Phân biệt nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn

Phùng  Hà Thanh

Theo blog Phùng Hà Thanh (1) (2)(3)

Caunguyen 5_1Lời ngỏ

Bài viết “Một Luận Văn Mơ Hồ và Sai Lầm” đăng trên Văn Nghệ số 28 (2787) ra ngày 13 tháng 7 năm 2013 của Ban Lý Luận Phê Bình đánh giá rằng luận văn thạc sỹ “Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng Từ Góc Nhìn Văn Hóa” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) thiếu tính khách quan của khoa học trong cách thức triển khai nghiên cứu cũng như trình diễn một thứ ngôn ngữ khoa trương, không rõ ràng chặt chẽ, không phù hợp với văn phong khoa học. Vâng, theo nhận định của tôi, luận văn của Đỗ Thị Thoan không phải là một nghiên cứu khoa học.  Nói ra điều này không có nghĩa là tôi hưởng ứng bài viết. Trái lại, tôi không thấy giá trị của việc phê phán một công trình nghiên cứu theo hướng nhân văn là không khoa học. Hành động đó giống như việc phê phán một người là hỏng vì người ấy là con gái chứ không phải là con trai, là da trắng chứ không phải da màu. Trong bài viết này tôi không tham vọng bảo vệ luận văn thạc sỹ ấy mà chỉ muốn chia sẻ rằng học thuật không chỉ có nghiên cứu khoa học mà còn có nghiên cứu nhân văn. Theo tôi, dùng từ “khoa học” để chỉ nghiên cứu học thuật nói chung đe dọa những đường hướng mang tính nhân văn/nghệ thuật.

Giải thích các thuật ngữ rất dễ rơi vào yêu cầu giải thích bất tận bởi khi nói về một thuật ngữ này thường sẽ cần dùng tới những thuật ngữ khác cũng nên được giải thích. Cách giải thích của tôi chỉ là một trong nhiều khả thể. Tôi thừa nhận mình tránh giới thiệu một số thuật ngữ mà sự hiểu biết chúng có thể làm sáng rõ nhiều vấn đề được nói tới song việc giải thích chúng lại vượt quá khả năng viết của tôi tại thời điểm này. Một số khái niệm được nhắc tới trong bài là những khái niệm khó, có nhiều nghĩa và lịch sử phức tạp- tôi chưa thể bàn luận tường tận. Hiểu biết của tôi còn hạn chế, mà trình bày hết những điều mình biết cũng là không thể. Tôi chỉ gói ghém câu chữ làm sao cho ra được một ý rằng trong học thuật khoa học không phải là tất cả. Bài viết này không chỉ là sự đối đáp với Ban Lý Luận Phê Bình của báo Văn Nghệ. Nó còn là lời trần tình với những ai đang dùng từ “khoa học” cho tất cả các hoạt động nghiên cứu, không chỉ trong lĩnh vực văn chương.

Tôi sẽ không dùng nhiều trích dẫn, nhưng xin bày tỏ lòng biết ơn tới tác giả tôi gặp gỡ đầu tiên khi mới tìm hiểu về nghiên cứu học thuật, Michael Crotty, và những triết gia sau này ảnh hưởng sâu sắc tới cách tôi hiểu về học thuật, Michel Foucault, Jacques Rancière và Lynn Fendler.

Bài viết sẽ được đăng thành 3 kỳ. Kỳ 1 là những mô tả chung về vấn đề tôi quan tâm. Kỳ 2 bàn về nghiên cứu khoa học. Kỳ 3 nói tới nghiên cứu nhân văn, tính học thuật của nghiên cứu và trình bày lời kết. Người viết mong bạn đọc kiên nhẫn, rộng lượng và chờ những trao đổi thiện chí.

 Phân Biệt Nghiên Cứu Khoa Học và Nghiên Cứu Nhân Văn

1. Những Mô Tả Chung

1.1. Tính Thời Thượng và Sự Lấn Át của “Nghiên Cứu Khoa Học”

Trong dụng ngôn thông thường ở Việt Nam từ “nghiên cứu” hay đi kèm với từ “khoa học.” Rất nhiều phòng ban, hội thảo, tác phẩm nghiên cứu vượt ra ngoài khuôn khổ của nghiên cứu khoa học hoặc không phải là nghiên cứu khoa học vẫn tự định danh cho mình bằng cụm từ ấy. Bìa 1 luận văn của Đỗ Thị Thoan có dòng: LUẬN VĂN THẠC SỸ: KHOA HỌC NGỮ VĂN. Từ “khoa học” ở đây có nghĩa gì? Tôi không rõ Khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Việt Nam hay là “phương Đông” đã sáng tạo nghĩa từ “khoa học” khác với nghĩa từ “science” của “phương Tây” như thế nào[1]. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, “khoa học” đã trở thành một đơn vị ngôn ngữ được lưu chuyển rộng rãi khắp các quốc gia và nghĩa phổ biến của nó đang bị quy định bởi văn minh phương Tây. Bài viết này làm việc với nghĩa phổ biến của “khoa học” trong nghiên cứu học thuật trên thế giới.

Tôi tưởng tượng rằng tất cả các nghiên cứu ở Đại Học Sư Phạm Hà Nội và nhiều trường đại học đầu ngành khác ở Việt Nam, ít nhất là trong các thủ tục hành chính, đều gọi là “nghiên cứu khoa học.” Vị thế nổi bật của khoa học trong xã hội hiện đại khiến cho “nghiên cứu khoa học” trở nên thời thượng và lấn át. Đây không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Tại Mỹ, người ta rất ít dùng cụm từ “scientific research” (nghiên cứu khoa học) nhưng từ “research” (nghiên cứu) cũng thường được ngầm gắn với tính khoa học. Tuy vậy, nghiên cứu học thuật trong các ngành xã hội không chỉ có nghiên cứu khoa học. Nó còn có thể mang tính nhân văn/nghệ thuật. Năm 2009, Hiệp Hội Nghiên Cứu Giáo Dục Hoa Kỳ AERA đưa ra chuẩn báo cáo nghiên cứu hướng nhân văn cho ngành giáo dục và theo đó thuật ngữ “nghiên cứu hướng nhân văn” (humanities oriented research) dùng để chỉ “các loại hình nghiên cứu quen thuộc được dùng trong các lĩnh vực như lịch sử, triết học mà rõ ràng không phù hợp với các chuẩn khoa học xã hội cũng như các đường hướng mới nổi trong nghiên cứu giáo dục không xác định với các ngành nhân văn truyền thống” (Xem tr. 481 tại đây).

1.2. “Khoa Học Xã Hội” và “Nhân Văn” (Không Phải là “Khoa Học Nhân Văn”)

Chúng ta đang ở Việt Nam chứ không phải là ở Mỹ, nhưng tôi dám chắc giới học thuật Việt Nam đã phát triển nghiên cứu nhân văn cùng với nghiên cứu khoa học. Chúng ta có trường “Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn”, được dịch sang tiếng Anh là “University of Social Sciences and Humanities.” Những người coi khoa học là bao trùm tất cả các hoạt động học thuật của con người có thể áp “khoa học” lên “nhân văn”, và dịch “humanities” thành “khoa học nhân văn”, một cách dịch khá phổ biến, được sử dụng trong nhiều từ điển uy tín. Cũng có thể cách dịch này đến từ một thói quen ngôn ngữ: khi “khoa học xã hội” đi kèm với “nhân văn” và từ “nhân văn” thường đứng sau thì người ta dễ cho rằng ngành xã hội và ngành nhân văn cùng nền tảng khoa học và chỉ khác nhau về đối tượng nghiên cứu. Theo tôi được biết, nếu nói tới tính khoa học thì song song với khoa học xã hội là khoa học tự nhiên chứ không phải là nhân văn. Khi nói tới đối tượng nghiên cứu là các hoạt động xã hội của con người thì song song với khoa học xã hội (cách tiếp cận khoa học) là nhân văn (cách tiếp cận nhân văn).

