Minh triết phương Tây (kỳ 25)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Từ triết thuyết Duy lợi (tiếp theo)

clip_image002

Thomas Robert Malthus

Một vấn đề nổi cộm ở khúc quanh thế kỷ 18 là độ tăng trưởng dân số rất nhanh sau khi thuốc chủng ngừa bệnh khiến mức tử vong sụt xuống. Một nghiên cứu về dân số do T. Malthus (1766-1834), kinh tế gia, mục sư nhà thờ Aglican, và bạn của nhóm triết gia Cực đoan, hoàn thành. Trong “Luận đề về Dân số” (Essay on Population) năm 1797, Malthus chứng minh rằng độ tăng dân số sẽ cao hơn tăng trưởng của mức cung cấp thực phẩm. Dân số tăng theo cấp số nhân trong khi sản lượng thực phẩm chỉ tăng với cấp số cộng, và đến một giới hạn nào đó, cứ tiếp tục như vậy thì nạn đói trầm trọng sẽ xảy ra. Về giới hạn này, Malthus chấp nhận cách nhìn của Ki-tô giáo, cho rằng người ta phải tự ức chế dục vọng để bớt sinh sôi. Malthus rất thành công trong vụ việc này, và trong 4 năm chỉ hạ sinh có 3 người con.

Mặc dầu nổi danh, lý thuyết của Malthus không có tác động như ông mong muốn. Trên vấn đề này, Condorcet người Pháp có cách nhìn hợp lý hơn, đề nghị kế hoạch hóa sinh đẻ một cách khoa học chứ không qua ức chế sinh lý. Malthus không bao giờ tha thứ cho Condorcet về chuyện này, và sinh đẻ có kế hoạch như Condorcet [1] đề ra chẳng khác gì một “thói xấu’” có thể so sánh như chuyện đĩ điếm bán thân. Trên chuyện này, những triết gia Cực đoan chia rẽ. Bentham đồng ý với Malthus trong khi J. Mill nghiêng về phía Condorcet. Ở tuổi 18, J.S. Mill đi phát những tờ cổ động cho chuyện kế hoạch hóa sinh đẻ trong cộng đồng những cư dân sống trong khu ổ chuột. Ông bị bắt và bị mang ra tòa. Có lẽ chính vì kinh nghiệm này mà J.S. Mill tha thiết với tự do chăng.

“Luận đề về Dân số” là một công trình tầm vóc trong khoa chính trị kinh tế và đề đạt một số khái niệm cơ bản sau được những ngành nghề khác xử dụng. Đặc biệt, Darwin (1809-1882) đã suy ra nguyện tắc Chọn lọc Tự nhiên (Natural Selection) và khái niệm Đấu tranh Sống còn (Struggle for Life) từ trước tác của Malthus.

Bàn về độ tăng theo cấp số nhân của những sinh vật hữu cơ với cuộc đấu tranh để sống còn trong “Nguồn gốc các Chủng loài” ( Origin of Species) in năm 1859, Darwin viết “đây là áp dụng lý thuyết Malthus với muôn màu muôn vẻ vào thế giới sinh vật và thực vật trong đó không có gì gọi là giới hạn mức cung cấp thực phẩm cũng như ức chế sinh dục trong hôn nhân…”. Trong cuộc chiến tự do để sinh tồn với những phương tiện giới hạn, sinh vật nào thích nghi nhất với môi sinh sẽ chiến thắng. Đây là qui luật tồn tại của sinh vật có khả năng tự điều chỉnh (survival of the fittest). Trong một chừng mực, nó không khác gì mấy với cạnh tranh tự do trong kinh tế của Bentham. Tuy nhiên, trong xã hội loài người, cạnh tranh được đóng khung trong một số luật chơi. Với những sinh vật khác, cạnh tranh kiểu Darwin hoàn toàn không có gì khống chế. Nguyên tắc Darwin trong tư duy chính trị đã tạo ra những chế độ độc tài ở thế kỷ 20. Chắc chắn ông không muốn thế, vì ông vốn là người chuộng tự do, từng ủng hộ chương trình cải cách của nhóm triết gia Cực đoan thời ông sống.

