Thi sĩ William Blake và vũ trụ toàn ảnh

Cao Chi

To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.
William Blake

Dịch nghĩa :

Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát
Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.

Trên đây là 4 câu thơ nổi tiếng của thi sĩ người Anh William Blake (28 /11/ 1757 – 12 /08/ 1827).Trong năm 2002, BBC đã bầu Blake vào vị trí số 38 trong số 100 nhân vật vĩ đại của Anh quốc. Bốn câu thơ trên là khổ 4 câu thứ nhất của trường thi Auguries of Innocence (Những Điềm của Vô tội) dài 132 câu.Trong bài thơ W.Blake thương xót đến tình cảnh của sinh linh muôn loài. Ngoài ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn của bài thơ các nhà vật lý hiện đại tìm thấy sau hơn 200 năm một giá trị triết học và khoa học gây kinh ngạc của 4 câu thơ trên trong thuyết vũ trụ toàn ảnh (holographic universe).

*

Như chúng ta biết trong quang học có phương pháp ghi một vật thể 3 chiều bằng một ảnh 2 chiều (hologram). Đây là một phương pháp chụp ảnh hiện đại. Holography được sáng chế năm 1948 bởi nhà vật lý người Hung Dennis Gabor (1900-1079), nhờ thành tích này ông được nhận giải Nobel năm 1971.
Hologram là một ảnh 2 chiều (2-D), song khi được nhìn dưới những điều kiện chiếu sáng nhất định thì tạo nên một hình ảnh 3 chiều (3-D) trọn vẹn. Mọi thông tin mô tả vật thể 3-D đều được mã hoá trong mặt biên 2-D. Như vậy chúng ta có hai thực tại 2 chiều và 3 chiều tương đương với nhau về mặt thông tin.
Một tính chất quan trọng khác của hologram là nếu chỉ lấy một phần của nó người ta cũng có thể khôi phục được hình ảnh 3D của vật. Tính chất này được phản ánh trong 4 câu thơ trên của William Brake, mặc dầu chúng được viết từ hơn 200 năm về trước.
*
Hai kiến trúc sư lớn của toàn ảnh

Hai nhà khoa học, kiến trúc sư của lý thuyết toàn ảnh là: nhà vật lý David Bohm (Đại học London) và nhà thần kinh học xuất sắc Karl Pribram (Đại học Stanford , tác giả cuốn sách nổi tiếng “Các ngôn ngữ của não bộ – Languages of the Brain”. Một điều kỳ lạ là hai nhà khoa học này vốn làm việc trong hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau lại cùng đi đến những kết luận giống nhau. Bohm đi đến kết luận về tính toàn ảnh của vũ trụ sau nhiều năm không hài lòng với những giải thích các hiện tượng vi mô theo thuyết lượng tử, còn Pribram – vì sự thất bại của các lý thuyết cổ điển sinh học đối với những bí ẩn trong sinh lý học thần kinh (neurophysiology).
Cuối cùng họ gặp nhau và cùng hiểu rằng mô hình toàn ảnh cho phép hiểu được một loạt những điều bí ẩn trong vật lý, trong thần giao cách cảm (telepathy), tiên tri (precognition – biết trước sự vật), sự thống nhất con người và vũ trụ (oneness), động học tâm lý (psychokinesis),…

*

Nguyên lý toàn ảnh có thể dẫn đến một triết học sâu sắc. David Bohm quan niệm rằng thực tại mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày chỉ là một loại ảo tưởng giống như một bức tranh toàn ảnh (hologram). Dường như thực tại có hai mức: một mức ở sâu hơn gọi là mức tiềm ẩn (cuộn lại) /implicate (enfolded) và một mức gọi là mức tường minh (mở ra) /explicate (unfolded). Một film toàn ảnh (hologram) và hình ảnh nó tạo ra là ví dụ của hai mức tiềm ẩn và tường minh. Cuộn film thuộc mức tiềm ẩn vì hình ảnh được mã hóa trong các dạng giao thoa chứa trong film còn hình ảnh chiếu ra thuộc mức tường minh vì các giao thoa mã hóa được mở ra (unfolded).

*

Bohm cho rằng phân biệt thế giới sống (living) và không sống (nonliving) là điều vô nghĩa. Vì mỗi phần của một bức toàn ảnh (hologram) đều chứa thông tin của toàn ảnh cho nên mỗi bộ phận của vũ trụ đều chứa thông tin của toàn vũ trụ. Điều đó có nghĩa là nếu biết cách tiếp cận thì chúng ta có thể tìm thấy thiên hà Tiên nữ (Andromeda) trong móng ngón tay bàn tay trái . Bài thơ của William Blake (thi sĩ Anh 1757-1827) đề dẫn trên đây diễn tả cùng một ý.

