Minh triết phương Tây (kỳ 28)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Triết học đương đại (tiếp theo)

Ở Pháp, triết gia nhiều ảnh hưởng nhất cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 là Henri Bergson (1859-1941), người đã bài bác khoa học, và theo truyền thống tư duy Rousseau trong phong trào Lãng Mạn. Giống như những người thực dụng, ông cổ võ cho hành động trên mọi sự. Về điểm này, ông mất kiên nhẫn trước những động thái suy tư quá thận trọng và không mang dấu vết đam mê trong tư duy triết lý và khoa học mà tiêu chuẩn hàng đầu là đạt đến chính xác. Quan niệm này phát xuất từ Descartes trong “Diễn ngôn về Phương pháp luận”. Khi cố gắng nắm bắt những xung động của kinh ngiệm để diễn tả chúng trong phạm vi ngôn ngữ, chúng ta hầu như chặn dòng chảy hiện thực (flux of reality) để cấu tạo lại chúng với hình thể mờ nhạt và tĩnh lặng. Đây lại là vấn đề Heraclitus và Parmenides đã từng đặt ra. Điều Bergson nhắm là nâng dòng chảy hiện thực này lên mức sinh động để chống lại những hình thức nhại lại cứng ngắc của lý tính.

Đến đây, Bergson khiến ta nhớ đến vấn đề của Bradley. Nhưng lời giải của ông cho chúng thật khác. Với Bradley, siêu hình học gắn kết với lý thuyết Lôgíc, đặc biệt là lý thuyết nhất quán về sự thật. Về phần Bergson, chính Lôgíc là chướng ngại phải vượt qua. Trong nghĩa này, Bradley duy lý trong khi Bergson thì ngược lại.

Khác với trường phái Lý Tưởng và học thuyết Duy vật nhất nguyên của thế kỷ 19, Bergson quay trở về cách nhìn thế giới theo thuyết nhị nguyên. Sự phân chia vũ trụ tuy vậy không còn theo đúng như lý thuyết nhị nguyên có trước. Một bên, là vật chất như với Descartes, nhưng bên kia không phải là phần trí tuệ của thế giới duy lý mà là một nguyên tắc sinh động (vital principle). Hai lực chính này tham gia vào cuộc đấu tranh thường trực trong đó phần xung động của sự sống cố gắng vượt qua những trở ngại do vật chất ù lì (inert material) gây ra. Trong quá trình này, sinh lực (life-force) được đúc nặn từ điều kiện vật chất nhưng, như một đặc thù thiết yếu, nó vẫn tự phát và tự do hoạt động. Bergson phản bác lý thuyết tiến hóa truyền thống vì những tương quan thuần duy lý không cho phép có gì thật sự mới có thể xuất hiện. Ông cho rằng tiến hóa là đưa đến những cái mới, và đích thực là sáng tạo, ở nghĩa đen. Nguyên lý này được ông trình bày trong trước tác “Tiến hóa Sáng tạo” (Creative Evolution). Quá trình sáng tạo này hệt như sáng tạo nghệ thuật. Giống một nghệ sĩ tác nghiệp vì thôi thúc sáng tạo, sinh lực tác động lên Thiên nhiên cùng một cách. Những vận hành tiến hóa đều xảy ra trong sự thôi thúc thường xuyên của sáng tạo nhằm khai sinh những đặc tính trước đó chưa hiện hữu.

clip_image002 Bergson

Với con người, quá trình tiến hóa cho ta thấy đây là một sinh vật mà trí năng trùm phủ lên bản năng. Điều này, cũng như với Rousseau trước ông, không có gì mang đến những phân giải tích cực. Trí năng thường làm cho bản năng khập khiễng và xâm phạm tự do của con người. Nó áp đặt giới hạn những quan niệm và thành kiến có sẵn, làm lệch lạc méo mó hình ảnh của thế giới. Đây là một bước lùi khá xa với quan điểm duy lý cho rằng trí năng là một chủ lực giải phóng con người.