Trong những công trình của Darwin, phần ít sáng tạo là lý thuyết tiến hóa (theory of evolution) của ông. Vấn đề này đặt ra từ thời Anaximander. Darwin cung cấp một lượng thông tin khổng lồ về những sự kiện ông quan sát một cách tỉ mỉ. Giá trị của những luận cứ của ông về tiến hóa không đồng đều, nhưng chắc chắn là hơn luận cứ của những triết gia Miletus thuở trước. Tuy nhiên, giả thiết tiến hóa của ông được dư luận quần chúng mổ xẻ. Bởi vì nguồn gốc những sinh vật đến từ sự chọn lọc tự nhiên khởi từ một sinh vật ‘’ tổ tiên’’, điều này khác với sự rao giảng của kinh Cựu Ước về sự sáng tạo ra thế giới. Và đây là cuộc tranh cãi đầy chua cay giữa ông với những người Công giáo chính thống mọi thể loại.

Một người ủng hộ thuyết tiến hóa của Darwin là nhà sinh vật học nổi tiếng T.H. Huxley. Thời đó, cao điểm là cuộc tranh luận trong công chúng về chuyện người và khỉ có thể có chung tổ tiên hay không. Tôi (tức B. Russell) ngờ rằng điều ta vừa đề cập có thể xúc phạm loài khỉ, nhưng với loài người thì chẳng mấy ai ngày nay lại bực bội vì thế.

clip_image004

Charles Darwin

Một triển khai khác của nhóm Cực đoan dẫn tới chủ nghĩa xã hội và Marx. Bạn của Bentham và J.Mill, Ricardo (1772-1823) ấn hành năm 1817 “Nguyên tắc Chính trị Kinh tế và vấn đề Thuế vụ” (Principle of Political Economy and Taxation). Trong trước tác này, ông đề đạt một lý thuyết rất đúng đắn về địa tô (rent) và lý thuyết về giá trị lao động theo đó giá trị trao đổi của một sản phẩm tùy thuộc vào lượng lao động đã dùng trong sản xuất. Từ luận điểm này, Thomas Hodgskin năm 1825 đi xa hơn và cho rằng lao động có quyền thu về mình toàn bộ giá trị sản phẩm. Địa tô được trả cho tư bản hoặc sở hữu chủ đất đai là ăn cướp.

clip_image006

Biếm họa Darwin với thân thể khỉ năm 1871

Đồng thời, nguyện vọng của những người lao động được Robert Owen ủng hộ. Ông đưa vào nhà máy vải của ông ở New Lanark những nguyên tắc sử lý lao động mới mẻ. Là người đạo đức cao, ông tuyến bố cách thức khai thác lao động một cách vô nhân là sai. Trong cơ xưởng của ông, lao động được trả lương rất khá với số giờ làm việc không quá đáng. Tuy thế, lợi nhuận vẫn có và công việc vẫn chạy. Owen là người chủ lực trong cuộc vận động luật đầu tiên về công xưởng (First Factory Act) mặc dầu những điều ông mong muốn không hoàn toàn được hình thành. Năm 1827, những người theo Owen lần đầu gọi mình là những người theo chủ nghĩa xã hội.

Nhóm triết gia Cực đoan không hài lòng với Owen vì ông phá vỡ khái niệm tư hữu. Về mặt này, những người theo chủ nghĩa Tự do thường nghiêng theo khuynh hướng tự do cạnh tranh không có giới hạn kiềm chế. Phong trào do Owen dẫn đầu đưa tới sự thành lập công đoàn và hình thức kinh tế cộng đồng (co-operative). Ông trước tiên là một người Thực Dụng với niềm tin cháy bỏng về tư duy của mình. Nhưng phải đợi đến Marx ta nới có được một nền tảng triết học cho xã hội chủ nghĩa. Nền tảng này dựa trên thuyết giá trị lao động của Ricardo về kinh tế, và biện chứng Hegel như công cụ trong thảo luận triết học. Như vậy, thuyết Duy lợi là hòn đá tảng tạo cơ sở cho những lý thuyết về sau, chứng tỏ rằng nó có ảnh hưởng rất đáng kể.

