Nghĩa tình của những người làm báo đầu tiên ở xứ Bắc Kỳ

Nguyễn Lân Bình

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xứ Bắc, Trung và Nam kỳ, ngôn ngữ hành chính giữa ba miền Việt Nam là Pháp văn và Hán văn. Việc đi lại của người dân giữa ba miền vẫn phải dùng hộ chiếu. Chính phủ Thuộc địa đã tìm mọi cách để loại bỏ việc sử dụng Hán văn và chữ Nôm, đặc biệt là sau khi Thực dân Pháp chính thức ký với Triều đình Nhà Thanh Hòa ước Thiên Tân 1885.

Bối cảnh lịch sử đó là cơ hội cho việc các nhân sỹ tiến bộ Việt Nam lách qua một kẽ hở lịch sử, nêu cao vai trò và vị thế của chữ Quốc ngữ, thứ chữ được ghi lại từ tiếng nói của người Việt bằng các chữ cái La Tinh, và đã trở thành chữ viết chính thức của dân tộc. Phương tiện đắc dụng nhất để hoàn thành sự nghiệp lý tưởng này trước nhân dân, các nhân sỹ tiến bộ đã xác định, chỉ có thể là báo chí!

Đông Kinh Nghĩa thục 1907 là dấu mốc, là môi trường đầu tiên để việc quảng bá chữ Quốc ngữ của các nhân sỹ được thực hiện một cách rộng khắp. Tờ báo “Đại Nam Đồng văn Nhật báo” do một người Pháp là François-Henri Schneider sáng lập, là tờ công báo được ấn hành bằng Hán văn và phụ trách là Đào Nguyên Phổ. Do tính cấp thiết của Phong trào Cách mạng Văn hóa Đông Kinh Nghĩa Thục, tờ báo này đã được biến thành “Đăng Cổ Tùng Báo” (Khêu đèn dóng trống) in bằng cả hai thứ chữ là Hán văn và Quốc ngữ. Danh chính, đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở xứ Bắc kỳ. Nguyễn Văn Vĩnh được là Chủ bút, mà Nguyễn Văn Vĩnh là thành viên quan trọng đặc biệt của Đông Kinh Nghĩa Thục.

NGUYỄN VĂN VĨNH và ĐĂNG CỔ TÙNG BÁO 1907.

clip_image002

Ảnh chụp năm 1919, Ban Biên tập báo Trung Bắc Tân Văn, tờ Nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam. Các thành viên BBT chụp nhân dịp ông François-Henri Schneider chuyển nhượng toàn bộ cơ sở của tờ báo ở 24 – 26 phố Orleans (nay là Phùng Hưng) Hà Nội, cho Nguyễn Văn Vĩnh.

Từ phải sang trái: Doãn Kế Thiện (1891-1965), Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Mai Huy Hội (1891-1949), Dương Bá Trạc (1884-1944), Nguyễn Văn Toản (1870-1938), Nguyễn Văn Luận (1882-1949), Trần Trọng Kim (1883-1953), Phạm Duy Tốn (1883-1924) và Nguyễn Đỗ Mục (1882-1951)

Qua tài liệu lưu trữ, không ai được biết đến bộ máy của BBT tờ báo đầu tiên này, ngoài sự xác định: Phụ trách phần Quốc ngữ: Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936), phụ trách phần Hán văn: Đào Nguyên Phổ (1861 – 1908)!

“Đăng Cổ Tùng Báo” chỉ sống được bằng thời gian với Đông Kinh Nghĩa Thục. Chi tiết này, đủ để nhận thức rằng, đó là cơ quan ngôn luận của một Phong trào.

Đông Kinh Nghĩa Thục bị dập tắt sau chín tháng tồn tại. Ông Chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh trôi dạt trong Nam, ngoài Bắc. Năm 1913, lịch sử lại đưa đẩy đặt Nguyễn Văn Vĩnh vào vị trí Chủ bút của một tờ báo ấn hành hoàn toàn bằng Quốc ngữ, tờ “Đông Dương Tạp Chí”.