Nếu từ “khoa học” bao trùm tất cả các hoạt động học thuật thì hẳn là nó không thể chỉ có tính khách quan như Ban Lý Luận Phê Bình báo Văn Nghệ quan niệm. Dẫu ai đó có gọi nhân văn là “khoa học nhân văn” đi nữa thì những thực hành nghiên cứu ở những ngành học thuật như nghiên cứu văn học so với các ngành hướng khoa học xã hội như tâm lý học, ngôn ngữ học không chỉ có những khác biệt về đối tượng mà còn về cách thức nghiên cứu cũng như các tiền giả định mà nhà nghiên cứu nương tựa. Những khác biệt này cần được thừa nhận chứ không phải là bị quy thành lỗi không đúng chuẩn mực của khoa học.

Như cách nói của giới “nghiên cứu và phê bình” văn học Việt Nam thì luận văn của Đỗ Thị Thoan thiên về phê bình, và phê bình cũng thuộc địa hạt của nghiên cứu, nếu “nghiên cứu” được hiểu theo nghĩa rộng, chỉ những hoạt động tìm tòi có ý thức của con người. Nếu hiểu “nghiên cứu” theo nghĩa hẹp, quy về “khoa học”, thì vẫn còn từ “phê bình” mở ra một không gian làm việc tại đó người viết có quyền thể hiện góc nhìn và phong cách viết cá nhân, không hướng tới sự xác lập chân lý mà tới các giá trị đạo đức hoặc/và thẩm mỹ.

Trên thế giới, những đường hướng học thuật nhân văn tự tách mình khỏi nhận thức luận khoa học. Nói một cách khác, có một cách nhìn, một cách dụng ngôn hiện nay đang có giá trị vì nó phản ánh thực tế cũng như mong muốn của nhiều người trong giới học thuật: nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn là khác nhau. Theo cách nhìn và cách dụng ngôn đó, nghiên cứu khoa học hướng tới chân lý (truth) còn nghiên cứu nhân văn hướng tới hiệu quả giao tiếp (effect), các giá trị đạo đức (morality) hoặc/và thẩm mỹ (aesthetics). Có thể hiểu nghiên cứu theo nhân văn là nghiên cứu không chịu sự quy định của các chuẩn khoa học.

Các ngành học thuật xã hội thường được gọi tên dựa trên đối tượng nghiên cứu của chúng và theo cách gọi tên như vậy hầu như không có ngành nào nằm gọn trong cách tiếp cận khoa học hay nhân văn. Phân chia các ngành học thuật thành ngành xã hội và ngành nhân văn chỉ là sự đơn giản hóa và mang tính bối cảnh.

Có những ngành thiên về khoa học như kinh tế học, tâm lý học, ngôn ngữ học, v.v., nhưng cũng có những ngành rộng mở hơn. Người ta có thể tiếp cận triết học, lịch sử, văn học, giáo dục, nhân chủng học theo hướng khoa học hay theo hướng nhân văn. Triết học phân tích (analytic philosophy) thiên về khoa học logic[2] còn triết học lục địa (continental philosophy) mang tính nhân văn nhiều hơn. Ngôn ngữ của các triết gia thuộc trường phái triết học lục địa như Nietzsche, Foucault hay Rancière là thứ ngôn ngữ giàu chất thơ. Viết sử dựa trên các cứ liệu khách quan, thông qua các quy trình khách quan và hướng tới các chân lý khách quan chỉ là một trong những đường lối của sử học. Hayden White, một sử gia người Mỹ, đã trở nên tiếng tăm với quan niệm viết sử giống như viết văn. Theo ông tác phẩm sử học có thể phân chia thành các thể loại giống như các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Tại mỗi thời điểm-không gian học thuật cụ thể có thể có một đường hướng nghiên cứu nổi trội hơn. Nghiên cứu văn học, cùng với triết học và sử học, từ xưa tới nay vẫn được xếp vào nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật vì chúng rộng mở với các đường hướng nhân văn/nghệ thuật.[3] Tuy nhiên ở Mỹ, hiện tại phương pháp luận khoa học lấn át hơn trong tất cả các ngành học thuật xã hội- trừ nghiên cứu văn học. Nếu coi văn học là một đối tượng nghiên cứu quy định sự hình thành và phát triển của ngành nghiên cứu văn học thì ngành nghiên cứu này rõ tính đa ngành (multidisciplinarity) và liên ngành (interdisciplinarity). Lý thuyết và thực hành của nó giao với lý thuyết và thực hành của các ngành học thuật khác như triết học, sử học, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học v.v. Theo phân loại thông thường, xã hội học, tâm lý học và ngôn ngữ học là các ngành khoa học trong khi đó triết học và sử học nằm trong nhóm ngành nhân văn/nghệ thuật. Dựa trên cách thức nghiên cứu văn học ứng xử với đối tượng nghiên cứu của mình, người ta có thể xếp các tác phẩm nghiên cứu văn học vào các ngành đã kể, nhưng thao tác này nhiều khi không cần thiết và không thực hiện được.

Theo thực tế học thuật ở Việt Nam, các khoa ngữ văn thường có hai mảng ngôn ngữ và văn học. Mảng ngôn ngữ học mang tính khoa học còn mảng nghiên cứu và phê bình văn học (theo nghĩa phân biệt với ngôn ngữ học) không được đặc trưng bởi tính khoa học mà đón nhận nhiều đường hướng khác nhau. Văn phong của nhiều nhà nghiên cứu và phê bình văn học thành công là thứ văn phong có sức quyến rũ riêng biệt chứ không phải là thứ ngôn ngữ sản xuất hàng loạt theo các khung khổ.

Ngay trong những lĩnh vực mà phương pháp luận khoa học hiện chiếm ưu thế các tổ chức học thuật và cá nhân các học giả vẫn không ngừng nỗ lực tạo không gian cho những đường hướng nhân văn/nghệ thuật. Việc xuất bản bộ chuẩn nghiên cứu định hướng nhân văn năm 2009 của Hiệp Hội Nghiên Cứu Giáo Dục Hoa Kỳ AERA là một ví dụ. Cuối năm 2010, đầu năm 2011, Hiệp Hội Nghiên Cứu Nhân Chủng Học Hoa Kỳ AAA đã loại bỏ từ “khoa học” trong nhiều đoạn văn bản về tầm nhìn của tổ chức và khẳng định sức mạnh của nhân chủng học nằm ở sự liên lạc giữa các ngành khoa học và nhân văn (xem tại đâyđây). Không có những động thái tương tự trong ngành nghiên cứu và phê bình văn học ở các nước phát triển có lẽ bởi khoa học chưa từng lấn át ngành này.

2. Sơ Lược về Nghiên Cứu Khoa Học

2.1. Giới Thiệu Chung

Trình bày lịch sử phát triển của khoa học xã hội phương Tây có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi quan tâm hơn tới những nghĩa, vấn đề đương thời của “nghiên cứu khoa học.”

