Phan Khôi (1938): Không có công dân giáo dục…

KHÔNG CÓ CÔNG DÂN GIÁO DỤC, CHÍNH THỂ ĐẠI NGHỊ SẼ KHÔNG THI HÀNH HOÀN THIỆN ĐƯỢC Ở NƯỚC VIỆT NAM

[Nhân mùa bầu cử sắp tới, đưa lên đây một bài PHAN KHÔI viết 1938, hiện chưa in lại được]

Người Pháp sang xứ Đông Dương, đem cái văn minh vật chất sang, thì cũng đem cả cái văn minh tinh thần sang nữa. Chúng ta đã thấy những tàu thủy, xe hỏa, giây thép, đèn điện, các thứ máy móc đem ứng dụng xứ này cùng một lúc với các phòng dân cử, các chức nghị viên, tức là cái chính [a] thể đại nghị.

Nói thế, cái chế độ đại nghị thành ra một trong những cái tinh thần của văn minh? Phải, nhiều người bảo bên châu Âu chỉ có vật chất văn minh mà thôi, là lầm. Cái văn minh của họ cũng có những phần thuộc về tinh thần, mà chế độ đại nghị là một.

Chế độ đại nghị bởi tư tưởng dân chủ mà mới có. Nó lập lên trên cái nền bình đẳng, bác ái, tự do. Thế chả phải tinh thần là gì?

Lúc đầu người Pháp đem chế độ ấy ứng dụng ở đây một cách thình lình, cũng như đem ứng dụng các thứ cơ khí. Dân ta trông thấy tàu thủy, xe hỏa, giây thép, đèn điện, chứ không hiểu cái sở dĩ nhiên của nó; cũng như trông thấy lập hội đồng quản hạt thì hay rằng lập hội đồng quản hạt, chứ không biết vì cớ gì mà lập ra. Tuy vậy, sự ứng dụng về vật chất, dù không biết đến đầu đến đuôi, lâu ngày cũng có thể quen thạo được, cho nên những tàu thủy, xe hỏa, giây thép, đèn điện đối với dân ta đã trở nên những điều ích lợi rất lớn; còn sự ứng dụng về tinh thần, phải có thế nào kia, chứ không cậy lâu ngày quen thạo được, bởi vậy đã hơn nửa thế kỷ mà cái chế độ đại nghị vẫn còn như xa lạ, [b] chẳng được việc cho chúng ta.

“Phải có thế nào kia”. Trong mấy chữ ấy hàm có một cái chương trình quảng đại, tức là sự giáo dục. Ý tôi định nói: muốn ứng dụng cái chế độ đại nghị ở xứ này thì trước hết phải lấy giáo dục đào tạo mọi người, khiến ai nấy có đủ tư cách làm công dân như là ở bên Pháp.

Không có công dân giáo dục mà thi hành chế độ đại nghị là vô ích. Tôi không hiểu sao nước Pháp lại đã làm một việc vô ích như thế ở xứ này mấy chục năm nay!

Dân An Nam từ xưa là dân bất bình đẳng, bất tự do, mà cũng chưa hề có ý muốn được bình đẳng tự do. Họ không dám nhận quốc gia làm của mình. Họ những mong ở bình yên dưới quyền chuyên chế của vua quan cho được thái bình để làm ăn. Họ không biết đến chính trị. Theo đó, người An Nam có những tư tưởng quan niệm không giống với tư tưởng quan niệm của một người công dân ở nước văn minh, thì bảo họ tham dự vào việc chính trị làm sao cho được?

Từ hồi có lịch sử Việt Nam đến giờ, hơn hai ngàn năm, chỉ có một lần vua nhà Trần vời các phụ lão dân gian vào trong đền để hỏi về việc đầu quân Nguyên hay nên đánh. Một lần triệu tập bất thời ấy, không đủ gọi là nghị viên thay mặt cho dân. Thế mà cũng chỉ một lần ấy thôi, từ trước và về sau không có nữa, người dân An Nam không có dịp nào bàn đến việc dân việc nước, rồi họ cũng coi sự thờ ơ nguội lạnh ấy là sự đương nhiên.

Theo lịch sử, theo tình hình phong tục An Nam, giữa xã hội họ không có một cái gì là tương hợp với chế độ đại nghị để cho nó có thể sống được ở đó. Nước Pháp, vì nghĩa nhân đạo, muốn đem hạt giống tinh thần văn minh sang gieo ở đất này, lại không chú ý trước ở sự cải tạo thổ nghi cho thích hợp, thành thử hạt giống gieo xuống đã lâu rồi mà nó mọc lên không được rườm rà và kết quả không được tốt tươi.

