Thanh Tuệ và An Tiêm

Phạm Phú Minh

Vào ngày 16 tháng Tám năm 2004, ông Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm tại Paris, Pháp Quốc, đã đột ngột qua đời tại Quận Cam, Nam California, khi ông từ Pháp sang đây để lo việc ấn hành sách cho nhà xuất bản của ông. Ông là một người của sách vở, tuy không phải là một người sáng tác hay biên khảo nhưng những tác phẩm ông để lại cho đời thật là nhiều. Từ bốn mươi năm qua, ông chính là người phát hiện ra những giá trị của sáng tác và biên khảo của biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Việt Nam, đưa chúng đến với người đọc với một tấm lòng trân trọng và trìu mến. Chính công việc và cung cách xuất bản sách của ông đã cho thấy ông là một người nghệ sĩ thứ thiệt, một nhà văn hóa nhiệt tình với đất nước. Có thể nói Thanh Tuệ là sách, sách là Thanh Tuệ, và chữ sách ở đây phải được hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất, thanh tao nhất mà từ xưa đến nay nhân loại đã dành cho thứ sản phẩm văn hóa này.

Ông Thanh Tuệ (phải) và tác giả

tại Little Saigon đầu tháng Tám 2004.

(hình lấy từ báo Thế Kỷ 21, Sept 2004)

Một người thích sách vở sống vào giữa thập niên 1960 tại Sài Gòn thì không thể không để ý đến một nhà xuất bản mới ra đời cũng trong khoảng thời gian này, là nhà xuất bản An Tiêm. Thời đó, sau khi có sự thay đổi chính quyền ở miền Nam thì tình hình báo chí sách vở trở nên tự do thoải mái hẳn lên, khiến người ta háo hức đi tìm những giá trị mới. An Tiêm góp phần của mình với những sách chọn lọc, in ấn mỹ thuật, khiến độc giả cảm thấy giá trị của mình như được nâng lên cao hơn khi cầm trên tay cuốn sách của An Tiêm.

Thanh Tuệ là cha đẻ của An Tiêm.

Ông vốn gốc người Bình Định, sinh năm 1936 tại Đơn Dương, Đà Lạt. Ông họ Trương, tên Phú, khi thành tu sĩ có pháp danh là Thanh Tuệ, nhưng về sau, tên Thanh Tuệ thành một cái tên thông tục, ngay cả khi ông không còn là tu sĩ nữa. Mồ côi mẹ sớm, lúc nhỏ ông được đưa lên ở một chùa tại Đà Lạt, rồi vào Sài Gòn tu ở chùa Vạn Hạnh. Ông khởi sự vào nghề xuất bản khi làm việc với nhà xuất bản Lá Bối năm 1964.

Năm sau, 1965, ông đứng ra thành lập nhà xuất bản An Tiêm với số vốn lúc đầu là 5000 đồng tiền miền Nam thời ấy, một số tiền khiêm tốn hình như trị giá khoảng chưa tới một lượng vàng. Và cuốn sách đầu tiên do An Tiêm xuất bản là Khung Cửa Hẹp do Bùi Giáng dịch từ cuốn La porte etroite của André Gide. Như vậy Bùi Giáng là người “mở hàng” cho nhà An Tiêm, và duyên nợ giữa Thanh Tuệ và Bùi Giáng còn gắn bó mãi mấy chục năm sau. Và cũng trong thời gian từ một tu sĩ dấn bước vào một nghề kinh doanh thế tục này, ông Thanh Tuệ cũng rời bỏ đời tu sĩ bước luôn vào đời thường.

Về buổi đầu của nhà xuất bản An Tiêm, nhà văn Mai Thảo có ghi lại như sau:

“Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như 1962, đâu như 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt có ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt với Thanh Tuệ, hồi đó là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.” (Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng, tạp chí Văn số 26 tháng 8-1984).

Quan hệ giữa nhà xuất bản An Tiêm, hay đúng hơn của Thanh Tuệ với giới cầm bút hồi đó, sao mà văn nghệ, sao mà trong sáng đáng yêu. Cả người viết, cả người phổ biến cái viết ấy ra đều chung một ham thích, ấy là cái hay cái đẹp của văn chương tư tưởng, chẳng qua phải phân công người làm việc này người làm việc khác thế thôi. Mai Thảo còn nói rõ hơn cái biệt nhãn của Thanh Tuệ đối với Bùi Giáng, ngay lúc khởi đầu:

“… Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản Bùi Giáng trước mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể gọi là Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng…”

Nói như Mai Thảo, sự ra đời của nhà An Tiêm hình như cốt để “đón bắt” lấy Bùi Giáng vào đúng thời kỳ sung sức nhất của ông, như là một “nhiệm vụ lịch sử” nếu muốn nói một cách đao to búa lớn. Nhưng trong cái duyên đặc biệt này, chắc hẳn Thanh Tuệ cảm thấy có một cái gì tương tự như là một sứ mạng của mình đối với nhà thơ kỳ lạ họ Bùi, không thể bỏ mặc cho ông trôi nổi trong cuộc sống vô định của mình.

