Quan niệm truyện ngắn trước 75

Năm 2004 khi làm chủ biên tập san Hợp Lưu tôi đánh máy lại phần phát biểu về quan niệm truyện ngắn của các nhà văn miền Nam trong tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê hương Chúng ta” do Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn, in tại Sài Gòn năm 1973. Số báo nhận được nhiều ý kiến yêu cầu phỏng vấn các nhà văn hải ngoại về truyện ngắn mà vì bận bịu không thực hiện. Một thập niên sau đọc số báo cũ, đánh máy lần nữa cho tuần san Trẻ, vì truyện ngắn đang là thể loại tràn lan cùng lúc giảm sút phẩm chất. Vì sao miền Nam nhiều truyện ngắn hay mà nay nhiều “trung bình”? Vì quan niệm thay đổi. Trước, các nhà văn xem truyện ngắn là một bộ môn nghệ thuật khó, cần súc tích, cô đọng với khí hậu đậm đặc, tức cần giọng văn và phong cách. Nay, chú trọng sự kiện mà xem nhẹ “áp suất”, hành văn, cú pháp. Đọc lại suy nghĩ xưa thấy rõ ý thức ở người cầm bút trước 75. (Trần Vũ)

clip_image002

clip_image004

Túy Hồng: Trước hết truyện ngắn khó hơn viết truyện dài. Mất cũng nhiều thì giờ. Có khi hai ba tháng chưa ra một truyện. Tôi chú ý mạnh đến cách sử dụng từ ngữ và tâm lý nhân vật hơn là tìm cốt truyện và bố cục câu chuyện. Truyện ngắn đòi hỏi nhiều công phu và hy sinh. Tôi chú ý thật nhiều đến đoạn kết. Quan trọng như phần kết luận trong một bài luận ở trường học. Bây giờ, sau khi đã tự hủy diệt rất nhiều ở nghiệp viết thuê cho báo hàng ngày, tôi khó lòng viết lại được những truyện ngắn như những truyện ngắn ở tập truyện đầu tay. Về truyện Lòng Thành, sáng tác thứ ba của đời cầm bút: Viết xong cái truyện ngắn thứ ba này, tôi mới hiểu tôi và tôi biết truyện này đã gây một vài ngạc nhiên nhỏ chung quanh. Huế và Sàigòn vẫn cách xa diệu vợi và vẫn còn thấm ướt kỷ niệm cho đến bây giờ. Tôi viết truyện này, tôi làm bài luận văn đặc biệt nhất cuộc đời, khi tôi còn là một cô giáo cấm cung tại Huế. Giờ đây trên bìa năm 1973 nhìn lui, văn chương của mình không biết có phải đã giật lùi? Làm văn nghệ sao mà thê thảm? Chỉ có hồi bắt đầu làm mới sung sướng. Tôi viết truyện ngắn thứ ba này khi vô cùng sung sướng với nhiều hi vọng nẩy từng nụ non.

 

clip_image006

 

 

Thanh Nam: Truyện ngắn là một thể văn xuôi vừa khó viết mà vừa khó thành công, không thể là một thứ truyện dài rút gọn hoặc một thứ lấy ra từ những đoạn rời của một truyện dài. Càng không thể là những đoản văn, những tùy bút ngụy trang. Trong văn chương Tiền Chiến và hiện nay, tôi đã thấy nhiều nhà văn thành công trong truyện dài nhưng sang tới địa hạt truyện ngắn lại thất bại nặng nề. Nhưng đối với những người mới viết văn thì đó chính là một cái bẫy hấp dẫn vì hình như đa số người viết văn đã chọn thể văn đó trong những bước đầu.

