“Sống theo lương tâm hiện nay đã là một chiến công”

Feliks Kuznesov

Lê Sơn giới thiệu và dịch

Ngày 22/2 vừa qua nhà phê bình và nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Nga, nguyên Viện trưởng Viện văn học Thế giới Gorki, tròn 80 tuổi. Nhân dịp này Viện sĩ chia sẻ những suy nghĩ của mình về cuộc chiến tranh vệ quốc, về thế giới hiện đại, về văn học và cuộc sống qua buổi trao đổi với phóng viên tờ tuần báo “VĂN HỌC” mới đây.

Ông sinh vào đêm trước ngày 23/2. Hiện nay đó là ngày lễ – Ngày bảo vệ tổ quốc. Hơn nữa, trong năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm ngày khởi đầu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (22 – 06 – 1941) ở phương Tây có ý kiến cho rằng nên quên đi cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ hai này hay chí ít không nên chú ý nhiều tới sự kiện này và nếu như có bàn luận thì nên giữ thái độ bình thản một cách tối đa. Còn với chúng ta thì đề tài chiến tranh vẫn sống động và nhạy cảm. Tại sao lại có sự khác biệt trong thái độ như vậy?

Mới hôm qua tôi vừa đọc xong cuốn hồi ký Củ hành hoài niệm của Gunter Grass[*] mà cách đây không lâu đã gây nên một vụ bê bối ở Đức. Để trả lời cho câu hỏi của bạn, tôi muốn quay trở lại nước Đức. Grass là một nhà văn lớn, hầu như cùng tuổi với tôi. Thật ra, điều khác biệt với tôi là ở chỗ lúc 16 tuổi, ông ta với tư cách là đội viên của tổ chức thiếu niên phát xít Hitlerungen đã tự nguyện ra mặt trận để chiến đấu chống quân đội Xô viết. Và những hồi ức của ông ấy đã buộc chúng ta phải suy nghĩ về thời kỳ chiến tranh vệ quốc dưới một giác độ hơi bất ngờ. Điều khiến tôi ngạc nhiên là với tất cả sức mạnh hùng hậu của bộ máy tuyên truyền Goebbels, đội quân “tử vì đạo” này của Hitler đã nhanh chóng nhanh chóng tan rã ngay từ trong nội bộ khi những binh đoàn xe tăng T34 của Hồng quân tiến vào các thành phố của nước Đức trong năm 1945. Và cuộc chạm trán đầu tiên của Grass cũng như phần lớn những bạn đồng trang lứa với ông ta được tung ra để bảo vệ Berlin trước quân đội Liên xô chính là cuộc chạm trán với những chiếc xe tăng T-34 và với những dàn hỏa tiễn Cachusa. Grass chỉ viết về chuyện ông ta thấy thương xót mình ra sao. Mặc dù việc miêu tả những nỗi đau khổ của chính ông ta và của nhân dân dân Đức trong thời kì chiến tranh không thể so sánh được với những gì mà chúng ta đã trải nghiệm. Sự thử thách mà nhân dân ta, mà thế hệ của chúng tôi đã kinh qua đã vượt quá những khả năng của con người.

Từ “chiến tranh” đã khiến ông nhớ lại điều gì?

Hồi ức đầu tiên của tôi về chiến tranh – đó là một đàn ngựa rất đông đứng chen chúc nhau trên con đường làng dài dằng dặc và mấy cựu chiến binh đang kiểm tra móng guốc của những con ngựa ấy. Được tổng động viên không chỉ là tất cả những người đàn ông ở tuổi nhập ngũ mà còn là tất cả những con ngựa có khả năng cáng đáng các công việc nặng nhọc của thời chiến. Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn quê và ở đó tôi đã bắt gặp sự khởi đầu của chiến tranh khi tôi 10 tuổi. Tôi nhớ rất rõ thời kỳ đói khổ cực nhọc đó – thời kỳ lao động hết sức vất vả. Toàn bộ công việc đồng áng được trút lên vai những người phụ nữ và trẻ em. Bò đã thay thế cho ngựa. Bọn thiếu niên chúng tôi phải thay thế cho những người nông dân trong làng. Chúng tôi học cày bằng bò cái bởi lẽ ở chỗ vùng sâu vùng xa chúng tôi, khác với các vùng phía Nam nước Nga, không có thói quen sử dụng bò đực vào việc canh tác.

