Mừng 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017) (4)

Chân thư ký hãng buôn

Phan An Sa

Năm 1918, ra Hà Nội viết cho Nam Phong tạp chí, nửa chừng, Phan Khôi xin thôi việc, về nhà. Năm 1919 anh vào Sài Gòn, trước viết cho tờ Quốc dân diễn đàn của ông Chủ nhiệm Nguyễn Phú Khai, về sau viết cho tờ Lục tỉnh tân văn, chưa được bao lâu thì bị giải chức. Thấy con tay trắng trở về, cụ Phan Trân cha anh rất phiền lòng. Cụ đã khuyên anh không biết bao nhiều lần, rằng anh là con độc đinh, như hũ mắm treo đầu giàn, lại đã có vợ có con, ở nhà lo chí thú làm ăn, thờ phượng ông bà tổ tiên, mới là phải đạo. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, loáng một cái là hết, nào có lâu la gì. Thấy cha phiền trách, Phan Khôi nghĩ về bản thân mà ân hận: té ra anh chẳng những là thằng người không biết chiều theo đời, mà còn là đứa con không biết chiều bụng cha!

Ở Sài Gòn về nhà vào đầu mùa Thu năm 1919, Phan Khôi nằm khoèo cho đến mùa Xuân năm sau. Anh, một mặt, tìm mọi cách làm cho người cha bớt bận tâm về mình, cụ mà quên anh đi thì càng hay; mặt khác tìm niềm vui ở người vợ hiền thảo và mấy đứa con thơ dại suốt ngày chạy chơi quanh quẩn trong nhà. Đã có lúc nản chí, anh thấy chán cái cảnh đeo đuổi với cuộc đời, nhưng còn chán hơn nữa là tự thấy mình thật vô dụng. Vì chí trai vẫn để tận đâu đâu chứ không phải để ở cái làng Bảo An bốn bề sông nước, nên cũng đã thêm mấy lần anh bẩm mạng cùng người cha để xin ra đi lần nữa. Thì cha anh một hai ngăn trở, không cho, nói thác đi rằng vận hạn của anh còn xấu lắm, dẫu có ra đi cũng chưa thể làm gì nên nỗi được. Đến nước đó thì anh đành bó tay, nên suốt cả mùa Đông năm đó, ngày nào anh cũng phải nốc rượu đến lử người đi, rồi tối đến, lại trốn đi đánh cờ đánh kiệu ở các nhà hàng xóm.

Sau Tết Nguyên đán, tháng ba năm 1920, người con trai lớn của ông chú Phan Định là Phan Hạnh – anh ruột Phan Thanh – qua đời ở Thanh Hóa. Tiếp được tin nửa đêm, Phan Khôi đi cùng ông chú xuống tỉnh thành Hội An để kịp lo giấy tờ cho việc hậu sự của chú em ở ngoài Thanh. Xong việc ở Hội An, ông Phan Định ủy thác cho người cháu ra thẳng Thanh Hóa trực tiếp giải quyết công việc ngoài đó, còn mình trở về Bảo An lo công việc ở nhà. Phan Khôi ra đến Thanh Hóa thì người em họ bất hạnh đã được an táng xong xuôi. Còn những rương hòm chứa ít tài sản của người em, anh tính đưa về bằng đường bộ không tiện, chi bằng đưa ra Hà Nội, rồi xuống Hải Phòng, theo đường biển mà chở về. Nghĩ sao, anh làm như vậy.

Đến Hải Phòng, Phan Khôi vô tình gặp Dương Tự Nguyên là người quen cũ. Dương Tự Nguyên trạc tuổi Phan Khôi, là con trai thứ ba của cụ Dương Trọng Phổ (1862 – 1927), quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Anh là em Dương Bá Trạc (1884 – 1944) và là anh của Dương Quảng Hàm (1898 – 1946), Dương Cự Tẩm, Dương Tự Quán (1901 – 1969). Dương Tự Nguyên từng du học Nhật Bản trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu – cùng lúc với Phan Khôi tham gia phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh – rồi về nước, có viết mấy cuốn sách, hiện đang sống tại Hải Phòng và làm việc cho một nhà băng Ăng-lê ở đây. Hai người hẹn gặp nhau lúc chín giờ tối tại vườn hoa trước Nhà hát Lớn thành phố, cùng ngồi trên một cái ghế băng dài bằng xi măng. Chuyện của hai bên thật nhiều, nói với nhau mãi cũng không hết. Sau cùng, Dương Tự Nguyên rủ Phan Khôi ở lại Hải Phòng, tìm chỗ làm, chơi cho vui. Đến mười hai giờ đêm, để kết thúc câu chuyện, Dương Tự Nguyên nói:

Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi! Nghĩa là: chúng ta bỏ nghề báo, qua nghề buôn, sao lại chẳng được?

