Nhìn lại âm nhạc miền Nam 1954-1975 (kỳ 15)

Nguyễn Phú Yên

CHƯƠNG XIV

NHẠC THIẾU NHI VÀ NHẠC SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG

Trong hoàn cảnh chiến tranh, mặc dù bom đạn tràn lan trên xứ sở nhưng lứa tuổi thanh thiếu niên không vì thế mà bị lãng quên. Đó là lứa tuổi tươi đẹp của cuộc đời và là tương lai của đất nước. Ngoài việc được chăm lo việc học hành, được giáo dục để trở thành người hữu ích cho xã hội, họ còn được chăm lo về mặt tinh thần, được giữ gìn sự thanh cao cho tâm hồn, nêu cao tình nhân ái trong tương quan với nhân quần xã hội. Đó là nhiệm vụ của giáo dục thẩm mỹ, và âm nhạc đã góp phần trong việc đem lại cái đẹp với tinh thần nhân văn, đã đem đến cho thanh thiếu niên những cơ hội sinh hoạt vui tươi với cộng đồng.

I. NHẠC THIẾU NHI

Ở miền Nam nếu các nhạc sĩ dành nhiều công sức để viết hàng chục ngàn bài hát dành cho người lớn thì nhạc cho thiếu nhi chiếm một số lượng khiêm tốn hơn. Tuy nhiên vẫn có nhiều nhạc sĩ với muôn vàn yêu thương tuổi nhỏ âm thầm quan tâm và nghĩ đến nhu cầu vui chơi ca hát để sáng tác những bài hát cho các em. Vì vậy trong sinh hoạt vui chơi của tuổi thơ vẫn có rất nhiều bài hát vui tươi, phấn chấn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đôi khi mang tính chất giáo dục qua những câu chuyện thể hiện qua các giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc.

1. Bài hát ca ngợi tuổi thơ

Trước hết đó là những bài nói về lứa tuổi được yêu thương của các em, các bài đồng dao vốn có sẵn trong kho tàng dân gian, sau đó là những khúc nhạc đơn giản từ trong cuộc sống hằng ngày, từ môi trường xã hội chung quanh và từ thiên nhiên diệu kỳ. Các nhạc sĩ bằng con mắt nghệ thuật, bằng cảm xúc hồn nhiên đã đem đến cho các em những khúc ca dễ gây ấn tượng và đọng lại lâu dài trong ký ức của tuổi thơ. Những khúc ca ấy các nhạc sĩ đôi khi không đặt mình trong tâm thế của lứa tuổi thiếu nhi mà trong tư cách người lớn để kể chuyện cho các em, rung cảm theo tình cảm của các em bằng tiết tấu vui nhộn để dễ lôi cuốn thiếu nhi.

Hãy nghe lời ngợi ca tuổi thơ, lứa tuổi tươi đẹp của đời người mà ai cũng từng trải qua trong đời qua một bài hát với tiết tấu dìu dặt của điệu luân vũ:

1. Trời xanh xanh mát, hương thơm thơm ngát
Cùng nhau ta múa điệu ca, cùng nhau ta hát đời ta
Nhụy hoa thanh khiết, men hoa ngây ngất
Hát cho tâm hồn được khuây
Cũng như cánh đẹp được bay.
ĐK: Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Mười giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên.

2. Cười vui ca hát, tươi thắm đôi môi ướt
Bàn tay năm ngón cùng xinh
Màu da trong trắng mượt tinh
Chìm trong đôi mắt bao ước mơ trong vắt
Sướng thay cho đời trẻ thơ
Mỗi trang là một bài thơ.
(vào điệp khúc)

3. Trẻ con theo tánh ưa trái cây ưa bánh
Hàm răng hay sún vì chua, mà ai cho bánh thì ưa
Dầm mưa dang nắng, chơi cát dơ mẹ mắng
Sống vui trong bầu trời xanh
Sướng thay cho đời trẻ thơ.
(vào điệp khúc)

(Lê Thương, Tuổi thơ)

Đây đàn chim ca, tắm ngàn tia nắng

Đây muôn nụ hôn ngây thơ trinh trắng

Đây đàn bướm lạ cánh nghìn màu dâng

Đây làn gió lạ thắm nhiều hương xuân.

Em là chim xinh, lá hoa hồng thắm

Là bướm trong lành, lá gió xa xăm

Vui ca trên đường đoàn ấu niên nay

Nguyện làm tươi sáng Việt Nam ngày mai.

(Lê Cao Phan, Ấu niên ca)

Hôm nay ca hát cho đời thêm nở hoa

Ta đi trong nắng chan hòa bao nguồn sống

Vui lên vui lên ca hát, tung tăng tung tăng ta múa

Cho bao ưu tư xóa tan tâm hồn.

Hôm nay ca hát cho đời vui nở hoa

Ta đi trong nắng chan hòa bao nhựa sống

Đi lên đi lên cất bước, reo lên reo lên cất tiếng hát

Non xanh bao la ta chứa chan tình thương.

(Nguyễn Văn Cao, Thiếu niên âu ca)

Tuổi thơ thích múa ca. Tiếng ca, điệu múa trong khung cảnh êm đềm và tươi thắm sẽ đem đến cho các em niềm vui bất tận:

Nhi đồng chúng ta vui cùng múa ca
Nắm tay nhau trong vườn xuân thắm hoa.
Vang lừng hát ca nhịp nhàng múa ca
Chúng ta vui trong lòng non nước nhà.
Đời nồng thắm sắc hương,

Đời là gió muôn phương
Đời là hoa đang nở

Cùng chim trong nắng mới
Mình còn bé thơ ngây,

Nhịp nhàng múa ca say
Nào cùng hoa luôn nở

Cười cùng chim hót vui.
Đời còn lúc ban mai,

Đời còn lúc xanh tươi
Trời bình minh lên sáng ngời

Xuân đang phơi phới
Mình còn bé thơ ngây

Nhịp nhàng múa ca say
Nguyền đời ta luôn sáng ngời

Như lòng thắm tươi.

(Lê Cao Phan, Nhi đồng múa ca)

Tuổi thơ luôn đem lại niềm vui tựa như bình minh của một ngày mới. Chúng ta yêu thương các em, vui cùng các em trong bầu khí được vui chơi, ca hát, đón mừng cuộc sống đẹp tươi:

Reo vang reo, ca vang ca
Cất tiếng hát vang đồng xanh vang lừng
La bao la, tươi xinh tươi
Ánh sáng tưng bừng hoa lá.
Cây rung cây, hoa đua hoa
Khắp nơi bình minh rắt reo hương nồng
Gió đón gió, sáng chiếu sáng
Bình minh sáng ngập hồn ta.
Líu líu lo lo chim oanh hót say sưa
Hót lên chào mừng bình minh luôn tươi sáng
Tang tang tang tính tang tang. Ta ca hát say sưa
Hát lên chào mừng bình minh sáng muôn năm.

(Lưu Hữu Phước, Reo vang bình minh)

Đêm tan dần

Bình minh vừa le lói gieo vui

Chúng em đều mừng vui

Ngày tươi sáng đến rồi

Trông xa xa ánh dương

Bừng lên trong muôn tiếng ca

Chim tung bay nhởn nhơ đùa chơi

Trên muôn cánh hoa

Sương mai giăng khắp nơi

Chìm trong bao tia nắng tươi

Anh em ta hát vang

Cho cuộc đời sáng ngời…

(Bùi Tuấn Anh, Ca khúc bình minh)

2. Bài hát về yêu thương gia đình, trường lớp, thầy cô

Đó còn là những bài hát về yêu thương gia đình, ba mẹ, yêu trường lớp, yêu thương thầy cô để rồi mai sau sẽ nên người để giúp đời:

Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Thì em rằng em yêu ba (nè)
Thì em rằng em yêu má (nè)
Yêu chị, yêu anh, yêu hết cả nhà
(Nhưng) nhất là yêu má cơ.
Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Thì em rằng em yêu ông (nè)
Thì em rằng em yêu bà (nè)
Bác, dì, cậu, cô, yêu hết họ hàng
(Nhưng) nhất là yêu bà cơ.
Nếu hỏi rằng, em yêu ai
Thì em rằng yêu quê hương (nè)
Thì em rằng yêu mái trường (nè)
Yêu thầy, yêu cô, yêu hết cả trường
(Nhưng) nhất là cô giáo cơ.

(Hùng Lân, Em yêu ai)

Ngày từng ngày cắp sách đến trường

Học hành chăm ba mẹ mới cưng

Học hành chăm thầy yêu bạn mến

Em gắng học, em học chăm

Em gắng học, em học chăm.

(Trần Văn Bùi, Chăm ngoan)

Với tuổi thơ, hình ảnh để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng các em chính là mái trường, nơi các em có thầy cô, bạn bè, những giờ học, những ngày tan trường và tựu trường:

Giờ ra chơi ba tiếng trống

Đánh tùng tùng tùng

Giờ ra chơi với bạn bè

Em bước ra sân

Em tung tăng, em nô đùa

Chạy nhảy khắp nơi

Em chơi bi, em chơi cầu

Hoặc cùng đuổi bắt

Chơi cho hăng, chơi cho nhiều

Để vào lớp em học thật chăm.

(Trần Văn Bùi, Giờ ra chơi)

Tùng tùng xa nghe tiếng trống

Trong trường vang vang

Nhanh nhanh bước bước đi đều mau mau

Ta nên nhớ đến bao thầy cô

Đang trông đợi vì chúng ta

Gần vào trường rồi ta mau đi lên

Vào phòng học ngồi không nên lo ra

Tùng tùng bên tai tiếng trống

Tan trường vang vang

Mau ngay ngắn đứng lên rồi đi ra

Ta nên nhớ tới gia đình ta

Đang trông đợi vì chúng ta.

(Hoàng Anh Lương & Thu Hà, Trống trường)

Em đến trường, sáng nay em đến trường

Gió ban mai chim hót vui bên tai

Sương mai còn đọng trên khóm lá

Nắng tưng bừng theo nhịp chân vui…

(Trần Văn Bùi, Bước nhanh đến trường)

Trên đường về xóm thôn Tây Hồ

Ngày xưa có ngôi trường của em lúc bé

Chừng vài mươi đứa nhỏ bé thơ đùa nô

Sáng trưa giữa hai bài A B

Ông thầy em vẫn khuyên luôn hồi

Thầy mong các em khuyên bảo nhau tấn tới

Để trẻ thơ nước Việt chóng thành

Đám dân thương nòi mà dấn thân đi giúp đời…

(Lê Thương, Nhớ thầy xưa)

Con chuồn chuồn

Cái con chuồn chuồn nó vẫn bay xa

Em đừng buồn

Hỡi em đừng buồn

Với những khi xa nhà

Em ra trường làng

Em luôn luôn ngoan

Ôi má ba thương nhiều thương lắm.