Nghiên cứu khoa học là một hành trình tìm kiếm sự thật (fact)/chân lý (truth) về sự vật hiện tượng được xác định là vấn đề nghiên cứu dựa trên phương pháp luận khoa học. Phương pháp luận (methodology) của một nghiên cứu khoa học là hệ thống các phương pháp (method) và kĩ thuật (technique) được thiết kế, thực thi và trình bày một cách tường minh sao cho người nghiên cứu có thể tìm được và trình hiện sự thật/chân lý mang tính “khách quan” (objectivity) về vấn đề nghiên cứu. Phương pháp luận khoa học dựa trên một nhận thức luận (epistemology) giả định rằng con người có thể nhận thức được chân lý “khách quan” về hiện thực và những chân lý “khách quan” này có giá trị cho đời sống của con người, một cách tự thân hoặc như một công cụ.

Giới học thuật đã xác lập các phương pháp (luận) nghiên cứu khoa học khác nhau. Mỗi phương pháp (luận) là một công thức- nhà nghiên cứu vận dụng linh hoạt mà nghiêm ngặt để công trình được đánh giá là có tính khoa học. Mặc dù khoa học xã hội có những bước chuyển mình nhờ sự tìm tòi, đón nhận những phương pháp nghiên cứu mới và sự phủ định các chân lý đã được xác lập, nghiên cứu khoa học đặt trọng tính chuẩn mực. Nó dựa trên những phương cách đã xác lập và hướng tới sự xác lập chân lý. Các tác phẩm nghiên cứu khoa học cũng cần được trình bày theo các quy chuẩn đã xác lập. Khó có thể có hình dung trước cấu trúc của một tác phẩm theo hướng nhân văn nhưng một nghiên cứu khoa học thường sẽ chia thành các chương: Giới thiệu (Introduction), Lịch sử vấn đề (Literature review), Phương pháp luận (Methodology), Kết quả nghiên cứu và bàn luận (Results and Discussion), và Kết luận (Conclusion). Chúng ta còn có thể hình dung các đề mục nhỏ trong mỗi chương của báo cáo khoa học. Chương Phương pháp luận sẽ trình bày đường hướng nghiên cứu, quy trình thiết kế và triển khai nghiên cứu như chọn mẫu (sampling), thu thập dữ liệu (data collection), và xử lý dữ liệu (data analysis). Văn phong khoa học phải rõ ràng và chặt chẽ, còn mức độ cá nhân hay phi cá nhân là tùy lựa chọn của nhà nghiên cứu.

Người ta thường nhắc tới phương pháp định lượng và định tính, song tôi chọn nói về phương pháp luận nghiên cứu khoa học theo các nhận thức luận để tìm tới những giả định về kiến thức nằm trong cách thức triển khai, trình bày và đánh giá nghiên cứu. Bài viết chỉ mong đem lại những hình dung sơ lược về nghiên cứu khoa học xã hội và chỉ đề cập những phạm trù nhận thức luận lớn gắn với phương pháp luận khoa học. Tính tổng quan và tóm tắt của nó không thể phản ánh hết sự phong phú của những cách con người nhận thức thế giới.

2.2. Nghiên Cứu Khoa Học theo Thực Chứng Luận

Trong giai đoạn đầu của khoa học xã hội, phương pháp luận khoa học gắn với nhận thức luận thực chứng (positivism)[4]. Nhận thức luận này cho rằng có những chân lý độc lập với ý thức của con người và nhà nghiên cứu có nhiệm vụ tìm ra những chân lý đó. “Chân lý” chỉ những quy luật hay những hình mẫu mô tả đúng đắn một hay nhiều phiến hiện thực xã hội rộng lớn. “Khách quan” nghĩa là tồn tại độc lập với ý thức của con người. Người nghiên cứu phải thực hiện các thao tác làm giảm ảnh hưởng của cá nhân mình và sự cá biệt của bối cảnh nghiên cứu. Một nghiên cứu theo nhận thức luận thực chứng được đánh giá ở tính hiệu lực (validity) và độ tin cậy (reliability).

Tính hiệu lực chỉ sự đạt được mục đích nghiên cứu, bao gồm việc nghiên cứu trúng vấn đề đặt ra và đưa ra các kết luận phản ánh chính xác sự vận động của thế giới khách quan theo một quy trình đúng đắn. Tính nội hiệu lực chỉ việc kết quả nghiên cứu có được không phải do các yếu tố gây nhiễu mà là do mối quan hệ giữa các biến số. Tính ngoại hiệu lực (external validity) hay khả năng khái quát hóa (generalizability) là khả năng kết quả nghiên cứu trên một mẫu (sample) áp dụng một cách phổ quát cho cả dân số (population) là các sự vật hiện tượng cùng loại. Khoa học xã hội theo thực chứng luận có khả năng phỏng đoán. Các chân lý mà nó kiểm chứng được hoặc không phủ nhận được thì chưa chắc đã luôn luôn đúng, nhưng có xác suất đúng cao hay là khả năng sai nhỏ.

Độ tin cậy là sự nhất quán của kết quả nghiên cứu nếu nghiên cứu được thực hiện nhiều lần. Nghiên cứu khoa học được đặc trưng bởi tính có thể lặp lại (replicability).

Tính nội hiệu lực, khả năng khái quát hóa và sự nhất quán của kết quả nghiên cứu hướng tới tính “khách quan” của chân lý – tức là tính tồn tại độc lập với ý thức của con người. Theo thực chứng luận để đạt tới chân lý khách quan quy trình nghiên cứu cũng như sự trình bày nghiên cứu cũng cần khách quan. Sự khách quan của quy trình nhằm chỉ tính tường minh và có thể lặp lại, còn sự khách quan của việc trình bày nghiên cứu chỉ việc sử dụng ngôn ngữ phi cá nhân và tuân theo các khuôn mẫu được đề ra bởi giới khoa học hữu quan.

Thực chứng luận thường gắn với các phương pháp nghiên cứu định lượng, nhưng nghiên cứu định lượng chưa chắc đã theo thực chứng luận cũng như nghiên cứu định tính có thể được định hình bởi nhận thức luận này.

2.3. Nghiên Cứu Khoa Học theo Kiến Tạo Luận

Khoa học xã hội dần dần dung nạp các nhận thức luận khác nhau- có thể kể ra: chủ nghĩa kiến tạo (constructivism/constructionism), chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) và lý thuyết phê phán (critical theory). Những nhận thức luận này không cho rằng chân lý độc lập với ý thức của con người hoặc không coi đây là mối quan tâm hàng đầu. Nghiên cứu theo các nhận thức luận này vẫn có thể mang tính khoa học, tức là vẫn hướng tới việc tái hiện thế giới bằng các chân lý một cách “khách quan,” mặc dù tính “khách quan” không mang đầy đủ các ý nghĩa của nó như trong thực chứng luận và các nhà nghiên cứu còn tránh dùng từ “khách quan.”

Kiến tạo luận cho rằng không bao giờ có chân lý độc lập với ý thức của con người- nhận thức hiện thực bao giờ cũng là kết quả của sự tương tác giữa con người và hiện thực. Ngay cả khi thực hiện thao tác quy chiếu để xác định ra một hiện thực chung, ví dụ như “thực hành thơ của nhóm Mở Miệng,” thì những con người khác nhau đứng trước hiện thực chung ấy vẫn có những nhận thức khác nhau.

