“NGƯỜI MAN DI HIỆN ĐẠI” Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của công cuộc hiện đại hóa thuộc địa ở Việt Nam – Phần 3

Phần 1

Phần 2

Nguyễn Văn Vĩnh và vấn đề “văn minh” dưới thời bị đô hộ.

clip_image002

Vua Bảo Đại và Toàn quyền Ro Bin lắp những thanh ray tàu hỏa hỏa cuối cùng trong buổi khánh thành đường sắt Hà Nội – Sài Gon ngày 2.9.1936. (ảnh sưu tập của Ngô Văn Đức – Pháp)

Phần lớn những người biết về Nguyễn văn Vĩnh đều thích thú, cười mỉa một cách chế nhạo mục bài nổi tiếng của ông có nhan đề là  Lên án tất cả

(Se moquer de tout), trong đó ông hệ thống lại toàn bộ sự phê phán của mình đối với những cái mà theo ông, đó là những thói hư tật xấu của xã hội Việt Nam, những tập quán liên quan đến việc sinh đẻ, tục ăn trầu, sự tham nhũng, thói mê tín dị đoan…

Từ năm 1913 đến 1915, ông đã viết hàng chục bài báo và tiểu luận về sự cần thiết phải tiến hóa toàn diện xã hội Việt Nam, và làm cho nó “Tây” hơn, “văn minh” hơn.

Bị thôi thúc trước những quan điểm chính trị-xã hội của học thuyết Đác-uyn (Darwin), Nguyễn Văn Vĩnh coi sự phục hưng, đổi mới của Việt Nam phải được thực hiện bằng việc thích nghi một cách thận trọng với sự hiện đại hóa kiểu phương Tây, qua con đường thuộc địa Pháp. Hơn tất cả mọi điều khác, ông muốn tạo ra một nước Việt Nam thực sự “hiện đại”, phát triển như châu Âu. Điều ông quan tâm trên hết, là ghi tên nước Việt Nam vào bản đồ của các quốc gia “văn minh”.

Nguyễn Văn Vĩnh tin rằng, từ sự va chạm mãnh liệt với một phương Tây thực dân, đất nước ông sẽ biết cách tìm ra được nghị lực và sự phân biệt đủ thuyết phục, để rũ bỏ những cái mà theo ông là vấn nạn xã hội, những thói tục và những tập quán của nó, vốn thuộc một thời đại khác để lại. Cách tiếp cận rất phương Tây của ông, đã đặt lên hàng đầu tư tưởng rằng: nước Việt Nam có thể, một khi cải cách, sẽ đạt được một cấp độ văn hóa ngang với cấp độ của nước đô hộ.

Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể tìm thấy những suy nghĩ tương tự về việc Âu hóa và văn minh hóa ở Nhật Bản, Thái Lan (Xiêm) và Trung Quốc. Vấn đề không phải chỉ là một tiến trình “Pháp-Việt”(46). Thực tế chính là trong bối cảnh rộng mở hơn ấy của sự văn minh mà, theo tôi, chúng ta cần phải phân tích sự công kích của Nguyễn Văn Vĩnh vì sao phải “chống lại” xã hội và văn hóa truyền thống(47).

Xin lấy ví dụ, chuyện y phục được coi như là tiêu chí quan trọng của mức độ văn minh. Trong một tiểu luận có nhan đề là “Chuyện ăn mặc”, ngay ở đầu bài viết, ông Vĩnh đã trình bày suy nghĩ như thế nào trước sự thay đổi này, tuy chỉ là bề ngoài, nhưng lại là cái chìa khóa để xác lập sự ngang hàng với phương Tây và các nước đang trong tiến trình “văn minh hóa theo kiểu Tây phương”.

Giống như người Thổ Nhĩ Kỳ, người Xiêm đã chấp nhận y phục Âu châu, chỉ trừ một chi tiết. Người Thổ giữ lại chiếc mũ đấu ( gọi là fez, loại mũ ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Hồi giáo-ND). Người Xiêm giữ lại cái sampot (khố-ND). Cả hai nước đều đã bỏ những vết tích cuối cùng này trong trang phục truyền thống của họ. Bằng cách này, họ muốn xác định rằng, đất nước họ đã thực sự Âu hóa. Và từ nay,thông qua vẻ bề ngoài, họ muốn mọi người nhìn họ giống như tất cả các dân tộc văn minh khác ở châu Âu (…).

Ỏ châu Á, người Nhật Bản đã chấp nhận y phục Âu châu sau khi được tổ chức theo kiểu châu Âu. Người Trung Hoa cũng đã làm như vậy, rồi tiếp nữa là người Xiêm. Thực hiện việc này, mọi người đã tuân theo một giá trị ảnh hưởng huyền bí của những biểu hiện bên ngoài tác động đến sự thay đổi bên trong.

Với các dân tộc lạc hậu, để đạt đến nền văn minh Âu châu, ít ra là cách tổ chức kiểu châu Âu, thì dường như việc chấp nhận các cung cách bên ngoài là một điều cần thiết để khẳng định ý chí bình đẳng với châu Âu trong con mắt của thế giới và trong chính con mắt mình”(48).

Quan sát ở Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh lấy làm tiếc là nó chỉ được chấp nhận một cách chậm chạp cách ăn mặc kiểu quần áo phương Tây. Ông lưu ý rằng, một vài những chuẩn mực Tây hóa nào đó đã xảy ra rõ rệt nhất về trang phục chỉ có ở những công chức cạo giấy, đặc biệt ở giới nhà binh.

Nhưng cách phục sức hẳn phải đi đôi với một lối suy nghĩ nào đó. Ông đã chế giễu những ai ăn mặc giống người phương Tây, nhưng lại không thực sự hiểu được bản chất của việc làm ấy. Mặc dù đã có sự phổ biến về các tiêu chí mới trong cách ứng xử, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn thất vọng bởi lối sống cơ hội trong việc bắt chước một cách máy móc của một số người Việt Nam. Họ muốn được người Pháp để mắt tới và thừa nhận hơn là để thể hiện sự hiện đại hóa về tư tưởng phải đi đôi với tác phong trong trang phục của họ.