Khi chiều tà đến khi chiều tà

Nắng tắt non xa

Em trở về bước em trở về

Nỗi sướng vui chan hòa

Trăng lên ngập ngừng

Quanh mâm cơm ngon

Em nhớ ơn ai trồng ai cấy.

(Viết Chung, Một ngày vui sống)

Ve kêu vang khi nắng lan ngoài sân

Tiếng ríu rít bầy chim non ra về

Sen đơm bông khi nắng chan đầy sân

Tiếng ríu rít chim chia tay chào nhau.

Chíp chíp kêu líu lo cành quyến luyến

Chim phân ly hẹn nhau đến đầu thu.

Ca hè về ánh nắng sáng

Trời xanh sáng sáng

Ca hè về hẹn gặp nhau đến lúc tàn sen

Ca hè về bước bước bước

Cầm tay nhớ nhé

Ca hè về bước bước bước

Nhịp chân bâng khuâng.

Rồi mai hết nắng chúng ta

Hân hoan đón chào niên mới

Cố gắng luôn ngày học chăm

Học hay chào đón tương lai vào tay.

(Trần Bửu Đức, Đầu hè tạm biệt)

3. Bài hát về quê hương, đất nước

Ngay từ lúc còn thơ bé, các em cũng được học những bài hát nói về cảnh sắc núi sông, đồng ruộng để dạy các em lòng yêu thương quê hương, lòng tự hào về đất nước Việt Nam:

Bên kia sông là đồng ruộng xanh

Bao năm qua lúa vẫn lên màu

Đây quê hương bốn mùa ruộng đất nuôi dân

Đây quê hương bốn mùa gạo lúa có nhau.

Bên kia sông là bờ ruộng dâu

Bao năm qua cây vẫn xanh màu

Đây quê hương bốn mùa vải vóc che thân

Đây quê hương bốn mùa lạnh ấm có nhau.

(Trần Văn Bùi, Đồng ruộng quê em)

Suối trong bên sườn non

Đang lướt trôi xuống chân đồi

Bước đường vui từ sườn núi suối chơi

Suối reo như trẻ em đang lúc chơi hát vui đời

Tiếng cười non của đời sống sáng tươi.

Rồi đây suối theo thác nguồn để thành sông

Dòng sông lớn đi thấm nhuần đồng lúa mới

Chúng em nghe tiếng suối ca tung khơi ngàn

Phân dòng suối đi thấm nhuần ruộng người dân…

(Lê Thương, Men bờ suối)

Nước đây nước Việt em

Một dòng lịch sử thiêng liêng

Chinh Bắc dẹp Nam

Đất đai rộng mở cõi bờ

Đã mấy lần đao binh,

Đã mấy lần thanh bình

Em thương mãi yêu hoài không thôi

Em thương mãi yêu hoài không thôi.

Nước đây nước Việt em

Lời mẹ chan hòa ru êm

Tiếng nói cùng chung núi sông

Đồng ruộng nối liền

Man mác tình quê hương,

Thắm thiết tình gia đình

Em thương mãi yêu hoài không thôi

Em thương mãi yêu hoài không thôi.

(Trần Văn Bùi, Nước em)

Hoàng Đạo Thúy, một trong những người sáng lập phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam, viết lời ca theo giai điệu bài Lạc Âm Thiều trong nhạc đờn ca tài tử Nam bộ để dạy các em bài học lịch sử:

Anh hùng xưa, nhớ thời là thời niên thiếu

Dấy binh lấy lau làm cờ,

Quên mình là mình giúp nước

Hết sức giữ gìn đất nước

Dấn thân khắp nơi nguy nan

Ngàn thu lừng danh đất Bắc

Sứ quân khắp nơi kinh hoàng,

Tiếng lừng nước Nam.

(Anh hùng xưa)

Nhiều nhất vẫn là các bài hát dạy các em yêu đất nước Việt Nam chạy dài từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau, một đất nước vẹn toàn không thể chia cắt:

Nước Việt của em hình cong như chữ S

Lưng dựa Trường Sơn lòng ôm Thái Bình

Nước Việt của em miền Đông Nam châu Á

Qua bao cuộc thăng trầm

Nước Việt muôn đời liệt oanh…

(Trần Văn Bùi, Nước Việt đẹp xinh)

Việt Nam nước em

Đây núi cao tên Trường Sơn

Đây Cửu Long sông dài

Nuôi sống bao nhiêu người

Việt Nam nước em

Đồng xanh bao la xa phía chân trời

Đồng xanh bao la khắp nơi

Việt Nam nước em

Sông núi kia là của em

Em gắng công xây dựng

Cho nước em hùng cường

Việt Nam nước em

Ngày mai vui câu thống nhất

Huy hoàng hồn thiêng

Muôn năm Việt Nam.

(Lê Dinh, Tiếng hát yêu đời)

Em yêu, yêu mãi nước Việt em

Yêu từ miền đất Bắc,

Qua Trung đến Cà Mau.

Em yêu, yêu nước biếc non xanh

Yêu tình người dân quê

Yêu đời người anh hùng.

Em yêu, yêu sóng nước Cửu Long

Yêu dòng Hồng pha máu,

Hương giang bóng thành xưa.

Em yêu, yêu bóng dáng Thất Sơn

Yêu rừng trùng Tây nguyên,

Yêu lòng Trường Sơn dài.

Em yêu, yêu những mái nhà tranh

Yêu làng và yêu xóm,

Yêu luôn những đàn trâu

Em yêu, yêu lúa chín bên đê

Yêu cuộc đời gian lao,

Yêu cuộc đời dân nghèo.

(Trần Văn Bùi, Em yêu)

Ôi Việt Nam ngàn năm yêu dấu

Non nước xưa vẫn nước non này

Bao phen nguy biến lầm than dãi dầu

Dòng Việt thêm oai hùng ai hay?

Giang sơn Hồng Bàng khai sáng ban đầu

Bao cuộc thăng trầm vẫn còn đây

Quê hương ta oanh liệt ngàn thu

Danh thơm lưu truyền cõi đất này.

(Hùng Lân, Việt Nam yêu dấu)

Và đây là những lời khuyên răn, dạy bảo các thiếu niên nước nhà:

Một đoàn niên thiếu đắp xây đời mới

Một đoàn trai gái chung lo hạnh phúc

Về cho non nước điểm tô huy hoàng

Một đoàn thiếu niên đời vui lẽ sống.

Một đoàn niên thiếu đắp xây Tự do

Một đoàn trai gái chung lo đạo đức

Cùng bao sức sống hát lên oai hùng

Một đoàn thiếu niên ngày mai yên vui.

(Nguyễn Văn Cao, Thiếu niên hùng ca)

Ơi em bé Việt Nam

Ngày đêm chăm lo học hành

Mai đây em lớn dậy

Tìm quê hương thần thánh.

Ơi em bé Việt Nam

Ngày đêm chăm lo mọi đường

Non nước em đang chờ

Trên muôn bước quê hương.

Ơi em bé Việt Nam

Còn yêu lúa thơm mọi mùa

Em yêu cha yêu mẹ

Và yêu thương đồng lúa.

Ơi em bé Việt Nam

Còn yêu gió quê thì thầm

Mai mốt em lên đường

Việt Nam vẫn chờ em…

(Nguyễn Hữu Nghĩa, Em bé Việt Nam)

Các em cũng được dạy dỗ biết yêu cuộc sống của người nông dân:

Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em cũng là người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la.
Những đêm trời trăng lên tròn tròn
Gió đưa cành cây nghe xạc xào
Chúng em cùng họp đoàn vui chơi
Chúng em cùng họp đoàn vui ca
Trong ánh trăng ngà lung linh.
Ngày mùa về nơi nơi
Ðồng vàng đầy thênh thang
Chúng em cùng vui sống

Ở trên đồng lúa
Hòa bình về nơi nơi

Cuộc đời mình đang lên
Sáng như vầng trăng sáng

Rải trên đồng làng…

(Văn Lương, Tía em má em)

Không chỉ là lời ca vui tươi, đôi khi người nhạc sĩ còn gửi gắm vào bài ca lời dạy dỗ rèn luyện chí khí, gắng công đèn sách ngay từ khi các em bước vào tuổi hoa niên:

1. Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên
Khóm măng non xinh tươi vươn lên
Tuổi ngây thơ đẹp vui tươi
Cánh hoa mai hương thơm vườn đời.
Ngàn câu ca, vạn câu thơ
Nói bao nhiêu sao cho trọn lời
Tuổi hoa niên đầy hương xuân
Sáng át ánh trăng rằm.
ĐK: Tuổi ấu trí tập rèn chí khí
Để mai sau tràn ngập tương lai
Bước vào đời gắng giúp mọi người
Hữu ích cho xã hội.
Cùng tiến bước vì đất nước
Giữ non sông thương yêu quê hương
Tuổi hoa niên, học cho nên
Xứng đáng công dân hiền.
Càng gắng sách đèn

Đúc rèn nhớ chớ quên
Nào ta trau dồi

Nên người ngày một tiến
Rồi mai sau này

Công thành nhớ chớ quên
Thầy với chúng bạn

Những người dẫn dắt nên.
2. Việt Nam yêu, Việt Nam yêu
Ngát hương thơm men xuân hiền hòa
Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên
Những đóa hoa xinh tươi đẹp màu
Tuổi hoa niên, tuổi hoa niên
Lấy phương châm trung kiên làm đầu
Học cho mau để mai sau
Đất nước Nam tươi màu.

(Minh Kỳ, Tuổi hoa niên)

Nào đoàn niên thiếu

Cùng nhau ta hát ca đi

Ta hát thêm vui thắm tươi

Lòng chí càng thích chí

Trời còn bình minh kia

Vầng dương sáng đang lên

Chim hót trong cây gió

Nhẹ nhàng lướt đi khắp miền.

Nào đoàn niên thiếu

Cùng nhau vui khúc ca vang

Hăng hái dắt nhau bước mau

Lên bước đường tươi sáng

Nghìn lời non sông giục ta

Theo đích xa xăm

Vui hát lên cho tuổi thơ

Theo tiếng chim cười trong gió

Lừng vang trời thanh tiếng reo hò.

