Tản mạn văn học với nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc

Nguyễn Mạnh Trinh

Lời Giới Thiệu [của Da Màu – chú thích của Văn Việt]: Dưới đây là bài “tản mạn văn học” dựa trên cuộc phỏng vấn/nói chuyện—được thực hiện vào ngày 14.1.2011 của nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh và phóng viên Nhã Lan của Hồn Việt Direct TV Little Saigon Radio, tiểu bang California, Hoa Kỳ—với nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc. Bài phỏng vấn này được phổ biến làm hai kỳ trên cả hai phương tiện truyền thông nói trên vào những ngày cuối năm Canh Dần 2010 và đầu năm Tân Mão 2011. Chủ đề của nó nhắm vào một số khía cạnh và sự phát triển của dòng văn học Việt ngoài nước nói chung và, đặc biệt, một số hiện tượng đặc thù của dòng văn học ấy, chủ yếu là trong thời gian năm, mười năm gần đây.

image
Nhà Phê Bình Bùi Vĩnh Phúc

1.

Theo anh, ta nên giới hạn khoảng thời gian như thế nào để anh có thể dễ dàng hơn trong công việc nhận định những nét đặc thù và những hiện tượng của dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại?

Thật ra, tùy vào mục đích mình nhắm tới mà ta có thể làm một cuộc duyệt xét văn học hải ngoại trong khoảng thời gian nào. Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi nghĩ chúng ta có thể tính trong khoảng năm, mười năm trở lại đây. Dù sao, ở một số khía cạnh, chúng ta có thể mở rộng biên độ thời gian hơn.

2.

Trong nhận xét của anh, có những hiện tượng văn học nào đáng nói trong thời gian đó?

Có nhiều biến động, từ tâm thế đến kỹ thuật viết, kỹ thuật trần thuật, tổ chức văn bản, v.v… Nhưng đặc biệt là sự tiến bộ về kỹ thuật trong việc thông tin và phổ biến bài vở cũng như các tác phẩm văn học trên các trang mạng toàn cầu. Điều này làm thay đổi phần lớn cách tiếp cận văn học, văn chương của rất nhiều người, nhất là những người có khả năng sử dụng máy computer… Sự thông tin và đưa ý kiến phản hồi nhanh chóng về các bài vở được phổ biến trên mạng khiến phương tiện này, trên một số phương diện, trở nên cuốn hút và sinh động hơn nhiều so với cách in ấn và phổ biến truyền thống.

3.

Văn học Việt ngoài nước, hay văn học Việt Nam hải ngoại, theo anh, là một nền văn học di dân hay một nền văn học lưu vong?

Trước, cho tới thời điểm lịch sử 1989, thì văn học Việt Nam hải ngoại là văn chương lưu vong. Dứt khoát là như vậy. Khởi từ hành động bỏ quê, bỏ nước ra đi để tìm tự do, người ta đã chọn một thái độ, một tâm thế sống và viết. Nhưng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9 tháng Mười Một, 1989, kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản tại Liên Xô và tại các nước Đông Âu, cộng đồng văn chương của người Việt ngoài nước có thêm sự đóng góp của nhiều cây viết ra đi từ miền Bắc (những người này vốn là sinh viên hoặc là những người được xuất khẩu lao động tại các nước Đông Âu), với một tâm thế sống và viết khác so với những người ra đi từ miền Nam; rồi sự trở về quê nhà một cách dễ dàng với những mục đích và lý do khác nhau của những người Việt sống ngoài đất nước khiến cho tâm thế lưu vong dần dần nhạt đi. Thời gian có lẽ đã đủ để người cầm bút hải ngoại vững chãi hơn trong cuộc sống và có những quan tâm nhiều hơn về thế giới quanh mình.

Bây giờ, người ta có khuynh hướng đi vào, nhập vào thế giới rộng lớn chung quanh và chia sẻ những quan tâm về nó. Địa dư văn học của người Việt hải ngoại, vì thế, được mở rộng ra cùng với sự lớn lên và gia nhập vào dòng văn chương hải ngoại của những người trẻ (thế hệ một rưỡi và hai). Theo tôi, văn học Việt Nam hiện nay mang dáng dấp của một dòng văn học di dân nhiều hơn, cho dù tâm thế viết của một số người vẫn là một tâm thế lưu vong. Nhưng lưu vong không còn là một khí quyển chung, bao phủ cái sống và cái viết của người Việt ngoài nước, như trong giai đoạn đầu nữa.

4.

Những tác phẩm của tác giả gốc Việt viết bằng Anh hoặc Pháp ngữ có được gọi là trong dòng văn học Việt Nam hải ngoại không? Chẳng hạn trường hợp những tác phẩm của Angie Chau, Monique Truong, Andrew Lam, Linda Lê, le thi diem thuy, Lan Cao, Nguyen Thi Minh Bich, Nam Le, Kim Thuy, v.v.

