Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, như tôi đã biết

Dương Kiều Minh (1960-2012)

Duong Kieu Minh

Dương Kiều Minh

Cuộc sáng tạo thi ca còn bề bộn dang dở của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc là điều làm tôi quan tâm hơn cả. Xin nói thẳng một điều: Sáng tạo thi ca của Nguyễn Lương Ngọc chưa được Hội Nhà văn Việt Nam và giới phê bình đánh giá một cách công bằng. Hầu như tất cả những nhà thơ có vai vế và có quyền định đoạt trong làng thơ Việt Nam thờ ơ trước các tác phẩm của nhà thơ đầy nhiệt huyết sáng tạo này. (Dương Kiều Minh)

 

Đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bất ngờ gặp hiểm nạn năm 1996, mấy năm sau rồi mất, anh để lại cuộc cách tân thơ ca đầy hứa hẹn với triển vọng của một sức bật mãnh liệt và vạm vỡ, đã gây nên sự chấn động trong giới văn chương và một số bạn bè.

Việc nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bạo liệt trong công cuộc cách tân thơ ca – từ công việc sáng tác thơ đến những cuộc tranh luận thuyết giảng đầy bão lửa với những đồng nghiệp; rồi cuộc xuyên Việt – cuộc đi bộ trường chinh hùng vĩ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà văn Hòa Vang, không chỉ trong giới văn nghệ sĩ mà nhiều tầng lớp khác trong xã hội quan tâm khá nồng nhiệt.

Tôi được nghe lại khá nhiều luồng thông tin từ nhiều phía, bình luận về anh trong lúc anh còn sống. Dù sao mặc lòng, ngay cả lúc ấy và cả bây giờ, trong tôi không phôi pha hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc – một nhà thơ, một người phê bình nghệ thuật có cá tính và một người bạn.

* * *

Nguyễn Lương Ngọc sinh năm Mậu Tuất (1958) tại Sơn Tây, nguyên quán của anh là ở Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Tây. Thân phụ anh là kịch gia nổi tiếng Nguyễn Khắc Dực, nhà cách tân sân khấu Việt Nam đầu tiên, từ thập kỷ 50 – 60 của thế kỷ XX, Nguyễn Khắc Dực truyền phổ tinh thần nghệ thuật sân khấu của B.Brếch vào sân khấu của Việt Nam. Đương nhiên, lớp người lớn lên sau những năm 70 của thế kỷ trước ít người được biết đến cái tên Kịch của Nguyễn Khắc Dực, nguyên nhân là từ những dấu tích, của một giai đoạn thật khó quên, nhưng cũng không dễ nói một chút nào. Do phụ trách một tờ báo văn nghệ của địa phương, tôi đã từng đặt vấn đề này với nhà thơ Thế Mạc (người cùng thời và cùng sống ở Sơn Tây với Nguyễn Khắc Dực) khi nhà thơ Thế Mạc còn khỏe; rồi có một dịp đi cùng với nhà cách tân chèo nổi tiếng Trần Bảng (mặc dù tôi nghe một số bạn bè cho biết, gần đây ông có tuyên bố trên báo rằng việc cách tân chèo của ông là hoàn toàn sai lầm và thất bại) về thăm quê ông ở Cổ Am, Hải Phòng nơi có nhà thờ bằng đá do ông nội Trần Bảng để lại, Trần Bảng là cháu gọi nhà văn Khái Hưng bằng bác và là con trai nhà văn Trần Tiêu. Trên đường về, tôi cũng đặt vấn đề này và nhờ nhà thơ Hàn Thủy Giang tới ghi lại những kỷ niệm của cụ Trần Bảng về nhà viết kịch Nguyễn Khắc Dực.