Bầy ta vang tiếng ca nhịp cười

Quyết cùng xây đắp

Tương lai người Việt mới

Cùng nhau dâng tiếng ca cho đời

Quyết cùng gieo sáng tươi cho đời ngày mai.

(Lê Cao Phan, Thiếu niên hành khúc)

Thiếu nhi Việt Nam hôm nay đây

Tay trong tay bước nối

Bước xây đời tươi mới

Khắp nơi đồng quê nơi phố phường

Cùng nhau hăng say

Sớm hôm ra công tập rèn.

Thiếu nhi Việt Nam noi gương xưa

Ta ganh đua cất tiếng hát

Vang trời Đông Á

Tiến cao vượt xa, tiến hơn người

Để xây vinh quang,

Quyết không ô danh Việt Nam…

(Trần Văn Bùi, Thiếu nhi Việt Nam hành khúc)

Đây đoàn học sinh

Tương lai sáng tươi huy hoàng

Non sông đang chờ đoàn ta vươn lên

Ta là học sinh

Chăm lo gắng công học hành

Luôn luôn trau dồi đức hạnh nết na.

Bình minh tung lên ánh dương

Soi con đường sáng

Khắp phương trời đất Việt

Nào nào cùng nhau

Xây đường vinh quang

Tô ngày mai đẹp rạng ngời non sông.

(Bùi Tuấn Anh, Nhịp bước học sinh)

Kìa đàn chim non

Đang tung tăng phía chân trời xa

Gọi đàn ta mau mau

Bên nhau hòa vang tiếng ca

Chúng ta mau họp đoàn

Hát vang theo nhịp đàn

Đời thanh xuân như đóa hoa trong ngần.

Còn gì đẹp hơn vui tươi hơn

Giấc mơ học sinh

Ngày ngày bên nhau

Ta say sưa cần chuyên sách đèn

Cố công ta học hành

Sá chi bao nhọc nhằn

Vì tương lai đang đón ta xây đời.

(Hiếu Anh, Gọi đàn)

Tuổi thiếu niên còn phải biết học tập lớp đàn anh để cùng nhau xây đắp quê hương:

Nào anh em đàn trẻ nước Nam, Việt Nam
Chúng ta mau kết đoàn tiến lên đường sáng.
Hồn trong trắng

Cùng gắng noi gương hiếu trung
Thiếu sinh Lạc Hồng ta tìm vết anh hùng.
Vai chen vai chúng ta cùng đi đi đi

Trên đường mới tiếng nước non vang lừng.
Khuyên ta nên đồng tâm đắp xây tương lai.
Nên nhớ rằng bền lòng mới thành công.
Nối chí lớn đàn anh chúng ta mau lên

Cho đáng mặt con Rồng cháu Tiên.
Vai chen vai chúng ta cùng đi đi đi
Ta cùng tiến nối gót theo anh tài
Lời non nước nhớ ghi trong lòng hăng hái
Cho giống nòi vang danh tài trai.

(Lưu Hữu Phước, Bài hát của thiếu sinh)

4. Bài hát mừng Trung thu

Mỗi năm đều có ngày Tết dành cho các em, đó là Tết Trung thu. Không có em nào không mong chờ ngày tết vui vẻ này, vì ở đó có trăng tròn mùa thu, có đủ loại lồng đèn để cùng chơi với bạn nhỏ trong xóm, trong làng:

Vui nô đùa đêm trăng sáng

Ánh trăng vàng ngời rạng tốt tươi

Tang tang tình tang tang tính

Nắm tay cùng đùa nhảy đêm trăng.

Ông trăng này ông trăng sáng

Xuống đây cùng đùa chạy trước sân

Đem tơ hồng nhanh nhanh quấn

Quấn cho dày cành lá trên cây.

Trên cung Hàn chị Hằng Nga

Xuống đây mà đồng giọng hát ca

Vui không già ta ca hát

Xuống đây lòng nào thấy cô đơn.

(Lương Phương, Vui đùa đêm trăng)

Đám lân con gồm mấy bé măng non

Cùng cầm đèn đứng đầu hàng

Dinh cắc dinh tùng cắc tùng

dinh cắc tùng tùng.

Lân múa quay vòng,

Hất hàm râu nhảy lung tung.

Cắc cắc mắt ông địa liếc liếc, các em vui

Cười chúm chím trên môi

Ngó con lân múa kỳ khôi

Ôi thôi kìa lân ngó lân

Chào mấy đèn đang cháy ào ào

Lân cúi lân quỳ muốn xin gì để ăn chăng

Đó mời ăn ông địa đó…

(Lê Thương, Đám múa lân con)

Ta tay cầm tay, ta vui lên này
Trung thu về đây đoàn ta sum vầy
Trăng lên ngàn cây

Lấp lánh muôn ánh tơ vàng
Trăng vui mừng thay,

Cầm tay cùng ca hòa vang
Ơ, trăng đẹp quá!
Tiếng hát ca văng vẳng

Xa lắng trong hồn ta
Trăng là ngọc ngà, trăng là bài ca
Ta tay cầm tay, ta ca nước non này
Trung thu về đây mình vui sum vầy
Trăng lên ngàn cây

Lấp lánh muôn ánh tơ vàng
Trăng vui mừng thay,

Cầm tay cùng ca hát vang.
(Văn Giảng, Trăng trung thu)

1. Tết Trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm.
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu.
2. Tít trên cao dáng tròn xinh xinh
Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng
Rằm tháng tám bóng Hằng trong sáng
Em múa ca vui đón chị Hằng.

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em rước đèn này đến cung trăng.
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh
Em rước đèn mừng đón chị Hằng.
3. Tết Trung thu bánh quà đầy mâm
Em bé nhà ưa đứng quây quần
Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân
Em muốn ăn bốn, năm ba phần.
Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng
Ngọt cay như mứt gừng mứt bí
Ăn mát lòng lại thấy vui thêm
Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp
Người vui hoan nói cười hấp tấp
Bao tấm lòng mừng đón trăng rằm.

(Vân Thanh, Rước đèn tháng tám)

Trăng Trung thu, kìa trăng Trung thu

Sáng vàng vàng, sáng xuống trần gian

Em tung tăng, em nô đùa

Cùng bạn bè ca hát mừng trăng.

Trăng lên cao, kìa trăng lên cao

Gió ngọt ngào gió mát trời sao

Em nôn nao bao nhiêu ngày

Cùng bạn bè mừng Tết Trung thu…

(Trần Văn Bùi, Mừng Tết Trung thu)

1. Trăng sáng ngời, em hát mừng

Em múa theo lời ca
Nhìn trăng sáng, đồi thông

Treo áng mây trôi là đà
Tay xách đèn là em vui hát mừng

Nô đùa dưới trăng
Chị Hằng Nga ơi, hỡi nàng tiên nữ

Vui hiệp cùng thế nhân.
La lá là kia bánh quà ta sắp ra đầy sân
Cùng vui ăn, mời lăng xăng

Mỗi năm chung một lần
Vui hết mình là chung vui kết tình

Nhi đồng chúng ta
Đèn thu sáng quá chị Hằng

Vui ca trăng đẹp vờn ánh hoa.
2. Tung cắc tùng tung cắc tùng

Nhịp trống vang trời thu
Kìa ta đốt đèn hỏa tiễn nó bay lên vù vù
Bay tới trời là bay lên

Đến nhà chị Hằng chúng ta
Trời xanh bao la đẹp tình ngợi ca

Nhân loại là tiến xa…

(Lương Phương, Đêm Trung thu)

5. Bài hát vui chơi tập thể

Những bài ca khêu gợi tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong tâm hồn các em. Tuy nhiên, tuổi vui chơi thiếu nhi không chỉ gói gọn trong một vài bài hát và không chỉ cho riêng một ai cả. Các em thích hoạt động trong các đội, nhóm bạn, thích sinh hoạt tập thể cùng với các trò chơi. Vì vậy có rất nhiều bài hát, đôi khi ngắn gọn, để dùng trong các sinh hoạt như thế. Cũng chính vì sự ngắn gọn, đôi khi người ta quên cả tác giả các sáng tác ấy; qua thời gian nhiều bài hát chúng ta quên mất hoặc không tìm ra tác giả, vì vậy xin được ghi là khuyết danh.

Các nhạc sĩ cũng hiểu rằng tuổi thơ thích vui đùa nên có nhiều bài hát mô tả những con vật gần gũi với các em trong đời sống thường nhật với hình ảnh sống động, âm điệu vui tươi:

Em có nuôi một con chó

Trông nó to như con bò

Mai nó kêu gấu gấu gấu,

Trưa nó kêu gâu gâu gâu

Tối nó kêu gầu gầu gầu.

Em có nuôi một con dế,

Trông nó đen như than hầm.

Mai nó kêu ré ré ré,

Trưa nó kêu re re re,

Tối nó kêu rè rè rè.

(Con chó)

Bố em nuôi một con gà cồ

Sáng tới chiều cứ gáy o o

Má tức mình quăng tuốt vào lò

Ấy, em được một bữa thật no.

(Con gà cồ)

Trông kìa con voi nó đứng rung rinh

Vướng mình trong đám nhện đang vò tơ

Anh chàng voi ta thích chí mê tơi

Bèn mời anh khác đàng xa vào chơi.

(Con voi)

Hai con thằn lằn con

Đùa nhau cắn nhau đứt đuôi

Cha thằn lằn buồn thiu

Gọi chúng đến mới mắng cho

Hai con thằn lằn con,

Đuôi thì to nhưng đã cụt rồi

Ôi đớn đau quá trời,

Chúng khóc la tơi bời.

(Hai con thằn lằn con)

Con chuồn chuồn đậu trên cành trúc

Có thằng cu Tí lom khom đến gần

Cu Tèo đang đứng bờ ao

Đưa tay lên miệng nghêu ngao hát rằng:

Chuồn chuồn có cánh thì bay

(Bay đi ngay, bay đi ngay)

Có thằng cu Tí, cháu bà cụ Lý

Thò tay nắm ngay đuôi chuồn.

(Con chuồn chuồn)

Đêm khuya con muỗi vo ve

Cắn tay cắn đùi còn bay đi khoe

Úi cha, úi cha, úi chà vo ve,

Úi chà, ve vo ve úi chà.

Ơ hay con muỗi đen thui

Cứ bay xuống đùi rồi bay lên tay

Ớ hay, ớ hay, ơ hay. Đưa tay đánh bộp

Trúng cái phóc muỗi xẹp.

(Con muỗi)

Ra mà xem, cái gì nó ngồi trong góc

Nó đưa cái lưng ra ngoài, đó là con cóc

Con cóc con cóc nó ngồi trong góc

Nó đưa cái lưng ra ngoài, ấy là cóc con.