Tôi nghĩ, nhìn một cách ẩn dụ, mình có thể coi những tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, v.v., là những con vật lưỡng thê. Đời sống tinh thần của họ bắc cầu giữa hai môi trường sống. (Hay như cách Linda Lê tự ví mình, “như người cưỡi ngựa đi giữa hai thế giới, (…) không phải là thịt, cũng chẳng phải là cá…”). Thường là họ lớn lên trong môi trường sống của những xã hội mới như Anh, Mỹ, Úc hoặc Pháp. Họ quen thuộc với ngôn ngữ của những xã hội đó, và họ chọn (và, trong nhiều trường hợp, là bị đẩy vào thế để chọn) phát biểu trong những ngôn ngữ đó. Như thế, họ có một số lượng độc giả lớn hơn là nếu họ viết bằng tiếng Việt. Nhưng cuộc sống tinh thần của họ, cái tâm thế viết của họ là một tâm thế Việt. Hay, đúng hơn, đó là một tâm thế pha trộn. Giữa Việt Nam và thế giới.

Dù sao, khi viết bằng ngôn ngữ của dòng chính như thế, họ đã xuất hiện về mặt xã hội cũng như về mặt văn học như một tác giả của dòng chính. Họ có thể, ở một mức độ nào đó, đến gần với độc giả Việt hơn, nếu tác phẩm của họ được dịch sang tiếng Việt. Nhưng, tôi nghĩ, tác phẩm của họ vẫn nằm trong dòng chính, không thuộc về văn học Việt ngoài nước.

5.

Tôi thấy rất nhiều tác phẩm của những tác giả này chứa đựng những câu chuyện phát xuất từ tình cảm, tâm lý của một người Việt Nam phải sống xa quê. Sao có thể coi đó là những tác phẩm thuộc về dòng chính được? Sao ta không coi đó là những tác phẩm của dòng Văn học Việt Nam lưu vong hay di dân?

Theo tôi, xuất phát điểm tâm lý hay tình cảm của một tác phẩm như thế không nhất thiết tạo thành tiêu chí duy nhất để xếp loại tác phẩm ấy vào dòng văn học Việt ngoài nước. Có lẽ ta còn phải xét đến cái cách mà nó được thực hiện, cũng như ảnh hưởng của nó về mặt văn học, xã hội, thương mại, văn hóa, v.v., mà nó tạo ra cùng với sự xuất hiện của nó. Có thể xuất phát từ một tâm thế gắn bó với Việt Nam, với một nguồn gốc Việt Nam, một số tác phẩm của những nhà văn này đã được khởi viết. Nhưng trong quá trình viết, còn có bao nhiêu vấn đề phức tạp khác chen vào. Những tâm thế, tình cảm, lề lối tư duy, cách diễn ý, cách nhìn ngắm vấn đề, cách tiếp cận vấn đề; rồi cách bố cục, cấu trúc tác phẩm, cách khai triển nó, cách thắt, cách mở tác phẩm, những hình ảnh, những ẩn dụ được sử dụng. Vân vân. Tất cả những điều ấy có thể cho ta thấy cái “cơ chất” của tác phẩm. Và, trong cảm nhận của tôi, cái cơ chất đó có nhiều phần gần với cái cơ chất của những tác phẩm thuộc dòng chính hơn. Dù sao, điều đó cũng chưa phải là điều chung kết, điều quan trọng nhất để cho rằng những tác phẩm đó thuộc về dòng chính. Cái quan trọng để tôi nghĩ như thế chính là ở chỗ, căn bản, chúng được tư duy và viết bằng ngôn ngữ gì, chúng được phổ biến chủ yếu trong những xã hội nào, và chúng tạo được những tác động về mặt văn học, xã hội, v.v., ở môi trường văn hóa nào. Ở cộng đồng văn hóa Việt Nam—ở trong hoặc ngoài nước—hay ở cộng đồng văn hóa của những nước mà chúng đầu tiên xuất hiện, hoặc được đọc nhiều. Trường hợp Linda Lê và tác phẩm của nhà văn này, chẳng hạn. Được gọi là “nhà văn Pháp gốc Việt” trên hầu như tất cả mọi diễn đàn, tác giả như được sự đồng thuận để công nhận: đây, trước hết, là một nhà văn Pháp. Cho dù tinh thần tác phẩm của nhà văn là tinh thần thế giới và nhiều tác phẩm của cô được viết trong cảm thức lưu vong. Nhiều nhà văn và nhà phê bình Pháp đã đánh giá rất cao các tác phẩm của cô, và nước Pháp hãnh diện có một nhà văn như thế. Cô đã nhận được rất nhiều giải thưởng của Pháp, trong đó có những giải danh giá như Prix Femina và giải nhất của Grand Prix do Viện Hàn Lâm Pháp trao tặng. Các tác phẩm của cô cũng đã được dịch ra một số ngôn ngữ khác. Trong bối cảnh và viễn tượng ấy, cô cũng có thể được coi là một nhà văn của thế giới.

Có những nhà văn gốc Việt khác, như Nam Lê, Andrew Lâm, Andrew Phạm chẳng hạn, cũng nhận được những vinh dự cao quý trên mặt văn học do các quốc gia mà những tác giả này chọn định cư trao tặng. Tôi cũng muốn trình bày rõ thêm một điều: chúng ta nên phân biệt khi nói về tác phẩm và tác giả. Những tác giả này vẫn là người Việt, gốc Việt, và ta, những người Việt trong và ngoài nước, vẫn có thể hãnh diện về những con người Việt ấy qua những thành công của họ; nhưng khi đặt vấn đề tác phẩm của họ có thuộc về dòng văn học Việt ngoài nước không, thì đó lại là một vấn đề khác. Vấn đề trở nên tế nhị hơn, và có thể được nhìn ngắm, xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Từ một số hoàn cảnh và lý do như những gì tôi đã thử trình bầy, trong cái nhìn riêng của tôi, tôi nghĩ tác phẩm của họ vẫn thuộc về dòng chính của những quốc gia mà họ định cư (hoặc thuộc về tất cả), hơn là thuộc về văn học Việt ngoài nước. Cho dù, khi đọc họ, độc giả có thể thấy được một tâm thế Việt Nam, một tâm thế lưu vong/di dân pha trộn trong đó.