* * *

Tôi biết và quen với Nguyễn Lương Ngọc từ năm 1981. Khi ấy chúng tôi cùng công tác ở Công trường xây dựng Thủy điện Sông Đà, Hòa Bình. Tôi nhớ không rõ lắm, hình như Nguyễn Lương Ngọc đến thăm tôi lần đầu tiên là đi cùng anh Nguyễn Bá Cự, một người làm thơ và viết bút ký – Nguyễn Bá Cự có quen tôi từ trước, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Bá Cự cùng công tác ở công ty Đường Hầm. Khi ấy, Nguyễn Lương Ngọc vừa hoàn thành nghĩa vụ ở Cao Bằng. Trước đó anh đã tốt nghiệp Đại học Cơ Điện.

Thời gian này Nguyễn Lương Ngọc đang mê đắm một nhà thơ nổi tiếng của Liên Xô đó là Maiacôpxki. Đương nhiên, thời kỳ đó khá đông đảo các nhà thơ và người làm thơ nước ta coi Maiacôpxki là thần tượng của riêng mình. Có người tiếp thu được tinh thần của thơ Maiacôpxki, nhưng cũng khá nhiều người chỉ tiếp thu được phục trang của ông.

Nguyễn Lương Ngọc không chỉ tiếp thu được tinh thần của nhà thơ Nga đặc biệt này, mà tôi thấy hình như trong cấu trúc tinh thần của con người Nguyễn Lương Ngọc cũng có một cái gì đó hao hao giống Maiacôpxki!

Nguyễn Lương Ngọc say sưa làm thơ theo cấu trúc thơ của Maiacôpxki, và thực hiện một đời sống theo phong cách mà Maiacôpxki đã sống. Sau này, khi in tập thơ “Từ nước” tập thơ đầu tay của anh và cả những tập thơ sau này, tôi không thấy anh cho in những bài thơ của thời kỳ này. Không rõ anh cất chúng ở đâu?

* * *

Nguyen Luong Ngoc

Nguyễn Lương Ngọc

Nguyễn Lương Ngọc từ bé đã có năng khiếu hội họa, nhưng rồi anh không tiếp tục con đường đó; có lẽ anh tự cho mình không đủ tư chất để theo con đường này chăng? Suốt thời gian tôi biết anh từ 1981 đến khi anh mất, tôi thấy Nguyễn Lương Ngọc cùng với công cuộc sáng tác thơ ca của mình, không khi nào anh không quan tâm đến hội họa. Các triển lãm tranh từ nhỏ đến lớn ở thủ đô Hà Nội của người trong nước hoặc người nước ngoài, anh không bỏ qua một triển lãm nào. Nguyễn Lương Ngọc là người luôn luôn cập nhật thông tin, tri thức về hai lĩnh vực Văn học và Mỹ thuật. Kiến thức của anh về mỹ thuật sắc sảo và tinh tường không kém về văn học. Cho đến lúc này, những ý kiến thẩm định của Nguyễn Lương Ngọc về thơ và mỹ thuật tôi thấy chưa có điều gì sai. Không những thế, anh là người có con mắt tinh tường sớm phát hiện nhân tài khi chưa ai để ý tới.

Tôi còn nhớ năm 1993 anh giới thiệu với tôi gần chục tấm ảnh chụp lại tranh của Lê Thiết Cương, những bức tranh vẽ trên vải gai thô – Nguyễn Lương Ngọc rất ca ngợi và đi các nơi quảng bá về họa sĩ trẻ này, vừa tốt nghiệp trường Mỹ Thuật. Tôi thấy tranh là lạ hay hay, độc đáo và gợi cảm. Tôi bèn chọn một bức gợi nhất in trang bìa và một số bức in vào trong tập thơ Hồ của nhà thơ Thế Mạc.

Khoảng dăm năm sau, tranh Lê Thiết Cương được sủng mộ một cách kỳ lạ.

Một hôm, Nguyễn Lương Ngọc chuyển cho tôi bức ảnh chụp bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Thế Mạc do Nguyễn Lương Ngọc vẽ. Nguyễn Lương Ngọc nói với tôi rằng màu đen trong bức tranh vẽ chân dung là nhọ nồi tức những bụi khói bếp bám vào đáy nồi, lý do vì không có màu, tôi thấy đó là bức tranh đã lột tả được tinh thần của nhà thơ Thế Mạc.

