Những nền tảng của xã hội tự do (Hết)

Phạm Nguyên Trường

9. Tổng kết

Tự do

Tự do tạo ra thịnh vượng. Các xã hội chấp nhận quyền tự do đã làm cho mình trở nên giàu có. Còn các xã hội không tự do thì vẫn nghèo.

Nhưng xã hội tự do còn ưu việt hơn cả về lĩnh vực phi vật chất nữa. Xã hội tự do hoạt động trên cơ sở niềm tin và hợp tác giữa các cá nhân với nhau chứ không phải trên cơ sở quyền lực và cưỡng chế. Công dân của xã hội tự do cùng chia sẻ các mối liên kết văn hóa, cá nhân và đạo đức sâu sắc. Họ chấp nhận những quy tắc hành vi trong quan hệ cá nhân một cách tự nguyện, vì lợi ích chung, chứ không phải vì có người áp đặt những quy tắc lên mối quan hệ giữa họ với nhau. Chính phủ của họ phải được sự chấp thuận của những người bị trị và chính phủ cũng phải tuân theo những luật lệ nhằm ngăn chặn, không cho chính phủ lợi dụng quyền hạn của mình.

Xã hội tự do giải phóng tài năng, óc sáng tạo và khả năng đổi mới của con người. Nó tạo điều kiện cho xã hội sản xuất ra của cải mà trước đây chưa có. Người dân trong xã hội tự do không trở thành những người giàu có bằng cách bóc lột những người khác, như giới ăn trên ngồi trốc ở những nước kém tự do hơn vẫn làm. Họ không thể trở thành người giàu có bằng cách làm cho người khác nghèo đi. Họ chỉ trở thành những người giàu có bằng cách cung cấp cho những người khác những thứ mà những người kia muốn và làm cho cuộc sống của những người kia trở nên tốt đẹp hơn.

Chính phủ hạn chế

Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng cần phải có chính phủ để thực hiện các mục tiêu như giữ gìn cán cân công lí và quyết định về những việc mà các cá nhân không thể nào tự quyết định được. Nhưng gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng quyền lực của chính phủ phải bị hạn chế. Chính phủ của xã hội tự do được sinh ra nhằm ngăn chặn không để người khác hay các công dân của mình gây thiệt hại cho nhau. Chính phủ giữ gìn và thực thi công lí – tức là thực thi những đạo luật của tự nhiên, tạo điều kiện cho người dân hợp tác một cách hòa bình với nhau.

Chính phủ của xã hội tự do bị ràng buộc bằng nguyên tắc pháp quyền. Các đạo luật của xã hội được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người. Các nhà lãnh đạo của xã hội không thể cướp bóc công dân, không thể dành ưu tiên ưu đãi cho bạn bè hay sử dụng quyền lực để chống lại kẻ thù của mình. Quyền hành và thời gian nắm quyền đều được giới hạn nhằm hạn chế tệ tham nhũng, thường song hành với quyền lực. Các thiết chế dân chủ, như các cuộc bầu cử tự do và cởi mở, quyền tự do ngôn luận, giới hạn thời gian giữ chức của những người đại diện và các đạo luật hiến định, tất cả đều nhằm hạn chế quyền lực của các nhà lãnh đạo chính trị.

Bình đẳng hơn

Người nghèo là những người hưởng lợi chính từ sự năng động của nền kinh tế trong các xã hội tự do. So với các xã hội không tự do, xã hội tự do bình đẳng hơn về kinh tế. Người nghèo trong các xã hội tự do nhất được thưởng thức những món hàng xa xỉ mà cách đó chỉ vài năm họ không dám mơ, được thưởng thức những món hàng xa xỉ mà ở các nước phi tự do chỉ những kẻ ăn trên ngồi trốc trong giới cầm quyền mới được hưởng.

Xã hội tự do không tìm cách áp đặt công bằng về vật chất. Xã hội tự do công nhận rằng các cố gắng nhằm tạo ra bình đẳng về của cải hay thu nhập là hành động phản tác dụng. Làm như thế là tiêu diệt động lực tự cải thiện, lao động cần cù và tinh thần dám nghĩ dám làm. Làm như thế là không khuyến khích người dân tích lũy vốn liếng, mà vốn liếng chính là tác nhân làm gia tăng năng suất lao động của toàn xã hội. Làm như thế là ngăn chặn, không thúc đẩy các cá nhân tạo ra của cải và giá trị mới.

Nhưng xã hội tự do được hưởng những quyền bình đẳng thậm chí còn quan trọng hơn, mà các xã hội phi tự do thường không có. Đấy là công nhận quyền bình đẳng về đạo đức của cá nhân: Đời sống của từng người được coi là có giá trị và xứng đáng được bảo vệ. Bình đẳng trước pháp luật: Bản án phụ thuộc vào các sự kiện, không phụ thuộc vào việc người đó là ai. Công dân bình đẳng về chính trị: Tất cả chúng ta đều có quyền bầu cử, quyền ứng cử và thể hiện quan điểm chính trị của mình, dù quan điểm đó có làm cho các nhà chức trách bực mình. Và công dân có quyền bình đẳng về cơ hội: Người dân không bị phân biệt đối xử trong lao động hay giáo dục và có thể cải thiện điều kiện sống của mình, không phụ thuộc vào chủng tộc, tôn giáo, dân tộc hay bất kì đặc điểm nào khác.