Kể làm sao cho hết những điều mang tai mang tiếng đã trút lên đầu mấy ông nghị viên bản xứ hàng mấy chục năm nay trong các phòng dân cử. Nào những nghị viên “câm”, nào những nghị viên “gật”, lại nào những nghị viên “ngủ gục” nữa: người ở ngoài họ gia cho những tiếng không tốt mà người ở trong không thể chối cãi được, vì quả nó đúng với thực sự không sai. Chẳng phải là không có hạng nghị viên hơi xuất sắc, có cái thực xứng đáng với cái danh; nhưng hạng ấy thuộc về số rất ít, hóa nên một vài con béo không kéo được cả trăm cả chục con gầy. Dư luận đương thời thấy thế thì đổ xô nhau mà chê bai trách móc. Tôi nghĩ càng đáng thương hại!

Một cái chế độ ở trong ngụ cái tinh thần dân chủ, mà lại đem thi hành giữa một xứ từ xưa đến nay quen thiếp phục [c] dưới quyền chuyên chế của vua quan, thì không nói cũng biết rằng nó cản cách không thể thi hành cho hoàn thiện được. Một lũ dân từ xưa đến nay quen cụp tai cúi đầu trước mặt các “phụ mẫu” của họ, mà trong một mai một chiều bảo họ lấy lý cãi lại để bênh vực quyền lợi cho mình, ôi, nói sao dễ quá vậy ư!

Một dân tộc phải có quyền lợi dân chủ ít nhiều đã, trong đầu họ phải có tư tưởng dân chủ ít nhiều đã, rồi mới thi hành được chế độ đại nghị. – Nói thế không phải là bảo đổi ngay chính thể đi đâu. Nước Anh là nước quân chủ, mà dân quyền của nước ấy có lẽ còn phát đạt hơn nước Pháp nữa, vậy thì các quyền lợi dân chủ không hẳn là người dân ở nước cộng hòa mới có được. Không có một mảy may gì về dân chủ từ tư tưởng cho đến quyền lợi như dân Việt Nam ngày nay, mà lại mong các nghị viện đều trở nên cơ quan hữu ích, các nghị viên đều đều trở nên những người hữu dụng, thì còn mong làm sao được mà mong?

Tôi dám chắc hiện nay trong nước Việt Nam, những nơi gặp mùa bầu cử, người này đầu đơn ứng cử, người kia cầm lá phiếu bỏ vào hòm, mà thật ra không mấy người biết cho rõ và đúng cái việc mình đang làm đó là việc chi. Tôi có những chứng cớ rất hẳn hoi để đảm bảo cho cái câu tôi vừa nói.

Trong xã hội này, tôi tưởng ta phải công nhận cho những người viết báo là hạng người có tri thức không cao lắm, chứ cũng phải ở trên thủy bình tuyến. Vậy mà về cái tình ý của chế độ đại nghị, trong hạng người ấy còn có lắm kẻ tịt mù không biết gì cả, huống nữa là ai.

Năm kia, trong tờ báo Đông Dương hot động [d] ở Vinh, có người viết bài xin chính phủ mỗi khi viện Dân biểu khai nghị, thì cho các người viết báo được chính thức dự vào cũng như các nghị viên, và họ cũng sẽ có quyền khả quyết hay phủ quyết về mọi vấn đề bàn cãi giữa nghị trường. Tôi đọc tới mà hoảng hốt cả người lên, không biết người viết bài đó có đầu óc thế nào, căn cứ vào lẽ gì mà lại có sự thỉnh cầu quái kỳ như thế! Đã thế thì những người đi ngoài đường hay những người mua bán ở chợ, sao ông ấy không xin cho họ cũng được vào họp ở nghị viện nữa cho luôn? Nếu ông ấy, nhà viết báo, quên rằng cái chế độ đại nghị là bởi tư tưởng dân chủ mới có, các nghị viên phải do dân cử mà ra, thì lấy ai để nhớ?