Chắc chắn, Nguyễn Văn Vĩnh, như nhiều người ở châu Á, châu Âu, hoặc các nơi khác, đã dựa trên một quan niệm phương Tây về phép “lịch sự” và cách “ứng xử”(49). Như những người công chức Việt Nam mặc trang phục phương Tây hôm nay (cũng là sự khuyến khích cho các bộ tộc vùng núi hãy cứ mặc những bộ đồ sặc sỡ)(50), ông Vĩnh rất lấy làm tiếc vì có nhiều người nước ngoài nhìn những người Việt Nam mặc đồ truyền thống, nhưng lại quan sát họ như thể họ là những hiện vật thuộc quá khứ trong các bảo tàng, bên cạnh đó lại khiến họ thích thú.

Giống như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh đã đả kích những gì theo ông là “nghi thức phong kiến”, đặc biệt là việc quỳ lạy(51) của giới quan lại và vua tôi của họ. Đối với ông, nước Việt Nam nên theo gương Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Hoa. Phương Tây hóa là điều không tránh được, và Nguyễn Văn Vĩnh đã tin chắc, mình là người biết đàm phán thế nào với người Pháp.

“Vậy là có những lý do xác đáng trong sự thay đổi đã được người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ai Cập, người Nhật, người Xiêm quyết định đối với các vấn đề liên quan trong việc áp dụng một cách tổng thể cách thức sử dụng y phục truyền thống của họ. Đây cũng là một bước hướng tới sự thống nhất của con người trong các biểu hiện liên quan đến đời sống cộng đồng của nó, điều đã làm cho một vài nhân vật tài tử nghiệp dư thích đi tìm cái kỳ lạ và sắc thái bản địa phải thất vọng”.

Đương nhiên, với con mắt của những ai thích thú, để tâm tới thời kỳ “tiền thuộc địa”, hay với sự đa dạng của truyền thống, của văn hóa hay lịch sử Việt Nam, thì việc nêu những quy tắc trong ăn mặc, phong cách và tư tưởng theo xu hướng Âu hóa của Nguyễn Văn Vĩnh trở thành lạ lùng, hời hợt và cả sự khó chịu.

Tuy nhiên, chúng ta cần nghĩ đến việc đánh giá đúng và nghiêm túc về Nguyễn Văn Vĩnh, bởi lẽ, ông không phải là người duy nhất có cách suy nghĩ và hành xử này. Một lần nữa, ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh thuộc lớp người dám dấn thân vào trào lưu khuyến khích cải cách văn hóa vượt khỏi giới hạn một nước “Việt Nam” hay của một “Đông Dương thuộc Pháp”.

Nước Nhật Bản vào kỷ nguyên Minh Trị đã cho những tấm gương tương tự về cách đặt vấn đề và việc thích nghi trong văn hóa, phục trang và những khái  niệm Tây phương trước quan niệm về văn minh của những dân tộc chịu ảnh hưởng của đạo Khổng và Thần đạo. Chương trình “Tân sinh” ở nước Trung Hoa Dân quốc cũng nằm trong tinh thần ấy.

Tại Đông Nam Á, ta có thể xem xét đến “Sắc lệnh về văn hóa” do Phibul Songkram thông qua vào cuối những năm 1930, đã bắt buộc người Thái Lan phải mặc trang phục kiểu phương Tây, phải bắt tay khi chào hỏi thân mật (sawatdii), hay ôm hôn vợ trước khi ra khỏi nhà đi làm như những biểu hiện của “văn minh” (siwilai). Thực vậy, khá nhiều đổi thay về văn học, nghệ thuật, cách ứng xử có tính tâm lý học diễn ra ở Việt Nam cũng đã từng sảy ra ở Thái Lan một cách cuốn hút(53).

Vấn đề Âu hóa ở một đất nước không nhất thiết phải có sự can thiệp, cưỡng bức trực tiếp qua một công cuộc khai thác thuộc địa theo kiểu châu Âu(54), cho dù có một sự kiện nổi bật nữa là Nhật Bản thời Minh Trị cũng đã ứng xử ở Triều Tiên y hệt như các thế lực thực dân châu Âu cùng với một cách tư duy tương tự(55). Vậy là, thời kỳ thuộc địa Pháp ở Việt Nam cũng nằm trong một tiến trình lịch sử và địa lý của quá trình canh tân tổng quát và rộng lớn hơn.

Nguyễn Văn Vĩnh muốn chỉ ra cho người Pháp thấy rằng, người Việt Nam cũng có thể văn minh. Ước nguyện của ông khi đưa vở kịch Người bệnh tưởng của Molière lên sân khấu với các vai diễn là người Việt Nam vào đầu những năm 1920, căn bản là bị ý chí thúc đẩy, ông muốn chứng minh cho người Pháp thấy rằng, người Việt Nam hoàn toàn có khả năng hiểu, nhận thức và diễn đạt một tác phẩm văn học phức tạp của nền văn hóa phương Tây. Như một báo cáo của cảnh sát Pháp cho thấy: bản dịch tiếng Việt tác phẩm của Molière có chủ ý

“chứng minh cho các kiều dân Pháp đang cư trú ở Việt Nam thấy rằng, người dân ở đất nước này cũng có khả năng hiểu được sâu sắc và cũng biết thưởng thức các tác phẩm của Molière và những nhà văn nổi tiếng khác”(57).