Khi Nguyễn Lương Ngọc gặp hiểm nạn, lúc gia đình đã đưa về chữa trị ở Sơn Tây, tôi có ghé thăm anh, anh được đặt trên một chiếc xe đẩy và cơ thể coi như đã tàn phế toàn bộ, anh nhận ra tôi, cười một cách khó khăn, làm ám hiệu hướng lên một bức tường, tôi nhận ra đó là một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Quân tặng Nguyễn Lương Ngọc, ý Nguyễn Lương Ngọc muốn nói với tôi về bức tranh này. Khi anh còn khỏe, tôi biết, anh rất phục Nguyễn Quân trong lý luận hội họa và công cuộc cách tân hội họa, nhất là việc đề cao tôn vinh giới họa sĩ trẻ.

Nguyễn Lương Ngọc không bao giờ rời mối quan tâm đến nghệ thuật thơ ca và hội họa. Ngay cả lúc cơ thể đã tàn phế hoàn toàn, với sự sống hiếm hoi còn sót lại, anh vẫn dồn những nguồn lực cuối cùng cho nghệ thuật.

Tôi được biết có hai họa sĩ trẻ mà Nguyễn Lương Ngọc đề cao và quảng bá là Lê Thiết Cương và Nguyễn Xuân Tiệp, sau này hai họa sĩ đều là những họa sĩ thành đạt, đặc biệt là Lê Thiết Cương.

Vào một dịp cuối năm Đinh Dậu và Đầu Xuân Bính Tuất 2006, lần đầu tiên một cách vô tình qua một số bạn bè tôi mới gặp và biết mặt họa sĩ danh tiếng Lê Thiết Cương. Thực tế trong tôi vẫn giữ nguyên ấn tượng từ những bức tranh của họa sĩ trẻ Lê Thiết Cương khi vừa tốt nghiệp trường Mỹ thuật qua sự giới thiệu quảng bá của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Tôi có kể lại với Lê Thiết Cương về những điều tôi vừa nêu trên, và tôi nói rằng gặp Lê Thiết Cương là tôi lại nhớ đến Nguyễn Lương Ngọc.

Tôi được nghe nhiều người nói về sự quậy phá của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, tôi cho rằng, ở vào lúc không làm chủ được những xung động, anh có thể gây ra một số xô sát không vui với bạn bè.

* * *

Năm 1996, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đột ngột gặp hiểm nạn, từ đó tới khi mất anh trở thành người tàn phế hoàn toàn, không còn có thể thực hiện được bất cứ sự giao tiếp nào với thế giới xung quanh – khi đó Nguyễn Lương Ngọc bước vào tuổi 40 – Bao khát vọng, bao dự định về sáng tạo thi ca, có việc mới bắt đầu, có việc đang còn dang dở, thì đột ngột bị chặn đứng bởi bàn tay nghiệt ngã của số phận. Nhưng tôi được biết, khi còn khỏe mạnh nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc có một đời sống mà ít người biết, anh không phải là người buông thả, anh sống rất nghiêm túc, so với cách sống của tôi thì cách sống của anh có phần nghiêm khắc, quyết liệt hơn rất nhiều. Từ việc tự ước thúc mình cho đến việc yêu cầu với nhiều người xung quanh cũng vậy. Anh phản đối dữ dội những cách sống buông thả, hời hợt, tùy tiện và không thực tài thực học, tức những gì thuộc về giá trị giả – và anh ứng xử nghiêm khắc đến cực đoan.

Tôi quen biết và thường xuyên gặp trao đổi về thi ca nghệ thuật cùng những câu chuyện khác với Nguyễn Lương Ngọc với quãng thời gian hơn 20 năm liên tục. Năm nào cũng vậy, khi ở gần, thì hàng tuần gặp nhau, khi anh ở xa, thì một năm cũng phải dăm ba lần anh ghé thăm tôi. Tôi nhớ, sau cuộc xuyên Việt kỳ vĩ và khá ầm ỹ, anh có ghé thăm tôi, khi đó tôi đã chuyển từ Hòa Bình về thị xã Hà Đông. Anh phấn chấn, khôi ngô và vạm vỡ.

