Minh triết phương Tây (kỳ 27)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Triết học đương đại

Tham khảo triết học 70 hay 80 năm trở lại đây, ta gặp một số khó khăn đặc biệt. Vì quá gần, khó có thể có một cái nhìn giữ được khoảng cách với những triển khai mới. Những tư tưởng gia trong quá khứ xa hơn thường trải qua trắc nghiệm của những phê phán từ thế hệ đến sau. Thời gian đãi lọc khiến sự chọn lọc dễ hơn, và thật hiếm hoi có những kẻ không có công trình mà giữ được tiếng vang lâu dài, mặc dầu không phải thiếu người đáng quan tâm mà bị quên lãng.

Với những triết gia đương đại, sự chọn lọc rất khó, và đến được một tầm nhìn cân bằng là chuyện rất bấp bênh. Nếu như có thể nhìn toàn bộ những khai triển của tư tưởng trong quá khứ với những triết gia xưa thì hiện nay những tư tưởng mới còn quá gần để ta có thể truy ra những con đường có triển vọng tương lai với độ tin cậy mong muốn. Nhưng điều này không sao mà khác đi được. Tương đối, ta thường khôn ngoan hơn sau khi đã có sự kiện để nắm bắt tiến bộ của triết học. Nhưng tưởng tượng rằng những thay đổi đương đại có thể suy diễn với chi tiết thì đúng là thứ ảo tưởng kiểu Hegel. Điều tốt nhất khả dĩ làm được là nhìn ra những khuynh hướng tổng quát liên hệ với những sự cố gần đây mà thôi.

Một số khai triển mới đã ảnh hưởng rất nhiều đến không khí tri thức và tư duy vào cuối thế kỷ 19. Thứ nhất là cách sống thay đổi nhiều so với xã hội thời tiền kỹ nghệ hoá. Sự lớn mạnh của kỹ thuật khiến đời sống trở nên rối rắm chứ không như trước. Ta không bàn chuyện này xấu tốt ra sao, chỉ ghi nhận rằng mặt cầu (demands) trở nên đa dạng, và những cái ta đòi hỏi cho một đời sống bình thường trở thành phức tạp so với quá khứ.

Về hoạt động tư duy cũng thế. Ngày trước, một người có thể thông hiểu nhiều ngành nhưng nay thì chỉ chuyên sâu một thôi cũng chẳng dễ. Sự phân mảnh và khoanh vùng tri thức dẫn đến những hỗn loạn và mơ hồ trong ngôn ngữ. Chẳng mấy lâu trước đây, với một phần lớn các nước Âu Châu, có một thứ kiến thức chung cho những người được giáo dục. Dĩ nhiên, điều này không phổ quát và chưa bình đẳng, nhưng giáo dục không còn tập trung vào tầng lớp được ưu đãi. Năng lực trở nên thước đo sau khi có điều kiện thụ hưởng giáo dục có tính chuyên ngành. Sự chuyên sâu kiến thức hạn chế lớp người trẻ tuổi vì họ không có thời gian đi kiếm những tri thức tản mạn ở bề rộng. Như hệ quả, họ không thể thông tri liên lạc với nhau dễ dàng. Cái nền tảng chung trong hiệp thông dần dần biến mất.

Thế kỷ 19 còn mang lại những khó khăn thông tin khác. Đó là thời gian đánh dấu cái chết của những loại ngôn ngữ được coi như của chung cho những học giả ở nhiều quốc gia khác nhau. Tiếng Latinh xưa nay là ngôn ngữ của những khoa học gia, tư tưởng gia… từ thời Cicero cho đến thời Phục Hưng. Đầu thế kỷ 19, Gauss viết về những mặt cong bằng chữ Latinh, nhưng đây là ngoại lệ. Nếu muốn biết những công trình bên ngoài chuyên môn của mình, những nhà nghiên cứu thời nay cần hai, ba thứ ngoại ngữ khác. Khó khăn này ai nấy đều biết, và rất có thể ngày nay rồi sẽ có một ngôn ngữ nào đó thay thế vai trò của tiếng Latinh trong quá khứ.

