Nhớ Đại hội IV Hội Nhà văn Việt Nam – tháng 10/1989

Ngô Thị Kim Cúc

Có mặt trong đại hội IV, đại hội toàn thể đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 10/1989), là điều khiến tôi nhớ nhất trong suốt thời gian 32 năm là thành viên của tổ chức này.

Đại hội lần thứ Nhất thành lập Hội Nhà văn VN diễn ra vào tháng 4/1957, đã bầu nhà văn Nguyễn Công Hoan làm chủ tịch đầu tiên. Đại hội II diễn ra vào tháng 1/1963, nhà văn Nguyễn Đình Thi được bầu làm tổng thư ký. Ông sẽ ngồi ở ghế đó suốt 26 năm, qua đại hội III (tháng 9/1983), dành riêng cho các nhà văn đảng viên và tới đại hội IV (tháng 10/1989) mới rút lui. Đại hội III được nhớ tới nhiều nhất bởi bản “đề dẫn” của bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc gây xôn xao cả trong và ngoài giới cầm bút, hình thành hai “phe”: một tán thành và một không tán thành. Chính điều này đã khiến việc tổ chức đại hội IV phải trì hoãn nhiều lần, kéo dài cả năm trời, để “trên” có thì giờ sắp xếp, chỉ đạo.

Ở Hội Văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng, tôi làm những công việc hằng ngày của mình, và chỉ biết về người của Hội Nhà văn VN qua chuyện kể của các anh chị nhà văn lớp trước. Trong những chuyện kể đó luôn phong phú những yếu tố khôi hài, châm biếm.

Vì vậy, khi lần đầu đặt chân vào hội trường Ba Đình- nơi tổ chức đại hội, cũng như khi đang ở Nhà khách Chính phủ trong thời gian đại hội, tôi sử dụng hết năng lực nghe/nhìn của mình, để không bỏ sót thứ gì. Bởi tôi biết rõ rằng, đây là cuộc “đối đầu” thực sự của hai khuynh hướng, vốn đã âm ỷ khá lâu suốt thời gian trước. Tôi đã mang theo băng cát-xét đủ để ghi âm tất cả diễn biến trong đại hội, làm tài liệu cho tạp chí Đất Quảng.

BÁO VĂN NGHỆ, TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG, VÀ BÙI MINH QUỐC

Sau khi nhà văn Nguyên Ngọc được “thôi” tổng biên tập, trên báo Văn Nghệ xuất hiện hàng loạt bài viết vừa với bút danh thật vừa với với các bút danh ảo lạ hoắc, không-rõ-của-ai tạo thành một chiến dịch phê phán, quy kết nặng nề một số nhà văn. Trong văn giới còn rầm rì chuyện có “ai đó” đã nhận tiền của nước ngoài và sẽ bị… Không chỉ báo Văn Nghệ được “ưu ái”, tạp chí Sông Hương của Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và nhà văn Bùi Minh Quốc của Hội Văn nghệ Lâm Đồng cũng được “quan tâm sâu sắc”.

Và sau những dư luận gay gắt, đầy chất “báo động chính trị” này, nghe đâu đã có một nhóm nhà văn vào ra/ra vào Hà Nội- Sài Gòn như đi chợ, gõ rất nhiều các loại cửa trước cửa sau, cấp tập chuẩn bị việc “tiếp quản” chiếc ghế tổng thư ký…

Đại hội IV chắc chắn phải giải quyết rất nhiều thứ, trong đó có những vấn đề “thời sự chính trị/văn học” đang gây xáo động trong văn giới.

Vào hội trường, vừa nhìn lên sân khấu, tôi chú ý ngay lọ hoa ở bục diễn giả, một lọ hoa rất đẹp cắm loại hoa mà thời điểm ấy chưa mấy người chơi: hoa súng. Hình tượng một cuộc “đấu súng” chăng? Chẳng rõ người cắm hoa liệu có dụng ý này? Thế nhưng, sau khi được “phát hiện”, xì xào, lọ hoa súng đã được thay bằng một thứ hoa thông thường khác mà tôi không còn nhớ.

