Minh triết phương Tây (kỳ 24)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Kể từ Triết thuyết Duy lợi

Chúng ta nay quay ngược lại một thế kỷ và đi sang một hướng khác. Triết học Lý tưởng và những phê phán được triển khai trong một thế giới mà điều kiện vật chất thay đổi một cách căn bản. Những thay đổi này đến từ cuộc cách mạng kỹ nghệ bắt đầu ở Anh quốc vào thế kỷ 18. Đầu tiên, máy móc được từ từ đưa vào sản xuất hàng hoá. Cải thiện hiệu năng không còn lờ mờ khi năng xuất trong sản xuất vải vóc tăng mạnh. Bước quan trọng là máy hơi nước được hoàn chỉnh, cho phép dùng năng lượng hầu như vô giới hạn cho hàng loạt máy móc trong công xưởng. Cách thức hữu hiệu để tạo hơi nước là dùng than đốt. Thế là những mỏ than được khai thác, và phần lớn trong những điều kiện ngặt nghèo khốn khổ. Về mặt đời sống con người, phải nói những ngày đầu của cuộc kỹ nghệ hóa là những ngày khủng khiếp.

Trong thế kỷ 18, phong trào rào đất ở Anh lên đến cực đỉnh. Thời gian trước đó, từng có nhiều khu đất công cộng bị tầng lớp quí tộc xâm lấn rào lại làm của riêng. Điều này khiến nông dân mất phương tiện sản xuất cơ cực hơn, và họ buộc phải lũ lượt di cư đi ra những thành phố để tìm phương tiện mưu sinh. Đây là lớp người đi vào làm lao động trong những hãng xưởng xuất hiện từ cuộc kỹ nghệ hóa nền kinh tế. Bị bóc lột vì lương thấp, họ sống trong những khu ổ chuột ở thành phố và ngoại ô, tạo ra vô vàn vấn nạn xã hội. Phát minh ra máy móc bị nhìn với con mắt nghi ngại của lớp nghệ nhân đang thành thừa thãi. Trước những tiến bộ kỹ thuật, giai cấp lao động chống lại vì sợ rằng lương bổng thấp xuống. Sự sợ hãi này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay; cụ thể là với máy móc được điểu khiển bằng phương tiện điện tử có khả năng tước công ăn việc làm của những thành viên trong công đoàn lao động. Tuy nhiên, cái nhìn có phần bi quan này sai. Mức sống và tiện nghi trong những quốc gia công nghiệp hóa tăng lên ở mọi mặt. Nhưng phải nói, sự khốn khó của những người vô sản trong thời kỳ đầu của cách mạng kỹ nghệ rất rõ ràng. Những gì kinh khủng nhất có thể do sự ngu tối vì đây là những điều kiện sinh nhai mới mẻ. Chủ nghĩa Tự do thời trước, dựa trên thủ công nghệ và nông nghiệp, không đủ uyển chuyển để đối mặt với cuộc công nghiệp hóa của xã hội. Cải cách xã hội đến khá chậm, nhưng rồi cũng có để thay đổi những điều bất hảo. Sau này, khi kỹ nghệ lan vào lục địa châu Âu, những khó khăn của giai cấp công nhân có bớt nhiều so với thời kỳ ban đầu ở Anh quốc, có lẽ vì người ta đã học được kinh nghiệm.

Trong thế kỷ 18, khuynh hướng tương tác giữa khoa học và kỹ thuật phát triển. Từ thời kỹ nghệ hóa, áp dụng có hệ thống những nguyên tắc khoa học trong sản xuất máy móc dụng cụ kỹ thuật đã tạo ra một quá trình tăng trưởng vật chất rất ấn tượng. Nửa đầu thế kỷ, người ta nghiên cứu nguyên tắc vận hành máy hơi nước dưới cái nhìn kỹ thuật. Sau đó, khoa Nhiệt động học (Thermodynamics) cho phép kỹ sư chế tạo những máy móc có hiệu xuất cao hơn. Đồng thời, máy hơi nước cũng áp đảo những loại năng lượng khác trong khâu chuyên chở và phương tiện đi lại giao thông. Vào giữa thế kỷ, một mạng đường sắt mọc ra khắp Âu châu và Bắc Mỹ, và thuyền buồm ngày trước nay bị thay thế bằng tầu thủy chạy máy hơi nước. Những phát minh này đảo lộn cách nhìn và đời sống cư dân. Nhưng nói chung, con người vốn là một chủng loại khá bảo thủ. Kỹ năng của xã hội tiến vượt bực, tạo những va chạm xung đột với nhận thức chính trị. Ngay đến nay, chúng ta còn thiếu những lực cân bằng cần có trong chuyện này.

Sự phát triển của sản xuất công nghiệp thúc đẩy mối quan tâm đến phạm trù kinh tế. Như một chuyên ngành học thuật, chính trị kinh tế thời hiện đại xuất phát từ công trình của Adam Smith (1732-1790), giáo sư Triết học, và là người đồng hương của David Hume. Về Đạo đức học, trước tác của ông theo truyền thống Nhân bản nhưng ít quan trọng hơn công trình về kinh tế. Ông lừng danh với tác phẩm “Thịnh vượng của Quốc gia” (Wealth of Nations) in năm 1776. Lần đầu những nguồn lực chính tạo nên một nền kinh tế được nghiên cứu, và một vấn đề quan trọng đề cập đến là sự phân công trong lao động.

clip_image002

Adam Smith

Smith chứng minh rằng sản xuất một mặt hàng công nghệ tăng nếu quá trình sản xuất được cắt thành những công đoạn và giao phó việc sản xuất cho những người có tay nghề trong công đoạn đó. Ông chọn một thí dụ từ kỹ nghệ làm đinh, và kết luận của ông đến từ những quan sát hoạt động sản xuất. Nguyên tắc phân công lao động được áp dụng rộng rãi khắp nơi, và được kiểm nghiệm nhiều lần. Dĩ nhiên, có vấn đề liên quan đến con người cần đào sâu, chẳng hạn một thế cách quá chuyên môn máy móc khiến con người có thể mất hứng thú lao động vì thấy nhàm chán. Điều này không mấy ai hiểu thời Smith, nhưng nay nó trở thành một vấn đề của kỹ nghệ hiện đại với hậu quả làm mất nhân tính của những người lao động làm việc với máy móc.

Chính trị kinh tế trong một thời gian khá dài là bộ môn chỉ người Anh quan tâm. Người theo phái Trọng nông (physiocrat) ở Pháp có nghiên cứu mặt kinh tế, nhưng không có ảnh hưởng như Adam Smith mà tác phẩm kể trên thành ‘kinh’ trong khoa học kinh tế cổ điển. Đóng góp cũng mang tầm quan trọng là lý thuyết về giá trị lao động của Ricardo mà Marx tiếp tục sau này.

Trên phương diện Triết học, công nghiệp và kỹ nghệ hóa nền kinh tế khiến quan niệm lợi ích (utility) trở thành trung tâm và bị những người phái Lãng mạn đả kích kịch liệt. Nhưng dẫu có hạn hẹp, cách thế Duy lợi đã mang lại nhiều cải cách xã hội hơn là sự chống đối nhì nhằng của những nhà thơ và những người lý tưởng. Cải cách xã hội thời đó chậm và rời rạc nên cách mạng còn ở tầm ngắm khá xa. Khác hẳn, học thuyết Marx, gồm nhiều cảm tính pha trộn với lý tưởng không khoan nhượng kiểu Hegel, mang mục đích rõ rệt là phá tan trật tự cũ để mang đến một cuộc đổi đời toàn diện qua phương tiện bạo hành.

Vấn đề của một xã hội nặng tính kỹ thuật không được quan tâm kịp thời, nhất là với những người không trực tiếp hứng chịu hậu quả như giai cấp công nhân vô sản. Chuyện này dẫu không tốt đẹp nhưng được coi như khó thể tránh khỏi. Sự vô cảm này rạn vỡ khi những nhà văn nhìn thấy vấn đề. Cuộc cách mạng[1] 1848 đã mang đến cho xã hội những nhận định đúng đắn về những sự kiện này. Nhưng như thay đổi về chính trị, nó thất bại, chỉ để lại dư vị chua chát về những điều kiện xã hội thời ấy. Trong trước tác của Dickens ở Anh, rồi sau của Zola ở Pháp, những vấn đề xã hội này lại được nêu lên và đánh động được dư luận của đông đảo quần chúng.

Một phương cách nhằm giải quyết vấn nạn xã hội nói trên là cung ứng cho quần chúng đầy đủ hơn về mặt giáo dục. Những nhà cải cách trong chiều hướng này không hẳn đúng. Dạy cho mọi người đọc, viết, tính toán… không đủ. Và cũng sai khi cho rằng kỹ năng cao là bắt buộc trong xã hội kỹ nghệ. Thật ra, nhiều công việc cần kỹ năng được biến thành chuyện quen tay thường ngày và có thể giao cho những công nhân mù chữ. Nhưng giáo dục giúp giải quyết một cách gián tiếp nhiều chuyện, chẳng hạn như giảm sự nặng nhọc một công việc. Đồng thời, rõ ràng là chẳng phải lúc nào cũng được thế, và từ đó người ta có thể tin rằng lề thói sẵn có là chuyện bất di bất dịch. Nhồi nhét điều này rất hữu hiệu trong việc nắm giữ trật tự xã hội. Những nhà cải cách chống lại, khẳng định chỉ có thể tìm giải đáp cho những vấn nạn xã hội nếu như nó được số đông quần chúng hiểu những gì là quan trọng, điều chỉ có thể đạt được qua giáo dục.

Phân công lao động theo Smith và sản xuất đại trà được nghiên cứu có hệ thống. Trong thế kỷ 19, ngay nghiên cứu cũng trở thành ít nhiều một kỹ nghệ. Thời đó xuất hiện thuyết Duy lợi, tên một lý thuyết đạo đức của Hutcheson được trình bày năm 1725. Ngắn gọn, Thiện là lạc thú, và Tà là đau đớn. Và cái con người phải đạt được là cán cân lệch nhiều nhất về phía lạc thú, tìm ra càng nhiều hạnh phúc càng hay, sau được Bentham chấp thủ và đặt tên là thuyết Duy lợi.

Jeremy Bentham (1748-1832) trước hết là một nhà luật học, thừa kế quan niệm luật từ luật gia Helvetius và Beccaria. Đạo đức theo ông là những luận giải luật học về phương thức xác lập hình trạng tốt nhất có thể có cho xã hội. Bentham là thủ lãnh một nhóm học giả mang tên là “Triết gia cực đoan”. Họ quan tâm đến cải cách xã hội và giáo dục, thường có nhiều phản cảm với Giáo hội và những đặc quyền của tầng lớp điều hành chính trị. Bentham có những quan điểm không mấy cực đoan và ít giao du chuyện trò. Cuối đời, mặc dầu bản tính nhút nhát, ông trở thành vô thần một cách quyết liệt.

Chia sẻ với những người đồng hội, Bentham cho rằng giáo dục là thuốc chữa hiệu nghiệm nhất cho mọi tệ đoan. Thời ông, Anh quốc chỉ có 2 đại học dành riêng cho những người theo giáo phái Anh (Anglican). Điều bất bình thường này chỉ được sửa đổi vào hậu bán thế kỷ 19. Bentham có ý muốn giúp những kẻ không được nhận vào học đại học, và là thành viên sáng lập một đại học mới là University College ở Luân Đôn năm 1825. Ở đấy, không cần trắc nghiệm tôn giáo, và đại học không có gác chuông. Bentham chối đạo, trở thành vô thần và xin rằng khi ông chết, hãy giữ xuơng cốt rồi làm mặt bằng sáp để lên đầu, và lưu giữ ở đại học (hình dưới).