Tôi có hỏi chuyện anh về cuộc đi xuyên Việt và việc tuyên truyền quảng bá cuộc xuyên Việt của các báo chí ở Trung ương và các tỉnh anh đi qua, Nguyễn Lương Ngọc chỉ cười trừ, nói một câu gì đó xuê xoa rồi chuyển sang chuyện văn chương. Tôi có nói với anh, nếu cuộc xuyên Việt ấy mà ghi chép được tất cả những gì thấy được trên đường, sau này tập hợp xuất bản thì rất quý. Anh có vẻ tán thành ý kiến này và thực tế anh đã làm việc đó. Không rõ những cuốn sổ tay nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc ghi chép trong chuyến đi xuyên Việt của anh, gia đình hoặc bạn bè có còn giữ được không?

Một nhà thơ sống mạnh mẽ như Nguyễn Lương Ngọc, còn tôi là một người có phần yếm thế, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, chỉ quanh quẩn với chuyện kinh sử – Tôi nghĩ, chắc mỗi lần đến thăm tôi, anh mang cảm xúc đến thăm một thầy đồ ở làng, từng là bạn cũ lâu năm chăng?

Gia đình Nguyễn Lương Ngọc ở Sơn Tây, sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du (khóa IV), Nguyễn Lương Ngọc ở lại Hà Nội, những ngày nghỉ anh về Sơn Tây với gia đình, bổ củi nấu cơm, và trong bữa cơm bao giờ Nguyễn Lương Ngọc cũng ngồi cạnh nồi, xới những miếng cháy cơm ở đáy nồi ăn trước, cơm còn lại để cho mẹ, vợ và con gái. Nguyễn Lương Ngọc luôn luôn là người sống nề nếp gia phong. Suốt hai mươi năm, quen nhau, trong những câu chuyện trao đổi qua lại, tôi thường thấy anh hay cười và bình luận bằng những câu hóm hỉnh.

Ngay cả cuộc đi bộ xuyên Việt của anh cùng Hòa Vang, chặng nghỉ của anh đầu tiên là thị trấn Phú Xuyên. Tôi là người được chứng kiến việc này, rất vô tình hôm đó nhà thơ Lại Hồng Khánh mời tôi về Phú Xuyên chỗ anh chơi, cuối chiều khi đang ăn cơm thì thấy hai người to lớn bước vào, đó là Nguyễn Lương Ngọc và một người đi cùng với gương mặt phong trần, hỏi ra thì là nhà văn Hòa Vang. Hai người cùng ngồi ăn cơm, qua câu chuyện mới biết cuộc xuyên Việt của hai anh được khai mạc vào buổi sáng cùng ngày tại Hà Nội. Về sự kiện này, nhà thơ Lại Hồng Khánh kể lại rất hấp dẫn và đầy ấn tượng.

Khi Nguyễn Lương Ngọc đã mất, qua Sơn Tây lần nào chúng tôi cũng nói chuyện về anh, cái thị xã cổ kính này thật quá chật với chiều kích tâm hồn và tính cách Nguyễn Lương Ngọc.

* * *

Cuộc thi sáng tạo thi ca còn bề bộn dang dở của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc là điều làm tôi quan tâm hơn cả. Xin nói thẳng một điều: Sáng tạo thi ca của Nguyễn Lương Ngọc chưa được Hội Nhà văn Việt Nam và giới phê bình đánh giá một cách công bằng. Hầu như tất cả những nhà thơ có vai vế và có quyền định đoạt trong làng thơ Việt Nam thờ ơ trước các tác phẩm của nhà thơ đầy nhiệt huyết sáng tạo này. Trong vòng chỉ một năm, từ cuối năm 1990 đến cuối 1991, nhà thơ trẻ Nguyễn Lương Ngọc cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: TỪ NƯỚC và NGÀY SINH LẠI, sau chuyến đi xuyên Việt anh có xuất bản tập thơ LỜI TRONG LỜI, tập thơ này đã hiện rõ độ chín trong tìm tòi cách tân thơ của Nguyễn Lương Ngọc.