VỖ TAY ĐỂ… MỜI XUỐNG

Chương trình làm việc của đại hội trong tài liệu phát cho đại biểu là từ 25 đến 30 tháng 10. Thế nhưng, đến hết ngày 30 vẫn còn quá nhiều chuyện chưa giải quyết, đại hội đã phải kéo dài thêm hai ngày nữa, tổng cộng 8 ngày.
Suốt tám ngày ấy, nhiều hôm, chương trình làm việc phải kéo dài sang cả ban đêm, cố tranh thủ thời gian “thanh toán” những thứ đã bị xới tung lên…

Năm 1989, Hội Nhà văn VN có 477 hội viên, trong đó có 32 nữ và chỉ 45 người dưới 40 tuổi. Trẻ nhất là Hồ Anh Thái (sinh 1960) và già nhất là những cụ trên 80: Thế Lữ, Lê Đại Thanh, Khương Hữu Dụng, Tống Phước Phổ, Phạm Khắc Hòe… Ban chấp hành khóa III, trong dự thảo báo cáo đã đề nghị bầu từ 35- 45 ủy viên chấp hành và một ban thư ký từ 7 đến 9 người. Diễn tiến đại hội đã cho thấy những “dự kiến” ấy hoàn toàn phá sản.

Ngay sáng 25/10, trong hội nghị đảng viên (nhưng vẫn có tất cả đại biểu ngoài đảng dự), đã xuất hiện ngay “sự số” ngoài mong đợi. Trong khi hầu hết nhà văn đểu muốn bàn ngay các vấn đề nóng hổi thì người giơ tay phát biểu mở hàng, bác Đông Hoài già cả, đã dông dài những chuyện trên trời dưới biển, chiếm dụng bao nhiêu thì giờ vàng ngọc. Thấy ban tổ chức có vẻ sẵn lòng để bác nói hàng giờ, những tiếng vỗ tay bắt đầu lác đác, rồi sau đó cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay đồng loạt, nghe như sấm động. Bác Đông Hoài hẳn không ngờ mình là người đầu tiên được “hưởng thụ” cách “phát biểu tập thể” mới toanh này của đại biểu. Nhờ đó mà những kẻ chẳng-ai-muốn-nghe đã không thể thực hiện ý định độc chiếm diễn đàn, trùm lấp những vấn đề mà các nhà văn muốn nói, muốn bàn, muốn giải quyết.

HÃY ĐI BARCELONA THI MÔN NÉM ĐÁ GIẤU TAY

Sau khi bác Đông Hoài rời “sàn diễn”, đại hội bắt đầu ngay những vấn đề bản chất. Những phát biểu đầu tiên rất sát sườn. Nhà văn Hoàng Châu Ký nhắc đến chủ nghĩa cơ hội, đến bản danh sách “ý đồ nhân sự đại hội IV” đang được chuyền tay nhau một cách bí ẩn trong các đại biểu. Nhà văn Cao Tiến Lê đặt câu hỏi: “Về báo Văn Nghệ, thực chất là cách chức hay điều động tổng biên tập Nguyên Ngọc? Phải làm rõ về “dòngvăn học phản động” và về các tạp chí Sông Hương, Cánh Én đang bị kết án”… Nhà văn Vũ Bảo nhắc câu ông Hoàng Tùng đã nói trong đại hội III (“Nhà văn xuôi xin đừng đi ngược”) và bình luận: “Chúng tôi đi xuôi nói xuôi viết xuôi… Ban chấp hành phải nói rõ ai đang là kẻ mưu đồ chính trị… Hãy đi Barcelona thi môn ném đá giấu tay”… Nhà văn Ngô Ngọc Bội cho rằng “Cần loại bỏ việc làm chính trị bằng văn nghệ. Những công cụ của hội vừa qua đã bị sử dụng một cách bẩn thỉu”…

Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi trong tổng kết ngày làm việc đầu tiên đã báo là ngày hôm sau sẽ bắt đầu thảo luận các quy chế của đại hội. Và ông nhắc nhỏ: “Một đại hội tự trọng sẽ làm đúng cái gì mình đã biểu quyết”.

“11 NGƯỜI TRONG ĐỘI HÀNH QUYẾT”

Sang ngày thứ hai, họp trù bị, những nội dung quan trọng tiếp tục được đề cập. Có nên tiếp tục sử dụng cách vỗ tay để “mời xuống” hay không? Ban chấp hành mới nên được cơ cấu thế nào? Khi tranh luận, mỗi đại biểu được quyền phát biểu mấy lần và mỗi lần bao nhiêu phút? Chất vấn bằng giấy có cần ký tên người chất vấn? …

Ngay chuyện bầu chủ tịch đoàn cũng đã căng thẳng. Bởi chủ tịch đoàn sẽ điều khiển đại hội, quyết định cho ai nói và nói bao lâu. Sau rất nhiều ý kiến trái ngược, một chủ tịch đoàn 9 người đã được bầu: Trần Bạch Đằng, Tô Hoài, Cao Tiến Lê, Lê Minh, Ý Nhi, Lương Quy Nhân, Nguyễn Đình Thi, Phan Tứ, Chu Văn.