 

 

 

 

 

clip_image007Nguyễn Thị Hoàng: Truyện ngắn là một thứ truyện không phải bị rút ngắn từ một truyện đáng lẽ phải dài và ngược lại cũng không thể, muốn trở thành một truyện dài, cứ viết kéo dài hay triển khai thêm. Đối với tác giả, một truyện ngắn, nếu đúng cách, đúng nghĩa, còn khó thực hiện hơn một truyện dài vì tính cách hàm súc của nội dung, tượng trưng của ý nghĩa, cắt xén của câu chuyện từ cuộc đời hay uốn nắn và trích dẫn từ trí tưởng. Một truyện ngắn phải là một chuỗi liên tục của biểu tượng nào đó, nên phải được thoát ra, như một hơi thở không dứt. Vì vậy, khi viết, từ chữ đầu cho đến chữ cuối của một truyện ngắn, tôi thường không nghỉ viết một lần nào, mà chỉ một hơi liên miên cho đến khi xong. Độc giả, ít ra, phải quan niêïm truyện ngắn là một đề tài để ngẫm nghĩ, hoặc về con người, hoặc về cuộc đời, chứ không phải chỉ để giải trí suông, như truyện dài.

 

 

 

clip_image009
Nguyễn Thị Thụy Vũ: Tôi bước vào văn đàn bằng những truyện ngắn, nhưng hình như tôi vẫn chưa có kinh nghiệm về truyện ngắn bao nhiêu. Truyện ngắn khó viết hơn truyện dài vì tư tưởng lẫn cảm hứng chỉ được diễn tả trong một khuôn khổ ngắn. Người viết phải cô đọng tư tưởng. Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời. […] Một vài bạn bè của tôi thường nói: trong một vở tuồng hay trong một cuốn phim, người đóng vai chánh cũng như người viết truyện dài, người đóng vai phụ cũng như người viết truyện ngắn, không thể cho rằng vai chánh này kém vai phụ kia về phương diện nghệ thuật nếu người thủ vai phụ diễn xuất tài hơn người diễn vai chánh. Riêng về phương diện viết văn, theo tôi, truyện ngắn đòi hỏi người viết nhiều sự tính toán về phần kỹ thuật sắp xếp tình tiết hơn là một truyện dài. Một truyện ngắn làm độc giả say mê khó khăn hơn một truyện dài. Một truyện ngắn không dành cho người viết nhiều chỗ, nhiều cơ hội, để phô diễn tài năng của mình bằng truyện dài.

 

 

 

clip_image011
Nguyễn Thụy Long: Tôi khởi sự viết văn bằng truyện ngắn. Nhưng không phải vì vậy mà tôi đồng ý với một số người cho là viết truyện ngắn dễ hơn viết truyện dài. Trái lại nữa là khác. Cho đến bây giờ tôi đã có hơn 30 cuốn truyện dài đã được xuất bản, vậy mà tôi vẫn còn nao nức sung sướng khi hoàn tất được một truyện ngắn khá ưng ý. Tôi cũng không đồng ý một số người cho rằng truyện ngắn là một số đoạn của truyện dài cắt ra hoặc nói một cách khác là truyện dài do nhiều truyện ngắn góp nhặt lại. Theo tôi, truyện dài và truyện ngắn thuộc hai lãnh vực khác hẳn nhau. Mỗi loại có nghệ thuật riêng của nó. Mỗi một truyện ngắn theo đúng nghĩa của nó là một truyện ngắn khác biệt, không thể một truyện ngắn này giống một truyện ngắn khác. Truyện ngắn còn là bước khởi đầu của một nhà văn và một nhà văn suốt một đời viết văn vẫn còn cái thèm muốn khi viết được một truyện ngắn ưng ý.