Thanh Tuệ quả là có ưu tiên cho Bùi Giáng, như Mai Thảo nói, nhưng thật ra thời ấy An Tiêm cũng đã in nhiều sách của những tác giả khác, như: Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, Thiền Luận của Tuệ Sĩ và Trúc Thiên, Thiền của Suzuki, Anh em nhà Karamazov dịch của Dostoievski, Cửa Vào Động Thiếu Thất, Câu Chuyện Của Dòng Sông do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch… Cuốn cuối cùng, đang in, thì xảy ra vụ mất miền Nam năm 1975, là Số Không và Vô Tận (dịch từ cuốn Le Zéro et l’Infinie), và dĩ nhiên không bao giờ được ra mắt độc giả. Thật là một cái tên sách định mệnh!

Cộng sản chiếm miền Nam, dĩ nhiên An Tiêm phải đóng cửa, nhưng chủ nhân may mắn không bị bắt bớ giam cầm. Chắc là tại nhà xuất bản quá nghèo, quá “văn nghệ,” chẳng có gì để mà khảo cả. Chủ nhân của An Tiêm vội đi tìm một nghề khác để sinh sống. Đối với Thanh Tuệ, “nghề khác” vẫn liên quan đến sách: ông đi học nghề đóng sách. Sài Gòn thật lạ, đổi đời rồi, nhiều người lại muốn gìn vàng giữ ngọc bằng cách tu sửa lại những cuốn sách xưa có khi đã rách nát, như để giữ lại một số giá trị mà người ta biết chẳng bao giờ còn nữa trong chế độ mới. Đóng bìa dày, gáy da, có khi còn in cả chữ mạ vàng nữa… Thanh Tuệ làm được tất. Nhưng mà cũng chỉ đủ sống qua ngày với một gia đình một vợ hai con. Cho đến một hôm vào năm 1981, một người bạn đề nghị tặng cho một chỗ trên thuyền đi vượt biên… và ông ra đi, một mình. Từ biển Nha Trang thuyền đi thẳng qua Manila, rồi từ đó được nhận qua Pháp, khá nhanh chóng.

Một người như Thanh Tuệ, quý chữ nghĩa, quý bạn bè, thì ngược lại những người bạn chữ nghĩa cũng rất quý ông. Tại Pháp ông được những người bạn văn hóa tận tình giúp đỡ lo cho các thủ tục giấy tờ để bảo lãnh gia đình, thậm chí viết thư cho Tổng thống Pháp Mittérand trình bày trường hợp “con người văn hóa” Thanh Tuệ, có lẽ nhờ thế việc đoàn tụ gia đình đã diễn ra nhanh chóng: 1982 gửi giấy tờ bảo lãnh, năm 1984 đã đón vợ con trên đất Pháp.

Cuộc sống tị nạn ở Pháp khó khăn. Vì gia đình được người đi trước bảo lãnh qua nên không được trợ cấp của chính phủ, Thanh Tuệ phải tự xoay xở, từ một người phụ bếp tiến một bước mở một hiệu ăn, với vốn ban đầu có được nhờ cách “chơi hụi” với những bạn bè quen biết.

Nhưng trong khi lo thức ăn vật chất cho thiên hạ thì con người mê sách vở ấy vẫn bị thôi thúc về thức ăn tinh thần. Nhìn những sách cũ của An Tiêm được người ta tự ý tái bản một cách lôi thôi lếnh thếch, Thanh Tuệ rất buồn. Tiếng gọi của sách vở cứ như một thôi thúc không nguôi nơi ông chủ tiệm ăn. Nhưng biết làm sao, giữ vững cơ sở làm ăn vật chất này để làm nguồn nuôi sống gia đình đã khó khăn, chật vật, chiếm hết thì giờ rồi. Mà Paris là xứ sở của sách, bao nhiêu cái đẹp cái hay phô bày, làm cho lòng ông càng thêm nung nấu muốn bắt tay lại với cái nghiệp dĩ in ấn, xuất bản. Dần dần cũng ló dạng một giải pháp, thầy Minh Tâm của chùa Khánh Anh ở Paris có một số sách cần in, và bước đầu Thanh Tuệ “thầu” những cuốn ấy, phụ trách đánh máy, trình bày, in và phát hành. Rồi cuốn nọ kêu gọi cuốn kia, Thanh Tuệ lại hoạt động xuất bản, và như một duyên nợ khó dứt, cuốn đầu tiên của An Tiêm hải ngoại lại là một cuốn của Bùi Giáng, đó là tác phẩm Đi Vào Cõi Thơ.

