Sè sè nấm đất bên đàng

Thanh Thảo

Chuyện đời, luôn có những kết nối thật bất ngờ.

Một buổi sáng, tôi nhận được email của một người bạn, anh là giáo sư toán học ở Paris, đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia các hoạt động khoa học. Anh nói, mình đang ở Lisbon – Bồ Đào Nha, dự một hội thảo thường niên. Anh tình cờ đọc thấy trên Facebook của một Facebooker tên Phạm Vũ Lộc. Anh Lộc này quê ở miền Bắc, hình như cũng còn khá trẻ. Anh kể chuyện mình vừa vào Quảng Ngãi, và tìm đến làng Xuân Phổ, mà trên Google Maps ghi là Xuân Phổ – Nghĩa Bình, dù tỉnh Nghĩa Bình đã mất tên từ 30 năm nay. Anh Lộc tìm một ngôi mộ ở làng Xuân Phổ. Theo anh viết, thì “trong sự nghiệp tìm mộ của mình, đây là ca hiểm nhất”. Không biết hiểm thế nào, nhưng anh kể gặp dân làng, hỏi, không ai biết. Sau tìm tới một vị trưởng lão, 88 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, lại hỏi. Cụ già sau khi căn vặn anh Lộc rất kỹ, mới đồng ý dẫn anh đi chỉ ngôi mộ đó. Và dặn anh: không được viết tên ông là người chỉ ngôi mộ. Anh Phạm Hữu Lộc kết luận cái “tút” ngắn của mình: “Vâng, đó là mộ Tạ Thu Thâu.” (*)

clip_image002

Mộ Tạ Thu Thâu ở Xuân Phổ, Quảng Ngãi (ảnh Lê Hồng Khánh)

Giáo sư toán học Việt kiều đề nghị tôi giúp kiểm chứng xem thông tin ấy có chính xác không? Có phải ngôi mộ Tạ Thu Thâu thấy trong ảnh của anh Lộc đúng là mộ Tạ Thu Thâu hay không?

Tôi không phải nhà sử học, trình độ sử học cũng rất nghiệp dư, nhưng chắc chắn, cái tên Tạ Thu Thâu thì tôi đã nghe, đã đọc một số tài liệu, trong sách có, trên mạng có. Tôi nhớ, có một tài liệu tôi đã đọc trên mạng, kể rằng Tạ Thu Thâu sau Cách mạng tháng Tám đã từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, bị bắt ở đây, và sau đó, bị tuyên án tử hình và thi hành án tại Quảng Ngãi. Tài liệu ấy nói, ông Tạ Thu Thâu bị hành quyết ở “rừng dương bãi biển Tịnh Khê” (tức Sơn Mỹ). Tôi cũng chỉ biết không rõ ràng như vậy. Nay lại nghe, mộ ông Tạ Thu Thâu ở Xuân Phổ, một làng thuộc phía tây thành phố Quảng Ngãi, cách thành phố khoảng 7 km, và cách rừng dương Tịnh Khê về phía đông thành phố khoảng 20 km. Như vậy, đã có hai câu chuyện khác nhau về địa điểm có thể có ngôi mộ.

Tôi sẽ làm gì để “kiểm chứng” đây?

Tôi nghĩ ngay tới nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Lê Hồng Khánh, hiện đang là Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi. Tôi gọi điện cho anh Khánh, nói câu chuyện, đưa cả đường link facebook Phạm Vũ Lộc, thì may quá, anh Khánh nói ngay: “Em có nghe về ngôi mộ này, do nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Phạm Trung Việt kể, khi ông còn sống. Ông Việt còn định rủ em đi thăm ngôi mộ, nhưng rồi ông bị bệnh nặng, và qua đời. Nhưng em sẽ nhờ một người tìm hiểu ngay, người đó chính là ông cậu em.” Tôi mừng quá, khi nghe tên người cậu của Khánh, hóa ra là người bạn thân quen của tôi. Anh Đình – tôi tạm gọi tên anh như vậy – là một người kháng chiến cũ ở Quảng Ngãi, sau này có thời gian là quan chức cấp huyện, cả chính quyền và Đảng. Nay đã về hưu, nhưng anh Đình rất nặng lòng với các câu chuyện lịch sử quê hương mình. Và anh cũng đã tìm được nhiều ngôi mộ, không chỉ của tổ tiên dòng họ, mà còn là mộ những chí sĩ yêu nước đã hy sinh của Quảng Ngãi.