 

 

 

 

clip_image013Cung Tích Biền: Viết một truyện ngắn được xem là hay, rất khó. Ngay cả những nhà văn chuyên về truyện ngắn, cũng chỉ có một thời kỳ viết được truyện hay mà thôi, còn chỉ là… Mỗi truyện ngắn có một “định mệnh” với người viết; đẩy ra một chân trời, hoạt hoạ một chân dung, bày tỏ một thế giới mới. Với một kỹ thuật cao, ở truyện ngắn ta nói được nhiều điều cần thiết hơn ở truyện dài; người đọc dễ nhận, dễ xúc động; y như ta đưa dần họ đến cái chóp núi chót vót, để bất ngờ thấy một thung lũng bàng bạc bên kia. Hầu hết truyện ngắn của tôi, cốt truyện được nghĩ ra thật nhanh, thoáng vụt, chỉ như một trực giác; sau đó, khi cầm bút viết, cần trải đáy lòng, soi tìm những súc tích, thâm thúy, những vì sao lạ trong ngôn ngữ. Tôi thường nghĩ tới công việc một nhà điêu khắc. Trong thế giới văn chương, những truyện ngắn là những phiến ngà lấp lánh; đa thể và biến dịch từ mỗi người đọc.

 

 

 

 

clip_image015
Doãn Quốc Sỹ: Trong truyện ngắn không có sự kiện chi tiết tràn bờ, dư thừa. Tất cả đều như những nhát búa đập chính xác lên đầu chiếc cọc để cọc đóng sâu và chắc xuống lòng đất. Đôi khi truyện ngắn có thể khá dài đấy – chừng bốn, năm chục trang – nhưng đó phải là câu chuyện kể một hơi, tâm trạng cô đọng, cốt truyện cô đọng. Những tình tiết thiết yếu, ngắn gọn liên tiếp tới với tác dụng soi sáng và đẩy nhanh, đẩy mạnh tới đoạn kết. Cái bé nhưng bé hạt tiêu ở truyện ngắn là người viết phải luôn luôn có được cái nhìn thật sắc bén xuyên thẳng tới lõi sự vật, đạt thấu tới bản thể của tâm tình. Ở truyện ngắn hễ xuất quân là phải tốc chiến tốc thắng. Hoặc thất bại. Như câu nói thường tình “Được ăn cả, ngã về không”.

 

 

 

clip_image017

 

 

Nguyễn Đức Sơn: Quan niệm của tôi về truyện ngắn? Không có. Tóm tắt cái quan niệm ấy? Làm sao được. Tuy nhiên tôi có chút ý kiến này: trong tất cả các ngành nghệ thuật dùng chữ viết, chỉ có thơ ca là có trong trời đất. Còn tất cả truyện ngắn, truyện dài, kịch… may ra mới đạt tới cái gì sâu thẳm và cao vời. Tôi chỉ lấy làm lạ rằng hình như trên thế giới chưa có một người cầm bút nào thật sự trở nên đại văn hào, thật sự có tầm ảnh hưởng lớn lao lúc còn sống hay sau khi chết mà chỉ nhờ duy nhất có truyện ngắn của mình chớ không nhờ thêm vào truyện dài, kịch, thơ. Truyện ngắn tự nó không có đủ khả năng sao? Cha tôi thì muốn tin như vậy. Nhưng tôi thì không nghi ngờ. Tôi cũng mê truyện ngắn ghê gớm. Quả thật nếu truyện dài là một chuỗi ngọc thì truyện ngắn ít ra cũng phải là một hạt minh châu. Cách đây hơn 10 năm, trong tạp chí Văn Nghệ số 21 đặc biệt về ý kiến truyện ngắn, tôi cũng đã phát biểu nhiều điều: “Truyện ngắn thì ngắn, truyện dài thì dài. Nhưng nếu truyện dài là một cái gì hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất dù nó có mở rộng nhiều chân trời xa xôi”. Đó là điểm dễ hiểu nhưng ít người chịu hiểu. Truyện ngắn cũng nhất thiết không phải là những truyện quá ngắn ngủi và nhất là vô duyên như kiểu “A very short story” của Hemingway. Một truyện ngắn hay như một viên đá ném vào thạch động. Nó vang rền khắp nơi. chúng ta tê điếng xa xăm, khác với cái tê điếng rất mạnh của nhục cảm. Như sau khi đọc xong một truyện dài có tư tưởng lớn. Đó là bi lực của truyện ngắn, một truyện dĩ nhiên ngắn hơn truyện dài”.