“Đông Dương Tạp Chí 1913” thể hiện vai trò và ý nghĩa lịch sử như thế nào, xin đọc lại các bài viết nhận định về tờ báo này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói về những nhân sỹ Việt Nam mà chúng tôi được biết thông qua các tư liệu lịch sử và chứng cứ là những hậu duệ của những nhân sỹ đó, những người đã cùng làm việc với Chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh.

Xem các tài liệu lưu trữ, qua đó xác định, “Đông Dương Tạp Chí 1913” là nơi quy tụ hầu hết các nhân sỹ nổi danh hàng đầu ở Bắc kỳ. Nhìn ở góc khác, đó là sự hội tụ tinh hoa trí tuệ của xã hội đương thời. Một Ban biên tập không phân biệt các thành viên là Nho học hay Tây học, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích giáo dục văn hóa, bất chấp người sáng lập có những toan tính khác về chính trị. Nhận thức này không thể sai, bởi lẽ, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hóa, báo chí Việt Nam của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Một, thì “Đông Dương Tạp Chí 1913” tờ báo thuần Việt đầu tiên trong lịch sử dạy người dân Việt Nam cách viết văn bằng chữ Quốc ngữ! (1)

Với kết luận này, nhân danh là hậu thế, là những người mang ơn các bậc tiền nhân đã đem đến cho dân tộc này một loại chữ viết độc lập, thứ chữ được sinh ra từ tiếng mẹ đẻ, một sự thoát thai ngoạn mục trước mưu đồ đồng hóa của hai thế lực kinh hãi là Phong kiến Trung Hoa và Thực dân Pháp. Chữ viết, căn cước đầu đời của một dân tộc (2)!

Xin hãy cùng nhau nhìn lại những con người thực sự là tinh hoa trí tuệ đó, xem họ là ai? Họ đã chia sẻ với nhau những khó khăn gì? Và họ đã tận tâm với nhau đến đâu khi cùng nhau lặn lội trên con đường đầy gian truân để thực hiện những lý tưởng của mình.

Nhìn lại các ghi chép của quá khứ về lịch sử báo chí Việt Nam, thường người ta chỉ nhắc đến những cây bút sắc xảo có tiếng, những người có tư tưởng vượt trội so với người đương thời, hoặc những người có học hàm học vị sáng danh. Nhưng để có được thành công trong một phong trào có tính cách mạng với những người tiên phong, chắc chắn không thể thiếu những cộng sự đắc lực, những người lo quản lý cơ sở vật chất, lo các công việc nội chính, tài chính, nhất là với một người ôm một khối lượng công việc khổng lồ như ông Chủ bút của tờ“Đông Dương Tạp Chí” – Nguyễn Văn Vĩnh.

Thật ghê gớm, để gối đầu với “Đông Dương Tạp Chí 1913”, năm 1917 Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ bút của tờ báo tiếng Việt sống thọ nhất trong làng báo chí bản xứ thời thuộc địa (3), và trở thành tờ nhật báo đầu tiên năm 1919 trong lịch sử báo chí Việt Nam, tờ “Trung Bắc Tân Văn”. Chưa ghê, cũng năm 1919, Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ nhiệm tờ “Học báo”, một trong những tờ báo sư phạm đầu tiên ở Bắc kỳ. Cũng chưa hết, năm 1926, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định thành lập “Trung tâm Âu Tây tư tưởng”, mục đích để xuất bản, phổ biến các ấn phẩm của các triết gia và danh nhân Thế giới, do chính mình dịch ra tiếng Việt.

Và càng chưa hết, vì năm 1931, ông lập tờ báo tiếng Pháp “L’Annam Nouveau – Nước Nam mới”, một tờ báo chính trị đối lập, một tờ báo định mệnh, tờ báo đã đẩy ông lên vành móng ngựa của chính quyền Thực dân. Một tờ báo mà sức nặng của nó đã làm cho Chính quyền phải quyết tâm tiêu diệt ông, không phải chỉ dồn ông đến chỗ khuynh gia bại sản, không phải chỉ để ngậm ngùi nơi chín suối mà còn làm cho vợ con ông tan nát, gia đình ông ly tán, và tệ hại hơn nữa, một số khuynh hướng tư tưởng của xã hội Việt Nam sau đó đã diễu cợt ông, phủ nhận ông, thậm chí nhục mạ ông, tìm cách đào sâu, chôn chặt danh tiếng của ông!