Tiếp tục những nội dung khác: sẽ bầu tổng thư ký trực tiếp hay gián tiếp. Người muốn bầu trực tiếp cho rằng các nhà văn không cần phải ủy quyền cho ban chấp hành bầu tổng thư ký. Người muốn bầu gián tiếp lại khẳng định không cần thay đổi gì hết, cứ kiểu cũ mà làm. Rốt cuộc, số phiếu cho thấy: ý kiến bầu trực tiếp: 188/407, ý kiến bầu gián tiếp: 150/407.
Tiếp tục những vấn đề gay cấn…

Nhà văn Phạm Tường Hạnh gay gắt yêu cầu trưởng và phó Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương Trần Độ và Nguyễn Văn Hạnh phải trả lời trước đại hội về chuyện báo Văn Nghệ và tạp chí Sông Hương.

Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm nói ngược hẳn: Thành tích lớn nhất của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương là ra được Nghị quyết V về Văn hóa Văn nghệ. Trong đại hội này, phải kết luận rõ vụ báo Văn Nghệ, Bùi Mình Quốc…

Nhà thơ Diệp Minh Tuyền thì hình tượng hóa: “Thấy rõ hiện tượng bè phái. Người của hội từ Hà Nội vào triệu tập họp nhưng không mời ủy viên thư ký mà lại mời những người chưa vào hội. Đó chính là nhóm “11 người trong đội hành quyết”. Đấu tranh là bình thường nhưng không được quy chụp chính trị”.

Nhà văn Hoàng Hữu Các: “Nếu anh Phạm Tường Hạnh có bằng cớ anh Trần Độ xen vào công việc của tạp chí Sông Hương thì hãy trưng ra”.

Nhà văn Thái Bá Lợi: “Yêu cầu ban lãnh đạo báo Văn Nghệ cho biết tên thật của những người vừa qua đã viết bài quy chụp anh em”.

Do độ nóng ở hội trường Ba Đình vào buổi sáng nên buổi chiều, nhà phê bình Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Phó ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương đã đọc bức thư của nguyên Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trần Độ, vì ông không đi dự. Bức thư của Trần Độ lại khiến hội trường Ba Đình ngập tràn những cảm xúc trái ngược…

Nhà văn Chu Văn nêu trường hợp những hội viên không đi họp, trong đó có Hữu Loan. Vì vậy, nhà văn Cao Tiến Lê đã đọc thư của Hữu Loan, và sau đó công bố bản kỷ luật các nhà văn vụ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1958, cho thấy Hữu Loan không bị kỷ luật, và như thế ông vẫn là hội viên.

Cuối ngày làm việc, trả lời câu hỏi có mời báo chí tham dự để đưa tin đại hội hay không, nhà văn Nguyễn Đình Thi cho biết, chỉ mời các báo ở thủ đô.

NGÀN NĂM BIA MIỆNG

Ngày khai mạc đại hội chính thức 28/10, nếu buổi sáng chỉ là những thủ tục chào mừng cộng với bài phát biểu dài một tiếng đồng hồ của tổng bí thư Đỗ Mười thì buổi chiều, Mai Ngữ đã gây ra một không khí đầy chất đấu tố khi gọi là “vụ án” Hội Nhà văn, chuyện đảng đoàn Hội Nhà văn (nhắm vào Nguyên Ngọc) và chuyện Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương (nhắm vào Trần Độ). Mai Ngữ đã khiến một số nhà văn suýt đánh mất sự kiềm chế, trong đó có Thu Bồn.

Trước khi Mai Ngữ lên đấu tố, Anh Đức cũng đã đăng đàn với một tham luận giống như bản kế hoạch tranh cử của một tổng thư ký tương lai.

Ngày 29/10 đại biểu được xả hơi (vì là chủ nhật), để rồi ngày 30, 31 lại vào hội trường và tiếp tục tham luận/phát biểu, góp ý cho bản dự thảo báo cáo.

Nhà thơ Ý Nhi: Trong báo cáo, chuyện báo Văn Nghệ đã không được nêu lên một cách minh bạch.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Cần loại khỏi ban chấp hành những kẻ cơ hội chính trị.

