởng rằng khả năng của mình là vô hạn. Công trình trong kỹ thuật gộp lại nhiều cố gắng, và tất nhiên chúng phải phục vụ con người. Chuyện này, người ta có thể quên mất. Vì vậy, thế giới chúng ta vẫn đứng trước hiểm họa sa đà vượt khỏi những giới hạn cần thiết.
Trong triết học, trọng tâm đặt trên con người đi ngược hẳn lại với loại tư biện đã tạo cơ sở cho những triết thuyết về quyền năng (philosophies of power). Trở thành kẻ phê phán chính những khả năng của mình, điều chi con người cũng có thể đặt thành vấn đề, ngoại trừ một số kinh nghiệm trung gian. Thái độ chủ quan này có thể dẫn đến những sự bi quan quá đáng, và trong nhiều trường hợp, chúng bị cường điệu đến mức người đời tổng quát hóa chúng và quên mất những thuộc tính cá biệt. Dĩ nhiên, một giải pháp trung dung nào đó giữa những thái cực vừa đề cập đáng cân nhắc, truy tìm.
Thời gian trung chuyển chúng ta đang lược qua được đánh dấu bởi hai triển khai quan trọng. Đầu tiên, đó là phát minh sử dụng những con chữ thay đổi được trong kỹ thuật in ấn. Điều này phát xuất từ thế kỷ 15 ở phương Tây. Người Trung Quốc đã dùng kỹ thuật này 5 trăm năm trước, nhưng Âu Châu không biết. Nhờ in ấn có tính đại trà, tư tưởng tân tiến được phổ biến rộng rãi, và chính thế mà quyền năng thủ cựu mất dần chỗ đứng. Với Thánh Kinh, viết lại bằng ngôn ngữ thông tục và được quảng bá rộng, Giáo Hội không thể mãi là kẻ gác cổng cho niềm tin. Với những kiến thức thông tục cũng vậy, in ấn phổ biến khiến con đường thế tục rộng mở. Chẳng chỉ những tư tưởng chính trị tân tiến xuất hiện, mà sách vở về tư duy của thời xưa cũng phổ biến. Nghiên cứu về những truyền thống cổ điển vì thế được phục hồi, có tác động nâng cấp nền giáo dục đại chúng một cách đáng kể.
Có lẽ không thừa khi ta nhắc rằng phát kiến in ấn sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp gì nếu nó không ở trong một môi trường cho phép con người tự do thảo luận. Thật cũng như giả, đều in ra được. Nhưng thật chẳng có giá trị gì khi người đọc chấp nhận cái mình tiếp cận mà không chất vấn nó là chi. Chỉ với tinh thần tự do và phê phán, con người mới có khả năng đào sâu tri thức trong bối cảnh thu luợm được thông tin qua sách vở in ấn. Không có tinh thần này, tốt hơn là ta mù chữ. Trong thời đại hiện nay, vấn đề vừa nêu bức xúc hơn nhiều bởi có những phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến và tiện lợi hơn cả kỹ nghệ in ấn. Kỹ thuật số, truyền hình… khiến chúng ta buộc phải tăng mức độ cảnh giác, bởi nếu không thì sự tự do chúng ta có rồi sẽ một ngày lâm vào tình trạng suy vong.
Với một khối lượng thông tin lớn, con người bắt đầu có những nhận định đúng đắn hơn về trái đất nơi mình cư ngụ. Điều này được thực hiện qua những hành trình thám hiểm đã cho phép phương Tây mở tầm nhìn và tầm hoạt động. Những kết quả gặt hái chỉ có thể có với những tiến bộ kỹ thuật trong ngành hàng hải, kỹ thuật đóng tàu, và sự quan tâm về thiên văn học đã có từ trước. Cho đến thế kỷ 15, tàu thuyền không mạo hiểm đi xa bờ Đại Tây dương, một phần vì không có lý do thúc đẩy, nhưng nhất là vì không thiết lập được bản đồ những mốc bờ để hướng dẫn thủy thủ. Đắc thủ cách xử dụng la bàn cho phép những người thám hiểm vượt đại dương tìm thêm nhiều đường biển và nhất là những lục địa mới.