Chỉ sau mấy ngày, tôi đã nhận được điện thoại của anh Lê Hồng Khánh. Anh Khánh nói, mai cậu em cùng hai anh em mình sẽ lên mộ Tạ Thu Thâu. Tôi hỏi sao tìm và xác định nhanh vậy, anh Khánh cho biết, cậu Đình anh, vốn ngày kháng chiến chống Mỹ có hoạt động ở vùng Xuân Phổ, nên quen biết nhiều người dân ở đó. Khi anh Đình lên tìm gặp bà con trong làng, và nói chuyện muốn tìm và xác định ngôi mộ, dân làng đã rất vui vẻ kể nhiều chuyện, và đưa anh Đình tới gặp chị Chi, là chủ mảnh đất có ngôi mộ tọa lạc. Chị Chi vừa kể chuyện, vừa cùng bà con đưa anh Đình ra viếng ngôi mộ. Hóa ra, nó nằm ở bên đường lớn, ngay đầu đám ruộng xưa trồng mía của gia đình chị Chi. Tôi hỏi anh Khánh, sao anh Phạm Vũ Lộc viết trong “phây” nói bà con dân làng không ai biết ngôi mộ, anh Khánh cười: “Với người lạ, bà con không nói đâu. Nhưng cậu Đình em là người thân quen với dân làng, cậu lại là “người của Đảng”, nên dân làng tin tưởng và mở lòng.”

Ra vậy.

Chúng tôi lên xe, bon về Xuân Phổ. Hóa ra, đường gần và đường tốt. Chả khó khăn gì để nhìn thấy đám ruộng mía, không biết nay trồng thứ gì, vì cây mía đã gần như biến mất trên mảnh đất Xuân Phổ vốn là một trung tâm mía đường của Quảng Ngãi thời xưa.

Có cái lạ và hay nữa là, ngồi trên xe hỏi chuyện mới biết, anh lái xe gần như tình cờ lái xe đưa chúng tôi đi lại là người quê… Xuân Phổ, lại là láng giềng của nhà chị Chi và một số bà con biết chuyện khác. Sao lại có nhiều sự tình cờ bất ngờ và hay như thế nhỉ?

Ngôi mộ chỉ là một gò đất nho nhỏ, nhưng trông khá tinh tươm. Hình như có sự chăm sóc kín đáo nào đó. Chúng tôi lặng lẽ thắp hương, đảnh lễ. Anh Khánh chụp vài kiểu ảnh để ghi nhớ. Vì với chúng tôi, đây đúng là một sự kiện. Dù nó đến rất tình cờ, nhưng lại găm rất sâu vào trí nhớ, vào ý nghĩ. Bó hương chợt cháy bùng lên, anh Khánh đã nhanh tay ghi lại trong một bức ảnh. Vậy là sao nhỉ?

clip_image004

Bó hương cháy bùng bên mộ (ảnh Lê Hồng Khánh)

Trong công việc phát hiện và định vị ngôi mộ này, công của anh Phạm Vũ Lộc, một người chúng tôi chưa quen, lại không phải người Quảng Ngãi, là rất lớn. Nhưng nếu không có anh Đình và những tháng năm chiến đấu ở vùng đất Xuân Phổ này, được bà con tin yêu và cởi mở, thì chuyện cũng khó kết thúc có hậu nhanh như vậy.