Theo ghi chép lịch sử (4), tháng 11.1905, khi Nguyễn Văn Vĩnh mới 23 tuổi, đứng trước các cử tọa của Hội Trí tri ở Hà Nội để thuyết trình về những giá trị của đạo lý, những người nghe đã giữ lại ấn tượng khi nghe ông nói:

“…Chúng ta quan tâm đến việc tôn trọng các dạng thức phát triển và tiến bộ của loài người, thì khi đó chúng ta sẽ có được một thái độ với tính nhân văn. Toàn bộ giá trị đạo đức của con người nằm trong mối lo toan đó…”.

Có thể, hàng trăm năm sau, đọc lại câu nói này của Nguyễn Văn Vĩnh, chúng ta đều sẽ đồng ý rằng, Nguyễn Văn Vĩnh từ khi còn rất trẻ, đã xác định giá trị cuộc sống theo một nhãn quan bao dung, trí tuệ và đầy tính nhân bản. Vậy thì, những sự thóa mạ, sự chà đạp và hạ nhục ông, chắc chắn chẳng có giá trị gì. Nhận thức và sống một cuộc đời “lộng lẫy” (5) như vậy, Nguyễn Văn Vĩnh mới thực hiện được một sự nghiệp khổng lồ, để lại cho hậu bối cả một núi tri thức. Điều này hiện hữu đến mức, kể cả những kẻ đê tiện nhất trên cõi đời này cũng không thể phủ nhận!

Thời gian trôi đi, những gương mặt đáng kính từng là cộng sự chân thành với con người “lộng lẫy” đó đã được nhắc đến không ít lần qua những sự kiện sinh hoạt văn hóa xã hội ở từng thời kỳ, như Phạm Duy Tốn (1881 – 1924) nhà tân học, như Phan Kế Bính (1875 – 1921) nhà Nho học, hay như Trần Trọng Kim (1883 – 1953) nhà sử học, Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947), Hoàng Tăng Bí (1883 – 1939), Dương Bá Trạc (1884 – 1944)… đều là những con người kỳ tài. Còn nhiều nữa những người bạn cùng thời đã chung tay góp sức cùng Nguyễn Văn Vĩnh xây dựng sự nghiệp con chữ, sự nghiệp văn hóa cho một dân tộc thuần nông, nhưng luôn mong hướng đến tinh thần tự do, bình đẳng, dân chủ và tiến bộ.

Cuộc đời luôn có những điều ẩn chứa những giá trị, ý nghĩa cao quý mà đôi khi con người dù có biết, ta cũng không chạm đến được, không tiếp cận được, cho dù nó luôn luẩn quất quanh cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi phải đợi đến một cơ duyên đích thực, một sự mách bảo của các vong hồn linh thiêng… mới có được cơ hội gặp gia đình của một người bạn tâm giao, một người cộng sự trung thành đầy nhân cách, người đã chia sẻ, cùng Nguyễn Văn Vĩnh chống đỡ những đòn giáng của định mệnh, nhất là những năm cuối đời của con người “lộng lẫy” đó … Và đó là ông ký Mai Huy Hội (1891 – 1949).

TÌM VỀ PHỐ HÀNG GIẤY NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX.

Số nhà 46 phố Hàng Giấy 30 năm cuối thế kỷ XIX là nơi sinh sống của gia đình bà Nghè Đại Gia (Phạm Huy Hổ), là họ hàng bên ngoại của cụ bà thân sinh ra Nguyễn Văn Vĩnh. Số nhà 16 và 64 là hai ngôi nhà thuộc sở hữu của ông bà Nguyễn Văn Ân (ô.Tham Ân) và bà Trương Tần Phác.