6.

Nếu nói là văn học Việt Nam ở hải ngoại có tính chất của hai mươi năm văn học miền Nam Việt Nam trước 1975. Điều ấy có chính xác không, theo anh?

Tôi nghĩ rằng, trong khoảng trên dưới 15 năm đầu, kể từ thời điểm 1975, văn học Việt Nam ngoài nước, như đã nói, mang đậm tâm thế lưu vong. Và cái tâm thế ấy khiến cho người ta tự cột buộc mình với quá khứ. Những xót xa và đau khổ, những ngọt ngào và hạnh phúc, những thất vọng và ê chề, những dằn vặt và hoài vọng, tất cả những tình cảm ấy khiến người ta như tự chôn mình trong một chiếc kén. Người ta quay quắt nhớ về quê hương. Đó là những tình cảm đẹp và đáng quý. Thậm chí đáng trân trọng nữa. Nó cho thấy cái khuôn mặt, cái tâm thế của một tập thể người. Trong bầu khí quyển của sự nhớ nhung và thương tiếc ấy, và có thể cũng là do những nhà văn Việt ngoài nước lúc đó chưa có đủ thời giờ để học tập và đồng hành với những cái mới của thế giới, người ta tiếp tục viết với cái tâm thế cũ, của những cung cách cũ. Người ta viết từ những ảnh hưởng mà người ta đã có được trước đó. Người ta mang cái gia tài cũ ra và ăn tiêu dần. Nhìn trong viễn tượng đó thì, có lẽ, trên nhiều phương diện, ta có thể nói dòng văn học hải ngoại là sự nối dài của 20 năm văn học miền Nam.

Nhưng rồi, như tôi đã thử phân tích lúc nãy, sau giai đoạn đó là một sự chuyển động. Trong tâm thế, trong cách viết, trong cách tổ chức trần thuật, trong cấu trúc truyện, cấu trúc thơ, v.v… Từ đó trở đi, văn học Việt Nam hải ngoại không còn là một sự nối dài hoặc vang bóng của 20 năm văn học miền Nam nữa. Cho dù những ảnh hưởng, những âm vọng của tấu khúc xưa vẫn còn có thể được nghe thấy, đâu đó, trong sáng tác của một số người. Nhưng, trên đại thể, văn học ngoài nước bây giờ mang nhiều nét của một dòng văn học di dân, với sự bồi đắp của những đợt phù sa mới. Văn học hải ngoại bây giờ mang trong mình nó một sức sống mới.

7.

Anh nghĩ gì về vị trí và ảnh hưởng của các nhà văn của thời hai mươi năm văn học miền Nam trong dòng chảy hiện tại của văn học Việt ngoài nước?

Những người này, vì một số lý do, đặc biệt vì vấn đề tuổi tác, đang dần dần viết ít đi, hoặc là đã ngừng viết hẳn. Có những người trong số họ cũng không quen sử dụng hoặc không thoải mái khi sử dụng máy computer; vì thế, việc tiếp cận của họ với dòng văn chương mới cũng bị giới hạn nhiều.

Dù sao, tôi nghĩ, chắc chắn, họ vẫn còn cho thấy một ảnh hưởng nào đó, đối với một tầng lớp người viết nào đó. Nhất là đối với lớp người viết đã từng có cơ hội lớn lên và tiếp cận với dòng văn học của miền Nam giai đoạn 54-75. Chẳng hạn, ảnh hưởng của Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, v.v… vẫn còn có thể được nhìn thấy nơi một số người cầm bút. Đối với những người viết không có cơ hội tiếp cận với dòng văn học của miền Nam giai đoạn 54-75 thì, có thể nói, ảnh hưởng đó là không có, hoặc có nhưng rất mờ nhạt. Họ lớn lên với những cái đọc khác, và họ chịu ảnh hưởng từ những gì họ đọc, từ những tác giả mà họ đọc.

8.

Còn vị trí của các nhà văn khởi viết từ sau 1975?

Nhiều người trong lớp này vẫn còn sáng tác một cách sung mãn. Có thể nói, hiện tại, họ vẫn là lực lượng chủ yếu xây dựng nên tòa nhà văn học Việt hải ngoại. Tuổi của họ có thể từ khoảng xấp xỉ 50 đến 60 hay 65, và trong một vài trường hợp, cao hơn nữa. Họ thường có một vốn liếng văn học bao gồm cả những hiểu biết về những tác phẩm của những nhà văn miền Nam thời kỳ 54-75 và những hiểu biết về dòng văn học ngoài nước. Đó là chưa kể trong họ còn tích tụ được những hiểu biết (ở những mức độ khác nhau tùy người) về những dòng văn chương khác biệt và phong phú của thế giới. Với tất cả những hiểu biết, đam mê và kiến thức ấy, tôi muốn lập lại, họ đang là thành phần chủ yếu làm nên dòng văn học Việt ngoài nước.

9.