Nền kinh tế tự do

Xã hội tự do cho mọi người quyền tự do thực hiện những lựa chọn về kinh tế, và để cho họ tự do thực hiện những lựa chọn mang tính cá nhân, cũng như xã hội của mình. Người dân trong xã hội tự do tạo ra giá trị thong qua trao đổi tự nguyện. Trao đổi tự do làm cho cả hai bên đều được lợi: Nếu không, họ sẽ không trao đổi.

Cá nhân thịnh vượng bằng cách hợp tác với những người khác và cung cấp những sản phẩm mà những người kia cần – và nhận lại những sản phẩm mà mình cần. Hi vọng kiếm lời khuyến khích các doanh nhân tìm kiếm những thứ mà người khác muốn và cung cấp những sản phẩm đó. Giá cả truyền đi tin tức về tình trạng khan hiếm và dư thừa, nói cho người ta biết cần sản xuất cái gì và cất vào kho cái gì. Bằng cách này, thời gian, kĩ năng, công sức, vốn và những nguồn lực khác được tự động chuyển đến nơi có nhu cầu cấp bách và chuyển khỏi những nơi mà việc sử dụng không mang lại nhiều lợi ích như thế. Không cần chính phủ bảo mọi người phải làm gì.

Để hoạt động, nền kinh tế tự do chỉ cần khuôn khổ được chấp nhận về những điều luật về cách thức mà người dân hợp tác với nhau. Trong đó, có luật về quyền sở hữu và chuyển nhượng tài sản và luật về hợp đồng, để các thỏa thuận được các bên tôn trọng. Muốn người dân xây dựng doanh nghiệp và trao đổi hàng hóa thì phải có sở hữu tư nhân. Nhưng sở hữu tư nhân cũng cần, nếu muốn các quyền tự do khác được tôn trọng. Nếu chính quyền kiểm soát tất cả tài sản, thì hoạt động chính trị và tranh luận công khai là việc làm bất khả thi.

Công lí và nguyên tắc pháp quyền

Công lí không phải là thứ có thể được quyết định bởi các nhà lập pháp. Các quy tắc của công lí là một phần bản chất con người – phần quan trọng của chúng ta, nó giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác hòa bình giữa các cá nhân với nhau.

Người dân trong xã hội tự do có quyền hưởng nền công lí tự nhiên này vì tính người của chính họ. Công lí tự nhiên khẳng định rằng luật pháp phải rõ ràng và chắc chắn, luật pháp đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, luật pháp không đòi hỏi người ta làm những việc không thể làm được, luật pháp không hồi tố, và hình phạt là có thể dự đoán được và tương xứng với tội ác. Trong mọi trường hợp, đều phải tuân thủ chuẩn mực tố tụng, xét xử công bằng và không giam giữ trong thời gian dài mà không đưa ra xét xử. Người bị buộc tội phải được coi là vô tội cho đến khi chứng minh được là họ có tội, và cá nhân không bị quấy rối bằng cách truy tố nhiều lần với cùng một tội. Những nguyên tắc này được hầu như tất cả mọi người cùng chấp nhận, không phụ thuộc vào quốc gia, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo.

Để đảm bảo công lí tự nhiên và giữ gìn nguyên tắc pháp quyền, cần một nền tư pháp thực sự độc lập, không bị các nhà lãnh đạo chính trị lèo lái. Tương tự, cảnh sát cũng phải độc lập. Muốn tự do giữ thế thượng phong thì không thể chấp nhận nạn hối lộ và tham nhũng trong lực lượng cảnh sát và ngành tư pháp.

Xã hội tự phát

Xã hội tự do là xã hội tự phát. Xã hội tự do được xây dựng từ hành động của các cá nhân, theo các luật lệ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác một cách hòa bình. Đấy không phải là xã hội do chính quyền áp đặt từ trên xuống. Người ta không cần thỏa thuận về tất cả mọi thứ thì mới hợp tác để tìm kiếm lợi ích chung. Những người trao đổi hàng hóa chỉ cần thỏa thuận về giá cả. Nhưng để việc hợp tác mang lại kết quả cao nhất, các cá nhân phải có thái độ khoan dung đối với quan điểm và hành động của người khác. Xã hội tự do chỉ cho phép cá nhân hoặc chính phủ can thiệp vào hành động của người khác khi người đó đang làm những việc gây ra thiệt hại thực sự. Hạn chế quyền tự do của người dân vì chúng ta cho rằng hành vi của họ làm ta khó chịu hay chướng tai gai mắt là dỡ bỏ tất cả rào cản bảo vệ quyền tự do của tất cả mọi người, quyền tự do mà những người cho rằng mình đứng cao hơn về mặt đạo đức đang tìm cách tước đoạt.