Bà Trương Tần Phác là con gái của cụ Trương Công Hiệu (bố đẻ Trương Công Hiệu là Trương Lễ, em ruột danh tướng Trương Định (1820 – 1864).

Sinh thời, Trương Công Hiệu nguyên là Tham tá Phủ Toàn quyền Đông Dương, chuyên về ngạch tài chính kế toán. Những năm tháng đó, ông có người học trò tin cậy, đó chính là Mai Huy Hội. Do tính chất và môi trường công việc, Trương Công Hiệu có quan hệ và là cộng sự của một người Pháp gốc Đức là François-Henri Schneider (1851…), người đến Nam Kỳ từ năm 1882 theo một hợp đồng ký kết với Chính phủ Thuộc địa về phát triển nghành in và xuất bản.

Khi Trương Công Hiệu quyết định thôi làm công chức ở cơ quan Phủ Toàn quyền vì những vướng mắc liên quan đến một số thái độ chống Pháp, ông đã làm việc cho nhà in của F.H.Schneider tại Hà Nội. Năm 1914, Trương Công Hiệu trước khi nghỉ hẳn, đã tiến cử với F.H. Schneider người thay thế mình, và đó là Mai Huy Hội. Lúc này, danh chính, F.H. Schneider là Chủ nhiệm của tờ báo “Đông Dương Tạp Chí”, mà Chủ bút chính là Nguyễn Văn Vĩnh.

Tìm đến LÀNG TRUNG TỰ Ở HÀ NỘI.

clip_image004

Nhà thờ Tổ họ Mai tại làng Trung Tự. Ảnh chụp 1952.

Ngày hôm nay, làng Trung Tự thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại ngôi làng mà nay vẫn chưa thể gọi là phố này, mọi người chứng kiến, vẫn uy nghiêm một ngôi nhà thờ riêng được dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX, đó là nhà thờ Tổ của dòng họ Mai. Các cụ tổ họ Mai nổi tiếng với những vị quan văn võ song toàn từ thời Lê Trung Hưng, và phục vụ qua nhiều đời, triều đại của vua Lê chúa Trịnh. Mai Huy Hội chính là hậu duệ của dòng họ này.

clip_image006

Bức hoành phi với bốn chữ CÔNG HẦU CHI HẬU treo tại nhà thờ Tổ họ Mai. Quà tặng của Tuyết Huy – Dương Bá Trạc cho ông Ký Mai Huy Hội nhân lễ lên lão năm 1940.

Trong ngôi nhà thờ Tổ của riêng hiếm hoi này, hôm nay chúng ta vẫn còn được chiêm ngưỡng bốn chữ vàng “CÔNG HẦU CHI HẬU” treo trang nghiêm chính giữa. Đây là bốn chữ của một nhân sỹ nổi tiếng từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục có hiệu là Tuyết Huy – Dương Bá Trạc, trao tặng Mai Huy Hội trong buổi lễ lên lão được tổ chức tại ngôi làng này năm 1940 của thế kỷ trước.

KẾT NỐI

Nếu không gọi là cơ duyên, chúng ta khó mà nói một cách khác về nguồn gốc quan hệ giữa Trương Công Hiệu – François-Henri Schneider – Nguyễn Văn Vĩnh – Mai Huy Hội. Việc con gái của ông bà Tham Ân – Trương Tần Phác là Nguyễn Thị Ngọc trở thành con dâu trưởng của ông Mai Huy Hội, mới càng thấy hết cái duyên phận của một tầng lớp người xưa không ngẫu nhiên sinh ra một đội ngũ hậu duệ đáng để trân trọng vào những năm tháng sau này.

Thật mãn nguyện cho các hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, vì vào đúng thời điểm Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh nhà báo, nhà dịch thuật Nguyễn Văn Vĩnh là Danh Nhân Văn Hóa Việt Nam thời hiện đại, cũng là lúc họ phát hiện ra người thầy giáo đầu đời của Nguyễn Văn Vĩnh là André D’Argence, ông lấy người vợ Việt Nam, tên người phụ nữ đó là Mai Thị Lục (1870-1945) và là người chị ruột của Mai Huy Hội. Gia tộc họ Mai gọi cụ Mai Thị Lục là cụ Đốc Lục vì ngày đó, cụ André D’Argence là đốc học – thanh tra các trường tiểu học ở Hà Nội.

Từ lâu, chúng ta chỉ biết vào năm 1890 ở thế kỷ XIX, André D’Argence là một ông giáo Tây của ngôi trường Hậu bổ nằm tại đình làng Yên Phụ (Tannamtu.com sẽ có một bài riêng về lịch sử ngôi đình này vào tháng Bẩy tới), mà chúng ta quên rằng, đó là người đầu tiên đã phát hiện ra tài năng siêu việt của Nguyễn Văn Vĩnh. Từ đó đã giúp cho Nguyễn Văn Vĩnh thoát khỏi công việc kéo quạt thuê, trở thành cậu học trò là thủ khoa.

Việc Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa ngày đó không quan trọng, quan trọng hơn, đó là việc Nguyễn Văn Vĩnh đã vận dụng một cách tối ưu những gì học được và được học từ mái trường đó để cùng với các cộng sự của mình trong suốt cuộc đời, xây dựng được cho đồng bào mình, dân tộc mình một nền văn học mới, nền văn học chữ Quốc ngữ. Cậu học sinh hay bị đòn ngày nào đó, là người Việt Nam đầu tiên xây dựng thành công cây cầu nối hai nền văn hóa,  Đông và Tây, cụ thể hơn, là nền văn hóa Việt – Pháp (6).

Liệu có ai không ngạc nhiên khi biết rõ, Nguyễn Văn Vĩnh từ một cậu bé chăn bò thuê, qua thời gian đã trở thành DANH NHÂN VĂN HÓA của đất nước, một đất nước mà khi cậu bé kéo quạt lớn lên, có đến hơn 90% là nông dân, và họ luôn chấp nhận cuộc đời chân lấm, tay bùn… Chỉ mong có cơm ba bát và quần áo mặc cả ngày!

Điều ấn tượng đối với vị Danh Nhân này, đó là những thành công hiện hữu trong sự nghiệp tạo dựng con chữ, sự nghiệp văn hóa tư tưởng, báo chí, xuất bản… nhưng đã không cậy nhờ, hay chịu tác động bởi bất cứ một hệ thống tư tưởng nào, lực lượng vật chất, hay tài chính nào từ bên ngoài… Ngoài lòng yêu nước, lòng húy tâm văn hóa, cầu tiến, thông qua tri thức và trí tuệ cùng với các cộng sự, đồng chí trung thành của mình, mà hôm nay, chúng ta gọi là nội lực.

CHUNG LƯNG ĐẤU CẬT

Năm 1919, khi cuộc đời của ngài François-Henri Schneider đã xế chiều, chứng kiến những nỗ lực bất tận của cộng sự Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt gần hai chục năm lăn lộn cùng ngài, để tạo dựng được con chữ riêng cho người dân An Nam, để báo chí trở thành nhu cầu như cơm ăn, nước uống, và nghề in cùng nghành xuất bản hiện ra một cách cuốn hút đối với xã hội An Nam, ngài Henri Schneider quyết định giã từ đất nước này để trở về nơi xuất phát. F.H, Schneider để hàm ơn người cộng sự số một của mình, người thực sự có khả năng kế thừa đại sự nghiệp của ông, Schneider đã chuyển nhượng lại toàn bộ cơ sở vật chất và kỹ thuật của Nhà in Trung Bắc Tân Văn cho Nguyễn Văn Vĩnh.

Làm sao không thấy xúc động khi ngắm nhìn bức ảnh lịch sử ghi lại buổi chuyển nhượng quan trọng này?! Bức ảnh được phục chế chi tiết cùng với những ghi chú chính xác về các nhân vật có mặt trong một bức ảnh để đời. Người thực hiện công việc vô cùng ý nghĩa này, người có tấm lòng biết ơn cội nguồn một cách sâu sắc, cùng với lòng tự hào cao cả về gốc gác của mình, chính là người cháu đích tôn của cụ Mai Huy Hội, và đó là tiến sỹ toán kinh tế Mai Huy Tân, nguyên là chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần thực phẩm Đức – Việt, mà người dân Việt Nam đã quen gọi là xúc xích Đức Việt.