Đối với một người sống thời Trung Cổ, thế giới ở thể tĩnh, hữu hạn, được xếp đặt theo một trật tự rõ rệt. Mọi chuyện trên trái đất có phận sự của nó, tinh tú xoay trên quĩ đạo vạch sẵn, và con người sống ở nơi chôn nhau cắt rốn. Bức họa này thay đổi khá quyết liệt vào thời Phục Hưng. Sự thay đổi đến từ hai lực đối nghịch. Một mặt, là sự tự tin về quyền lực và khả năng của con người nay như trung tâm điểm; nhưng mặt khác, vị trí của con người trong vũ trụ lại suy giảm khi những ta tưởng tượng ra sự vô cùng của không gian. Cách thế này được Giám Mục người Đức Nicolas Casanus (1401-1664) phác họa, đến thế kỷ sau thì được đồng hoá vào hệ thống nhật tâm Copernicus. Tương tự, ta ghi nhận sự phục hồi những quan điểm của Pythagoras và Plato cho rằng thế giới được xây dựng theo những mẫu hình Toán học. Tư duy tư biện vừa nói đi ngược lại với trật tự cũ, và chống lại truyền thống chính danh của Giáo Hội cũng như quyền lực thế tục. Giáo Hội tìm cách giới hạn sự lây lan của dị giáo, nhưng không mấy thành công. Chúng ta nhớ rằng vào 1600, Toà án Dị giáo đã kết tội và thiêu sống Giordano Bruno . Và rất nhiều lần, vì sợ đối kháng, những nhà lãnh đạo trong những dòng tu đã tuyên án những kẻ dám nghĩ khác với rao giảng chính thống. Nhưng đấy chỉ chứng tỏ rằng vị trí của Giáo Hội có suy yếu. Còn về mặt chính trị trong địa hạt thế quyền, quan niệm mới về quyền lực được quảng bá khiến truyền thống cha truyền con nối ngày một bị giới hạn.
Những rạn nứt do phong trào Cải Cách gây ra không phải lúc nào cũng được triển khai một cách tích cực. Người ta có thể nghĩ rằng với nhiều tôn giáo tất một đấng Thượng Đế có thể được tôn kính thờ phụng nhiều cách khác nhau. Đây là đề xuất của Cusanus trước thời Cải Cách, nhưng ngay cả cái kết luận hiển nhiên này cũng không được chấp nhận. Thời Phục Hưng không phải là sự bừng tỉnh bất ngờ của tri thức cổ điển say ngủ. Ngay ở thời Trung Cổ trước đó, vẫn có những nét truyền thống xưa cũ, và lịch sử thường không rạch ròi theo những phân kỳ niên biểu ta vạch ra. Nhưng những đường vạch này, nếu chu đáo cẩn thận, có thể có ích. Nếu như nói vể thời Phục Hưng ở Ý, dĩ nhiên là thời này có những khác biệt hiển nhiên với thời Trung Cổ đã qua và thời hiện đại đến sau đó. Rõ như ban ngày là sự khác biệt giữa văn học do phái Kinh Viện trước tác và văn học qua ngôn ngữ thông tục bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 14. Nền văn học thông tục trong cuộc phục hưng đi trước phong trào Nhân Bản, đa phần dựa trên tri thức cổ điển và quay lại phổ biến những trước tác bằng chữ Latinh. Nhưng văn học bằng ngôn ngữ thông tục đã xuất hiện, dĩ nhiên hấp dẫn, và đến tay đại chúng nhiều hơn thể loại kia.
Trong nhiều địa hạt, những giới hạn của thời Trung Cổ nay bị phá đổ. Những nguồn hứng cảm đổi mới nằm ngay trong những quan tâm thế tục, và sau đó là một cách nhìn lý tưởng về quá khứ. Khái niệm cổ xưa được triển khai thời ấy có ít nhiều khúc xạ bởi sự hưng phấn của những thế hệ tìm lại được sự liên tục với chính lịch sử của mình. Cách nhìn có phần lãng mạn này tồn tại cho đến thế kỷ 19. Ngẫm lại chuyện xưa, chúng ta ngày nay tất nhiên có nhiều thông tin và hiểu biết trên vấn đề này hơn là những nghệ sĩ và văn gia thời Phục Hưng.