Trong thời kì đó cái gì đã củng cố tinh thần nhân dân ta?

Hồi đó từ “chủ nghĩa yêu nước” không được phổ biến. Ở nông thôn ít người biết tới nó. Song có một sức mạnh vô tận của những người đã trụ vững và cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh tàn bạo ấy. Và điều đáng chú ý là không hề có tâm trạng buồn rầu, chán nản. Nỗi đau khổ thì có, nhưng nó không biến thành sự cuồng nộ. Mọi người vẫn giữ trọn niềm tin vững chắc vào thắng lợi của chúng ta. Và khi chiến thắng đã tới, thì tâm trạng hân hoan của nhân dân hoàn toàn không giống với những gì mà Grass đã viết. Cuốn sách của ông ta thiếu nội dung tư tưởng. Tức là trong cuốn sách mang tính chất tự truyện của một trong những nhà văn lớn nhất của nước Đức chẳng có điều gì thiêng liêng cả…

Trên thực tế, nước Đức sau khi bị thất bại đã đánh mất đi tư tưởng quốc gia với tất cả sự giả tạo và vô nhân đạo của nó từng làm cho nước này trở thành bá chủ của Châu Âu và xuýt nữa của toàn thế giới… Tư tưởng đó đã bị phá sản ngay lập tức. Cái chết của Hilter té ra đã diễn ra một cách âm thầm đối với phần lớn nhân dân Đức.

Như Grass đã viết, thông báo này không quan trọng hơn so với tin tức về thời tiết trong ngày hôm đó. Cái tư tưởng giả trá ấy đối với bản chất sâu xa của nhân dân và của dân tộc đã quá rõ ràng!

Song người Đức đã thay thế tư tưởng của chủ nghĩa phát xít bằng tư tưởng tiêu dùng. Adenaner lên nắm chính quyền, và những con cá mập của chủ nghĩa tư bản đã quay trở lại với ông ta, và “sự thần kỳ của nước Đức”, sự bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng bắt đầu. Và cả Châu Âu nối gót nước Mỹ sau này đã đi theo con đường phàm tục ấy.

Còn chuyện gì đã xảy ra ở ta?

Ở ta, chính những thế hệ được hình thành trong chiến tranh đã cung cấp cho thế giới nền văn học Nga vĩ đại của nữa sau thế kỷ XX. Tôi e rằng chuyện đó còn lâu mới gặp lại.

Hiện nay dường như không có chiến tranh, thế nhưng lại có sự cuồng nộ, và không phải là ít?

Đúng thế, nếu như muốn nói tới cuộc sống thường ngày của nhân dân thì có sự khác biệt rất lớn trong tâm trạng của con người. Vào những năm dưới chính quyền Xô Viết trước đây, tuy trong cuộc sống còn có nhiều khó khăn, kể cả những chuyện bất công, oan trái mà nhân dân ta phải chịu đựng, thế nhưng mọi người vẫn có niềm tin vào tương lai và hồi đó không có sự bực bội, phẩn nộ tràn lan như hiện nay. Nếu như nhớ lại những ca khúc thời ấy thì chúng đã thể hiện một cách chính xác bầu không khí của sự lành mạnh đạo đức trong nhân dân. Nhưng đồng thời văn xuôi và thơ ca của chúng ta cũng thấm đẫm nỗi buồn. Đó cũng là mâu thuẫn của thời đại mà rất khó giải thích và thấu hiểu.

Theo ông ai là người trong số các nhà văn đã có thể miêu tả được mâu thuẫn đó – niềm lạc quan yêu đời, sức mạnh mãnh liệt trong tâm hồn con người và nỗi đau khôn nguôi?