Phải nói rằng, hai tập thơ đầu TỪ NƯỚC và NGÀY SINH LẠI, tìm tòi sáng tạo thơ ca của Nguyễn Lương Ngọc vẫn còn manh nha, chưa gây được nhiều ấn tượng và thuyết phục đối với giới văn chương, nhưng đã hiện rõ hình hài và cá tính của một sự cách tân, một sự khát khao đổi khác trong sáng tạo thi ca. Đến tập thơ LỜI TRONG LỜI, là sự khẳng định một phong cách thơ Nguyễn Lương Ngọc mạnh mẽ, ào ạt và tràn đầy. Tập thơ LỜI TRONG LỜI ra đời, khi đó Nguyễn Lương Ngọc đang độ sung sức, rất nhiều người phản đối nó; nhưng riêng tôi, tôi cảm nhận rõ sự trưởng thành mang tính quyết định của con đường sáng tạo cách tân thơ của Nguyễn Lương Ngọc, và tôi bảo vệ ý kiến của mình về tập thơ này, và về đóng góp của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đối với nền thơ Việt Nam hiện đại là không thể chối bỏ. Tiếc rằng, khi anh mất, nhiều bạn bè công tác tại Hà Nội và có điều kiện đang nắm giữ những vị trí ở các diễn đàn báo chí văn chương, đã viết về anh, nhưng chỉ nói những câu chuyện về những sinh hoạt của anh trong mối quan hệ với bạn bè văn chương, mà chưa thấy nhắc đến đúng mức vị trí sáng tạo của anh trong nền thơ của nước nhà, nhất là vai trò của anh trong lớp các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975.

Tôi là người lang bạt, suốt đời chỉ sống quanh quẩn ở tỉnh lẻ, khi thì ở tỉnh miền núi, lúc này ở tỉnh miền xuôi. Lại là lớp người làm thơ được xếp là trẻ, có một chút tìm tòi, có lẽ vì không quá khích và không thường xuyên gần gũi cọ xát với các nhà thơ bề trên có vai vế, nên không bị hỏ quở trách và ghét bỏ mà thôi.

Nguyễn Lương Ngọc lại là người sống mạnh mẽ như thế và cách tân tìm tòi như thế, chắc cũng khó tìm kiếm được thiện chí của lớp nhà thơ bề trên. Có lẽ cũng là sự thường tình chăng?

Ngay sau đây, tôi xin chép lại nguyên văn ba bài thơ của Nguyễn Lương Ngọc in trong tập NGÀY SINH LẠI, xuất bản năm 1991, ba bài thơ này có lẽ sẽ đánh thức một điều gì chăng.

”Trong mơ đau thắt ngực/ Hình xưa lững thững về/ Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người/ Em tôi thì trắng/ Tôi xanh da trời/ Hai anh em hiện hình của nắng/ Và mây lành trời ơi/ Như hồn trong mộng/ Hai anh em trôi/ Móc bay lất phất/ Như như, lạnh người/.

Bao giờ trở lại/ Bao giờ bắt đầu/ Mơ, mơ/ Chân đâu/ Mình đâu/ Buồn tiên cảm hát chân cầu lưu thủy”

(Tiên cảm)

”Cuộc sống lạnh lẽo sao/ Cuộc chết ấm áp sao/ Em mỉm cười từ đâu/ đá Bay – on chao chát/ Đăm đắm nhìn từ đâu/ Sương Tây Hồ ngột ngạt/ Yêu không thể giải thích/ Chen chúc hoa lên tịch mịch/ Yêu không thể giải thoát/ A…a…a…A…a…a/ Người là người, ta là ta/ Ta là người, người là ta/ A…a…a…A…a…a…a”.

