Trần Dần, mỹ học khổ đau

Thuỵ Khuê

Trần Dần mất ngày 17 tháng giêng năm 1997. Trong 40 năm, sau Nhân Văn, Trần Dần đã chỉ thấy những hòm bản thảo của mình: 2/3 bị tiêu tán, mục nát, 1/3 bị kết án chung thân trong trạng thái nằm. Vậy mà vẫn viết. Viết đều. Bởi ông cho rằng viết hay ghi là phương pháp duy nhất nói chuyện với mình khi không thể nói được với ai. Từ 1958, “ghi trở nên một hình phạt”, người thanh niên 32 tuổi ấy đã bị “đòn ngấm quá cuống tim rồi”.

Tác phẩm chịu chung số phận với con người, phần lớn đều chưa được in ra: gần 30 tập thơ, 3 cuốn tiểu thuyết, và không biết bao nhiêu bản thảo bị mối mọt.

Trần Dần sinh ngày 16 tháng 7 năm Bính Dần, tức ngày 23 tháng 8 năm 1926, trong một gia đình giàu có ở Nam Ðịnh. Ðậu bằng thành chung rồi lên Hà Nội học đến tú tài. Trần Dần là bạn thân từ nhỏ với Vũ Hoàng Ðịch, em ruột Vũ Hoàng Chương. Trong không khí văn nghệ gia đình và bè bạn, ngay từ 1944, sau khi xong trung học, Trần Dần, đã cùng Vũ Hoàng Ðịch, Trần Mai Châu, Ðinh Hùng… nghĩ đến việc cách tân Thơ Mới, chủ trương nhóm Dạ Ðài, viết “Bản tuyên ngôn tượng trưng” ký tên ba người Trần Dần, Trần Mai Châu và Vũ Hoàng Địch, in trên giai phẩm Dạ Ðài số 1, ra ngày 16/11/1946. Ngoài thơ, Dạ Ðài còn có tiểu thuyết, truyện ngắn và bình luận. Vừa ra được số đầu, mới lên khuôn số thứ nhì thì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Trần Dần tham gia kháng chiến.

Đạo diễn Trần Vũ nhớ lại: ở Sơn La, năm 1946, Trần Dần làm công tác tuyên truyền cùng với Vũ Khiêu và Vũ Hoàng Ðịch. 1948, khi thành lập khu 14 ở Tây Bắc, Trần Dần cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Ðịch lên Tây Bắc. Một thời gian sau, khu 14 bị giải thể. Trần Dần tham gia quân đội, nhận công tác địch vận của trung đoàn Sơn La từ 1948 đến 1950.

Hồ Phương kể lại: “Ở nhóm văn nghệ Tây Bắc có Trần Thứ (nay là Trần Vũ), Trần Dần và Hoài Niệm… Tờ Sông Ðà của nhóm này cũng là một tờ báo được trình bày khá đẹp, nghiêng về sáng tác thơ văn. Hồi ấy Trần Dần hay làm thơ leo thang, bài thơ thường được trình bày khá kiểu cách. Dòng thì in chữ nhỏ, dòng lại in chữ to, thiên về hạng theo mốt.” (trích Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, nxb Tác Phẩm Mới, 1987, trang 140)

Sau kỳ học tập chính trị năm 1951, Trần Dần về Trung Ương, nhận công tác ở Cục Quân Huấn. Cuối năm 1953, chiến đấu ở mặt trận Ðiện Biên Phủ, cùng đội ngũ với Ðỗ Nhuận và Tô Ngọc Vân, Trần Dần viết tiểu thuyết Người người lớp lớp.

Năm 1954, được cử đi Trung quốc để viết bản dẫn giải bằng tiếng Việt cho phim Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ông không ghi gì về chuyến đi này trong nhật ký.

Ðầu năm 1955, trong quân đội manh nha sự phản đối đường lối văn hóa văn nghệ của Ðảng: Trần Dần, Tử Phác, cùng với sự hỗ trợ của Lê Ðạt, Hoàng Cầm, một mặt lên tiếng phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, một mặt yêu cầu hạn chế sự can thiệp của Bộ Chính Trị vào lãnh vực văn hóa văn nghệ. Phong trào tiếp diễn với Giai Phẩm Mùa Xuân, xuất hiện tháng 3 năm 1956, đăng bài Nhất định thắng của Trần Dần. Trần Dần bị bắt, cứa cổ tự tử, nhưng không chết. Phong trào tiếp tục đến tháng giêng năm 1958 thì bị dập tắt hẳn.