Tại cuộc gặp gỡ chân tình và giản dị diễn ra cuối tháng Hai năm nay ở nhà riêng của tiến sĩ Mai Huy Tân, người cha của tiến sỹ Mai Huy Tân, con trai trưởng của cụ Ký Hội, dược sỹ Mai Huy Thịnh (sinh năm 1924) đã chậm rãi kể lại một cách mạch lạc những kỷ niệm sâu đậm giữa cụ Ký Hội và cụ Vĩnh như thế này:

“Thầy tôi làm việc với cụ Schneider và cụ Vĩnh từ năm 1914, khi đó đã có tờ Đông Dương Tạp Chí. Kể từ đó, thầy tôi không làm cho ai khác ngoài cụ Vĩnh cho đến khi cụ Vĩnh chết bên Lào năm 1936. Thầy tôi phụ trách các công việc sổ sách, kế toán, quản lý thu chi trong hoạt động in ấn, báo chí xuất bản của cụ Vĩnh.

clip_image008

Ông Ký Mai Huy Hội tại văn phòng làm việc của tòa báo TBTV. Ảnh chụp năm 1934

Năm 1930, Chính quyền o ép cụ Vĩnh ghê lắm, họ tìm cách tịch thu tất cả những gì liên quan đến cụ Vĩnh. Ngôi nhà số 19 phố Hàng Trống, hồi đó có phải của cụ Vĩnh đâu. Ngôi nhà đó là nhà của thầy tôi, cụ Ký Hội. Gia đình tôi sống ở đó. Khi cụ Vĩnh cần vay tiền ngân hàng, cụ đã mượn giấy tờ ngôi nhà này của cụ Ký Hội. Cụ Ký tin cụ Vĩnh lắm, cụ đã giao bằng khoán điền thổ của ngôi nhà cho cụ Vĩnh để cụ Vĩnh đi vay tiền,  phục vụ cho một số hoạt động kinh doanh, hỗ trợ cho Trung Tâm Âu Tây Tư Tưởng. Vậy nhưng khi Pháp ép cụ Vĩnh để bị phá sản, thì cả ngôi nhà 19 Hàng Trống của thầy tôi cũng bị ngân hàng tịch biên.

Cụ Vĩnh là người rất đức độ và rất thấu hiểu cái khổ của người khác. Hồi đó, khó khăn như thế, vậy mà cụ Vĩnh vẫn tìm mọi cách qua các mối quan hệ cá nhân, vay bằng được một khoản tiền, tôi nhớ đâu chỉ bằng ½ giá trị của ngôi nhà 19 ấy thôi. Cụ Vĩnh đưa cho cụ Ký Hội để mua cái nhà khác, đó là nhà số 21 phố Nhà Thờ. Gia đình tôi ở 21 phố Nhà Thờ mãi đến năm 1953 là vì như thế.

Nhưng không thấy bao giờ, thầy tôi than vãn điều gì về cụ Vĩnh. Ngay khi cụ Vĩnh qua đời, thầy tôi đến viếng và sưu tầm tất cả các bài báo ngày đó viết về cụ Vĩnh, rồi cụ đóng thành một album để tưởng nhớ ông chủ của mình.

Thầy tôi có một nguyên tắc trong việc dạy các con mình, đó là, ông không cho phép các con mình, khi bỏ đi một tờ giấy đã có chữ mà ném vào sọt rác. Cụ Ký Hội đều nhặt tất cả những tờ giấy có chữ đó, cho vào một cái… giống như cái lư đồng. Khi số giấy có chữ bỏ đi đó đầy lên, cụ Ký Hội châm lửa đốt. Thầy tôi bảo: bất kỳ là chữ của ai viết, về điều gì… không quan trọng, quan trọng là các con đừng biến nó thành rác! Nếu các con không muốn con cháu mình là những kẻ vô học, không có chữ… thì hãy nhớ đừng làm như vậy!

