Nhìn lại những chặng đường đã qua (1)

Nguyễn Văn Trung

Tha thứ và xin tha thứ

“… Tha thứ và xin tha thứ quả thật rất khó, không đơn giản chút nào vì tha thứ và được tha thứ không phải chỉ là trả một món nợ mà chính là phục hồi một quá khứ …”

Phạm Đỉnh: Song song với cuộc thảo luận lớn về chặng đường đi tới ngày mai dân chủ mà Thông Luận mở ra từ tháng 12/2006 đến nay, và vẫn còn đang tiếp tục, hôm nay chúng tôi xin gửi đến bạn đọc loạt bài có tên chung là “Nhìn lại những chặng đường đã qua” của giáo sư Nguyễn Văn Trung.

Đây là một loạt nhiều bài rời nhau nhưng có chung một chủ đích: tác giả nhìn lại một số sự kiện trong suốt thời gian hơn bốn thập niên cầm bút. Ông không xem đây là những chương rời của một tập hay hồi kí như thường thấy, mặc dù loạt bài này có nội dung là nhìn lại những chặng đường của một hành trình trí thức miền Nam. Tuy vậy, như bạn đọc sẽ có dịp theo dõi, những bài viết này không có chủ ý thuần kể lại những chuyện xưa, mà cốt yếu là từ những chuyện xưa đó tác giả xuôi dòng suy ngẫm để nhìn nhận lại những gì là giá trị, là cốt lõi của một khung cảnh văn hoá, ở đây là khung cảnh văn hoá xã hội miền Nam qua hai chế độ cộng hoà I và II, sau đó là thời kì dưới chế độ độc tài toàn trị.

Ở điểm này, những dòng hồi niệm của giáo sư Nguyễn Văn Trung sẽ có nhiều ý nghĩa đối với thế hệ trí thức trẻ trong nước. Họ lớn lên trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: những gì là những nét đẹp của văn hoá xã hội miền Nam trong thời chia cắt 1954-1975 hầu như bị cố tình khuất lấp, như thể là nó không có mặt. Bộ máy tuyên truyền của nhà nước toàn trị đã rất thành công trong việc xoá bỏ mất dấu những gì là giá trị của một thời kì mà xã hội và văn hoá Miền Nam đã có được điều kiện phát triển, dù chưa đến mức phong phú tuyệt hảo nhưng cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào. Trong khung cảnh văn hoá miền Nam sau 1954, Nguyễn Văn Trung đã có đầy đủ điều kiện cho cuộc bay bổng sự nghiệp. Hơn bốn thập niên cầm bút của người trí thức dấn thân Nguyễn Văn Trung đã được chính ông nhìn nhận lại là: “Không có Việt Nam Cộng Hoà, không có Nguyễn Văn Trung hay sự nghiệp văn hóa của một người trí thức cầm bút”.

Có điều là Nguyễn Văn Trung không hề có ý hướng hoài niệm, thậm chí trú ẩn trong quá khứ. Không hề có thái độ vướng mắc như thế trong dòng suy ngẫm của ông. Nếu có một lời nhắn lại chăng thì có thể Nguyễn Văn Trung chỉ muốn gửi đến các bạn trí thức trẻ hôm nay lời gửi lại như thế này: “tôi tìm hiểu thời đại của tôi và gửi cho những người đương thời (cùng tuổi hay trẻ hơn) nhằm đóng góp phần của mình tiến tới một cái nhìn phong phú, sâu xa và khách quan hơn về thời đại của chúng ta, vì, nói theo một ý của Sartre, thời đại hiện tại xấu hay tốt, vinh quang hay khốn nạn cũng là thời đại của chúng ta, và chúng ta không có thời đại nào khác. Do đó chúng ta chỉ có bổn phận sống cho trọn vẹn thời đại chúng ta, vinh quang thì cố giữ lại chia sẻ, oán thù thì cố xoá bỏ”.

Thông Luận trân trọng gửi đến bạn đọc lẵng hoa “Nhìn lại…”, xem như những chứng tích hiếm hoi còn lại do một người chứng đương thời của một thời kì trăm hoa đua nở đã thực sự có mặt trên phần đất nước bị chia cắt. Một hiện thực rất gần gũi như thế mà chừng như đã xa xăm lắm rồi, chỉ vì những đám mây mù của thế kỉ đã cố tình che khuất nó đi.

I

Tha thứ và xin tha thứ

Hồi 1988, trong khung cảnh chính sách đổi mới, tôi viết một bài dài khoảng 20 trang: “Nhìn lại những chặng đường đã qua” theo đề nghị của tạp chí Nghiên Cứu Việt Nam (Études vietnamiennes), nhà xuất bản Ngoại Văn ở Hà Nội, lúc đó do ông Nguyễn Khắc Viện phụ trách, nhưng không biết tại sao đã không được đăng. Bước vào năm 2000, tôi đã 70 tuổi. Nhiều người đề nghị tôi “nhìn lại những chặng đường tôi đã đi qua”. Tôi thấy tôi phải đáp lại yêu cầu này và vẫn giữ tinh thần, thái độ như đã bày tỏ trong bài viết hồi 1988 ở Saigon.

Trước tiên, xin ghi lại mấy đoạn chính sau đây trong bài viết cũ vừa kể: “Thực tế đất nước hiện nay đã quá rõ để cho tôi và mọi người Việt Nam quay nhìn lại quá khứ gần đây, thấy được những ảo tưởng, sai lầm của mình bất cứ ở xu hướng nào hay từ sự lựa chọn nào”… Nếu chính tôi bây giờ mới hiểu những ảo tưởng của mình, của cả nước liên quan đến những lựa chọn căn bản về những mục tiêu chính: Độc lập, tự do, thống nhất, phát triển vào những khúc ngoặt lịch sử của dân tộc như 1945, 1955, 1975, làm sao tôi có thể phê phán đổ lỗi cho người khác với thái độ an tâm, coi sai trái là ở nơi người khác, nhất là ở những kẻ cầm quyền?

Trong hồi ký Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của ông Đỗ Mậu mà tôi chỉ được đọc qua bài giới thiệu trong tạp chí Đất Việt của Hội Việt Kiều Canada, tháng Mười năm 1987, ông Đỗ Mậu đã khẳng định thảm kịch ở Việt Nam bắt nguồn từ sự chém giết sống mái của cộng sản quốc tế và công giáo quốc tế trên thân xác đại đa số nhân dân Việt Nam. Đặc biệt ông phê phán gay gắt chế độ ông Diệm. Riêng tôi, Đức Cha Nguyễn Văn Bình, cha Trần Hữu Thanh, ông đã tách ra. Tôi không dám nhận vinh hạnh được tách rời ra đó. Điều tôi muốn thưa với ông Đỗ Mậu là nếu đại đa số nhân dân Việt Nam kia và chính ông Đỗ Mậu không ủng hộ một trong hai nhóm thiểu số thì đâu có cuộc đẫm máu như trên?

Ở trong nước, hiện cũng có xu hướng phê phán kết tội cấp lãnh đạo như thể chỉ họ gây ra thực tế hiện nay. Thế thì những người đã theo cách mạng, thậm chí đảng viên, giữ nhiều chức vụ cao thấp trong guồng máy này, không có trách nhiệm gì sao về những sai lầm của cấp lãnh đạo mà bây giờ về hưu hay mất quyền, mới lên tiếng phê phán, đổ tội cho người khác?

Tôi nghĩ rằng tình hình thực tế như bây giờ, một phần dân chúng sống bằng ăn xin và ăn xin cả những người đã buộc phải bỏ nước ra đi, tất cả chúng ta đã bị lột trần, không ai còn nhân danh gì được để phê phán kết án người khác với bàn tay sạch… Như vậy, mọi phê phán theo tinh thần đổ tại người khác chỉ gây thêm phân hoá chia rẽ và do đó đưa đất nước này đến chỗ suy sụp trầm trọng hơn nữa mà thôi.

Trái lại nên chịu khó ngồi lại với nhau, không phải để phê phán, hoặc chỉ để phản ánh cái tiêu cực, mà để cùng nhau tìm hiểu tại sao đất nước lại đi tới tình hình hiện nay, tìm hiểu những điều kiện nguyên nhân khách quan nào đã quy định chi phối những lựa chọn căn bản có tính chiến lược lâu dài mà bây giờ mới thấy là sai lầm… Vấn đề không phải là ai thắng ai, mà là tại sao miền Bắc đã thắng, miền Nam đã thua, và rút cục tại sao tất cả đều thua và thua chính mình. Hoặc nói cách khác, miền Bắc đã giải phóng miền Nam, nhưng xét về mặt nhận thức, sau mười ba năm, có thể nói việc giải phóng miền Nam về quân sự chính trị đã giải phóng cả miền Bắc và miền Nam về mặt nhận thức.

Con đường đưa đất nước này đứng dậy, đi lên, khỏi sa xuống vực thẳm, để trút bỏ niềm tủi nhục mà mọi người đều cảm nhận khi xem tivi Thế Vận Hội Séoul 88 là trước hết nhận ra được những nguyên nhân khách quan nào đã đưa dân tộc đến thảm cảnh hiện nay. Việc tìm hiểu giải thích một cách khoa học này không đưa đến phê phán, kết án mà chỉ đưa đến một cảm nhận với niềm thông cảm và liên đới trách nhiệm.”

Sau hơn 10 năm, hiện tượng phê phán tố cáo người khác, không phải thuộc phe địch mà thuộc phe “ta”, trong nội bộ, không những không suy giảm mà còn gia tăng đến mức những người lãnh đạo cao cấp nhất, tố cáo nhau qua những tài liệu được viết ra dưới dạng hồi ký như của ông Trần Quỳnh đề cao các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và tố cáo mạt sát ông Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp vẫn giữ im lặng. Nhưng có đàn em của ông lên tiếng đáp lại. Đây là những chuyện thuộc thâm cung bí sử cơ mật trong BCTTUĐ mà kẻ nào tiết lộ là vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng. Ông Trần Quỳnh chắc hẳn biết rõ điều đó, nhưng ông thấy cần tiết lộ chuyện nội bộ để cho “các thế hệ mai sau một ít tư liệu hiểu đúng lịch sử cha ông họ”. Những tài liệu này cũng như những tài liệu khác của ông Bảy Trấn, Trần Độ, v.v.. đều được phổ biến rộng rãi ở hải ngoại. Trước khi tôi ra nước ngoài, một người bạn đi thăm con ở Mỹ về cho biết tôi sang bên đó sẽ được nghe, đọc những gì bẩn nhất của miền Nam trước 75 được phơi bày qua sách báo hải ngoại.

Tôi có cảm tưởng giới trẻ ít quan tâm những sách báo tố cáo chụp mũ lẫn nhau này. Nhưng những người có liên hệ gia đình với các đối tượng chỉ trích hay bị chỉ trích, không thể không tìm hiểu đâu là sự thực trong các tài liệu sách báo in ra, hoặc không thể không thắc mắc trước những vụ xuống đường, tuần hành mà họ chứng kiền, như vụ Trần Trường ở California. Họ nghĩ gì về tư cách của cha anh họ, những thế hệ đã liên hệ trực tiếp đến các biến cố, sự kiện được nêu trên? Họ có kính trọng không hay chỉ kính vì là đàn anh, cha mẹ hoặc lứa tuổi với cha mẹ, chú bác họ mà không trọng, không phục? Một số sinh viên Evergreen College, San Jose đã lên tiếng thắc mắc, phàn nàn về những vụ tố cáo, đả đảo loạn xạ trong cộng đồng:

“Quí vị biểu tình chống ca sĩ Thanh Lan được cộng sản Việt Nam cho qua Mỹ để giao lưu văn hoá” cho cộng sản; Chống Nguyễn Ngọc Linh, chống Thời Báo của Vũ Đình Nghi bị chụp mũ thân cộng; biểu tình trước chùa Đức Viên và xâm nhập vào chùa lục soát tìm TT Thích Trí Dũng 93 tuổi, biểu tình chống Đại Nhạc Hội Dạ vũ hè 98 mà Nguyễn Ngọc Ngạn làm MC”.v.v.. (Theo Thời báo số 2439, Thứ Bảy, Chủ Nhật 09,10-01-1999 San Jose)

“Qua hình thức biểu tình với danh nghĩa chống cộng tự coi là người Quốc gia chân chính, mà lại cầm cái mũ cộng sản đi chụp các người khác. Nhiều trí thức trẻ đã quyết định về Việt Nam tìm hiểu tại chỗ như Nguyễn Tú Minh 22 tuổi cùng người chị ở California về thăm Việt Nam (xem mục “Thời sự đặc biệt về quốc nội”, Thời Báo Canada, số 532 ngày 10-03-2000).

