Roland Barthes nói về thư “cổ điển” và thơ “hiện đại”

(Trích Độ không của lối viết*)

Với mong muốn giúp bạn đọc có thêm tài liệu để ngẫm nghĩ về quan điểm văn học, quan điểm Thơ, liên quan đến những mối quan hệ truyền thống – cách tân khám phá, sáng tác – phê bình – thưởng thức, tác giả – bạn đọc, Văn Việt xin đăng một bài của nhà nghiên cứu có thẩm quyền Roland Barthes.

Văn Việt

Vào thời cổ điển, văn xuôi và thơ là những đại lượng, sự khác biệt giữa chúng có thể cân đo được; chúng cách xa nhau không nhiều hơn cũng không ít hơn hai số khác nhau, cũng tiếp cận nhau như chúng, song khác nhau bởi chính sự khác nhau về số lượng. Nếu tôi gọi là văn xuôi một lời nói tối thiểu, cách chuyển tải tư tưởng tiết kiệm nhất, và nếu tôi gọi là a, b, c, những thuộc tính đặc thù của hành ngôn, vô ích nhưng có tính trang trí, như vận luật, vần điệu hay nghi thức các hình ảnh, toàn bộ bề mặt của các từ sẽ chứa đựng trong phương trình kép sau đây của ông Jourdain (1):

Thơ = Văn xuôi + a + b + c

Văn xuôi = Thơ – a – b – c

Từ đó hiển nhiên suy ra rằng Thơ bao giờ cũng khác Văn xuôi. Nhưng sự khác nhau đó không phải về bản chất, mà về số lượng. Nó không vi phạm tính thống nhất của hành ngôn, vốn là một giáo điều cổ điển. Người ta định lượng khác nhau các cách nói, tuỳ theo các tình huống xã hội, nơi này thì văn xuôi hay hùng biện, chỗ kia thì thơ hay lối kiểu cách, cả một nghi thức giao tiếp của các lối biểu đạt, nhưng ở đâu cũng vẫn một hành ngôn ấy, phản chiếu những phạm trù tinh thần vĩnh cửu. Thơ cổ điển chỉ được cảm nhận như một biến cách có tính trang trí của văn xuôi, kết quả của một nghệ thuật (có nghĩa là một kỹ thuật), không bao giờ như một hành ngôn khác biệt hay như là sản phẩm của một rung cảm riêng biệt. Mọi thứ thơ như thế chỉ là phương trình trang trí, bóng gió hay dày đặc, của một thứ văn xuôi tiềm tàng nằm sẵn một cách bản chất và mạnh mẽ trong bất cứ lối biểu đạt nào. Vào các thời cổ điển, “có chất thơ” không hề hàm ý một tầm rộng, một chiều dày đặc biệt nào của tình cảm, một mối liên kết, một thế giới riêng nào cả, mà chỉ là chuyển điệu của một kỹ thuật ngôn từ, kỹ thuật “biểu đạt” theo những quy tắc đẹp đẽ hơn, tức là có tính xã hội hơn là lối đàm thoại, nghĩa là từ một tư tưởng nội tại đã nảy sinh trọn vẹn trong Trí tuệ, phát ra một lời nói được xã hội hóa do tính quy ước hiển nhiên của nó.

Ta biết rằng trong thơ hiện đại, nền thơ bắt đầu không phải từ Baudelaire mà từ Rimbaud, không còn lại chút gì của cấu trúc đó, dù nó có phải lấy lại theo một cách thức truyền thống được xếp đặt, những đòi hỏi về mặt hình thức của thơ cổ điển: từ nay các nhà thơ thiết lập lời nói của họ như một Bản chất đóng kín, bao gộp cùng lúc cả chức năng lẫn cấu trúc của ngôn ngữ. Như vậy Thơ không còn là một thứ Văn xuôi đeo đầy trang sức hay bị tước hết tự do. Nó là một phẩm chất không khoan nhượng và không kế thừa. Nó không còn là thuộc tính, nó là thực chất, và do đó, nó rất có thể khước từ các ký hiệu, bởi nó mang bản chất của nó trong chính nó, và chẳng việc gì phải bày tỏ bản sắc của nó ra bên ngoài: các ngôn ngữ thơ và văn xuôi đã khá cách biệt nhau để có thể bỏ qua ngay cả những dấu hiệu về sự khác biệt của chúng.