clip_image004

Tượng bằng sáp của Bentham

Triết học của Bentham dựa trên hai ý tưởng chính trong thế kỷ 18. Đầu tiên là nguyên tắc kết hợp (principle of association) đề nghị bởi Hartley [2], xuất phát từ tương quan nhân quả theo Hume, nhằm tìm cách lý giải sự phụ thuộc qua cách kết hợp những ý niệm. Với Hartley và Bentham, nguyên tắc này thành động cơ trung tâm của Tâm lý. Thay vì qua hệ thống những khái niệm truyền thống của trí não và cách nó vận động, Bentham áp dụng nguyên tắc kết hợp trực tiếp lên những nghiệm chứng. Phương pháp này cho phép ông thu hoạch một giải trình tất định của Tâm lý mà không qua những khái niệm trừu tượng về trí năng. Lý thuyết về những phản xạ có điều kiện sau này triển khai bởi Pavlov cũng dựa trên nguyên tắc kết hợp trong tâm lý học.

Nguyên tắc thứ hai Bentham đưa ra là châm ngôn Duy lợi, cách thế truy tìm hạnh phúc lớn nhất như ta đã nói. Hạnh phúc ở đây đồng nghĩa với lạc thú, và với Bentham, cá nhân con người đi tìm nó là Tâm lý tự nhiên dễ hiểu. Trong một xã hội, luật pháp có vai trò bảo đảm thế nào người này tìm hạnh phúc mà không ngăn cản những người khác cũng làm như mình. Như vậy, xã hội cho phép thực hiện hạnh phúc lớn nhất cho một số người đông nhất, và đó là mục đích tối thượng của trường phái Duy Lợi. Mới nghe qua, ta thấy có gì đó như hẹp hòi thiển cận. Nhưng ý đồ đàng sau thì không vậy. Như một phong trào cải cách, phái Duy Lợi đã cống hiến nhiều hơn tất cả những triết gia lý tưởng gộp chung lại, và làm được việc mà không om sòm la lối. Đồng thời, nguyên tắc hạnh phúc lớn nhất cho đông người nhất còn có thể hiểu một cách khác. Đối với những nhà kinh tế theo phái Tự Do (liberalist), điều trên thành cách biện giải cho tự do thông thương (free trade) và hành vi tự quyết (laisser-faire) của những cá thể mà không có sự can thiệp ngăn chặn nào của xã hội. Phải nói đây là một thế cách nhìn quá lạc quan. Chúng ta có thể cho phép, như Socrates, rằng nếu con người tìm hiểu và xem xét ảnh hưởng hành động của mình lên những người xung quanh, kẻ làm hại xã hội rồi cũng là làm hại chính mình. Nhưng khốn thay con người không nghĩ kỹ như vậy, ít cẩn trọng, và thường xuẩn động bốc đồng.Trong thời đại mới, học thuyết xiển dương những hành vi cá nhân tự quyết buộc phải có những rào cản.

clip_image006

Bentham

Luật pháp được coi như cơ chế bảo đảm mỗi người đeo đuổi hạnh phúc của mình mà không cản trở những người khác cũng hành xử như vậy. Hình phạt không là trả thù, mà chỉ ngăn ngừa tội phạm. Quan trọng là có hình phạt, nhưng không phải thứ hình phạt dã man như được sử dụng thời đó ở Anh quốc. Bentham chống lại án tử hình thường buộc ngay cho những tội vặt vãnh.

Thuyết Duy lợi đi đến hai kết luận. Thứ nhất, mọi người đều có nhu cầu như nhau trong sự truy lùng hạnh phúc, và vì thế họ có quyền và cơ hội ngang nhau trong sự truy lùng này. Cách thế nhận định này rất mới thời Bentham, và là điểm tựa chính của những cải cách mà phong trào Cực đoan đề đạt. Thứ hai, hạnh phúc lớn nhất cho số đông nhất chỉ có thể đạt được nếu những điều kiện xã hội ổn định. Như vậy, bình đẳng và an ninh là những điều kiện tối thiểu. Còn về tự do, Bentham không coi rằng nó quan trọng lắm. Với ông, tự do có dáng vẻ siêu hình và lãng mạn. Về mặt chính trị, ông có vẻ ủng hộ một nền chuyên quyền nhân ái hơn là dân chủ. Điều này đưa đến một khó khăn, vì chẳng có một cơ chế nào bảo đảm rằng những nhà lập pháp sẽ đi theo con đường nhân ái. Với lý thuyết Tâm lý của ông, những nhà lập pháp này phải hành xử với hiểu biết rộng rãi và khả năng nhìn xa trông rộng. Nhưng đây chỉ là một giả thiết, và về phương diện thể chế, khó khăn này không thể giải quyết được. Tốt nhất, là ta không để những nhà lập pháp muốn làm gì hay treo cổ ai thì làm.