Ông cũng mang ý tưởng đó khi giới thiệu lên màn ảnh tác phẩm điện ảnh Kim Vân Kiều. Ông đã viết bài trên tờTrung Bắc Tân văn, bộ phim này để chỉ cho người Pháp và cho thế giới biết rằng “người Việt Nam không phải là một giống mọi rợ”. Bộ phim nhằm giúp người Việt Nam “làm cho thế giới biết”, rằng họ cũng là “một phần của nhân loại” và không hề là một dân tộc dòng giống mọi rợ, nguyên thủy. Một cách thú vị, ông còn viết thêm rằng, bộ phim này là một trong những phương pháp mới nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất làm cho người ta nghe thấy thông điệp của người Việt Nam(58). Quả thực, ông đã không hề nhầm lẫn điều này.

Nói tóm lại, vấn đề văn minh và so sánh các nền văn minh là trung tâm của cuộc sống và các công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Vĩnh. Ước muốn ứng xử theo phong cách Âu Tây, mặc đồ Âu, đội chiếc mũ kiểu thuộc địa, nói tiếng Pháp với ngay cả bạn bè người Việt, có lẽ không thể chỉ vì bề ngoài, hay một ý nguyện tượng trưng còn cao hơn một sự dàn cảnh đơn giản với biểu tượng của một người Pháp ( hãy so sánh với một số người phương Tây lạ lùng là muốn “bản xứ hóa” hơn cả người bản địa, nhằm thoát khỏi nền văn minh phương Tây mà chính họ sinh ra từ đó).

Như ông đã từng nhấn mạnh trong nhiều tiểu luận bàn về vấn đề văn hóa xã hội, điều đó tương ứng phần nào ý muốn đưa người Việt Nam lên ngang hàng với thế giới Tây phương, và lên trên những dân tộc khác bị coi là “mọi rợ”(59).

Điều nên lưu ý là có không ít người Việt Nam – Không phải chỉ có Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh – Xem xét, đánh giá các khái niệm, nhận thức mới về “văn minh phương Tây”, đối chiếu với những thiên kiến cũ của người Việt, về tính ưu việt giả định họ đã có, so sánh với các nước láng giềng theo Phật giáo tiểu thừa ở phía Tây.

Nếu người Pháp biện minh việc cai trị Việt Nam của họ bằng một sự vượt trội về văn minh và cao hơn phương Tây hiện đại, thì Nguyễn Văn Vĩnh và một số người khác sẽ biện minh cho việc áp đặt Tây Đông Dương của mình cũng bằng cách thức tương tự không thua kém. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh và một số người khác, nhờ tính ưu việt vượt trội của mình, nước Việt Nam đã giữ vị trí ưu tiên trong sứ mệnh khai hóa văn minh Pháp-Việt ở Đông Dương thuộc địa(60).

Khi đáp lại phe đối lập trong số các trí thức Campuchia về sự gia tăng nhập cư của người Việt sang Campuchia thuộc địa, tờ báo L’Annam Nouveau đã trả lời rằng, người Việt đã tới Camphuchia vì cùng những lý do phù hợp với học thuyết Đác Uyn, giống như người châu Âu đã tới châu Á, và cũng như người Nhật đến Mãn Châu.

“Ít ra là người Campuchia cũng không muốn bị tách biệt như những bộ tộc hoang dã ở Trung Phi, họ cần thiết và thực sự quan tâm đến việc mở rộng vòng tay đón nhận mọi sứ giả của nền văn minh. Hình như, lúc này không phải là ý tưởng của một số người trong bọn họ”(61).

Tư tưởng phức tạp về văn minh này, vậy mà lại trùng nhau ở nhiều điểm khi đối chiếu sau này. Cái cách thức theo giọng điệu của một thuộc địa Pháp mang mầu sắc khai hóa lại trùng với giọng điệu của Việt Nam xưa hơn ở Đông Dương, tạo thành một trong những sự phân nhánh lý giải lý thú nhất. Một cách nói khác, tất nhiên là theo ý tưởng Cộng sản ở một nước Việt Nam trẻ đã truyền bá nhằm nhấn mạnh sứ mạng làm cách mạng ở Lào và Campuchia sau này(62).

Tất cả những chính kiến chung quanh vấn đề ảnh hưởng của phương Tây có thể xem như phi lý vào thời đại của những “giá trị Á Đông” và của “sự va chạm giữa các nền văn minh”. Nhưng chúng tôi cho rằng, điều quan trọng, đây là mối bận tâm chủ yếu của những con người sống trong thời kỳ này, và là một tiến trình phức tạp cần được nghiên cứu nhiều hơn và vượt ra cả những khuôn khổ quốc gia đơn thuần của nước Pháp, của Đông Dương, thậm chí của cộng đồng Pháp ngữ. Trở thành văn minh, cũng có nghĩa là có thể khai hóa cho người khác. Nguyễn Văn Vĩnh biết rất rõ điều này!

Điều kỳ lạ ở chỗ, cuộc va chạm đáng buồn giữa người Việt Nam và người Khơ me lúc đó, đã làm suy giảm đi những thuyết lý khai hóa của người Việt ở một Đông Dương thuộc địa, thì mối giao hảo Pháp-Nam cũng phải hứng chịu những rắc rối mang tính phá hoại như thế. Bởi lẽ, nếu Nguyễn Văn Vĩnh coi văn minh Việt Nam cao hơn văn minh của người Khơ me, thì ông đã bị thất vọng sâu sắc trước một sự khinh miệt cố hữu nào đó của bản thân chế độ thuộc địa (nếu không muốn nói là tiến trình của sự văn minh?!). Sự việc điển hình đó xuất hiện vào năm 1933, trong một vụ va chạm nảy lửa giữa người Pháp và người Việt sảy ra tại rạp chiếu bóng Majestic Hà Nội (rạp Tháng 8 hiện nay).

Nguyễn Văn Vĩnh đã phê phán sự hiểu lầm khó chịu này, nó thực sự đối lập giữa kẻ cai trị là thực dân và kẻ bị trị. Ông đã yêu cầu phải thông báo rõ ràng sự việc và yêu cầu người Pháp bỏ ngay cái thái độ trịch thượng kiểu thực dân, mà đó là nguyên nhân của vụ việc ồn ào này(64).