Nguyên văn chữ Hán, câu đó là của Hoàng Đình Kiên, tự Sơn Cốc, hiệu Sơn Cốc đạo nhân, đỗ Tiến sĩ năm thứ ba niên hiệu Trị Bình (1066), là nhà thư pháp và nhà văn nổi tiếng về từ khúc thời Bắc Tống, Trung Quốc. Dương Tự Nguyên nói rút lại cho gọn, chứ nguyên văn đầy đủ của câu đó là: Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi, duy bất khả tục, tục tiện bất khả y. Nghĩa là: Kẻ sĩ sinh ra ở đời, có thể làm hàng trăm việc, nhưng không thể theo tục được, tục càng không thể chữa được.

Nghe nói thế, Phan Khôi hiểu rằng, người bạn muốn nhấn mạnh với mình cái ý kẻ sĩ sinh ra ở đời, có thể làm hàng trăm việc. Đã phải nói như thế nghĩa là bạn đã hết lòng với mình. Vả, Dương Tự Nguyên mượn câu nói của người xưa để chỉ hoàn cảnh của mình lúc này, cũng là có lý. Đã qua cái tuổi tam thập như lập mà còn lận đận, thì việc dừng lại để thử một nghề mới, cũng là điều nên làm!

Liền đó có người mách rằng ông Bạch Thái Bưởi chủ hãng tàu Bạch Thái đương cần một người thư ký thạo chữ Hán và Quốc ngữ, nếu biết thêm chữ Pháp thì càng hay, trả lương tháng chừng chỗ bốn, năm chục. Phan Khôi nghe thì bỏ bụng liền và quyết định ở lại Hải Phòng thêm một thời gian để thử vận may. Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932) tên thật là Đỗ Thái Bưởi, quê làng Yên Phúc huyện Thanh Trì, hồi xưa thuộc đất Hà Đông, nhưng làm ăn ở Hải Phòng. Năm đó ông bốn mươi sáu tuổi, còn Phan Khôi ba mươi ba. Đương thời ông là một doanh nhân nổi tiếng cả nước, đến người Pháp ở Việt Nam, cỡ Thống sứ Bắc Kỳ, cũng phải nể mặt. Người ta nói ông từ tay trắng, nhờ có gan mà làm nên nghiệp lớn. Sinh thời Bạch Thái Bưởi kinh doanh hàng hải, khai thác than đá và xuất bản in ấn. Ông nằm trong danh sách bốn người giàu nhất Việt Nam thời đó: nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi.

Theo lẽ, mình muốn xin việc thì viết thư cho chủ, kêu là đơn xin việc. Nhưng Phan Khôi không làm thế, mà viết một bức thư kể rõ sự tình với cụ Nguyễn Bá Học ở thành phố Nam Định, nhờ cụ tiến cử mình với ông chủ công ty Bạch Thái. Nguyên do là, năm 1908 ra Hà Nội, vì mật thám Pháp lùng sục dữ quá, Phan Khôi và vài người bạn phải lánh xuống Nam Định, rồi ở đó vài tháng và theo học tiếng Pháp với cụ Nguyễn Bá Học. Lúc anh trở lên Hà Nội thì bị mật thám Pháp bắt ngay, giải về Quảng Nam kêu án tù ba năm, giam tại nhà lao Hội An. Sau này, hễ có dịp ra Hà Nội là Phan Khôi lại dành ít ngày xuống Nam Định hầu chuyện cụ, vì vậy hai bên vẫn là chỗ qua lại gần gũi.