Thế còn vị trí của các nhà văn trẻ thuộc thế hệ 1 rưỡi và hai?

Lớp nhà văn thuộc thế hệ này, tôi hy vọng, rồi sẽ thay thế lớp trước họ. Đó là những lớp sóng mới trên biển văn học hải ngoại. Tôi mong và tin rằng, với kỹ thuật ngày càng tiến bộ của internet, sự đóng góp của những nhà văn thuộc thế hệ này sẽ càng ngày càng nhiều, và tác phẩm của họ sẽ cho thấy những sắc thái mới, những suy tư và những cái nhìn không giống với những cảm xúc và suy nghĩ của các tác giả thuộc những thế hệ trước. Cuộc đời là những vòng luân chuyển và cũng là những sự thay đổi, tôi nghĩ vậy.

10.

Anh có thể cho một vài nhận xét về văn học hải ngoại trên mạng Tiền Vệ và Da Màu? Sự phát triển và ảnh hưởng của những trang mạng này?

Vì sự phát triển của công nghệ thông tin đã biến đổi khá nhiều phong cách cập nhật thông tin cũng như sự thưởng ngoạn văn chương, sự tiếp cận văn học của khá nhiều người trong những năm gần đây, chưa kể đến lý do suy thoái về kinh tế, văn chương phổ biến theo dạng truyền thống (tức theo lối in ấn bình thường) không còn là một phương tiện phổ cập (duy) nhất so với nhiều năm trước đây nữa. Xét riêng về mặt văn chương Việt, bây giờ nó nở rộ trên những trang mạng internet. Nó vừa là một hiện tượng xã hội, đồng thời cũng là một hiện tượng văn học.

Ở ngoài nước, hiện tại, chúng ta có khá nhiều trang mạng văn học với số lượng bài vở, tài liệu đáng quý. Có thể nhắc đến Tiền Vệ, Da Màu, Hợp Lưu, Gió O, Diễn Đàn (Forum), Ăn Mày Văn Chương, Diễn Đàn Thế Kỷ, Thơ Tân Hình Thức/Tạp chí Thơ, và trước đây tạp chí mạng talawas rất nổi tiếng. Dù sao, như câu hỏi của anh, tôi nghĩ, hiện nay, hai trang mạng Tiền VệDa Màu đang được đông đảo bạn đọc theo dõi, và chắc chắn chúng có những ảnh hưởng nhất định.

Tiền Vệ do nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và nhà nghiên cứu/biên khảo Hoàng Ngọc-Tuấn chủ trương; Da Màu do hai nhà văn Phùng Nguyễn và Đặng Thơ Thơ cùng một số nhà văn nhà thơ khác—và chủ biên hiện tại là nhà văn/dịch giả Đinh Từ Bích Thúy—trách nhiệm. Căn bản là hai trang mạng văn học nghệ thuật, Tiền Vệ có khuynh hướng thử nghiệm nhiều hơn. Mục đích chủ yếu của diễn đàn này là “nhằm góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.” Cả hai trang mạng này đều có những bài mới mỗi ngày và thu hút một số lượng độc giả Việt khá lớn trên toàn thế giới, căn cứ theo những thống kê, như của Alexa, về số lượng người đọc truy cập vào các trang Web. Cả Da Màu lẫn Tiền Vệ đều có cách trình bày nhã và đẹp, đăng nhiều bài viết mang tính văn học của nhiều tầng lớp người viết khác nhau, cả ở trong cũng như ở ngoài nước. Chủ trương của Da Màu là “xuyên quốc gia”, “xuyên biên giới”, “thúc đẩy văn chương Việt Nam đương đại vượt những rào cản để đạt mức phổ quát trong bối cảnh toàn cầu hóa.” Và chủ trương này vẫn được Ban Chủ Biên gìn giữ qua những bài vở chọn lọc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là văn học. Cả hai trang mạng này đều có những nỗ lực giới thiệu văn chương thế giới đến với người đọc Việt, và, ở một mức độ giới hạn hơn, giới thiệu một số tác phẩm Việt Nam ra tiếng Anh.

Trong vai trò của những diễn đàn mạng đang tiếp tục phát triển, với bài vở được cập nhật hàng ngày cùng với những phản hồi nhanh chóng của độc giả ở khắp nơi trên thế giới, những diễn đàn này thể hiện rất rõ tính “mạng” của chúng. Có thể ngay cả với tất cả những nét ưu và khuyết, cũng như cường và nhược, của mình. Của bất cứ một sự sống nào vẫn còn đang tìm cách vươn lên. Cho dù những nét mạnh vẫn nhiều và nổi hơn những nét yếu, và phẩm chất diễn đàn càng ngày càng được nâng cao. Nhưng tất cả những điều đó cũng khiến chúng trở nên đa sắc và đa thanh. Chúng kết hợp được nhiều tiếng nói, nhiều phong cách, nhiều khuynh hướng. Chúng thể hiện được những dạng sống và những kiểu tư duy khác biệt, có thể là trái chiều nhau, bất chấp mọi thứ biên giới. Không chỉ “hợp lưu”, chúng còn chứa trong mình những dòng đối lưu nữa. Và, như thế, chúng phát sáng và phản ánh tính “mạng” trong sự nối kết, trong thông tin nhanh nhậy, và có thể mang trong mình những phức tạp và mâu thuẫn của cuộc đời đầy sinh động mà chúng ta đang sống.