Ra mà xem, cái gì nó ngồi trong xó

Nó đưa cái tai ra ngoài, đó là con chó

Con chó con chó nó ngồi trong xó

Nó đưa cái tai ra ngoài, ấy là chó con.

Ra mà xem, cái gì nó ngồi trên cây

Nó đưa cái đuôi ra ngoài, đó là con khỉ

Con khỉ con khỉ nó ngồi nó nghĩ

Nó đưa cái đuôi ra ngoài, ấy là khỉ con…

(Ra mà xem)

Với lứa tuổi nhỏ, bài hát cũng là một bài học về thế giới loài vật, chẳng hạn mô tả một con voi to lớn, con cóc nhỏ bé cho các em hiểu rõ hơn:
Kìa nhìn xem trên kia có cái con chi to ghê
Trông to lớn hơn xe hơi, đang lăn bánh xe đi chơi
À thì ra con voi như vậy mà nghĩ ngợi hoài
Đàng sau nó mang một cái đuôi dài
Và hai cái tai trên đầu!

(Nguyễn Xuân Khoát, Con voi)

Con cóc nó leo cây võng cách

Con cóc nó leo cây võng cách

Nó leo sao nó rơi ngay xuống cọc

Ối thôi đau nó liền cạch đến già.
Cóc lon con, con cóc cóc lóc nhóc cóc con

Té đau nhưng không khóc, con cóc thế mà chì.

(Lê Thương, Con cóc leo võng)

Đôi khi bài hát từ câu ca dao mà các em được học từ nhỏ:

Meo meo con mèo mà đang leo leo trèo

Để lên xem chú chuột đâu

Nó lên xem chú chuột nào

Mà lên cây nó leo trèo

Nó lên xem chú chuột đâu.

Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột (chích)

Chú chuột (chích) chú đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Chú mèo mèo ngoao.

(Lê Thương, Con mèo trèo cây cau)

Ếch ì ộp, anh ếch ì ộp

Thấy bò vàng khôi ngô quá
Xét ư mình, anh xét ư mình

Tí hon bé như hột gà
Tự nhủ thầm lẽ nào chịu thua
Liền phồng to cái bụng ra nữa.
Ếch bảo bạn, anh ếch bảo bạn:
"Tôi nào có thua chi bò".
Ếch ì ộp, anh ếch ì ộp
Ưỡn bụng phồng hơi cố gắng
Gắng thật nhiều, anh gắng thật nhiều
Nên bụng vỡ ra tan tành.
Chuyện đời một câu làm gương chung
Mình tự nên biết mình mới đúng
Sức ờ hèn, ờ sức ờ hèn

Xin đừng ước mong hơn người.

(Y Vân & Phùng Sửu, Ếch muốn bằng bò)

Chim chích chòe nó kêu chích chòe

Chim chích chòe nó kêu chích chòe

Nó đậu cành chanh, nó đậu cành chanh

Nó đậu cành chanh

Nó kêu chích chòe, nó kêu chích chòe

Chim chích chòe nó kêu chích chòe

Tôi ném hòn sành lăn cổ xuống ao

Nó kêu chích chòe, nó kêu chích chòe

Đem về vừa xáo vừa xào được ba bát đầy

Chim chích chòe nó kêu chích chòe

Ông Thầy ăn một, bà Cốt ăn hai

Cái đầu cái tai đem về biếu Chúa

Chúa hỏi thịt gì? Là chim chích chòe.

Chim chích chòe.

(Đức Quỳnh, Chim chích chòe)

Con cò, cò đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Vớt vớt tôi nào, ới ới ông ơi!
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong, ới ới ông ơi!
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con.

(Nguyễn Xuân Khoát, Con cò đi ăn đêm)

Một con cò đứng cạnh bờ ao
Thấy con cá đến đớp nhanh nuốt vào.
Cười cho đời con cò tham ăn mắc mồi
Cười cho đời con cò tham ăn mắc mồi.
Ơi cò ơi, tham làm chi mà vội
Ơi cò ơi, gây lầm than cuộc đời.
Cho lòng hồ xanh thắm

Vui lòng anh đứng câu
Ơi cò ơi tiếng than còn mãi trên đời.

(Văn Giảng, Tham mồi)

Hai chú gà con đi chơi với nhau

Chú che cái dù, chú đội mũ trên đầu

Đang nói chuyện vui tay trong cánh tay

Ngó hai chú gà ra bạn thân ai tày, nào hay…

Trông thấy đằng xa con giun khá to

Chú quăng cái dù, chú liệng mũ co giò

Lôi kéo hồi lâu con giun đứt đôi

Cả hai té nhào xoa đầu u một hồi, thật đau!

(Lê Cao Phan, Hai chú gà con)

Kìa con chim non ríu rít kêu trên cành

Trời mây xanh xanh chim bay lượn quanh

Ngày vui như chim non, mái trường xây tổ ấm

Tuổi thơ bao ước mơ tung bay khắp trời mây…

(Trần Văn Bùi, Con chim non)

Kìa kìa đàn chim, đàn chim non reo ca vang

Vang hót ca vang lừng

Bầu trời cao sáng trong huy hoàng

Kìa kìa rừng cây, rừng cây xanh trước gió loang

Nghe gió đang rì rào cùng trời mây khúc mơ màng.

Đây êm đềm suối reo đàn, đây thông rừng hòa ca

Đây trời Việt nước non nhà,

Đây chim ngàn tưng bừng hòa ca.

(Ngô Ganh, Đàn chim non)

Các em còn thích những bài hát hài hước, ngộ nghĩnh. Chẳng hạn một bài hát với cách chơi chữ có vần điệu chỉ để mang lại cho các em những nụ cười:

Ông Nỉnh ông Ninh. Ông ra đầu đình
Ông gặp ông Nảng ông Nang
Ông Nảng ông Nang. Ông ra đầu làng
Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh.
Nang Ninh đầu đình.

Và Ninh Nang đầu làng
Và Nang Ninh đầu đình

Và Ninh Nang đầu làng
Cả Nang Ninh làng đình Nang Ninh
Cả Nang Ninh làng đình

Nang Ninh làng đình Ninh.
Em Thở em Thơ. Em qua hàng dừa
Em gặp em Hải em Hai
Em Hải em Hai

Em qua vườn xoài. Em gặp em Thơ.
Thơ Hai vườn xoài

Và Hai Thơ vườn dừa
Và Thơ Hai vườn xoài

Và Hai Thơ vườn dừa
Cả Thơ Hai vườn xoài Thơ Hai
Cả Hai Thơ vườn dừa.

Hai Thơ vườn xoài Thơ.
Cô Chiểu cô Chiêu. Cô qua cầu kiều
Cô gặp cô Thỏa cô Thoa
Cô Thỏa cô Thoa. Cô qua vườn cà
Cô gặp cô Chiểu cô Chiêu.
Thoa Chiêu cầu kiều

Và Chiêu Thoa vườn cà
Rồi Thoa Chiêu cầu kiều

Rồi Chiêu Thoa vườn cà
Cả Chiêu Thoa cầu kiều Chiêu Thoa
Cả Thoa Chiêu vườn cà.

Chiêu Thoa cà vườn Thoa…

(Lê Thương, Ông Ninh ông Nang)

Một bài hát vui nhưng cũng là bài học về việc đánh răng, giữ gìn vệ sinh với lời ca hài hước:

Ê! Cái thằng Tí sún Tí sún
Nhe cái răng nham nhở chổi cùn
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không ngơi.

Anh sún ơi! Này nghe chúng tôi
Chăm đánh răng cười trông mới tươi
Răng với tóc là gốc con người
Răng có đẹp thì đời mới vui.

Nào có khó gì việc đánh răng
Cầm bàn chải tựa như kéo đàn
Kem rất thơm ngọt đâu có ngán
Chỉ xoẹt xoạt mấy cái là xong.

(Hùng Lân, Thằng Tí sún)

Một cuộc dạo chơi tưởng tượng ra nước ngoài cũng là bài học về địa lý dễ nhớ, dễ thuộc, nhịp điệu vui tươi, phấn khởi:

Phiên khúc: Tính tính tính tình tang tang tang
Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan
Trôi nó trôi bềnh bồng.

ĐK: Ði tới Tôkyô
Mình xách tay chiếc dù. Mặc áo kimônô
Tôkyô Tôkyô. Dù là dù với kimônô.

(trở lại phiên khúc)
ÐK: Ði tới Chicagô
Mình bắt tay găngxtơ. Cười với anh Charlot
Chicagô, Chicagô. Cười là cười với anh Charlot.

(trở lại phiên khúc)
ÐK: Ði tới Karachi
Mình muốn thêm béo phì. Thì đớp cơm cà ri
Karachi, Karachi. Phì là phì với cơm cà ri.

(trở lại phiên khúc)
ÐK: Ði tới Mêxicô
Mình thấy anh đấu bò. Ðội nón sombréro
Mêxicô, Mêxicô. Bò là bò với sombréro.

(trở lại phiên khúc)
ÐK: Ði tới Mônacô
Mình muốn mau hết tiền. Thì ghé Monte Carlo
Monaco, Monaco. Tiền là tiền với Monte Carlo.

(Minh Lương & Hồ Tấn Vinh, Chiếc thuyền nan)

Thằng Bờm, thằng Bờm có cái quạt mo

(Ừ hừ) Phú ông, phú ông muốn đổi ba bò chín trâu

Rằng chẳng lấy trâu. Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

(Ừ hừ) Phú ông, phú ông muốn đổi một xâu cá mè

Rằng chẳng lấy mè. Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

(Ừ hừ) Phú ông, phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Rằng chẳng lấy lim. Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

(Ừ hừ) Phú ông, phú ông muốn đổi con chim đồi mồi

Rằng chẳng lấy mồi. Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

(Ừ hừ) Phú ông, phú ông muốn đổi nắm xôi Bờm cười.