clip_image008

David Ricardo

Thành phố Treves trên bờ sông Moselle đi vào lịch sữ vì đã sản sinh ra thánh sống. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của Ambrose, và rồi của Karl Marx (1818-1883). Trên phương diện hiển thánh, phải nói Marx thành công hơn Ambrose. Marx là người sáng lập ra phong trào mang tên ông trong khi người đồng hương và đồng nghiệp St. Ambrose cuối cùng không là gì khác hơn kẻ gắn bó vào chính tín điều của mình.

clip_image010 K. Marx

Marx thuộc một gia đình Do Thái cải đạo theo Tin Lành. Khi học đại học, ông bị ảnh hưởng rất mạnh của Hegel khi ấy đang nổi. Công việc phóng viên báo chí của ông bị gián đoại khi nhà cầm quyền Phổ cấm đoán ‘Rheinische Zeitung’ [2] năm 1843. Marx sang Pháp, ở đó ông quen biết nhiều người lãnh đạo nhóm Xã Hội, và gặp Engels, có cha là chủ cơ xưởng ở Đức và Manchester. Chính Engels điều hành cơ xưởng Manchester, là người dẫn Marx vào những vấn đề của giai cấp lao động trong kỹ nghệ Anh. Năm 1848, Marx đưa ra Tuyên Ngôn Cộng Sản (Communist Manifesto). Ông hoạt động rất tích cực trong những phong trào cách mạng ở Pháp và Đức. Nhà Nước Phổ trục xuất, ông sang Anh sống lưu vong. Trừ vài chuyến thăm nhà, ông sống ở đó đến khi chết. Bên Anh, Marx và gia đình sống được là do sự trợ giúp của Engels. Mặc dù nghèo khổ, Marx viết, nghiên cứu, và lót đường cho cuộc cách mạng xã hội mà ông cảm thấy đang đến gần.

Tư tưởng của Marx chịu ba ảnh hưởng lớn. Thứ nhất là nó nhiều liên quan đến những triết gia Cực đoan, đi ngược khuynh hướng Lãng mạn, và đeo đuổi một lý thuyết xã hội có tính chất khoa học. Marx tiếp thu lý thuyết giá trị lao động từ Ricardo nhưng đề xuất một thay đổi. Cả Ricardo và Malthus đều lý giải từ một giả định tiềm ẩn là trật tự xã hội không thay đổi. Tự do cạnh tranh vì thế đẩy luơng lao động xuống mức tối thiểu đủ sống, và mức luơng này sẽ quyết định dân số [3] . Marx nhấn mạnh rằng lao động là do giai cấp tư bản xử dụng, thường sản xuất có giá trị cao hơn mức lương, và chính sự sai biệt này là nguồn lợi nhuận của tư bản. Ở đây, người lao động bị bóc lột, nhưng không phải chỉ trên phương diện cá nhân. Trong xã hội, có những cạnh tranh vì số người lao động lớn, với thiết bị kỹ nghệ khác nhau trong sản xuất. Vì thế, sự bóc lột lao động là của cả hệ thống những quan hệ sản xuất và tương quan giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư bản.

Ảnh hưởng thứ hai trên tư duy của Marx là triết học Hegel. Đối với Marx, cũng như Hegel, cái quyết định là toàn bộ hệ thống chứ không phải những gì riêng lẻ. Phải tiến công hệ thống kinh tế chứ không chỉ đưa những kêu ca phàn nàn cục bộ, và đây là điểm khác biệt của Marx với khuynh hướng tự do của những triết gia Cực đoan trong cải cách. Học thuyết Mác-xít gắn bó chặt chẽ với triết lý Hegel, và có thể vì thế mà Marx không được ngưỡng mộ ở Anh, nơi nói chung thiên về Thực Dụng hơn là lý luận trừu tượng.