Một nét mới của thế kỷ 19 trong hoạt động tri thức là sự cắt đứt giữa những đeo đuổi nghệ thuật với hoạt động khoa học. Đây là một bước lùi của tinh thần nhân văn thời Phục Hưng. Dưới ánh sáng của nguyên tắc những tỉ lệ hài hòa của cái Đẹp thuở xưa, người ta thời đó làm cả công việc nghệ thuật lẫn khoa học. Nhưng đến thế kỷ 19 thì khác, với phong trào Lãng Mạn đã phản ứng một cách quyết liệt trước tác động của tiến bộ khoa học lên đời sống con người. Với những nhà khoa học cặm cụi trong phòng thí nghiệm, người ta cho rằng tâm hồn họ họ què quặt so với những đòi hỏi tự do và phiêu lãng của nghệ sĩ. Cách nhìn theo đó phương pháp thực nghiệm không thể vén bức màn che những bí ẩn của thiên nhiên được Goethe miêu tả với cường điệu đầy bay bổng và cảm xúc. Dù sao, nói cho ngay, sự khác biệt giữa một phòng thí nghiệm và một xưởng vẽ có lẽ khá tượng hình cho sự cắt đứt giữa khoa học và nghệ thuật nói ở trên.

Ngoài ra, giữa khoa học và triết học cũng có phân kỳ. Trong thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, những triết gia có đóng góp đều là những người hiểu biết những vấn đề khoa học. Một hậu quả của trường phái Lý Tưởng ở Đức là khiến phạm vi triết học thu hẹp lại dần dần, ít nhất ở Anh và Đức. Người Pháp, như ta đã nói, phần nào miễn nhiễm với triết học Đức có lẽ bởi ngôn ngữ Pháp không mấy hợp với lối tư biện này. Vì thế, sự phân kỳ giữa khoa học và triết học ở Pháp chẳng trầm trọng gì. Khoa học gia và Triết gia dĩ nhiên không hẳn là lơ nhau đi, nhưng ta thấy nhiều khi họ dường như chẳng hiểu công việc của nhau là thế nào. Những chuyến tuần du của những nhà khoa học đương đại vào địa hạt triết học không có gì đặc sắc hơn những triết gia phái Lý tưởng mạo hiểm đi lạc vào con đường khoa học.

Trên phương diện chính trị, Âu châu là nơi những khác biệt giữa quốc gia trồi lên ở thế kỷ 19. Thời trước, không vậy. Rất có thể là giữa Anh và Pháp có chiến tranh, nhưng khi đó một người quí tộc Anh vẫn đến ở Địa Trung Hải để tránh mùa đông. Chiến tranh dẫu xấu xa thế nào chăng nữa còn là một chuyện chưa căng thẳng đến bạo liệt. Nhưng rồi những cuộc chiến lớn trong một trăm năm vừa qua đã thay đổi cả. Như mọi phạm vi khác, chiến tranh cũng hữu hiệu hơn. Sự kiện xưa nay đã không đưa đến đổ nát cả thế giới là do thuộc tính bất tài của đám cầm quyền. Nhưng nay, nếu những chuyện công cộng rơi vào tay những nhà kỹ thuật chiến tranh kiểu giống Archimedes thì với bom nguyên tử chứ chẳng phải là súng ca nông, chúng ta chắc chắn sẽ đến chỗ tự hủy diệt.

Tuy nhiên, những thay đổi này chưa được nhận ra vào cuối thế kỷ 19. Ngược lại, trong một thời gian người ta lạc quan đến mức cho rằng với khoa học một Địa đàng rồi sẽ đến trên trái đất này. Những tiến bộ thần kỳ từ khoa học và kỹ thuật sẽ khiến mọi vấn đề con người đặt ra đều có giải pháp trong tầm tay. Vật lý Newton là công cụ sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Nhưng những khám phá của thế hệ sau đó là cú sốc lớn với những người cho rằng chỉ cần áp dụng lý thuyết tổng quát vào những trường hợp cá biệt là đủ. Thời chúng ta, những khám phá về cấu trúc nguyên tử đã làm tiêu tan cách nhìn hời hợt nói trên.