Nhà phê bình Thiếu Mai: Cho rằng đa nguyên chính trị đồng nghĩa với phủ nhận sự lãnh đạo của đảng là một quy chụp chính trị. Cần chấn chỉnh cơ bản hiện trạng của báo Văn Nghệ: Những kẻ giấu mặt nào đã viết bài quy chụp anh em?

Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Những cơn gió đen đang thổi trong văn hóa nghệ thuật với những bản án bất thành văn. Những kẻ cơ hội, trung gian bất lương đang cố tạo ra những báo động giả để quy chụp vô căn cứ.

Nhà thơ Phan Vũ: Có những kẻ la nhà cháy để hôi của. Chính đàn cò đang làm đục nước chứ không ai khác.

Dịch giả Phạm Mạnh Hùng: Do báo cáo không đề cập rõ chuyện báo Văn Nghệ, anh Nguyên Ngọc nên tự trình bày để đại hội có ý kiến dứt khoát. Báo cáo quá sơ lược, không hề nhắc tới những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương…

Những tranh luận cứ tiếp tục tràn ra không dứt, đến nỗi nhà văn Nguyễn Văn Bổng phải đứng lên cảnh cáo: Nếu cứ tiếp tục làm việc kiểu này sẽ không thể chấm dứt đại hội được.

MỘT LÁ PHIẾU, BỐN NGƯỜI CANH

Cuối cùng thì đại hội cũng đi đến việc quyết định bầu cử. Tất cả những tranh luận từ đầu đến cuối sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa nếu việc bầu cử không đi tới một kết quả trong sạch như ý muốn của các nhà văn.

Chính vì vậy, việc bầu cử được tổ chức chặt chẽ tới mức tối đa. Mỗi bàn kiểm phiếu phải có 4 người làm việc (2 của “phe” này và 2 của “phe” kia). Với mỗi lá phiếu, người thứ nhất sẽ đọc to tên nhà văn được bầu. Người thứ 2 sẽ rà soát xem tên có đúng như trong lá phiếu không. Người thứ 3 sẽ ghi cái tên đã được xướng lên. Và người thứ 4 rà soát xem tên ấy có được ghi chính xác hay không.

Kết quả: chỉ 6 người đạt số phiếu quy định để vào ban chấp hành. Bầu thêm vòng 2 cũng chỉ có 3 người đạt chuẩn. Tổng cộng 9 người. Trong khi con số mà ban chấp hành khóa III “dự kiến” là từ 35 đến 45.

Trong lễ bế mạc tổ chức vào buổi đêm (lại tranh thủ), khi tổng thư ký cũ Nguyễn Đình Thi tặng hoa cho tổng thư ký mới Vũ Tú Nam, mọi người chợt nhận ra là ông Nam nhìn còn có vẻ già hơn ông Thi, mặc dù ông sinh 1929 (60 tuổi) còn ông Thi sinh 1924 (65 tuổi).

Tám ngày đại hội, trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Trần Trọng Tân phải vào ở hẳn trong Nhà khách Chính phủ cùng đại biểu, để kịp thời ứng phó/chỉ đạo với những chuyện có thể xảy ra.

Tám ngày. Tràn trề những càm xúc khó thể lặp lại, dù giữa các nhà văn với nhau hay giữa nhà văn với đông đảo công chúng. Hà Nội đã chào mừng các nhà văn như thể họ có khả năng mang đến sự đổi thay nào đó đúng ước nguyện của người dân, của cả cộng đồng…

Từ đó đến nay, 2015, đã 26 năm rồi…

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Đại hội kéo dài 8 ngày, tối nào cũng thức khuya… Ngó mặt là biết.

Trong hình ảnh có thể có: 9 người

Ngoài hành lang, từ trái sang: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thị Hồng, Lê Hoài Nam, Đức Hậu, Ý Nhi, Hoàng Các, Ngô Thị Kim Cúc, Thanh Tùng, ? , Ngô Ngọc Bội.

Trong hình ảnh có thể có: 5 người

6/32 nữ hội viên. Từ trái sang: nhà văn Lê Minh, nhà thơ Ý Nhi, nhà phê bình Thiếu Mai, nữ sĩ Anh Thơ, Ngô Thị Kim Cúc, nhà phê bình Lý Thị Trung.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Ngô Thị Kim Cúc với nữ đạo diễn Hồng Thắm, người đã quay bộ phim tài liệu về đại hội IV, đại hội chỉ-có-1 này

Nguồn: FB Ngô Thị Kim Cúc

Comments are closed.