Cũng từ Hegel, Marx đề xuất lý thuyết về phát triển xã hội. Phương pháp luận tiến hoá cấu kết với biện chứng Hegel được Marx sử dụng. Tiến trình lịch sử dù cùng được giải thích qua biện chứng, nhưng động lực mà Marx quan niệm khác biệt với Hegel. Trong biện chứng lịch sử của Hegel, tiến trình tuần tự và là sự thể hiện của Tinh thần trên con đường hướng về Tuyệt đối. Marx thay Tinh thần bằng Quan hệ sản xuất, và Tuyệt đối bằng Xã hội không giai cấp. Một hệ thống sản xuất tự cấu tạo những quan hệ đối kháng giữa những giai cấp, và những mâu thuẫn này được giải quyết dưới hình thức một tổng hợp ở mức cao hơn. Đấu tranh giai cấp là hình thái biện chứng dưới Xã hội chủ nghĩa cho đến khi nào xã hội vô giai cấp được hình thành, khi đó quá trình biện chứng đến chung cục. Với Hegel, Địa đàng là Nhà Nước Phổ nhưng với Marx, nó là Xã hội không còn giai cấp. Với cả hai, quá trình lịch sử này đều được diễn giải từ một lý thuyết siêu hình. Những phê phán đối với Hegel tuy thế có thể áp dụng vào trường hợp của Marx. Trong chừng mực những quan sát của Marx phản ánh những sự kiện lịch sử đã từng có, những sự kiện này không cần đến Lôgíc từ đó người ta suy diễn ra chúng.

clip_image012

Friedrich Engels

Dùng phương pháp Hegel nhưng Marx phủ nhận thế cách vị này coi thế giới là Tinh thần. Marx cho rằng phải đảo ngược lại, và ông chấp thủ học thuyết Duy vật của thế kỷ 18. Duy vật là yếu tố thứ ba trong Triết học Mác-xít. Nhưng ngay ở điểm này, Marx mang lại một cách nhìn mới cho học thuyết cũ. Bỏ sang một bên những yếu tố Duy Vật trong diễn giải kinh tế của lịch sử, ta thấy Duy Vật trong triết học của Marx không máy móc. Điều Marx đề cao là học thuyết hoạt tính (doctine of activity) đến từ Vico. Trong “Mười một luận đề về Feuerbach” (1845), ông nhấn mạnh điểm này bằng phát biểu: “triết gia biểu tỏ thế giới bằng nhiều cách, nhưng nhiệm vụ trung tâm là thay đổi nó”. Trong ngữ cảnh này, ông đưa ra một khái niệm về sự thật rất gần gũi với công thức của Vico và trùm phủ lên nhiều hình thức của học thuyết Thực dụng. Sự thực, đối với Marx, không phải là điều để chiêm nghiệm mà là cái phải được chứng minh trong thực tế. Phương pháp chiêm nghiệm gắn với chủ nghĩa cá nhân tư sản trưởng giả mà Marx đả phá. Duy vật theo ông thuộc vào một thế giới không còn giai cấp của những người theo Chủ nghĩa Xã hội.

Điều Marx nhắm đi tới là thâu tóm cho học thuyết Duy vật những hoạt tính đã được triển khai bởi những triết gia Lý tưởng nói chung, và Hegel nói riêng. Nhưng như đề cập ở trên, nay phải quay ngược, đặt Vật chất vào đúng chỗ, chứ không phải là Tinh thần. Ảnh hưởng này xuất phát từ Vico, nhưng có lẽ Marx không hoàn toàn ý thức, dẫu chắc chắn ông từng đọc trước tác “Khoa học mới” ( Scienza Nuova). Marx đặt tên cho lý thuyết của mình là Duy vật Biện chứng, nhấn mạnh tính tiến hóa và những yếu tố của triết học Hegel trong lý thuyết đó.