Tôi nghĩ, trong thời đại của truyền thông và internet cũng như trong thời đại của toàn cầu hóa này, những nỗ lực của Da MàuTiền Vệ, bao gồm cả những nỗ lực của những người chủ trương cũng như sự đóng góp của những cây bút ở khắp nơi cho những diễn đàn này, cũng như nỗ lực của tất cả các trang mạng văn học Việt khác mà chúng ta chưa có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn ở đây, là những điều đáng được trân trọng. Và chắc chắn chúng có một ảnh hưởng trong sự phát triển của văn học Việt Nam nói chung, cả trong lẫn ngoài nước.

11.

Trong nhận xét của anh, có sự khác biệt nào giữa các nhà văn đi từ miền Bắc và các nhà văn đi từ miền Nam qua những thời kỳ khác nhau hay không?

Trong nhận xét của tôi, điều rõ ràng nhất là tâm thế viết. Ra đi từ những môi trường sống khác nhau, sống và lớn lên trong những không gian văn hóa khác nhau, và chịu ảnh hưởng (trực tiếp hay gián tiếp) của những bầu khí quyển văn học khác nhau, những người viết ra đi từ hai miền đất nước như thế chắc chắn có những vấn đề, những suy nghĩ khác biệt. Đều là những con người mang tâm thế xa quê, nhưng tâm thế của hai dòng người, dòng văn ấy, ở những mức độ nhất định, tôi nghĩ, có thể mang những đặc chất khác nhau. Sự khác biệt ấy cũng có thể hiện lên mặt chữ qua cách dùng ngôn từ khác biệt, ở một mức độ nào đó. Nhưng sự phổ biến của những trang mạng cả ở trong lẫn ngoài nước trong một số năm qua có thể đã kéo họ lại gần nhau hơn. Cả về vấn đề ngôn ngữ lẫn những vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của quê hương. Những điều đó giúp họ chia sẻ nhiều sự quan tâm chung. Những vấn đề của đất nước và con người Việt. Giờ đây, với sự về thăm quê hương tương đối dễ dàng, với sự phát triển của truyền thông cho phép nối kết mọi người Việt trên thế giới vào những trang mạng trên internet, người Việt khắp nơi có thể theo dõi và biết được nhiều điều xảy ra trên quê hương. Những người viết Việt, bây giờ, dù đã rời xa quê hương từ bất cứ miền nào trên đất nước, cái gốc rễ địa lý ấy, theo tôi, không còn phân biệt họ một cách quá rõ rệt như khoảng một, hai thập niên trước nữa.

Trong cái nhìn của tôi, về mặt văn học, càng ngày họ càng nhích lại gần nhau hơn. Còn về mặt chính trị, xã hội, những di căn từ một cuộc chiến trên 30 năm trước, và những dấu ấn trong giáo dục và văn hóa khác biệt nói chung, từ hai miền Nam và Bắc, cũng vẫn có thể còn để lại những dấu tích trong suy nghĩ và trong thế sống của họ. Về mặt này, nếu có sự khác biệt, tôi hy vọng thời gian sẽ làm tốt công việc của nó: xóa nhòa đi những dị biệt “tiêu cực” và không nên có nơi họ. Còn những nét dị biệt “tích cực” thì, tôi nghĩ, chúng chỉ làm phong phú thêm cái nhìn văn học của chúng ta. Chúng cũng sẽ có tác dụng như những nét khác biệt trước đây giữa các nhà văn từ những vùng miền đất nước khác nhau, đặc biệt, nói một cách tổng quát, từ ba miền Nam Trung Bắc của Việt Nam (và sự khác biệt đó vẫn còn tồn tại, ở một mức độ nào đó, nơi họ bây giờ). Những sự khác biệt đó chỉ làm cho văn học, văn chương thêm phong phú. Cũng như sự khác biệt nhau nơi những con người sáng tạo. Nó không những tích cực mà còn được xem là một sự cần thiết để tạo nên tính đa dạng, đa sắc và đa thanh trong văn học.

12.

Xin anh cho một vài nhận xét về văn chương chống Cộng và không chống cộng ở hải ngoại?

Trong sự nhận xét của tôi, trong khoảng 10, 15 năm đầu, vì những vết thương còn mới, những ấn tượng về chiến tranh, tù đầy còn quá sâu đậm, nên một số ngòi bút đã cho ra đời những tác phẩm chống cộng nổi bật có tính nghệ thuật khá cao. Ta có thể kể đến Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Thằng Người Có Đuôi của Thế Giang, Cùm Đỏ của Phạm Quốc Bảo, hoặc tập truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Ngọc Ngạn. V.v…. Trong khoảng một, hai thập niên gần đây, tâm thế sống và viết có phần thay đổi, cộng với sự tham dự sâu xa hơn vào cuộc sống hiện tại với những quan tâm và suy nghĩ được mở rộng hơn trên nhiều chiều kích, những tác giả của chúng ta đã mở rộng những đề tài viết của mình, đi sâu hơn vào những vấn đề của cuộc sống mới. Văn chương chống cộng, nói chung, có vẻ như đã làm xong phần việc của nó. Nếu có chống, tôi nghĩ, vấn đề bây giờ có lẽ nằm chủ yếu trong tâm thế viết chứ không còn là trong đề tài viết nữa, cho dù đâu đó vẫn còn những tác phẩm thiên về đề tài này.

