Những yếu tố nằm ngoài các nhà văn

Bùi Ngọc Tấn

Ngày 25/11/2005, tại thành phố Hải Phòng, Hội nhà văn Hải Phòng đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học nhan đề Ðể có tác phẩm hay. Tham dự hội thảo có nhiều nhà văn nhà thơ của Hải Phòng và Hà Nội. Bản tham luận của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của mọi người.

Viết hay là mục tiêu và khát vọng của tất cả những người cầm bút chúng ta. Ðã có bao nhiêu cuộc hội thảo như thế này và gấp nghìn vạn lần như thế là những cuộc trao đổi trò chuyện tay đôi, tay ba, tay bốn tay năm về sáng tác những khi gặp gỡ, những lúc trà dư tửu hậu. Thế nhưng điều ước mong ấy vẫn chưa biến thành hiện thực, vẫn như một lời thách đố với tất cả. Trong sản xuất, người ta có thể có những ki lô tôm loại 2, những đôi giầy, những chiếc sơ mi loại 2. Nhưng trong văn chương, loại 2 đồng nghĩa với một con số không tròn trĩnh. Viết văn loại 2 cũng có nghĩa là không viết gì cả. Và như vậy là lãng phí cả cuộc đời mình.

Trong cuộc hội thảo hôm nay, nhiều bạn đã có và sẽ có những ý kiến sâu sắc, xác đáng về việc làm thế nào để không lãng phí đời mình, viết được những tác phẩm loại 1, những tác phẩm có thể chống chọi với thời gian. Cũng hướng đến mục tiêu ấy, tôi xin được đề cập tới một lĩnh vực khác, nằm ngoài những yếu tố chủ quan của các nhà văn, nhưng vô cùng quan trọng: Lĩnh vực in ấn, xuất bản. Một sáng tác dù viết công phu đến đâu, sâu sắc đến đâu, tài tình đến đâu nếu không được in ấn, không được xuất bản, nghĩa là không đến được với bạn đọc thì vẫn không trở thành tác phẩm mà chỉ là những bản thảo nằm mốc trong ngăn kéo bàn viết của nhà văn. Xuất bản là một công việc đặc biệt quan trọng đối với người sáng tác. Nó đòi hỏi những người làm việc này phải có tinh thần trách nhiệm rất cao trước nghệ thuật, trước nhân dân, một tinh thần trách nhiệm, dũng cảm theo tôi cao hơn các nhà văn rất nhiều. Cùng một quyển sách, nhà văn khi viết dũng cảm và trách nhiệm năm thì ông giám đốc xuất bản khi in dũng cảm và trách nhiệm mười. Nếu tập sách được bạn đọc khen ngợi và đánh giá cao thì vinh quang nhà văn hưởng trọn, người ta không nhớ hoặc rất ít khi nhớ người quyết định in tập sách là ai. Còn nếu tập sách bị cấm, bị thu hồi, nhà văn không mất gì cả nhưng người biên tập hoặc ông giám đốc xuất bản có thể bị ghi sổ đen, bị kỷ luật, thậm chí bị mất chức, vỡ cái niêu cơm gia đình mà ông ta là người kiếm gạo. Tôi xin các bạn một tràng vỗ tay hoan nghênh và cám ơn những ông bầu của chúng ta, những biên tập viên, những giám đốc nhà xuất bản dũng cảm, trách nhiệm, có bản lĩnh, vì sự tiến bộ của văn học đã cho ra đời những tác phẩm “có vấn đề”, dù biết rằng mình có nguy cơ lâm nạn. (Riêng tôi, đặc biệt cám ơn các anh Vương Trí Nhàn, Nguyễn Kiên NXB Hội nhà văn, chị Hoàng Ngọc Hà NXB Hà Nội, anh Bùi Văn Ngợi, anh Phạm Ðức, anh Cao Giang NXB Thanh Niên, anh Hải Lộc, anh Phạm Ngà NXB Hải Phòng, những người đã biên tập và xuất bản các tác phẩm của tôi khi tôi cầm bút viết văn trở lại với bao khó khăn bỡ ngỡ và luôn mắc một cố tật là muốn nói sự thật.) Ðã đành rằng ngày nay có thể đưa những sáng tác đó lên mạng, nhưng đó chỉ là hạ sách. Tôi luôn nhớ lời ông Vũ Quốc Phan, người anh con cô con cậu của Nguyên Hồng ở Paris đã nói cùng tôi: “Tôi quý nhất là tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của Tấn in ở trong nước chứ không phải đưa lên mạng hay in ở nước ngoài.” Bằng việc cho ra đời một tập sách, chúng ta không chỉ đơn thuần muốn công bố nó mà còn muốn góp một phần của mình vào tiến trình dân chủ hoá.