Hoặc giả một Phan Trần Hiếu đã chứng kiến những vụ biểu tình chống Trần Văn Trường treo cổ cộng sản và bích chương HCM trong tiệm phim của mình với tư cách nhà báo của tờ The Orange Country Register, trở về Việt Nam tìm hiểu nguồn gốc gia đình mình, gia đình Trần Trường v.v… về Hoa Kỳ viết báo, in thành sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt 230 trang” (Theo: Phan Trần Hiếu, Cội Nguồn Bất An, Roots of Unrest, xuất bản tại Hoa Kỳ 1999).

Còn giới trẻ trong nước như Thịnh Lê, 24 tuổi cho biết 80% người ở lứa tuổi anh không biết ý nghĩa của các tên đường mang danh những nhân vật cách mạng, nhưng lại biết rõ về các ca sĩ Mỹ như Madonna, Michael Jackson… “Chúng tôi không thể được phân tích theo một điều gì đó – ý thức hệ hay tôn giáo, tinh thần yêu nước. Trước đây người ta coi trọng chính trị hoặc là theo hay chống cộng, theo hay chống thực dân. Ngày nay chúng tôi đã trở thành cá nhân hoá… giống như giới trẻ ở Mỹ, chỉ có thể coi những thành quả kinh tế hoặc lối sống là quan trọng. (“Chúng tôi chẳng màng chú ý tới chính trị và các chính trị gia”, Thời Báo Canada số 514 ngày 5-11-99).

Tuy nhiên cũng có những người trẻ thắc mắc lưu ý đến chính trị, đặc biệt thời kỳ Đệ I Cộng Hòa, chẳng hạn về ông Diệm, các bạn đặt câu hỏi: có phải ông Diệm là người yêu nước chân chính không? và chế độ ông đứng đầu có phải chỉ là bù nhìn Mỹ dựng nên không? (Xem: Người Việt Daily News OnLine 15-11-1997). Tài liệu cho thấy những lý lẽ của những đàn anh hoặc bài bác hoặc ca tụng ông Diệm; vậy đâu là sự thực? Đọc những sách báo, một số trí thức đã sinh ra trước hay sau 75 trở về Việt Nam, ai cũng thấy mình tìm lại được “quê cha đất tổ” và gắn bó với quê hương trước đây xa lạ một cách thật gần gũi, thắm thiết, thậm chí yêu thích cả tiếng Việt mà họ chỉ biết nói bập bẹ, nhưng còn thực tế Việt Nam, quá khứ và hiện tại trong nước, ngoài nước, quả thật họ mới đã chỉ biết nêu lên những thắc mắc. Việt Nam bây giờ có đến năm thực tại. thực tại Việt Nam của những người ở trong nước nhìn tình hình trong nước theo diễn tiến của nó từ 1975 đến nay qua nhiều thay đổi. Thực tại Việt Nam của cộng đồng hải ngoại nhìn cộng đồng cũng theo diễn tiến những thay đổi từ 75 đến nay. thực tại Việt Nam ở hải ngoại theo người trong nước tưởng tượng. Thực tại Việt Nam nội địa theo người ở hải ngoại tưởng tượng là thật và sau cùng thực tại Việt Nam của người ngoại quốc nhìn Việt Nam theo quan điểm, quyền lợi của họ.

Những người trí thức trẻ lớn lên trưởng thành ở hải ngoại thấy khó hiểu được sự thực chế độ miền Nam trước 75 của cha anh họ, vì một số những người thuộc thế hệ cha anh họ đã bôi nhọ, bôi đen quá khứ đó bằng những tố cáo, vu khống, chụp mũ nhau đôi khi thật thô bỉ hạ cấp. Sách báo, phim ảnh, thậm chí cả sách giáo khoa của nước họ định cư cũng đầy dẫy xuyên tạc, thiên vị bất công vô tình hay cố ý vì có những ký giả, nhà biên khảo ngoại quốc nổi tiếng gây được sự nghiệp nhờ thành tích phản ánh một giai đoạn thời cuộc Việt Nam; nay họ không dám tỏ ra hối tiếc, can đảm nhìn nhận những sai trái, những ảo tưởng của mình về giai đoạn đó để bảo vệ sự nghiệp của mình. Thực ra, không thể trách người nước ngoài có những cái nhìn thiên lệch về Việt Nam, đặc biệt về chế độ miền Nam trước 75; vì chính những người Việt Nam hải ngoại, đáng lẽ phải làm chứng sự thực cho nó, thì hành động hay cách hành động của họ lại chỉ có tác dụng biện minh thêm những cái nhìn thiên kiến, thiên vị của người ngoại quốc.

Về Việt Nam, tìm hiểu tại chỗ, những trí thức trẻ của cộng đồng ở hải ngoại cũng khó nhận diện chế độ miền Nam của cha anh họ, vì chế độ này không còn hoặc chế độ hiện hành đã lật đổ nó, làm cho cha anh họ bỏ nước ra đi, cũng đã và đang tự thay đổi. Nhưng nếu họ tiếp xúc được với những người của chế độ hiện nay đã thay đổi là lối nhìn xác tín của mình như Phan Trần Hiếu thuật lại trong cuốn sách của anh, thì quả thật những tiếp xúc đó đã giúp họ hiểu được một cách trung thực hơn đôi chút thực tế của miền Nam trước 75 và của chế độ hiện nay qua diễn tiến của nó từ 75 đến bây giờ.

Việc đi “thực tế” tại chỗ, ngay tại quê hương Việt Nam như Phan Trần Hiếu đã làm cho họ điều kiện nhận ra tư thế của họ và những ước mơ họ mong muốn: “Chúng tôi đứng mỗi chân trên một thế giới, chúng tôi có hai căn cước. Trong khi chuyền tay ngọn đuốc tự do, phải chăng chúng tôi đã có đủ tầm nhìn để vinh danh quá khứ và chào đón tương lai? Ai sẽ tạo được sự thống nhất mà người Việt Nam luôn luôn mong mỏi nhưng chưa bao giờ đạt đến? (tr. 225)

Sau cùng Phan Trần Hiếu nêu lại tám câu hỏi gửi người đọc suy nghĩ và giải đáp cho anh, cho thế hệ giới trẻ của anh. Chẳng hạn:

1. Về sự hận thù: thân mẫu của tác giả có ý kiến nặng nề về người nhà buôn (Trần Trường) đã là mục tiêu của những cuộc chống đối ở Wesminster “Đừng thương hại hắn sau khi con gặp gia đình hắn”. Bà cảnh giác con trai mình. Bạn có nghĩ đó là một lời khuyên không? Người Việt có nhìn thấy hoàn cảnh một cách sáng suốt, hay anh ta ngây thơ?

2. Về tha thứ: Người lính Việt Cộng tặng một món quà cho thân mẫu người viết. Anh ta nói cuộc đời cực nhọc của mình đã giúp anh ta hiểu được nỗi đau khổ của bà. Nếu bạn là bà mẹ, bạn có nhận món quà của anh ta không?

3. Đổi thay: Nhiều người trốn chạy cộng sản chỉ nhớ Việt Nam như lúc mà họ ra đi thôi. Nếu họ trở lại bây giờ, liệu họ có thể nào thấy được đất nước đã thay đổi ra sao? Bằng cách nào tác giả đã có thể vượt lên trên những định kiến về Việt Nam? Người ta thay đổi thái độ ra sao?”

Ông bạn chủ nhiệm một tạp chí hàng tháng đưa cho tôi coi cuốn sách Cội nguồn bất an của Phan Trần Hiếu và nói với tôi: chúng ta có trách nhiệm với người trẻ này. Sau khi đọc xong, tôi cũng nghĩ như vậy. Trong bài viết hồi 1988 “Nhìn lại những chặng đường đã qua” tôi đã ghi: “chế độ mà tôi đang sống trong đây (tôi tránh dùng từ cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa vì không khoa học), chế độ này được thiết lập ở miền Bắc từ 1945-1975. Tôi không có trách nhiệm gì về việc đó, Nhưng chế độ trên được thiết lập ở miền Nam từ 1975, thì tôi nhìn nhận có phần trách nhiệm của mình, vì những điều tôi nói, viết, làm đã đưa một số người đi theo cách mạng và một số người khác không đi theo cũng có thái độ chấp nhận ở lại. Sau 1975 tôi thường nghe họ trách: “vì Thầy/vì Anh mà tôi ở lại…”

*

**

Sau đảo chính 1963, tình hình miền Nam xáo trộn, không ai có thể thờ ơ với những vấn đề chính trị. GS Trần Ngọc Ninh, GS Ngô Gia Hy và tôi ra tờ Tìm Hiểu in ronéo. Nhưng không bao lâu tôi thấy phải ra khỏi giới giáo sư đại học, tập hợp nhiều người cầm bút trẻ, kể cả những người làm thơ, viết tiểu thuyết. Chúng tôi ra tập san Hành Trình vừa phân tách thời cuộc, vừa có những sáng tác thơ văn phản ảnh những suy tư, thái độ nhận thức… Tạp chí đưa ra khẩu hiệu: Làm cách mạng xã hội không cộng sản. Lối nhìn này tác động vào những người chống cộng ngay cả trong quân đội. Tướng Lê Nguyên Khang biên thư cho tôi bầy tỏ tán thành đường lối của Tạp Chí vì “không thể giải quyết chiến tranh này chỉ bằng súng đạn”. Tạp chí giải thích những kinh nghiệm quân đội làm cách mạng như đang thấy ở Phi Châu, Nam Mỹ, đặc biệt giới thiệu Nasser đã làm nảy nở nơi các tướng tá trẻ ước muốn quân đội làm cách mạng xã hội. Thế Uyên, nhà văn, có tham gia viết bài trong Hành Trình, về sau ông đứng ra điều hành tạp chí Thái Độ sau khi Hành Trình ngừng xuất bản, cổ võ cho xu hướng kể trên.

Nhưng những cố gắng suy nghĩ cụ thể mà tôi đã đóng góp sau Hành Trình rồi Đất Nước là kế hoạch “Xây Dựng Nông Thôn” của Đại Tá Nguyễn Văn Bé, một người kháng chiến cũ. Chúng tôi thành lập một nhóm thân hữu làm việc suy nghĩ lý luận, gặp nhau ở Saigon hay ra Vũng Tầu “tại bản doanh” của Đại Tá Bé. Tôi ghi và viết ra một tập nhan đề “Những lựa chọn căn bản” phân tách thực tế xã hội miền Nam, những phương hướng cơ bản xây dựng miền Nam, tạo điều kiện thống nhất, những phương thức thực hiện cụ thể… Hiệu quả của kế hoạch bình định, xây dựng nông thôn sau 75 được tướng Lansdale ghi lại trong một cuốn sách ông viết đại ý như sau: “ông lái xe jeep chở mấy vị dân sự cấp đại sứ, lãnh sự ban đêm ở một vùng nông thôn miền Trung, xe bị chặn lại hỏi giấy tờ, nhưng không phải là V.C. mà là cán bộ áo đen Xây Dựng Nông Thôn, và như vậy đánh tan huyền thoại nông thôn quốc gia ban ngày, VC ban đêm. Nhưng những thành quả đó đã không thay đổi được diễn tiến của thời cuộc.

Chiều tối 30-04-75 Đại Tá Bé đến tôi. Chúng tôi đứng ngoài balcon cư xá tôi ở nhìn ngắm phố xá Saigon đang đổi chủ mà không bình luận gì, sau đó tôi nói : “Đại Tá nên đi ra nước ngoài.” Ít năm sau, tôi nghe tin ông vượt biên bằng đường biển, rồi qua đời ở Mỹ.”

Quan điểm của Hành Trình cũng tác động vào giới trẻ trí thức, sinh viên ở các đô thị, tạo ý thức về nhu cầu làm cách mạng xã hội không thể không làm cách mạng xã hội, nhưng theo họ chỉ có cách mạng xã hội cộng sản, không thể có cách mạng xã hội không cộng sản và do đó họ ra Khu hay gia nhập các tổ chức tranh đấu nằm vùng của cộng sản, phê phán công khai trên sách báo của họ về tính cách ảo tưởng của lập trường cách mạng xã hội không cộng sản, nhưng vẫn phải thừa nhận như Lữ Phương đã làm: Hành Trình đã là chất xúc tác chính đưa họ vào con đường cộng sản.

