Minh triết phương Tây (kỳ 23)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Khai minh và Lãng mạn (tiếp theo)

Arthur Schopenhauer (1788-1860) là con của một thương gia người Danzig[1], rất ngưỡng mộ Voltaire và khâm phục Anh quốc. Khi thành phố Danzig bị người Phổ chiếm đóng, gia đình ông chuyển về Hamburg. Năm 1797, ông sang Paris, và chỉ sau hai năm ông gần như quên hết tiếng mẹ đẻ. Năm 1797, ông đến Anh và đi học trong 6 tháng, thời gian đủ để ông học Anh ngữ. Về Hamburg, ông giành một nửa thời gian làm kinh doanh, nhưng bỏ sau khi cha ông mất. Mẹ ông rời về Weimar, ở đó bà là chủ một Câu lạc bộ văn nghệ mà nhiều thi sĩ và văn gia tham dự. Và bà, bà trở thành một tiểu thuyết gia. Nhưng con bà, tính cách vốn khép kín, không mấy chia xẻ cách sống độc lập của mẹ. Vào tuổi 21, Schopenhauer thừa hưởng một gia tài nhỏ, sau đó hai mẹ con dần dần trở nên xa lạ.

clip_image002

Schopenhauer

Điều kiện cho phép, Schopenhauer học đại học, bắt đầu ở Gottingen năm 1809 và làm quen với Triết học Kant. Năm 1811, ông đi Berlin, chủ yếu học khoa học. Dẫu có theo học với Fichte, ông không bị ảnh hưởng. Khi học xong hai năm sau, chiến tranh giải phóng (chống Napoleon) nổ ra nhưng chẳng làm ông quan tâm nhiều. Năm sau đó, ông gặp Goethe ở Weimar, và bắt đầu học Huyền bí học Ấn Độ. Năm 1819, ông bắt đầu giảng dạy tại đại học Berlin. Tin rằng mình là thiên tài, ông thấy không luơng thiện khi dấu kín khả năng của mình mà người đời chưa biết. Sắp đặt để dạy cùng một giờ với Hegel, và khi không quyến dụ được sinh viên, Schopenhauer từ nhiệm bỏ đi Franfurt và sống đến cuối đời. Như một con người, ông tự phụ, chua như dấm và hão huyền. Danh tiếng ông đạt được chỉ đến ít năm trước khi ông chết.

Triết lý của Schopenhauer thành hình khi ông còn rất trẻ. Trước tác “Thế giới như Ước vọng và Ý thể” in năm 1818 khi tác giả vừa ba mươi tuổi, nhưng bị quên lãng. Nó là một sửa đổi triết lý của Kant, tuy giữ nguyên khái niệm noumena, tức ‘sự vật như chúng là’. Khác Kant, Schopenhauer gắn sự vật vào dục vọng[2] (will). Thế giới với Kant là thế giới những hiện tượng. Điều tạo ra hiện tượng tuy nhiên không phải là những noumena không nhận thức được mà là noumena thuộc dục vọng theo Schopenhauer. Đây là luận điểm rất gần với Kant, vì vị này coi dục vọng cũng thuộc vào noumena. Nếu ta thể hiện dục vọng di chuyển, trong thế giới hiện tượng sẽ có chuyển động của thân thể ta. Schopenhauer coi thân thể như sự hiển hiện của một thực tại nằm trong phạm trù dục vọng. Và ở điểm này, không có tương quan nhân quả giữa moumena và hiện tượng. Thế giới của noumema ở ngoài không gian, thời gian và thế giới những phạm trù khác. Dục vọng cũng vậy, phi không, thời gian nên tất là Một. Nếu ta có thực, nghĩa là nhận thức được dục vọng của ta là khác biệt và phân tách ra được thì đó chỉ là ảo tượng. Dục vọng thực của ta phải mang tính phổ quát.

Schopenhauer coi dục vọng là cái Tà (evil), lý do khiến đau khổ song hành với đời con người[3]. Ngoài ra, cũng như Hegel, ông cho rằng tri thức không là nguồn chảy của tự do, nhưng là gốc cội của khổ ải. Thay vào sự lạc quan của Triết học Duy lý, Schopenhauer có cái nhìn khá ảm đạm về hạnh phúc nhân sinh. Chuyện sinh lý cũng thế, sinh đẻ chỉ tạo ra thêm nạn nhân. Với cách nhìn đó, ông ghê sợ đàn bà, cho rằng họ ‘tự do’ hơn đàn ông.

Không có lý do nào để gắn liền Nhận thức luận của Kant vào cách nhìn tiêu cực của sự thế. Vì tính cách riêng mình, Schopenhauer không thể hạnh phúc nên ông dễ dàng tuyên bố rằng hạnh phúc là điều không thể đạt được. Cuối đời, khi ông có danh và có tí tiền, thình lình ông trở nên vui vẻ hơn, hành xử khác với lý thuyết ông cao rao. Nói như vậy, không phải để bảo rằng sự tin tưởng quá mức vào cái Thiện của trường phái Duy Lý là luôn đúng. Ngược lại bác bỏ cái Tà như Spinoza quan niệm, Schopenhauer đi đến thái cực đối nghịch để chẳng thấy bất cứ cái gì có thể tốt đẹp trong mọi sự.