Hình thức cao nhất của bản năng là trực giác (intuition), một yếu tính của hoạt năng trí tuệ trực tiếp hiệp thông với thế giới. Ở nơi trí năng (intellect) làm méo mó, trực giác nắm bắt kinh nghiệm như chính chúng là. Theo Bergson, vấn đề với trí năng là nó chỉ thích hợp trong thế giới vật chất bất liên tục. Cách thế này liên hệ với quan điểm cho rằng ngôn ngữ là khuôn mẫu cho những khái niệm rời rạc khác biệt. Với đời sống, tự thân liên tục, trí năng không thể nào nắm bắt và hiểu được và vì thế mà ta phải trở lại với trực giác. Theo Bergson, trí năng và trực giác giống như sự phân biệt không gian và thời gian. Trí năng phân cắt thế giới ra từng mảng để phân tích trong bối cảnh phi thời gian, giống như trong một giấc mơ. Sử dụng thuật ngữ phân biệt tính lý thuyết với tính thực dụng, ta bảo trí năng là lý thuyết. Nó nắm bắt thế giới theo thế cách hình học, trong đó có không gian chứ không có thời gian. Nhưng mọi đời sống thực tế đều trải nghiệm qua thời gian, và vì thế, trực giác trở thành điểm tựa. Phân biệt dựa trên không gian mà trí năng đề đạt có những tương ứng, nhưng nó là chướng ngại để thâu tóm hiểu biết về đời sống. Thời gian trong Vật lý không là thời gian thực sự, mà là một biến số mang tính ẩn dụ của không gian. Thời gian của con người khác, nó đến từ trực giác và được Bergson gọi là duration [xin tạm dịch là thời khoảng]. Đây là một khái niệm không dễ giải thích. Bergson có vẻ cho đó là kinh nghiệm nhận được qua cảm thức khi ta buông thả trôi giạt với thời gian mà không bị lý tính chi phối. Khái niệm này dính đến nhận thức Hiện sinh do Kierkegaard đề xuất, và sau có bổ sung bởi nhiều triết gia Hiện sinh khác.

Lý thuyết thời gian của Bergson gắn kết với luận giải về trí nhớ, là những điều liên hệ từ quá khứ đến hiện tại mà trí tuệ nhận thức được. Quá khứ thụ động, trong khi hiện tại chủ động. Cách nói này khiến Bergson lý giải khó khăn về khái niệm thời khoảng vì nó giả dụ thời gian tiệm tiến như trong toán học. Quá khứ khác hiện tại chỉ có nghĩa khi có, hay không, hành động. Ngoài ra, ta còn thấy dăm lẫn lộn vì có hai ý nghĩa gắn vào trí nhớ. Đôi khi, ta hiểu nó là hoạt năng của trí tuệ, nhớ ở đây và ngay bây giờ. Đôi khi ta lại hiểu nó là những chuyện đã xảy ra và nay được ghi nhắc lại. Lẫn lộn giữa hoạt năng và đối tượng ghi nhớ, Bergson trộn quá khứ vào hiện tại một cách không mấy rõ ràng.

Chống lại thế cách Duy Lý, nhưng Bergson không cho chúng ta lý lẽ đúng sai gì về những điều ông đề nghị. Ông viết bay bướm và phẩm chất thơ trong cách diễn đạt dẫu rất quyến rũ nhưng không thể thuyết phục được người đọc. Đây là khó khăn của nhiều thể loại châm ngôn tìm cách tước bỏ lý lẽ. Dễ hiểu, là vì muốn được chấp nhận tức phải chuyển văn bản vào phạm vi của lý giải duy lý. Hay nhất, có lẻ ta coi lý thuyết của Bergson là một đề xuất về diện tâm lý của thực chứng ở ngoài phạm vi Lôgíc. Trong nghĩa này, nó thể hiện một khuynh hướng trong Tâm lý học. Nhận xét này cũng áp dụng vào triết thuyết Hiện sinh. Một phát triển cơ bản trong Tâm lý học là Phân tâm học. Nhưng trước khi đề cập đến bộ môn này, ta cần nói về một khuynh hướng đối chọi với nó có tên là thuyết Hành vi (behaviourism).