Nhưng điều đã khiến Nguyễn Văn Vĩnh bị xúc phạm là sau khi ông cho đăng bài báo, ông đã nhận được lời cảnh cáo chính thức của nhà cầm quyền (Chính phủ thuộc địa-ND) và trong nội dung của bài viết đã liệt ông vào loại người “chống Pháp” (khác gì việc buộc tội người Lào và người Campuchia “chống Việt Nam”)(65). Nguyễn Văn Vĩnh đã không thể đồng ý với cách phân tích như vậy:

“Thật tình, họ dùng tính từ này thật quá dễ dãi, thậm chí là ranh ma. Liệu có ai đưa ra được cho chúng ta một cách định nghĩa thế nào là chống Pháp?!”.

Ông kết thúc bài viết về sự kiện này bằng những lời:

“Ngày mà tất cả những người Pháp ở đây đều thừa nhận rằng, sự độc ác phải bị trừng trị, dù nó đến từ phía nào, xuất phát từ đâu, ngay cả từ một người Pháp; rằng người An Nam cũng là con người, rằng họ cũng phải hành động tự thân chống lại mọi sự xúc phạm, bất công, và khi hành xử như thế, họ sẽ có ở bên mình tất cả những người Pháp lương thiện, thì ngày đó, mối giao hảo Pháp-Nam không còn là một cách nói xuông”(66).

Dù có liên quan đến người Pháp hay người Campuchia, Nguyễn Văn Vĩnh đã chứng minh cho chúng ta một góc nhìn thật thú vị về cách thức của trí thức Việt Nam ứng xử trước các vấn đề đặt ra của vô số những giao điểm đa dạng của các nền văn minh khác nhau trong hoàn cảnh của quá trình khai thác thuộc địa.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh đã tin tưởng sâu sắc vào tiến trình hiện đại hóa của đất nước này chỉ có thể thực hiện thông qua sự liên minh với nước Pháp, điều này lại phù hợp với quan điểm chính thức. Sự trùng hợp tư tưởng đó, đã tạo thuận lợi cho người Pháp tìm cách để liên kết những người Việt Nam như ông vào với dự án thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Hơn thế nữa, người Pháp cũng chẳng phải là những kẻ duy nhất muốn lấy được lòng tin của người Việt Nam.

Nguyễn Văn Vĩnh và “Pháp ngữ” thuộc địa

clip_image004

Có phải từ hơn 100 năm trước, Toàn quyền Paul Doumer và Nguyễn Văn Vĩnh đã mơ có cảnh này?! (Ảnh Tổng thống Pháp Francois Hollande và Nhà khoa học Ngô Bảo Châu trên đường phố Hà Nội 5.9.2016).

Không phải chỉ có nền văn minh Pháp dưới thời thuộc địa, và những nhà cai trị thuộc địa Pháp thời đó mới hiểu một cách tường tận về sự phát triển văn hóa và văn mình Pháp và vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh đều xuất phát từ mối lo của người Pháp, rằng văn hóa và tư tưởng của họ không thấm đến được người dân và tầng lớp quan lại Việt Nam. Những nền văn hóa khác, đặc biệt là của Trung Hoa, vẫn có một ảnh hưởng mạnh hơn và đã bắt rễ sâu hơn cả về thời gian và không gian.

Việc Âu hóa thuộc địa có những giới hạn của nó, như Denys Lombard đã nhấn mạnh một cách chính xác, ngay cả ở Đông Dương thuộc Pháp[1]. Sự chọn lựa của chính quyền thuộc địa trong việc đặt cược vào Nguyễn Văn Vĩnh là bằng chứng rõ rệt.

Nhà chức trách thuộc địa, đặc biệt là toàn quyền Albert Sarraut (1911-1913, 1917-1919) và giám đốc chính trị của ông ta, Louis Marty, đều quyết tâm ngăn chặn sự tuyên truyền của Đức và ảnh hưởng của Trung Quốc đến với tầng lớp ưu tú Việt Nam bằng những bản dịch chữ Hán, dựa vào hệ thống sách báo Trung Hoa vẫn nối liền Việt Nam với bên ngoài – dù đã có nền đô hộ thuộc địa.

Sarraut trình bày với bộ trưởng Thuộc địa sự thiếu hiểu biết của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng về nước Pháp.

“Tiếng Anh, ông nói, là thứ tiếng duy nhất trong các ngôn ngữ châu Âu được sử dụng phổ biến ở Viễn Đông, các nhà xuất bản sách Trung Quốc ở Thượng Hải và các hải cảng khác đã tìm thấy trong đồng bào họ những người biên dịch giỏi để dịch thứ tiếng đó”.

Nói rộng ra, ngay cả những bản dịch Trung Hoa đang tiếp tục thâm nhập vào Việt Nam vẫn không làm cho người ta biết đến nước Pháp bằng các nước châu Âu khác. Sarraut lấy làm tiếc rằng phần lớn kiến thức của người Việt về thế giới và châu Âu đều đến từ những xuất bản phẩm không phải của người Pháp, như những bản tường thuật nhiều tập mà Khang Hữu Vi đã viết sau chuyến đi châu Âu.

Để bảo vệ những lập luận của mình, Sarraut đã dẫn chứng bản báo cáo của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp do Noel Péri viết năm 1911 về những bài thi của các quan, cho thấy người Pháp không phải là “người nắm công luận”. Péri và những người khác cho biết rằng các sách vở Trung Hoa vẫn tiếp tục chiếm phần lớn trong các tủ sách ở địa phương của các quan. Nghiêm trọng hơn:

“Công trình của Khang Hữu Vi vẫn tiếp tục được sử dụng và lưu hành tại thuộc địa, mặc dù đã có lệnh ngăn cấm mọi sách báo Trung Hoa, thuộc bất cứ loại nào”[2].