Ở Ý là nơi văn minh cổ còn nhiều biểu tượng quá khứ, phong trào Phục Hưng tạo cơ sở rộng và sâu hơn những địa bàn phía bắc rặng Alps. Về mặt chính trị, xứ này chia ra giống như xứ cổ Hy Lạp. Ở miền bắc, có nhiều thành quốc; trung tâm là nơi Giáo hoàng thống trị; và phía nam là hai vương quốc Naples và Sicily. Những thành phố phương bắc như Milan, Venices và Florence rất hùng mạnh. Tranh chấp bè phái luôn luôn có trong một thành phố, và giữa những thành phố với nhau. Nhưng trong lúc những tranh chấp cá biệt và thù hằn được giải quyết bằng bạo lực, nước Ý như một quốc gia lại không phải chịu những tổn thất đáng kể. Lớp quí tộc trong những thành phố dùng đám đánh thuê, nhưng đây là những người lính chuyên nghiệp và họ chẳng dại gì mà hy sinh mạng sống. Tình trạng tương đối thoải mái này khác hẳn đi khi Ý trở thành chiến trường giữa vua nước Pháp và Đại đế Roman. Chia rẽ, nước Ý không thể nào chống được ngoại xâm, và buộc phải chịu sự thống trị của ngoại bang. Trong cuộc chiến tranh này, cuối cùng Đế quyền Habsburg thắng. Naples và Sicily vẫn nằm dưới quyền Tây Ban Nha, trong đó uy quyền Giáo hội tương đối tự chủ và khá độc lập. Milan, là chỗ dựa của người Guelf , trở thành lệ thuộc triều Habsburs-Tây Ban Nha vào 1533. Người thành quốc Venices có một vị trí đặc biệt, một phần vì họ chưa bao giờ thất trận trước đe dọa xâm lăng của rợ, một phần vì họ có liên hệ với Byzantine. Họ từng làm giầu trong Thánh chiến, và sau khi chiến thắng người Genoese, họ kiểm soát toàn bộ giao thương trong vùng Địa Trung hải. Khi Constantinople rơi vào tay người Thổ năm 1453, Venice bắt đầu đi xuống, và cứ thế thoái hóa với sự khám phá ra con đường từ Cape đến Ấn Độ, mở Âu châu ra đến Tân thế giới.
Thành trì quan trọng trong phong trào Phục Hưng là Florence. Chẳng có một nơi nào ngoại trừ Athens đã tập hợp nghệ sĩ và tư tưởng gia như thành phố này. Chỉ kể Dante, Michelangelo, và Leonardo trong số rất nhiều người khác, họ đều xuất thân ở Florence, và sau này, lại có thêm cả Galileo. Nội loạn ở Florence dẫn đến sự tiếm quyền của gia tộc Medicis khiến Dante phải lưu vong tị nạn. Từ 1400 trở đi, và không kể dăm giai đoạn ngắn, gia đình thương gia này đã nắm quyền trong toàn bộ thành phố liền ba thế kỷ.
Đối với Giáo hội, Phục Hưng có hai tác động. Một mặt, Giáo hoàng tiếp thu những điểm tích cực, thúc đẩy một số công việc theo trào lưu Nhân Bản, và từ đó xác định thế đứng lãnh đạo trong nghệ thuật. Ki-tô giáo là thần quyền chính thức từ thời Constantine, nhưng Giáo hoàng Nicolas V ( 1447-1455) lại khâm phục Lorenzo Valla, người đã vạch ra nhiều giả tạo và đặt những câu hỏi liên quan đến sự vụ bíến Ki-tô thành quốc giáo, khiến Giáo hội gặp nhiều chồng chéo nghịch lý rất khó biện giải. Mặt khác, sự nới lỏng những tiêu chuẩn trong phạm trù niềm tin có tác động tăng trọng tâm của thế quyền và làm giảm thiểu ảnh hưởng tâm linh của Giáo hội. Đời sống cá nhân của những kẻ như Alexander VI ( 1492-1503) chẳng có gì đáng gọi là lòng vị tha mà Ki-tô hữu chờ đợi từ một người xưng là đại diện Thượng Đế trên trái đất. Sau đó, những Giáo hoàng ở thế kỷ 16 áp bức, truy lùng tiền bạc, thậm chí ăn cướp, và như hệ quả, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào Cải Cách vùng dậy.
Trên phương diện Triết học, thời Phục Hưng ở Ý không có những công trình kiệt xuất. Đây là giai đoạn khôi phục học thuật đầu nguồn, không phải là thời có những sáng tạo tư duy đặc biệt. Nghiên cứu học thuyết Plato quay lại như cơ sở tranh biện với trường phái Aristotle. Dưới thời Cosimo dei Medici đầu thế kỷ 15, Academy Florence ủng hộ triết thuyết Plato, đi ngược lại với những đại học thời đó. Nói chung, những cố gắng trong phong trào Nhân Bản đã lót nền cho những triển khai triết học sau này trong thế kỷ 17.