13.

Xin anh cho một vài nhận xét về văn xuôi: đặc tính và liệt kê các tác giả, tác phẩm?

Về tính chất của văn xuôi trong dòng văn học ngoài nước: Như đã nói, trong thời gian gần đây, đề tài được mở rộng hơn. Nó nghiêng về sự hoà nhập, hòa lưu và khám phá cuộc sống hiện tại. Mà “cuộc sống hiện tại” thì bao giờ cũng mang đủ mọi loại vẻ, đủ các cung bậc, gam mầu. Và một trong những gam mầu đậm nét nhất là gam mầu về tình yêu. Cái gam mầu muôn thuở ấy. Ngoài ra, vẫn có những tác phẩm mang tâm thế hoài niệm. Những kỷ niệm đẹp và thiết tha trong cuộc sống cũ vẫn gợi nhắc trong lòng người ta. Những sợi dây nối với quá khứ, với kỷ niệm vẫn luôn là những sợi dây bền chắc neo buộc con người vào một nơi chốn quê hương. Dù sao, trong cái viết của những người viết trẻ hơn, khuynh hướng tìm vào, mô tả và nghiền ngẫm cuộc sống hiện tại, nơi những vùng đất mới, vẫn là một dòng chủ lưu. Ngoài điều đó, những kỹ thuật mới trong việc tổ chức truyện cũng là vấn đề mà tôi quan tâm. Cách kể chuyện của một số người viết trẻ bây giờ có những nét khác với cách viết của thế hệ đàn anh họ. Thế giới văn học có nhiều thay đổi, và cách viết là một trong những thay đổi ấy. Những người viết trẻ của ta đã học tập phong cách của thế giới và đưa ra những cái nhìn, những cách tổ chức truyện khác trước.

Không thể nhớ và kể hết các tác phẩm. Vả lại, sự bừng nở của văn xuôi Việt Nam trong thời gian qua, thật sự, có thể nhìn thấy rõ rệt hơn trên những trang mạng văn học nghệ thuật hơn là qua một số tập sách được in và xuất bản. Người ta để ý đến các tác giả có sự mãnh liệt trong ngòi bút hay trong sức viết như Nam Dao, Miêng, Thuận, Đặng Thơ Thơ, Phùng Nguyễn, Song Thao, Nguyễn Nhật Minh, Hoàng Mai Đạt, Lê Thị Thấm Vân, Hồ Đình Nghiêm, Lê Minh Hà, Trùng Dương, Ngô Nguyên Dũng, Mai Ninh, Trần Vũ, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Thị Thảo An, và nhiều tác giả khác mà ta không thể liệt kê ra hết nơi đây. Ngoài ra, còn những tác giả kỳ cựu hơn như Võ Phiến, Nguyễn Bá Trạc, Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Mai Kim Ngọc, Trúc Chi, Giao Chỉ, Phan Lạc Phúc, Phạm Xuân Đài, Nguyễn Mộng Giác, v.v… Dù sao, những tác giả này đang dần dần viết ít đi, hoặc ngưng hẳn lại. Có thể họ đang muốn chọn cho mình một thái độ “tri chỉ”, biết ngừng lại khi cần thiết hoặc đúng lúc chăng?

Ngoài ra, ta cũng nên kể đến một số người làm việc trong lĩnh vực dịch thuật như Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Thị Hải Hà, Trịnh Y Thư, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Đăng Thường, Đinh Từ Bích Thúy, Hoàng Ngọc Biên, Lê Đình Nhất Lang, Nguyễn Ước, v.v… Trong buổi nói chuyện này, chúng ta sẽ không thể làm một cuộc tổng kết đầy đủ trên mọi lĩnh vực văn học, nên việc thiếu sót trong việc liệt kê tất cả những nỗ lực và thành tựu của những người cần được kể đến là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng ta biết là có những nỗ lực vẫn luôn được gìn giữ để nuôi dưỡng và phát triển cái mạch sống của dòng văn học hải ngoại.

14.

Anh nghĩ gì về những tác phẩm viết về cuộc chiến đã qua?

Như đã có dịp trả lời cho một câu hỏi gần như tương tự, hoặc có những nét gắn bó với nhau, ở trên, tôi nghĩ, trong một hai thập niên trở lại đây, những tác phẩm nói về điều này cũng có, nhưng không nhiều. Dù sao, ta vẫn có thể tìm thấy những cây viết nổi bật. Chẳng hạn, Thảo Trường, Lâm Chương, Phạm Tín An Ninh, và Cao Xuân Huy, v.v… Những trang viết của họ có văn. Và có phong cách. Với tác phẩm của những nhà văn này, người ta không chỉ đọc để biết về những câu chuyện, mà người ta còn đọc nó để thấy được cái hay, cái đẹp của văn chương. Và ảnh hưởng của nó. Nó cho thấy, dù anh viết về bất cứ vấn đề gì, nghệ thuật chính là cái làm cho anh trụ lại với cuộc đời. Làm cho người đọc nhớ đến anh, và nhớ đến những gì mà anh đã chia sẻ.

15.

Còn về hồi ký của các nhân vật chính trị? Của tù nhân?