Dưới đây là một đoạn khác tôi viết trong “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” năm 1988 vừa nhắc ở trên:

“Trí thức ở đô thị không thể bằng lòng với mục tiêu giải phóng dân tộc được đề ra, họ muốn thấy xa hơn nữa, do đó không thể không nói đến cách mạng. Tôi đã nói về cách mạng một cách công khai trên sách báo hợp pháp hay không hợp pháp để đáp lại đòi hỏi trên của họ. Tôi đã trình bày và phê phán một cách nghiêm chỉnh theo sự hiểu biết của tôi lúc đó. Những điều tôi viết có thể đúng, có thể sai, nhưng đều xuất phát từ sự chân thành, thẳng thắn, và chỉ muốn tìm hiểu sự thực trong tinh thần tôn trọng người nghe, người đọc, không áp đặt bằng bất cứ quyền lực nào, kể cả quyền lực của người thày giáo, nhằm gợi ý, thúc đẩy họ suy nghĩ và phê phán. Trong hoàn cảnh miền Nam hồi đó, ở các đô thị, lựa chọn đi theo cách mạng hay có một thái độ trí thức đối với cách mạng không phải dễ, nhất là đối với những người không có truyền thống gia đình làm cách mạng (cha ông làm cách mạng, thì con, cháu đi theo). Trái lại nhiều người xuất thân từ những gia đình di cư 1954, như Trần Triệu Luật, Nguyễn Trọng Văn, Thế Nguyên… Họ đã theo cách mạng, không phải vì bị tuyên truyền như người học sinh kể trên [1] cho biết, mà vì tự ý suy nghĩ, phê phán và tự lựa chọn…”

Sau năm 1975, tôi gặp lại một số sinh viên cũ đã ra khu, đi Hà Nội hồi 1967, 1968… Họ cho biết thái độ nhận thức của họ đã làm cho những người họ tiếp xúc và ngay chính họ phải ngạc nhiên vì lối nhìn, suy nghĩ rất khác nhau của đôi bên.

Với thời gian, họ cũng như tôi và có lẽ tất cả chúng ta những người đang sống trong “chế độ” đều ít nhiều nhận ra là những niềm tin của mình trước kia về con đường đi tới của đất nước chỉ là một ảo tưởng trước thực tế đất nước như hiện nay. Bây giờ những người quen biết, phía bên này hay bên kia đều có những người đã chết, những người còn sống thì dằn vặt day dứt, nghi ngờ về những lựa chọn trước đây của mình và không hiểu được tại sao, chỉ thấy đau xót. Ngay cả những người bạn tôi mới quen từ miền Bắc vào sau 1975 cũng có tâm trạng day dứt đau xót, có những người bạc đầu đã hy sinh gần hết cuộc đời mình, bây giờ cũng tự hỏi: cả một đời xả thân cho cách mạng để đi đến tình trạng này sao? Họ cho tôi biết không phải chỉ mình Tố Hữu khóc Staline chết mà cả họ cũng làm thơ, cũng khóc thật chân tình… chỉ sau này mới hiểu.”

*

* *

Những ai nhận ra ảo tưởng, ở phía bên này hay phía bên kia nói chung đều thuộc giới trí thức. Đối với quần chúng, là nạn nhân của thời cuộc, họ chỉ biết cảm nhận và cam chịu một cách âm thầm những hy sinh, mất mát quá lớn. Quá khứ đầy nước mắt và đẫm máu từ 50 năm qua còn đè nặng trên tâm trí họ, như bà mẹ của Phan Trần Hiếu đã biểu lộ. Nhà xã hội học Bungari Lili Deyanova đã viết: “Ký ức vùng Balkans này là một chất độc. Ngay cả ở Bungari, phe tả cũng như phe hữu đều có. danh sách những người tử nạn, những vinh nhục. Vùng Balkans có quá nhiều quá khứ để có thể gánh chịu nổi” (Tuần báo Nouvel Observateur, 15-21 Aout 1999). Quá khứ trên dưới 50 năm của những người Việt Nam có lẽ cũng vậy.

Quả thực ký ức là một chất độc đầu độc và vì thế vấn đề quan trọng hơn cả, cấp bách nhất là cần xác định: phải giữ cái gì, phải quên cái gì. Những ai đã giữ một chức vụ, vai trò nào đó trong hành chánh quân sự, sinh hoạt chính trị văn hoá hẳn đều đã nhìn nhận -ít ra trong thâm tâm- những thất bại, ảo tưởng của mình, nhưng ít người chịu nhận trách nhiệm về phần mình khi tìm hiểu những nguyên nhân thất bại, ảo tưởng và thường đổ lỗi cho người khác. Về mặt tâm lý xã hội, trước một số sự kiện có tầm mức rộng lớn liên quan đến số phận của tập thể dân tộc như ngoại bang xâm lược hay chế độ độc tài, đảng trị, những nạn nhân có xu hướng tạo ra những bung xung (bouc émissaire) ở trong một giới xã hội nào đó đảm nhận vai trò thủ phạm gây nên những thảm bại, tai họa… để cho tất cả người khác có được lương tâm yên hàn….

Về chuyện Thực Dân, có sự kiện đông đảo người Việt Nam không Công giáo, có thể chia rẽ thù địch nhau nhưng lại đồng tình về lối nhìn đối với người Việt Nam công giáo. Ngay cả trí thức làm luận án tiến sĩ bằng tiếng nước ngoài như ông Lê Thành Khôi phê phán nhà Nguyễn thật nghiêm khắc về mọi mặt, trừ chính sách đối với công giáo. Việc cấm đạo, bách hại người công giáo, theo ông, được biện minh như lý do bảo vệ an ninh quốc gia (raison d’État). Không thiếu gì những người ngoài công giáo theo Tây, cộng tác với Tây, nhưng chỉ người công giáo mới bị nhắc đến chỉ vì cái tôn giáo họ theo. Bao lâu người không công giáo còn coi người công giáo là vật tế thần, bung xung để che giấu những yếu kém biện minh những bất lực thất bại của mình hay triệt để hơn nữa bao lâu chưa dám nhìn lại mình qua người công giáo xem mình đã Tây hoá, nghĩa là đã Kitô hoá đến mức độ nào. về văn hoá và do đó tố cáo người công giáo là tự phê, tự tố cáo, không thể nói đến hòa hợp hòa giải dân tộc về mặt tín ngưỡng…

Ngày nay, từ “cộng sản” được dùng để tố cáo người cộng sản và cả những người không cộng sản, suy nghĩ, hành động khác mình cũng để che giấu biện minh những yếu kém, bất lực, thất bại của mình…

Tuy nhiên cũng có một vài tiếng nói của những lãnh tụ đảng phái quốc gia thẳng thắn đề cao những gì là công lao của Việt Minh và không đổ mọi trách nhiệm cho người cộng sản, vì theo các vị này, những lãnh tụ quốc gia cũng phải chịu trách nhiệm về phần mình. Những nhận định như thế có thể tìm thấy thấy trong hồi ký Việt Nam Những Ngày Lịch Sử của ông Nguyễn Tường Bách và Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ xuất bản gần đây ở nước ngoài. Nếu một bên nhìn nhận những lỗi lầm, thiếu sót về phần mình, hành động đó về mặt trí thức, đạo lý, thì điều bắt buộc là phía bên kia cũng phải làm tương tự. Có như vậy mới có thể cùng nhau vượt quá khứ hướng về tương lai. Nhưng nếu có người nhìn nhận lỗi lầm, sai trái về phần mình, lại bị người khác đố kỵ, oán ghét lợi dụng những thú nhận của mình làm một bằng cớ tố cáo kết án mình như một nhóm trí thức mệnh danh Phật giáo ở hải ngoại đã và vẫn còn làm đối với người Công giáo thì quả thật “hết chuyện để nói”!

Chia rẽ, oán thù không phải chỉ xảy ra giữa các bên đối nghịch mà còn trong nội bộ một bên, một giới… Gần đây đã có những người lên tiếng tố cáo kết án công khai người đồng đạo, đồng đảng ngay trong giới lãnh đạo cao cấp hơn cả, gây nên những lời qua tiếng lại thật nặng nề… chắc hẳn người đọc là người đồng đạo đồng đảng không đứng về phía nào, không vui thích gì trong khi người ngoài đố kỵ, oán ghét lấy làm hả dạ, cổ võ phổ biến rộng rãi những tố cáo kết án nhau này. Về mặt chính trị, làm chính trị, người ta có thể làm như vậy, nhưng về mặt tư cách, đạo lý thì sao?

Nhiều trí thức đã có địa vị sự nghiệp ở nước ngoài, hồi ông Diệm lên cầm quyền năm 1954, về nước giúp ông. Sau một thời gian, thất vọng vì ảo tưởng của mình, đã âm thầm rời bỏ tham gia chính quyền, trở lại Pháp, Hoa Kỳ, và cho đến nay, những thất vọng của họ vẫn “sống để trong bụng, chết mang đi”, không hề thấy những trí thức này lên tiếng phê phán đả kích chế độ ông Diệm. Hồi 1945, đông đảo trí thức ở nước ngoài hoặc trong nước đã theo ông Hồ, theo kháng chiến cũng đã thất vọng, có người bỏ Đảng, nhưng cho đến nay vẫn giữ yên lặng, Phải chăng có thể gọi họ đều là những kẻ hèn nhát? Hay phải nói là vì tự trọng mà họ giữ im lặng? Và phải chăng chỉ những người lên tiếng tố cáo mới can đảm? Nhưng cho dù những người lên tiếng phê phán tố cáo một lý tưởng một chế độ mà trước đây họ đã tin theo, ca tụng, phục vụ và thậm chí đã mạt sát thậm tệ những kẻ chống lại họ đó có nói đôi điều đúng đi nữa, thì những người đã từng nghe họ trước đây xưng tụng làm sao có thể tin những điều họ nói bây giờ như thể họ đã không dính lứu với lý tưởng chế độ họ đã tôn thờ và phục vụ? Nếu bây giờ họ muốn được lắng nghe, trước hết họ cần can đảm khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm, chia sẻ liên đới trách nhiệm với chế độ mà họ phê phán đả kích, như một trí thức Pháp đã theo đảng và sau bỏ đảng viết hồi ký “Quá khứ một ảo tưởng”:

“Sau cùng, xin có một lời về tác giả, vì bất cứ cuốn sử nào cũng đều là cuốn sử của chính mình. Tôi có một liên hệ về tiểu sử và đề tài mà tôi nói ở đây “Quá khứ một ảo tưởng”. Tôi chỉ việc trở lại những năm tháng tuổi trẻ mà tôi là đảng viên từ 1949 đến 1956 để tìm ra dĩ vãng của một ảo tưởng. Vấn đề mà tôi thử tìm hiểu ngày nay, như vậy, không thể tách rời khỏi đời tôi. Tôi sống trong nội tâm ảo tưởng mà tôi thử nhìn lại chặng đường đã qua vào một trong những thời kỳ ảo tưởng đó được phổ biến rộng rãi hơn cả. Tôi có phải hối tiếc viết lịch sử thời kỳ này không? Tôi không tin như vậy, sau 40 năm, tôi phê phán thời đó tôi mù quáng không chút khoan nhượng nhưng cũng không cay đắng. Không khoan nhượng vì sự thứ lỗi xuất phát từ những ý định tốt, theo tôi, không chuộc lại được sự ngu muội và tự phụ. Cũng không cay đắng vì thái độ dấn thân khốn kiếp đó đã dạy dỗ tôi rất nhiều. Tôi ra khỏi cuộc dấn thân khốn kiếp này mới thấy được phải bắt đầu tra hỏi về say mê cách mạng, và được miễn nhiễm không để bị những ý tưởng mang tính chất tôn giáo giả mạo thâm nhập trong hành động chính trị của mình”. (Francois Furet, Le Passé d’une illusion, Essai sur l’ idée communiste au XXe siècle. Lời nói đầu, tr 15-16).