Những lạc quan tuy vậy vẫn còn rơi rớt đó đây. Phạm vi trong đó khoa học và kỹ thuật thay đổi thế giới tưởng như là vô tận. Đồng thời, cũng có những nghi ngại ở chính những chuyên gia rằng một ‘Tân thế giới can trường’[1] có lẽ chẳng có gì tuyệt diệu như những người lạc quan tưởng tượng. Một thế giới hữu hiệu và ổn định rất có thể, nhưng khốn thay cũng là thế giới trong đó mọi cố gắng tri thức cáo chung, trong khoa học cũng như mọi phạm trù khác. Ở nghĩ đen, giấc mơ này là ảo tưởng của Hegel. Nó xác quyết những mục tiêu tối hậu, và tìm kiếm truy lùng là phương tiện để cuối cùng đạt được mục tiêu. Cách thế này không hợp lẽ; trái lại, tìm kiếm truy lùng của nhân loại không có giới hạn như vậy. Có lẽ vì thế mà chúng ta thoát được những kiến trúc xã hội kỳ quặc hoang tưởng cứ thỉnh thoảng lại xuất hiện trong lịch sử.

Phạm vi kiểm soát khoa học rất rộng lớn. Nó đặt ra một vấn đề xã hội liên quan đến đạo đức. Nói cho cùng, những khám phá và phát minh khoa học hoàn toàn trung tính. Nhưng quyền năng của chúng trên chúng ta có thể hoặc tốt hoặc xấu. Vấn đề này không thật mới. Điều khiến khoa học trở thành nguy hiểm là sự tàn phá có tính hữu hiệu khủng khiếp nó có thể gây ra. Giao phó quyền năng này một cách bừa bãi mà không kiểm soát chắc chắn là đại họa. Chúng ta đã truân chuyên đi xa một con đường có từ thời cổ Hy Lạp, thời mà chặt một nhành cây ô-liu trong chiến tranh là một tội ác phải ghê tởm.

Sau khi đã cảnh báo một số điểm đáng nêu, có lẽ chúng ta cũng nên nhớ rằng rất khó mà nhận định đầy đủ thời chúng ta đang sống. Ngoài ra, phải nói rằng nền văn minh này qua lịch sử đã chứng minh rằng nó có khả năng thích nghi và chuyển mình những khi cứ tưởng rằng không còn hy vọng. Tuy thế, xin đừng quên chúng ta hiện đối mặt với những chuyện chưa bao giờ xảy đến. Một trăm năm qua, phương Tây đã thay đổi điều kiện vật chất ở mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Phản ứng của khoa học chống triết học ở mức độ cuối là phân tích từ lý thuyết Thực Chứng (positivism) của Comte. Vị này muốn loại bỏ những giả thiết, cho rằng những trình tự thiên nhiên không cần giải thích mà chỉ cần mô tả. Cách tư duy kiểu này phù hợp với sự lạc quan của nền khoa học thời ông. Chỉ khi người ta cho rằng khoa học đang tiến đến độ toàn hảo toàn túc thì mới có những ý kiến tương tự. Cần quan tâm ở đây người ta nhắc ý Newton một cách vặn vẹo sai lạc. Nói về di chuyển của ánh sáng, Newton cẩn thận bảo ông không đưa ra giả thiết nào, nhưng không vì thế mà cho là ông bác bỏ sự khả hữu của những giả thiết. Dẫu sao, một lý thuyết Vật lý như của ông có thể tồn tại mà không cần đến giả thiết nói trên. Trong chừng mực những khoa học gia tin rằng Newton đang giải quyết mọi vấn đề quan trọng, họ có thể chỉ đòi hỏi mô tả hiện tượng chứ không nhấn mạnh đòi hỏi giải thích. Những triết gia phái Lý tưởng theo thế cách của Hegel tìm cách lùa tất cả những truy cứu vào một hệ thống. Chống lại, khoa học gia cho rằng những điều họ truy nguyên không thể tóm gọn trong một thứ triết học nhất nguyên. Còn về phần lý thuyết Thực Chứng, triết gia đòi hỏi ta phải ở trong vòng mô tả thực nghiệm, thế cách nhìn này là theo Kant và mồn đồ. Tìm căn nguyên một hiện tượng và giải trình nó, họ quay về noumena, khái niệm không cần giảng giải. Nhưng làm như vậy, thật chỉ là chuyện hoài công vô ích.