Trong thời gian qua, có một số hồi ký đáng được chú ý của một số nhân vật chính trị mà ta nên nhắc tới. Đó là những cuốn của các ông Nguyễn Tiến Hưng (“Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập”), Hà Thúc Ký (“Sống Còn Với Dân Tộc”), Vũ Quốc Thúc (“Thời Đại Của Tôi”), Võ Long Triều (“Hồi Ký Võ Long Triều”). Trước đó, có cuốn của đại sứ Bùi Diễm (“Trong Gọng Kìm Lịch Sử”). Những nhân vật này, vì những vị trí và sự tham gia đặc biệt của họ trong chính trường miền Nam Việt Nam, đã cho người đọc nhìn thấy được những uẩn khúc bên trong của những sự kiện và biến cố quan trọng đã xảy ra dưới các thời Cộng Hòa, cũng như những bí mật trong những quan hệ giữa các bên tham chiến tại VN. Đọc, thấy đau xót và tức tưởi, nhưng cũng thấy được những mặt trái của những cuộc cờnhững lá bài chính trị.

Còn sách của những tù nhân, có thể kể những cuốn của Hà Thúc Sinh, Phạm Quốc Bảo, Trần Huỳnh Châu, v.v… Gần đây hơn là những cuốn hồi ký của những người tù, những người vợ tù… Đọc những cuốn này, ta thấy thương cảm cho thân phận con dân của một nước nghèo và khổ vì chiến tranh. Nhưng trong thế sống và thái độ sống của mỗi người, người đọc cũng thấy được sự can trường và quả cảm của con người Việt. Trong tối đen của cuộc sống tù ngục, người ta vẫn thấy ánh lên những nét sáng và đẹp đầy tính nhân bản. Tất cả đã là những tài liệu quý giá về một thời và một giai đoạn đớn đau của dân tộc. Người ta có thể học được nhiều bài học từ tất cả những cuốn sách đó.

16.

Anh có suy nghĩ hoặc nhận xét gì về những tác phẩm mang khuynh hướng hội nhập?

Trong nhiều tác phẩm xuất hiện trong vòng một, hai thập niên qua, người đọc có thể nhìn thấy những khía cạnh của sự hội nhập trong chữ viết của nhiều tác giả. Hội nhập trên nhiều mặt: chính trị, văn hóa, xã hội, tâm lý, ngôn ngữ, v.v… Và đấy chính là cái cốt lõi để văn chương và văn học lưu vong đang tiếp tục biến mình thành văn chương và văn học di dân. Đó cũng là cái ngòi lửa để văn chương Việt bùng nở. Hay nở hoa, nhìn theo một dạng ẩn dụ khác.

Những chi tiết mang nét hội nhập có thể xét trên bình diện cốt truyện, tâm thế nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ của tác giả, cách tổ chức cấu trúc văn bản, v.v… Nếu, ở một vị trí nào đó, ở một giác độ nào đó, người ta có thể coi, hoặc muốn coi, những tác phẩm viết bằng những ngôn ngữ không phải Việt Nam của những tác giả gốc Việt trên khắp thế giới vẫn là những tác phẩm phản ánh kinh nghiệm di dân, thì những cuốn sách của Linda Lê, Nam Lê, Monique Truong, Andrew Lâm, Andrew Phạm, lê thị diễm thúy, Lan Cao, Angie Châu, Dinh Linh, v.v… là những tác phẩm mang nét hội nhập rõ rệt. Ở đây, tâm thế của người viết là một tâm thế pha trộn. Việt Nam và thế giới. Đó là những tác phẩm nổi bật vì cá tính của người viết, đồng thời cũng vì những nét đặc sắc của tác phẩm. Nhưng còn bao nhiêu những tác phẩm khác nữa của nhiều tác giả Việt. Đa số đều cho thấy cái hướng đi này của văn chương. Mà tôi nghĩ điều ấy cũng phải. Cuộc sống phải tiếp tục chuyển đổi. Và, văn chương, đó là một tấm gương phản ánh đời sống. Nó không thể đứng yên.

17.

Anh nghĩ gì về thơ? Số lượng, phẩm chất, khuynh hướng?

Trong nhiều năm trở lại đây, thơ là một sản phẩm rất khó tiêu thụ. Thế nên, nhìn một cách chung, sự xuất bản các tập thơ có vẻ èo uột. Dù sao, thơ ca Việt Nam vẫn nở bừng trên các trang mạng văn học nghệ thuật. Ngoài một vài tập thơ được xuất bản như những cuốn sách theo lối truyền thống, người ta cũng thấy có những tập thơ được xuất bản trên mạng. Tựu chung, những tác giả như Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Mộng Tú, Du Tử Lê, Viên Linh, Thường Quán, Trần Nguyên Đán, Lưu Diệu Vân, Hoàng Xuân Sơn, Chân Phương, Phan Nhiên Hạo, Đỗ Kh., Đặng Hiền, Đỗ Lê Anh Đào, Nguyễn Lương Vỵ, Lê An Thế, Nguyễn Tiến Đức, Nguyễn Đức Tùng, Khế Iêm, Hải Phương, Nguyễn Đăng Thường, Trịnh Y Thư, Lê Thị Huệ, Đỗ Quyên, Trạch Gầm… là những tác giả được chú ý nhiều. Dĩ nhiên cũng còn những tác giả khác cũng được sự theo dõi của đông đảo bạn đọc.