Khi các nhà khoa học vận dụng kiến tạo luận, họ lùi ba bước trong yêu cầu về tính khách quan. Một là họ không tuyên bố về khả năng khái quát hóa của kết quả nghiên cứu. Hai là họ không hướng tới tính có thể lặp lại của nghiên cứu. Ba là họ có thể thừa nhận vai trò của cá nhân nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn quan tâm tới các tiêu chí tương tự tính hiệu lực, khả năng khái quát hóa, độ tin cậy và tính khách quan. Họ quan tâm tới việc kết quả nghiên cứu có ý nghĩa với các trường hợp khác hay không và dùng tiêu chí khả năng dịch chuyển (transferability) thay cho khả năng khái quát. Nghiên cứu khoa học theo kiến tạo luận không tự khẳng định khả năng dịch chuyển của nó mà quan niệm rằng người đọc tham gia vào việc tạo ra phẩm chất này của nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học dùng quy trình để biện minh cho kết quả nên các nhà khoa học vẫn muốn quy trình nghiên cứu đi từ đặt vấn đề đến kết quả được thực hiện và trình bày một cách hệ thống, tường minh- đây có thể coi là một yêu cầu về tính “khách quan.” Thuật ngữ tương ứng với tính khách quan (của chân lý- kết quả nghiên cứu) là tính có thể khẳng định (confirmability). Khoa học theo kiến tạo luận cũng thừa nhận khó có thể hoặc không thể lặp lại một nghiên cứu: dù một nghiên cứu được lặp lại thì nó vẫn là một nghiên cứu khác, diễn ra ở một bối cảnh khác. Theo họ, những yếu tố bối cảnh (bao gồm cá nhân nhà khoa học) cần được xem xét để tác phẩm đạt “dependability”- có thể dịch là độ tin cậy nhưng mang ý nghĩa khác với “reliability.” Độ tin cậy của tác phẩm khoa học theo kiến tạo luận là khả năng nó mô tả và phân tích sự ảnh hưởng các yếu tố bối cảnh lên vấn đề nghiên cứu. Ngoài ra người ta còn có thể dùng thuật ngữ tính uy tín (credibility) để thay thế cho tính hiệu lực của nghiên cứu theo trường phái thực chứng.

Thừa nhận và làm sáng tỏ vai trò cá nhân của người nghiên cứu thậm chí là một yêu cầu của khoa học theo kiến tạo luận để đảm bảo sự tường minh của quy trình nghiên cứu- đóng góp những thông tin có giá trị để người đọc có thể đánh giá tính uy tín, khả năng dịch chuyển, độ tin cậy, tính có thể khẳng định của một nghiên cứu. Nghiên cứu nhân văn hoàn toàn có thể theo kiến tạo luận nhưng không ưu tiên mô tả quy trình nghiên cứu một cách hệ thống, tường minh- tức là không đặt trọng tính “khách quan.” Người ta không nói tới “phương pháp” nhân văn mà chỉ nói tới “đường hướng” nhân văn. Nhiều nghiên cứu nhân văn chủ động phản lại phương pháp luận (anti-methodological). Chúng không giả định rằng cần phải thực hiện nghiên cứu theo một kế hoạch có thể vạch ra trước và mô tả rõ ràng với người đọc.

Nghiên cứu khoa học theo kiến tạo luận có thể dung dưỡng văn phong cá nhân để làm rõ bản chất kiến tạo của chân lý. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học không chọn văn phong này mà vẫn áp dụng cách tu từ đem lại cảm giác về sự khách quan của các kết luận. Nghiên cứu khoa học theo kiến tạo luận cũng chấp nhận cách này vì cho rằng tính kiến tạo đã có thể được làm sáng tỏ bằng mô tả phương pháp luận. Lựa chọn văn phong phi cá nhân có thể là do tin cậy vào tính hệ thống, tường minh của quy trình nghiên cứu. Cũng có thể có nhiều lý do khác: khi xét về thẩm mỹ của ngôn ngữ, nhà nghiên cứu yêu thích sự phi cá nhân hơn. Tính phi cá nhân của văn phong có thể khiến nghiên cứu thuyết phục hơn với những người đọc thích sự khách quan cũng như giảm nhẹ nguy cơ tổn thương cá nhân nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học theo kiến tạo luận đặt trọng tính phương pháp luận và vẫn là sự tái hiện thế giới thành chân lý, và vì thế vẫn giữ tính khoa học của nó. Giới học thuật cũng đưa ra những tiêu chí đánh giá nghiên cứu khoa học theo kiến tạo luận trùng với những tiêu chí đánh giá nghiên cứu nhân văn, đấy là giá trị đạo đức và thẩm mỹ. Đạo đức ở đây không phải chỉ là sự tuân theo các quy chuẩn như ở nghiên cứu khoa học theo thực chứng luận mà cần hiểu là cách nhà nghiên cứu tự có trách nhiệm với đời sống con người- tác phẩm họ làm ra có trân trọng phẩm giá của con người và khơi gợi cái thiện hay không? Nghiên cứu theo kiến tạo luận có thể đề cao hiệu ứng thẩm mỹ. Chúng ta có thể thấy điều này ở một số cuốn sách và phim tài liệu hết sức hấp dẫn của ngành nhân chủng học. Kiến tạo luận, chứ không phải là thực chứng luận, mới đang là xu thế của nhiều ngành khoa học xã hội.

2.4. Nghiên Cứu Khoa Học theo Thực Dụng Luận và  Đường Hướng Phê Phán

Một nghiên cứu khoa học theo chủ nghĩa thực dụng hay đường hướng phê phán có thể trình diễn các thao tác nghiên cứu gần giống như các nghiên cứu khoa học theo thực chứng luận và kiến tạo luận. Điều khác biệt là trong khi thực chứng luận và kiến tạo luận dựa trên những giả định về bản chất của nhận thức thì thực dụng luận và phê phán luận đề cao mục đích của nhận thức. Thực dụng luận quan tâm tới mục đích của nghiên cứu và lấy mục đích đó biện minh cho các quy trình nghiên cứu. Phê phán luận phân biệt với thực dụng luận ở chỗ nó quan tâm tới các mối quan hệ quyền lực và hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn- trường phái phê phán quy phạm (normative critical approaches) hoặc làm bất ổn những thứ đã được xác lập để tạo ra những khả thể khác- trường phái phê phán khiêu kích (provocative critical approaches). Phương pháp luận nghiên cứu khoa học có thể phù hợp với phê phán quy phạm nhưng không phù hơp với phê phán khiêu khích vì khoa học hướng tới sự xác lập. Điển hình nhất của khoa học mang tính phê phán quy phạm là chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels (Mác và Ăng-ghen). Công trình nghiên cứu của Marx, Engels và những người đi theo mang tính khoa học không ở sự tường minh quy trình nghiên cứu mà ở chỗ giả định về các quy luật phát triển khách quan của các hình thái xã hội. Tiêu biểu cho trường phái phê phán khiêu khích là các tác phẩm nhân văn của Foucault, Derrida, Rancière, những triết gia đang có những ảnh hưởng lớn tới ngành nghiên cứu văn học. Tuy nhiên có nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận các tác giả này với phương pháp luận khoa học, cũng như có những cách tiếp cận chủ nghĩa Marx với đường hướng nhân văn.

Vậy là ngay cả khi coi luận văn của Đỗ Thị Thoan là một nghiên cứu khoa học dựa vào dòng chữ ở bìa, có thể thấy người viết bài “Một Luận Văn Mơ Hồ và Sai Lầm” không ở trong cộng đồng học thuật hiểu rằng khoa học xã hội có trường phái cho phép thể hiện/khuyến khích góc nhìn và văn phong cá nhân.

2.5.  Phê Phán Nghiên Cứu Khoa Học

Diễn ngôn đề cao khoa học thường phân biệt tri thức khoa học với kinh nghiệm và cho rằng tri thức khoa học có giá trị hơn vì nó đến từ phương pháp hệ thống, khách quan.