Về mặt phê phán xã hội, Bentham khá tương đồng với phái Duy Vật thế kỷ 18, và ảnh hưởng không nhỏ lên những mục tiêu sau này Marx đề ra. Ông cho rằng đạo đức buộc người ta hy sinh là sự lừa lọc của tầng lớp cầm quyển chỉ phục vụ quyền lợi riêng, đòi sự hy sinh của người khác nhưng mình thì chẳng làm gì. Đàng sau Bentham, người có ảnh hưởng mạnh trong số những triết gia Cực đoan là James Mill (1773-1836). Vị này chia xẻ Đạo đức Duy Lợi, và xem thường khuynh hướng Lãng Mạn. Về mặt chính trị, ông cho rằng người ta chỉ nên hành xử sau khi suy nghĩ một cách duy lý. Với thế cách này, lòng tin vào giáo dục là tất nhiên.

clip_image008

John Stuart Mill

Nhưng gốc rễ của những quan điểm này đến từ John Stuart Mill (1806-1873), con của James Mill, kẻ đã hứng chịu cách giáo dục của cha mình một cách rất thực tế. Ông than “tôi chưa bao giờ là một đứa trẻ, và chẳng biết chơi trò cricket [3]”. Ông phải học tiếng Hy Lạp khi 3 tuổi, và tất cả những gì có thể học được ở tuổi còn thơ. Kinh nghiệm đáng kinh này đưa ông đến một cuộc khủng hoảng vào tuổi 21.

J.S. Mill sau tham gia phong trào cải tổ Quốc hội khoảng 1830 nhưng không muốn thành lãnh đạo như cha ông và Bentham. Từ 1865 đến 1868, ông đại diện Westminter trong Nghị Viện, đấu tranh thúc đẩy phổ thông đầu phiếu, theo đuổi con đường chống Đế quốc, đòi tự do do Bentham vạch ra.

Trong Triết học, trước tác khẳng định danh tiếng của J.S. Mill là “Lôgíc” in năm 1843, với thảo luận khá mới về phương pháp quy nạp (induction). Ông đưa ra một số những nguyên tắc khiến ta liên tưởng đến qui luật về tương quan nhân quả của D. Hume. Một vấn đề hóc búa của Lôgíc quy nạp là biện minh cho chính nó. Mill đề xuất rằng quan sát những bất biến của thiên nhiên, một loại hình quy nạp tối thượng, là cơ sở. Nhưng luận cứ này vòng vo (circular argument), điều không khiến ông bận tâm. Còn một vấn đề khác, quan trọng và tổng quát, vẫn còn khiến những nhà Lôgíc học điêu đứng. Nói sơ lược, khó khăn đến sự thể có nhiều người không cho là phương pháp quy nạp đáng trọng. Vì thế, cần biện giải, nhưng điều này đưa đến một chuyện tiến thoái lưỡng nan. Biện giải là thuộc tính của Lôgíc suy diễn. Nó không thể có đối tượng là phương pháp quy nạp nằm ngoài suy diễn. Về Lôgíc suy diễn này, nó có từ thuở khai sinh lập địa và chẳng cần biện minh. Có lẽ cách thế độc nhất để giải quyết vấn đề là coi phương pháp quy nạp như khu biệt hoàn toàn với lôgic suy diễn và không tìm biện minh nào qua đó.

Giải trình về đạo đức Duy Lợi được Mill viết trong luận án mang tên là “Thuyết Duy Lợi” (1863). Không có gì ở đây vượt được Bentham. Giống như Epicurus, có thể coi như người đầu tiên theo thuyết này, Mill cũng xếp hạng, coi có những lạc thú này có thể cao hơn lạc thú kia. Nhưng thật tiếc, ông không mấy thuyết phục gì về định tính những lạc thú mà chỉ thảo luận phần định lượng. Không lạ gì ở đây, vì nguyên tắc hạnh phúc tối đa, như cách tính toán, đã dùng lượng thay phẩm ngay từ đầu.

