Tư tưởng phản động của Trương Tửu trong công tác giảng dạy ở đại học

Nguyễn Khắc Phi (Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm tổng hợp)

Bài viết từ năm 1958

Phan Khôi từng rêu rao: “Ai chiếm được trận địa văn nghệ và đại học thì kẻ ấy thắng”. Việc Trương Tửu lợi dụng công tác giảng dạy ở đại học để truyền bá những tư tưởng lạc hậu, phản động chính là nằm trong âm mưu thâm độc ấy. Trương Tửu giảng rất sơ lược về văn chương yêu nước, hoàn toàn không giảng tới những tác phẩm hiện thực cuả Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng… Trương Tửu đặc biệt đề cao Tản Đà và Vũ Trọng Phụng, đề cao với một dụng ý chính trị phản động rõ rệt.

Trương Tửu cho Tản Đà là một “nhà thơ yêu nước chân chính”, “biết tôn trọng tự do”, “có một tình cảm lãng mạn cách mạng”, là một “nhà trí thức trong sạch”… Ta không hoàn toàn phủ nhận yếu tố yêu nước một số rất ít trong thơ ca Tản Đà, nhưng xét về toàn bộ và căn bản tư tưởng Tản Đà là lạc hậu, thậm chí có nhiều nét phản động. Tản Đà là “nhà thơ yêu nước chân chính”, “tôn trọng tự do”, nhưng lại cam tâm để cho kẻ địch đè đầu cưỡi cổ. Hãy nghe ông khuyên: “Hai nhăm triệu đồng bào sĩ nữ, xin hãy cứ vui lòng cùng cảnh ngộ, nhờ Đại Pháp hết lòng khai hóa, để chờ xem khí vận tuần hoàn” (An Nam tạp chí số 11), Tản Đà là “nhà thơ yêu nước chân chính” nhưng lại căm ghét kẻ nghèo khổ. Hãy nghe ông làm “kịch đuổi ăn mày”: … “Thằng ở quân hầu, truyền lũ bay đóng chặt cổng vào, thây cha chúng nó! Học một lối ăn không người mãi, có con c… ông!”

Trước mặt nam và cả nữ sinh viên, Trương Tửu đã rung đùi khoái chí đọc những vần thơ tàn nhẫn ấy với một thái độ hoàn toàn đồng tình, và, bỉ ổi hơn, đọc hẳn chữ “con c…” bằng tên thật của nó.

Trương Tửu đã dẫn một câu nói của Lê-nin trong cuốn Làm gì? đem xuyên tạc đi để đề cao chất lãng mạn của Tản Đà. Lê-nin quả có nói rằng con người “phải có năng lực mong ước”, “phải vượt lên và nhìn thấy sự nghiệp của mình bằng sức tưởng tượng”, nhưng điều mà Trương Tửu không nhắc tới là Lê-nin luôn nói rằng lòng mong ước đó không bao giờ được tách khỏi cơ sở thực tế, lòng mong ước đó dựa vào sự thấu hiểu những quy luật phát triển khách quan của xã hội. Lòng mong ước, sự tưởng tượng viển vông của Tản Đà phải đâu là thứ mong ước, tưởng tượng mà Lê-nin đã nói?

 Trương Tửu đặc biệt đề cao “chất trí thức” của Tản Đà: “Cái lo lắng của Tản Đà là lo lắng của trí thức”, Trương Tửu phát triển tiếp: “Chỉ có người trí thức mới có cái lo cao xa, sâu sắc. Công nhân chỉ lo tăng lương, nông dân chỉ lo ruộng đất nên họ không thể đạt đến ý thức cộng sản chủ nghĩa của người trí thức được. Món ăn căn bản của người trí thức là chân lý. Họ biết giá trị chân lý và dũng cảm đấu tranh về chân lý”.

Đánh vào tâm lý tự cao tự đại của sinh viên, Trương Tửu đã đề cao người trí thức lên trình độ siêu nhân. Chúng ta đều biết không hề có thứ “trí thức chung chung”, chỉ có trí thức phục vụ giai cấp này hay giai cấp nọ. Cũng không hề có “món ăn chung chung” cho mọi trí thức. Món ăn tinh thần của Trương Tửu là chủ nghĩa tờ-rốt-kít, món ăn vật chất của Trương Tửu là tiền phụ cấp của tên phản động Trần Thiếu Bảo, là các thức ăn trong bữa tiệc do một tên tư sản ngoại quốc chiêu đãi “mừng thắng lợi Nhân văn – Giai phẩm”, những thức ăn mà chính Phùng Quán cũng đã thú nhận mỗi lần nghĩ tới phải “lợm mửa”. Đó không phải là “món ăn” của trí thức chúng ta.

Trương Tửu, qua bài giảng về Tản Đà, đã truyền cho sinh viên những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, hưởng lạc, thoát ly thực tế, khinh miệt quần chúng lao động. Trương Tửu bảo trí thức luôn “dũng cảm đấu tranh vì chân lý” là cốt gợi cho sinh viên nghĩ rằng: Những người viết Nhân văn cũng là những trí thức đang dũng cảm đấu tranh vì chân lý đấy!

Lúc giảng về Vũ Trọng Phụng, dã tâm của Trương Tửu bộc lộ rõ rệt và điên cuồng hơn. Mọi luận điệu đều chĩa vào công kích Đảng. Trương Tửu nói: “Trong giai đoạn 1930-1945 không có nhân vật nào có ý thức về hiện thực chủ nghĩa bằng Vũ Trọng Phụng”, “hãy so sánh tác phẩm Vũ Trọng Phụng với cuối thời kỳ Mặt trận Bình dân của Trần Huy Liệu. Điểm nào trong đó có thì Vũ Trọng Phụng phản ánh sâu sắc hơn, có những điểm Vũ Trọng Phụng phản ánh mà trong đó không có”, “Tác phẩm Vỡ đê  có thể gọi là tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa”…

Ta không phủ nhận hoàn toàn tính chất hiện thực trong một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng ở rất nhiều chỗ, Vũ Trọng Phụng đã mô tả sự vật theo quan điểm tự nhiên chủ nghĩa (nhất là những đoạn tả cảnh dâm bôn trụy lạc). Tính chất phản hiện thực trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng cũng không phải là ít. Vũ Trọng Phụng đã từng ví quần chúng nông dân “như một đàn ruồi sau mông bò” (Giông tố; Vỡ đê), đã mô tả người phụ nữ nông thôn “gầy còm bẩn thỉu”, “vì đẻ như lợn sề” (Giông tố), đã cho nông dân là những người “sướng ở chỗ khổ mà không biết khổ” (Vỡ đê), đã từng viết báo đề cao tờ-rốt-kít, mạt sát Lê-nin, Sta-lin, đề cao “một vị anh hùng của chính phủ Kê-ren-ski đã cứng cỏi đương đầu với quân cộng sản” (Kỹ nghệ lấy Tây), đã chủ trương “đem cái dâm ra mà nghiên cứu phân tích để dạy cho nhau nên dâm như thế nào” (tựa Làm đĩ)…

Một người như thế phải chăng là một “chiến sĩ tiên phong” của chủ nghĩa hiện thực?

Sự đề cao này nhằm phủ nhận sự cần thiết của thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa của một nhà văn. Ý Trương Tửu bảo: Các anh xem! Vũ Trọng Phụng có biết gì chủ nghĩa Mác đâu, thế mà vẫn phát hiện được sự thật nhiều hơn cả những nhà sử học đảng viên như Trần Huy Liệu, vẫn sáng tác được tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa như Vỡ đê đấy!

Mặt khác, sự đề cao đó còn nhằm đả gián tiếp vào sự lãnh đạo của Đảng về văn học trong thời kỳ trước cách mạng cũng như từ cách mạng đến nay. Trương Tửu nói “trong giai đoạn 1930-1945 không có nhà văn nào có ý thức về hiện thực chủ nghĩa bằng Vũ Trọng Phụng”, “cho đến nay cũng chưa có ai viết bằng Vũ Trọng Phụng” không phải là không có dụng ý.

Tại sao Trương Tửu không nhắc đến cuộc đấu tranh về lý luận văn nghệ giữa Hoài Thanh (cũ) và Hải Triều? không nhắc tới thơ Tố Hữu? không nhắc tới “Đề cương văn hóa” do Đảng đề ra năm 1943?

Lý luận đó đã gây tác hại cụ thể trong sinh viên; trong một buổi họp, bạn M. đã đặt vấn đề: “Chế độ ta ưu việt, sao từ cách mạng tới nay chưa có một tác phẩm nào có giá trị như của Vũ Trọng Phụng?”

Không phải chỉ bằng cách gián tiếp, Trương Tửu còn công khai đả trực tiếp vào Đảng. Trương Tửu nói với sinh viên rằng, trong thời kỳ Mặt trận Bình dân, Đảng ta đã đi vào con đường cải lương chủ nghĩa và “Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê chính là để chứng minh sự thất bại của cải lương chủ nghĩa”. Trắng trợn hơn, y lại còn bịa đặt: “Trong một cuộc họp, chính đồng chí Trường Chinh cũng đã công nhận khuyết điểm ấy”. Rõ ràng là Trương Tửu nhai lại luận điệu của bọn tờ-rốt-kít đã vu khống Đảng ta trong thời kỳ Mặt trận Bình dân.

Miễn là đạt được mục đích chống Đảng, Trương Tửu không ngần ngại bóp méo sự thật. Vũ Trọng Phụng mô tả những tên quan nhân từ bác ái, ta cho là không đúng sự thật thì Trương Tửu bảo: “Vũ Trọng Phụng đã sáng suốt nhận thấy sự phân hóa trong hàng ngũ quan trường”. Vũ Trọng Phụng mô tả những cuộc biểu tình của nông dân do địa chủ lãnh đạo (chánh Mậu, một tên chánh tổng, ba viên chánh hội trong Vỡ đê), ta cho là không đúng sự thật thì Trương Tửu bảo: “Vũ Trọng Phụng đã sáng suốt nhìn thấy sự phân hóa trong giai cấp địa chủ, và do đó, đã vạch cho Đảng thấy có thể lôi cuốn họ vào Mặt trận Việt Minh”. Luận điệu ấy hoàn toàn đồng nhất với luận điệu cho “văn nghệ sĩ sáng suốt hơn Đảng”, “phát hiện những vấn đề do sự thực nêu ra để làm cơ sở cho Đảng vạch chủ trương chính sách”.

Trong Giai phẩm không phải chỉ có hai vấn đề trên, tư tưởng phản động của Trương Tửu quán triệt mọi bài giảng trong năm qua, như muốn giải thích tinh thần tích cực của cụ Nguyễn Công Trứ, Trương Tửu để cho tên phản động Nguyễn Ánh, “có công trong việc thống nhất đất nước”, đã nhận định: Trong thế kỷ XVIII, bạo động liên miên làm sức sản xuất bị phá hoại nên Nguyễn Công Trứ phục vụ chế độ trung ương tập quyền, bảo vệ được an ninh trật tự xã hội (tức dẹp nông dân khởi nghĩa – người viết thêm) là tiến bộ, là phục vụ sản xuất”, v.v.

Còn Phan Khôi, dĩ nhiên được Trương Tửu đề cao. Trương Tửu cho Phan Khôi là “người tiêu biểu nhất của xu hướng tư tưởng tư sản tiến bộ trong giai đoạn 1918-1930”, là người “đặc biệt tôn trọng óc khoa học trong suy luận”, là người “săn sóc đến chữ Quốc ngữ nhiều nhất”, là người “độc nhất bênh vực Vũ Trọng Phụng trong khi Vũ Trọng Phụng bị báo Vì Chúa đả kích”, là người “dứt khoát trong vấn đề tư tưởng, sử dụng một lối bút chiến mạnh mẽ táo bạo, không nể nang một cá nhân có uy quyền nào”, là người “rất phục thiện, điểm nào nói sai, đính chính ngay”, là người “vừa rồi sang Trung Quốc dự lễ kỷ niệm Lỗ Tấn, sáng tác một bài thơ chữ Hán làm rung động cả báo giới Trung Quốc” nên “bà Lỗ Tấn vì cảm động quá, nửa đêm cũng tìm đến Phan Khôi để cảm ơn”, v.v.

Tư tưởng Phan Khôi “dứt khoát” đứng về phía nào, “lối bút chiến mạnh mẽ táo bạo” của y đả vào ai, Trương Tửu dùng chữ “cá nhân có uy quyền” ở đây để ám chỉ gì, Phan Khôi có “phục thiện” không, những điều đó chúng ta đã rõ. Nhưng vấn đề ở đây là: Trong lúc chính quyền ta vừa đóng cửa báo Nhân văn – một tờ báo phản động Phan Khôi làm chủ nhiệm – thì ở đại học, Trương Tửu đề cao Phan Khôi để làm gì, nếu không phải là để gieo cho sinh viên những ý nghĩ ngờ vực, bực dọc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ?

Rõ ràng Trương Tửu đã lợi dụng giảng đường đại học để tuyên truyền chống Đảng, khi thì tinh vi và gián tiếp, khi thì trắng trợn và trực tiếp, đã truyền bá cho sinh viên những tư tưởng lạc hậu, phản động một cách có ý thức, có hệ thống. Chân tướng phản động của Trương Tửu trong hoạt động chính trị, văn nghệ, các báo đã nói nhiều; tôi viết bài này để bạn đọc thấy thêm chân tướng phản động của Trương Tửu trong lĩnh vực giáo dục. Một số sinh viên có học với Trương Tửu nay đã ra dạy ở các trường phổ thông; tôi viết bài này còn nhằm mục đích trao đổi ý kiến với các bạn đó. Mong các bạn hãy thẩm tra, phê phán một cách thật nghiêm khắc những điều mình đã ghi của Trương Tửu, tìm cho hết những luận điệu xuyên tạc, vạch trần nó lên mặt báo và kiên quyết không dùng nó để giảng dạy trong nhà trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

 NGUYỄN KHẮC PHI

(Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm tổng hợp)

 

Nguồn:

Tiền Phong, Hà Nội, s. 283 (26.4.1958), tr. 3, 4.                                   

Comments are closed.