Món quà cho bố

Kiều Loan

Bố ạ, một vài người bạn của Bố vừa lại chơi, con tiếp chuyện, và họ nhắc đến bố nhiều. Sau thì nhắc đến Hà-Nội, chợt khơi dậy trong con hình ảnh những ngày cuối cùng con ra Hà-Nội thăm Bố cuối năm….

Mưa như bụi lấm tấm ướt cả mặt, bay bay như những giải mây trắng xóa cả mặt hồ, trải dài trên đường tiễn con ra ga Hà-Nội. Buổi chia tay nào chả là nghẹn ngào hả Bố? Con chắc Bố cũng thế!

Đi bên nhau bố con mình vẫn im lìm như mỗi người cố giữ sự im lặng, để rồi sau này biết bao giờ mới lại có những giờ phút như vậy nữa hay không? Chị Hoàng Yến vẫn nắm chặt tay con không rời như linh cảm giữa chị và con là lần cuối cho sau này.

"Từ ấy rừng hoen cánh én vương

Mây trời Việt Bắc tím ly hương."

Bố có còn nhớ buổi chia tay ở phố Nỉ? Mẹ còn bế con trên tay của 28 năm về trước.

"Con mẹ hồng lên đường Thái Bạch

Lả ngọn vai gầy gió cuối đông."

Chị Hoàng Yến cũng thế, thỉnh thoảng hỏi con vài ba câu vẩn vơ như cố che dấu những xúc cảm đang tràn dâng. Con cũng thế, che dấu bằng những ầm ừ gượng gạo!

Còi tàu xé vang, bắt đầu chuyển bánh. Khuôn mặt Bố và chị Yến nhỏ dần… nhỏ dần, những cánh tay giơ vẫy, mưa vẫn nhạt nhoà ở sau lưng. Con hoảng hốt giật mình nhìn lại… có phải đây là lần cuối cùng mình giã từ người cha thân yêu, sau 28 năm gặp lại chỉ một thời gian ngắn ngủi?

Hình ảnh cha già, trên khuôn mặt cố gò lại những xúc động đang trào dâng. Những chia ly, hợp tan… có phải chăng đó là những định luật đã đặt sẵn do Tạo Hóa dành cho những con người nhỏ bé?

12 năm trôi qua.

Con chưa hề một lần về thăm Bố, thăm Hà-Nội. Những bể dâu, dâu bể, những quay quắt của đời sống vẫn thay phiên nhau lần lượt xuất hiện trước cuộc đời của mỗi con người.

Trong vòng 3 năm, sau khi bố con mình chia tay, Bố lại trở vào vòng tù đầy!!! Rồi hai cái tang liên tiếp xảy ra trong cuộc đời Bố.

Tang chị Hoàng Yến mang đi hai phần ba cuộc đời của Bố. Một người chị đã nhờ vào tài danh, giúp đỡ vật chất và che chở tinh thần cho Bố rất nhiều từ mười mấy năm qua. Và mẹ chị, nửa cuộc đời đã an ủi và chống đỡ bao nhiêu khó nhọc cho Bố cũng ra đi sau chị vài ba tháng. Tất cả đã vĩnh viễn ra đi! Bố ở lại cô độc! Người Bố đã suy sụp như chiếc lá dật dờ trôi theo dòng nước, chưa kịp gượng gạo vì tù đầy thì hai cái tang kế tiếp như một dòng nước lũ cuốn phăng đi tất cả nhựa sống, sinh lực. Những oan khiên liên tiếp giáng xuống đời Bố một cách tàn nhẫn không nương tay. Bên này bờ đại dương, thương nhớ Bố nhưng biết đến bao giờ bố con mình mới xum họp lại?

Con còn nhớ ngày xưa, những nhớ nhung non nớt của cô bé khoảng 9, 10 tuổi, tìm tin tức, hình ảnh của bố mình qua làn sóng điện. Những buổi tối con vẫn lắng nghe từng giọng nói, nói về "bên kia vĩ tuyến", mong đợi xem có ai nhắc đến Hoàng Cầm như Mẹ vẫn nhắc đến với những bài thơ mà nhiều người yêu thích. Nhưng rồi tin tức Bố vẫn mù mịt và mơ hồ!

Con nhớ dạo mới di cư vào Nam độ 5, 6 tuổi, Mẹ vẫn hay tập cho con… cười vang lên ha hả:

"Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng

Bạo chúa như ông, sướng hay khổ?

Trời đã sang thu, lá đã vàng

Ông khóc, hay cười trong nấm mộ?"

Khi bắt đầu lớn lên vài ba tuổi nữa, con bắt đầu đọc được những bài thơ của Bố trong tập thơ của Mẹ, dưới viết hai chữ Hoàng Cầm. Trong đầu óc non nớt vẫn xa lạ, và tưởng tượng một cách mạnh mẽ ra tác giả của câu thơ:

"Kiều Loan ơi khi mưa rụng đầu non

Quê hương ấy mịt mù bao tâm sự?"

Nhất là khi Mẹ vẫn hay bảo "mắt Kiều Loan thật là giống Bố".

Cho đến hôm nay, sau 28 năm trôi qua, được gặp lại Bố, một sự tan hợp của Tạo Hóa, Bố ở đây, trước mặt con. Lúc này Bố chưa đến 60 tuổi, mái tóc điểm sương, gò má cao, đôi mắt long lanh, Hoàng Cầm của "bên kia vĩ tuyến", bằng xương, bằng thịt. Người cha mà suốt trên 20 năm trông chờ và mù mịt, nay đã trùng phùng, đến lúc này con mới thấy rõ, con thật giống Bố. Chả thế mà trước kia những người bạn xưa vẫn nói với Mẹ, khi con còn bé, "nhìn Kiều Loan lại nhớ đến Hoàng Cầm". Và con đã sung sướng khi ở trong vòng tay thương yêu của Bố.