Nhưng những chôn vùi thường đưa đến những hậu quả bất ngờ: như hỏa sơn Vésuve thình lình chôn sống Pompéi trong một trận mưa tro đá. Nhưng 1700 năm sau, người ta đào lại các lớp địa tầng, “phục hồi” những xác người hóa thạch. Chính những xác hóa thạch đó đã cho biết họ bị ngọn lửa Vésuve bức tử như thế nào. Tại sao mà chết? Xác người hoá thạch ở Pompéi, 1700 năm sau, đã thuật lại cho hậu thế lịch sử cái chết của mình. Vésuve đâu có lường trước hậu quả khi nhúng tay vào tội ác? Vésuve đâu có ngờ rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng tìm đủ mọi cách để “phục hồi” sự thật? Vésuve đâu nghĩ đến sự phản bội của thời gian: đáng lẽ những sự thật đã bị chà đạp, bóp méo, chôn vùi đến hàng ngàn năm phải tiêu tan, tro bụi, nào ngờ, chúng lại được chính thời gian đồng lõa với con người, tìm cách soi tỏ sự thật như một thỏa thuận nhân văn ngấm ngầm giữa quá khứ và hiện tại, giữa bây giờ và hậu thế.

Về Nhân Văn Giai Phẩm, có những sự việc đã bị chôn sống, tưởng rồi sẽ tan trong lòng đất. Có những sự thực đã bị bóp méo đến độ dị dạng. Trong hơn nửa thế kỷ, người ta đã quen sống với những quái thai dị đạng đó: những xuyên tạc, bôi nhọ được đề cao như những chân lý. Ngờ đâu, những con chữ trong hòm lại có ngày đứng dậy, thuật lại truyện mình. Tập Trần Dần ghi 1954-1960 là một trong những tư liệu hòm, tự khai, tự quật. Do nhà xuất bản Văn Nghệ tại California in năm 2001. Tác phẩm chìa ra những dòng chữ viết đầu tiên, để lấp những trang còn trắng về một thời kỳ văn học sử, còn chưa được biết, còn chưa được viết.

Trần Dần ghi, tức là Trần Dần viết nhật ký cho mình, ghi lại những ý nghĩ, sự kiện, đột hiện ra trong óc. Những điều mắt thấy tai nghe. Những câu chuyện bạn bè kể lại. Tất cả bộ mặt hàng ngày của đời sống “thời ấy”, vui có, buồn có, bực tức có, phẫn nộ có, lạc quan có.

Sự ghi ấy đến với chúng ta như thế nào, sau nửa thế kỷ? Nó cho biết một phần sự thật về thế giới đã bị chôn vùi, dĩ nhiên là dưới con mắt chủ quan của người ghi. Một sự chủ quan đầy ý nghĩa vì đây là những hàng nhật ký chứ không phải hồi ký. Đây là những ghi chép hàng ngày, tại chỗ, còn nóng hổi, chỉ để giúp trí nhớ của riêng mình, không có hậu ý cho người khác đọc. Mà dù có muốn người khác đọc, thì cũng không chắc có một ngày người ta sẽ đọc. Bị xếp trong hòm, nó còn mang tính cách trăn trối, trăn trối với mình, trăn trối với người, trăn trối với nghệ thuật. Vì không cốt yếu viết cho “người khác” đọc, cho nên nó không cần phải “làm đẹp” lên hoặc “làm xấu” đi, không phải giả đò tự phê phán mình để tỏ niềm trung thực, như một số hồi ký viết về thời kỳ này, cốt viết và in cho người khác đọc. Bởi thế, khi đọc Trần Dần ghi, tức là chúng ta đã xâm phạm vào đời tư cá nhân Trần Dần, vào chỗ thầm kín nhất của con người: vào những ý nghĩ riêng tư, nhiều khi thái quá, vào những sự thật trần truồng, nhiều khi không khoan nhượng, vào những sai lầm có thể có, đối với bất cứ ai. Đó là con dao hai lưỡi, cũng là lợi khí của văn học nằm trong tinh thần sáng tác của Trần Dần.

Tập Trần Dần ghi 1954-1960 gồm ba phần. Phần đầu là những suy nghĩ về sáng tạo. Phần thứ nhì chụp lại thời đấu tố. Phần thứ ba nghiêng về chân dung và cuộc sống con người trong ba năm kỷ luật.

Phần thứ nhất, ngắn nhưng sắc sảo, bộc lộ quan niệm thơ nói riêng và sáng tác nói chung của Trần Dần. Tuy viết từ thời trẻ, nhưng đã khái quát những suy nghĩ sâu sắc của một đời người, đời thơ, bao trùm những ý nghĩa triết lý và nghiệm sinh. Ðó là một lối tuyên ngôn nghệ thuật phát xuất tự đáy lòng, với những trăn trở, vừa muốn tìm hiểu, vừa để xác định một trật tự cho riêng mình, nhưng chưa vỡ lