Daniel Wenger
Hiếu Tân dịch
Vương Đại Dương (Ocean Vuong) không phải là một nhà thơ thực nghiệm, nhưng anh là một nhà thơ của thí nghiệm Mỹ. Trong “Những mẩu ghi chép” một bài thơ dài những câu hỏi và những xung đột, anh viết “Một người lính Mỹ ngủ với một thôn nữ Việt Nam. Vậy mẹ tôi tồn tại./ Vậy tôi hiện hữu. Như vậy không có bom đạn = không có gia đình = không có tôi.” Rồi: “Khiếp.” Dưới đó vài dòng, người xướng ngôn hôn thân thể một người đàn ông:
Nhẹ nhàng, kiểu người ta hôn một trái lựu đạn
trước khi liệng nó vào cái mõm của đêm.
Có lẽ cái lưỡi cũng là một chiếc chìa khoá
Khiếp.
Ta có thể ăn mi Hắn vừa nói vừa cọ mấy đốt ngón tay vào má tôi.
Vương sinh năm 1988 tại một vùng quê bên ngoài Sài Gòn; hai năm sau, anh cùng với sáu người bà con di cư đến Hartford, Connecticut, tại đó họ sống chung trong một căn hộ một phòng. Ở trường Vương vật lộn với tiếng Anh từ lâu trước khi anh có thể sử dụng được nó; gia đình anh thất học, và mãi đến mười một tuổi anh mới bắt đầu học đọc.
“Đối với một người Mỹ sinh ra ở đây, tục tằn có thể là đáng chán, nhưng với tôi, tiếng Anh thông tục là một mục tiêu,” một buổi tối thứ Ba gần đây Vương nói với tôi, khi cúi gập người bước vào một quán ở Caffè Reggio, nơi người làng Greenwich hay lui tới. Năm nay hai mươi bảy tuổi, anh vừa nhận được Giải thưởng Whiting[1], và tuần này nhà Copper Canyon Press vừa xuất bản cuốn sách đầu tay của anh “Bầu trời đêm và những vết thương chí mạng.” Cách đây hai năm, khi Vương được thông báo qua điện thoại rằng bản thảo của anh đã được chấp nhận, thì anh đang ngồi tàu điện trên cao từ nhà anh ở Astoria đến cuộc hội thảo đầu tiên của anh ở Đại học New York, nơi anh sắp hoàn thành văn bằng thạc sĩ nghệ thuật học M.F.A.
Ở Caffè Reggio Vương uống trà hoa nhài, mặc sơ mi lụa đen điểm đốm tròn. “Đây là nơi của những bước lệch thời gian” anh nói, chỉ vào một chiếc thùng bạc óng ánh có lần đã tạo những chiếc espresso (máy pha cà phê bằng hơi) — chiếc máy Mỹ đầu tiên do Ý chế tạo – và cái quầy nơi trước kia Joseph Brodsky, một nhà thơ khác viết tiếng Anh mà không bắt đầu từ tiếng Anh, đã gửi thư của mình. Đó là một khung cảnh thích hợp cho một người chịu ảnh hưởng bởi cả những bài châm biếm thẳng thắn của Frank O’Hara[2] lẫn thứ văn học dân gian rực rỡ của Federico García Lorca[3].
Đọc Vương giống như xem một con cá vùng vẫy: anh sử dụng những dòng tiếng Anh biến hóa với trực giác vạm vỡ. Những bài thơ của anh bằng những bước chuyển duyên dáng (“Anh, xô đẩy thân mình/ xuống sông/chỉ để bị bỏ mặc đó/ một mình”) và cú đột phá (“Nói đầu hàng. Nói thạch cao tuyết hoa. Cầu dao tự động/ Cây kim ngân. Cây goldenrod[4]. Nói mùa thu.”) Những câu thơ của anh có cả dài lẫn ngắn, tự sự và trữ tình, cách chọn từ của anh đúng thể thức và ngẫu hứng. Từ bên ngoài, Vương đã tạo mẫu một lối thơ bao hàm.
Bên tai phải của anh đeo một chiếc khong đính ngọc trai vốn trước là của bà ngoại anh. Anh thường nói anh được các phụ nữ nuôi dạy, – cha anh bị tù vì đánh đập mẹ anh khi gia đình vừa mới đến Hartford, và chẳng bao lâu sau hai người li dị. Khi Vương còn bé, mẹ anh và bà anh đã dạy anh những bài ca dao và tục ngữ của họ. Trong “Những mẩu ghi chép” có một cách ngôn thế này “Ngay cả cái ngọt cũng có thể cào rách cổ họng, vậy hãy khuấy đường cho kỹ —Bà.”
Chính mẹ Vương, thợ làm nail, đã cho anh cái tên này. (Tên khai sinh của anh là Vương Quốc Vinh.) Một ngày hè trong tiệm nail, bà nói với một người khách rằng bà muốn ra bãi biển (beach). Thế mà bà cứ nói “I want to go to the bitch” (Tôi muốn đi đến con chó cái), Vương kể với tôi thế. Bà khách gợi ý nên dùng chữ “đại dương”. Khi biết rằng đại dương không phải là một bãi biển mà là một khối nước chạm đến nhiều đất nước, – kể cả Việt Nam và Mỹ – bà liền lấy đặt tên cho con.
Đại dương là một từ rất sáo, và Vương thì sử dụng khuôn sáo rất nghiêm túc. “Chúng sinh ra từ một khủng hoảng trong ngôn ngữ,” anh nói. “Chúng đã mất hết công dụng.” Trong bài “Một ngày kia tôi sẽ yêu Đại dương Vương,” đăng trong tạp chí này năm ngoái, Vương đã cho tên anh một ý nghĩa mới.
Đại dương, đừng sợ
Đoạn cuối con đường còn ở xa phía trước,
Nó đã ở đằng sau chúng ta.
Đừng lo. Cha các anh chỉ là cha của các anh
cho đến khi nào một trong các anh quên.
Sau đó Vương hợp nhất trò chuyện với đại dương với một phép chuyển nghĩa quen thuộc khác, ngôn ngữ của tự hối thúc. “Đại dương/ mi có nghe đó không?” “Đại dương/ đứng dậy.” Biển trở thành một cơ thể cần đến một sự phục chế bất khả, và người nói trở thành bản thân biển, thường biến và mạnh mẽ. Vương nói, “ý tưởng ở đây là chúng ta là nhiều vật khác nhau cùng một lúc” anh khiến tôi nhớ đến “Katy” của O’Hara. Dòng áp chót của nó viết: “Một ngày kia tôi sẽ yêu Frank O’Hara.” Dòng cuối cùng của nó: “Tôi nghĩ tôi sẽ cô độc mất một lúc.”
Vương cũng thích O’Hara và trường phái thơ New York vì họ nói chuyện sex một cách huỵch toẹt. “Biết làm thế nào?” anh bảo “tôi thích các dương vật.” Lớn lên , anh trả lời điện thoại khách hàng ở tiệm nail, và trong lúc làm việc, xem Oprah và Ellen. Ở cấp hai anh đọc một ít thơ, chủ yếu là Dr. Seuss và tạp chí trẻ em Stone Soup. Ở trung học, anh nảy ra ý định ghi lại kho tàng trí tuệ dân gian của gia đình trong một tạp chí. Trên những trang trắng, anh ghi “những chuyện vặt” của chính anh, như anh nói về các bài thơ đầu tiên của mình.
Năm 2008 anh đến Đại học Pace học Tiếp thị, hi vọng giúp đỡ gia đình, nhưng chỉ sau ba tuần anh đã bỏ. Ở Cao đẳng Brooklyn, anh trở thành một người giỏi tiếng Anh, viết những bài thơ lên bưu thiếp và đưa tặng cho bạn bè. Anh bảo tôi những bài xon-nê cứ chạy quanh như những nốt nhạc nhỏ —“trong thời Shakespeare, trước khi được ghi thành văn bản.” Khi nhà thơ tiểu thuyết Ben Lerner vào khoa, ông gợi ra với Vương cái ý tưởng rằng một cuộc đời viết lách là có thể. Trước đó Vương nói “Tôi nghĩ tất cả các nhà thơ đều đã được chỉ định trước cả rồi. Chính phủ quyết định. Obama hay Bush hay ai đó nói, “Anh, anh, anh.”
Bà của Vương mất vì ung thư xương, trong khi anh đang học ở Brooklyn. Bà được chôn cất ở Việt Nam, và Vương về đó dự lễ tang. “Tôi bị ngợp, vì tất cả mọi người trông giống như gia đình tôi,” anh nói với tôi. Tôi gợi ý rằng có một số người có thể tìm thấy trong mối thân tình này một nguồn an ủi. “Tôi thích nó mong manh, bấp bênh hơn,” Vương nói. “như thế thì có thể xảy ra những điều kỳ lạ.”
Anh uống hết tách trà. Ngoài kia, đường phố Thompson trời đã tối, trong này, đám đông đã thưa đi. “Mẹ tôi sẽ vuốt thẳng những tờ giấy bạc và đếm chúng trên đầu ngón tay, với tiền đó chúng tôi sẽ đi ra ngoài mua đồ ăn,” Vương nói khi chúng tôi lấy tờ giấy tính tiền. “Mỗi đôla là thực, một biểu tượng có thể sờ mó được.” Gia đình anh thấy rằng sự nghiệp của anh là khó hiểu, nên họ gọi anh là “học giả” và anh cũng chẳng đính chính. “Giọng nói của họ cứ vang lên trong đầu tôi, khi tôi viết, khi tôi nghĩ và tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi không phải tự hỏi tôi nên làm gì với đôi tay này.”
Nguồn bản gốc:
http://www.newyorker.com/books/page-turner/how-a-poet-named-ocean-means-to-fix-the-english-language?mbid=social_facebook
[1] Giải thưởng (50.000$) hằng năm của Quỹ Whiting, trao cho mười người có tài năng xuất sắc mới nổi trong số các nhà văn, thơ, kịch được tổ chức này bình chọn.
[2] Frank O’Hara (1926-1966): nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình Mỹ.
[3] Federico García Lorca (1898-1936) nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu Tây Ban Nha.
[4] Goldenrod: cây hoa màu vàng, mọc nhiều ở Bắc Mỹ, ra hoa vào mùa hè và mùa thu.