Còn những người thuộc tầng lớp cùng đinh trong xã hội: binh lính, cu li, trộm cướp đi theo cụ Hồ, cụ Ngô đã được những chế độ đó đưa lên hàng tướng tá bộ trưởng, tổng cục, tổng giám đốc v.v.. làm sao không kể đến ân tình hiếu nghĩa không phải chỉ trong xã hội Á đông mà xã hội nào ít nhiều cũng cho rằng không thể ăn cháo đái bát, không thể chửi những người, chế độ như thể cha mẹ đã không đẻ ra họ… vì đạo lý không cho phép làm như vậy. Phùng Quán, một nhà thơ nổi tiếng trong nhóm “Nhân Văn-Giai phẩm” đã từng bị Đảng đầy đọa, hành hạ trong nhiều năm trời, khi được phục hồi cũng sống dở chết dở. Nhà thơ nói về những khốn khổ của mình, của bạn bè, đàn anh mình không oán thù, chỉ cần mô tả đã gây xúc động người đọc. Nhưng điều đáng cảm phục hơn nữa là ông kể lại chuyện về quê nhà một làng nghèo cực ở Quảng Trị. Ông nói chuyện với thiếu nhi về ca dao và đưa ra nhận định phê phán thái độ phản phúc, bội bạc trong bài ca dao về Sen và Bùn vì làm sao Sen có được mùi hương, vẻ đẹp như vậy nếu không nhờ bùn tanh hôi… Rồi ông được mời ngâm thơ vì cả làng hãnh diện có một nhà thơ nổi tiếng. Ông thú nhận hồi thơ ấu trong làng, ông chỉ dám mơ về sau này được làm thằng mõ là mãn nguyện lắm rồi. Nhưng nhờ có Đảng, cách mạng ông mới trở thành nhà thơ, mặc dầu Đảng đã làm cho ông và bạn bè ông thân tàn ma dại…

*

* *

Có một sự kiện thuộc quá khứ của cha anh mà các thế hệ con cháu bây giờ muốn tìm hiểu, là chuyện học tập cải tạo, hay tù chính trị, sau khi người cộng sản chiếm được chính quyền. Ở hải ngoại, một số hồi ký viết về đề tài này đã xuất bản, nhiều cuốn bán chạy. Nhưng lại xảy ra trường hợp vài tác giả thuộc giới nghệ sĩ, nhà văn tố cáo mạt sát nhau qua những hồi ký mà họ đã viết. Gần đây, có tác giả là sĩ quan quân đội quốc gia trước 54, ở lại miền Bắc và phải đi học tập cải tạo sau 54, viết về các trại cải tạo ở miền Bắc, không nói về mình mà chỉ nhằm ghi lại cung cách ở tù của mấy tu sĩ công giáo mà tác giả không công giáo gọi là các thánh tử đạo, và gửi đăng báo ở hải ngoại. (Xem những bài có giới thiệu là Ký của Kiều Duy Vĩnh, đăng trong tạp chí Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ), những số 98, 100 v.v.. (năm 1997).

Rồi một vài cuốn hồi ký khác như Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, (Văn Nghệ xuất bản, Hoa Kỳ 1997).Sách bán khá chạy, tái bản nhiều lần, có lẽ không hẳn chỉ vì kể chuyện ở tù cải tạo, mà vì tác giả là con một người là bí thư ông Hồ, bị tù trong vụ án gọi là “vụ xét lại chống Đảng”. Vụ này đã xảy ra trên 30 năm trước mà vẫn còn kéo dài cho đến bây giờ. Tác giả đã kể những chuyện “thâm cung bí sử” của giới lãnh đạo chóp bu của đảng mà người đọc hải ngoại, đa số gốc miền Nam chỉ nghe đồn hoặc biết qua loa… Cũng đã có những phê phán Vũ Thư Hiên từ những cây bút tị nạn gốc miền Bắc hay miền Nam định cư ở Bắc Mỹ.

Tất cả những hồi ký, ký về cải tạo, tù chính trị do những tác giả chống cộng gốc miền Nam hay cán bộ, cựu đảng viên gốc miền Bắc đều nhằm tố cáo chế độ lao tù và chế độ chính trị chủ trương chế độ lao tù đó. Nhưng tại sao những “nạn nhân” của chế độ lao tù đó lại không đồng ý được với nhau, thậm chí tố cáo mạt sát nhau? Vậy những người trẻ thuộc hàng con cháu, được các tác giả là cha anh của họ gửi tặng sách, biết nghe ai, tin ai?

Điều đáng lưu ý là trong số các tác giả, có cả những người thuộc giới nhà tu và chính một tác giả trong giới này lại bị các nạn nhân đồng cảnh, không phải những người cầm bút, kết án.. Đó là cuốn Aka và Thập giá – ai thắng ai? của linh mục Phan Phát Huồn (do nxb. Viet Redemptorist Mission, California, USA xuất bản,1999) đi trại cải tạo với tư cách là tuyên úy quân đội VNCH đồng hoá sĩ quan cấp tá. Tập hồi ký này có in kèm theo những phản ứng của người đọc lúc hồi ký đang trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp: có những lời xưng tụng và có cả những lời sỉ vả. Có thể tác giả nghĩ rằng đăng lại cả những lời sỉ vả chỉ thêm giá trị những lời xưng tụng? Nhưng độc giả bày tỏ những lời sỉ vả tự xưng là sĩ quan quân đội: “Đối với linh mục Huồn: “chúng ta biết nhau quá nhiều” không phải chỉ ở Suối Máu, các trại kể từ K1 đến K5 mà còn ở trong quân đội trước 75, có thể là cấp chỉ huy của linh mục Huồn ở Tổng Tham Mưu, các phòng tình báo, an ninh, Chiến Tranh Chính Trị, Quân Cụ.” v.v…

Những lời nói nặng, sỉ vả không dẫn chứng cụ thể có thể làm cho người đọc ít am hiểu thời cuộc trước 75, như giới trẻ, hay những giáo dân tốt lành tin tưởng kính mến các cha, nhất là các cha dòng, cho rằng đây là những người ngoại đạo đố kỵ công giáo bôi xấu đạo, hạ nhục các linh mục. Tuy nhiên, người đọc vô tư bỏ qua những lời nói nặng nề, có thể thắc mắc về hai điều mà những người phê phán đã nêu lên: tác giả khoe những ưu ái trân trọng mà Tổng Thống miền Nam đã từng dành cho mình. Tại sao một nhà tu, chuyên lo chuyện phần hồn, lại được người cầm quyền phần đời, kể cả người có quyền thế nhất nước phải vì nể, vì đạo đức thánh thiện hay vì thế lực chính trị do quyền hành tôn giáo mà có? Những phê phán cũng trách tác giả bỏ nước ra đi trong khi nhiều tuyên úy sĩ quan khác ở lại trong nước?. Tuyên úy quân đội không phải quân nhân sĩ quan thực thụ. Tác giả nộp đơn xin xuất cảnh với danh nghĩa HO phải chăng như vậy là nhìn nhận những người bắt tác giả đi học tập cải tạo và cho phép linh mục xuất ngoại với danh nghĩa HO đã xử sự đúng trong việc coi tác giả không phải là linh mục mà là sĩ quan?

Những bạn đọc Công giáo có thể thắc mắc về cái tựa sách mà LM Phan Phát Huồn đặt cho hồi ký: Aka và Thập Giá, ai thắng ai?. Thắng thua có ý nghĩa nào đó trên bình diện nhân loại, nhưng có ý nghĩa gì không trên bình diện tôn giáo, đức tin?

Hồi ký của linh mục Phan Phát Huồn và của một số sĩ quan, viên chức chính thể VNCH ở cấp chỉ huy đều xác nhận đã bị buộc phải thú tội, nhìn nhận những thất bại của cá nhân, phe quân đội, hành chánh VNCH, và còn buộc phải chào cờ, ca hát hoan hô các đường lối cách mạng của kẻ thắng trận như điều kiện học tập cải tạo tốt để được ra khỏi trại… Ý định hạ nhục được đẩy đến cực độ trong chính sách dùng người ít học, nói ngọng hay phát âm theo giọng địa phương làm cán bộ quản lý trại, những người mà bây giờ một vài tác giả hồi ký cải tạo tỏ ý khinh thường, nhưng không hiểu họ có dám bày tỏ thái độ khinh bỉ công khai thời ở trong trại “cải tạo” hay không? Rất nhiều người đi học tập cải tạo sau này ra nước ngoài theo diện bảo lãnh hay HO vẫn giữ yên lặng, phải chăng chỉ vì họ còn biết giữ một chút liêm sỉ?

Độc giả hải ngoại công giáo hay ngoài công giáo đọc mấy bài của Kiều Duy Vĩnh nhắc tới ở trên và đặc biệt cuốn: Năm chiếc bánh và hai con cá của T.G.M Nguyễn Văn Thuận mà tôi có giới thiệu trong tạp chí Đi Tới, Montreal, số tháng 1, 1999. Sách có nhắc lại kỷ niệm thời ở tù 13 năm, nhưng chúng ta không thể không nhận ra cung cách ứng xử khác hẳn của nhà tu này so với cung cách của linh mục Phan Phát Huồn và thắc mắc tự hỏi tại sao cũng là một nhà tu theo cũng một tôn giáo lại có những cách ứng xử trái ngược nhau như vậy?

Thực ra, tôi biết nhiều trường hợp các nhà tu Công giáo hay Phật giáo, trong chỗ riêng tư, đều nhìn nhận thời gian học tập cải tạo hay ở tù chính trị như một thử thách giúp họ trở lại với tinh thần tôn giáo, lý tưởng tu trì mà trước đó họ đã ít nhiều xa rời, thậm chí phản bội nữa, nhất là những kẻ có quyền hành đạo đời. Do đó họ coi học tập cải tạo, ở tù như một hồng ân Thiên Chúa ban cho họ để tu tỉnh lại. Một người bạn già từng làm Giám đốc công an một tỉnh Bắc Việt trước 54, di cư vào Nam và sau 75 đi tù cùng thời gian với tôi, viết cho tôi:

“Nhận được thư anh, tôi ngạc nhiên, sửng sốt và cảm động như ngày 8-2-1988 tôi nhận được lệnh tha của Công An. Thật vậy tôi không ngờ anh còn sống và được ra nước ngoài như thư anh viết. Kỳ ở Chí Hòa, tôi được Võ Long Triều cho biết anh đã về chầu Chúa. Khi ra khỏi tù tôi cũng không nghĩ đến liên lạc anh cũng vì lý do trên…

“Tóm lại, tôi không oán hận gì trong những năm bị cấm cố vì xét theo một khía cạnh nào đó, nhất là khía cạnh đức tin thì thời gian ở tù là một dịp để đền tội và sống đức tin một cách sâu sắc, đầy đủ hơn những năm tháng hoạt động tông đồ trước ngày Saigon mất. Đại khái, đã từng làm luật sư mình mới thấm thía những khẩu hiệu: “An toàn pháp định” và hiểu thế nào là tù cấm cố (réclusion). Chính ra chế độ học tập cải tạo bằng lao động còn dễ chịu và đỡ tổn hại thần kinh hơn chế độ cấm cố, quanh năm ngày tháng, giam kín trong 4 bức tường mà anh cũng có dịp thử nghiệm ở đường Trần Hưng Đạo” (Sở C.A. Thành Phố, trước 75 là nha Cảnh Sát Đô Thành – chú thích của NVT). Nhớ viết thư cho tôi vì tôi cũng có đôi chút hiểu biết về tình trạng Việt kiều ở Mỹ. Chính tình trạng này cũng làm tôi bị déprimé vì đồng bào hay đúng hơn những người làm chính trị ở miền Nam di dân qua Mỹ còn bị quá nhiều chia rẽ và lẩn quẩn với hận thù. Trong hoàn cảnh như thế, khó mà làm được việc gì ích quốc lợi dân và đóng góp cho tương lai Việt Nam. Lơ mơ còn bị chụp mũ đủ thứ và có khi bị ăn cả đạn nữa. (thư riêng, viết ngày 19-04-1994).

Trước khi ra khỏi tù về nhà, tôi có cám ơn người thẩm vấn tôi, gọi là trưởng phòng chấp pháp (ông là người đã hỏi cung hầu hết trí thức, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư và các nhà tu hành Công giáo, Phật giáo bị bắt trong những năm đầu sau 75), cám ơn về thời gian ở sở C.A. Lúc đó ông không hiểu được ý của tôi; chỉ về sau khi về hưu chúng tôi hay gặp nhau, lại nghe ông tâm sự kể những đau buồn ảo tưởng của một đảng viên (“đâu có ngờ đến tình trạng hiện nay”), tôi nói ông mới hiểu.