Học phái Hành vi trong Tâm lý học thoát thai từ quan điểm Thực chứng. Nó phủ nhận những gì mù mờ trong kiểu soi rọi nội tâm (introspection) và chỉ chấp nhận những hành vi nhận xét được. Mọi hành vi mô tả cách ứng xử trong những trường hợp rõ rệt, với mọi quan sát đều có thể chứng nghiệm với những phương pháp khoa học như những nhà Vật lý học. Một đề nghiên khái quát của bộ môn này là tìm ra những diễn giải tâm lý trên cơ sở của lý, hoá và sinh học. Những gì học phái Hành vi hy vọng cống hiến như vậy vừa Duy vật và vừa có tính Thực chứng. Một trong những triển khai được nói đến nhiều nhất là công trình về những phản xạ điều kiện của nhà Sinh lý học người Nga tên I. Pavlov (1949-1936). Ông này làm thí nghiệm với chó, cho chúng ăn đồng thời làm một dấu hiệu, chẳng hạn như giơ một tấm bảng lên. Chó nhỏ rãi khi thấy thức ăn, dĩ nhiên. Nhưng sau, chỉ cần giơ tấm bảng, chúng cũng nhỏ rãi cứ như là có thức ăn vậy. Rãi nhỏ là một tác động sinh lý, và nó được gọi là một phản xạ có điều kiện.

Những nghiên cứu theo phương pháp Hành vi chỉ rõ rằng qua thực tế quan sát được có những liên hệ giữa những sự kiện có thể thay đổi được bằng cách thay đổi những thói quen. Trên điểm này, những diễn giải Tâm lý liên kết (associanist psychology) theo cách thế của Hume là truyền thống. Thêm vào đó, một thuộc tính suy diễn ra được là ta không cần mặc nhận một thực thể mù mờ như tư tưởng. Tất cả cái có thể nói đều là những liên hệ giữa những sự kiện quan sát được.

Phát biểu vừa nói có lẽ cực đoan và cần thêm thẩm định. Tuy nhiên, với mục đích của chúng ta, có lẽ chỉ cần vạch ra một khuynh hướng. Trong Triết học, một triển khai tương tự trong bộ môn Ngôn ngữ. Thay bằng ngôn ngữ thông tục trong những trường hợp thích nghi, con người có thể từ bỏ ý nghĩa của ngôn ngữ truyền thống. Thế là hệt như những con chó của Pavlov, như một giả định, chúng ta chỉ có thể nhỏ nước rãi chứ không bao giờ tư tưởng gì cả.

Những người phủ nhận nó từ quan điểm Thực chứng cũng lại không tường tận về chức năng của giả thiết trong phương pháp khoa học. Nhưng ta quay về Freud và ghi nhận rằng lý thuyết ông đề xuất đã đưa đến nhiều triển khai quan trọng trong Tâm lý học. Đầu tiên là lý thuyết về những giấc mơ, xuất bản năm 1900, dưới đề tựa “Diễn giải những Giấc mơ” (Interpretation of Dreams). Và thứ đến là lý thuyết về quên lãng mà một ấn bản phổ thông năm 1904 có tên là “Bệnh lý Tâm lý trong Đời thường” (Psychopathology of Everyday Life).