 

 

clip_image019
Nguyễn Quốc Trụ: Đối với cá nhân yêu mến và theo đuổi nghiệp văn, truyện ngắn là giai đoạn chuẩn bị, sửa soạn trước khi sáng tác những truyện dài. Như thế, truyện ngắn là một bài toán nhỏ về bút pháp exercice de style. […] Truyện ngắn giống như những dấu hiệu thay đổi thời tiết trước khi sang mùa. Người đọc phải nhạy cảm một chút mới nhận ra truyện ngắn hay hoặc dở, – giống như những viên ô mai, ăn ít thì còn ngon.

 

 

 

clip_image021

 

 

Mai Thảo: Truyện ngắn là một thể văn phải thể hiện trong nó rất nhiều cái riêng tây. càng có nhiều được những cái riêng tây chừng nào, truyện ngắn càng hay chừng nấy. Không khí, nhân vật, cách viết, đều là cái chỉ có một. Một nhà văn viết 100 truyện ngắn hay, 100 truyện đó phải hoàn toàn khác biệt nhau. Mỗi truyện ngắn, như một đời người, phải tạo được cho nó một định mệnh riêng. Với riêng tôi, truyện ngắn là những bước chân thứ nhất đi vào văn chương.

 

 

 

clip_image022

 

Dương Nghiễm Mậu: Các tác giả thường trải qua một giai đoạn viết truyện ngắn trước khi viết truyện dài. Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chém. Truyện ngắn thường là chi tiết đủ nghĩa của một đề tài thu hẹp. Với khuôn khổ khó khăn của kỹ thuật nhưng tự nó không phải là một thể văn gò bó. Một truyện ngắn không bao giờ là trích đoạn của một truyện dài thành công.

 

 

 

 

  clip_image024

 

Nguyễn Tất Nhiên: Phân tích một hai ý tưởng, hành động chính đơn giản nhưng độc đáo. Diễn tiến trong vài giờ. Truyện ngắn theo tôi, tự nó phải đầy đủ, vì tự nó đã được quyền mang trọn vẹn ý nghĩa của danh từ “tác phẩm”. Tôi không trọng tác giả nào trích đoạn truyện dài ra làm truyện ngắn. Khi cầm bút, tôi phải biết tôi muốn nói gì và đủ khả năng nói chăng? Ngắn hay dài?

 

 

 

clip_image026

 

Nguyễn Ðông Ngạc: Về nội dung: bất cứ đề tài nào của thơ, của truyện dài cũng có thể là đề tài của truyện ngắn. Nhưng vì là truyện ngắn nên tình tiết, ý tưởng phải thật chọn lọc và có tính cách quyết định hơn. Truyện ngắn gần giống như thơ Ðường ở nội dung. Về hình thức: phần này theo tôi là phần quyết định sự thành công hay thất bại của truyện ngắn (nhất là loại truyện ngắn không có cốt truyện và là phần xác định sắc thái của một tác giả, phần khám phá và làm mới truyện của một người viết). Còn nghĩ và viết như thế nào là sự lựa chọn của một người và dĩ nhiên truyện ngắn hay phải là truyện làm cho người đọc thích: và chịu được sự thử thách của thời gian. Hiện nay, tôi quan niệm: quá khứ, hiện tại, tương lai là một dây chuỗi không thể tách rời và tôi đã chọn cách diễn tả không phân biệt rõ ràng từng thời gian. Người đọc sẽ thấy cả ba thời gian lẫn lộn kể cả không gian nữa. Một người trong cùng một lúc có thể sống – nhờ ý nghĩ, nhờ trí tưởng tượng, nhờ kinh nghiệm – ở mọi nơi và mọi thời gian. Phần lớn truyện của tôi đều có bút pháp của truyện Ðỉnh Cao Sương Mù, là một truyện viết với mối ám ảnh của chính tôi về chiến tranh.

 

 

 

 

 

 

TV đánh máy lại từ tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê hương Chúng ta” do Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn, Nxb Sóng 1973.

Comments are closed.