Tôi cũng biên thư cho mấy trí thức giáo sư Pháp đã can thiệp cho tôi, chỉ xin nói tên một người: giáo sư Laurent Schawtz đồng chủ tịch tòa án Russell với J.P. Sartre, để cám ơn sự can thiệp của các vị đó, do một người bạn ở Paris cho biết, mà tôi không rõ các vị đó can thiệp thế nào, với ai. Tôi nói với các vị đó: thời gian ở tù là một tĩnh tâm tốt nhất trong đời tôi. Có khi ba tuần, một tháng bị giam trong một “cachot” lờ mờ không rõ ngày đêm, chỉ mong được gọi đi thẩm vấn, vì như vậy là được ra ngoài nhìn thấy ánh nắng, cảm thấy gió thổi, thở khí trời và nhìn thấy người, là những điều bình thường nhưng chỉ thấy quý khi mất… Những ai quen nếp sống hoạt động có thể đập đầu vào tường tự sát vì không chịu nổi tình trạng không được tiếp xúc, giao thiệp. Người ta thường sợ phải nhìn vào mình, nhất là để phản tỉnh tự kiểm điểm, và như vậy hoạt động giao thiệp chẳng qua là một cách để trốn lánh không phải nhìn vào mình, hay nói theo Pascal, là một thứ “divertissement”. Nhưng một người quen suy tưởng, ít nhiều có đời sống nội tâm lại coi tình cảnh ở tù một mình là dịp hiếm hoi để nhìn lại toàn bộ cuộc đời của mình, đối diện với lương tâm và trước mặt Chúa mà không cảm thấy cần tự biện hộ, vì nghĩ rằng có thể không bao giờ ra khỏi nơi đây, hoặc chỉ ra khỏi nơi đây khi đã ra khỏi đời này…

Trong tình cảnh đó, dễ dàng nhận ra những gì mình đã nhân danh gọi là lý tưởng này nọ đôi khi chỉ che giấu những động cơ, mục tiêu cá nhân: Hám danh lợi quyền lực, muốn được xung tụng trọng vọng… Đồng thời thấy được phán đoán phê phán người khác, dù đúng ở một khía cạnh nào đó, xét về toàn diện con người như một huyền nhiệm, vẫn là hẹp hòi sai lầm. Ngoài ra cũng nhận ra những khía cạnh tích cực, những ưu điểm ở nơi người bị phê phán… Sau cùng dễ dàng nhìn nhận những lỗi lầm, sai trái của mình và đảm nhận trách nhiệm về phần mình trong những sai trái lỗi lầm ở nơi người khác…

Sau khi ra tù, tôi được biết mấy linh mục quen thân và hai sinh viên cũ tố cáo tôi, dẫn đến việc tôi bị tù. Thoạt nghe không khỏi buồn bã chua xót vì những linh mục đó là những người bạn đường, hoặc đàn em tôi đã nâng đỡ, xin Nha động viên hoãn dịch, chấm đỗ cao học mặc dầu các giám khảo khác chống đối họ vì lập trường chính trị, và đưa họ vào ban giảng huấn đại học. Nhìn lại mình, tự kiểm điểm cách đối xử của tôi trước đây thế nào, và tôi nhận ra những sai trái của một lối hành xử: cho là một cách khống chế (donner c’est asservir). Sau 75, họ tìm cách tách khỏi tôi như thể không dính dáng gì với tôi, và đã tố cáo tôi. Tôi quyết định đi gặp họ để xin lỗi họ… Tha thứ và xin tha thứ quả thật rất khó, không đơn giản chút nào vì tha thứ và được tha thứ không phải chỉ là trả một món nợ mà chính là phục hồi một quá khứ.

Phải nhớ lại những lời nói việc làm nào đã gây tổn thương, xúc phạm người khác, phải tìm hiểu tại sao và trong hành trình ngược thời gian phải tìm hiểu, đôi khi đụng đến cái không thể phục hồi được. Không thể đền bù được và do đó không thể tha thứ được… những con người, thể chế chính trị xã hội nạn nhân của những phê phán đả kích một cách oan uổng, bất công đã chết hoặc không còn tồn tại nữa. Tuy người chết không thể làm sống lại, một chế độ đã qua không thể phục hồi, nhưng vẫn có thể thay đổi những ý nghĩa đã gán cho quá khứ và chính nhu cầu thay đổi ý nghĩa đưa tới đòi hỏi tha thứ và xin tha thứ. Tha thứ và xin tha thứ không xoá bỏ quá khứ mà chỉ gán cho quá khứ những ý nghĩa khác thể hiện một giải thoát làm cho tâm hồn được thanh thản….

Bây giờ, nhìn lại những chặng đường đã qua ở tuổi 70, tôi thấy vẫn phải bắt đầu bằng quá trình tha thứ và được tha thứ.

*

**

Tôi có một bản thảo về ngôn ngữ và văn học dân gian [2] gặp rắc rối trong nước nên chưa xuất bản được. Ra hải ngoại, tôi đưa cho Nguyễn Mộng Giác, lại gặp rắc rối về những lý do tôn giáo không phải liên quan đến chính bản thảo, mà đến cá nhân tôi. Đã xảy ra một hiểu lầm làm cho Nguyễn Mộng Giác “đoạn tuyệt” với tôi. Sư kiện này buộc tôi phải nhìn lại toàn bộ những liên hệ của tôi với Phật giáo trước và sau 1975 để tìm hiểu tại sao có những đố kỵ ác cảm với tôi, mặc dầu tôi có những quan hệ thân tình với nhiều vị lãnh đạo Phật giáo như HT Trí Quang. Cuối cùng tôi nhận ra rằng, đối với một số dư luận Phật giáo, đặc biệt ở những người hẹp hòi hay đầy mặc cảm, tôi không thể được tách rời ra khỏi giới Công giáo và những chế độ chính trị ở miền Nam trước 75, đặc biệt thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nghĩa là tôi không được tách ra khỏi những uất ức oán giận bất mãn đối với người Công giáo và những chế độ chính trị được coi như những chế độ Công giáo; và vì thế tôi phải nhận lãnh trách nhiệm liên đới về phía Công giáo. Mang tâm nguyện tha thứ những ngộ nhận, xuyên tạc vu khống và xin được tha thứ, tôi đã viết thư xin lỗi Nguyễn Mộng Giác và đã được trả lời. Trao đổi thư từ giữa tôi và Nguyễn Mộng Giác đã đem lại cho tôi một thanh thản tâm hồn, một niềm vui vì một mối bất hòa đã được giải tỏa. Tôi nghĩ rằng sau khi tôi viết về vấn đề này và xin lỗi những người Phật giáo đố kỵ vì một số lời nói bài viết của tôi đã gây phiền lòng, bất kể đúng hay sai, tôi cũng sẽ được thanh thản, và niềm vui lớn hơn nữa.

Đối với giới Công giáo ở hải ngoại, tôi cũng gặp rắc rối. Sự kiện ra nước ngoài hay đi đây đó (Hoa Kỳ, VN) tạo ra nghi ngờ là tôi được “cử đi công tác trí vận”, vì tôi không đi làm, không hưởng trợ cấp nào, tại sao có tiền mà đi?

Sự nghi ngờ tăng thêm khi tờ Tin Nhà ở Paris ấn hành một phụ bản Về Cuộc Đối Thoại Dân Chủ. Lữ Phương – Nguyễn Kiến Giang và Nguyễn Văn Trung (1995), nêu nhiều nghi vấn về tư cách chính trị của tôi. Theo chỗ tôi biết, không có nhiều phản ứng ở báo chí bên Mỹ. Tôi được đọc một bài ký bút hiệu của độc giả gửi báo Văn Nghệ Tiền Phong mà ông chủ bút cho tôi biết trước sẽ đăng để bán báo. Bài báo mạt sát tôi một cách hạ cấp và nhầm lẫn một cách tai hại giữa một người tên là Nguyễn Kiến Giang, một đảng viên dính líu vào vụ án “chống xét lại” ở miền Bắc, với Nguyễn Kiên Giang, tác giả viết kịch cải lương ở miền Nam. Có lẽ vì vậy không gây được tranh luận kẻ bênh người chống như tờ báo mong muốn. Sau đó, Đức Ông Hoài, phụ trách Phong Trào Giáo Dân ở hải ngoại, một chức vụ do Roma đặt ra, viết Tâm Thư trong đó có nhắc đến tôi, khẳng định tôi được cộng sản sai đi. Tâm Thư chỉ phổ biến trong nội bộ Công giáo. Người Công giáo đi hồi 75 chỉ nghe tiếng tôi là người hay phê phán, đả kích giáo hội, đặc biệt về hai điều: Liên hệ với chế độ thực dân và mất gốc về văn hoá, sau được những người ngoài Công giáo như Trần Văn Giàu, Nhất Hạnh dựa vào đó mà phê phán Công giáo, nhưng lại không biết gì về thời gian sau năm 75 tôi đã thay đổi lối nhìn. Trước 75 tôi hay đặt vấn đề “Dân tộc cho người Công giáo”, bây giờ tôi cho rằng đến lúc đặt vấn đề “Công giáo đặt cho Dân tộc”. Lối đặt vấn đề như thế đã có tác động trong giới trí thức đảng viên…. Trong tập “Nhìn lại những chặng đường đã qua” này tôi sẽ trình bày diễn tiến những quan niệm của tôi về vấn đề Công giáo đặt ra thế nào trước và sau 75 và chắc dư luận công giáo hải ngoại sẽ hiểu rõ tôi hơn. Duy có trường hợp mối bất hòa giữa Nguyễn Ngọc Lan và tôi có thể đã là nguồn gốc việc ra phụ bản Tin Nhà và -phần nào- Tâm Thư Đức Ông Hoài. Hồi 1992, anh Nguyễn Ngọc Lan viết bài phê phán tôi, sau nhiều bạn cũ của anh. Tôi đáp lại, nhưng bài này chỉ phổ biến thật giới hạn trong chỗ bạn bè gần gũi. Nhưng sau khi tôi ra nước ngoài ai đó đã biên tập lại bài tôi viết, bỏ một số đoạn, đem in và phổ biến rộng rãi trong các họ đạo, ngoài ý muốn của tôi. Điều quan trọng ở đây không phải là ai phải ai trái, mà những người quen biết cả hai chúng tôi không vui gì về mối bất hòa này, nên tôi quyết định viết thư xin lỗi anh Lan. Anh Lan đã đáp lại mau chóng và tôi thật hân hoan về sự hòa giải này, nên cũng xin phép anh Nguyễn Ngọc Lan sẽ cho phổ biến thư anh để bạn bè quen biết chia sẻ với tôi niềm hân hoan và những ai lợi dụng mối bất hòa này không còn có thể lợi dụng.

*

Sau cùng xin nhắc đến một lá thư gửi cho tôi trong một hoàn cảnh thật đặc biệt để tôi nhìn lại những chặng đường dạy học và biên khảo nghiên cứu của tôi.

Đây là bài viết của một thí sinh kỳ thi ban Triết ở Đại Học niên khoá 1969 về đề tài: “Phê bình huyền thoại phải chăng không tránh được dựa trên huyền thoại phê bình?”. Thay vì làm bài, thí sinh đã để 4 giờ viết thư cho tôi, và, qua tôi, cho các đàn anh bày tỏ tâm sự của tuổi trẻ trước thời cuộc đưa anh tới quyết định bỏ thi, mặc dầu thi đậu là một điều kiện hoãn dịch… Tôi đưa cho mấy giáo sư giám khảo đọc, chúng tôi đều cảm phục tư cách, thái độ can đảm của anh. Riêng tôi muốn chấm cho anh đậu cao, nhưng có vị khác không tán thành vì bài vượt ra khỏi nội qui trường thi. Cuối cùng mọi người đồng ý không cho điểm và tôn trọng sự lựa chọn của thí sinh. Tôi chụp sao lại một bản in giữ làm kỷ niệm, và sau 30 năm, phổ biến, trả lời công khai tác giả, không rõ còn sống hay đã chết, ở Việt Nam hay định cư ở nước ngoài. Tôi muốn tâm sự với tác giả về những ý nghĩ của tôi hồi đó (trước 75) và sau 75.

Trước 75, tôi đã viết nhiều bài, in sách phê phán tố cáo chế độ giáo dục ở miền Nam Việt Nam mà tôi gọi là “nỗi buồn đại học”, và chế độ chính trị xã hội miền Nam mà tôi gọi là “nỗi buồn chiến tranh”, “nỗi buồn nhược tiểu”. Những phê phán này hoặc chỉ ở mức độ đòi thay đổi một đường lối, chính sách, hoặc triệt để hơn thay đổi cả chế độ… Thời đó, tôi chỉ nhìn thấy những thiếu sót, sai trái, yếu kém của miền Nam, thể chế Việt Nam Cộng Hòa… Tóm lại, chỉ thấy toàn màu đen…

Sau 75, chế độ miền Nam (được gọi là “chế độ Mỹ Ngụy”, “vùng tạm chiếm”) không còn nữa. Tôi dần dần nhận diện lại những khuôn mặt của chế độ đó, và mới thấy những cái hay, tích cực của nó mà trước 75 tôi đã không lưu ý vì đó là những cái bình thường của nếp sống hằng ngày, sinh hoạt giảng dạy, văn hoá…. Trớ trêu hơn nữa chính người miền Bắc mới vào nêu thắc mắc, nhắc nhở tôi nhận diện lại. Chẳng hạn đối với người miền Nam, cầu xa lộ Biên Hòa trước khi vào Saigon vẫn chỉ là cái cầu, nhưng đối với người từ miền Bắc vào lại nhận thấy không phải cái cầu mà vẫn là con đường nối dài. Hoặc tại sao miền Nam lại lưu tâm giải quyết nhu cầu hằng ngày như đi vệ sinh một cách chu đáo đến thế khi họ thấy và được dùng những cuộn băng mang nhãn hiệu “Kiss me” trắng tinh vẫn còn bày bán trên vỉa hè Sài Gòn sau ngày 30/04/75. Những nền nếp sinh hoạt đại học, cách tuyển mộ nhân viên giảng huấn, giảng dạy, thi cử, trước 1975 nay bị xoá bỏ được thay thế bằng những lề lối trái hẳn truyền thống đại học của thế giới. Lúc này tôi mới cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của những nền nếp đại học trước 1975. Tuy nhiên, phải nói ngay là không phải những gì đã phê phán trước 1975 là sai trái cả. Nhưng cái sai trái, thiếu sót là đã không nhận ra những cái tích cực ưu điểm tựa mầu hồng, mầu trắng của chế độ giáo dục xã hội miền Nam trước 75.