Thế rồi năm ngoái, trong Tân Vit Nam, [e] ông gì đó xin buộc những người ứng cử phải trải qua sự sát hạch tiếng Pháp do các quan địa phương. Xin như thế, người đứng xin còn nói rằng ấy là “theo nguyên tắc dân chủ”! Lời thỉnh cầu này cũng tầm bậy như lời trên, nhưng đã được chính phủ đem thi hành. Thi hành, chẳng biết có lợi gì cho viện Dân biểu không, chứ hẳn là có lợi cho chính phủ: người nào mà các quan địa phương thấy là cương trực, không muốn cho ra, thì sẵn có sự sát hạch đó lấy làm lợi khí để cấm họ ra.

Ôi! Một sự tai hại độc ác như thế, thế mà dám bảo rằng “theo nguyên tắc dân chủ” được đi! Theo nguyên tắc dân chủ, quyền hành chính không được lấn át trên quyền lập pháp; vậy mà dùng quan địa phương sát hạch nghị viên, lại dám kêu rằng “theo nguyên tắc dân chủ”.

Nhưng mà thôi, cũng chẳng lấy làm lạ nữa! Người viết Đông Dương hot động hay người viết Tân Vit Nam cũng đều là dân An Nam cả, cũng đều là một phường nô lệ dưới quyền chuyên chế xưa nay, họ chưa hề chịu một ít công dân giáo dục, họ chưa hề có mảy may quyền lợi dân chủ, thì trách họ mà làm gì?

Tôi không phải người khuynh hướng về tả. Nhưng tôi cũng đồng ý với họ trong sự xin nước Pháp ban các quyền tự do dân chủ cho người Việt Nam chúng tôi, vì tôi thấy là cần. Không có các quyền ấy, thì các nghị viên trong các phòng dân cử của chúng tôi sẽ không phải là dân biểu đâu, mà chỉ là ăn mày thôi vậy! Ăn làm sao nói làm sao bây giờ thứ cái tư cách ăn mày!

Cốt nhất là xin nước Pháp ban hành công dân giáo dục gấp đi cho dân Việt Nam chúng tôi. Một dân không có giáo dục, không đủ tư cách làm công dân, thì cũng không đáng hưởng các quyền tự do nữa.

Sau khi có ít nhiều quyền tự do, có ít nhiều giáo dục, rồi cái chế độ đại nghị ở xứ này sẽ thấy cải quan ngay lập tức. Nếu đến khi ấy mà các nghị viên An Nam còn mang tai mang tiếng như ngày nay, thì rõ thật cả dân tộc chúng ta hèn quá, bấy giờ sẽ xin cứ làm thinh chờ ngày tiêu diệt!

Tôi xin nhắc lại rằng về cái văn minh vật chất, bắt chước được, tập quen được, chứ về cái văn minh tinh thần, không thể bắt chước hay tập làm quen, mà phải cải tạo tận gốc. Lẽ ấy rõ ràng lắm. Tôi không học về cơ khí, nhưng tôi đi tàu thủy, xe hỏa được; tôi không học về điện, nhưng tôi dùng đèn điện được; duy tôi nếu không có công dân giáo dục, thì tôi không thể làm một nghị viên cho xứng đáng một nghị viên.

PHAN KHÔI

Ngun:

Thi v, Hà Nội, s. 42 (5 Juillet 1938), tr. 1, 4.

[Bài này nằm trong bản thảo: PHAN KHÔI, TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1938-1942, Nxb. Tri Thức sẽ xuất bản]

Chú thích

[a] Ở nhan đề viết “chính thể” nhưng trong bài có chỗ viết “chánh thể”; NBS sửa lại về cùng một dạng là “chính thể”.

[b] Chỗ này báo gốc in là “xa hạ”, có lẽ in sai; NBS sửa thành “xa lạ”.

[c] thiếp phc : thuận theo (Đào Duy Anh: sđd.)

[d] Đông Dương hot động (L’ Activité Indochinoise), tuần báo, in bằng ba thứ chữ Việt, Hán, Pháp, xuất bản tại Vinh, số 1 ra ngày 6/1/1937, số cuối: s. 10, ngày 7/4/1937; chủ nhiệm Võ Quý Huân, quản lý Nguyễn Đức Hinh.

[e] Tân Vit Nam, nguyệt san, xuất bản tại Hà Nội, số 1 (1/4/1937), đình bản sau số ra tháng 11/1939; chủ nhiệm Nguyễn Văn Luận; tòa soạn: 30 Boulevard Henri d’ Orléans, Hà Nội.

Comments are closed.