Vừa lúc chúng tôi thắp xong tuần hương, thì chị Chi và dăm bảy anh em bà con cũng đến. Có một nhà giáo già kiêm nhà nghiên cứu lịch sử địa phương là thầy giáo Võ Đông Sơ, mấy người còn lại tuổi tuy trên dưới 60 nhưng trông còn phong độ lắm.

clip_image006 clip_image008

Hình trái: Cùng anh em làng Xuân Phổ trước mộ. Hình phải: Tác giả Thanh Thảo, chị Chi (chủ đất) và anh Oanh

Tôi hỏi chuyện chị Chi, mới biết, vợ chồng chị từ những năm còn rất trẻ (chị Chi năm nay 70 tuổi) đã được bố chồng chị là cụ Nguyễn Thiên, căn dặn cần phải trông nom chăm sóc ngôi mộ không tên trên đất nhà mình ấy. Bản thân cụ Thiên sinh thời cũng thường đắp bồi ngôi mộ hàng năm vào dịp trước Tết nguyên đán. Ở vùng quê Quảng Ngãi chúng tôi gọi đó là tục “dẫy mả” (còn gọi là “chạp mả”). Nhờ vậy, ngôi mộ Tạ Thu Thâu dù không được xây cất hay có bia mộ, trông vẫn có nét riêng rất khác so với xung quanh. Sau khi cụ Thiên qua đời, vợ chồng chị Chi – anh Tấn (chồng chị) vẫn nhớ lời cha dặn, hàng năm đều đi dẫy mả và thắp hương cho ngôi mộ đất. Tôi để ý, khi chúng tôi đến thắp hương, những chân hương trước đó đều không còn cắm trên mộ. Hình như người ta không muốn cho biết đó là ngôi mộ. Vậy mà hỏi chuyện bà con đang đứng vây quanh chúng tôi, thì hóa ra, dân làng ai cũng biết ngôi mộ này. Và không chỉ dân làng, người dân tận thành phố Quảng Ngãi cũng biết ngôi mộ đó là của Tạ Thu Thâu. Những người biết ấy, hầu hết họ là những người gắn bó với… số đề. Họ thường lên mộ cụ Thâu, cầu xin cụ cho các con số… đề. Và họ truyền tai nhau, cụ cho… đúng lắm, chuẩn lắm. Một anh trong số bà con đứng với chúng tôi kể: Mới hôm qua, có anh trong làng ra mộ cụ thắp hương xin số đề, cụ cho trúng “cả hai con” luôn. Tôi hỏi, vì không hiểu số đề lắm, thì được giải thích là con số “xuôi” và con số “ngược”, kiểu như 73 và 37. Và cả hai con số đều… trúng. Nhưng không biết anh ấy có mua đề không? Cái này thì không thuộc chuyên môn của tôi, nên không hỏi thêm.

Có một câu chuyện, là sau tháng Tám năm 1945, tức là sau cách mạng, cụ Thiên từng là công an xã, và chắc cụ có biết chuyện ông Tạ Thu Thâu khá cụ thể. Nhưng cụ Thiên còn là một… thầy địa (thầy địa lý, người coi phong thủy, nhà cửa, mồ mả, đất cát… cho bà con trong làng), vì thế, cụ biết và kính trọng những giá trị tâm linh, dù thời ấy, không ai dám nói chuyện tâm linh, vì sợ… chính quyền.

Khi chị Chi đã về nhà, tôi mới hỏi anh Phạm Cao Minh, là cháu ruột chí sĩ Phạm Cao Chẩm – một bậc tiên liệt của cách mạng Quảng Ngãi – rằng gia cảnh chị Chi hiện nay thế nào? Anh Minh hồ hởi: “Gia đình chị rất hòa thuận, thương yêu nhau. Anh Tấn chồng chị đã mất cách đây 2 năm, nhưng các cháu con chị lớn lên đều học giỏi, khi ra trường đều có việc làm tốt, có cháu bây giờ giữ một vị trí khá “ngon” ở một tập đoàn ô tô lớn hàng đầu đất nước. Dĩ nhiên, thu nhập rất tốt.”

Tôi nghe mà rưng rưng mừng thầm. Gia đình chị Chi đã được anh hồn cụ Tạ phù hộ. Vì họ là những người rất tốt, sống nhân nghĩa, thủy chung. Nội chuyện gia đình họ đã ba đời chăm sóc, bảo bọc ngôi mộ chí sĩ Tạ Thu Thâu đã nói lên tất cả.