Điều ngày này tôi nhận ra là nhiều nếp sống mang nhiều ý nghĩa giá trị xã hội đạo đức bị lợi dụng nhằm mục đích lật đổ chế độ miền Nam, và những người dễ để cho bị lợi dụng thực ra cũng có trách nhiệm sự lợi dụng đó về phần mình. Chỉ xin nêu hai trường hợp:

1. Tự trị Đại Học. Miền Nam trước 75, ít nhiều thực hiện được cái mà bây giờ gọi là “xã hội công dân” (Société civile) nghĩa là một mảng sinh hoạt do chính giới liên hệ tự quản lý như các hội bác sĩ, luật sư, hay tự trị đại học của giới đại học. Phong trào tranh đấu đô thị của sinh viên do Thành Đoàn lãnh đạo thành lập Phong Trào Tự Trị Đại Học, núp sau một nếp sống dân chủ, bị coi là “chiêu bài” để che giấu, biện minh những hoạt động chống đối chính quyền, đặc biệt chống đối quân dịch. Cảnh sát có thể đàn áp ở ngoài đường phố, nhưng không thể trong khuôn viên đại học. Sinh viên vẫn có quyền treo biểu ngữ, hô khẩu hiệu, biểu tình mà cảnh sát không dám can thiệp vì giáo sư, khoa trưởng đồng tình “bảo vệ Tự Trị Đại Học”. Sau 75, người tiếp quản dạy học Văn Khoa, thắc mắc hỏi tôi tại sao lại Tự Trị Đại Học? Năm 1992 Trung Tâm nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương, trong Đại Học Sư Phạm TpHCM tổ chức hội thảo, đề nghị tôi viết về Tự Trị Đại Học trước 75. Bài này đã không được đọc trong khoá hội thảo và Hà Nội cho người vào điều tra vì nghi ngờ có một mưu đồ gì đây.

2. Lựa chọn trung thành với đạo lý hơn bảo vệ một lập trường chính trị. Sau 75, một buổi họp thân hữu nhóm sinh viên tranh đấu được tổ chức ở nhà Bé Ký Hồ Thành Đức. Anh B hỏi tôi có gặp mấy bạn học của anh gần đây không. Rồi anh khoe: hồi tụi em hoạt động nội thành, đi qua khu canh gác giữ an ninh của mấy bạn học đó, họ hỏi thăm rồi nói: thôi tụi bay đi chỗ khác, không bắt tụi em. Tôi hỏi lại anh: Nếu bây giờ mấy anh bạn đó hoạt động chống đối đi qua khu vực anh giữ an ninh, anh có bắt không?

– Bắt chứ. Ngay cả trong hàng ngũ tướng tá, cũng có trường hợp bao che cho những người nằm vùng vì là họ hàng ruột thịt. Cách mạng Việt Nam là bậc thầy của sách lược Lêninít vì đã bổ sung cho nó một yếu tố mới: Vận dụng những tình cảm gia đình, quan hệ vợ chồng, bạn bè v.v. phục vụ những mục tiêu tranh đấu cách mạng. Do đó những người nằm vùng có thể hoạt động công khai, ít ra đối với những người quen thân mà không sợ bị tố cáo. Như vậy, chế độ chính trị miền Nam thua phải chăng cũng còn vì lý do thuộc đạo lý: Lựa chọn trung thành với những giá trị đạo lý hơn bảo vệ một lập trường chính trị? Nhưng có người như ông Ngô Đình Cẩn bất chấp đạo lý, pháp lý, lựa chọn hiệu nghiệm chính trị dùng khủng bố “bạo lực phản cách mạng” để chống lại khủng bố bạo lực cách mạng của người cộng sản. Ở miền Trung nhiều thanh niên trước khi tập kết ra Bắc được khuyến cáo lập gia đình, nhưng để vợ lại miền Nam. Sau đó, người chồng chưa về được gửi gắm bạn bè xâm nhập từ Bắc vào cho vợ, yêu cầu người vợ giúp đỡ bạn như giúp mình. Ông Cẩn buộc những người vợ có chồng tập kết phải ly dị, lấy người khác. Hồi 1957-1960 tôi đang dạy học ở Huế, thường về Saigon bằng xe hỏa chạy ban đêm thật an ninh. Chỉ sau này, quãng 1992 được đọc tài liệu của nhóm tình báo chiến lược cựu tù nhân của ông Cẩn ca tụng những “thành tích chống cộng tuyệt vời của Ngô Đình Cẩn”, tôi mới hiểu tại sao hồi đó ở miền Nam có an ninh ổn định. Nhưng ông Cẩn bị Tòa Án miền Nam kết án tử hình vì những vi phạm pháp lý của ông. Bây giờ, nếu tòa án đó xử lại, mà nhân chứng, luật sư là những người lãnh đạo cách mạng, cựu tù nhân của kẻ bị cáo, thì sẽ phán quyết ra sao?

Qua hai trường hợp tôi vừa nhắc ở trên, sau 30 năm, tôi muốn ngỏ đôi lời với tác giả lá thư gửi đàn anh viết thay vì làm bài thi. Hồi đó, đọc lá thư có gây xúc động và làm cho tôi cảm phục anh, không phải vì anh phê phán đả kích Mỹ, chế độ miền Nam, vì đó là điều bình thường trong tình thế thời đó; không phải mình anh đã làm như thế. Báo chí miền Nam công khai gọi đại sứ Mỹ Bunker là “ông già tủ lạnh”, “quan thái thú Giao Chỉ”, sự can thiệp của người Mỹ là do bàn tay lông lá của họ. Tôi nhớ Phan Nhật Nam trong một ký chiến trường có thuật lại: ông đã điện đàm với một chính uỷ phía bên kia, đề nghị ông chính uỷ đả kích Liên Xô, Trung Quốc sau khi nghe ông đả kích Hoa Kỳ. Ông chính uỷ không đáp lại đề nghị của Phan Nhật Nam. Tôi cũng không thấy cần phải đặt vấn đề “cảm phục” Phan Nhật Nam và “chê trách” ông chính uỷ nọ. Đây không phải vấn đề tư cách thuộc đạo lý mà là vấn đề thế chế chính trị khác biệt. Khung cảnh văn hoá xã hội của miền Nam trước 75 đã để cho những người cầm bút có thể phê phán, đả kích công khai những người cầm quyền và đồng minh, còn thể chế của miền Bắc thì không. Sau 75, tôi phục Phan Nhật Nam vì thái độ cương quyết từ chối gặp và nhận bảo lãnh của người cha đứng ở phía bên kia trong thời gian nhà văn học tập cải tạo.

Trở lại với tác giả lá thư viết trong phòng thi kia, sở sĩ tôi cảm phục anh là vì anh đã can đảm quyết tâm từ chối một ưu đãi dành cho một số thanh niên trí thức (có tú tài học đại học) được hoãn dịch nếu thi đậu…. Sau 1975, nếu anh còn sống, ở lại miền Nam, nhớ lại hành động của mình đã chửi Mỹ, chế độ miền Nam, chửi cộng sản trong bài thi, chắc hẳn anh nhận ra lúc anh viết, anh chỉ nghĩ đến những gì anh muốn nói, mà không hề băn khoăn dè dặt e ngại sẽ gặp phiền hà gì về chính trị. Tôi và mấy giáo sư giám khảo đọc bài của anh cũng có tâm trạng tương tự: không thấy e ngại liên lụy gì về thái độ của anh, v à đã không làm cái việc là báo cáo sự kiện đã xảy ra… Nhưng sau 75 liệu anh có dám làm như thế không và chúng tôi có dám “bỏ qua” việc làm của anh không?

Chắc anh có đọc ít nhiều những gì tôi đã viết. Thời gian trước 75, tôi đã có hàng chục cuốn sách xuất bản, đầy những phê phán chế độ người Mỹ can thiệp vào miền Nam, nghĩa là tôi cũng đã “hưởng ít nhiều tự do ăn nói, phê phán” của chế độ chính trị miền Nam thời đó. Ngoài ra, tôi còn giảng dạy một lớp về Marx trong nhiều năm ở ban triết trường đại học Văn Khoa. dĩ nhiên trong tinh thần nghiên cứu đại học và cũng chỉ giới hạn vào việc giới thiệu, hành trình của Marx, đặc biệt thời trẻ tuổi. Tôi không gặp một rắc rối nào về phía chính quyền, hay ngay cả một phê phán tố cáo của một người cầm bút nào đó trong việc giảng dạy. Đem đi kiểm duyệt để xuất bản, cuốn viết về cuộc đời Marx được in còn cuốn Nhận diện Marx thì không. Nhiều bài khác liên hệ đến cộng sản, có bài bị kiểm duyệt bỏ một số trang, có bài bị bỏ nguyên cả bài, đều được ghi nhận trong sách là bị kiểm duyệt bỏ. Những tác giả khác cũng làm tương tự. Ít ai lo ngại tối nay có người đến nhà hỏi thăm sức khoẻ hay nhận được giấy của phòng an ninh chính trị kêu đi làm việc…

Chế độ chính trị xã hội miền Nam trước 75 phân biệt đời công với đời tư, tôn trọng tự do trong lãnh vụ đời tư và ít nhiều tôn trọng tự do trong lãnh vực đời công ngay cả về chính trị. Chủ trương như thế không phải không có ngụ ý chính trị, trước mắt hay về lâu về dài. Chẳng hạn để chứng tỏ miền Nam có tự do, miền Bắc thì không; hoặc để tạo cho dân chúng, đặc biệt giới trí thức, ngay cả thân cộng hay theo cộng sản nếp sống dị ứng với những thể chế áp đặt một chiều, rập khuôn. Điều này đã được thể nghiệm sau 75, còn đối với những sinh viên trí thức ra khu, ra Hà Nội, nó đã được thể nghiệm sau biến cố Mậu Thân 1968 như một số đã tâm sự với tôi sau 1975.

Tuy nhiên những chủ trương để cho ăn nói ít nhiều tự do, phê phán chỉ thuộc về phương thức thực hiện, không phải về bản chất chế độ. Đúng là một thứ chuyên chính tư bản. Chuyên chính tư bản chỉ khác chuyên chính vô sản về phương thức thực hiện, không phải về bản chất. Sau 75, nếu anh ở lại miền Nam, chúng ta đã được nghe nói nhiều về luận điệu chuyên chính tư sản, nhưng chúng ta ít được thuyết phục….

Khả năng thuyết phục chắc hẳn cao hơn nếu những người nói vận dụng lập luận của chính các nhà nghiên cứu tây phương như cuả J. Christophe Rufin ( La dictature libérale, le secret de la toute puissance des démocraties au XXe siècle. Clattis, 1999) mà tôi được đọc gần đây. Tôi lược tóm một số ý của tác giả này gửi anh:

“Chế độ tự do tồn tại không tùy thuộc sự kiện các địch thủ của nó yếu kém, mà tùy thuộc vào chính sức mạnh riêng của nó. Sức mạnh bắt nguồn từ khả năng không phải chỉ thắng các kẻ thù mà còn phát triển nhờ chống lại các kẻ thù của nó. Nền văn hoá tư sản tạo cho mình một sức mạnh do chính những thù địch nó phải đương đầu. Đó là nền văn hoá trong lịch sử không hề đòi hỏi một ưng thuận tự nguyện nào. Trái lại không những nó để cho tự do mà còn khuyến khích những chống đối nó triệt để nhất. Nó có điểm đặc biệt được nuôi dưỡng bằng chính những gì chống lại nó, biến đổi thành sinh lực cho việc điều hành chế độ tất cả những thế lực nhằm tiêu diệt nó. Chuyên chính tư sản áp đặt ngay cả cho những ai phủ nhận nó mà không vì vậy ngăn cản họ chống lại nó vì tất cả những đối kháng trong dân chủ tư sản đều bị hoán chuyển có lợi cho nó và những kẻ nhằm tiêu diệt nó thật triệt đế lại chính là những kẻ đóng góp nhiều nhất giúp nó phát triển.”