Luận giải ta vừa trình bày khá tượng trưng cho những nhà khoa học đi tìm cơ sở triết học cho hoạt động nghiên cứu. Khi tên Kant được gợi ra, phải hiểu là Kant không chính thống. Như ta biết, lý thuyết về tri thức của Kant đặt lý giải như điều kiện tiên khởi cho kinh nghiệm thực chứng. Đối với những nhà khoa học viện dẫn Kant, mọi lý giải đi qua hay vượt trên thực chứng đều phi khoa học. Chắc chắn, những nhà khoa học phái Thực Chứng này không thật hiểu gì về Kant.

Người đại diện cho những nhà khoa học này là E. Mach (1838-1916), tác giả cuốn “Khoa học Cơ học” (Science of Mechanics), đã đưa ra một tổng kết chứng nghiệm về Cơ học. Ông tránh ngôn ngữ Kinh Viện mà ta từng thấy trong trước tác của Newton về Vật lý. Chẳng hạn như về khái niệm Lực.

Lực là cái ta không thấy bằng thị giác được. Cái ta nhìn là những vật chuyển động theo một hướng nào đó. Mach bỏ xử dụng từ Lực, thay vào đó ông định nghĩa nó bằng khái niệm gia tốc. Mach không có ý xây dựng một thứ Cơ học có thẩm quyền khoa học gì đặc biệt. Ông chỉ áp đặt lưỡi dao Occam để cắt bỏ những quan niệm thừa thãi. Chúng ta không xét việc này ông làm được đến đâu, nhưng nhấn mạnh về một điểm trong phương pháp luận. Bác bỏ hoàn toàn vai trò giả thiết là không hiểu gì về diễn giải trong khoa học. Một giả thiết có chức năng này khi nó ‘cứu vãn hiện tượng’ và cho khả năng dự phóng tuơng lai. Không phải là đối tượng cho nghiên cứu, nó là công cụ diễn giải khi nó không vi phạm đến những sự kiện. Và nó diễn giãi được chính vì nó không được diễn giải. Chỉ khi nó không làm chức năng nói trên thì ta mới lại cần những giả thiết khác – những giả thiết không cần diễn giải- để làm cơ sở. Điều này chẳng có chi là huyền bí. Chúng ta chẳng thể nào giải thích tất cả cùng một lúc. Nhưng đây cũng không phải là quan niệm Duy Nghiệm sai lầm theo đó ta chẳng có thể giải thích bất cứ một cái gì. Loại bỏ tất cả mọi giả thiết, ta sẽ làm được gì trong khoa học? Trong trường hợp này, ta chỉ là những xếp loại theo cách thế của Bacon, và ta biết rằng không thể đi xa hơn.

clip_image002 Ernst Mach

Những sự kiện khoa học tiếp tục phát triển mâu thuẫn với quan điểm Thực chứng của Mach. Trước tác của Meyeson[2] (1859-1933) phê phán thuyết Minh Chứng qua nhận thức luận của Kant, nhưng không được chi tiết lắm.

Tìm cách thay thế cho cái gọi là ‘siêu hình học’, những triết gia khoa học (scientific philosophers) thường sa vào những khó khăn siêu hình, điều chẳng có gì đáng lạ. Có thể đúng khi họ bác bỏ tư biện siêu hình mơ hồ của triết gia, nhưng họ quên rằng nghiên cứu khoa học buộc phải phát xuất từ cơ sở một số giả định tiên khởi. Trên điểm này, Kant đúng. Lấy thí dụ, quan niệm tổng quát về tương quan nhân quả là điều kiện tiên quyết cho công việc khoa học. Đây không phải là kết quả của một nghiên cứu nào mà là giả thiết mà không có nó không nghiên cứu khoa học nào lại tiến hành được. Nhìn dưới dạng này, những đóng góp về triết học của những nhà khoa học không mới như khi ta tiếp cận chúng những lần đầu.

Về ý nghĩa những phát biểu và thủ tục tiến hành khoa học, phương thức dùng toán học thành nền nếp. Những phát kiến về sau thoát ra cách thế nhìn thế giới của Newton. Nhưng những khoa học gia lẽ ra phải nhìn khác thì họ lại xử dụng toán để diễn dịch thế giới hiện tượng. Giai đoạn trung chuyển của tính toán chỉ làm vai trò phụ để đến kết quả cuối cùng. Và dẫu không phải là phổ quát, cách thế này rất thời thượng, gợi lại sự huyền bí của những con số trong thời Pythagoras và sau này trong phong trào Phục Hưng.