Chính trong bối cảnh đó mà Sarraut dựa vào một nhóm nhà nghiên cứu Việt Nam tài năng, đã chiêu tập những người trí thức biết tiếng Pháp như Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Vĩnh và những người khác, và đưa họ đứng đầu những tờ báo nhằm xúc tiến sự nghiệp của Pháp ở Đông Dương – cụ thể là Nam Phong, La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) và Đông Dương tạp chí, cùng với Trung Bắc tân văn.

Sarraut chủ yếu dựa vào Louis Marty và Schneider để lập nên một “chương trình có hệ thống” nhằm cắt đứt Việt Nam khỏi bối cảnh châu Á và ngăn chặn những kẻ cạnh tranh không phải nước Pháp trong các kế hoạch “của Pháp” ở Đông Dương.

Họ chọn lọc những trí thức và nhà báo Việt Nam biết tiếng Pháp và chữ quốc ngữ để phụ trách các tờ báo, dịch thuật và nắm các câu lạc bộ văn học để làm cho người Việt Nam biết đến nước Pháp và nền văn minh Pháp, và chủ yếu là qua tiếng Việt.

Ngay cả sau chiến tranh, tầm quan trọng làm cho châu Á và Việt Nam biết đến nước Pháp vẫn là điều ưu tiên ở thuộc địa. Louis Marty nhắc lại cho Sarraut hồi tháng 3-1919 rằng:

“Trong sách báo Trung Quốc hiện đại, các công trình mô phỏng hay biên dịch các tác phẩm Pháp sau thế kỷ 18 là cực kỳ hiếm. Ngược lại, Viễn Đông đầy dẫy những sách thuộc đủ loại chủ đề dịch từ tiếng Anh hay từ tiếng “Đức”.

Marty tán thành quyết định của Sarraut, “thành lập và phát triển những cơ quan tuyên truyền của Pháp viết bằng tiếng dân tộc của người An Nam với sự trợ giúp của ông Schneider, và nhanh chóng chinh phục thiện cảm của công chúng. Những cơ quan đó ngày nay đang đảm bảo cuộc đối thoại, trong khi bổ khuyết cho việc tổ chức cơ quan tuyên truyền của chúng ta”.

Đối với Marty thì các cơ quan tuyên truyền đó vận hành “bề ngoài có vẻ là độc lập, nhưng chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ của Chính phủ Thuộc địa và nhà chức trách địa phương”. Ông nói cần phải “thông tin và dạy dỗ”. Nói tóm lại, trước hết phải làm cho người ta biết nước Pháp, tầm quan trọng của nó trong thế giới, tính hiện đại và văn hóa đối với người Việt Nam và bằng ngôn ngữ của họ.

“Những thần dân được bảo hộ của chúng ta cần thiết phải có bên mình một tờ thông tin, thông báo cho họ biết chính xác kèm theo lời bình luận giải thích về tình hình chung của đất nước cũng như về các sự kiện bên ngoài, có thể thỏa mãn sự tò mò hợp pháp của họ nhưng tránh xa mọi xu hướng độc hại; Chính phủ cũng cần có khả năng chuẩn bị thông qua một sự quảng cáo thông minh về một số biện pháp hành chính, một số cải cách, để chúng sẽ được tiếp nhận tốt hơn nếu chúng được giải thích tốt hơn và hiểu rõ hơn.

Cơ quan đó […] cần phải có một vai trò chủ yếu là giáo dục; nó phải làm cho người bản xứ tự đánh giá được lợi ích và tầm vóc của những nỗ lực lớn lao đang thực hiện vì họ; nó cũng phải dạy cho họ biết rõ nước Pháp hơn, về những ý tưởng hào hiệp, về sự nghiệp của các nhà tư tưởng và các nhà bác học; nói tóm lại phải góp phần đem lại cho họ một ý thức rõ rệt rằng mối quan tâm của nước bảo hộ không hề mặc cả. Nếu nó được phổ biến đầy đủ, nó sẽ phục vụ cho việc xây dựng dần dần một tinh thần công cộng tích cực […]”[3].

Chính Schneider đã bắt đầu triển khai kế hoạch đó dưới thời Sarraut. Nắm vững tiếng Việt, ông xúc tiến việc tuyên truyền cho nước Pháp bằng quốc ngữ. Chương trình phổ biến đó, vừa văn hóa vừa chính trị, phải thực hiện không phải chỉ bằng tiếng Pháp mà bằng cả tiếng Việt để có thể đến với những người không biết tiếng Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và một số người khác được chọn để xúc tiến việc tuyên truyền cho Pháp có hiệu quả hơn đối với người Việt Nam. Marty thay thế Schneider sau chiến tranh.

Năm 1937, Vayrac, phụ trách kiểm duyệt báo chí ở Bắc Kỳ, đã từng tuyển dụng Nguyễn Văn Vĩnh vào dự án đó và ông Vĩnh đã từng trở thành người bạn gần gũi nhất của Vayrac. Ông đã trình bày cơ sở của việc tuyên truyền cho Pháp và vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh trong bản báo cáo nội bộ: Những nỗ lực ở Bắc Kỳ từ khoảng 25 năm nay nhằm cung cấp sách báo tốt cho người An Nam đọc.

Theo lời Vayrac, khá lâu trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Nguyễn Văn Vĩnh đã quan tâm nhiều đến việc dịch các tác phẩm nói lên tư tưởng chính trị của nước Pháp thế kỷ 18 hơn là dịch các hài kịch của Molière và kịch châm biếm của thế kỷ trước. Vayrac không che dấu rằng Nguyễn Văn Vĩnh “đã dịch các nhà triết học Pháp để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng. Chúng tôi phải kể đến việc ông đã thực hiện sáu hay bảy bản dịch liên tục của Khế ước Xã hội, được lưu hành ngấm ngầm”.

Vayrac đã cố hết sức để “thuyết phục [ông ta], trong những dịp trò chuyện giữa chúng tôi, rằng đấy không phải là những tác phẩm cần dịch trước tiên, rằng người An Nam, trong tình trạng tiến hóa hiện nay, chưa thể rút ra được điều gì bổ ích”.