(Nguyễn Xuân Khoát, Thằng Bờm)

Một thời gian khá lâu sau các sáng tác của Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Ngô Ganh, Lê Cao Phan…, chúng ta bắt gặp lại một số bài hát trong loạt bài Bé Ca của Phạm Duy với những giai điệu vui tươi dành cho tuổi thơ:

Bắt được con công, chú bé bắt được con công
Đem về biếu ông, biếu ông, ông cho con gà
Đem về biếu bà, biếu bà, bà cho quả thị
Đem về biếu chị, biếu chị, chị cho quả chanh
Đem về biếu anh, anh cho con chim tu hú…

(Phạm Duy, Chú bé bắt được con công)

A! Này bé! Con dế nó đậu cành tre
Em bắt đem về hát xẩm mà nghe
Đừng bắt đem về đánh lộn làm chi
Loài giun dế mang tội gì.
A! Này bé! Con dế nó nằm ổ sâu
Đào lỗ đem về cho ở hộp cao
Đừng bắt dế nghèo đánh bể đầu nhau
Để dế nó phải buồn rầu…

(Phạm Duy, Bé bắt dế)

Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo
Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút
Ông trăng xuống chơi ông bụt thì ông bụt cho chùa
Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính
Ông trăng xuống chơi đền thánh thì cụ Chánh cho mõ…

(Phạm Duy, Ông trăng xuống chơi)

II. NHẠC SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG

Ngoài các bài hát có thể hát đơn ca hoặc đồng ca, chúng ta còn có thể tìm thấy các bài ngắn gọn, dễ nhớ dễ thuộc, thường hát trong các tập thể, cộng đồng; đó là các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo như Hội Thanh niên Thiện chí, Chương trình Phát triển Sinh hoạt học đường (CPS), Hội Hướng đạo Việt Nam, Thanh Sinh Công, Gia đình Phật tử, Du ca Việt Nam…

1. Vui họp mặt

Những bài hát tập thể đôi khi còn kết hợp với các động tác minh họa hoặc các vũ điệu sinh động, nhiều nhất ở trong các buổi họp mặt vui chơi, các buổi cắm trại:

Anh em ta, nắm tay

Ta vui chan hòa mừng ngày gặp nhau,

Ta hát ta múa ta ca.

Vây quanh chốn này tình thương bao la.

Và muôn tiếng cười hòa vang xa.

Ô ô ô, ô ô ồ ca vang trời.

(Anh em ta)

Tập tầm vông tay không tay có

Tập tầm vó tay có tay không

Tay nào không tay nào có

Tay nào có tay nào không…

Tập tầm vông…

(Tập tầm vông)

Tôi có hai bàn tay này

Anh có hai bàn tay này

Vỗ lên anh, vỗ lên anh

Vỗ cho đều, vỗ cho đều.

Tôi có hai bàn tay này

Anh có hai bàn tay này

Vỗ cho kêu, vỗ cho kêu

Vỗ cho đều này anh em ơi.

Tang tính tang tình tang tình (2 lần),

Vỗ nhanh nhanh, vỗ nhanh nhanh

Vỗ đem nguồn vui về dân lành

Tang tính tang tình tang tình (2 lần),

Vỗ to lên, vỗ to lên

Vỗ như giục lòng ta đi lên.

(Bài hát vỗ tay)

Bốn phương trời ta về đây chung vui

Không phân chia giọng nói tiếng cười.

Cùng nắm tay ta kết tình thân ái

Trao cho nhau những lời thiết tha

Trao cho nhau những gì mến thương.

(Bốn phương họp mặt)

Cùng nhau múa chung quanh vòng

Cùng nhau múa cùng vui.

Cùng nhau múa chung quanh vòng

Vui cùng nhau múa đều.

Nắm tay nhau bắt tay nhau,

Vui cùng nhau múa vui

Bắt tay nhau nắm tay nhau,

Vui cùng vui múa đều.

(Lưu Hữu Phước, Múa vui)

Cùng quây quần ta vui vui vui

Ta hát với nhau chơi chơi chơi

Rồi lên tiếng reo cười cười cười

Làm vui thú bao người người người.

(Cùng quây quần)

Chiều nay em đi câu cá

Và đem rá theo bắt cua

Làm sao cho được kha khá

Về cho má nấu canh chua.

Ô kìa con cua, ô kìa con cua (ấy chớ la)

Đừng la lớn nó chui xuống hang

Đừng la lớn nó chui xuống hang.

(Đi câu cá)

Cái nhà là nhà của ta,

Công khó ông cha làm ra

Cháu con phải gìn giữ lấy,

Muôn năm với nước non nhà.

Xóm làng là làng của ta,

Xương máu ông cha làm ra

Chúng ta phải gìn giữ lấy,

Muôn năm với nước non nhà.

Cánh đồng đơm đầy hương hoa

Công khó ông cha làm ra

Quyết tâm ta gìn giữ lấy

Nuôi nhau chung sống một nhà.

Xóm giềng là cùng quê hương

Chung sống vui bên ruộng nương

Có nhau để cùng chung sức

Vươn lên non nước hùng cường.

Cõi đời là đời của ta

Nuôi dưỡng công lao mẹ cha
Lớn khôn để gìn giữ nước

Thay nhau xây đắp sơn hà.

(LM. Nguyễn Văn Thích, Cái nhà)

Ta không chê của người

Ta không khen của ta

Nhưng dù sao đi nữa

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. (2 lần)

Dân mình ơi, ruộng ta sẵn có ta cày

Cơm no dạ ngày ngày

Gỗ tre sẵn có xây nhà, ta sống đời tự do.

Dân mình ơi, phải lo tự túc tự cường

Cho dân mạnh nước giàu

Đừng nên dựa thế

Nói người ta mắc nợ ngày sau.

(Phan Công Danh, Ta về ta tắm ao ta)

Các nhạc sĩ cũng ca ngợi cảnh đẹp tươi sáng, gợi niềm vui gắn bó tập thể, ca ngợi tình thân ái của những người bạn trẻ dù chỉ là lần gặp mặt lần đầu:

Nắng trong khóm cây xuân sáng ngời
Kìa chim bay xa xa ca hót trong mây
Gió trong khóm cây xuân sáng ngời
Kìa bao em tay nắm reo vang tiếng cười.
Ngàn hoa hé tưng bừng

Hương hoa nồng ngát
Ngàn chim hót vang lừng

Cất cánh ngang trời
Nắng đem thắm tươi

Cho khắp muôn người
Cùng nhau ta đi vui chơi khắp đó đây
Gió đem thắm tươi cho khắp muôn người
Cùng nhau ta tay nắm reo vang tiếng cười…

(Hoàng Quý, Nắng tươi)

Nào về đây ta họp mặt cùng nhau

Cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi

Anh với tôi ta cùng sống vui cho trọn ngày

Rồi mai này chúng ta lại gặp nhau.

(Về đây họp đoàn)

Anh em chúng mình cùng nhau

Kéo đến đây mà hát xướng

Nghe tiếng còi cùng nhau

Kéo đến họp đoàn chơi.

Còn chần chờ gì nào, ta cùng nhau ca hát

Còn chần chờ gì nào, ta cùng nhau hát ca.

(Còi họp đoàn)

Anh em ta về cùng nhau ta quây quần (này)

Một, hai, ba, bốn, năm

Anh em ta về cùng nhau ta sum họp (này) 
Năm, bốn, ba, hai, một. 
Một – đều chân bước nhé!

Hai – quay nhìn nhau đi! 
Ba – cầm tay chắc nhé!

Không muốn ai chia lìa. 
Bốn – nhớ rằng:

Chúng ta bốn bể anh em một nhà! 
Năm – giữ mãi tình này trong câu ca.

(Võ Tá Khánh &Tiến Lộc, Anh em ta về)

Hôm nay họp đoàn lòng em vui sướng
Bên em biết bao nhiêu người mến thương
Vui vui sum vầy nhìn nhau thân ái
Vui thay tiếc thay những khi sum vầy.
Đồng lòng cùng hát cất cao tiếng ca
Đồng lòng cười vang ha ha ha ha
Họp đoàn càng thấy vang lừng tiếng ca.
Đồng lòng cùng hát cất cao tiếng ca
Đồng lòng cười vang ha ha ha ha
Họp đoàn càng thấy mến yêu nước nhà.

(Tâm Nguyên, Họp đoàn)

Gặp nhau rồi thì phải làm quen, nhiều khi nhớ ra đã từng gặp anh chị ở đâu đó rồi. Nhưng dù sao đã gặp hay chưa thì chúng ta vẫn ở bên nhau và sẽ nối tình thân ái:

Tôi trông anh (chị) quen quá (i a) đi thôi

Hình như đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải

Cờ tình cờ lại gặp nhau đây phen nữa

Mối (i a) thân tình đượm nồng hơn xưa.

Tôi tặng anh (chị) một trời mộng đẹp

Hoa tình thương trùng trùng điệp điệp

Một phen gặp là muôn phen nhớ

Thương là thương, thương mấy (í a) cho vừa.

(Hùng Lân, Hát làm quen)

Ta hát to hát nhỏ, nhỏ, nhỏ

Rồi ta ngồi kể chuyện cho nhau nghe

Ô ố ô Ô ồ ô Ố ô ồ

Ta vui ca hát, hát cho vui đời ta.

(Hát to, hát nhỏ)

Ơ này này anh ơ này này em

Lại là lại gần nhau, lại là lại gần nhau

Xem cho rõ mặt nhau.

Ơ này này anh ơ này này em

Lại là lại gần nhau, lại là lại gần nhau

Kể cho nhau chuyện nhà,

Kể cho nhau chuyện xa

Dù ngày qua mang bao đau thương

Và ngày mai biết bao gian truân

Nhưng ta vẫn bền gan.

(Trần Văn Bùi, Lại gần nhau)

Mừng là mừng gặp nhau như gió (í a) gặp mây

Mừng là mừng gặp nhau ta nối (í a) vòng tay

Người về từ miền núi, người về từ miền xuôi

Đây đến đây chung nhịp đời.

Mừng là mừng gặp nhau

Như lúa (a) non ngậm sương

Mừng là mừng gặp nhau

Ta kết (í a) tình thương

Người dù từ đâu tới, người đều là bạn tôi

Chăm đuốc tình người bạn ơi!

(Hùng Lân, Mừng gặp nhau)

Cuộc gặp gỡ vui vầy đến đâu cũng sẽ đến ngày chia tay, chúng ta chia tay nhau mà nhung nhớ vẫn đầy:

Gặp nhau đây rồi chia tay

Ngày dài như đã vụt qua trong phút giây

Niềm hăng say còn chưa phai

Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy

Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy.
Rừng linh thiêng, rừng Lam Sơn
Rừng trầm lên tiếng gọi cây xanh Chí Linh
Về quê hương, về Chi Lăng

Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng

Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng.

Còn trong ta, tình bao la
Cuộc đời niên thiếu bừng lên bao ước mơ
Rồi suy tư, lời đêm qua
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về.