(Lời hát)

“Này đàn giang trắng/ khoảnh khắc/ Từ đất rạch lên trời/ Từ trời buông xuống đất/ Các vị đến cùng chúng ta/ Các vị rời bỏ chúng ta.

Em đang nói về tương lại ư/ Đàn giang bay mải miết/ Chẳng lẽ anh ngắt lời em/

Em đang nói về tương lại à/

Trên cao, đám mây vàng sững sờ.”

(Đàn giang)

Mọi người có thể không tin lời tôi, nhưng hãy đọc chậm rãi những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, ở đó, diệu lý của thơ ca và của sự sống không giới hạn trong văn tự của câu thơ.

Nhiều người và bạn bè văn chương hay nhắc đến bài thơ GỌI HẠC của Nguyễn Lương Ngọc. Đúng, đấy là bài thơ hay và độc đáo của Nguyễn Lương Ngọc – Nhưng thực tế công cuộc sáng tạo thi ca của Nguyễn Lương Ngọc không dừng lại ở bài thơ này – Anh nghiền ngẫm ôm ấp xây dựng cho mình một sự nghiệp cách tân thơ ca vô cùng lớn – Anh đã thực thi bước đầu cuộc cách tân một cách có hệ thống mà anh đã xây dựng – Điều này được hiện thực ở tập LỜI TRONG LỜI – Tôi tin, nếu không gặp hiểm nạn sớm như vậy, đến giờ chắc anh đã công bố được tương đối công trình sáng tạo cách tân thơ của mình. Hiểm nạn và cái chết đã cuốn phăng một tài năng thi ca. Tiếc thay!

Trang lứa các nhà thơ được xếp là xuất hiện sau năm 1975, không thể vắng mặt nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Đây là một khuôn mặt thơ vạm vỡ, độc đáo, không gì thay thế được.

Bài thơ GỌI HẠC của Nguyễn Lương Ngọc được nhiều người nhắc tới, tôi xin chép lại bài thơ này:

”Con cắt trắng/ Xếp cánh/ Khi gặp con khiếu vàng/ con khiếu vàng/ Khép mỏ/ Khi gặp con hạc đỏ

Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn/ con hạc trắng

Hạc trắng!

Hạc trắng!

Những con đã sinh ra thì đã chết

Những con chưa chết thì chưa sinh ra”

(Gọi hạc)

* * *

Nguyễn Lương Ngọc và tôi quen biết nhau, khi đó chúng tôi mới ngoài hai mươi tuổi, cùng sống bên dòng Sông Đà đêm đêm nước gào thét dữ dội, và nắng bụi công trường có làm phôi pha tuổi thanh xuân của chúng tôi sớm hơn bình thường. Nay, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã trở thành người thiên cổ, còn tôi thì cảm thấy già nua quá sớm, tôi đã nhận thấy rõ sự bất lực của mình trước thơ ca và trước đời sống, quãng đời còn lại là thả trượt theo đường ray của số phận.

Không rõ nguyên cớ gì, đầu xuân này tôi lại nhớ da diết về Nguyễn Lương Ngọc – Có lẽ là do cuộc gặp họa sĩ Lê Thiết Cương, thổi bùng lên trong tôi hình ảnh nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, hoặc tôi nghĩ có lẽ đó cũng là một dấu hiệu của sự già nua chăng.

Ôi, cái thân của người ta – được cha mẹ tác thành, rồi trưởng dưỡng, rồi cuốn vào vòng sinh – lão – bệnh – tử, rồi ôm ấp ước vọng băng qua sự bầm dập của cuộc đời, rồi về đất và rồi mãi mãi thiên thu…

Ôi, “Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra”

A di đà Phật!

 

Hà Đông, ngày Bính Tuất tháng Giêng, năm Bính Tuất, 2006

Rút từ tập Nguyễn Lương Ngọc – Thơ và Người (NXB Hội Nhà Văn, 2006)

Comments are closed.