Ngành khoa học (triết học) về logic chỉ ra rằng các ngành khoa học khác thực chất là dựa trên thói quen. Nghiên cứu khoa học xã hội có thể được thực hiện với tư duy diễn dịch hay quy nạp. Tuy nhiên, các quy luật khoa học là sự quy nạp những đặc điểm chung của các cá thể trong một mẫu lớn. David Hume cho rằng quy nạp là một sản phẩm của thói quen chứ không phải là logic. Chúng ta quen với ý tưởng rằng mặt trời mọc vào mỗi buổi sáng, và niềm tin rằng mặt trời mọc vào buổi sáng dựa trên sự trải nghiệm chứ không phải là bất cứ quy luật nào giống như tính giao hoán của phép cộng. Khoa học không có đích là những chân lý mô tả bề mặt kiểu như mặt trời mọc vào buổi sáng, song phê phán khoa học nói chung không phải là sự phê phán các kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể mà là sự phê phán nhận thức luận và phương pháp luận khoa học. Sự quy nạp của khoa học không cho phép bẻ gẫy thói quen, nhưng trong thực tế một người hàng ngày vẫn cho gà ăn đến một ngày nào đó có thể sẽ vặt cổ nó.

Lịch sử phát triển của khoa học xã hội đã chứng kiến sự bẻ gẫy thói quen để chuyển sang các trường phái mới, song sự bẻ gẫy thói quen này không nằm trong logic của các phương pháp luận khoa học đã xác lập. Sự bẻ gẫy thói quen đề ra các phương pháp luận khoa học mới[5]. Tuy nhiên, ngay cả khi người ta theo các trường phái khoa học mới hơn, ví dụ như theo kiến tạo luận thay vì thực chứng luận, thì khoa học xã hội vẫn có xu hướng duy trì trật tự xã hội cũ- nó bám vào quy luật và minh chứng- mà quy luật thì có tính ổn định và minh chứng là dấu vết của quá khứ. Khoa học xã hội theo kiến tạo luận tuy không kết luận về quy luật cho một nhóm các sự vật hiện tượng cùng loại nhưng vẫn hướng tới tái hiện quy luật/hình mẫu chung của những trường hợp được nghiên cứu và coi những tái hiện này là có thể khẳng định dựa trên quy trình nghiên cứu. Con người cũng có thể dùng trí tưởng tượng của mình để đưa ra các hình mẫu hiện thực mới sau đó dùng phương pháp luận khoa học kể kiểm chứng hay phủ định hình mẫu đó. Ở trường hợp đó sự xuất hiện của cái mới cũng không phải là do nhận thức luận và phương pháp luận khoa học. Phương pháp luận khoa học chỉ là một phương cách để cái mới được công nhận. Nhận thức luận khoa học và phương pháp luận khoa học xã hội coi nhẹ vai trò của cơ hội (chance), của cái cá biệt, cản trở tầm nhìn về những khả thể và hạn chế phạm vi lựa chọn để hành động của con người. Sự hạn chế này, theo quan điểm của khoa học xã hội, là cần thiết để đạt được hiệu quả và công năng. Một cách sống theo tư duy khoa học sẽ đặc trưng bởi tính hướng đích, sự lựa chọn và kiểm soát.

Paul Feyerabend đã mô tả tiến bộ khoa học như những điều diễn ra một cách vô trật tự và nhận định rằng sự phát triển của khoa học không dựa trên sự xác lập các phương pháp nghiên cứu khoa học. Nhưng ông cho rằng nhận định của mình không phải là sự phê phán khoa học mà là sự phản ánh khoa học: khoa học thật sự đề cao tính vô trật tự, không có phương pháp và phi lý trí còn các phương pháp khoa học đã xác lập là những hình ảnh che mờ sự thật này. Paul Feyerabend đặc biệt chất vấn vai trò của lý tính trong trong nghiên cứu khoa học. Ông không chống lại khoa học mà chỉ đưa ra một cái nhìn khác về khoa học. Tuy nhiên Paul Feyerabend bị coi là kẻ thù của khoa học.

Nghiên cứu khoa học dựa vào quy trình làm việc của nó mà khẳng định giá trị kết quả làm ra. Nói một cách khác, nó dùng quy trình hệ thống, khách quan để biện minh cho kết quả. Để phê phán được quy trình nghiên cứu khoa học, người ta cần có chuyên môn. Người bình thường hưởng thụ kết quả khoa học và không được coi là có năng lực phê phán khoa học. Sự phân công lao động này tạo thành người biết và người “buộc phải biết.” Khoa học như một thứ quyền lực gây sức ép để người ta tiếp nhận một nội dung, ngay cả khi mình chưa nghĩ gì về nó hoặc không thấy đúng. Chân lý có nghĩa là không thể/khó có thể chối cãi. Khái niệm chân lý là một khái niệm đầy quyền lực. Sự tồn tại của nó có giá trị nhưng nguy hiểm vì có thể bị lạm dụng và đã luôn bị lạm dụng. Những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người đều được phát động dựa trên tư duy và tu từ khoa học (dù không phải là dựa trên chân lý được công nhận phổ quát). Tiêu biểu nhất, Hilter đã góp phần tạo ra thảm họa diệt chủng người Do Thái với các lý thuyết mang tính khoa học xã hội về chủng tộc. Nhà khoa học nói riêng hay con người nói chung nhiều lúc dùng tính khách quan để chối bỏ những trách nhiệm của mình trong khi chân lý được đưa vào cuộc sống và phát huy tác dụng/tác hại của nó là do họ tự gây dựng lên. Không phải sự lạm dụng khoa học nào cũng là ngụy khoa học. Nhà khoa học hoàn toàn có thể định ra một khung tham chiếu và dùng phương pháp khoa học để định ra là X kém hơn Y một cách “khách quan”, tuy nhiên sự hơn kém đó được tạo ra bằng chính hành động so sánh mà nhà khoa học thực hiện. Hành động đó có thể đặt X vào một tình thế bất lợi trong cuộc sống nhưng nhà khoa học có thể biện minh cho hành động của mình bằng việc đã thực hiện quy trình nghiên cứu một cách đầy đủ, đúng đắn, bao gồm cả việc hoàn thành các thủ tục về đạo đức nghiên cứu. Ở đây tôi không phê phán ngụy khoa học mà phê phán tư duy khoa học ở sự khẳng định quyền lực và vì thế dễ bị lạm dụng. Tôi cũng không phê phán những thao tác cụ thể của nghiên cứu khoa học mà chỉ phê phán việc nhận thức luận khoa học tự đặt để phương pháp và kết quả nghiên cứu của nó vào vị thế quyền lực.

Nghiên cứu nhân văn cũng có khả năng bị lạm dụng hoặc gây áp chế như nghiên cứu khoa học nhưng có những nhà nghiên cứu hướng tới một sự khiêm tốn bằng cách không khẳng định sự xác lập chân lý và không dùng đến tính bảo vệ của sự khách quan. Khi ấy nhà nghiên cứu từ bỏ những đặc quyền của khoa học. Hãy nói về luận văn của Đỗ Thị Thoan như một tưởng tượng. Một khẳng định mang tính khách quan như “Nhóm Mở Miệng đã trình diễn những quan niệm mới mẻ về thi ca” so với một nhận định cũng y hệt như thế nhưng nhà nghiên cứu tự nhận nó là kết quả của việc cá nhân mình tham gia vào không gian văn hóa ấy thì cái nào là phát biểu khiêm tốn hơn? Tác giả đã thừa nhận vai trò của cá nhân mình, và cô lại một lần nữa khiêm tốn khi không tự giả định rằng như thế là quy trình nghiên cứu đã hệ thống và tường minh. Giao tiếp bằng ngôn từ của luận văn là một thứ giao tiếp giữa người và người không hướng đến sự khẳng định quyền lực của nghiên cứu. Đây cũng là lý do khiến tôi xếp luận văn thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan vào nghiên cứu nhân văn. Không phải nghiên cứu nhân văn nào cũng như thế nhưng thái độ nhà nghiên cứu thể hiện không khớp với nhận thức luận và phương pháp luận khoa học. Tôi quý mến sự tự ý thức của Đỗ Thị Thoan bởi tôi đã đọc không ít công trình nghiên cứu hầu như không có tính khoa học nhưng vẫn tuyên bố về tính khoa học. Những công trình ấy không theo các phép tắc của khoa học và khẳng định tính “khoa học” chỉ bằng một giọng văn phi cá nhân hướng tới sự “khách quan.” Chúng là sự thiếu ý thức, sự chạy theo mốt hay sự làm giả khoa học. Còn luận văn của Đỗ Thị Thoan là một nghiên cứu học thuật theo đường hướng nhân văn.