Khoan dung tư tưởng và cách sống của người khác mang lại lợi ích cho xã hội. Sự thật không phải lúc nào cũng rõ ràng; sự thật xuất hiện trong các cuộc đấu tranh tư tưởng. Chúng ta không thể giao cho những người kiểm duyệt cấm đoán những ý tưởng sai. Họ có thể nhầm lẫn và ngăn chặn những tư tưởng và cách hành động mà trong tương lai có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội.

Thế giới của tự do

Các chính quyền độc tài ngày càng khó che giấu hành động trước thế giới. Kết quả là, ngày càng có nhiều nước đang mở cửa cho thương mại và du lịch, và những tư tưởng đang ngày càng lan rộng. Ngày càng có nhiều người nhận thức được những lợi ích của tự do kinh tế và tự do xã hội, và đứng lên đòi tự do.

Khó có thể xây dựng được nền đạo đức và các thiết chế của xã hội tự do nơi không có tự do. Tốt nhất là bắt đầu ở cấp cơ sở, bằng cách tạo điều kiện cho người dân hành động một cách tự do và xây dựng xã hội tự do thông qua hành động của mình chứ đừng áp đặt trên quy mô lớn. Quan trọng nhất là thiết lập quyền sở hữu, để người dân có thể xây dựng doanh nghiệp và buôn bán với niềm tin rằng tài sản của họ sẽ không bị tịch thu.

Các cuộc cải cách cần tạo ra tự do kinh tế thực sự, chứ không phải là chủ nghĩa tư bản ô dù. Quá nhiều chính phủ đã tuyên bố tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhưng trên thực tế, chỉ đơn giản là chuyển giao quyền sở hữu các doanh nghiệp này cho bạn bè và người thân của họ mà thôi. Toàn dân phải tham gia vào quá trình cải cách kinh tế, đấy là nói nếu muốn có thay đổi thực sự.

Các nước sẽ không bị thiệt hại vì mở cửa cho thương mại quốc tế. Bảo hộ sản xuất trong nước, không để cho hàng hóa nước ngoài cạnh tranh chỉ có nghĩa là người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho những món hàng có chất lượng thấp hơn. Trở thành một phần của cộng đồng thương mại quốc tế sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước những thị trường mới và cơ hội mới. Quá trình mở cửa cho thương mại trong hơn ba thập kỉ qua đã đưa hơn một tỉ người thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Tự do thực sự là một trong những lực lượng nhân từ và hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại.

Tài liệu đọc thêm

Ashford, N. (2003), Principles for a Free Society (Những nguyên lí của xã hội tự do), Stockholm: Jarl Hjalmarson Foundation.

Bastiat, F. (2001 [1850]), Bastiat’s ”The Law” (London: Institute of Economic Affairs, Luật pháp, Nhà xuất bản Tri thức, 2015).

Benn, E. (1964), Why Freedom Works (Tại sao tự do mang lại hiệu quả), London: Sir Ernest Benn Ltd.

Butler, E. (2009), The Best Book on the Market: How to Stop Worrying and Love the Free Economy (Cuốn sách hay nhất về thị trường: Ngừng lo lắng và yêu nền kinh tế tự do), Oxford: Capstone Books.

Butler, E. (2012), Public Choice – a Primer, London: Institute of Economic Affairs. Lựa chọn công –- Lược khảo, Nhà xuất bản Tri thức, 2017

Butler, E. (2012), Friedrich Hayek: The Ideas and Influence of the Libertarian Economist, (Friedrich Hayek: Những tư tưởng và ảnh hưởng của nhà kinh tế học theo trường phái tự do cá nhân), Petersfield: Harriman House.

Friedman, M. with R. Friedman (1962), Capitalism and Freedom (Chủ nghĩa tư bản và Tự do), Chicago, IL: University of Chicago Press.

Friedman, M. and R. Friedman (1980), Free to Choose (Tự do lựa chọn), New York: Harcourt Brace Jovanovich.

Hayek, F. A. (1944), The Road to Serfdom, London: Routledge (Đường về nô lệ, Nhà xuất bản Tri thức, 2009).

Hayek, F. A. (1960), The Constitution of Liberty (Hiến pháp của tự do), London: Routledge.

Meadowcroft, J. (ed.) (2008), Prohibitions (Cấm đoán), London: Institute of Economic Affairs.

Mill, J. S. (1859), “On Liberty” trong J. S. Mill (2008), On Liberty and Other Essays, Oxford: Oxford University Press (Bàn về tự do, Nhà xuất bản Tri thức, 2005).

Norberg, J. (2003), In Defense of Global Capitalism (Bảo vệ chủ nghĩa tư bản toàn cầu), Washington, DC: Cato Institute.

Palmer, T. G. (ed.) (2011), The Morality of Capitalism (Đạo đức của chủ nghĩa tư bản), Arlington, VA: Students for Liberty and Atlas Foundation (Thị trường và Đạo đức, Nhà xuất bản Tri thức, 2014).

Pirie, M. (2008), Freedom 101 (Tự do 101), London: Adam Smith Institute.

Wellings, R. (ed.) (2009), A Beginner’s Guide to Liberty (Kim chỉ nam về tự do cho người mới bắt đầu), London: Adam Smith Research Trust.

Comments are closed.