Ngoài ra, các mối quan hệ mạo xưng giữa tư tưởng và hành ngôn đã đảo ngược; trong nghệ thuật cổ điển, một tư tưởng hoàn tất đẻ ra một lời nói “biểu đạt”, “dẫn dịch” tư tưởng ấy ra. Tư tưởng cổ điển là phi thời lượng, thơ cổ điển chỉ có thời lượng cần thiết cho sự xếp đặt về mặt kỹ thuật của nó. Trong nghệ thuật thơ hiện đại, trái lại, các từ tạo ra một liên tục hình thức từ đó dần dần tỏa ra một tỷ trọng trí tuệ và tình cảm không thể có được nếu không có chúng; lúc này lời nói là thời gian dày đặc của một sự thai nghén có tính chất tinh thần hơn, trong đó tư tưởng “được chuẩn bị”, dần dần được bày ra theo nhịp gieo các từ. Cái cơ may ngôn ngữ ấy, từ đó sẽ rụng xuống trái chín của một ý tưởng, như vậy giả định một thời gian thơ, không còn là thời gian của một sự “chế tạo”, mà là thời gian của một ngẫu nhiên khả dĩ, cuộc hội ngộ của một ký hiệu với một ý đồ. Thơ hiện đại đối lập với nghệ thuật cổ điển bằng một sự khác biệt chiếm hết toàn bộ cấu trúc của hành ngôn, không để lại giữa hai lối thơ này điểm chung nào khác ngoài cái ý đồ chung về mặt xã hội học.

Kết cấu của hành ngôn cổ điển (Văn xuôi và Thơ) là có tính liên kết, nghĩa là các từ ở đó trừu tượng đến tối đa nhằm phục vụ các mối liên hệ. Không từ nào tự nó là cô đặc, nó chỉ thoáng là ký hiệu của một sự vật, nó là con đường của mối liên kết thì nhiều hơn. Không cắm sâu vào một hiện thực nội tại đồng chất với đường nét của nó, vừa phát ra, nó trườn ngay đến với các từ khác, để tạo thành một chuỗi hời hợt các ý đồ. Một cái nhìn vào hành ngôn toán học có thể sẽ cho phép ta hiểu tính chất liên kết của văn xuôi và thơ cổ điển: ta biết rằng trong lối viết toán học, không chỉ mỗi đại lượng đều có một ký hiệu, mà những mối quan hệ nối liền các đại lượng ấy với nhau cũng được phiên thành những dấu hiệu thao tác, bằng nhau hoặc khác nhau; có thể nói rằng toàn bộ chuyển động của liên tục toán học là do từ lối đọc rõ các mối quan hệ của nó. Hành ngôn cổ điển cũng được thúc đẩy bằng một chuyển động tương tự, tất nhiên là ít nghiêm nhặt hơn: các “từ” của nó, bị trung tính hóa, vô tích hóa, do dựa chặt vào một truyền thống hút hết các gập ghềnh về âm thanh hay ngữ nghĩa, sẽ quy tụ vào một điểm vị mặn mà của hành ngôn và ngăn sự chuyển động mang tính sáng tỏ lại để tạo ra một sự khoan khoái không đơn điệu. Chuỗi liên tục cổ điển là một dãy nối tiếp các yếu tố có tỷ trọng ngang bằng nhau, bị chi phối bởi một áp lực cảm xúc như nhau, và bị rút hết mọi ý hướng đưa tới một hàm nghĩa cá nhân và dường như được phát minh ra. Ngay cả ngôn từ thơ cũng là một ngôn từ sử dụng, chứ không phải phát minh: các hình ảnh ở đây mang tính đặc biệt theo từng khối chung, chứ không phải riêng lẻ, là đặc biệt vì thói quen, chứ không phải do sáng tạo. Như thế chức năng của nhà thơ cổ điển không phải là tìm ra những từ mới, cô đặc hơn hay rực rỡ hơn, mà là sắp xếp một nghi thức cũ, hoàn thiện tính đối xứng hay tính súc tích của một mối quan hệ, dẫn dắt hay rút gọn một tư tưởng đến ranh giới chính xác của một vận luật. Ý nhị cổ điển là ý nhị về các mối quan hệ, chứ không phải về từ: đó là nghệ thuật biểu đạt, chứ không phải phát minh; các từ ở đây không như về sau này, tái hiện chiều sâu và vẻ đặc biệt của một kinh nghiệm bằng một lối lên giọng mãnh liệt và bất ngờ; chúng được xếp đặt trên bề mặt, tuỳ theo đòi hỏi của một kết cấu thanh nhã hay có tính trang trí. Người ta thích thú vì cách trình bày chúng chứ không phải vì sức mạnh và vẻ đẹp riêng của chúng.