Trong triết học, khuynh hướng chính là sáng tạo ra một cái gì tách rời khoa học. Điều này đúng chẳng những với truyển thống Lý tưởng ở Đức mà còn cả với Triết lý Ngôn ngữ (linguistic philosophy) ở Anh. Với trào lưu này, công việc của triết học không phải là khám phá mà là đánh giá những diễn dịch nghiêm túc những gì đã được số đông công nhận. Thật ra, xưa nay triết học đều làm như vậy. Tuy nhiên, cũng nhắc rằng những quan điểm triết lý khác biệt có thể gợi ý và đỡ đần cho những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học.

Trường phái Lý Tưởng du nhập từ lục địa trở thành thống soái trong địa hạt Triết học. Ở Anh quốc, mưa đến từ Ái Nhĩ Lan và chủ nghĩa Lý tưởng từ Đức. Khuôn mặt nổi trội tuy thế không theo hẳn truyền thống Hegel là F.H. Bradley (1846-1924). Ông học rồi giảng dạy ở Oxford, bác bỏ thuyết Duy Vật, đi tìm Tuyệt đối ở Thượng Đế hay Thiên nhiên theo thế cách Spinoza chứ không phải là quan niệm Ý tưởng tuyệt đối của Hegel. Về phương pháp biện chứng, ông không theo nguyên tắc phát triển hữu cơ đề xướng bởi Hegel mà quay về truyền thống Plato và trường phái Eleatic trước đó. Bradley vấp vào khó khăn khi ông chống lại quan điểm nhất nguyên theo thế cách của Socrates và những người theo trường phái Pythagoras. Ông đề nghị đi xuống một tầng sâu hơn tư duy duy lý, ở mức độ kinh nghiệm và cảm thức. Ở đó, chúng ta có thể đề cập đến hiện thực, và tư duy, theo ông, đều thuộc vào thể loại xuyên tạc thực tại. Nó cho ta cái bề mặt (hiện tượng), làm lệch lạc thực tại qua cách xếp loại những tương quan. Bradley cho rằng quá trình tư duy tự thân hàm ẩn những mâu thuẫn dương bẫy đánh lừa chúng ta. Quan điểm này được trình bày trong tác phẩm “Bề mặt và Hiện thực” (Appearances and Reality).

Lý luận của Bradley trên tư duy là tính liên hệ của nó buộc phải dẫn đến những mâu thuẫn. Để kết luận như vậy, Bradley dùng cách luận giải với một đệ tam nhân như Parmenides dùng khi chỉ trích thuyết lý Tham gia của Socrates. Một mặt, phẩm tính và liên hệ khác biệt, mặt kia, chúng lại cố kết, ta phải phân biệt một phẩm tính với cái liên hệ đó. Nhưng phẩm tính có nhiều phần, và ta lại gặp khó khăn khi ta liên hệ những phẩm tính đa tạp đó với nhau. Đây là những liên hệ mới và chính thế mà luận giải với đệ tam nhân có chỗ đứng.

Phạm trù tư duy, trong đó có khoa học, hàm ẩn mâu thuẫn và thuộc về “bề mặt” hơn là thực tại. Vòng vo nhưng rồi cũng đến cùng một kết luận với Hume, Bradley đi theo con đường lý giải khác. Nhưng cũng như Hume, ông bác bỏ khái niệm bản thân (self) vì nó tùy vào những liên hệ của nó. Với Thượng Đế trong những tôn giáo, Bradley cũng chỉ coi là cái bề mặt hiện thực với lập luận tương tự.