Nhìn lại lịch sử diễn tiến trên 100 năm nay, ai cũng thấy chủ nghĩa Marx và phong trào cộng sản thế giới ra đời đã là một mối đe dọa sinh tử cho chế độ tư bản.. Nhưng sau khi bức tường Bá Linh bị phá huỷ, chế độ tư bản đã ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng này từ nhiều thập niên trước đây, nay trở thành siêu cường độc nhất. Tuy nhiên chủ nghĩa Marx không hoàn toàn trở thành lỗi thời, Nó mang một khuôn mặt mới ở ngay Bắc Mỹ, nơi đã thực sự dửng dưng với chủ nghĩa này thời nó cực thịnh ở Âu châu vào những thập niên 50-70. Nhưng sự phục hồi tư tưởng Marx không ra khỏi khuôn viên các đại học. Trong giới nghiên cứu của các viện khoa học xã hội, giao lưu văn hoá, cũng thấy hình thành những phê phán triệt để chế độ tư bản cho thấy chế độ tư bản đang rơi vào một khủng hoảng khác. còn trầm trọng hơn khủng hoảng mà Marx đã dự đoán vì theo các nhà nghiên cứu này, nó sẽ tự tiêu diệt vì những thành công của nó về kinh tế. Do đó kinh tế tư bản là một kinh tế tự sát trong khuôn khổ rộng lớn hơn của một nền văn minh tự sát vì chính những khái niệm cơ bản đã từng được coi như mấu chốt của sức mạnh tư bản: Khoa học kỹ thuật, tính hợp lý hoá, khái niệm tiến bộ, phát triển v.v.. Nhưng tương tự sự phục hồi chủ nghĩa Marx, những tư tưởng phê phán triệt để chế độ tư bản cũng không vượt ra khỏi giới nghiên cứu ít ỏi của các viện nghiên cứu.

Tôi thường tham dự những sinh hoạt của những viện này, với tư cách hội viên, và tôi thật ngạc nhiên nhiều khi nhận ra ở Bắc Mỹ cũng có sự kiện gọi là “phổ biến hạn chế”, “lưu hành nội bộ” như ở Việt Nam hiện nay, chỉ khác một điều ở Việt Nam có qui định, còn ở Bắc Mỹ thì không thấy có qui định pháp lý hay thể chế đại học nào ngăn chặn việc phổ biến rộng rãi, đơn giản chỉ vì những nhà nghiên cứu này không có điều kiện tài chánh mà thôi trong khi những phương tiện truyền thông đại chúng nằm trong tay các tổ hợp tư bản và họ dĩ nhiên không bỏ tiền ra phổ biến rộng rãi những công trình nghiên cứu này. Tuy vậy không phải vì thế mà không trân trọng những phê phán triệt để, đưa vào nghiên cứu để tìm cách vượt qua thử thách khủng hoảng còn nếu bỏ tiền ra là để phổ biến rộng rãi những cuốn như của Francis Fukujama, một chuyên gia Mỹ của hãng Rand Corporation và nhân viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ: The End of History and the Last Man. Ở Việt Nam chỉ biết những cuốn như vậy, có gây lo ngại tạo ra những cuộc trao đổi, phê phán nó. Tôi viết một bài giới thiệu đăng trong tạp chí Phát Triển Kinh Tế của đại học Kinh Tế (Trường Luật cũ) số 22 tháng 8, 1992 gây những phiền hà cho ban chủ trương sau khi số báo in ra. Mùa hè 1997, tôi giới thiệu những luận điểm phê phán chuyên chính tư sản do các viện nghiên cứu đề ra trên đài RFI, sau đó mang về Việt Nam nhiều băng video, tài liệu để giới thiệu với bạn bè ở Việt Nam, nhưng toàn bộ đều gặp trắc trở chưa lưu hành được.

Hiện tôi còn giữ một bản ghi phát biểu trong buổi tiếp xúc với đại diện ban dân vận thành uỷ Thành Phố HCM tại nhà riêng ngày thứ 5 12/8/1993 yêu cầu tôi và một số người khác cho biết ý kiến về thời kỳ mở cửa đổi mới, thái độ đối với trí thức trong nước, ngoài nước. Tôi đã nói đại ý: “tình hình hiện nay là: không mở cửa sẽ chết, mở cửa không chuẩn bị chu đáo, đi lệch hướng cũng chết. Tình thế hiện nay là tình thế SOS cứu nguy dân tộc, ưu tiên trên hết là nhận thức được con đường muốn đi là phục hồi niềm tin, lòng người… Sau 6 năm tôi về nước để tìm hiểu xem những đề nghị của tôi có được đáp ứng hay không. Tôi thấy những qui định ngăn cấm ấn phẩm từ bên ngoài vào nước vẫn còn đó….”

*

Viết “Nhìn những chặng đường đã qua” này, tôi không coi đây là một hay hồi ký nhằm rút ra những bài học cho các thế hệ sau. Các thế hệ sau càng xa thời đại hiện nay họ càng bắt gặp những vấn đề thời đại của họ đặt ra, rất khác những vấn đề của thời đại hiện nay. Họ phải đương đầu và giải quyết những vấn đề thuộc thời đại của họ theo sự hiểu biết của họ, cho họ và cũng rất có thể nghi ngờ giá trị những bài học thế hệ trước muốn để lại cho họ vì dễ dàng nhận ra những thiên vị chủ quan của các bài học đó, chẳng hạn như đọc loại hồi ký của ông Trần Quỳnh. Do đó, viết tập “Nhìn lại…” này, tôi tìm hiểu thời đại của tôi và gửi cho những người đương thời (cùng tuổi hay trẻ hơn) nhằm đóng góp phần của mình tiến tới một cái nhìn phong phú, sâu xa và khách quan hơn về thời đại của chúng ta, vì, nói theo một ý của Sartre, thời đại hiện tại xấu hay tốt, vinh quang hay khốn nạn cũng là thời đại của chúng ta, và chúng ta không có thời đại nào khác. Do đó chúng ta chỉ có bổn phận sống cho trọn vẹn thời đại chúng ta, vinh quang thì cố giữ lại chia sẻ, oán thù thì cố xoá bỏ. Nếu có để lại cho con cháu sau này điều gì, thì chỉ là một tấm gương: cha anh đã đá đấm nhau tơi bời, nhưng cuối cùng cũng hòa giải được với nhau.

Tôi không thể xác định tập “Nhìn lại…” này thuộc thể loại diễn từ, văn học nào: không phải ký, hồi ký và ngay cả biên khảo lịch sử cũng không phải, vì theo nhiều nhà tâm lý học hiện đại như Rosenfield, chúng ta không thể có những hình ảnh bất biến về quá khứ để sử dụng, mà chỉ có những tái xây dựng những sản phẩm của tưởng tượng nghĩa là chúng ta tạo ra một cái nhìn về quá khứ thích ứng với hiện tại. (Xem: L’Invention de la mémoire. Flammarion, 1999). Theo Gerard Edelman, giám đốc viện khoa học thánh kinh ở Đại Học Rockfeller, Nữu Ước, giải thương Nobel về y học (Biologie de la science) Odile Jacob 1992: nhớ là xây dựng lại, không phải sao chép y chang các biến cố sống thực và sao chép có lựa chọn tùy theo cái nhìn hiện tại. Kinh nghiệm hằng ngày cho biết nhiều người cùng chứng kiến một biến cố, về sau mỗi người thuật lại một cách khác nhau, hay ai cũng tin mình thuật trung thực quá khứ. Như vậy, ký, hồi ký phải chăng cũng là xây dựng một tác phẩm tiểu thuyết nhằm biện hộ quá khứ của mình? Cùng lắm, đây chỉ là một chứng từ của một người đương thời với tất cả những thiếu sót, chủ quan có thể có vì dù sao tôi cũng phải nhớ lại và sẽ cố tránh làm lộn những ý nghĩ ước muốn của mình bây giờ và cách đây 30, 40 năm, và vì thế lừa dối người đọc.

Ngoài ra, trong điều kiện cho phép, cố dùng dẫn chứng, tài liệu liên hệ để người đọc tham khảo, kiểm tra.

Trong tập “Nhìn lại những chặng đường đã qua” này tôi không nói gì về thời gian ở tù vì tôi nghĩ kinh nghiệm ở tù trong chế độ hiện nay, chỉ những người đã trải qua mới hiểu được, nhưng không thể nói ra lời, vì những chân lý cốt yếu của kinh nghiệm này không thể chuyển giao cho người không có. Tôi nhận thấy những người đã trải qua mà tôi biết dù là người miền Nam chống cộng hay người miền Bắc theo cộng vẫn ở lại trong nước, hay đã đi nước ngoài nói chung đều giữ im lặng.

Những chân lý cốt yếu của kinh nghiệm ở tù chính trị có lẽ cũng tương tự kinh nghiệm gọi là “chỉnh huấn” của cán bộ, đảng viên trung, cao cấp ở miền Bắc. Tôi đã nghe anh Nguyễn Kiến Giang trong vài đêm kể lại kinh nghiệm đi chỉnh huấn của anh và tôi hiểu tại sao anh viết nhiều điều, xuất bản cả ở nước ngoài nhưng hình như anh không bao giờ nhắc đến chỉnh huấn. Nếu tôi không nhầm, theo chỗ tôi được đọc, chỉ một vài người như Tô Hoài nhắc phớt qua Chỉnh Huấn trong hồi ký của ông. Ra nước ngoài, tôi đọc những gì viết về trại tập trung Đức Quốc Xã, cũng thấy nhiều tác giả nhận định không thể viết ra, chuyển giao cái không thể tưởng tượng được, và ai sáng tác, hư cấu các chuyện trại tập trung thành tác phẩm văn học là lừa dối độc giả và làm cho độc giả nghi ngờ những sự kiện xảy ra cho những nạn nhân ở trại. Tôi hỏi một linh mục dòng tên, bản thân ông là cựu tù trại tập trung, tại sao ông và các người đồng cảnh im lặng, ông cũng trả lời tương tự như trên…

Tuy nhiên tôi có thể nói về những hậu quả tích cực của thời gian ở tù, ít ra về hai điều:

1. Khám phá tha nhân. Ở ngoài nhà tù, những giao tế thường rơi vào tình trạng không thực, nói năng trao đổi không tránh khỏi những điều lảm nhảm, bá láp. Ở trong tù tuy bị cô độc nhưng không cô đơn vì người khác đều là những kẻ vắng mặt hay đã qua đời lại hiện diện một cách thật đích thực và sống động và tôi có thể đối thoại, cảm thông một cách thật sâu sắc với họ. Sự khám phá này làm cho tôi nghĩ đến triết học của G. Marcel tôi đã đọc mà không tin. Tôi cũng hiểu tại sao các nhà tu hành tịnh khẩu hay thinh lặng, tuy sống thoát tục, nhưng không thoát ly với người ngoài đời vì vẫn gần gũi cảm thông với đồng loại. Thân xác bị lột trần, chỉ mặc áo maillot, quần đùi, bị tách rời khỏi những đồ dùng thiết yếu như kính cận, cái bút. Tình trạng này giúp tôi dẹp bỏ được tự ái, tự kiêu tự đại tuy sau khi ra tù, vẫn không hoàn toàn dứt bỏ nhưng ít ra luôn luôn ý thức được yêu cầu gạt bỏ và vì thế dễ dàng hơn trong cố gắng dẹp bỏ… Chỉ còn vấn đề tư cách. Không biết tôi còn giữ được không, và nếu còn thì được bao nhiêu, tuy tôi cũng phải cố gắng giữ…

2.Trong tình hình hiện nay nghi ngờ bao phủ vì mất tin tưởng, mất tín nhiệm nói cái gì không quan trọng bằng tư cách nói. Những điều tôi nói, viết ra có được đón nhận, lắng nghe không, hay bị gạt bỏ ngay từ đầu vì những thiên kiến, đố kị, ác cảm đối với tôi ? Cũng như những người khác, tôi đều có kẻ yêu người ghét. Khi tôi chết rồi, không ai nỡ nói đến những điều muốn tố cáo, kết án vì thế tôi mong muốn được nghe và trân trọng lắng nghe phê phán, những sai trái về nhận thức và những chê trách về tư cách. Tôi sẵn sàng xin tha thứ và tha thứ. Vì điều tôi mong ước chưa hẳn là nói lên được những sự thực nào đó về quá khứ, mà là giải tỏa những thiên kiến và thực hiện được hòa giải với những người quen biết hay không quen biết.