Tìm cách lý giải cho nguyên tắc Duy lợi theo đó con người truy lùng hạnh phúc, Mill phạm vào một sai lầm. Ông viết “Minh chứng cho cái gì nhìn thấy được là người ta nhìn thấy nó; cái gì nghe thấy được là ta nghe thấy nó; và cũng như tất cả những gì ta cảm được qua kinh nghiệm. Hệt thế, những điều ước muốn hiển nhiên có là vì con người ước muốn có chúng…”. Nhưng đây là cách chơi chữ dùng sự tương đồng của ngôn ngữ để che đậy sự khác biệt Lôgíc. Ta có thể bảo một sự vật nhìn thấy được vì ta nhìn thấy nó. Nhưng ước muốn thì không vậy. Tôi nói tôi ước muốn một cái gì đó, tôi chỉ nói tôi ước muốn nó là một sự kiện. Nói như vậy, khá tầm thường, và có những điều ta ước muốn có nghĩa khác. Chẳng hạn, khi tôi bảo với người khác rằng lương thiện là điều tôi ước muốn, đấy là một mệnh lệnh đạo đức: tôi nói thế để phát biểu rằng chúng ta phải lương thiện. Đánh tráo cái nhìn thấy với sự ước muốn có vẻ không hợp lẽ. Xưa Hume đã từng chỉ rõ ta không thể suy cái “phải là” từ cái “là”.

Trong mọi trường hợp, ta có thể dễ dàng tìm được thí dụ phản lại nguyên tắc Duy lợi. Bỏ qua chuyện định nghĩa cái gì là ước muốn, không phải lúc nào cũng đúng cái ta ước muốn luôn là lạc thú, dẫu thoả mãn một ước muốn nào đó cho ta lạc thú. Ngoài ra, có những ước muốn không có gì liên quan đến đời sống ta. Chẳng hạn, ta muốn một con ngựa đoạt giải đua nhưng không đặt tiền đánh cược. Và phải nói, nguyên tắc Duy lợi gặp không ít những phản bác, nhưng lại là động cơ có tác dụng tốt trên những cải cách xã hội. Không phải con người lúc nào cũng hành xử để góp phần vào hạnh phúc phổ quát của đồng loại. Nhưng cơ chế luật pháp có đó để bảo đảm cái hạnh phúc tối đa cho số đông người nhất đó có thể thành hiện thực. Tương tự, đối tượng của cải cách không là tiến tới xác lập những định chế lý tưởng mà là mang lại cái gì thực tế cho những công dân. Đó là nhận định tính dân chủ.

Khác với Bentham, Mill là người bênh vực cho khái niệm tự do. Ông viết “Khảo luận về Tự do” (1859) với Harriet Taylor, người ông cưới làm vợ năm 1851, sau khi chồng cũ bà chết. Trong tác phẩm này, Mill bảo vệ tự do tư tưởng và đề nghị những giới hạn một Nhà Nước phải tuân thủ khi muốn tác động lên đời sống công dân. Ông chống đối quyết liệt điều Ki-tô giáo loan truyền rằng tôn giáo này nguồn cội của mọi thần thánh.


[1] Cuộc cách mạng phát xuất từ Pháp tháng 2, lan qua 50 quốc gia, nhưng không có phối hợp. Có 5 điểm: sự bất đồng với thể chế chính trị hiện hành; đòi hỏi dân chủ và cơ hội tham gia vào chính trị; những yêu sách của giai cấp công nhân; sự bột phát cũa tinh thần quốc gia; sự tập hợp những thế lực phản động trong giai cấp quí tộc, bảo hoàng, quân đội và nông dân.

[2] David Hartley (1705-1757) là triết gia sáng lập ra trường phái kết hợp trong Tâm lý học.

[3] Môn thể thao dùng gậy đánh bóng (giống khúc côn cầu ngày nay).

Comments are closed.