Câu chuyện chí sĩ Tạ Thu Thâu đã là câu chuyện lịch sử. Từ ngày ông chết tới nay đã 74 năm. Trong lúc hơn chục anh em chúng tôi ngồi với nhau trong một quán nhỏ ở Xuân Phổ, tôi có nói: lịch sử thì bao giờ cũng có những phần sáng, rất sáng, và có những phần mờ, thậm chí, phần tối, cần những thế hệ sau làm cho sáng rõ. Chẳng để làm gì, vì không ai xoay lại được lịch sử, xoay lại được quá khứ. Nhưng những bài học lịch sử cần rút ra thì bao giờ cũng hữu ích cho người đang sống.

Chuyện của cụ Tạ Thu Thâu, của “đệ tam” và “đệ tứ”, thực ra là chuyện của Liên xô (cũ), lẽ ra, nó chẳng dính gì tới Việt Nam cả. Nhưng lịch sử luôn có những chuyện oái oăm như vậy. Nếu nhà cách mạng, nhà văn lỗi lạc Trotsky sau khi bị trục xuất ra nước ngoài, đã ở tận xứ Mexico còn bị Stalin cho người sang tới xứ “ớt Pique” để ám hại, thì chuyện Tạ Thu Thâu bị xử lý ở Quảng Ngãi sau cách mạng tháng Tám cũng là chuyện dễ hiểu. Dù vẫn không thể hiểu được: ông Tạ Thu Thâu chưa một ngày hoạt động cách mạng hay tuyên truyền cho “đệ tứ” tại Quảng Ngãi, người Quảng Ngãi đâu có thù oán gì ông, vì sao nên nỗi?

Nhưng ở đây, chúng ta lại muôn lần biết ơn nhân dân: chính nhân dân đã bằng tấm lòng nhân ái bẩm sinh của mình, khiến một câu chuyện buồn, một bi kịch như thế dường như không tuyệt vọng, dường như có một chút ấm áp nào đó, một chút an ủi nào đó ở cuối đường. Khi nhân dân Xuân Phổ đã thầm lặng bảo bọc nấm mộ “sè sè nấm đất” của chí sĩ Tạ Thu Thâu qua những năm tháng chiến tranh, và cả những năm tháng sau chiến tranh.

Là người kháng chiến cũ, từng có những năm tháng gắn bó với nhân dân mình trong chiến tranh, anh Đình, anh Phạm Cao Minh và tôi cảm thấy vô cùng nhẹ lòng, và đầy “tình thương mến thương” với gia đình chị Chi, với bà con Xuân Phổ qua câu chuyện “nấm mộ đất” này.

Cả với câu chuyện “xin số đề” mà tôi rất không ủng hộ, vì tôi nhớ câu dân gian “đánh đề ra đê mà ở”, nhưng trong câu chuyện mộ Ngài Tạ Thu Thâu, tôi nhận thấy có một kết nối tâm linh nào đó giữa một người nằm dưới nấm mộ đất đã 74 năm với dân làng Xuân Phổ. Có thể người dân ở đây không biết Tạ Thu Thâu là ai, nhưng tôi được biết, qua câu chuyện trao đổi của những người làng này, họ nói với nhau: đó là một người hiền tài.

Mà nhân dân chúng ta thì luôn kính trọng, luôn quí mến những người hiền tài. Chỉ là vậy.

Ngay buổi chiều đó, tôi gọi điện cho anh Dương Trung Quốc và kể câu chuyện ngôi mộ Tạ Thu Thâu. Anh Quốc rất mừng và giục tôi viết bài. Tôi nói, tôi chỉ viết những gì tôi thực sự biết và thấy. Đó là chuyện của hôm nay, chuyện của dân làng Xuân Phổ, của gia đình chị Chi. Và chuyện ngôi mộ “sè sè nấm đất bên đường” mà tôi đã tới tận nơi để thắp hương.