Dẫu khai phóng con người khỏi những giáo điều của Giáo Hội, thời Phục Hưng vẫn chưa cứu họ thoát những dị đoan mê tín cố hữu. Thuật chiêm tinh, ngành Giáo Hội luôn luôn bài bác, trở nên thịnh hành chẳng chỉ trong giới bình dân mà còn cả với những người có học. Về ma thuật và phù thủy, người đời cũng tin, thiêu sống hàng trăm những kẻ vô hại bị xếp vào loài phù thủy. Chuyện săn phù thủy không phải thời nay không có, nhưng thiêu sống hẳn chẳng còn, may thay. Song song với sự bài thải những giáo điều Trung Cổ là sự bất tuân những điều luật đạo lý trong ứng xử của con người. Đây là một trong những lý do khiến Ý không thể có đồng thuận xã hội để chống chỏi được nguy cơ ngoại bang phương bắc. Thời gian đó là thời đầy mưu đồ xảo trá với lối hành xử hai mặt, vậy mà không phải vậy. Nghệ thuật thủ thắng được khai phá ở mức độ vượt trội mọi tưởng tượng. Trong không khí không ai tin được ai như vậy, không thể có được một sự hợp tác nào trên phương diện chính trị.
Trong địa hạt triết lý, thời Phục Hưng ở Ý đã sản sinh ra một khuôn mặt chói lọi. Nicolo Machiavelli (1469-1527) là con một luật sư thành Florence. Sự nghiệp chính trị của ông khởi từ 1494, thời gian gia đình Medici bị đẩy khỏi thành phố. Dưới ảnh hưởng của Savanarola, một nhà cải cách dòng Dominican, người ta chống lại tham nhũng và những thói hư tật xấu. Với những cố gắng đáng kể, vị này lọt vào sổ đen của Giáo hoàng Alexander VI và bị thiêu sống năm 1494. Sự cố này gây suy nghĩ trên bản chất của quyền lực và sự thành công trong chính trị. Với tấm gương Savanarola, Machiavelli viết toạc ra rằng một nhà tiên tri không khí giới chỉ có thể thất bại. Trong thời gian Medici lưu vong, Florence thành một nền cộng hòa và Machiavelli làm công chức cho đến khi Medici quay trở lại nắm quyền lực vào 1512, không theo vị này và buộc phải từ chức. Từ đó, ông bỏ thời gian vào những trước tác trên những vấn đề triết lý chính trị và những điều liên quan. Một cố gắng hòng lấy lại cảm tình của Medici là ông dâng tặng cuốn “Hoàng tử” cho Lorenzo II năm 1513, nhưng không thành công. Ông mất năm 1527, năm những đoàn quân đánh thuê của Đại đế Charles V vào đốt phá Rome.
Niccolò Machiavelli
Hai trước tác kiệt xuất của Machiavelli là “Hoàng tử” (The Prince) và “Diễn ngôn” (Discourse). Trước tác đầu nghiên cứu làm sao chiếm đoạt một nền chuyên chế và giữ vững nó, trong khi trước tác sau là một phân tích tính cách đại cương của quyền lực và sự áp dụng nó dưới nhiều hình thể luật lệ. Trong “Hoàng tử”, Machiavelli không quan tâm đến khuyên răn ai đó làm sao trở nên kẻ quyền thế có đạo hạnh. Ngược lại, cuốn sách nêu ra những cách hành xử thực dụng và ma giáo nhưng dẫn đến sự tiếm quyền chính trị. Cách gọi chính trị “kiểu Machiavellic” thành đồng nghĩa với những gì xấu xa và không đúng phép tắc. Để công bằng, phải nói Machiavelli không ca tụng sự tinh quái như một nguyên tắc. Đề xuất của ông nằm ngoài chuyện tốt xấu, giống như những nhà nghiên cứu nguyên tử học sau này . Nếu ai đó muốn chiếm quyền lực, Machiavelli nhận xét, anh ta phải nhẫn tâm. Điều này xấu hay tốt là một vấn đề khác, và không là điều ông thảo luận. Có thể chúng ta thấy đó là một lỗi lầm, nhưng thế chưa đủ lý do để kết tội ông vì ông đã tìm hiểu quyền lực chính trị như nó hiện hữu. Ít hay nhiều, những điều ông liệt kê trong trước tác “Hoàng tử” chỉ là những hành xử thực dụng đã nhiều người biết trong thời Phục Hưng ở Ý.