Quả nhiên, chỉ sau một tuần lễ, một ngày hạ tuần tháng tư Tây, lúc ba giờ chiều, có người nhà ông chủ Bạch Thái đến nhà Phan Khôi thuê trọ mời anh đến phòng giấy ông ấy. Phan Khôi có mặt ngay trong dáng dấp đặc sệt một anh nhà Nho trẻ tuổi, khăn đóng áo dài; ngược lại với ông chủ công ty Bạch Thái phương phi bệ vệ, trán cao, đầu hói, đóng bộ com-lê cà-vạt đặc Tây. Ông chủ tiếp khách với thái độ vui vẻ, cứ như hai người đã quen biết nhau từ trước, nay mới gặp lại. Được như vậy là nhờ ông chủ đã đọc bức thư của cụ Nguyễn Bá Học giới thiệu người học trò cũ từ hơn mười năm trước bằng những lời rất tốt đẹp, và nay ông được chứng kiến trước mắt mình một trang nam nhi dáng người cao lớn, vai rộng, hơi gầy, có đôi mắt sáng với ánh nhìn thẳng; nói năng, đối đáp gãy gọn, ra dáng một nhà Nho có học vấn nhưng không cũ kỹ. Ông chủ đã thấy ưng trong bụng.

Sau màn ra mắt, Bạch Thái Bưởi hỏi:

– Trước, anh làm ở Nam Phong, lương tháng bao nhiêu?

Phan Khôi thành thật:

– Dạ, chỉ hai chục. Nhưng chuyện ấy cách nay đã ba năm rồi. Vả, tôi thôi việc ở đó cũng đã lâu, bây giờ mọi chuyện đã khác.

Ông chủ mỉm cười, hỏi tiếp:

– Theo anh, bây giờ lương phải bao nhiêu?

Phan Khôi thẳng thắn:

– Năm chục là phải.

– Bốn chục thôi vậy!

Phan Khôi lặng thinh, không ra ưng thuận cũng không ra phản đối. Biết ý, ông chủ cố thêm lần nữa:

– Bốn lăm vậy?

Lặng đi một lúc, rồi khách ngẩng nhìn chủ nhà, không nói gì. Ông chủ như sợ để vuột khỏi tay một vật quý, đành nhanh nhảu:

– Ử, thôi, năm chục! Nhưng mỗi tháng anh phải để lại mười phần trăm, coi như tiền ký quỹ, chỉ nhận về bốn lăm đồng thôi.

Sang chuyện công việc thơ ký thì nghe ra cũng đơn giản. Hàng ngày Phan Khôi chỉ phải viết thư giao thiệp với khách hàng, khách đó thì hoặc là Hoa Kiều hoặc là người Nam mình. Hợp đồng làm thơ ký của anh được ký ngay hôm đó. Theo hợp đồng thì ngày 1 tháng 5 năm 1920 Phan Khôi chính thức làm việc cho công ty Bạch Thái. Tính ra thời giờ không còn bao nhiêu, vì vậy anh gấp gáp viết thư cho ông chú và ra Bưu điện gửi đồ đạc của người em họ về Bảo An. Viết thêm một cái thư ngắn trần tình với cha anh là cụ Phan Trân về công việc anh mới nhận tại Hải Phòng. Thế là anh trở thành dân ngụ cư đất Hải Phòng trong chân thư ký hãng buôn. Chính Phan Khôi cũng không ngờ sự thay đổi lại mau chóng đến vậy, đang làm ký giả, thoắt một cái, thành ra thư ký hãng buôn, kể cũng bất ngờ! Gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền đủ đút miệng và dăm ba tháng một lần gửi về nhà phụ vào thu nhập từ ruộng vườn, nuôi cha già và vợ con!

Công việc thảo văn thư bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, kể cả bằng chữ Pháp để ông chủ giao dịch với khách hàng hằng ngày, đối với Phan Khôi là chuyện đơn giản, anh làm trôi chảy và ông chủ cũng hài lòng. Chỉ có giờ giấc làm việc thì thật là cổ quái, chính Phan Khôi cũng không kịp hiểu ra tại sao mình lại chịu được và theo được. Theo lệ ở công ty, mỗi ngày làm mười tiếng đồng hồ, sáng từ bảy giờ đến mười hai giờ, chiều từ một giờ đến bảy giờ tối, chủ nhật chỉ được nghỉ nửa ngày. Riêng với Phan Khôi lại khác: sáng từ tám giờ đến một giờ, chiều từ ba giờ đến tám giờ tối. Ông chủ nói đó là sự vạn bất đắc dĩ, hễ Phan Khôi dốc lòng làm thì phải chịu khó mà theo, bằng không thì thôi.