*

Não bộ là một toàn ảnh (hologram)

Pribram xuất phát từ việc tìm hiểu não bộ lưu trữ trí nhớ bằng cách nào và ở đâu . Trong những năm 1940 người ta tin rằng trí nhớ nằm trong não bộ. Mỗi dấu vết trí nhớ gọi là một engram, tuy chẳng ai biết engram được cấu tạo bằng gì .Các nghiên cứu của Pribram dẫn đến kết luận quan trọng: trí nhớ không được lưu trữ tại một nơi nào cả trong não bộ mà bằng một cách nào đó lan truyền và phân bố trong toàn não bộ.
Trí nhớ được xem như là những xung lượng thần kinh đan chéo chằng chịt trong não bộ tương tự như những hình ảnh giao thoa tia laser trên một diện tích của hologram.Nếu như một phần của hologram có khả năng tái tạo toàn ảnh của một vật thì mỗi phần của não bộ cũng chứa tất cả thông tin để phục hồi toàn bộ trí nhớ.

*

Bohm và Pribram gặp nhau

Các lý thuyết của Bohm và Pribram đã tạo nên một quan điểm sâu sắc về nhận thức luận đối với thế giới khách quan: toàn bộ vũ trụ là một toàn ảnh (the entire universe is a hologram), bộ não là một hologram cuộn vào trong vũ trụ toàn ảnh (the brain is a hologram enfolded in a holographic universe).
Rộng hơn mọi thành phần của vũ trụ ở một mức sâu đều liên thông với nhau (interconnectedness) và ngược lại vũ trụ hiện hữu trong mỗi bộ phận (“whole in every part”). . Theo Bohm ta thấy được những thực thể riêng biệt chỉ vì ta chỉ nhìn được một khía cạnh của thực tại. Các thực thể riêng biệt đó chỉ là những bóng ma (eidolon) còn vũ trụ tự thân là một hình chiếu, nói cách khác là một hologram.
Các electron của nguyên tử carbon trong não bộ của con người liên thông với các nguyên tử của mỗi con cá hồi đang bơi, của mỗi quả tim đang đập và của những vì sao đang chiếu sáng trên bầu trời.

*

Vì sự liên thông phổ quát này mà trong vũ trụ toàn ảnh , thậm chí không gian và thời gian không còn là cơ bản nữa!
Những khái niệm như tọa độ và thời điểm sẽ không còn ý nghĩa trong một vũ trụ mà không vật gì được tách rời với vật khác trong không gian và thời gian. Tại mức sâu hơn này, thực tại là một siêu hologram trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai quyện vào nhau và tồn tại đồng thời. Tại mức sâu siêu hologram nếu tìm được phương pháp thích hợp chúng ta có thể làm tái hiện được những cảnh tượng từ quá khứ xa xôi.
Sự tổng hợp hệ thống ý tưởng của Bohm và Bribram dẫn đến là hệ hình toàn ảnh HP (Holographic Paradigm). Nhiều nhà khoa học công nhận rằng nhiều hiện tượng ngoại tâm lý học (para-psychological ) như thần giao cách cảm, luân hồi, tiên tri… có thể hiểu được nhờ HP.

Vì hàm lượng triết lý lớn, HP đang làm say đắm nhiều nhà khoa học và là nguồn cảm hứng dồi dào cho điện ảnh (các phim ‘The Matrix’, ‘The 13th Floor’, Star Trek…) cho nghệ thuật, văn chương.

*

Vũ trụ của chúng ta có thể là một hologram khổng lồ (Our World May Be a Giant Hologram). Nếu điều này đúng thì trước mắt chúng ta là một kỷ nguyên khoa học mới (Science Daily,Feb.4,2009) có tầm bao quát một cách thống nhất nhiều hiên tượng (từ vật lý đến các khả năng kỳ diệu của não bộ) mà khoa học hiện nay chưa có lời giải thích . Vũ trụ toàn ảnh sẽ có tác động lớn đến triết học và là nguồn cảm hứng của nhiều ngành nghệ thuật. Nhiều nhà khoa học xếp lý thuyết Vũ trụ toàn ảnh ở tuyến đầu tri thức (latest frontier of knowledge), lý thuyết Vũ trụ toàn ảnh có nội dung lớn hàm ẩn cả toán, lý, sinh, triết học…

*

PS. Trong vũ trụ toàn ảnh giữa người viết và đọc những dòng này có một mối liên quan toàn ảnh nằm sâu hơn mối liên quan thông thường giữa tác giả và độc giả.

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

clip_image005

Nguồn: https://www.facebook.com/chi.cao.7165/posts/1651702761718138

Comments are closed.