Ông nói đã phải “mất hàng năm trời để thuyết phục ông Vĩnh rằng phải bắt đầu bằng những tác phẩm đã được cả thế giới ca tụng và dịch ra đủ các thứ tiếng, như Truyện ngụ ngôn của La Fontaine và Truyện cổ tích Perrault”[4]. Như vậy ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh không phải được tùy ý chọn các tác phẩm phương Tây để dịch.

Phe nhóm của Sarraut đang cần đến ông. Vayrac giải thích rằng ông Vĩnh đã thành lập và điều hành nhiều tờ báo bằng Quốc ngữ và chữ Hán, rằng ông đã điều hành trong thời gian ngắn Nhà in Bắc Kỳ (Imprimerie tonkinoise) và quyết tâm ra một tờ báo bằng quốc ngữ mà không cần giấy phép, “để kiếm cớ bị bắt và gây nên một vụ bê bối”.

Chính lúc đó Vayrac đã thuyết phục được ông Vĩnh hãy tiến một bước về phía ông ta và về phía chính phủ thuộc địa đang thừa nhận rằng “ở đây có một sức mạnh cần sử dụng, nhưng trong trật tự và trong sự hợp pháp”.

Sự dàn xếp đó trùng hợp với ý đồ của Sarraut là loại bỏ ảnh hưởng bên ngoài thông qua chữ Quốc ngữ chứ không phải qua tiếng Pháp. Nguyễn Văn Vĩnh là “người của chúng ta” ở Bắc Kỳ. Từ đấy Schneider và ông Vĩnh cùng hợp tác để điều hành tờ Đông Dương tạp chí, rồi tờ Trung Bắc tân văn. Như Vayrac đã nhấn mạnh “Ông Vĩnh cuối cùng đã tìm được con đường đi. Ông sẽ trở thành nhà dịch giả các tác phẩm lớn của văn học Pháp”,mà quên nói thêm rằng việc đó nhằm xúc tiến ảnh hưởng của Pháp chống lại những kẻ cạnh tranh của Á Đông và cả của phương Tây ở châu Á.

Thật vậy, vai trò giao phó cho ông Vĩnh trong việc xúc tiến văn hóa Pháp bằng tiếng Việt trước hết là kết quả mối lo của người Pháp nhìn thấy “dư luận châu Á” bành trướng ở Việt Nam, nhất là khi nó bị những cường quốc phương Tây khác thao túng (như người Đức trong Thế chiến thứ nhất). Phân tích ngược lại thời kỳ 1931, Nguyễn Văn Vĩnh giải thích rằng vai trò của ông là góp phần dựng nên một nền dư luận Việt Nam, vì sự thật là“các báo chí Trung Hoa, tuy không đề cập riêng những vấn đề An Nam, nhưng vẫn tạo nên một luồng dư luận châu Á đối với các nước lớn là những đế quốc ở châu Âu”[5].

Ngay sau Thế chiến thứ nhất, chữ Hán vẫn tiếp tục chiếm một vị trí đáng kể ở Việt Nam. Cho đến cuối những năm 1920 chẳng hạn, người Pháp sử dụng ông Vĩnh để “chống lại sự xâm nhập của tiểu thuyết Trung Hoa” bằng cách cho ông lập các Tủ sách Bắc kỳ (Lectures Tonkinoises). Năm 1927 và 1928, thống sứ René Robin thành lậpAlmanach Annamite (Niên lịch Thông thư An Nam) và một tủ sách dịch La Pensée de l’Occident

(Âu Tây Tư tưởng), theo cùng một ý tưởng trên. Robin đặt ông Vĩnh đứng đầu hai tủ sách đó, được Nhà nước thuộc địa tài trợ. Sự cắt đứt dây liên hệ đó với thế giới Trung Hoa tất nhiên không phải tự nó đến.

Cho đến những năm 1930, người Việt Nam vẫn đọc các sách lịch Trung Hoa in ở Quảng Châu hay Thượng Hải, được xuất bản “hàng trăm nghìn và có lẽ đến hàng triệu bản” theo lời ông Vayrac. Một số lớn sách lịch Tàu đó được bán ở Đông Dương chỉ từ 1 hào đến 1,2 hào. Vayrac giải thích rõ rằng “chỉ có chính phủ (mới có thể) tài trợ cho một công việc dưới những điều kiện bi đát như vậy”. Bối cảnh châu Á vốn có của nền văn minh Việt Nam không thể biến mất trong ngày một ngày hai.

Chính phủ Pháp đã mua và phân phát phần lớn các sách lịch của Nguyễn Văn Vĩnh trong cuộc chiến chính trị-văn hóa đó, như vậy tủ sách Âu Tây Tư tưởng đã xuất bản được 1.800.000 bản dịch, trong đó có 1.000.000 bản cho việc phát không với 65.000 bộ[6].

Về nhiều mặt, văn hóa Trung Hoa có nguồn gốc xa xưa hơn và bắt rễ sâu hơn vào văn minh Việt Nam so với văn hóa Pháp, và nó vẫn tiếp tục tồn tại dưới thời thuộc địa. Không thể làm cho “đám đông dân chúng” Việt Nam hiểu được, các nhà cai trị thuộc địa phải tăng cường, nỗ lực để xúc tiến quảng bá nền văn hóa và sự tiến bộ của nước Pháp. Vì vậy mà vào đầu thời kỳ thuộc địa, những hiểu biết về nước Pháp, về ngôn ngữ, và việc phổ biến những tác phẩm của Pháp ở Đông Dương đều phải thực hiện hoặc bằng tiếng Pháp, hoặc bằng tiếng Việt. Chính vì thế mà những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh nằm trong tổng thể những công cụ đắc lực cho việc tuyên truyền của chính quyền thuộc địa[7].