Tất cả chúng tôi lớn lên, lúc nào cũng nhớ lời dạy này của cụ.

Cả gia đình tôi cho đến giờ vẫn nhớ mãi cụ Vĩnh…!”

Người già 93 tuổi này đã không ngồi ở chiếc ghế sa lông rất tiêu chuẩn do con trai trưởng của ông xắp xếp để theo dõi bộ phim tài liệu lịch sử “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” dài 4 tập với tổng thời lượng là 215 phút. Trái lại, chỉ sau 15 phút xem đầu tiên, ông đã đứng dạy, kéo một chiếc ghế tựa bằng nhựa, ngồi lên phía trên… và ngồi xem đến phút cuối cùng của 4 tập phim lịch sử.

Khi kết thúc, người viết bài này hỏi ông Thịnh, người già 93 tuổi đó:

“Ông có mệt không ạ?”

Ông trả lời nhẹ nhàng:

“Không!”

Tôi lại hỏi tiếp:

“Ông xem phim có hài lòng không ạ?”

Ông nói:

“Hay, hay lắm! Nhiều chỗ trong phim làm tôi xúc động quá. Phim hay lắm! Tôi phải kéo ghế ngồi gần màn ảnh để nghe cho rõ. Tuổi cao rồi, đôi khi tai nó nặng… khó nghe”.

KẾT

Tôi còn biết nói gì với người con trai trưởng của người cộng sự đắc lực và trung thành của cụ Vĩnh. Nếu họ không phải là những người thân hữu, gắn bó với nhau hết lòng thủa trước, mà đã là 100 năm rồi, làm sao ngày hôm nay tôi được nghe những cảm xúc sâu sắc, chân thành đầy tính nhân đức của cái đạo làm người, từ con người đã 93 tuổi này?! Làm sao để tôi lại được học thêm bài học về tình bằng hữu, về đức hy sinh giữa những con người cùng chí hướng?! Thêm một lần nữa, tôi yên tâm tuyệt đối khi nhận thức rằng: Nguyễn Văn Vĩnh đúng là người công dân vĩ đại!

Trong cuộc đời con người, dù là những kẻ thành công hay thất bại đều không thể không thấm thía khi nhớ đến các điểm xuất phát mình đã trải qua. Cách nghĩ như vậy, người đời thường vẫn gọi, đó là những kẻ biết điều! Với những người biết điều trong cuộc sống, ai cũng thấy quý hóa và thân thiện.

Hậu duệ của gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh và gia tộc cụ Ký Mai Huy Hội, luôn coi đây là những niềm tự hào và là động lực để vượt qua mọi thử thách, cam go trong cuộc sống. Quá khứ lung linh của các bậc tiền nhân, không phải chỉ để chiêm ngưỡng hay thờ phụng, mà cần hơn nữa, đó là việc hãy làm tất cả để nó trở thành căn cốt của hậu thế, là nền tảng cho một cuộc sống nhân văn và là niềm hạnh phúc mãi mãi với bất kỳ ai!

Hà Nội, Tháng Sáu năm 2016.

NGUYỄN LÂN BÌNH

GHI CHÚ:

1. archives.gov.vn/Pages/Tin%20chi%20tiết.aspx?itemid=219&listId.

2. “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hay triệt tiêu”. Người Đại Biểu Nhân Dân, ra ngày 30.7.2013.

3. Thư tịch báo chí Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998.

4. Bulletin de la Société D’Enseignement Mutuel du Tonkin. Tom XVI, N0 1-2, Janvier – Juin 1936. (Tạp chí Tin tức Hội tương tác giáo dục Bắc Kỳ). Nhà in Tân Dân, Hà Nội 1936.

5. 40 năm nói láo. Vũ Bằng, Sài Gòn 1969. NXB Văn Hóa, Hà Nội 2000.

6. Le Programme D’ Aide à la Publication Nguyen Van Vinh – Chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh.Ambassade de France au Vietnam – Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. 2000.

Comments are closed.