Hẳn là lời nói cổ điển không đạt đến sự hoàn thiện về chức năng của hệ thống toán học, ở đó các mối quan hệ không được biểu thị bằng những ký hiệu riêng, mà chỉ bằng những sự cố về hình thức hay về cách sắp xếp. Chính sự co rút lại của các từ, cách sắp hàng của chúng, tạo nên tính chất liên kết của lời nói cổ điển; bị mài mòn trong một số ít mối quan hệ cứ luôn giống nhau, các từ cổ điển tiến dần đến một thứ đại số hình thái tu từ, sáo ngữ là những công cụ thích hợp để liên kết; chúng đánh mất đi tỷ trọng của chúng để cho lời nói đạt được trạng thái chặt chẽ hơn; chúng tác động theo kiểu các hóa trị hóa học, vẽ nên một khu vực ngôn từ đầy những mối liên thông đối xứng, những ngôi sao và những nút thắt từ đó nảy sinh những ý đồ hàm nghĩa mới, mà không hề bao giờ dừng lại đôi chút để mà ngạc nhiên. Những phần tử của lời nói cổ điển vừa bộc lộ ý nghĩa của mình ra xong thì liền trở thành những vật truyền hay những thông báo mang đi xa mãi một ý nghĩa không thể lắng đọng ở đáy của một từ, mà lan rộng ra theo tầm cỡ một hành vi hoàn toàn trí năng, nghĩa là hành vi truyền thống.

Nhưng việc Hugo thử bẻ vẹo câu thơ mười hai âm tiết, là thể thơ có tính liên kết hơn cả trong tất cả các vận luật, đã chứa đựng toàn bộ tương lai của thơ hiện đại, bởi vì ông đã tiêu diệt mất ý đồ liên kết để thay vào đó một sự bùng nổ của các từ. Quả vậy, thơ hiện đại, vì cần phải đối lập nó với thơ cổ điển và với mọi thứ văn xuôi, phá hủy tính chất chức năng tự phát của hành ngôn, chỉ còn để lại ở đó những nền tảng từ ngữ. Đối với các mối quan hệ, nó chỉ giữ lại sự chuyển động của chúng, nhạc điệu của chúng, chứ không phải ý nghĩa của chúng; từ vỡ tung ra trên một dãy những mối quan hệ đã bị khoét rỗng, ngữ pháp mất đi tính mục đích của nó, nó trở thành phép làm thơ, nó chỉ còn là một biến tố được kéo dài nhằm trưng Từ ra. Nói đúng ra thì các mối quan hệ không bị xóa bỏ, chúng chỉ đơn giản là những vị trí được giữ lại, chúng là một thứ nhại những quan hệ và cái khoảng trống ấy là cần thiết bởi vì tỷ trọng của Từ phải được bay bổng ra khỏi một ký hiệu không có đáy, “như một sự cuồng nộ và một bí mật”.