Nói thì nói vậy, nhưng mươi hôm đầu đi làm, Phan Khôi hầu như chẳng có mấy việc, chỉ phải viết một vài cái thư, toàn là thư cho những người xin việc, cái thì hứa hẹn, cái thì từ chối. Nhưng nửa tháng, rồi một tháng thì tình hình đã khác, công việc buộc Phan Khôi phải làm cật lực. Cứ mỗi sáng, từ tám giờ đến mười hai giờ, anh phải làm những việc của ngày hôm trước còn lưu lại. Ông chủ thì chín giờ mới đến. Đến, thì ông sai cắt công việc, đọc thư, tiếp khách cho đến mười hai giờ. Giờ đó là giờ nghỉ nên ai cũng về nhà ăn cơm, nghỉ trưa cả, riêng Phan Khôi thì ông chủ gọi sang ngồi cùng ông. Ông chủ đưa ra một mớ thư mà ông đã đọc, với mỗi cái, ông bảo anh phải trả lời làm sao. Phan Khôi, mắt thì nhìn ông chủ, tai thì nghe mà tay thì phải ghi chép lia lịa mới kịp. Có ngày thư nhiều quá, đến một giờ chiều vẫn chưa xong, thì phải ngồi rán ít nữa kỳ xong mới thôi. Bắt vào giờ làm việc buổi chiều, anh phải ngồi viết những bức thư mà ông chủ vừa trao đổi, cái nào có quan hệ với các nhà chức trách thì còn phải đưa đi đánh máy. Đến bốn giờ chiều ông chủ lại đến, anh lại phải vào ngồi cùng ông đến bảy giờ tối với công việc như buổi sáng. Vì mỗi ngày phải ít ra là hơn hai giờ ngồi cùng ông chủ, nên hôm nào Phan Khôi cũng ra về rất trễ. Trong tám tháng ở trọ để đi làm cho công ty Bạch Thái, trưa cũng như tối, bữa nào anh cũng phải ăn cơm sau, ăn một mình với cơm canh nguội lạnh hết cả.

Công việc phải làm như khổ sai, nhưng cũng có lúc Phan Khôi cảm thấy vui thích như hồi trước được đi học ở một trường lớn. Những việc không quan hệ thì anh không biết, nhưng trong những việc anh làm cùng ông chủ thì anh thấy ông có nhiều mánh lới với kẻ ăn người làm lắm. Trong đó có một chuyện với ông Đoàn Dư làm ở phòng Kế toán, lớn hơn anh dăm tuổi. Đoàn Dư kể: một hôm, ông ta nài nỉ xin ông chủ cho thanh toán một khoản tiền mua bán chi đó, nhưng ông chủ bảo không được. Đoàn Dư trả lời là nếu không được thì sẽ xin nghỉ việc. Nói xong, ông ta đã dợm chân bước đi vì biết xin thêm bằng số ấy ở ông chủ Bạch Thái là không thể được. Có lẽ ông chủ thật lòng không muốn để sẩy mất một người làm được việc như Đoàn Dư, nên nhắm chừng Đoàn Dư có thể thôi việc thật, ông bèn nghĩ kế để Đoàn Dư phải ở lại. Thế là một hôm, lúc ông chủ sắp đi đâu đó, xe hơi đã chờ sẵn, nhưng ông chủ lại chưa đi mà kêu Đoàn Dư ra bảo đưa cho mình một ngàn bạc. Lẽ thường, đã chi tiền ra thì phải nhận lại biên lai để làm chứng, cho dù vẫn biết tiền đó trước sau cũng là của ông chủ cả. Vì vậy, đưa tiền xong, Đoàn Dư hỏi xin biên lai. Ông chủ chẳng những không đưa mà còn nhăn mặt quạu quọ:

– Ông không thấy tôi bận thiếu điều xẻ lổ mũi ra mà thở hay sao? Thì ông cứ ghi lại đó cũng được chứ đã sao!?

Nói xong, ông chủ đi thẳng. Hôm sau ông chủ về, Đoàn Dư lại hỏi biên lai, nhưng ông chủ cười xề xề:

– Biên lai gì? Biên lai gì?

Anh chàng họ Đoàn lấy làm chột dạ, nhưng cũng không kịp nghĩ rằng đó là cái tròng sắp tra vào cổ mình. Đến cuối tháng, ông chủ bảo Đoàn Dư để sổ sách lại cho mình coi thử. Coi xong, thì một ngàn đồng bạc đó ông chủ không nhìn, tức là không thừa nhận phòng Kế toán đã chi ra và mình đã cầm, đã đút túi. Thế rồi theo lệnh ông chủ, một đằng, Đoàn Dư phải viết giấy nợ công ty một ngàn đồng; đằng khác, công ty tăng lương cho ông ấy mỗi tháng hai chục nữa, rồi cứ thế hàng tháng lại trừ hai chục cho đến hết nợ mới thôi.

Chuyện đó xảy ra trước ngày Phan Khôi đến làm việc một năm và được chính Đoàn Dư kể lại cho nghe. Kể xong, ông Dư nói:

– Tôi ở lại đây đã hơn một năm rồi, ông chủ đã hứa rồi đây sẽ hủy cái giấy nợ ấy cho tôi.

Thế tức là cả một năm nay ông chủ chưa hủy cái giấy nợ cho Đoàn Dư, mà vẫn chỉ là hứa suông! Quả ông chủ công ty là một cao thủ đối với những kẻ thuộc hạ.

Ông chủ lại còn cái tật hay đánh người làm. Một hôm Phan Khôi can ông về cái tật ấy, ông không nghe cho, lại còn lý sự:

– Người An Nam, nhất là bọn hạ lưu, xưa nay quen ăn roi vọt mới chịu làm, chứ không phải họ biết tự trọng. Thế cho nên phải theo cái thói quen đó mà cai trị thì mới dễ. Còn muốn lấy nhân đạo đãi họ thì phải đợi đến khi nào giáo dục lan khắp và đầy đủ để họ cũng biết tự trọng thì mới được. Tôi là nhà buôn, tôi chỉ cốt làm sao cho công việc chạy, chứ nói đến nhân đạo thì hỏng cả!

Điều ông chủ nói đó không hẳn là không đúng, nhưng nghe nó sặc mùi thực dân. Thấy ông chủ đôi khi xử vô lễ với người làm, nên lúc mới vào công ty, Phan Khôi đã có lần nói cho ông biết rằng mình không chịu nhục được, vậy phải liều liệu mà xử với nhau, không sẽ sanh chuyện chẳng lành. Ông chủ cười hà hà, hứa sẽ nhớ lời dặn của anh. Mà thật, trọn thời gian Phan Khôi làm ở Bạch Thái, ông chủ không hề nói với anh một tiếng nặng.

Ông chủ tỏ ra quan tâm đến Phan Khôi không chỉ trong công việc. Có lần ông khuyên anh nên mặc âu phục sẽ có lợi hơn cho công việc, cho công ty mà cũng cho chính anh nữa. Phan Khôi cứ chối, nói là không đủ tiền để lo liệu việc ấy vì còn phải dành giụm gửi về nhà. Vào mùa đông năm 1920 ấy, trời bắt đầu lạnh, ông chủ lại giục anh may sắm quần áo, nói sẽ cho anh mượn trước vài trăm bạc lương để lo, nhưng Phan Khôi cứ không ăn nhời vì biết rằng đã phải ngửa tay cầm đồng tiền của ông thì sẽ phải làm mọi cho ông suốt đời.

Cũng mùa đông năm ấy có hai việc đồng thời xảy đến với Phan Khôi:

Một là, một vị linh mục ở Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Hà Nội, là chỗ bạn quen với anh lâu nay, có việc xuống Hải Phòng, tìm đến nhà trọ thăm anh. Vị Linh mục cho hay ở trên Hà Nội người ta đang tìm người để dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt. Sẵn nghe Phan Khôi kêu làm ở Bạch Thái nhọc quá, vị linh mục khuyên anh nên lên Hà Nội xem thử việc đó thế nào và hứa sẽ giới thiệu anh với Hội Thánh. Phan Khôi cả mừng, coi đây may ra là một cơ hội tốt để mình thoát khỏi Bạch Thái, hứa sẽ lên Hà Nội sớm. Và anh đã lên đó vài lần.