clip_image004 Pavlov

Điều phân biệt những giấc mơ với khi ta tỉnh và nhận thức được là khi mơ, ta tự do có những tưởng tượng mà lúc tỉnh, vì những sự kiện thực tế ngăn chặn, ta không có được. Sự tự do này tuy thế chỉ ở bề mặt chứ không thật. Giả thiết khái quát của Freud là trong những giấc mơ ta đạt được những uớc vọng mong muốn mà trong đời thường chúng bị cấm đoán kìm hãm vì nhiều lý do. Về cơ chế của sự cấm đoán cũng như cấu trúc tỉ mỉ của bộ máy tâm lý cá nhân, chúng ta không đi sâu vào ở đây. Có lẽ là đủ khi ta tóm gọn rằng người nằm mơ tái tạo nhiều yếu tố của kinh nghiệm gần nhất, và những ước muốn bị kiềm hãm chẳng chỉ mới đây mà có thể có ngay khi còn thơ ấu. Công việc diễn giải của Tâm lý gia là tháo gỡ ý nghĩa thực sự của những giấc mơ. Điều này đòi hỏi nhận thức những biểu tượng nằm trong quá trình kiềm hãm che dấu những sự thật không được chấp thủ, hoặc những gì không thật bởi chúng nghịch lại thói thường. Trong quá trình diễn giải, Freud liệt kê những biểu tượng, nhưng nói cho công bằng, ông cẩn thận khi sử dụng chứ không như những kẻ theo lý thuyết của ông. Về mặt liệu pháp (therapeutic), ta nhớ ông là bác sĩ, và phân tích tâm thần (psycho-analysis) của quá trình nói trên theo ông cần có để điều chỉnh những rối loạn não trạng (neurotic disorders) gây ra bởi sự đè nén kìm hãm. Phân tích đó không đủ để chữa trị, nhưng là một yếu tố cần. Quan niệm liệu pháp qua hiểu biết không mới. Ngay từ thời Socrates, quan niệm này từng có. Ngôn ngữ học thời nay cũng có những quan niệm tương tự về cái chuyên gia gọi là neuro-ngôn ngữ (linguistic neuroses) có thể được chữa trị. Ngược hẳn với lý thuyết nói trên là học thuyết mang tên nhà Tâm lý học Sigmund Freud (1856-1939). Phát xuất từ quan điểm sinh học, Freud chuyển dần qua tâm lý, phạm vi có những thực thể ẩn tàng. Khái niệm quan trọng hàng đầu trong lý thuyết của ông là vô thức, điều không thể quan sát trực tiếp được. Tạm để sang một bên lý thuyết này đúng sai thế nào, nhận xét ngay rằng giả thiết của Freud không phải là hoàn toàn có tính hoa học.

Về sự quên, Freud cũng liên kết nó với một cơ cấu kìm hãm tương tự. Ta quên, bởi ta sợ nhớ. Để chữa bệnh quên, ta phải hiểu điều gì khiến ta không muốn nhớ. Lý thuyết của Freud chỉ ra hướng nghiên cứu khoa học về những giấc mơ. Không phải mọi điều ông phát biểu đều có cơ sở thuyết phục. Liệt kê những biểu tượng của ông không được chấp nhận toàn bộ. Nhưng ông mang lại cho bộ môn Phân tâm phạm vi của những kiềm hãm và ức chế sinh lý mà nay được chấp nhận như những bệnh lý. Song người ta cũng từ đó lạm dụng để biện minh cho nhiều lộng hành.

Từ đầu thế kỷ 20, lực chính trong Triết học ở Mỹ là chủ nghĩa Thực Dụng được điều chỉnh lại. Người đại diện của khuynh

clip_image006

S. Freud

hướng này là John Dewey (1859-1952). Gốc New England, ông thủ đắc truyền thống tự do của vùng đất này. Quan tâm đến nhiều vấn đề, ông thường đi ra ngoài giới hạn của những vấn đề triết học. Có lẽ phạm vi ông có ảnh hưởng hơn cả là Giáo dục, vấn đề ông thảo luận từ năm 1894, khi ông trở thành Giáo sư Triết ở đại học Chicago. Trong thời kỳ này, sự phân biệt giữa giáo dục ở cách nhìn truyền thống với việc huấn nghệ đòi hỏi bởi một xã hội ngày càng kỹ thuật trở thành không mấy rõ ràng, một phần là do ảnh hưởng những công trình của ông.