Trong ngôn ngữ cổ điển, chính các mối quan hệ dắt dẫn từ, rồi lôi kéo nó ngay đến một ý nghĩa luôn luôn được trù định; trong thơ hiện đại, các mối quan hệ chỉ là một sự khuyếch trương của từ và Từ chính là “ nơi trú ngụ”, nó được cấy vào đó như là một ngọn nguồn trong khoa vần luật các chức năng, nghe thấy được nhưng không hiện diện. Ở đây, các mối quan hệ mê hoặc, chính Từ nuôi dưỡng và lấp đầy như đột ngột vén lên một sự thật; nói rằng sự thật này là thuộc loại thơ chỉ là nói rằng Từ thơ không bao giờ có thể là giả bởi vì nó toàn vẹn; nó sáng rực một tự do bất tận và còn sẵn sàng chiếu sáng đến hàng ngàn mối quan hệ lung linh và khả dĩ. Những mối quan hệ cố định mà bị xóa bỏ, thì từ chỉ còn có một đồ án thẳng đứng, nó giống như một khối, một cột trụ cắm sâu vào một toàn thể những ý nghĩa, những phản xạ và những tồn dư: nó là một ký hiệu đứng. Từ thơ ở đây là một hành vi không có quá khứ gần, một hành vi không có vùng xung quanh, chỉ gợi lên bóng tối dày đặc của những phản xạ từ tất cả các nguồn gắn liền với nó. Như vậy dưới mỗi Từ của thơ hiện đại có một thứ địa chất hiện sinh, ở đó tập họp nội dung toàn vẹn của Tên gọi, chứ không còn là nội dung được chọn lọc như trong văn xuôi hay trong thơ cổ điển. Từ không còn được điều khiển từ trước bởi một ý đồ tổng quát của lời nói xã hội hóa; người tiêu thụ thơ thiếu mất sự hướng dẫn của những quan hệ chọn lọc, chạm ngay trực diện vào Từ, và tiếp nhận nó như một đại lượng tuyệt đối, kèm theo tất cả các khả năng của nó. Từ ở đây có tính bách khoa, nó chứa đựng đồng thời tất cả những nghĩa mà một lời nói có tính liên kết sẽ buộc nó phải chọn trong số đó. Như thế nó đạt đến một trạng thái chỉ có thể có trong từ điển hay trong thơ, ở đó danh từ có thể sống mà không cần có mạo từ của nó, được đưa đến một thứ trạng thái độ không, cùng lúc chứa đầy các đặc thù quá khứ và tương lai. Từ ở đây mang một hình thức chủng loại, nó là một phạm trù. Như vậy mỗi từ là một vật thể bất ngờ, một cái hộp của Pandore(2), từ đó bay vụt ra tất cả tiềm tàng của ngôn ngữ; như thế nó được sản xuất ra và tiêu thụ một cách đặc biệt chăm chú, một nỗi thèm thuồng thiêng liêng. Cái sự Đói Từ đó, chung cho toàn bộ thơ hiện đại, biến lời nói thơ thành một lời nói kinh khủng và vô nhân tính. Nó thiết lập một lời nói đầy những lỗ hổng và đầy ánh sáng, đầy những trống vắng và những ký hiệu siêu dinh dưỡng, không báo trước cũng chẳng liên tục về ý đồ và do đó đối lập với chức năng xã hội của hành ngôn cho đến nỗi chỉ cần dùng một lời nói đứt đoạn cũng đủ mở đường cho mọi thứ Siêu nhiên.

Ý nghĩa kết cấu duy lý của hành ngôn cổ điển thật ra là gì nếu không phải rằng Tự nhiên là đầy đặn, có thể chiếm hữu, không rò rỉ và không bóng tối, bị khuất phục toàn bộ trong cạm bẫy của lời nói? Hành ngôn cổ điển luôn luôn được thu lại trong một liên tục có thính thuyết phục, nó định đề hóa đối thoại, nó thiết lập một thế giới trong đó con người không đơn độc, ở đó các từ không bao giờ nặng trĩu trọng lượng khủng khiếp của các sự vật, và lời nói luôn là cuộc hội ngộ với người khác. Hành ngôn cổ điển mang lại sự khoan khoái bởi nó là một hành ngôn tức thì có tính xã hội. Không một thể loại, một văn bản cổ điển nào không tự dự kiến một sự tiêu thụ tập thể và gần như là theo cách nói to lên: nghệ thuật cổ điển là một sự vật lưu hành giữa những con người tập họp thành giai cấp, là một sản phẩm được làm ra để truyền miệng, nhằm phục vụ một sự tiêu thụ được điều tiết theo những thói tục quảng giao: về cơ bản nó là một lối hành ngôn nói, bất chấp tính qui tắc hóa chặt chẽ của nó.

Ta đã thấy thơ hiện đại ngược lại phá hủy các mối liên kết của hành ngôn và đưa lời nói trở lại những bến từ. Điều này dẫn đến một đảo lộn trong nhận thức về tự nhiên. Tính gián đoạn của hành ngôn thơ mới thiết lập một Tự nhiên đứt đoạn chỉ tự bộc lộ thành từng khối. Đúng vào lúc việc rút lui của các chức năng phủ bóng đêm lên những mối liên kết của thế giới, sự vật chiếm một vị trí được nâng cao hơn trong lời nói: thơ hiện đại là một thứ thơ khách thể. Ở đấy Tự nhiên trở thành một mớ rời rạc các sự vật đơn độc và kinh khủng, bởi chúng chỉ còn những mối liên kết ảo: không ai chọn cho chúng một ý nghĩa ưu tiên hay một công dụng, hay một dịch vụ, không ai áp đặt cho chúng một tôn ti, không ai qui chúng về ý nghĩa một thái độ tinh thần hay một ý đồ, tức là cuối cùng một tình âu yếm. Sự bùng nổ của từ thơ sẽ thiết lập một sự vật tuyệt đối; Tự nhiên trở thành một dãy nối tiếp những vật thẳng đứng, sự vật đột ngột đứng thẳng dậy, chứa đầy tất cả các khả năng của nó: nó chỉ có thể cắm chặng một thế giới không được lấp đầy và chính vì thế mà kinh khủng. Những từ – sự vật không liên kết đó, được tô điểm bằng tất cả sự mãnh liệt do bùng nổ của chúng, mà sự rung động thuần túy máy móc chạm vào từ tiếp theo một cách kỳ lạ nhưng lại tắt ngấm ngay, những từ thơ ấy loại trừ con người; không có chủ nghĩa nhân văn thơ trong tính hiện đại: lời nói thẳng đứng này là một lời nói đầy kinh hoàng, nghĩa là nó liên kết con người không phải với những con người khác, mà với những hình ảnh phi nhân tính nhất của Tự nhiên: trời, địa ngục, cái thiêng liêng, tuổi ấu thơ, sự điên rồ, vật chất ròng, v.v.