Vayrac biết rõ mọi vấn đề từ bên trong, bản thân ông cũng thừa nhận, như ông đã nhấn mạnh trong những lời nói đầu bài viết này. Và đấy là lý do khiến ông cảm thấy một nỗi buồn lớn lao khi người bạn Nguyễn Văn Vĩnh của ông qua đời. Thật quá đáng nếu bỏ qua hiệu quả của văn hóa và ngôn ngữ Pháp ở Việt Nam dưới thời thuộc địa, nhất là ở các thành phố với một lớp thanh niên sử dụng tiếng Pháp nhiều hơn trong những năm 1930. Ta cũng có thể sai lầm nếu không nhận ra rằng, văn hóa và ngôn ngữ Pháp ở Đông Dương thuộc địa[8] đã chưa thể chinh phục được ngay số đông độc giả Việt Nam.

Nước Pháp thuộc địa (cũng như Anh và Nhật Bản) rất cần đến Nguyễn Văn Vĩnh để “xóa bỏ sự ngộ nhận hoàn toàn đó” giữa hai dân tộc rất khác nhau, để ngăn chặn những ảnh hưởng cạnh tranh với sự hiện diện của người Pháp, và để cắm sâu nền đô hộ và văn minh Pháp vào mảnh đất xa lạ, với một nền văn minh xuất phát từ châu Á chứ không phải từ phương Tây. Việc hiện đại hóa thuộc địa thật phức tạp; không phải tự nhiên mà thực hiện được. Nguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn ý thức rõ điều đó.

Thay lời kết luận

Tuy nhiên, hình như Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt mình đâu đó giữa quá khứ và hiện tại, về cuối cuộc đời hình như ông không biết nên chọn con đường nào. Sự việc ông bị phá sản hoàn toàn về tài chính khiến cho công việc của ông không dễ dàng. Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn tin vào hiện đại hóa theo phương Tây và vào sự phát triển song hành của văn minh Việt Nam. Ông đã cho ta ví dụ có ý nghĩa về một con người quan niệm hiện đại hóa Việt Nam trong khung cảnh thuộc địa và minh họa những khó khăn đặt ra trong hoàn cảnh đó.

Khi Tưởng Giới Thạch thi hành một đường lối văn hóa Khổng giáo “truyền thống” vào đầu những năm 1930, bài xích lối ăn mặc theo Tây đang thịnh hành ở thành thị Trung Quốc, Nguyễn Văn Vĩnh trả lời trong một tiểu luận rằng cần thiết phải phục hồi và phát triển một nền nho học mới và hiện đại ở Việt Nam, một thứ ý thức hệ Nhà nước, nhưng phải gắn chặt với những “tiến bộ khoa học”.

Khổng giáo, ông Vĩnh nhấn mạnh, đem lại một sự đóng góp hàng đầu đối với người Á đông vì nó mang theo ưu thế tạo nên “một sự ổn định lạ thường”[9]. Hai mươi năm trước, ông không bao giờ nói như vậy.

Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Sự khác biệt nằm ở chỗ trong hoàn cảnh bị Pháp đô hộ, bị kiểm duyệt và giám sát, trí thức Việt Nam không được tự do để “dân tộc hóa” những điều vay mượn của phương Tây như các người đồng nghiệp Nhật Bản hay Thái Lan. Người Việt Nam không cai trị đất nước mình, người Pháp không dành cho họ vai trò đó.

Nguyễn Văn Vĩnh không thể trở thành bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam giống như ông Vichit Vathakan nổi tiếng ở Thái Lan. Ông không thể có cái hokugaku hay hokutai trong nước Việt Nam thuộc địa giống như ở Nhật Bản, nếu không phải là những ý định thực hành theo hướng đó của nhiều nhân vật, đều bị liệt vào loại “chống Pháp”. Quá trình “dân tộc hóa” phương Tây hiện đại ở Việt Nam – giống như ở Nhật Bản và Thái Lan – chỉ có thể thực hiện một khi sự kiểm soát của chủ nghĩa thực dân biến mất.

Thật vậy, hốt hoảng trước những vụ nổi loạn của phong trào quốc gia vào cuối những năm 1920, các nhà cai trị thuộc địa như Pierre Pasquier đã quay về với quá khứ, về nước An Nam thuở xưa, nhằm làm sống lại nền quân chủ mà người Pháp đã lấy mất quyền lực và uy tín, trong khi vào lúc đó người Việt Nam, noi theo Nguyễn Văn Vĩnh và những người khác, đòi hỏi những thiết chế mới, gần phương Tây hơn, nhằm dựng nên một nước Việt Nam “mới”.

Hiển nhiên, không phải ngẫu nhiên mà tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới) được thành lập khi Pierre Pasquier ca ngợi quá khứ để vực lại uy tín của nền quân chủ. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi ông Vĩnh và nhiều người khác đều phấn khởi trước cuộc cách mạng Thái Lan năm 1932 và sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế nhường chỗ cho một “nền dân chủ có ích” [10].

…Để kết thúc những suy nghĩ về một con người đặc biệt trong một hoàn cảnh cực kỳ phức tạp của chính sách thuộc địa, tôi xin làm theo cách nhường lại lời nói của chính ông, rất có thể, điều này đã hé mở rõ hơn cho tất cả chúng ta hiểu được cái nan giải, cái cách lựa chọn một lý tưởng trong bối cảnh khó khăn của ông. Năm 1932, trong một bức thư ông gủi cho nhà Nho, nhà cải cách Huỳnh Thúc Kháng, ông đã viết:

“Cái hố sâu ngăn cách một nhà Nho chân chính như ông, người không còn tin vào những tư tưởng lẫn những phương pháp của quá khứ, với một người man di hiện đại như tôi, sản phẩm của một nền giáo dục hỗn tạp và khiếm khuyết, đang muốn tìm một vài chân lý trong cùng cái quá khứ đó, mà tôi, tất nhiên cũng không biết gì hơn ông Kháng, dù sao, cái quá khứ đó cũng hiện lên đối với tôi như một nguồn sức sống và ánh sáng chưa được biết tới.