(Viết Chung, Gặp nhau đây)

2. Vui cắm trại

Những cuộc gặp mặt như thế thường xảy ra khi có họp trại của trường học, lúc đó phải dựng lều, tổ chức trò chơi, lửa trại… Tất cả mọi công đoạn này các bạn trẻ đều được trải qua thời gian rèn luyện kỹ năng và kinh nghiệm. Đây là niềm vui của tập thể khi cùng họp trại:

Trại trường, trại trường là nơi cao nguyên
Núi đồi, núi đồi tình yêu thiên nhiên
Thác reo, thác reo nghe chăng lời khuyên
Bão bùng, bão bùng giữ vững lái thuyền.
Trại trường, trại trường rèn trang thanh niên
Núi đồi, núi đồi tình yêu thiên nhiên
Thác reo, thác reo khúc ca triền miên
Gió lạnh, gió lạnh chen với nắng hiền.

(Trại trường)

Niềm vui khi được dựng lều và cũng lá lúc bạn trẻ thi thố tài năng:

Dựng lều lên mau anh em

Chúng ta dựng lều lên mau

Dựng thật ngay ngắn

Và nhớ buộc đúng nút dây.

Mái lều cho căng, anh em

Nhớ xem mái lều cho căng

Rồi đào rãnh nước cho ngay

Chúng ta mới xong cái lều.

(Dựng lều lên)

Giây phút vui vầy lớn nhất chính là lúc đốt lửa trại, cũng là lúc lời ca tiếng hát được cất lên:

Ta đốt to cho bừng lên sáng
Đốt to cho bừng lên sáng
Đốt to cho bừng lên sáng sáng lên.
Mau các anh em cùng mau đến
Chóng nhanh lên Đoàn sinh nhé
Chóng lên không thôi các anh chờ ta…

(Gọi lửa, khuyết danh)

Bập bùng lửa hồng, ngồi bên nhau ta hát vang

Reo ca mừng vui mến thương nhau vô vàn

Lửa hồng bừng soi sáng

Trong bóng đêm thâu tràn lan

Nào còn gì vui hơn

Chung sống bên ngọn lửa hồng.

Lửa hồng gần tàn

Lòng dâng lên bao luyến thương

Mong sao tình ta mãi bên nhau êm đềm

Rồi ngày nào xa cách

Ta nhớ nơi đây trại đêm

Ngọn lửa hồng như ghi sau

Mối ân tình thắm nồng.

(Đêm lửa trại)

1. Anh em ta, mau cố chất cây khô

Vào đây đốt chung

Đêm khuya nghe, tiếng tí tách

Cây khô nổ vang giữa rừng

Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng

Trong khói xanh trong đêm bốc cao

Cùng cầm tay hát vang lừng ta hát

Lửa thêm sáng tươi xua tan bóng đêm

Anh em ta vui đùa ca hát

Hát cho đời vui vui thật vui.
2. Anh em ơi ta hãy lắng tai nghe

Ngàn muôn tiếng vang 
Trong đêm khuya trông ánh khói

Điểm tô rừng cây rõ ràng 
Lên cho cao nhất bùng cao sáng bùng 
To nữa lên cao to nữa lên 
Bùng bùng cao ngất bùng cao sáng 
Bùng to nữa lên cao to nữa lên 
Lên cho cao càng cao cao vút 
Bốc lên nào cao cao thật cao.

(Văn Giảng, Nhảy lửa)

Trong đêm thâu quanh ánh lửa hồng

Dưới ngàn cây xanh lá
Anh em ta quây quần chốn này

Cất cao muôn lời ca
Đêm hôm nay ta nắm tay nhau

Ta hát cho quên sầu
Mai ra đi không chút vấn vương,

Chiến trường kia tranh đấu.
Là tài trai chí bốn phương

Một lòng quyết lên đường
Lửa bùng lên, tí tách reo

Như gợi mối căm hờn.
Đoàn ta vì sông núi, dẹp tan đời tăm tối
Tiến bước lên, chiến đấu cho đất Việt

Bừng sáng muôn đời.

(Quanh lửa hồng, nhạc Văn Khôi, lời Nguyễn Thiện Tơ)

Nào chúng mình ra

Quay một vòng hát mà chơi

Hòa cao tiếng lên

Đưa nhịp lòng vang khắp nơi.

Đời bày có ta

Sao bỏ hoài những ngày vui

Vui cùng nhau hát, bao tình thân ái,

Bao lòng hăng hái.

Nào đứng cầm tay

Chung một vòng nối tình thâm
Lòng khắng khít nhau

Ca một lời yêu chứa chan
Đồng chí đồng tâm

Theo gương này giống nhà Nam
Vui cùng nhau hát,

Bao tình thân ái, bao lòng hăng hái.
Nào cất đều lên

Vang một trời tiếng hùng ca
Mừng trông nước non

Vui tươi dường như gấm hoa
Hầu khắp còn ghi

Công anh hùng chí ngày xưa
Vui cùng nhau hát,

Bao tình thân ái, bao lòng hăng hái.

(Nguyễn Quý Thuận, Tuổi xuân

hoặc Quây quần nhảy múa)

Càng đông chúng ta càng vui nhiều 
Càng đông lại được thú nhiều.
Càng đông chúng ta càng vui nhiều 
Càng đông lại mạnh nhiều.

Nhiều đi họp được biết nhiều 
Nhiều đi trại được thú nhiều,

Nhiều đi được lợi nhiều.

(Càng đông càng vui)

Vui ca lên nào anh em ơi

Hát cho lòng thắm tươi

Đừng thấy khó mà mau chân lui

Ta cứ tiến trên đường

Dù cho mưa rơi lòng ta thêm tươi

Chớ khi nào có quên

Cùng cất tiếng hòa vang trong mây

Cho bao người đều vui.
Vui ca lên nào anh em ơi

Chớ đau buồn khóc than

Đời tươi thắm vì trong sương mưa

Luôn tiếng hát vang lừng

Kìa chim trong cây, kìa ong bên hoa,

Bướm lưng trời thiết tha

Cùng nhau sống vầy vui quanh năm,

Tô thêm tươi đời hoa.
Vui ca lên nào anh em ơi,

Hát cho đời thắm tươi

Lời ca khắp đồng quê xanh tươi

Mang khắp chốn non ngàn

Mặc sương mưa rơi lời ca không nguôi,

Tiến theo nguồn sống vui

Nào cất tiếng hòa vang trong mây,

Cho bao người đều vui.
(Hoàng Quý, Vui ca lên)

Vui là vui quá, vui là vui ghê

Vui không chỗ nào chê.

Vui là vui quá, vui là vui ghê

Vui không chê chỗ nào.

(Vui quá vui ghê)

Vui là vui là vui chúng mình vui nhiều

Vui là vui là vui chúng mình vui quá

Vui là vui là vui chúng mình vui nhiều

Vui là vui là vui chúng mình quá vui.

(Vui là vui)

Này bạn vui mà muốn tỏ ra

Thì vỗ đôi tay (1, 2)

Này bạn vui mà muốn tỏ ra

Thì vỗ đôi tay (1, 2)

Này bạn vui mà muốn tỏ ra và

Lòng bạn nôn nao cho quanh đây

Biết lòng bạn vui mà muốn tỏ ra

Thì vỗ đôi tay. (1, 2)

(Này bạn vui)

Tung lên trên trời xanh tiếng hát

Êm như ru chiều hôm gió mát

Chim líu lo trên không trung tưng bừng

Đây thú vui vui vui vui không ngừng.

(Tung lên trời xanh)

Nào anh em cùng ra đây

Xem chúng em đua nhau chơi kèn

Tò tí tò, tò tí te, tò ti tò tí te te tò.

Nào anh em cùng ra đây

Xem chúng em đua nhau chơi đàn

Fa la fa, fa la sol, fa la fa la sol sol fa.

Nào anh em cùng ra đây

Xem chúng em đua nhau chơi tùng

Tùng cắc tùng, tùng cắc cheng,

Tùng cắc tùng cắc cheng cheng tùng.

(Hòa nhạc)

Một ngón tay nhúc nhích này,

Một ngón tay nhúc nhích này

Một ngón tay nhúc nhích

Cũng làm chúng ta vui rồi.

Hai ngón tay nhúc nhích này,

Hai ngón tay nhúc nhích này

Hai ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích

Cũng làm chúng ta vui rồi.

Ba ngón tay nhúc nhích này,

Ba ngón tay nhúc nhích này

Ba ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích, nhúc nhích

Cũng làm chúng ta vui rồi…

Mười ngón tay nhúc nhích này,

Mười ngón tay nhúc nhích này

Mười ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích,

nhúc nhích, nhúc nhích, nhúc nhích,

nhúc nhích, nhúc nhích, nhúc nhích, nhúc nhích,

nhúc nhích cũng làm chúng ta vui rồi.

(Ngón tay nhúc nhích)

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,

Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông. (2 lần)

Anh em ta ơi! Đường dài còn dài

Còn nhiều trở ngại và còn nhiều gian khó

Kiên gan, kiên gan. Anh em ta ơi! Cố tâm vượt qua.

(Phan Công Danh, Đường đi không khó)

Dây thân ái lan rộng muôn nhà
Tay sắp xa nhưng tim không xa
Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng
Ca hát vang không gian đơm hoa.
Đường tuy xa nhưng tình bao la
Tiếng hát theo hương thơm nhà lưu truyền
Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần
Vang hát ca chia tay đừng buồn.

(Lê Lừng, Dây thân ái)

Mãi mãi bên nhau nối chặt vòng tay

Ta vui sum vầy
Mãi mãi bên nhau khắc nguyện từ đây

Ta luôn có nhau.
Ta mong cho quê hương sáng ngời
Trong tình yêu mến tràn lan khắp nơi.
Ta yêu cho quê hương ngát trời

Trong niềm tin mới

Vui ngày Bắc Nam thôi hết tang thương

Mãi mãi bên nhau. Mãi mãi bên nhau.

(Nguyễn Đức Quang, Mãi mãi bên nhau)

Trong bài ca sinh hoạt cộng đồng, người ta bắt gặp một vài bài lấy từ nhạc nước ngoài, thường ngắn gọn, chẳng hạn bài Bài ca tạm biệt, lời Việt theo giai điệu bài Auld Lang Syne, một bài hát truyền thống của Scotland, được bạn trẻ hát trong giây phút chia tay:

Vì đâu anh em chúng ta

Ngày nay sắp cùng bùi ngùi xa cách

Cớ sao ta không còn trông

Rồi đây có ngày mình còn gặp nhau.