Trong triết lý của Dewey, có ba khái niệm quan trọng. Thứ nhất là yếu tính thực dụng ta vừa nói ở trên mà ông chia sẻ với Peirce về tầm quan trọng. Thứ nhì, là hành động, ông lại gần Bergson hơn là chủ nghĩa Thực dụng. Đúng là chủ nghĩa này cũng đề cao hành động, nhưng nhắc lại là James hiểu sai Peirce, và hành động với Peirce là cái giống như Vico mường tượng khi ông đưa ra công án ‘verum factum’. Thứ ba, trong lý thuyết của Dewey ta thấy nặng tư duy Hegel khi ông cho rằng đối tượng tối thượng để nghiên cứu là cái toàn thể đồng nhất hữu cơ. Những giai đoạn Lôgíc trong quá trình thực hiện này được xem như công cụ, rất mật thiết với biện chứng Hegel theo đó khái niệm công cụ của Lôgíc chỉ là phương tiện để đạt được một hệ thống toàn túc. Theo khuynh hướng Thực dụng, Dewey tránh bị ngáng chân với quan niệm về sự thật và sự sai lầm đến từ triết lý Pythagoras và Plato. Thay thế những quan niệm trên, Dewey đề ra tính khả thể xác quyết (warranted assertability). Quan niệm này đến từ Pierce, mặc dầu chính Pierce lại cho rằng cho mỗi một câu hỏi dẫu xa vời cách mấy ta cũng sẵn có một câu trả lời.

Trên vấn đề làm sao lơ đi sự thật một cách tuyệt đối, chúng ta có thể áp dụng phê phán liên quan đến Protagoras thời cổ-Hy Lạp. Giả thử có ai đó bảo tôi là một kẻ gây phiền lụy. Nếu tôi thực dụng, tôi sẽ hỏi hắn có gì đảm bảo lời hắn, thì hắn trả lời thế nào? Có thể hắn có lợi khi nghĩ như vậy về tôi, và sẽ khẳng định là có trong trường hợp này. Nhưng bảo có hay không đều đi ra ngoài nguyên tắc thực dụng. Bởi đây không còn vấn đề gì đảm bảo. Hắn không nghĩ tới tính thiết thực qua đảm bảo, nhưng điều này đưa thẳng đến vấn đề hồi qui vô hạn (infinite regress)[1]. Ngược lại, hắn đáp có hay không, hắn đều có nhận thức về ý nghĩa tuyệt đối của sự thật. Điều này không liên quan đến chuyện hắn có thể lầm lẫn, và dẫu đáp có hay không thế nào đi chăng nữa, hắn chấp thủ một tiêu chuẩn tuyệt đối về sự thật khi trả lời. Phê phán vừa đề cập không chỉ áp dụng vào phái Thực Dụng mà còn với tất cả những lý thuyết tìm cách định nghĩa sự thật bằng những tiêu chuẩn khác chính nó.

Không mấy khó khăn để thấy những cố gắng đưa Lôgíc vào hành động. Ở mức độ cơ bản, cách thế khách quan truyền thống của Lôgíc, như Bergson từng than vãn, không thật sự đem lại sáng tạo trong thế giới. Nhu cầu phát kiến cái mới và phát triển xã hội khiến ta có những luận giải lý thuyết đi ra ngoài tư duy Duy lý. Nhưng ở đây, cuối cùng, có sự lẫn lộn giữa vận hành đa dạng của con người với phạm vi bất biến trong đó những vận hành đó được biểu hiện qua ngôn từ và Lôgíc. Không nhận thức được những tiêu chuẩn khiến con người có thể quên mất giới hạn về quyền năng và dẵm chân lên những giới hạn của mình.


[1] Vấn đề này đặt ra khi một mệnh để P1 về một sự thật nào đó cần hỗ trợ của mệnh đề P2, và cứ thế cho đến Pn-1 cần hỗ trợ của Pn, với n tiến tới vô cực. Sự thoái bộ này đưa đến tính không hợp cách khi để giải quyết một vấn đề ta lại đưa nó lại trong lời giải, và rồi lập đi lập lại cho đến vô cùng mà không thể có lời giải. Tuy nhiên, lưu ý không phải sự thoái bộ nào cũng đều không thích hợp như trên.

Comments are closed.