Sau khi bác bỏ bề mặt hiện tượng, Bradley tìm thực tại trong quan niệm Tuyệt đối. Quan niệm của ông có vẻ dính dáng đến quan niệm Eleatic về Một (nhất thể), là cái cảm nhận từ bên trong, trực tiếp và tức thì hơn tư duy Duy lý. Trong cái Một Tuyệt đối này, mọi khác biệt được tổng hợp và mọi mâu thuẫn được hóa giải. Tư duy của ta trong đời sống thường nhật cũng như trong phạm vi khoa học thường cũng như vậy. Vì thế, xấu xa tội lỗi ta vi phạm cũng là bề mặt của một thế giới. Nhưng ở cấp độ của Tuyệt đối, tất cả những bất toàn bất hảo này sẽ rồi biến mất.

clip_image004

F.H. Bradley

Một hình thức Lý tưởng khác cũng từ Hegel được thể hiện phần nào trong trước tác của Benedetto Croce (1866-1952) mà ảnh hưởng của Vico là chủ đạo. Croce không phải là một triết gia kiểu hàn lâm và suốt đời hoàn toàn độc lập về mặt kinh tế mưu sinh. Nhờ tiếng tăm quôc tế, ông sống sót thời Phát-xít, và sau Thế chiến ông đảm nhận nhiều trách vụ trong chính phủ Ý.

Croce viết rất nhiều về lịch sử và văn chương. Năm 1905, ông sáng lập tạp chí ‘La Critica’ và là chủ biên. Nét nổi trội trong triết luận của ông là Mỹ học, kinh nghiệm cụ thể của trí tuệ được thể hiện khi nó chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật.

Tính nhất nguyên không chấp thủ những khó khăn nhận thức theo phái Duy Nghiệm ở Anh. Croce chia sẻ quan niệm hiện thực chỉ là một thuộc tính tinh thần. Quá trình trí năng xung động trong sự chinh phục những cản trở chướng ngại có nguồn gốc biện chứng, và dù Hegel có đề cập, Croce không chấp nhận mà quay về công án ‘verum factum’ của Vico. Dẫu gì, ông biết những điểm yếu của Triết lý Hegel, chẳng hạn như ứng dụng của biện chứng vào Thiên nhiên. Về vấn đề phát triển của biện chứng, sự tiến đến mục đích tối thượng hầu như có vướng mắc. Croce bảo lưu quan niệm phát triển, nhưng không theo thế cách của Hegel. Ông bác bỏ quá trình biện chứng và thay vào đó, ông áp dụng lý thuyết biến dịch của Vico. Ông cho rằng phát triển có tính chu kỳ tuần hoàn, những vận hành chuyển động rồi cũng trở về điểm khởi phát ban đầu. Cách thế này có từ Empedocles thời cổ-Hy Lạp. Tuy nhiên, những chuyển dịch theo Croce có tính tiệm tiến và vì thế, khi quay về khởi điểm, trí tuệ tiếp thu được những nhận thức mới.

Mặc dầu phủ nhận nhiều điểm trong triết luận Hegel, Croce vẫn rất biện chứng trong tư duy. Trong trước tác “Mỹ học” (Estetica) năm 1933, ông dùng những luận điểm rất sát sườn với Lôgíc Hegel. Ta trích “Tương quan mật thiết giữa cái đúng và cái sai nằm ở chỗ cái sai hoàn toàn (utter error) không thể quan niệm được, và vì thế nó không tồn tại. Cái sai nói với hai giọng, một giọng kêu lên là sai nhưng giọng kia bảo là đúng, và đó là một mâu thuẫn”. Từ đó, Croce cho rằng liên hệ của trí tuệ với hiện thực là toàn túc. Không có gì trong thế giới này mà ta lại

clip_image006 Benedetto Croce

không có thể khám phá ra. Cái gì ta không quan niệm được, nó không tồn tại. Điều này trái nghịch với Bradley, theo đó “cái có thể là và phải là, tồn tại”, cách ông nói rằng cái ta quan niệm được ắt phải tồn tại. Cuối cùng, ảnh hưởng của Hegel khiến Croce giới thiệu Vico như một nhà tư tưởng Duy Lý ở thế kỹ 19, nhưng sự thật ông này vốn là truyền thừa của Plato ở thế kỷ 17.


[1] Brave New World, chữ của Huxley trong tiểu thuyết 1984, miêu tả xã hội toàn trị với khoa học và kỹ thuật độc tôn.

[2] Người Ba Lan, sống ở Paris, là Hóa học gia và được T. Kuhn trong “Cuộc Cách Mạng Tư duy Khoa học” (Revolution of Scientific Thinking) coi là nhà Nhận thức học rất có ảnh hưởng.

Comments are closed.