Thơ bây giờ cũng có nhiều nét khác trước. Có những tác giả vẫn còn đào xới (và nhiều người tiếp tục đào xới thành công) vào những thể loại cũ, theo kiểu của dòng thơ mới trước đây. Nhưng nhiều tác giả khác đã tiến bước khai phá vào những thể loại trước đây ít được sử dụng: thơ tự do, thơ xuôi, theo những thể thức và phong cách khác nhau. Ngoài ra, một số tác giả đang thử khai phá thể thơ tân hình thức theo lối Việt Nam. Trong lĩnh vực này, có những tác giả tương đối thành công với một số bài thơ được người đọc chú ý. Đặc biệt tôi thích Nguyễn Đăng Thường trong những bài thơ tân hình thức đầu tiên của anh. Và một số bài của Khế Iêm nữa.

18.

Anh có thể nói thêm chút ít nữa về Thơ tân hình thức?

Tiếng Anh là New Formalism. Một cái nhìn vắn gọn: đây là một loại thơ, về mặt hình thức, có tính vắt dòng và sử dụng kỹ thuật lặp lại; về mặt cấu tứ, có tính kể chuyện. Nó thuộc loại thơ không vần và mang nhịp điệu cũng như giọng điệu khác lạ hơn những loại thơ mà người Việt ta thường biết trước đây. Nó đem thơ lại gần hơn với cuộc sống đời thường, với những chất liệu ngôn ngữ trên đại thể là không hoa mỹ, không tu từ ẩn dụ hoán dụ gì cả. Nó cặp sát vào đời sống, và, nhiều khi, nhìn vào mặt đời sống với một cái nhìn khá phàm tục, biết rằng cuộc đời này không còn thơ ngây nữa. (Nói theo kiểu của Umberto Eco, vì không thể nói “I love you madly” được trong một thời đại đã không còn thơ ngây, nên người ta sẽ nói là “As Barbara Cartland would put it, I love you madly.”) Trong cái nhìn của tôi, đối với một số nhà thơ Việt Nam, nó là sự thay đổi, để thoát khỏi những lối mòn cũ kỹ mà thơ Việt Nam đã đi qua và vẫn còn sử dụng. Có thể nó chưa có một tác dụng rõ nét trong thẩm thức và trong tiếp nhận của người đọc Việt, nói chung. Nhưng chúng ta cần phải chờ thêm một thời gian nữa để thấy được rõ hơn tác động của nó, nếu có.

19.

Nói về Tân Hình Thức thì có lẽ ta phải nhắc đến Tạp chí Thơ, một tạp chí chuyên luận văn chương khá đặc biệt ở hải ngoại. Anh có ý kiến gì về tạp chí này không?

Vâng, đây là một tạp chí chuyên về thơ, do nhà thơ Khế Iêm và một số bạn hữu thành lập nên. Đúng như tên gọi, cái đặc biệt của nó là chuyên đăng thơ và những bài nghiên cứu về thơ (cả sáng tác lẫn dịch thuật). Đây cũng là nơi đã phát động phong trào làm và phổ biến thơ tân hình thức Việt Nam. Nó cũng đã làm dấy động lên một vài cuộc tranh luận về thơ, đặc biệt thơ tân hình thức, khiến những người quan tâm về mặt văn học có sự chú ý. Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng tạp chí Thơ, với những nỗ lực của nhóm chủ trương và những người cộng tác, trong một mắt nhìn và một góc cạnh nào đó, đã làm phong phú hóa sinh hoạt văn học của người Việt ngoài nước trong thời gian qua.

20.

Xin hỏi anh một câu hỏi cuối: Anh có thể cho một phóng chiếu về tương lai của dòng văn học Việt Nam hải ngoại, hoặc, gọi như anh, trong một tiểu luận nhiều năm trước đây, dòng văn học Việt Nam ngoài nước.

Tôi không quá lạc quan về một sự lớn mạnh và phát triển rực rỡ của dòng văn học Việt ngoài nước. Và tôi cũng không bi quan khi nghe nhắc đến sự lão hóa của những người cầm bút chủ yếu của dòng văn chương này. Văn chương là đời sống. Và đời sống, tự nó, có những quy luật nội tại để tiếp tục tồn sinh. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin qua internet và sự phát triển của dòng văn học ngoài nước trên những trang mạng toàn cầu là những yếu tố mà trước đây, 15 hay 20 năm trước, ta khó tiên đoán được. Nhưng tình hình bây giờ, so với một hai thập niên đầu khi người Việt đặt những bước chân đầu tiên của mình ra ngoài đất nước tiếp theo sau cơn đại động 1975, đã rất khác. Với một số điều mà chúng ta đã thử khảo sát qua cuộc nói chuyện này, tôi nghĩ người ta còn có thể nhìn thấy nhiều sự kỳ diệu nữa sẽ xảy ra cho dòng văn học và văn chương Việt ngoài nước. Chúng ta có những dấu chỉ để có thể hy vọng như thế. Nhưng, có lẽ còn quá sớm để chúng ta nói về những điều khả hữu kỳ diệu ấy ngay bây giờ.

21.

Xin cám ơn nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc về cuộc “tản mạn văn học” rất bổ ích và đáng yêu này.

Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh và chị Nhã Lan của Hồn Việt Direct TVLittle Saigon Radio. Và cũng xin cám ơn quý vị khán thính giả, cùng các bạn đọc, đã bỏ thì giờ theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi.

Nguyễn Mạnh Trinh
(2/2011)

Nguồn: http://damau.org/archives/18451

Comments are closed.