Nhiều người giải tỏa được nhưng thiên kiến hòa giải được với nhau sẽ tạo được bầu không khí thuận lợi đế có thể nói với nhau bàn chuyện đất nước. Tôi có một số người quen biết sẵn sàng trong tư thế tự kiểm thảo để tìm hiểu quan điểm của người khác. Mùa hè 1995, tôi gặp lại BS Trần Kim Tuyến, tôi hỏi ông có thể gặp những người ông quen ở phía bên kia như Phạm Xuân Ẩn, người đã giúp ông ra nước ngoài hôm 30 -4-1975, ông nói sẵn sàng gặp cả những người không quen biết và ông tâm sự với một thái độ khiêm tốn. Ông nói, tôi đâu có nghĩ làm những việc đã làm! Thời cuộc đã đưa đẩy tôi, một người chỉ muốn học làm thầy thuốc, vào những chức vụ an ninh tình báo mà tôi không hề được chuẩn bị, do đó phạm nhiều sai lầm là điều tất nhiên, nhưng khuyết điểm lớn hơn cả là tôi đã không am hiểu văn hoá Mỹ. Rất tiếc ông đã qua đời mấy tháng sau lần trao đổi với tôi.

Khi về Saigon hồi 1995, tôi gặp mấy sinh viên cũ cho biết anh Bùi Hồng Sĩ có về Việt Nam và gặp lại người ám sát hụt anh. Trước 1975 những nhóm quyết tử của Thành Đoàn gồm sinh viên học sinh đã ám sát các nhà văn, nhà báo như Từ Chung, Chu Tử. Hiện tôi còn giữ một danh sách cảnh cáo một số sinh viên các phân khoa mà ông gác dan trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trao cho tôi. trong đó có Ngô Thế Vinh, sinh viên y khoa. Bùi Hồng Sĩ, chủ tịch sinh viên niên Văn Khoa bị bắn nhưng chỉ bị thương. Rất tiếc Chu Tử đã chết hồi 1975; nếu ông còn sống đến 1985, đọc sách của Thành Đoàn kể lại thành tích, thì mới biết là mình đã nhận định sai lầm, vì ông viết trong Không Hận Thù rằng ông không tin cộng sản bắn ông, vì nếu cộng sản bắn thì phải là những tay súng chuyên nghiệp. Nhưng sự thực là học sinh, sinh viên trong tố ám sát đã bắn hụt vì họ không phải là những tay súng chuyên nghiệp.

Sang Hoa Kỳ, gặp lại Bùi Hồng Sĩ, tôi hỏi và anh xác nhận có về gặp người đã bắn hụt anh. Tôi không hỏi thêm vì tôn trọng sự gặp gỡ này và muốn để cho những người trong cuộc thuật lại sự hòa giải giữa họ. Tôi cũng gặp lại Bs Ngô Thế Vinh, sau 1975 đi học tập cải tạo rồi được đi Hoa Kỳ. Anh nhắc tôi đọc bài anh viết “Rực rỡ mùa Thu” trong Thế Kỷ 21, số 70 (tháng 11/94). Bài báo được viết dưới dạng sáng tác tiểu thuyết: 3 nhân vật tiêu biểu cho ba thái độ trước vấn đề: về hay không về giúp Việt Nam về y tế. Chính và Trường cùng thế hệ, đỗ bác sĩ ra trường trước 75, người đi tị nạn ở Hoa Kỳ, người ở lại Việt Nam, chỉ sang Mỹ lúc ung thư máu vào giai đoạn chót, nhưng khác nhau về thái độ của người thầy thuốc đối với bịnh nhân; Toàn con Chính, bác sĩ thuộc thế hệ sau gần gũi với Trường, bạn của bố, tình nguyện về Việt Nam chữa bệnh. Chính, chủ tịch hội Y Sĩ Việt Nam Hải Ngoại có một lập trường dứt khoát: không làm gì hết cho tới thời hậu cộng sản. Hơn nữa còn phải ở thế tấn công vận động duy trì cấm vận, chống bang giao. Thái độ của Chính không biết đã gây tổn thất nào cho cộng sản, nhưng trước mắt Chính đã hy sinh cả bạn lâu năm của mình, cưỡng bách họ ra khỏi hội chỉ vì cái tội tiếp đón một nghệ sĩ từ Saigon qua bị chụp mũ thân cộng. Hành động của Chính gây một nỗi cay đắng của người tị nan cộng sản ngay từ 75 nay lại phải nghĩ tới một cuộc di tản lần thứ hai để tránh khỏi lằn đạn của chính những người bạn hướng tới từ phía sau lưng mình. Sinh viên Ngô Thế Vinh thoát được ám ảnh bị bạn học sát hại trước 75 vì chống cộng, nay bác sĩ Ngô Thế Vinh lại bị ám ảnh sát hại cũng bởi đồng nghiệp vì cổ võ về quê nhà thể hiện tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc là tiếp tay cho cộng sản.

Ghi chú:

Chống cộng mà vẫn là cộng sản?

(1). Điều đáng lưu ý là những người chống cộng lại sử dụng những phương thức tranh đấu, ngôn ngữ, luận điệu cộng sản mà họ đang chống lại. Ở Bắc Mỹ, thường thấy những tổ chức chống cộng ra thông cáo quyết nghị: Toàn dân toàn thể các hội đoàn này nọ tố cáo lên án cộng sản…, hô khẩu hiệu đả đảo trong các cuộc biểu tình ngoài đường phố làm cho những người đã sống thời Việt Minh nhớ lại những gì đã thấy cách đây trên 50 năm. Những người chống cộng ở Liên Xô, Đông Âu đã hãnh diện, tự cho mình mới chống cộng thứ thiệt vì là con đẻ của chế độ, nhưng vẫn sử dụng ngôn ngữ, những khái niệm mang tính chất ý thức hệ cách mạng cộng sản, những luận điệu và đường lối chính thức của Đảng.

Châu Ái trong bài: “Sửa một từ để điều chỉnh một quan điểm” (báo Sàigon Giải Phóng số 31615 ngày 19-2-87) nêu lên xu hướng tôn giáo hoá đảng mà theo ý ông cần điều chỉnh: “ Đó là trước nay có những người, những nơi thường dùng chữ “đảng” đối với Đảng, ví dụ “lập công dâng Đảng”, “Chương trình văn nghệ mùa xuân dâng Đảng” Có nên nói và viết như vậy không?. Theo ý chúng tôi thì không nên. Đảng ta là một đảng cách mạng và khoa học, một thực tế vật chất chứ không phải một tố chức tín ngưỡng”. Nhưng trong thực tế từ tổ chức, thể chế đến tâm linh đều bày tỏ qua ngôn ngữ có tính chất tôn giáo như: “Giác ngộ” vào đảng, “Tuyên thệ tuyệt đối tin Đảng”, “Trung thành”, “Vô cùng thương tiếc”, “đời đời nhớ ơn”, “sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”, “vĩnh viễn”, “muôn vàn kính yêu”, “nhiệt liệt”, “nhất trí” v.v..

Về sách lược, cách mạng dựa vào bạo lực, coi như động cơ của lịch sử và do đó dùng bạo lực để thay đổi lịch sử. Dùng ngôn ngữ quân sự để diễn tả mọi sinh hoạt khác về văn hoá, kinh tế, chính trị: Mặt Trận Tổ Quốc, Tiến quân vào sản xuất, Ra quân, chiến thắng, thắng lợi…

Trong giao lưu văn hoá, hoặc sống lâu năm trong chế độ, ngay cả người không theo cộng sản cũng chịu ảnh hưởng sử dụng ngôn ngữ của chế độ. Tôi cũng không thoát khỏi ảnh hưởng này mặc dầu có ý thức khi viết, nói. Trong cuốn sách của TGM Nguyễn Văn Thuận: Năm chiếc bánh và hai con cá (Hoa Kỳ 1988) nói về thời gian 13 năm ở tù, ông dùng những từ ngữ, kiểu nói của chế độ một cách tự nhiên như chiến sĩ gác, chiến sĩ trực làm xong một việc: dùng sợi dây điện để làm sợi dây mang Thánh Giá do một người gác tù cho. Trước 11 giờ đêm chúng tôi đã làm xong. Tôi mừng quá. Thắng lợi”. Người ta thường nói: đi bộ cho hòa bình, cầu nguyện cho hòa bình… nhưng những người không cộng sản cũng dùng từ: tranh đấu cho Hòa Bình, Thần học giải phóng, thay vì từ cứu rỗi của tôn giáo.

Do đó, không lạ gì những người nhận là con đẻ của chế độ chưa thoát khỏi những dấu ấn của chế độ mà bây giờ họ phê phán chống đối. Một vài dẫn chứng rút ra từ sách báo do sinh viến trí thức từ miền Bắc định cư ở Đông Âu xuất bản:

“Huyện T ngày đó có phong trào nuôi vịt và làm vụ đông rất thắng lợi. Đấu tranh chính trị, vũ khí hàng đầu là thông tin, không có bom công phá cường quyền nào mạnh hơn nhận thức về quyền công dân, chiến sĩ dân chủ.

Nói về “Đảng nhân dân hành động được thành lập ở Cộng Hòa Liên Bang Đức”: “Đảng chủ trương đấu tranh ôn hòa bất bạo động, lấy nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn và là đối tượng phục vụ chính của mình là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh của đảng, tạo thành một sức mạnh tổng hợp để xây dựng lại một nước Việt Nam mới thật sự tự do dân chủ “, “Tuyên thệ dưới Đảng kỳ, tôi nguyện trung thành với Đảng NDHĐ sát cánh kề vai cùng đồng đội chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng để dựng lại nước Việt Nam thật sự phồn vinh và hùng mạnh.”

Đọc những đoạn trên có thể thấy tâm tình thái độ của người bỏ đảng chống đảng có khác gì người vẫn theo Đảng đâu! Nếu đảng chỉ là một tổ chức hoạt động chính trị, không mang tính chất tôn giáo, thì ai thấy hợp cứ ghi tên vào, không hợp thì ra, cần gì phải tuyên thệ trung thành như đối với một lý tưởng mang tính chất tôn giáo?

Trong Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên có đoạn: “Cuộc xung đột vũ trang của dân chúng miền Nam chống lại chính quyền Saigon bắt đầu bằng những trận đánh lẻ tẻ từ đầu thập niên 60, được Hanôi khuyến khích và yểm trợ đã mau chóng lớn lên thành nội chiến” (tr. 14) Đó là quan điểm chính thức của Đảng Nhà Nước. Trong hồi ký, khi nói đến những Công An ngay cả cán bộ cao cấp (Cục phó cục chấp pháp) tác giả thường dùng ngôn ngữ hạ cấp bầy tỏ sự khinh bỉ của mình. Bọn chúng, y, hắn… Đây là một thói quan đã trở thành nếp ở miền Bắc.

Sau 1975, ông Đào Duy Anh vào Nam thăm một số trí thức miền Nam. Khi nói chuyện, ông thường gọi Thằng Diệm, Thằng Thiệu. Chúng tôi chỉnh: Thưa cụ, thưa Bác, trong Nam, một cách chính thức trên sách báo, khi nói tới những lãnh tụ miền Bắc bao giờ cũng gọi là “ông”, ông HCM, ông Phạm Văn Đồng… không bao giờ gọi là “thằng”. Có đăng hình thì cũng đàng hoàng không phải tranh vẽ châm biếm, đả kích. Ông Đào Duy Anh thú nhận: “Tôi sống với họ lâu năm quá nên cũng bắt chước thói quen hạ cấp. Xin lỗi.”

Tác giả Vũ Thư Hiên viết đại khái là: lịch sự với y chỉ có thiệt (trang 46). Kinh nghiệm của tôi thì khác. Nhưng nếu độc giả đã đọc Năm chiếc bánh và hai con cá sẽ thấy kinh nghiệm của TGM Thuận cảm hoá được những người canh giữ ông. Tôi cũng nhận thấy là ông Nguyễn Tường Bách, lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong hồi ký Những ngày lịch sử, nói về những ngày tháng 1945, vẫn gọi ông Hồ là Chủ Tịch HCM, Cụ Hồ.

Nguyễn Văn Trung

© Thông Luận 2007

[1] người thanh niên này viết thư cho tôi từ vùng Châu Đốc trước khi ra anh bỏ thành đi ra khu.

[2] Đó là bản cảo Thằng Bờm và Thằng Cuội, sẽ được Thông Luận chuyển đến bạn đọc trong thời gian tới.

Văn bản do nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Vy Khanh đánh máy theo bản viết tay của tác giả và gửi cho Văn Việt. Bài cũng đã đăng ngày 04/09/2007, trang web Thông Luận.

Comments are closed.