"Hoa ấm thu xưa nở cuối cành".

Và để được nghe Bố, tác giả của "Đêm Liên Hoan", của "Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng" giải nghĩa cho nghe về sự sắp đặt xoay vần của định mệnh, sự hợp tan của Tạo Hóa:

"Bẩy sắc mây chìm đợi bão tan

Hôm nào nắng xóa vết thời gian

Gò cao má ửng đùa Thiên mệnh

Em có về không? Hỡi tiếng vang!"

"Kiều Loan mẹ" của Hoàng Cầm trong trường thi bi hùng kịch dã sử và Kiều Loan của Bố đã không còn bao giờ trở lại con đường "Việt Bắc Tím Ly Hương". (Chắc có lẽ tại vì Bố đã ứng khẩu trong bài thơ "Mẹ và Con" khi nhận được tin con gái).

"Cả Thái Bình Dương là hạt lệ

Một người đi biệt một hành tinh

Cả dãy Trường Sơn là dấu phẩy

Ngắt dòng thơ trang sử u tình"

Chỉ còn lại con gái của Bố mang một cái tên của vở kịch.

Bố nhớ không? Hai bố con đã kể cho nhau nghe rất nhiều chuyện của suốt hơn 20 năm qua, hai cuộc đời với không gian, những ẩn ức, những chờ đợi đã nhạt nhòa theo thời gian và quên lãng theo định mệnh. Cho đến ngày thời thế xoay vần, bố con xum họp, để qua bóng dáng Bố, con tìm lại Bên Kia Sông Đuống như một bức tranh dân gian, hình ảnh quê hương nơi con sanh ra nhưng chưa hề một lần được nhìn ngắm. Dĩ vãng ấu thơ và những biến chuyển cuộc đời lại lần lượt trở về trong tâm trí con. Những hoài bão của con lại bừng lên.

Một vở kịch, con được đặt tên sau tác phẩm, đã hình thành, nẩy mầm trong con, để con có thể cảm nhận và hình dung ra như một bức tranh đủ màu sắc. Vai Kiều Loan đã thức dậy và già dặn hơn, ý thức hơn. Hình ảnh một cô gái thiết tha với triều đại Tây Sơn, tôn kính vị Anh Hùng Áo Vải. Một cái "Điên" thời đại đã nói lên tấm lòng nhi nữ yêu Tổ quốc. Bức tranh dân tộc, giang sơn gấm vóc, bao nhiêu tự tình, đã bị quên lãng. Nàng "Kiều Loan" bị gián đoạn bởi chiến tranh đã nằm yên trong đáy hồ Ba Bể và một nửa thế kỷ ngủ vùi trong thư viện, làm mồi ngon cho mối, dán.

Lòng thiết tha dựng lại vở kịch thơ này cũng chính là hoài bão của Bố, con biết. Cả một đời tận tụy với văn hóa nghệ thuật, Bố không thực hiện được, ngoài một lần trình diễn tổng dợt ở Nhà Hát Lớn Hà-Nội. Thế rồi chiến tranh đến!

Bố chưa một lần cầm tác phẩm của mình phát hành. Bố đã được gì đâu ngoài những bể dâu, tai ương, hẩm hiu! Tâm tư u uẩn, sâu kín chất chống lên đôi vai gầy, biết bao lần chống trả với sóng gió tả tơi. Nhưng oan gia vẫn như những khăn tang trắng dài đặc lên cả cuộc đời và nỗi lòng vẫn lắng đọng ở một góc xó của thư viện mục nát nào đó.

Những tiếc nuối một thời đại oai hùng, khí phách, tâm tư sâu kín của "Kiều Loan", những giọng thơ yêu nước chỉ được chép truyền tay qua những tâm hồn yêu thơ chứ không được phổ biến rộng rãi.

Kính Bố, món quà này biếu Bố, tập Kịch Thơ Bi Hùng Dã Sử.

Con biết Bố sẽ biết bao vui mừng khi nhận được món quà này từ con gái của Bố. Vì yêu nhân vật, yêu những lời thơ yêu nước, và yêu Bố, con muốn được đóng góp vào việc làm sống lại bộ môn kịch thơ trong lãnh vực văn học nghệ thuật nên đã 50 năm qua, "Kiều Loan" của Bố vừa được thực hiện, trình diễn và phát hành. "Kiều Loan" trên trang giấy. "Kiều Loan” được diễn ngâm trước những người yêu nghệ thuật và tác giả Hoàng Cầm.

Bố sẽ ngạc nhiên và hài lòng với món quà mà con biết cũng là ước mơ lớn nhất của Bố. Để không bao giờ Bố còn khắc khoải

"Đất Bắc ngậm ngùi thương phận bạc

Đìu hiu thân thế bến sông mưa

Chân ai đi lén về xa đó

Bỏ lại vườn hoang bóng nguyệt mờ

Nức nở canh khuya hoài thánh thót

Khóc làm chi nữa tuổi vương tơ".

Một chút đền đáp tình phụ tử đối với lòng thương yêu của con gái Bố.

KIỀU LOAN

California, Mùa Thu 1992

(Kiều Loan, kịch thơ, ấn hành tại California 1992)

Có thể là hình ảnh về văn bản*Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản cho biết 'gây n. Hoàng Cầm và con gái Kiều Loan. Ảnh: N.Đ.T'

 

 

Nguồn: FB E.E Emprunt Empreinte. Mượn Dấu Thời Gian

Comments are closed.