Dân chủ tự do phải từ trong chúng ta mà ra, từ tay chúng ta mà có, không ai ban phát. Mỗi chúng ta phải tự mình nhích từng bước trên con đường dân chủ, tự do. Và công tác xuất bản chính là sự sẻ chia với chúng ta, là bàn tay đỡ chúng ta đi, khuyến khích chúng ta bước trên con đường tự do dân chủ.

*

Trong tháng 3 năm 2000, nhiều báo đã đăng một tin đáng chú ý với những người làm nghệ thuật, đặc biệt là đối với tôi. Chỉ xin đọc ở đây bản tin của Thông tấn xã Việt Nam:

Ngày 16-3-2000, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 395QD-BVHTT đình chỉ phát hành và thu hồi tiêu huỷ Chuyện kể năm 2000 của tác giả Bùi Ngọc Tấn do Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản vì đã vi phạm khoản 1 và 2 điều 22 luật xuất bản, điểm 1 và 3 quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm của Bộ VHTT (số 01/1998/QD/BVHTTngày 39-7-1998), điều 8 về quy chế liên doanh về in và phát hành xuất bản phẩm của Bộ VHTT (số 75/1999/QD/BVHTT ngày 18-11-1999). Cũng theo quyết định này, Ban Bí thư Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan chủ quản của nhà xuất bản Thanh Niên có hình thức kỷ luật nghiêm khắc ban giám đốc nhà xuất bản Thanh Niên và những người có liên quan trong việc xuất bản và phát hành cuốn Chuyện kể năm 2000.

Vâng. Tập tiểu thuyết gan ruột của tôi, tập tiểu thuyết của đời tôi chưa phát hành đã bị thu hồi tiêu huỷ. Tôi vội đi tìm luật xuất bản để biết hai khoản 1 và 2 điều 22 luật xuất bản là thế nào để đến nỗi quyển tiểu thuyết của tôi bị cấm. Tôi xin đọc tại đây văn bản của luật pháp để chúng ta cùng biết mà tránh:

Khoản 1 của điều 22 có nội dung ngắn gọn như sau: (Nghiêm cấm các tác phẩm có nội dung) Chống lại nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Còn sau đây là khoản 2 của điều 22 trong luật xuất bản: (Nghiêm cấm các tác phẩm có nội dung) Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mĩ tục.

Thế là đã rõ. Bộ tiểu thuyết của tôi mắc toàn trọng tội: Chống lại nhà nước CHXHCNVN, tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược. Rồi gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước. Lại còn truyền bá tư tưởng văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội và trăm thứ bà rằn khác nữa?!!??

Rõ ràng đây là một sự vu cáo chính trị, và cũng có thể là cả hài hước nữa mà tôi đồ rằng khi ông thứ trưởng Phan Khắc Hải viết và ký quyết định đã cười một mình, ông đã phải tự trào với chính ông.

Mỗi người đều có quyền đánh giá một tác phẩm theo ý của mình, nhưng không được vu cáo, lại càng không được dùng quyền lực mà nhân dân đã trao cho để tuỳ tiện nghiền một tác phẩm thành bột.