3. Sơ Lược về Nghiên Cứu Nhân Văn

Từ “khoa học” đã gắn với tính “khách quan”- dùng nó để chỉ tất cả các hoạt động học thuật cản trở các đường hướng nghiên cứu đề cao cảm quan trí tuệ của cá nhân, hướng tới các giá trị đạo đức và thẩm mỹ hơn là sự xác lập chân lý. Tôi đang nói về một vấn đề đáng quan tâm chứ không đưa ra các chuẩn mực về sự đúng sai khi sử dụng từ ngữ. Tuy nhiên phân biệt khoa học xã hội và nhân văn không phải là đề xuất của riêng tôi mà là một vấn đề trong lịch sử phát triển các ngành học thuật xã hội. Ở một số cộng đồng sự phân biệt này là quá rõ, ai cũng hiểu nên ít khi nói tới. Ở những cộng đồng khác, người ta không quan tâm nhiều đến những đường hướng khác với cách thức mình đang thực hiện. Và tại một số không gian, sự phân biệt này đang là vấn đề để trao đổi.

Có nhiều cách nghĩ về khoa học khác nhau, nên cũng có những cách nghĩ về nhân văn khác nhau. Tựu trung, nhân văn dùng để chỉ những đường hướng nghiên cứu không theo nhận thức luận và phương pháp luận khoa học (mà phần 2 của bài viết này đã bàn tới). Phần viết nhỏ này cố gắng mô tả các đặc điểm của nghiên cứu nhân văn, song việc làm đó chỉ để hình dung về các cách tiếp cận khác với khoa học hơn là xác lập ra một (những) hình mẫu về nghiên cứu nhân văn.

Nghiên cứu hướng nhân văn không mang tính công thức, người nghiên cứu làm việc với sự nhạy cảm trí tuệ của mình trước vấn đề nghiên cứu và hướng tới hiệu quả giao tiếp, giá trị đạo đức và thẩm mỹ. Nếu như khoa học đề cao lý tính thì nhân văn không cho rằng lý tính và cảm tính tách rời nhau hoặc cần phải tách rời nhau.

Khi học thạc sỹ, tôi từng nghe luận án tiến sỹ có thể là một bài thơ. Chương trình tiến sỹ tôi đang theo học có một môn gọi là Poetic Inquiry (nghiên cứu mang tính thơ) được thiết kế bởi một nhà thơ. Khóa học này không loại trừ phương pháp khoa học khi làm việc với thơ nhưng cũng mở ra một khả thể: kết quả nghiên cứu học thuật là một bài thơ. Đó có lẽ là một trong những nỗ lực đề cao tính thi ca của ngôn ngữ. Nghiên cứu nhân văn một cách truyền thống không đi xa như vậy, nhưng nó vẫn được đặc trưng bởi tính viết văn: quá trình nghiên cứu không tách rời với quá trình biểu đạt và nội dung nghiên cứu không tách rời với ngôn ngữ chở nó.

Các tác phẩm học thuật nhân văn mang tính thi ca thường có hình thức là “văn xuôi”, nhưng là thứ văn xuôi giàu chất thơ. Nhiều nhà phê bình đã dùng từ “poetry” (thi ca) để nói về tác phẩm của Nietzsche, Foucault, Derrida và Rancière. Các thuật ngữ của Foucault có những ý nghĩa khác nhau trong từng bối cảnh sử dụng chứ không nhất quán như cách người ta vẫn hình dung về sử dụng thuật ngữ trong học thuật. Cuốn GLAS của Derrida cho thấy sự chơi đùa với các yếu tố thị giác của con chữ và trang giấy- nó là một tác phẩm typography. Nhiều tác phẩm học thuật theo hướng nhân văn không hề thực hiện thao tác trích dẫn và không trình bày lịch sử vấn đề. Cuốn Hướng Tới Một Triết Học về Nhiếp Ảnh của Flusser có dòng ghi: “Cuốn sách này nỗ lực làm tăng mối nghi ngờ đó và để giữ phẩm chất giả thiết, tránh trích dẫn từ các công trình trước về cùng chủ đề. Cũng vì lý do tương tự, không có danh mục tham khảo” (xem tr. 7, tại đây). Các tác phẩm nhân văn kể chuyện cá nhân và đưa ra kiến giải cá nhân dựa trên một số khái niệm học thuật nhiều không kể xiết. Bạn đọc có thể tìm thấy một loạt các bài báo học thuật như vậy ở số kỉ niệm 50 năm thành lập của một trong những tạp chí hàng đầu ngành triết học trong giáo dục Studies in Philosophy and Education (có thể đọc ở đây một ví dụ).

Nghiên cứu nhân văn khác với thơ, truyện, hay các tiểu luận không mang tính học thuật ở chỗ nào? Không phải ở tính khoa học mà là ở tính học thuật.

4. Tính Học Thuật của Nghiên Cứu

Tôi hiểu học thuật như một môi trường tại đó con người học tập một cách chuyên tâm và chuyên nghiệp. Một người học chuyên nghiệp có trách nhiệm hệ thống hóa, kiểm chứng và phủ định những chân lý, giá trị đã xác lập cũng như khám phá, sáng tạo những chân lý, giá trị mới. Không phải cứ là học giả mới làm được những điều này, nhưng với học giả thì đó là trách nhiệm. Tính học thuật không phải là một tập hợp các tính từ chỉ đặc điểm. Học thuật là một lĩnh vực quá rộng lớn, nên việc quy cho nó một số tính chất sẽ làm cho không gian học thuật bị bó hẹp. Một tác phẩm thành công về mặt học thuật nghĩa là nó đạt được sự công nhận của chuyên gia trong ngành hay một hội đồng/cộng đồng học thuật cụ thể. Điều này đúng với cả nghiên cứu khoa học lẫn nghiên cứu nhân văn. Tuy nhiên, khi đánh giá một công trình khoa học, các hội đồng/cộng đồng khoa học dựa trên tính khoa học- là một tập hợp các đặc điểm đã xác lập. Phương pháp luận khoa học thường là yếu tố được quan tâm trước tiên. Về nguyên tắc phương pháp luận khoa học là những hình mẫu đã xác lập và người ta dễ thống nhất về nó, nhưng trên thực tế thành viên của một hội đồng khoa học vẫn có thể bất đồng ý kiến. Nghiên cứu nhân văn được đặc trưng bởi tính viết văn và dựa trên cảm quan trí tuệ cá nhân. Từng hội đồng/cộng đồng học thuật sẽ có cách làm việc riêng. Một hội đồng/cộng đồng này có thể đưa ra những phép tắc rất chặt chẽ và cứng nhắc; một hội đồng/cộng đồng khác có thể khuyến khích tự do biểu đạt và phá cách. Trong cùng một hội đồng/cộng đồng tiếp nhận nghiên cứu nhân văn cũng có những ý kiến trái chiều. Giáo sư hướng dẫn của tôi nói rằng tôi có thể sáng tác một bài haiku ba dòng và bài thơ đó có thể được chấp nhận là một luận án tiến sỹ nếu như mọi người trong hội đồng học thuật chấp nhận như vậy. Với diễn đạt ấy, cô đã nhấn mạnh rằng ý kiến của một hội đồng học thuật ở Khoa được tôn trọng gần như tuyệt đối. Tôi không nghĩ những giáo sư trong hội đồng học thuật của tôi sẽ chấp nhận một bài haiku như một luận án tiến sỹ. Họ có những thói quen khó thay đổi, và bản thân tôi cũng có tham vọng khác cho tác phẩm của mình. Không có sức ép gì về mặt quy chế thì không có nghĩa là người ta sẽ hành xử một cách dễ dãi. Môi trường học thuật hiện tại của tôi tôn trọng sự làm việc với nhau giữa những con người có phẩm giá và trình độ hơn là những quy chuẩn buộc phải theo.