Thời gian phục vụ nền cộng hòa thành Florence, Machiavelli là nhân viên ngoại giao đoàn nên ông biết khá nhiều những mưu đồ trái khoáy trong nhiều nền chính trị châu Âu thời ấy. Trong công vụ, Machiavelli biết Caesar Borgia, con Alexander VI, cũng vô lại chẳng kém gì cha. Khôn ranh và liều lĩnh, tay này hoạch định chỗ đứng của mình khi cha chết đi. Anh ruột là vật cản, Caesar loại ngay tức thì. Về mặt quân sự, hắn giúp cha mở mang ảnh hưởng Giáo hội nhưng có tham vọng giữ đất cho riêng mình sau này. Về chuyện kế thừa Giáo hoàng, hắn sắp xếp làm sao để một người thân tín chiếm địa vị này. Caesar tinh ranh uyển chuyển, rất ngoại giao khi đeo đuổi mục đích, khi giả làm bạn, khi trở thành kẻ thù chí tử. Nạn nhân của những sự vụ ngoắt nghéo này dĩ nhiên không được tham khảo gì, nhưng từ vị thế không còn ràng buộc sau này, họ đều có vẻ khâm phục tiểu xảo của Caesar. Đó là tâm thế thời đó. Nhưng cuối cùng, Caesar bị bệnh vào thời gian cha chết năm 1503, mọi hoạch định đều bất thành. Người thừa kế ngai Giáo hoàng là Julius II, kẻ thù không đội trời chung với gia đình Borgia.
Machiavelli ca ngợi Caesar vì tay này đeo đuổi mục đích rất khéo léo và hữu hiệu. Trong “Hoàng tử”, ông đưa ra Caesar như một mẫu hình của kẻ mang tham vọng tiếm chiếm quyền lực. Cách hành xử lươn lẹo có vẻ được ông chấp nhận, nhưng đây là tiêu chuẩn chung thời ấy. Từ thế kỷ 17 cho đến 19, những phương pháp ma giáo không còn được chấp nhận, hay ít ra là không được vinh danh chốn công cộng. Đến thế kỷ 20, lại có những nhà chính trị rập khuôn mẫu hình Machiavelli viết lại.
Hình ảnh Caesar Borgia
Từ 1513 đến 1521, ngôi Giáo hoàng về tay Leo X, một thành viên của gia đình Medici. Machiavelli vốn muốn hòa giải với gia đình này nên trong “Hoàng tử” ông tránh nói về quyền năng của Giáo hoàng. Trong “Diễn ngôn”, ta thấy ông có một cách nhìn phê phán hơn về vấn đề này với cơ sở dựa trên những khái niệm đạo đức. Machiavelli sắp xếp nhiều loại người nắm quyền lực, từ người sáng lập một tôn giáo cho đến những bạo chúa, theo giá trị và công trạng. Vai trò của tôn giáo được nhìn dưới góc độ thực dụng. Đúng sai và hư thực trong tôn giáo không đặt thành vấn đề, nếu như nhà nước qua tôn giáo thực hiện được một cấu kết xã hội. Thế cách này, dĩ nhiên, rất dễ bị kết tội dị giáo. Đối với Giáo Hội, có thể hài tội trên hai điểm. Thứ nhất, đời sống xấu xa của nhiều Giáo chức đã làm mất lòng tin của giới bình dân, và thứ nhì, những quan tâm chính trị trong đời thường đã là những cản trở để xây dựng một nước Ý thống nhất. Chúng ta cũng ghi nhận rằng không nhất thiết là có những Giáo hoàng đã hành xử khôn khéo để đạt mục tiêu chính trị của mình. Trước tác “Hoàng tử” không quan tâm đến những mục tiêu đó, nhưng “Diễn ngôn” đôi khi có khác. Đối với tiêu chuẩn đạo lý, “Hoàng tử” nêu rõ rằng người cầm quyền không bị hạn chế ràng buộc gì và có thể lơ đi hay phá bỏ, trừ khi đạo lý trở thành một loại thủ đoạn mà thực tế đòi hỏi. Nhưng người cầm quyền đồng thời cũng phải được đồng loại nhìn như một kẻ có nguyên tắc đạo hạnh. Có cái trò hai mang đa diện này, người cầm quyền mới giữ được quyền.
Trong trước tác “Diễn ngôn”, Machiavelli trình bày lý thuyết về kiểm sát và cân bằng (checks and balances). Trật tự xã hội phải dựa trên hiến pháp (constitutional power), từ cơ sở đó thành viên của xã hội mới thực hiện được sự kiểm tra lẫn nhau. Lý thuyết này là nền tảng trong tác phẩm “Politicus” của Plato, trở thành quan trọng với Locke vào thế kỷ 17, và với Montesquieu vào thế kỷ 18. Như vậy, Machiavelli đã là người ảnh hưởng đến triết lý chính trị tự do của những triết gia thời hiện đại; mặt khác, và khá oái oăm, ông cũng tiếp sức cho những chính trị gia chuyên quyền độc đoán hôm nay. Nguyên tắc hành xử hai mang đa diện trên chính trường phổ biến rộng, mặc dầu nó có những giới hạn mà Machiavelli không đề cập đến.