Và hai là, viên Tri phủ Điện Bàn trong Quảng Nam quê anh làm rắc rối, có văn thư bẩm Tòa, bẩm Tỉnh đòi anh phải về lại Quảng Nam cư trú, không cho ở Hải Phòng, vì tuy mãn hạn tù đã lâu, nhưng anh vẫn ở trong diện phải quản thúc vô kỳ hạn. Biết chuyện, Phan Khôi tự mình làm đơn gửi về trong ấy đối phó chứ không để ông chủ biết chuyện. Vậy mà không hiểu sao ông chủ lại biết, ông bảo anh lấy luật sư «bao tháng» của ông, để kiện lại viên Tri phủ, nhưng Phan Khôi khước đi, nói rằng:

– Việc là việc riêng của tôi, tôi không muốn ông can thiệp vào, thêm bận cho ông.

Những điều cơ cảnh đó anh biết ông chủ có để tâm đến, vì đã có người nói lại với anh: có lần ông chủ khen thành lời: “Kể cũng lạ, cái anh chàng thư ký của tôi! Sao một nhà Nho lại có cái óc Tây lạ!?”. Phan Khôi vẫn biết ông chủ càng khen mình chừng nào thì mình càng phải nai lưng ra làm cho ông chừng nấy. Nhưng anh cũng có điều an ủi: được có người thưởng thức cho, chẳng hơn không ư?

Sang năm mới rất có khả năng Phan Khôi được tăng lương, nhưng nghĩ tới cái thời giờ làm việc khắc nghiệt hàng ngày mình phải chịu, anh thấy không thể nào theo nổi, nên quyết chí từ chức. Và chính ông chủ cũng biết là không thể cầm chân anh thêm nữa. Lường trước những khó khăn có thể xảy đến từ phía ông chủ, để cho chắc ăn, anh không trực tiếp đưa đơn thôi việc, mà trước một tháng, viết thư bảo lãnh gửi cho ông chủ để xin từ chức. Nếu anh không làm rắn như thế e khó lòng mà rút ra được. Rồi buổi chiều ngày 31 tháng 12 năm 1920, Phan Khôi sang bàn giấy Bạch Thái Bưởi để từ giã. Ông chủ bảo thủ quỹ mở két lấy tiền đưa anh ba mươi lăm đồng cùng với tiền lương tháng ấy. Ông chủ cười, dặn thêm:

– Ông có ra, nhớ bảo cho mọi người biết công ty Bạch Thái sòng phẳng lắm, không hề quỵt tiền ký quỹ của một ai!

Sau này Phan Khôi mới biết, lúc anh quyết định ở lại Hải Phòng làm việc cho Bạch Thái, viết thư về nhà nói rõ việc ấy, thì cụ Phan Trân cha anh lấy làm phẫn khái lắm, xem thư xong, cụ nói với vợ anh:

– Làm gì thì làm, chớ việc chi lại đến nỗi đi làm công cho thằng cha trọc phú ở tận Hải Phòng!?

Năm đó cụ Phan Trân chưa đến sáu mươi, cụ vẫn thường tự tay viết thư cho con mỗi khi anh ở ngoài. Trong thư viết bằng chữ Hán đã đành, ngoài bì đề chữ Tây hay chữ Quốc ngữ rồi, cụ còn chính tay mình viết thêm mấy chữ Hán nữa, mới chịu. Thư lần này, cụ hỏi anh phải kèm chữ Hán ngoài bì thế nào, thì Phan Khôi viết thư về xin đề rằng: Phan Khôi tiên sanh, Bạch Thái công ty thơ ký viên. Trong ý Phan Khôi, muốn nhờ mấy chữ tiên sanhthơ ký viên để tăng giá trị lên đôi chút cho cha mình đỡ tủi hổ vì con. Anh có ngờ đâu mấy chữ đó chẳng có chút hiệu quả gì! (1)

Ngay tối 31 tháng 12 năm 1920, Phan Khôi lên tàu hỏa chạy Hà Nội, kết thúc tám tháng giữ chân thư ký hãng buôn!

Đến năm sau, 1921, Phan Khôi ở Hà Nội viết cho tờ Thực nghiệp dân báo, anh có gặp lại Bạch Thái Bưởi trong một buổi hội. Ông chủ cũ nài nỉ anh trở lại làm việc cho Bạch Thái, nể quá anh có hẹn, nhưng rồi lơ luôn. Lơ luôn một phần vì không dám đâm đầu vô đó lần nữa, phần nữa là anh đã nhận lời dịch Kinh Thánh cho Hội Thánh Tin Lành ./.

Linh Đàm, mùa Hạ Đinh Dậu 2017

P.A.S.

______________

Chú thích: (1). Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1938 – 1942, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2017, trang 357 – 362.

Comments are closed.