Nghĩ về cách làm thơ (kỳ 4)

Khế Iêm

ĐỌC (HAY TRÌNH DIỄN) MỘT BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT __________________________________

Bài thơ không có nhịp điệu, khi đọc, sẽ đọc giống như một bài văn xuôi, không thể thành thơ. Đọc một bài thơ Tân hình thức Việt không khó. Đọc theo nhịp điệu, và diễn đạt cảm xúc qua nét mặt và cử chỉ. Một bài thơ không có nhịp điệu thì không thể diễn đọc, như vậy, chúng ta có thêm một yếu tố, nhận diện một bài thơ Tân hình thức Việt: khả năng diễn đọc. Mỗi bài thơ có nhịp điệu riêng, nên cách diễn đọc mỗi bài cũng khác nhau. Và làm thế nào tạo nhịp điệu trong việc thực hành thơ Tân hình thức Việt, xin bạn đọc tham khảo Báo Giấy / Phụ bản tháng 10 – 2015. Hai bài thơ của Dana Gioia do tác giả và Rylie White diễn đọc, cho chúng ta biết khái niệm diễn đọc một bài thơ, và có thể áp dụng cho thơ Tân hình thức Việt. Nguyên tác và bản dịch đ ược in trong tập “Thơ Tân hình thức Việt Tiếp Nhận Và Sáng Tạo”.

Khởi đầu thơ được sáng tác để hát, phù hợp với nhu cầu truyền khẩu. Nhưng khi máy in ra đời, người ta có khuynh hướng sáng tác để viết xuống trang giấy, với ý định, cho những người đọc vắng mặt đọc, đọc bằng mắt kết hợp với sự lắng nghe bằng tai. Với thơ vần điệu Việt, khi ngâm, chúng ta chỉ nghe thấy những âm điệu réo rắt của ngôn từ quyện với đàn sáo, và cảm nhận được cái hay của thanh âm, nhưng không hiểu rõ được ý nghĩa bài thơ. Bởi vì, cái tài tình của câu chữ, sự liên tưởng, ẩn dụ, cách gieo vần, ngắt nhịp (ở chữ thứ mấy trong dòng thơ), và ý nghĩa thâm sâu, khêu gợi trí tưởng tượng nơi người đọc, chúng ta chỉ có thể cảm nhận khi đọc bằng mắt trên trang giấy. Đọc một mình trong vắng lặng, ngâm nga, rồi tâm đắc cái hay của thơ. Người xưa có khi còn đốt một chút trầm nhang thoang thoảng, làm cho không gian ấy thêm phần u tịch.

Khi thơ tự do ra đời, khuynh hướng đọc trên mặt giấy mạnh hơn vì các nhà thơ tận dụng khả năng in ấn, dàn dựng những con chữ trên mặt giấy, phần khác, để thay thế nhịp điệu âm thanh trong các thể thơ truyền thống. Cách dòng, dãn chữ, phân tán chữ trên trang giấy, tất cả đều ẩn chứa những ý nghĩa khác nhau. Những khoảng trống giữa các chữ hay dòng thơ, có khi chỉ là thay thế cho sự ngừng nghỉ, khoảnh khắc im lặng, hay là lúc để người đọc tưởng tượng và nối kết những ý tưởng… Đọc, có khi còn phải vận dụng lý trí để phân tích, lý luận, phỏng đoán ý nghĩa, như một trò chơi ngữ nghĩa. Khi đọc thì thầm trong đầu hay đọc lớn lên, chúng ta đọc theo cú pháp văn phạm để hiểu ý nghĩa bản văn. Nhưng lúc đọc bằng mắt, chúng ta có thể nhìn bao quát bài thơ, phát hiện đặc điểm và vị trí nổi bật của những chữ, và đọc theo cách nào tự cho là đúng nhất. Đọc, bằng cả thính giác lẫn thị giác, vừa khác biệt vừa bổ sung cho nhau, sự cảm nhận, cùng một lúc, từ nhiều chiều, sẽ làm cho sự thưởng ngoạn phong phú và cao cấp hơn. Ở đây, chúng ta cần phân biệt với các loại thơ kết hợp giữa chữ, hình thể và màu sắc như thơ cụ thể (concrete poetry) và thơ thị giác (visual poetry), chỉ có thể nhìn bằng mắt.

Như vậy, thơ là một loại hình nghệ thuật được thưởng ngoạn một cách riêng tư, ít khi đọc trước công chúng. Đến giữa thế kỷ 20, nhà thơ thể luật, Robert Frost bắt đầu đọc thơ của ông, với mục đích kiếm sống. Cách đọc của ông là đọc rõ từng chữ, ngừng nghỉ theo dấu chấm phẩy. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, và người ta tới để gặp gỡ ông hơn là nghe thơ. Đọc thơ, tuy không đáp ứng nhu cầu của người nghe, nhưng cũng có công dụng ghi lại giọng đọc của những nhà thơ nổi tiếng, như một tài liệu để nghiên cứu. “Thơ Nói” (Po- etry Speaks) là một tác phẩm đồ sộ, khổ lớn, giấy tốt, ghi âm giọng đọc của 42 nhà thơ Anh Mỹ nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Sách do nhà xuất bản Sourcebooks, Inc., năm 2001, 335 trang, với 3 CD ghi âm, bao gồm từ Alfred Lord Tennyson (1809-1892) tới Sylvia Plath (1932-1963) do Elise Paschen và Rebekah Presson Mosby chủ biên, với sự cố vấn của Robert Pinsky, Rita Dove và Dana Gioia. Trong đó chúng ta thấy có Walt Whitman, William Butler Yeats, Wil-liams Carlos Williams, T. S. Eliot, E. E. Cummings, W. H. Auden, Dylan Thomas, Allen Ginsberg … Nhưng tại sao những nhà thơ lại bị ám ảnh, muốn mang thơ đến với công chúng, trong khi cách sáng tác thơ – từ khi thơ không còn có nhu cầu truyền khẩu – chỉ hướng tới chinh phục một nhóm nhỏ tinh hoa nào đó? Có lẽ, trong vô thức, những nhà thơ cảm thấy đã quá xa rời nhân thế, và cần bước lại vào đời? Đến thập niên 1970, xuất hiện phong trào thơ trình diễn (performance), kết hợp cách đọc với sự diễn đạt qua nét mặt và cử chỉ. Thơ Tân hình thức Mỹ, khi chủ trương mang những câu nói đời thường vào thơ, có lẽ đã chịu ảnh hưởng từ phong trào thơ trình diễn này. “Câu nói đời thường” quả là một phương tiện đơn giản, và đắt giá, đưa thơ tới mọi con người.

Thơ trình diễn được gọi là thơ Lời nói (Spoken word poetry), viết chỉ để trình diễn qua phương tiện của máy ghi âm và video, chứ không có mục đích in. Cách sáng tác hoàn toàn khác hẳn với những loại thơ vần điệu hay tự do xuất bản thành sách. Như vậy, không phải loại thơ nào cũng có thể trình diễn. Một bài thơ trình diễn phải kể một câu truyện (hay tính truyện), bằng ngôn ngữ cụ thể đời thường, với kỹ thuật lập lại chữ hoặc nhóm chữ để tạo nhịp điệu, sau đó, trình diễn trước đám đông, qua microphone (còn được gọi là Open Mic Readings). Thơ Lời nói là cây cầu bác giữa truyện kể và thơ. So sánh với cách làm một bài thơ Tân hình thức Việt – ngôn ngữ đời thường, tính truyện, vắt dòng và kỹ thuật lập lại – chúng ta thấy giữa thơ trình diễn và thơ Tân hình thức Việt có cách sáng tác giống hệt như nhau, chỉ khác kỹ thuật vắt dòng. Vắt dòng được định nghĩa, mang ý nghĩa liên tục từ dòng này qua dòng khác, bây giờ, với thơ Tân hình thức Việt, lại làm công việc nối kết giữa thơ sáng tác in trên giấy và thơ trình diễn.

Thơ Slam cũng là một loại thơ Lời nói, chỉ khác, thơ Slam là loại thơ tranh giải (có những luật lệ tranh giải rõ ràng), đã lan ra khắp các nước châu Âu và cả Úc châu, chủ yếu gây ấn tượng với những câu truyện thiên về bạo lực, và nhiều kịch tính, chủ đề thường là tự tử, cần sa ma túy, lạm dụng trẻ em, tính dục … Còn thơ Lời nói, chủ đề là những vấn đề thông thường trong đời sống, cũng giống như thơ Tân hình thức Việt. Thơ Tân hình thức Việt vừa là loại thơ đọc trên trang giấy, vừa là loại thơ trình diễn, giống như thơ Lời nói và thơ Slam. Khi đọc trên trang giấy, bằng mắt, chúng ta phải nhìn toàn bộ khoảng trắng trên trang giấy mà hình dạng bài thơ hiện ra. Với những thể thơ, nó cho chúng ta biết tốc độ đọc, thơ 5 chữ đọc nhanh hơn thơ 7 chữ và 8 chữ, thơ lục bát có giọng kể từ từ, đều đặn. Dĩ nhiên, đây là tốc độ để đọc bằng mắt. Người đọc nhận ra sự xoắn suýt của những câu văn, sự zích zắc của câu chữ, những ý tưởng dính lại, phải gỡ ra, những khổ thơ, chữ và nhóm chữ lập lại. Khi đọc bằng mắt, có quyền đọc bất cứ cách nào, ngay cả khi vắt dòng chúng ta vẫn cứ có thể đọc ngừng lại ở cuối dòng, tạo sự nghịch lý, khơi dậy cảm xúc và những ý tưởng khác lạ.

Nhưng khi đọc (hay trình diễn) một bài thơ Tân hình thức Việt phải theo một số điều kiện.

1/ Khi chọn bài thơ để đọc, phải quan tâm tới người nghe. Người nghe hiểu và cảm nhận bài thơ một cách sống động, qua thính giác chứ không qua hình thức trên trang giấy. Cần tìm hiểu kỹ nội dung, ai là người phát ngôn chính, nhà thơ hay ai khác, từ đó, tìm ra giọng điệu và tính cách của nhân vật, để diễn đạt bài thơ chính xác.

2/ Đọc trên trang giấy, chúng ta thường đọc bằng mắt và đọc thầm trong đầu, người đọc và người nghe là một. Nhưng khi bài thơ bước ra khỏi trang giấy, đọc trước công chúng, vị trí người đọc và người nghe tách rời nhau. Người đọc bây giờ là tác nhân làm bài thơ sống dậy, và bài thơ có đạt hiệu quả nơi người nghe hay không, tùy thuộc khả năng biểu đạt của người đọc. Người nghe bây giờ là người thưởng ngoạn và phán đoán. Người nghe cảm nhận bài thơ, trực tiếp qua người đọc, không thấy và cũng không quan tâm tới những thể thơ, tự do hay vần điệu (5, 7, 8 chữ hay lục bát), tốc độ nhanh hay chậm, cùng những yếu tố thơ, có vần hay không vần, vắt dòng hay ngừng lại ở cuối dòng. Những yếu tố thị giác trên trang giấy không còn tác dụng, và người nghe tiếp nhận thơ, duy nhất qua nhịp điệu âm thanh của ngôn ngữ. Người đọc chỉ còn cách bám vứu vào các dấu chấm phẩy trong bài thơ, hay nói khác, trên cú pháp văn phạm, để truyền tải hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc tới người nghe. Một bài thơ Tân hình thức Việt, khi đăng trên trang giấy, chúng ta bỏ các dấu chấm phẩy để bài thơ không còn dấu vết của văn xuôi. Nhưng khi đọc lên, chúng ta phải hồi phục dấu chấm phẩy, để tìm ra chỗ ngừng nghỉ, lâu hay mau, trong bài thơ. Dấu chấm, ngừng lâu hơn, các dấu phẩy, ngừng ít hơn, để bảo đảm ý nghĩa của bài thơ được liên tục. Đọc, giống như đọc văn xuôi, nhưng chậm hơn.

3/ Đọc rõ chữ, mục đích để người nghe dễ theo dõi tình tiết, ý tưởng, và hiểu rõ bài thơ. Đọc chậm cũng có công dụng nhấn mạnh tới các chữ và nhóm chữ lập lại, làm nổi bật nhịp điệu bài thơ. Nhưng đọc chậm, đọc rõ, không có nghĩa là đọc với một giọng đều đều, mà phải ăn nhịp với sự diễn đạt bằng cử chỉ và nét mặt. Hãy tưởng tượng khi hát, chúng ta không hát cùng một âm vực, mà cần phải tìm ra chữ nào hay câu nói nào phải đọc mạnh hay nhẹ, để chuyên chở cảm xúc, và cuốn hút được người nghe.

4/ Đọc thoải mái theo giọng điệu thông thường. Bài thơ được viết theo phong cách tự nhiên và cách nói thông thường, thì nên đọc theo cách như vậy. Hãy để cho những chữ hay cách nói trong bài thơ làm việc. Đọc một bài thơ Tân hình thức, như là đang trò chuyện, và người nghe cảm thấy thân mật như đang nghe và xem một đoạn phim sống. Vì vậy, đọc một bài thơ Tân hình thức không dễ chút nào. Trước khi đọc, phải tập luyện thuần thục, nhiều lần, cũng giống như tập một bài hát, hay tập một vai kịch, sao cho sống động và tự nhiên. Đọc một bài thơ Tân hình thức là một nghệ thuật đặc biệt khó, đòi hỏi sự kết hợp toàn bộ thể xác, tâm trí và trái tim. Những nguyên tắc đọc thì không nhiều, nhưng kinh nghiệm đọc thì lại vô cùng, đòi hỏi phải luyện tập lâu dài.

Nhưng thơ trình diễn Mỹ cũng khác với thơ Tân hình thức Việt. Những nhà thơ trình diễn chỉ phác họa nội dung chi tiết trên giấy, rồi sau đó tập luyện cách trình diễn. Trong khi tập luyện, sự ngẫu tác dần dần hoàn thiện và thay đổi nội dung bài thơ. Và lần thu hình trước công chúng mới là phiên bản cuối cùng. Những gì được phác họa trên giấy bây giờ chỉ là một bản nháp vô giá trị. Ngay cả khi trình diễn, những chữ phụ diễn được ghi lại trên màn hình cũng hoàn toàn sai lạc. Vì tiếng Anh, nhiều chữ có âm thanh hao hao giống nhau, nên khi ghi xuống, chữ này biến thành chữ khác. Thêm vào đó những tiếng đệm, hay là những nhóm chữ vô nghĩa được thêm vào, làm cho bản văn thành lộn xộn. Phải là khán thính giả mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính, mới cảm nhận được hết ý nghĩa và cái hay trong lúc nhà thơ trình diễn tác phẩm của mình. Như vậy, thơ trình diễn chỉ có một phiên bản duy nhất được ghi hình là còn lại. Trái lại, thơ Tân hình thức Việt, khi sáng tác, không có mục đích trình diễn, bài thơ đã có sẵn phiên bản bản in trên giấy, nên phải trình diễn đúng với nguyên bản, không thể ngẫu tác. Thơ Tân hình thức Việt có một phiên bản in trên giấy nối kết với một phiên bản ghi hình khi trình diễn, một lần nữa, mở đường tiếp nhận thêm một thể loại thơ mới.

Thơ Lời nói ở Mỹ, được tổ chức ở các thư viện, quán cà phê, nhà sách, nhưng thường thì ở các quán rượu, ngồi thưởng ngoạn, vừa nhâm nhi vừa nghe thơ. Đối với thơ Tân hình thức Việt cần tổ chức trong không khí thân mật, ở bất cứ địa điểm thuận tiện nào, chừng vài chục người, nhưng phải thường xuyên, mỗi tháng 1 hay 2 lần. Nếu không thường xuyên, sẽ không tạo thành sinh hoạt. Vì là một thể loại thơ mới, trước khi đọc, người dẫn chương trình (host) cần có một phát biểu ngắn về loại thơ này. Có thể sử dụng hay không, âm nhạc để làm nền (loại nhạc không lời với âm vực nhỏ). Buổi đọc thơ cần quay lại bằng video để lưu giữ và truyền tải trên các phương tiện truyền thông như Facebook, website … Tuyển chọn những người đọc có giọng đọc truyền cảm, tập luyện cách đọc là chủ yếu, để đọc những bài thơ đã tuyển chọn, sau đó mới là các nhà thơ đọc thơ của họ. Như vậy, những buổi đọc thơ sẽ mang tính chuyên nghiệp hơn.

Đọc một bài thơ, cần giới thiệu và nói về nội dung bài thơ trước. Thời lượng giới thiệu và đọc là khoảng 3 phút, cho một bài thơ. Khi đọc phải nhìn vào mắt người nghe để bắt sự chú ý của họ (eye contact), không nhìn xuống sàn nhà hay che lấp qua trang giấy. Đọc lớn và rõ. Phát âm chính xác, và diễn đạt qua nét mặt và cử chỉ là chính. Cần học thuộc lòng trước khi đọc, có thể cầm theo trang giấy để khi quên thì liếc nhìn, nhưng như thế, sẽ kém hiệu quả. Để rút kinh nghiệm, chúng ta nghe hai bài thơ Tân hình thức Mỹ của nhà thơ Dana Gioia, “Người Điên, Người Yêu, và Nhà Thơ” (The Lunatic, the Lover and the Poet) và “Tội Nghiệp Người Đọc: (Pity The Beautiful), ông gửi cho cuộc hội thảo thơ Tân hình thức ở Huế, do chính ông và Rylie White đọc (xin tìm trên Youtube). Chúng ta cũng thử xem cách trình diễn của thơ Slam qua bài thơ “The Wussy Boy Manifesto”, được rút ra từ bài viết của nhà nghiên cứu và nhà thơ Slam, Lisa Martinovic (trên wensite www.thotanhinhthuc.org). Cả ba bài thơ đều đã được dịch lời qua tiếng Việt, căn cứ trên những bản văn tiếng Anh đáng tin cậy.

Chú thích Có thể tìm trên YouTube và nghe: – Dana Gioia đọc bài thơ, “Người Điên, Người Yêu, và Nhà Thơ” (The Lunatic, the Lover and the Poet)

–Rylie White đọc bài thơ, “Tội nghiệp người đọc: (Pity The Beautiful) của nhà thơ Danna Gioia.

–Big Poppa E đọc bài thơ của chính ông, “Tuyên ngôn của chàng trai ẻo lả” (The Wussy Boy Manifesto). Nguyên bản và bản dịch có thể tìm trên web

Hai bài thơ của Dana Gioia http://www.thotanhinhthuc.org/, mục “Những thiên thần nổi loạn”, 15 bài thơ.

Bài thơ “The Wussy Boy Manifesto” http://www.thotanhinhthuc.org/, mục “Other Poetry”

Comments are closed.