Đến lúc đó, khó lòng nói tới một lối viết thơ, bởi đây là một ngôn ngữ mà bạo lực tự trị phá hủy hết mọi dung tải đạo đức học. Hành vi nói ở đây nhằm biến đổi Tự nhiên, nó là một cuộc làm tạo hoá; nó không phải là một thái độ lương tri mà là một hành vi cưỡng bức. Ít ra đây cũng là ngôn ngữ của các nhà thơ hiện đại, họ đi đến cùng ý định của mình và đảm nhận thơ, không phải như một hoạt động tinh thần, một trạng thái tâm hồn hay một sự xác định chỗ đứng, mà như là vẻ rực rỡ và tươi tắn của một ngôn ngữ mơ ước. Đối với các nhà thơ đó, nói đến lối viết hay tình cảm thơ chỉ phí hoài. Thơ hiện đại, trong dạng tuyệt đối của nó, chẳng hạn ở một Char, nằm ở bên kia cái giọng điệu lan toả, cái vầng hào quang quý giá ấy, chúng mới thật sự là một lối viết, và người ta thường gọi là tình cảm thơ. Không ai phản đối khi ta nói về một lối viết thơ ở các nhà cổ điển và những người kế nghiệp họ hoặc cả khi nói về văn xuôi thơ theo kiểu Những thức ăn trần thế (3) ở đó Thơ thật sự là một thứ đạo đức học nào đó của ngôn ngữ. Trong cả hai trường hợp trên, lối viết hấp thụ mất văn phong và ta có thể tưởng tượng là đối với những người sống ở thế kỷ XVII, chẳng dễ gì phân biệt ngay được, nhất là về mặt thơ, giữa Racine và Pradon (4), cũng hệt như một độc giả hiện đại chẳng dễ gì phán xét các nhà thơ đương đại đang dùng cùng một lối viết thơ, đơn điệu và không rõ rệt, bởi vì đối với họ Thơ là một khí hậu, nghĩa là chủ yếu là một quy ước của ngôn ngữ. Nhưng một khi hành ngôn thơ đã triệt để đặt Tự nhiên thành vấn đề, chỉ bằng hệ quả duy nhất của cấu trúc nó, không cần viện dẫn đến nội dung lời nói và không cần dừng lại ở trạm dừng của một ý thức hệ, thì không còn có lối viết nữa, chỉ còn có những văn phong, qua đó con người quay hẳn lại đối mặt với thế giới khách quan mà không cần thông qua bất cứ một hình thái nào của Lịch sử hay tính xã hội.

(Nguyên Ngọc dịch)

(1) Ông Jourdain: Nhân vật vở hài kịch Trưởng giả học làm sang của Molière. Đến một lúc nào đó, ông chợt nhận ra rằng hóa ra trước nay mình vẫn “làm văn xuôi” mà không hề biết.

(2) Pandore: Người đàn bà đầu tiên của nhân loại, theo thần thoại Hy Lạp. Bà đã mở chiếc hộp chứa đầy tất cả những nổi thống khổ của con người và đổ tràn ra khắp thế gian.

(3) Những thức ăn trần thế: Một trong những tác phẩm chính của André Gide.

(4) Racine (Jean); Nhà thơ, nhà viết kịch Pháp (1639-1699), tác giả kiệt tác Phèdre; còn Pradon có lẽ là một nhà thơ tầm thường sống cùng thời, thường không được các cuốn từ điển nhắc tới.

(*) Trích từ Nguyên Ngọc – Tác phẩm, tập III, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007, từ trang 34 đến 45.

Comments are closed.