Trong thời gian gần đây tôi đã dành 10 năm để nghiên cứu Sholokhov. Và có lẽ điều may mắn nhất trong đời là tôi đã tìm ra được chủ sở hữu bản thảo của hai tập đầu cuốn Sông Đông êm đềm, sau đó, Viện Hàn Lâm khoa học với sự hỗ trợ của V. V. Putin đã mua lại số tư liệu quý hiếm đó. Còn tôi thì có thể chuẩn bị xuất bản những tập bản thảo này sau khi khẳng định quyền tác giả không thể chối cãi của Sholokhov đối với tác phẩm ấy. Nếu như hôm nay đọc lại Sông Đông êm đềm thì chúng ta sẽ hiểu rằng mâu thuẫn mà bạn đọc nêu lên vốn là đặc điểm cố hữu của văn học Nga nói chung ở thế kỷ trước được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất trong sáng tác của Sholokhov, và trước hết trong một tác phẩm mang tầm cỡ văn xuôi thế giới của thế kỷ XX – trong Sông Đông êm đềm. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc sống sâu sắc của nhân dân đã cung cấp cho chúng ta một áng văn chương cao cả đích thực.

Liệu trong văn học hiện đại có vị trí cho nhân tố anh hùng hay không?

Nếu không có chủ nghĩa anh hùng trong cuộc sống thì cũng không thể có được chủ nghĩa anh hùng trong tác phẩm văn học. Chẳng hạn, theo quan niệm của tôi, chủ nghĩa anh hùng trong cuộc sống hôm nay là luôn luôn trung thành với những nguyên tắc cơ bản của sự tồn tại chân chính của con người mà theo đó tiền bạc, lợi ích vật chất không phải là mục đích và ý nghĩa mà chỉ là điều kiện của cuộc sống đích thực của con người. Những người sống theo những quy luật ấy vốn được hình thành bởi đạo chính thống trị và được kế tục bởi nền văn học Nga vĩ đại, không thể chấp nhận sự cưỡng bức đối với lương tâm và công lý vốn đang tràn ngập trong cuộc sống hiện nay. Chủ nghĩa anh hùng ngày nay được thể hiện trước hết ở sự trung thành đối với những giá trị bền vững đó và chống lại những cái đang hủy hoại và tiêu diệt những giá trị ấy. Sự khước từ những giá trị ấy và sự đánh tráo chúng bằng những giá trị giả dối đang thâm nhập sâu vào cuộc sống chúng ta đến nỗi nghĩ tới tương lai của nước Nga mà phát sợ! Chúng ta có thể đánh mất đi nền tảng đạo đức vững chãi mà bao thế kỉ đã ngự trị trên đó và được hình thành bởi cuộc sống hàng ngàn năm của nhân dân. Hiện nay người ta đang mở một cuộc tấn công bài bản gồm nhiều tuyến nhằm làm thay đổi tâm thế đạo đức của chúng ta. Đang diễn ra sự trụy lạc hóa tâm hồn của nhân dân – nó diễn ra một cách tự phát và đầy dụng ý. Đấu tranh với những kẻ gieo rắc sự đồi bại, với những kẻ vì sự tư lợi và thành đạt cá nhân đang đánh tráo những lý tưởng bằng xu hướng tiêu dùng và để đạt mục đích đang chà đạp lên con người và bản thân cuộc sống – đó chính là điều hiện nay đòi hỏi chủ nghĩa anh hùng. Và đó là chủ nghĩa anh hùng thuộc dạng đặc biệt. Không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng hướng tới nó. Thật là đau lòng nhận thức được rằng chúng ta đã sống cho tới cái thời đại khi bản thân sự mong muốn được sống theo lương tâm đã trở thành chủ nghĩa anh hùng…

(Theo “Literaturnaja gazata” N=o6-7, 2/2011)


[*] Nhà văn Đức, giải thưởng Nobel về văn hoc 1999 (L. S.)

Comments are closed.