Hôm nay, nhìn vào thư mục của An Tiêm hải ngoại cũng đã thấy khá đông đảo, có sách tái bản, có cuốn mới ra lần đầu, chúng ta thấy được cái sức đam mê sách vở của ông giám đốc An Tiêm. Nhất là từ ngày ông đóng cửa tiệm ăn vào năm 1996, An Tiêm rộn rịp hẳn lên. Nào là Tô Đông Pha của Tuệ Sĩ, Cái chết của... của Dương Nghiễm Mậu, Phật Giáo Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục, Niềm Im Lặng Của Mây của Trần Diệu Hằng, nào là Thơ Thẩn của Võ Phiến, Hành Trình Nhật Ký của Phạm Quỳnh… và còn nhiều nhiều nữa. Thỉnh thoảng, có khi một năm đến vài lần, anh em văn nghệ ở Cali lại gặp ông Thanh Tuệ từ Pháp sang, bận bịu in cuốn này, phát hành cuốn kia, đi thăm người này người nọ, bàn bạc các dự án, các sáng kiến hình như không bao giờ cạn nơi ông. Mong ước nhiều lắm, toàn là những chuyện không đem lại lợi lộc gì cho mình, mà chỉ có ích cho tương lai sách vở của Việt Nam.

Con người lúc nào cũng vui vẻ với bạn bè ấy không ai ngờ là một người rất khó tính đối với sách. Ông không dễ dãi khi chọn sách để in, điều ấy rõ ràng quá rồi, ai cũng biết. Nhưng ông cũng vô cùng khó tánh đối với cách trình bày, từ bìa sách đến các trang trong, tối kỵ việc sai chính tả, kiểu chữ phải thích hợp cho từng nơi, từng loại nội dung. Ông chẳng bao giờ qua một trường lớp nào về nghề làm sách, nhưng có một năng khiếu rất nhạy bén về thế nào là một cuốn sách trang nhã, mỹ thuật. Và ông cũng mầy mò tự học rất nhiều. Ông hay lục lọi trong những hiệu sách lớn của Paris, để mua về những cuốn sách độc đáo ông sẽ chẳng bao giờ đọc, mà chỉ để học người ta về phương cách trình bày. Loại giấy, kiểu chữ, màu sắc, khoảng cách, tinh thần gợi lên do cách trình bày v.v… là những điều ông luôn luôn quan tâm. Thời gian sau này ông ít khi nhờ họa sĩ trình bày bìa, mà phần nhiều tự làm lấy, một cách rất thủ công, vì khi ông tái xuất giang hồ trong việc xuất bản sách ở hải ngoại thì ông đã lớn tuổi rồi, không đủ thì giờ để đi học những cái tân tiến của kỹ thuật computer. Nhưng rõ ràng là cái ý, cái nhìn của con người mới là quan trọng: trong rừng sách Việt Nam hải ngoại (và cả trong nước nữa) các bìa sách của An Tiêm vẫn thuộc loại đẹp và trang nhã nhất.

Ông Thanh Tuệ một đời lận đận về chuyện sách vở. Đó là nỗi đam mê của ông, cũng là nỗi khổ của ông. Đó là nguồn suối trong lành ông đem lại cho người đọc, nhưng cũng là nhân tố gây biết bao khó khăn suy nghĩ về tài chánh cho ông. Sách của ông xuất bản phải đem lại điều tích cực cho con người, cầm quyển sách lên trong lòng phải nảy sinh một cảm giác thanh tao dễ chịu, đọc nội dung phải cảm thấy tâm hồn được nâng cao lên, và được đưa đến những chân trời bát ngát. Không biết bước đường đời sáu mươi chín năm của ông như thế là đã hoàn tất hay hãy còn dở dang – thật ra thì hiểu theo kiểu nào cũng được – nhưng sách ông đã xuất bản thì đã đóng vai trò nhất định của nó. Dĩ nhiên ông chưa lúc nào hoàn toàn thỏa mãn về những việc mình đã và đang làm, vì ước vọng của ông còn nhiều lắm, nhưng chắc chắn ông cũng là người rất “tri túc,” trong hoàn cảnh rất khó khăn của một người di dân ở Pháp ông vẫn làm xuất bản được, thì đó chính là một thành tựu lớn của ông rồi. Dự tính mới nhất của ông là sang năm 2005 sẽ làm một cái gì đó để kỷ niệm 40 năm nhà xuất bản An Tiêm – 1965-2005 – nhưng ông đã vội ra đi trước một năm. Nhưng người ta thường nói, đừng mong những gì trọn vẹn, cần gì phải là con số tròn 40, cứ hãy là 39 đi, để mọi việc cứ dở dang một chút thì có khi để lại nhiều hoài mong, thương tiếc cho bạn hữu và người đời. Biết đâu như thế lại hay…

Ông giám đốc nhà xuất bản An Tiêm đã ra đi nhưng sách của ông vẫn còn ở lại với đời. Đó là một kho trí tuệ và cảm hứng lớn lao cho đời sống tinh thần của biết bao người. Cuộc đời vẫn hàng ngày tiếp tục trôi đi, nhưng tâm hồn và trí tuệ của mỗi người thuộc các thế hệ nối tiếp vẫn được bồi đắp không ngừng bởi sách vở. Trong dòng chảy miên viễn ấy, Thanh Tuệ và An Tiêm đã thành những cột mốc đáng yêu trong đời sống văn hóa Việt Nam.

(Bài này được trích từ tạp chí Thế Kỷ 21 số 183, tháng Chín năm 2004)

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2020/09/pham-phu-minh-thanh-tue-va-tiem.html

Comments are closed.