Bài viết này của tôi có thể tương đương với một bài thơ chia sẻ nỗi đau về một “trạng huống nhân sinh”: Tôi muốn nhân văn, không muốn khoa học, xin đừng dùng khoa học đánh đập nhau! Song tôi không nghĩ một bài thơ sẽ có giá trị giao tiếp với những người quan tâm tới việc sử dụng thuật ngữ “khoa học.” Tôi đã tìm đến – tạo ra một bài viết dày đặc thuật ngữ. Khi hướng tới một đối tượng cụ thể, tôi tự thấy mình cần dựa trên hệ thống thuật ngữ của các học giả và các sự kiện trong một số ngành học thuật. Chính là tôi đã lựa chọn tính học thuật cho bài viết của mình. Tính học thuật đặt trong bối cảnh nghiên cứu nhân văn khác nhau theo từng hoàn cảnh giao tiếp. Ở lớp học về triết của giáo sư hướng dẫn mình tôi đã nộp những bài thơ như bài tập cuối khóa; còn ở một lớp học khác, cũng về triết, do một giáo sư khác phụ trách, tôi đã nộp một tiểu luận với lối diễn đạt quy củ, rõ nghĩa.

Như cách tôi hình dung về tính học thuật của một nghiên cứu nhân văn thì luận văn thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan thành công về mặt học thuật ở chỗ nó được một hội đồng học thuật gồm các giáo sư, tiến sỹ có uy tín trong ngành đánh giá với số điểm tối đa. Việc Ban Lý Luận Phê Bình báo Văn Nghệ mang một luận văn thạc sỹ ra một cộng đồng người không biết đến luận văn mà phân tích và đánh giá tính “khoa học” của nó với một thái độ khinh miệt thiết nghĩ là một việc làm gây tổn thương cho môi trường học thuật. Ban Lý Luận Phê Bình báo Văn Nghệ giải thích rằng có một bài viết như thế để đề phòng trường hợp người ta nhắc tới luận văn như một “huyền thoại”, giống như cách Đỗ Thị Thoan đã “hoang tưởng hiếu đại” về nhóm Mở Miệng, coi nhóm Mở Miệng như một “huyền thoại.” Ban Lý Luận Phê Bình cho rằng từ “huyền thoại” mà Đỗ Thị Thoan dùng để nói về Mở Miệng có một ý nghĩa ngợi ca. Điều này một lần nữa cho thấy người viết bài báo đó không ở trong cộng đồng học thuật phù hợp để đánh giá luận văn, bởi từ “huyền thoại” theo nghĩa học thuật của nó có thể không có nghĩa tán dương sự tốt đẹp, cao cả hay tính “thần thánh”. “Huyền thoại” (myth) có thể chỉ là một câu chuyện đã trở thành một đơn vị ngôn ngữ, nghĩa là nó được lưu truyền và được gán cho một số ý nghĩa văn hóa nhất định. Ban Lý Luận Phê Bình nhận định rằng Đỗ Thị Thoan không giải thích rõ nghĩa một số thuật ngữ, song yêu cầu giải nghĩa luôn có thể là bất tận và nhà nghiên cứu cần lựa chọn giải nghĩa một số ít trong những thuật ngữ mình sử dụng. Những thành viên của một hội đồng học thuật được giả định là đủ kiến thức nền tảng để hiểu hầu hết các thuật ngữ trong tác phẩm.

Bài báo “Một Luận Văn Mơ Hồ và Sai Lầm” chỉ là một ví dụ. Trong khi tôi trân trọng những bài viết bàn về cách ứng xử với một hội đồng học thuật thì tôi hoang mang, thậm chí là bàng hoàng, trước các phát biểu về đường hướng nghiên cứu của luận văn, ngay cả từ phía những người bảo vệ nó. Với tôi, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu và hệ thống thuật ngữ mà luận văn “Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng Từ Góc Nhìn Văn Hóa” sử dụng thực sự đòi hỏi những ai muốn đánh giá nó một cách học thuật phải có kiến thức chuyên ngành hẹp. Chỉ xét riêng cái tên của luận văn thôi đã thấy nó chứa những từ ngữ tưởng như là bình thường nhưng thực ra là những thuật ngữ rất khó, như “lề”, “thực hành thơ”, “góc nhìn văn hóa.” Những người không hiểu các từ ngữ này như những thuật ngữ mà họ không biết đã quát lên những nhận xét mà tôi cho rằng hết sức khiếm nhã và xin phép không trích ra ở đây. Những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra khiến tôi không thể không nghĩ về sự bất cẩn hay những khó khăn trong việc đọc hiểu và phát biểu về một tác phẩm học thuật. Rất tiếc là không một ai trong hội đồng chấm luận văn lên tiếng với công chúng.

Vấn đề đặt ra là người “bên ngoài” có thể can thiệp như thế nào vào một tác phẩm học thuật? Lê Tuấn Huy viết: “Cần nói thêm, Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan không phải là văn học mà là nghiên cứu khoa học về văn học (dẫu là văn học bên lề), nên không phải là đối tượng cho những người phê bình theo kiểu đọc văn, đọc thơ rồi khen chê về văn phong, hình tượng, giá trị tư tưởng của tác phẩm” (ghi chú ii).

Tôi nghĩ ai cũng có thể có cảm nhận riêng của mình về bất cứ một điều gì, nhưng cũng cần dành thời gian tương xứng cho nó và giữ cho mình đức khiêm tốn. Tôi không có ý rằng cần phải có một hội đồng học thuật có chuyên môn hẹp mới có thể nhìn ra giá trị của một tác phẩm học thuật. Tính học thuật cũng không phải là tất cả giá trị của một tác phẩm học thuật. Song tính học thuật của một luận văn thạc sỹ thực sự là tính phụ thuộc vào một hội đồng học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu hẹp. Một luận văn thạc sỹ như của Đỗ Thị Thoan được viết ra cho chính bản thân tác giả, hội đồng đánh giá nó (được thành lập trước hay sau thì vẫn cần lựa chọn các thành viên phù hợp) và một số nhỏ những người cùng mối quan tâm. Nó không phải là một tác phẩm tuyên truyền cho đại chúng.