Tôi cũng gọi điện cho bạn tôi, nhà văn Nam Bộ Trần Bảo Định, báo tin vui tìm được mộ Tạ Thu Thâu – một người quê Long Xuyên – Sa Đéc – Đồng Tháp Mười. Anh Bảo Định quá vui, nói anh sẽ viết phần đời thuở ấu thơ nghèo khổ của Tạ Thu Thâu, phần đời học giỏi đến kinh ngạc của Tạ Thu Thâu, và phần đời hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp rất quyết liệt của Tạ Thu Thâu. Tôi nói, chỉ như vậy cũng là đủ, cũng khiến những người già chúng ta hôm nay thỏa nguyện.

“Không một ai bị lãng quên, không một cái gì bị quên lãng”, câu thơ bất tử của nữ thi hào Onga Becgôn trong chiến tranh Vệ quốc ở Liên xô đã làm sáng lên tất cả.

Tôi có nói vui với anh em người làng Xuân Phổ mà tôi gặp gỡ, rằng điều tôi sợ nhất bây giờ là, vùng đất có ngôi mộ chí sĩ Tạ Thu Thâu liệu có lọt “mắt xanh” của các “resorters” nào không? Sợ nhất là nếu nhân dân sơ hở, họ sẽ cướp đất ấy xây resort năm sao ba sao gì đó, bấy giờ, thì làm sao với ngôi mộ không tên nhưng mang tên Tạ Thu Thâu?

clip_image010

Đường Tạ Thu Thâu, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh

TB: Vừa có một thông tin khiến tôi rất vui. Nhờ những người bạn trong Sài Gòn, họ đã giúp tìm được đường phố mang tên Tạ Thu Thâu ở quận 9. Các bạn đã chụp ảnh bảng tên đường và gửi cho tôi. Quận 9 là quận mới của TP Hồ Chí Minh. Tôi rất vui chính vì điều này: tên đường Tạ Thu Thâu mới, được đặt cách đây chưa lâu. Sự công bằng đã bắt đầu được lập lại với con người yêu nước lớn lao ấy. Xin cảm ơn!

Tháng Bảy lịch ta, 2019, tháng tưởng nhớ những linh hồn phiêu dạt

THANH THẢO

(*) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10220893650350313&set=a.4975677349009&type=3&theater

NGUỒN:

Tác giả gửi cho Diễn Đàn ngày 13.11.2019

Bài này cũng đã được đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 10.2019

PHỤ LỤC:

THƯ CỦA MỘT CỘNG TÁC VIÊN TẠP CHÍ XƯA VÀ NAY

Kính gởi anh Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay,

Ngày 08/10/2019 tôi có tìm về quê quán của cụ Tạ Thu Thâu (TTT) tiếp xúc với vài người cao niên có biết chút ít về cụ vì thời gian quá lâu.

Xin tóm tắt như sau:

1/ Cụ Nguyễn Thị Niết (ảnh), sinh năm 1935, hiện ngụ tại ấp Bình Quới, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (bên kia sông xáng Lấp Vò, đối diện với UBND huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), thuở nhỏ ở cùng xóm với gia đình cụ TTT, cho biết:

clip_image012

Gặp cụ Nguyễn Thị Niết

– Cụ TTT có 2 người chị ruột là Tạ Thị Giáp, Tạ Thị Chuẩn, rồi tới cụ TTT là thứ 4 (theo cách gọi trong gia đình của người Nam Bộ), còn 2 người em thứ 5 và thứ 6, cụ Niết không nhớ ; người em thứ 7 là Tạ Kim Tâm, Đại úy Sàigòn, đi vượt biên bị chết ngoài biển (nghe nói hiện còn căn nhà xưa ở gần cầu sắt quay, thuộc TP Long Xuyên, tỉnh An Giang)

2/ Nơi gia đình cụ TTT ở ngày xưa nay bỏ hoang, cỏ mọc um tùm (nằm bên con rạch Trầu, thuộc ấp Bình Thạnh, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp – Ảnh).

clip_image014

Nơi gia đình cụ Tạ Thu Thâu ở ngày xưa nay bỏ hoang

Có vài thông tin ban đầu xin báo anh rõ, nếu cần thì tôi sẽ đi Long Xuyên để tìm hiểu thêm.

Trân trọng!

Nguồn: https://www.diendan.org/viet-nam/se-se-nam-dat-ben-duong

Comments are closed.