Cho phép tôi được nói ở đây một mặt khác của sự đánh giá về tập tiểu thuyết của tôi không phải như nói về mình mà nói về một sự thật khách quan khác. Ngược lại với sự đánh giá của ông thứ trưởng Phan Khắc Hải, Chuyện kể năm 2000 được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh và chào đón. Tất cả đều phản đối sự quy chụp của ông Phan Khắc Hải. Rằng không thể có chống lại nhà nước, không thể có tuyên truyền chiến tranh, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, kích dục… trong tiểu thuyết của tôi. Rõ ràng đây là một vụ án sách oan ức. Tôi nhắc đến tập sách của tôi bị thu hồi tiêu huỷ như một ví dụ nhằm nói tới một điều tối quan trọng khác để có những tác phẩm hay, mà điều này cũng lại nằm ngoài các nhà văn: Sự đánh giá của nhà nước. Bởi vì việc cấm một sáng tác nào đấy đâu chỉ là đối với riêng tác phẩm đó. Nó còn có ý nghĩa đối với toàn thể, đối với tất cả. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã có một tổng kết rất thú vị: Trước Cách mạng tháng Tám các tác phẩm xuất sắc gần như xuất hiện đồng thời, đó là kết quả của sự say mê sáng tạo, kích thích nhau làm việc, thậm chí cho nhau cả đề tài, là sự gọi nhau giữa các tác giả, sự gọi nhau giữa các tác phẩm, và cả chuyện con gà tức nhau tiếng gáy… Cấm một tác phẩm này đồng thời cũng là làm thui chột những sáng tạo khác, là sự khuyến khích viết những tác phẩm tầm tầm, những tác phẩm trung bình mà mục tiêu số một là đúng. Lại phải một lần nữa nhắc đến Vũ Trọng Phụng. Ông đã riễu cợt cảnh sát với hình ảnh hai thày Min đơ, Min toa, đã xúc phạm chính sách khen thưởng của Ðức Vua bằng việc trao bằng tiết hạnh khả phong cho bà Phó Ðoan, nâng tên lưu manh chính hiệu là Xuân Tóc Ðỏ lên thành anh hùng cứu quốc. Không chỉ riễu cợt tất cả, ông còn bịa ra cả lịch sử: Hai nhà vua Việt Nam và Xiêm La cùng xem đánh quần vợt và hoà bình được duy trì nhờ cú lốp bóng hỏng của Xuân. Nếu nhà nước bảo hộ là thực dân Pháp hồi đó cũng ngặt nghèo như ông Phan Khắc Hải, như sự không kiểm duyệt mà hoá ra siêu kiểm duyệt hôm nay thì làm sao chúng ta và con cháu chúng ta được đọc Số đỏ, một kiệt tác làm vinh dự cho văn học Việt Nam. Thật may! Thực dân Pháp và triều đình Huế đã không làm như vậy!

Kính thưa các vị đại biểu,

Thưa các bạn đồng nghiệp,

Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói ở đây là ý kiến về Hội Nhà văn. Hội Nhà văn là một hội chính trị, nghề nghiệp như điều lệ Hội đã định rõ. Việc bảo vệ hội viên của mình nằm trong trách nhiệm của Hội. Giờ đây bộ tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của tôi ra đời và bị thu hồi tiêu huỷ đã được hơn năm năm, một thời gian đủ để có thể thẩm định về nó. Tôi đề nghị Hội Nhà văn đứng ra tổ chức hội thảo về quyển tiểu thuyết của tôi, để có một đánh giá chuẩn xác hơn về mặt chính trị cũng như nghệ thuật, minh oan cho một vụ án sách oan sai. Một vụ án người oan sai có thể bị lãng quên, nhưng một vụ án sách oan sai thì đời đời còn đó.

Thực ra Chuyện kể năm 2000 đã hoàn thành nhiệm vụ của nó. Ðề nghị này của tôi không phải xuất phát từ Chuyện kể năm 2000. Tôi mong muốn rằng việc hội thảo tập tiểu thuyết của tôi sẽ mở đầu cho những cuộc hội thảo tương tự tiếp theo: Hội thảo về những tác phẩm bị cấm và có vấn đề, nhằm xác định những điều đúng đắn của quyết định nếu quyết định ấy là đúng đắn, tránh những lời eo xèo đồn thổi, mặt khác bảo vệ những sáng tác của các hội viên nếu sáng tác ấy xứng đáng được bảo vệ. Làm được công việc khó khăn này chắc chắn Hội sẽ nâng cao uy tín của mình trong xã hội cũng như trong mỗi hội viên. Nhà văn chúng tôi sẽ yên tâm biết bao khi miệt mài trên bàn viết bởi tin rằng sau lưng mình là Hội, là Ban Chấp hành và những người trung thực tâm huyết lúc nào cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ những sáng tạo của mình mà công việc sáng tạo chân chính chẳng mấy khi không gặp hiểm nguy.

© 2005 talawas

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:Q57JGOCYwyoJ:www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res%3D5944%26rb%3D0102+%22Tham+lu%E1%BA%ADn+c%E1%BB%A7a+nh%C3%A0+v%C4%83n+B%C3%B9i+Ng%E1%BB%8Dc+T%E1%BA%A5n%22&hl=vi&ct=clnk&cd=5&gl=vn

Comments are closed.