Tôi không cho rằng chỉ có những cộng đồng nhỏ hẹp có chuyên môn mới được bàn luận về một tác phẩm học thuật, song khi nó trở thành đối tượng được bàn tới trong những cộng đồng lớn hơn thì các tương tác xung quanh một tác phẩm học thuật có thể mang những ý nghĩa khác. Một tác phẩm dù ít người biết rõ như thế nào mà vẫn bàn luận sôi nổi thì thực chất nó đang là một công cụ cho những “trò chơi quyền lực”. Cụm từ trong ngoặc kép này không sẵn nghĩa xấu. Tôi không suy đoán về động cơ của những người khác, nhưng xin thừa nhận với tôi cách người ta đối xử với luận văn ấy là cái cớ để tôi nêu ra vấn đề phân biệt nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn, tính học thuật của một nghiên cứu. Đó là cách mà tôi, như một người nằm ngoài hội đồng đánh giá luận văn, tham gia vào diễn ngôn. Cá nhân tôi đang ở trong một hoàn cảnh học thuật phải quan tâm tới những vấn đề đó.

5. Lời Kết

Giống như nghiên cứu khoa học, nghiên cứu nhân văn có những tác phẩm dở tệ bên cạnh những tác phẩm xuất sắc. Điều tôi muốn nói là trong giới học thuật có ít nhất hai cách làm việc khác nhau: nhận thức luận khoa học với sự xác lập các tiêu chí khách quan để đánh giá tác phẩm và nhận thức luận nhân văn với sự trao niềm tin vào con người. Tôi không trao đổi để tìm ra cách làm việc nào là tốt hơn.

Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nhân văn có thể là những thứ đối chọi nhau. Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng có thể không tách biệt. Tôi không ủng hộ việc phân chia các ranh giới rõ ràng, nhưng tôi phân biệt hai cách làm việc với hi vọng cơi nới thêm không gian học thuật, trước hết là cho bản thân mình. Với tôi, nhìn nghiên cứu học thuật bằng lăng kính của khoa học sẽ loại trừ nhiều tác phẩm nhân văn khỏi phạm vi học thuật trong khi đó lăng kính của nhân văn lại có thể nhìn khoa học như một bài thơ. Tôi biết một người bạn làm khoa học tự nhiên với công việc hàng ngày là đếm vi khuẩn ecoli, và bạn ấy coi công việc của mình là nghệ thuật- nghĩa là bạn ấy gắn nó với những niềm vui, với các giá trị đạo đức và thẩm mỹ bên cạnh việc xác lập một chân lý nào đó về loài vi khuẩn.

Tôi cũng xin nhắc lại hay nói thêm về một số điều tôi không làm. Lựa chọn của tôi là không trích dẫn những nội dung trong bài viết theo quy chuẩn nào. Tôi không giả định rằng những điều mình viết là chân lý. Tôi không cho rằng mình đang tranh đấu cho “lẽ phải” để hướng tới một xã hội, một nền học thuật tốt đẹp hơn (theo đường hướng phê phán quy phạm). Tôi cũng không cố tình trình bày các thông số mang tính khoa học xã hội về bản thân như tuổi tác, trình độ văn hóa và chuyên ngành học thuật. Bài viết để lộ ra những thông tin cá nhân nhưng chúng gắn liền với những nội dung tôi muốn sẻ chia chứ không phải là những thông tin đưa vào để người đọc, theo tư duy khoa học xã hội, dự đoán tính uy tín hay giá trị của bài viết. Giả dụ có một hội đồng học thuật nào đó đánh giá bài viết này là vô giá trị, cá nhân bạn có tin điều đó? Bạn đọc chính là người trong “cộng đồng học thuật” mà tôi hướng tới, tuy tôi không thể chọn người đọc nhưng người đọc chọn tôi.

Bài viết của tôi nhắc tới luận văn thạc sỹ “Vị Trí Của Kẻ Bên Lề: Thực Hành Thơ Của Nhóm Mở Miệng Từ Góc Nhìn Văn Hóa”. Tôi không phân tích và đánh giá nó kĩ càng bởi tôi vẫn muốn công việc ấy được để dành cho những người trong hội đồng chấm luận văn. Phần lớn chúng ta cũng không tiếp cận được toàn văn tác phẩm, nhưng tôi là người có cái duyên được gặp gỡ cả tác phẩm và tác giả nên cũng xin được bày tỏ sự trân trọng dành cho tác phẩm này.

 

 


[1] Theo trao đổi với những người bạn hiểu biết về từ nguyên học, “khoa học” vốn là từ mượn tiếng Nhật (có thể xem bài viết về từ Hán Việt gốc Nhật của Trần Đình Sử tại đây). Người Nhật dịch “science” thành “kagaku” (khoa học), người Trung Quốc mượn lại của người Nhật, rồi người Việt đọc tân thư đầu thế kỷ 20. Từ “khoa học” cũng từng được phong kiến Trung Quốc dùng với nghĩa “học vấn thi cử.” Trong bài viết này, tôi xin không bàn về lịch sử phát triển của học thuật Á Đông.

[2] Tùy thuộc vào góc nhìn mà nhánh triết học nghiên cứu logic có được coi là khoa học hay không. Có quan điểm cho rằng triết học không phải là khoa học vì khoa học phải là nghiên cứu thực nghiệm (empirical studies) dựa trên các dữ liệu thực nghiệm (empirical data) nhưng bài viết này không khung khổ khái niệm “khoa học” theo quan điểm đó. Khái niệm “dữ liệu thực nghiệm” hiện nay có nhiều nghĩa khác nhau, cần đến một công trình triết học riêng biệt để bàn về nó, nên ở phần trình bày về nghiên cứu khoa học tiếp theo tôi cũng không chọn cách nói về khoa học mà phải xử lý khái niệm này.

[3] Nhân văn khác với nghệ thuật như thế nào? Có nhiều đáp án khác nhau và không loại trừ nhau vì chúng phản ánh những góc nhìn khác nhau. Đáp án A: không phân biệt. Các trường đại học của Mỹ thường dùng từ “nghệ thuật” (arts) để nói về nhân văn (humanities). Nhiều trường đại học tổng hợp có hai trường thành viên là College of Social Science (Đại Học Khoa Học Xã Hội) và College of Art (Đại Học Nghệ Thuật), với các khoa như triết học, lịch sử, văn học và nghệ thuật. Đáp án B: có sự phân biệt dựa trên phương tiện làm việc- nhân văn làm việc với ngôn từ còn nghệ thuật làm việc với các phương tiện vật chất khác. Đáp án C: có sự phân biệt dựa trên tính sáng tác-trình diễn hay học thuật. Các ngành nghệ thuật thiên về sáng tác-trình diễn còn các ngành nhân văn thiên về học thuật. Cách phân biệt này cũng chỉ là tương đối vì tính sáng tác-trình diễn và tính học thuật không tách biệt nhau- hoặc chỉ tách biệt nhau theo nhận thức luận khoa học. Trong bài viết này tôi chọn từ “nhân văn” (mà không làm việc với từ “nghệ thuật”) và nói tới nghiên cứu học thuật theo truyền thống đang dựa trên ngôn từ và chưa được coi như là các sáng tác nghệ thuật nhưng đang chứng kiến nhiều nỗ lực cởi bỏ những hạn chế này.

[4] Góc nhìn thực chứng phản ánh tinh thần Khai Sáng (Enlightenment), thời đại tự xưng của lý trí (reason), bắt đầu ở Anh vào thế kỷ 17 và nở rộ ở Pháp vào thế kỷ 18. August Comte được coi là người truyền bá thực chứng luận gắn với phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội, song thực chứng luận của Comte chỉ là một trong nhiều trường phái thực chứng luận khác nhau.

[5] Tính mới ở đây được hiểu là chưa được công nhận rộng rãi, còn các cách nhận thức khác nhau của con người có thể tồn tại cùng nhau và có từ những xã hội xa xưa chứ không phải là sáng tạo của riêng những danh nhân ở xã hội hiện đại.

Comments are closed.