Cách xa nhưng ta hằng vui

Vì nay hiểu sau còn ngày sung sướng

Cách xa nhưng ta hằng mong

Rồi đây có ngày mình còn gặp nhau.

Hoặc hai bài ca viết theo giai điệu bài hát thiếu nhi của Pháp Frère Jacques:

Kìa con bướm vàng,

Kìa con bướm vàng

Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh

Bay nhấp nhô trên hoa hồng

Bay nhấp nhô trên hoa hồng

Ta ngồi xem, ta ngồi xem.

(Con bướm vàng)

Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi

Mời anh xơi, mời chị xơi

Giơ bát cơm cho cao này

Giơ bát cơm cho cao này

Ta cùng ăn, ta cùng ăn.

(Giờ ăn đến rồi)

3. Bài ca sinh hoạt tôn giáo

Ngoài những bài ca dành cho thanh thiếu nhi trong các hoạt động tập thể, cộng đồng, còn có những bài riêng cho các tổ chức tôn giáo. Các bạn chỉ hát khi có các sinh hoạt riêng của tôn giáo mình, chẳng hạn như các gia đình Phật tử. Lời ca trong các bài hát Phật giáo thường tập trung vào nội dung ca ngợi đức Phật, ca ngợi triết lý đạo Phật, tinh thần bi trí dũng, luật nhân quả, sự vô thường… hoặc những bài diễn tả tình cảm nhớ thầy, nhớ chùa…

Trong sinh hoạt cộng đồng, sợi dây kết nối mọi thành viên là một vòng tròn biểu trưng cho tình thân viên mãn:
Cầm tay nhau kết thành vòng tròn,
Tròn như mặt trăng tươi sáng
Cầm tay nhau kết thành vòng tròn,
Tròn như vầng dương chói rạng.
Cho chim bồ câu lượn thành vòng tròn
Cho tay trong tay kết chặt tình bạn
Cho hành tinh vang lên, vang lên… tiếng ca.
Cho chim bồ câu lượn thành vòng tròn
Cho tay trong tay kết chặt tình bạn
Cho hành tinh tươi xanh tươi xanh
Không còn chiến tranh.

(Kết thành vòng tròn)

Trong sinh hoạt của Gia đình Phật tử, các thành viên thường hát bài hát chính thức của Phật giáo Việt Nam. Bài này cũng được hát khi khai mạc các buổi lễ trang nghiêm của Giáo hội:

Phật giáo Việt Nam thống nhất

Bắc Nam Trung từ nay
Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng

Nào cùng vui trong ánh đạo vàng

Rạng ngời bốn phương

Vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam.
Noi tấm gương ngài Thích Ca

Giải thoát chúng sinh
Chúng ta dốc lòng nguyện cùng

Gieo rắc quanh mình
Bao nỗi vui lành tràn lan hòng tan đau đớn
Chắp tay ta cùng dưới đài sen thắm kết đoàn.
Phật giáo Việt Nam thống nhất

Bắc Nam Trung từ nay

Nào cùng nắm tay kết lên một đài sen

Cùng làm sao cho

Đóa sen người đời đời ngát hương

Muôn phương thấm nhuần Phật giáo Việt Nam.

(Lê Cao Phan, Phật giáo Việt Nam)

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Người thương cứu trần gian

Nơi trầm luân kiếp cơ hàn
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Xin Người ban phước lành cho

Từ trời cao đầy ước mơ.
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Người vớt tâm hồn đầy buồn thương
Ban ngàn phước cho trần gian
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
A Di Đà Phật.

(Thẩm Oánh, Thích Ca Mâu Ni Phật)

Trời là trời rạng đông tươi sáng

Tươi sáng rằm tháng tư
Đức Đức Phật Thích Ca ra đời
Đem chuyện lành an vui muôn loài
Ngàn điệu nhạc thần tiên dồn lên
Hùng vang chào đón tưng bừng.
Tim muôn loài như trăng trăng rằm
Rung theo Ngài nguồn sáng tương lai.
Hát mừng hát vui lên ngày này
Cho lòng ta hương thơm Đạo về
Này cùng nhau cầm tay hò reo

Nhạc bình minh lòng ta hòa theo.
Trời là trời rạng đông tươi sáng

Tươi sáng tươi sáng huy hoàng
Vui đón chào Thích Ca ra đời
Vui ca ngợi ngày sáng khắp nơi.

(Nguyên Thông, Mừng ngày đản sanh)
Đây là bài ca chính thức của Gia đình Phật tử Việt Nam mà mọi thành viên đều thuộc lòng:

Kìa xem đóa sen trắng thơm
Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn
Hình dung Bổn sư chúng ta

Lòng từ bi trí giác vô cùng.
Đồng thề nguyện một dạ theo Phật
Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết
Đến bao giờ được tòa sen ngát
Tỏa hương thơm từ bi tận cùng.

(Sen trắng, nhạc: Ưng Hội, lời Phan Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán)

Sau khi đọc bài kinh Sám hối, các thành viên trong Gia đình Phật tử sẽ đồng ca bài hát này:
Trầm hương đốt xông ngát mười phương

Nguyện nguyện kinh Đức Nghiêm Từ vô lường

Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng con

Vận vận khói kết mây lành cúng dường.
Đạo nhiệm mầu đã lan truyền nơi cùng nơi

Nhờ chân lý chúng sanh đều thoát luân hồi.

Đồng quay về quỳ dưới Đài Sen

Dâng hoa thơm tinh khiết màu thắm tươi cành
Đài quang vinh xem huy hoàng trang nghiêm

Ơn mười phương đều ngự hào quang an lành.

Nhìn Đạo uyển chuyển

Soi khắp cùng quần sanh

Phật Đạo đồng cùng nhau tu

Tinh tấn mau viên thành.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật…

hm… hm… hm…
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật…

hm… hm… hm…

(Bửu Bác, Trầm hương đốt)

Có những bài ca nhắc nhở Phật tử hiểu biết về cuộc đời tìm con đường giải thoát và cứu rỗi chúng sinh cũng như con đường hành đạo của đức Phật Thích Ca:

Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn làn nước biếc, Thích Ca ngài lòng vững bền
Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyện theo đức từ bi

(Hoàng Cang, Dòng A Nô Ma)
Thành Ca Tỳ La sống yên vui thời Tịnh Vương
Người người vui sướng Thích Ca ngài vừa ra đời
Muôn chim hát mừng lá hoa hương ngát ngào
Muôn hào quang ngời rọi chiếu khắp núi sông
Cây Vô ưu đến này chúng sinh luôn nhắc hoài
Nơi Lâm Tỳ Ni còn ghi bao ngày vui.

(Hoàng Cang, Thành Ca Tỳ La)

Từ ngàn xưa vương thành Ca Tỳ La Vệ
Tất Đạt Đa thái tử con vua Tịnh Phạn
Thời niên thiếu sống trong nhung lụa êm ấm
Thương chúng sanh lạc loài trong kiếp luân hồi.
Rồi một hôm bên thành Ca Tỳ La Vệ
Tất Đạt Đa quyết chí xuất gia tầm đạo
Lìa vua cha, lánh xa cung điện nguy nga
Cắt tóc xanh, khoác mình mảnh áo nâu sòng.
Rừng núi ca vang muôn tia hào quang

Chiếu sáng bóng Ngài
Chim vui chào đón mười phương

Thành tâm kính lạy Bổn Sư
Ngài là đấng cha lành cứu độ nhân loài
Đức từ bi Ngài gieo ánh sáng đạo vàng
Đời dương thế si mê ham giận lầm lỗi
Con cúi xin ơn Ngài cứu độ chúng sanh.

(Hằng Vang, Ánh đạo vàng)

Ngoài những bài ca mang tính chất lễ nghi, các Phật tử còn có những bài ca sinh hoạt mang tính chất tôn giáo, thúc giục bạn trẻ trên con đường phụng sự quê hương, xây đời vui sống, rèn luyện tinh thần từ bi dưới ánh sáng đạo thiêng:

Đây đoàn thanh niên

Xông pha không sờn gió sương

Soi đường cho bao sinh linh

Đớn đau trần thế

Ta đoàn thanh niên

Hy sinh đem nguồn vui sống

Chóng cho muôn người

Hoàn toàn vượt đời lầm mê.
Xa xa muôn trùng ngàn bước đi

Vang vang chân trời lời từ bi

Ta vì Đạo mà tiến lên,

Quyết vì người nào có quên.
Thanh niên ơi! Không nề khó khăn

Nhớ lấy rằng bao người mong ngóng

Chúng ta gieo khắp trời mùa xuân

Thanh niên ơi! Vì Đạo tiến lên

Cúi xin Phật chứng tri lòng ai

Theo gương Ngài hồn thắm nào phai.

(Lê Mộng Nguyên, Hướng Phật đài)

Ta đoàn Áo Lam tiến bước lên đường
Nhịp nhàng theo gió sớm về ngát hương
Tâm hồn sáng tươi chứa chan niềm vui
Đem bao chí cường ngợi ca Đạo Thiêng.
Nghe chim rừng hòa ca líu lo
Vang lời thanh cao ta reo hò
Đem bao nguồn vui sống yêu mến
Gieo vào nơi u tối lầm than.

(Phạm Mạnh Cương, Trại Áo Lam)

Đây gia đình cùng nhau chung thân ái

Dưới Đài Sen sáng soi đời thắm hồng

Ta ca mừng ngày xanh bao hăng hái

Ánh hào quang rạng chiếu khắp núi sông.

Tay trong tay thân tình cất tiếng hát

Ánh xuân tràn lan đầy

Gia đình trời bình minh.

Tay trong tay xin nguyện quyết cố gắng

Tiến lên điểm tô đời huy hoàng cùng Đóa Sen.

(Lê Mộng Nguyên, Gia đình thân ái)

Trong sinh hoạt cộng đồng của thanh thiếu nhi Công giáo, có những bài ca đem lại nguồn vui và niềm tin yêu của tuổi trẻ trong tình thương của Chúa:

Lúc thú vui này

Lòng còn quyến luyến anh em chúng mình

Lúc thú vui này lòng mình những muốn

Anh em thấu tình. Rời tay nhau nhớ lâu nhé!

Tình anh em chớ quên nhé!

Lòng anh em nhớ nhau tuy xa mà hóa ra gần.

Quyến luyến nhau là tình mình

Đối với anh em rất gần

Quyến luyến nhau là tình mình

Đối với anh em khác đoàn

Rời tay nhau nhớ lâu nhé!

Tình anh em chớ quên nhé!

Lòng anh em nhớ nhau tuy xa mà hóa ra gần.

(Lúc thú vui này, khuyết danh)

ĐK: Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời

Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng

Cùng với lớp sóng người hành hương

Về nhà Chúa đi về nhà Chúa đi!

PK: 1. Hành trang con mang theo

Đầy đau buồn của thế giới

Hành trang con mang theo

Đầy căm hờn của dân nghèo

Về đây xin dâng Cha trong lo âu,

Đưa hai tay muốn chung xây thế giới mới.

PK: 2. Hành trang con mang theo

Cuộc nổi loạn của người trẻ,

Hành trang con mang theo

Niềm lo sợ của kiếp già.

Về đây xin dâng Cha trong lo âu,

Đưa hai tay quyết chung xây thế giới mới.

PK: 3. Hành trang con mang theo

Này tấm lòng đời chia sẻ

Hành trang con mang theo

Này sức mạnh tìm gắn hàn

Về đây xin dâng Cha trong lo âu,

Đưa hai tay quyết chung xây thế giới mới.

PK: 4. Hành trang con mang theo

Niềm khát vọng tìm chân lý

Hành trang con mang theo

Mọi xây dựng tìm công bằng

Về đây xin dâng Cha trong lo âu,

Đưa hai tay quyết chung xây thế giới mới.

(LM Hoàng Đức, Lạy Chúa chúng con về)

Anh em chúng ta chung một đường lên

Chung một đường lên đến nơi nguồn thật

Nguồn thật là đây sức sống vô biên

Sống vô biên là sống cùng tạo vật.

Trong rừng bao la cùng nhau ca lá la là

Núi rừng tươi thắm làm say đắm chúng ta hoài

Vui cùng muôn cây cùng trời mây nước non đây

Sống vui chốn này suốt cả ngày chúng ta say.

(LM Nguyễn Văn Thích, Nguồn thật)

4. Bài ca sinh hoạt Hướng đạo

Trong các hoạt động xã hội, có phong trào Hướng đạo Việt Nam là một tổ chức thanh thiếu niên phi chính trị có phạm vi hoạt động rộng rãi khắp các tỉnh thành. Mục đích của phong trào Hướng đạo là giáo dục kỹ năng sống cho tuổi trẻ ngoài giáo dục gia đình và học đường, giúp thanh thiếu niên rèn luyện tính khí, tính tháo vát để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, chuẩn bị để trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, biết trọng danh dự và hữu ích cho xã hội. Từ lúc thành lập vào năm 1930, Hướng đạo Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng vẫn thu hút đông đảo thanh thiếu niên học tập và rèn luyện Tuy nhiên vì thời cuộc và chính trị, Hướng đạo Việt Nam bị đình chỉ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1954, mặc dù trước đó ông Hồ Chí Minh là Chủ tịch Danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam. Riêng ở miền Nam, hoạt động hướng đạo vẫn tiếp tục phát triển cho đến năm 1975.

Hội Hướng đạo Việt Nam được phân cấp thành các Châu Hướng đạo. Dưới Châu là các Đạo Hướng đạo gồm nhiều liên đoàn. Liên đoàn là đơn vị căn bản của Hướng đạo Việt Nam. Một liên đoàn Hướng đạo Việt Nam có thể gồm có cả bốn ngành (Ấu, Thiếu, Thanh hoặc Kha và Tráng) nhưng thông thường nhất là ba ngành với cấp đơn vị đoàn như Ấu đoàn, Thiếu đoàn và Kha đoàn. Các Tráng đoàn không thuộc một liên đoàn nào thì được quản lý trực tiếp bởi Đạo Hướng đạo địa phương là đơn vị chủ quản các liên đoàn trong vùng.

Hướng đạo Việt Nam có bài ca chính thức của mình, do đó mọi hướng đạo sinh phải thuộc lòng:

Nâng cao lá cờ Hướng đạo

Nhuộm oai hùng sáng ngời

Ta cùng đi cùng xây đời mới

Vui tươi hát ca đi trên con đường lạ

Chúng ta nguyền thẳng tiến xông pha.

Anh em ơi rèn cánh tay sẵn sàng

Anh em ơi rèn trái tim vững vàng

Tiếng kêu gọi xin ai chớ quên.

Anh em ơi kìa nước non đang chờ

Anh em ơi đại nghĩa luôn tôn thờ

Chúng ta nguyện kiên tâm tiến lên.

Hướng đạo Việt Nam đuốc thiêng soi đường

Hướng đạo Việt Nam khó khăn coi thường

Luôn luôn ta bền gan rèn tâm hồn trong sáng

Dâng cho nước non nhà muôn đời điểm tô

Cho xã hội rạng ngời, chúng ta một lời.

(Lưu Hữu Phước, Hướng đạo Hành khúc)

Trong sinh hoạt Hướng đạo, còn có bài ca dành riêng cho từng ngành tùy theo lứa tuổi. Chẳng hạn đây là bài ca chính thức ngành ấu:

Vòng quanh đây anh em Sói Con

Bầy sói nhà Nam vừa khéo vừa ngoan

Cầm tay nhau anh em hứa sao

Sói Con gắng sức luôn

Hát múa vui chăm làm.

Cùng nhau chúng ta

Mắt trông xa bé theo già

Hù! A Kê La chúng em đây mà!…

(Bài ca Sói Con)

Ngoài bài ca chính thức trên, các “sói con” còn có bài hát sinh hoạt riêng của mình:

Từ khắp cánh rừng Việt Nam

Bầy Sói Con đua nhau quây quần

Nào về đây mở mắt lên vểnh tai lên

Anh em ơi hòa lời ca vang rừng núi thiêng.

Đi đi mau về tô thắm khung trời

Rừng xanh thắm đón mời

Về hội bầy Sói Con Việt Nam vui ca vang.

(Về hội bầy)

Cùng đi săn theo các Sói chúng ta

Anh em Sói Con chúng ta
Cùng dân ta anh dũng suốt đời

Người trên khuyên anh ghi nhớ
Noi theo anh Sói đưa ta,

Rồi thường vang tiếng hát trên đường xa.
Thề không quên anh hứa

Trước bao dân rừng
Bầy ta hay do sức Sói Con hay
Thề không quên anh hứa trước bao dân

Bao dân rừng này…

(Bài ca tuyên hứa Sói Con Việt Nam)

Các Sói Con trong Bầy

Đều Gắng Sức mà nghe lời
Các Sói Con nghe lời và

Gắng Sức không rời
Lời Sói Già nói ra

Có mà ghi tận đáy lòng
Và nghe lời thấy ngay

Các việc khác đều xong.
Sói Con không nghe mình

Vì non nớt việc chưa tường
Cố noi theo Sói Già

Cùng tiến bước không ngừng.
Đừng lúc nào nhãng quên

Nhớ dù trong dịp khốn cùng
Thường Sói Rừng gắng công

Cố mà giữ luật chung.

(Luật Sói)

Đã có “sói con” thì cũng sẽ có “chim non”, và đây là bài ca chính thức của lứa tuổi này:

Hát cao mãi lên cho đậm đà

Hương khúc ca yêu đời

Chim Non chúng ta nghe lời

Chim Xám nhắn khuyên

Dù trời nổi gió sấm sét

Theo đàn mà bay với nhau

Cánh lông chắp liền

Yêu mến đùm bọc nhau.

Nhớ luôn chúng ta nhanh nhẹn

Vui tươi trắng trong thật thà

Luôn luôn khắc ghi

Mười điều luật đưa dắt ta

Nào cùng thề hứa chớ ố hoen

Luật Chim Non mến yêu

Gắng công đắp bồi

Non nước Việt thân yêu.

(Bài ca Chim non)

Ánh hồng tươi sáng đời chim bao la

Khắp trời đây đó bầy ta vui ca

Nào cùng vượt mây đón gió phương xa

Chào mừng Chim Xám đến với bầy ta.

(Đón Chim Xám)

Ngành ấu trưởng thành sẽ bước lên ngành thiếu. Đây là bài ca chính thức của ngành thiếu:

Nào anh em đoàn trẻ nước Nam Việt Nam

Chúng ta mau kết đoàn tiến lên đường sáng

Hồn trong trắng cùng

Gắng noi gương hiếu trung

Thiếu sinh Lạc Hồng ta tìm vết anh hùng.

Vai chen vai chúng ta cùng đi đi đi

Trên đường mới tiếng nước non vang lừng

Khuyên ta nên đồng tâm đắp xây tương lai

Nên nhớ rằng bền lòng mới thành công.

Nối chí lớn đàn anh chúng ta mau lên

Cho đáng mặt con Rồng cháu Tiên.

Vai chen vai chúng ta cùng đi đi đi

Ta cùng tiến nối gót theo anh tài

Lời gia huấn nhớ ghi trong lòng hăng hái

Cho giống nòi vang danh tài trai.

(Thiếu sinh hành khúc, nhạc Lưu Hữu Phước,

lời Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, 1942)

Ngành thiếu trưởng thành sẽ tiến lên ngành thanh. Và đây là bài ca chính thức ngành thanh:

Muốn nên người cường tráng đời nay

Muốn nên người phải tiến lên hoài

Phải hiệp lực phải sẵn sàng bền chí dày công.

Nhớ luôn luôn lời hứa luật chung.

Phải biết ái nhân như ái thân

Phải biết vui tươi khi khó khăn

Mong chúng ta hãy tự tu thân mình

Rồi bao nhiêu việc khó đều xong.

(Muốn nên người cường tráng)

Sau ngành thanh là ngành tráng là lứa tuổi lớn nhất của hướng đạo sinh. Bài ca chính thức của ngành tráng:

Vừng hồng lên ai ơi nào mày râu

Rèn cho mau tâm trí

Vì đời mau ra tay ta che chống

Nam nhi cao chí khí

Lá với hoa trên đường cùng nhau săn đón

Ta quyết phen này ra đi.

Ai kia đi mau đi mau

Thôi không nghi ngờ thôi chớ lo lường

Nguyền cùng đem thân xông pha gió sương

Tai lắng hồi chiêng cùng tiến lên đường.

(Tiếng gọi lên đường)

oOo

Trong sinh hoạt mang tính chất xã hội của thanh thiếu niên miền Nam, các hoạt động của lứa tuổi này đã đem lại sinh khí tươi vui bên ngoài giáo dục gia đình và học đường bằng những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Trong hoạt động này phương tiện âm nhạc đã góp phần quan trọng nối kết những tâm hồn tuổi trẻ vào trong những tập thể cùng chung ý hướng xây dựng lý tưởng tươi đẹp của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương Việt Nam.

(Còn tiếp)

Comments are closed.