Học thuyết Mác-xít rất phức tạp tinh vi. Duy vật Biện chứng là một hệ thống triết học mà những người đi theo kỳ vọng là phổ quát. Như có thể dự trù, triết thuyết này dẫn đến nhiều tranh biện lý giải trên những vấn đề lẽ ra ta nên để cho những luận chứng của khoa học thực nghiệm phân giải. Thí dụ là cuốn sách của Engels, “Anti-Durhing”, phê phán một triết gia Đức. Giải thích biện chứng rất chi tiết tại sao nước sôi qua sự thay đổi lượng biến thành phẩm, mâu thuẫn, phủ định, rồi phủ định của phủ định, chẳng có gì hay hơn triết lý về tự nhiên của Hegel. Và nó chẳng làm cho nền khoa học truyền thống theo “tư sản” có chi gọi là ô nhục gì cả.

Marx đúng khi ông nhận định rằng quan tâm của khoa học phản ánh phần nào quan tâm xã hội của tập đoàn nắm quyền. Chẳng hạn, sự hồi sinh của môn Thiên văn trong thời Phục Hưng thúc đẩy sự bành trướng của thương mại và giúp giới trung lưu phát triển, mặc dầu phát biểu ngược lại cũng không thể bảo là hoàn toàn sai. Nhưng cách diễn giải như vậy có điểm bất toàn. Thứ nhất, hiển nhiên, giải pháp cho một vấn đề trong khoa học không buộc phải liên quan đến áp lực xã hội nào. Dĩ nhiên, nói thế không phải cho rằng không có những vấn đề phải được điều nghiên hầu giải đáp những chuyện cấp bách, nhưng phần lớn, tiến bộ trong khoa học không phát xuất từ đó. Điều này dẫn tới điểm yếu của phép Duy vật Biện chứng, là không xác nhận phong trào khoa học như một sức mạnh độc lập. Thêm một lần, ta không nói rằng không có tương quan nào giữa nghiên cứu khoa học và những vấn đề khác trong xã hội. Nhưng sự truy lùng giá trị khoa học, với thời gian, đã trở thành tự tại, và có những xung lực riêng. Nếu như Duy vật Biện chứng có giá trị khi chỉ ra sự quan trọng của ảnh hưởng kinh tế như phương thức tạo ra phát triển thì ngược lại, nó lại đơn giản quá mức khi cho rằng ngoài động cơ kinh tế không có gì khác đáng kể.

clip_image014Karl Marx và Friedrich Engels

Trong phạm trù xã hội, điều vừa nói tạo ra một số hậu quả kỳ quặc. Nếu anh không đồng ý với học thuyết Mác-xít, tất anh không ở cùng phía với những người tiến bộ. Đây là nghĩa chữ “phản động” giành cho những kẻ “chưa giác ngộ”, và ở nghĩa đen, anh đi ngược lại tiến hóa và lịch sử. Nhưng thế cách Biện chứng sẽ loại anh ra, bởi cuối cùng, tiến bộ tất thắng. Chẳng may, đây là cách lý giải đã dẫn đến sự bạo hành nhằm loại những phần tử không theo Mác-xít, và là một nét đầy màu tôn giáo Ki-tô trong chính trị kinh tế Mác-xít. Nói cách khác, ai không ở phía ta tức chống ta. Và hẳn đây chẳng có gì là dựa trên nguyên tắc dân chủ.

Tất cả những điều chúng ta vừa duyệt qua chứng tỏ Marx không chỉ là một lý thuyết gia về chính trị mà còn là một người kích động quần chúng và một nhà cách mạng. Phong cách những bài viết của ông thường đầy bất mãn, có tính đạo đức, và quả hơi lạ vì nếu ông tin vào biện chứng thì sớm muộn những gì ông tố giác sẽ được giải quyết trong tiến trình lịch sử. Như sau này Lenin phát biểu, nếu Nhà Nước sẽ cuối cùng bị triệt tiêu thì chẳng có gì phải rối rít trước khi nó cáo chung. Trước sự cố lịch sử còn xa vời đó, thật là chẳng có gì hay ho cho những người hiện đang quằn quại đau khổ bây giờ. Vì thế, đi tìm ngay cách giải quyết cho dù nó không hoàn toàn tương ứng với lý thuyết tiến hoá biện chứng là chuyện rất đáng làm. Và cách đó là phá bỏ toàn diện trật tự hiện hành bằng những phương tiện thông qua bạo lực cách mạng. Trên thực tế, lý thuyết cách mạng vừa trình bày thoát thai từ tình trạng khốn quẫn của giai cấp lao động ở thế kỷ 19.