Cách giải thoát khỏi tình trạng đau khổ trong nhân sinh, theo Schopenhauer, là kiểu theo Phật giáo. Gây phiền lụy chính là cái ta ước muốn, gọi là dục vọng. Diệt dục cho phép ta rũ bỏ hết để đạt Niết Bàn, hay hư vô (nothingness). Bị hôn mê, chúng ta nhìn mọi sự qua màn che vô minh, và chúng thật là những ảo ảnh. Ta có thể nhận biết thế giới như Một, và với tri thức, chiến thắng dục vọng. Nhưng nhận thức này không đưa ta đến sự hiệp thông với Thượng Đế, như trong thế giới phiếm thần của Spinoza hay trong thế giới huyền bí của Eckhart [4]. Ngược lại, nhìn vào tổng thể và cảm thông nỗi niềm đau khổ của nhân sinh cho phép ta đào thoát vào hư vô.

Phản bác học thuyết Duy lý của trường phái Hegel, Shopenhauer xưng tụng sự quan trọng của dục vọng, cách thế sau này được triết gia với nhiều quan điểm tách biệt cùng thừa nhận. Ta thấy điều đó ở Nietzche và những triết gia phái Thực dụng. Hiện Sinh cũng thế, mang dục vọng ra đối lập với lý tính. Về tính huyền bí của quan điểm Schopenhauer, ít người theo và nó đứng bên lề dòng chính của Triết học.

Khi triết lý của Schopenhauer tìm cách trốn khỏi thế giới với những xung đột thì Nietzche (1844-1900) đi con đường ngược lại. Không dễ tóm gọn tư tưởng vị này. Ông không phải là triết gia ở nghĩa bình thường và chẳng để lại gì một cách có hệ thống. Trong nghĩa đen, ta có thể định hình ông như một nhà quí tộc nhân bản. Điều ông cố biểu tỏ là sự thượng tôn con người về cả vật chất lẫn tinh thần. Cách thế của ông vì thế rất vô cảm trước sự nghèo khổ, khác với đạo đức thông tục, dẫu không phải lúc nào cũng là thế trong đời sống thực. Nhấn mạnh đến những điểm này, nhiều người cho rằng Nietzche là nhà tiên tri của những nền chính trị bạo ngược[5] trong thời đại chúng ta. Rất có thể những bạo chúa lạm dụng lời Nietzche, nhưng không vì thế mà ta buộc ông phải mang trách nhiệm của những kẻ nói cho cùng chỉ hiểu ông một cách hời hợt. Nietzche hẳn sẽ chống những nền chính trị bạo hành trong quốc gia ông, nếu ông sống để mà có thể chứng kiến chúng sau này.

clip_image004 Nietzche

Cha của Nietzche là một mục sư Tin Lành. Gia đình ông có truyền thống đạo đức về nhân ái và chính trực, điều luôn ẩn trong công trình của ông ngay cả khi ông nổi loạn. Từ trẻ, ông đã chứng tỏ là một học giả lỗi lạc, và ở tuổi 24, ông trở thành Giáo sư về Ngữ văn ở đại học Basle. Một năm sau, cuộc chiến Pháp-Phổ bắt đâu. Vì Nietzche thành công dân Thụy Sĩ, ông buộc phải phục vụ trong quân y. Bị bệnh lỵ, ông giải ngũ và trở lại Basle. Ông không được khoẻ, và không bao giờ phục hồi được sự suy yếu thời ông trong quân ngũ. Vào 1979, ông về hưu, có lợi tức cho phép ông sống thoải mái. Mười năm sau đó ông sống ở Thụy Sĩ và Ý, làm công việc văn chương, sống rất cô đơn và chẳng ai biết đến. Năm 1889, bệnh hoa liễu ông mắc phải thời sinh viên tái phát, ông hóa rồ và ở trạng thái này cho đến lúc chết.

Công trình của Nietzche được gợi hứng từ Lý tưởng tiền-Socrates, đặc biệt là dân Sparta. Trong “Sự khai sinh của Bi kịch” (The Birth of Tragedy) năm 1872, ông trình bày sự khác biệt giữa hai nguồn Apollo và Dyonisos trong tâm hồn Hy Lạp. Kẻ đam mê tăm tối với cách thế Dyonisos gắn bó với sự nhận biết bi kịch trong hiện hữu con người. Apollo, là á thần, đại diện cho cách nhìn trong sáng cần để đối chọi với sự không có gì vui của đời sống nhân thế. Bi kịch Hy Lạp, có thể nóí, là sự thăng hoa lòng khao khát của Dyonisos. Điều này, như ta từng nói qua, cũng là cách nhìn của Aristotle.

Từ giải trình trên về nguồn gốc bi kịch, Nietzche đưa ra khái niệm siêu nhân anh hùng. Khác Aristotle, ông coi thảm kịch không như sự tẩy rửa của cảm xúc mà là cách tiếp nhận tích cực đời sống. Trong khi Schopenhauer đến kết luận rất bi quan, Nietzche lại lạc quan, thuộc tính ông tin có thể nhìn ra trong cách diễn đạt bi kịch Hy. Tuy nhiên, đây không phải là loại lạc quan trong nghĩa thông tục mà là thế cách chấp thủ những thực tại thô bạo và tàn độc của đời người. Giống Schopenhauer, Nietzche công nhận vai trò hàng đầu của dục vọng, nhưng ông đi xa hơn. Ông cho rằng dục vọng mạnh mẽ là tính chất nổi trội của một con người hướng Thiện trong khi đối với Schopenhauer, dục vọng là cội nguồn của mọi cái Tà.

Nietzche phân biệt hai loại người, người làm chủ và người nô lệ. Đạo đức dựa trên sự phân biệt này được trình bày trong “Ở trên Thiện và Tà” (Beyond Good and Evil). Một mặt, là đạo đức của người làm chủ mà sự Thiện gắn với tính độc lập, lòng rộng lượng, đức tự tin…, tức là những đức huệ thuộc về người có tâm hồn lớn theo Aristotle. Mặt khác, đạo đức nô lệ thì đi với sự khúm núm quị lụy, tính nhút nhát… và đấy là những cái Tà xấu xa. Tương phản giữa Thiện và Tà gần như là tương phản giữa những gì cao quí so với đê tiện. Cái Thiện trong đạo đức nô lệ là tính dè dặt để lẫn trốn và tránh phấn đấu, coi cái Thiện của chủ là Tà vì nó khủng bố khiến cho nô lệ kinh sợ. Đạo đức của siêu nhân vượt qua và ở trên cả Thiện lẫn Tà.

Trong “Zarathustra đã nói thế” (Thus Spake Zarathustra), những điều trên được lập lại như một tuyên ngôn đạo lý mà văn phong bắt chước Kinh Thánh. Nietzche là một nghệ sĩ ngôn từ vĩ đại, và trước tác này giống một tụng ca bằng văn xuôi hơn là triết học.

Điều Nietzche ghê tởm hơn cả là sự xuất hiện một loại người mới đang được sinh sôi và lớn lên với những kỹ thuật tân tiến. Với ông, vai trò của xã hội là hành xử như vườn uơm những mầm cây thật lớn để đạt được những Lý Tưởng cao quí. Sự đau khổ của những gì nhỏ nhặt không làm ông động lòng. Nhà Nước như ông muốn có nhiều tương đồng với Nhà Nước của Plato trong “Nền Cộng Hoà”. Tôn giáo truyền thống theo ông là chỉ để cho nô lệ. Người tự do phải nhận thức được rằng Thượng Đế đã chết, và Lý tưởng nhắm tới không phải là Thượng Đế mà là những con người siêu nhân. Với hạng nô lệ, Nietzche vứt cho Ki-tô như tôn giáo. Bởi giữ hy vọng vào một cuộc sống tươi đẹp hơn ở một thế giới khác với sự khuất thân nhân ái kiểu đạo đức nô lệ là quá bi quan. Sau khi Wagner, một người Nietzche coi là bạn thiết, đi theo Kitô giáo thì ông quay sang tấn công nhà soạn nhạc tài hoa này. Còn về tính chất anh hùng, ông bảo ông theo truyền thống phương đông và coi đàn bà là những vật sở hữu.

Trong những học thuyết đạo đức, ta có rất nhiều quan sát về con người và cách thế họ hành xử trong đời sống. Sự nhẫn tâm nếu có, chỉ có thể biện minh nếu như nó là với chính mình. Cái khó mà chấp nhận được là khái niệm dửng dưng trước nỗi đau khổ của số đông để phục vụ quyền lợi một thiểu số.


[1] Tức Gdańsk, một thành phố Ba Lan trên bờ biển Baltic.

[2] Tiếng Anh nguyên bản là will, có thể dịch là ước muốn, là nguyện vọng. Người dịch dùng chữ dục vọng có lẽ dễ hiểu hơn trong văn hóa Việt.

[3] Ở điểm này, ta thấy ảnh hưởng Triết học Ấn, đặc biệt Phật giáo, trên Schopenhauer (Ng. dịch).

[4] Là một triết gia Tân-Plato rất ảnh hưởng ở thế kỷ 14, viết về Siêu hình học và Tâm lý học, thường xử dụng những hình ảnh ẩn dụ lấy từ truyền thống huyền học. Ông có tác động lớn lên những triết gia Đức.

[5] B.Russell chỉ chế độ Nazi ở Đức thế kỷ trước.

Comments are closed.