Chúng ta đã gặp nhau trên cùng một con đường, ai cũng cho là mình đi đúng hướng…chẳng qua vì con đường đó chưa có. Giống như, rốt cùng, cả hai chúng ta đều đang đi tìm chân lý, thì không nhất thiết cứ phải đi theo cùng một hướng!”(76).

——————————————-

Hết

* Tiến sỹ Christopher E. Goscha, quốc tịch Mỹ, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại. Cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Hiện là giảng viên khoa Đông phương học thuộc đại học Montreal-Canada. Bài viết đăng trên RFHOM, T.88, số 332-333 (2001).

[1] Denys Lombard, Ngã tư đường Java, I: Những hạn chế của Âu hóa, dẫn luận.

[2] “Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa”, ngày 15-9-1917, phông Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương, 65409, CAOM.

[3] “L. Marty gửi Toàn quyền Đông Dương”, ngày 3-3-1919, phông Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương, d. 65407, CAOM.

[4] “Báo cáo về những nỗ lực ở Bắc Kỳ trong khoảng 25 năm để cung cấp những sách đọc tốt cho người An Nam”, ngày 17-2-1937, ký tên Vayrac, Giám đốc Phòng Xuất bản bản xứ, RSTF/NF, d. 05219, CAOM.

[5] Nguyễn Văn Vĩnh, “Báo chí tự do bản xứ”, AN, 20-4-1931.

[6] “Báo cáo về các sự kiện Bắc Kỳ”, tr. 9-11.

[7] Một cách ngịch lý, có lẽ ông đã làm nhiều hơn để thấm nhuần văn hóa Pháp vào Việt Nam trong thời thuộc địa, so với các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp có thể làm sau này khi chế độ thuộc địa đã bị thủ tiêu.. Có lẽ là do ông du nhập ngôn ngữ và văn hóa Pháp vào Việt Nam bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Pháp. Nó giải thích tại sao đến ngày nay, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn không có tên trong lịch sử “Pháp ngữ” hậu thuộc địa, đặc biệt trong các công trình tiếng Pháp.

[8] Ở Lào và Campuchia lại càng ít hơn, nơi đó ảnh hưởng của Pháp tương đối ít hơn và họ ít quan tâm đến việc hiện đại hóa mà Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều người Việt Nam khác từng mơ tưởng.

[9] Nguyễn Văn Vĩnh, “Cuộc vận động tân sinh ở Trung Quốc”, AN, 11-10-1934.

[10] “Bài học của cách mạng Xiêm”, AN, 3-7-1932.

Chú thích:

46 “Về chủ đề nhà báo và nhà in Nguyễn Văn Vĩnh”, tr. 1.

47 Nguyễn Văn Vĩnh, Trung Bắc tân văn, dẫn theo Quốc Anh trong “Người Việt Nam đầu tiên cổ vũ cho điện ảnh”, sđd.

48 Thongchai Winichakul, “Đi tìm văn minh…”, sđd, tr. 528-549.

49 Về ý tưởng khai hóa văn minh của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, xem: Goscha, Việt Nam hay Đông Dương?

50 Hy Tong, “Điều gì đã xảy ra ở Cao Miên?”, AN, 20-8-1933, và cả ở Việt Nam hay Đông Dương?

51 Những người cộng sản chủ trương hiện đại hóa Việt Nam đều biết rõ lời nói về sứ mệnh văn minh của Nguyễn Văn Vĩnh đối với các nước tây Đông Dương. Xem: Văn kiện Đảng, tập II, Hà Nội, Nxb Sự thật, 1977, tr. 476-477.

52 Nguyễn Văn Vĩnh, “Quanh một sự cố đáng buồn”, AN, 15-6-1933.

53 Nguyễn Văn Vĩnh, “Chống Pháp”, AN, 27-8-1933.

54 Nguyễn Văn Vĩnh, “Nhích lại gần nhau”, AN, 6-7-1933.

55 Denys Lombard, Ngã tư đường Java, I: Những hạn chế của Âu hóa, dẫn luận.

56 “Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa”, ngày 15-9-1917, phông Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương, 65409, CAOM.

57 “L. Marty gửi Toàn quyền Đông Dương”, ngày 3-3-1919, phông Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương, d. 65407, CAOM.

58 “Báo cáo về những nỗ lực ở Bắc Kỳ trong khoảng 25 năm để cung cấp những sách đọc tốt cho người An Nam”, ngày 17-2-1937, ký tên Vayrac, Giám đốc Phòng Xuất bản bản xứ, RSTF/NF, d. 05219, CAOM.

59 Nguyễn Văn Vĩnh, “Báo chí tự do bản xứ”, AN, 20-4-1931.

60 “Báo cáo về các sự kiện Bắc Kỳ”, tr. 9-11.

61 Một cách ngịch lý, có lẽ ông đã làm nhiều hơn để thấm nhuần văn hóa Pháp vào Việt Nam trong thời thuộc địa, so với các nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp có thể làm sau này khi chế độ thuộc địa đã bị thủ tiêu.. Có lẽ là do ông du nhập ngôn ngữ và văn hóa Pháp vào Việt Nam bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Pháp. Nó giải thích tại sao đến ngày nay, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn không có tên trong lịch sử “Pháp ngữ” hậu thuộc địa, đặc biệt trong các công trình tiếng Pháp.

62 Ở Lào và Campuchia lại càng ít hơn, nơi đó ảnh hưởng của Pháp tương đối ít hơn và họ ít quan tâm đến việc hiện đại hóa mà Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều người Việt Nam khác từng mơ tưởng.

63 Nguyễn Văn Vĩnh, “Cuộc vận động tân sinh ở Trung Quốc”, AN, 11-10-1934.

64 “Bài học của cách mạng Xiêm”, AN, 3-7-1932.

Ảnh minh họa trong toàn bài của BBT.Tannamtu.com.

LB

Comments are closed.