Thật nguy hiểm, diễn giải lịch sử qua kinh tế rất gần với những thuộc tính Thực ụng, ít ra là trên một điểm. Nó có vẻ như đưa ta xa những sự thật và gần những thành kiến đã trở thành loại tư duy bị điều kiện hóa. Nếu ai đó hỏi ta câu hỏi này về chính lý thuyết, ta cũng có thể trả lời rằng lý thuyết phản ánh những điều kiện xã hội ở một thời điểm. Nhưng ở đây, lý thuyết Mác-xít lại làm một biệt lệ cho mình bằng cách tuyên bố rằng chỉ có diễn giải lịch sử qua kinh tế với mô thức biện chứng pháp Duy vật mới là cách nhìn đúng đắn mà thôi.

Trong dự đoán về tiến hóa biện chứng của lịch sử, Marx không hoàn toàn thành công. Ông tiên liệu hệ thống tự do cạnh tranh sẽ dẫn đến tư bản độc quyền. Điều này không mấy lạ, đã được kinh tế học truyền thống nói tới. Nhưng Marx đã lầm khi cho rằng người giầu ngày càng giầu, người nghèo ngày càng nghèo cho đến khi “mâu thuẫn” lớn đến độ cách mạng phải bùng nổ. Điều này không xảy ra. Những quốc gia kỹ nghệ hóa trên thế giới đã thiết kế những phương pháp điều tiết để giảm cường độ của trận chiến kinh tế nói trên bằng cách giới hạn tự do kinh tế và đưa vào xã hội những chương trình bảo đảm phúc lợi dân sinh (social welfare schemes). Khi cách mạng bột phát, nó không ở những quốc gia kỹ nghệ châu Âu như Marx dự liệu mà là ở Nga, một nước nông nghiệp.

Triết học Mác-xít là hệ thống cuối cùng được khai sinh ở thế kỷ 19. Ảnh hưởng to lớn của nó đến từ tính tôn giáo của những lời tiên tri hoang tưởng, và những yếu tố cách mạng trong chương trình hành động. Về mặt triết lý, ta thấy hệ thống này không mới hẳn, và cũng chẳng đơn giản như ta thường nghĩ. Diễn giải lịch sử qua kinh tế là một trong những lý thuyết về lịch sử của Hegel. Một thí dụ khác, do thế hệ sau này đề xuất, là lý thuyết của Croce theo đó lịch sử là lịch sử của cuộc truy tìm tự do. Đặc biệt hơn hết, học thuyết Mác-xít dựa trên khái niệm mâu thuẫn được mượn thẳng từ Hegel, với tất cả những khó khăn của khái niệm này như đã trình bày. Về mặt chính trị, gần như nửa thế giới hiện nay [4] được điều hành bởi những Nhà Nước đặt hết lòng tin vào hệ thống Mác-xít. Khả năng tiến tới một cuộc chung sống hòa bình (với nửa thế giới kia) đòi hỏi đầy lùi những giới hạn lý thuyết đã tạo ra ý thức hệ.


[1] Condorcet là một nhà toán học, và là một trong những triết gia lỗi lạc nhất thời Khai Minh, viết về tính hoàn hảo của xã hội trong “Sơ lược về Lịch sử của những Tiến bộ trong Trí tuệ con người”. Malthus đã phản biện Condorcet trong trước tác của mình.

[2] Là tờ báo do Marx làm chủ bút, in số đầu vào 1-1842 và bị cơ quan kiểm duyệt của nhà nước Phổ đóng cửa vào 3-1843.

[3] Mức lương – cũng là mức sống tối thiểu này – định ra số sinh/tử trong xã hội.

[4] Khi viết những dòng này, B. Russell vẫn còn ở trong thế giới “chiến tranh lạnh” giữa hai khối, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Phải đợi 30 năm sau thì cuộc chiến “lạnh” này mới ngả ngũ, với sự giải thể của Liên Bang Xô Viết sau đó.

Comments are closed.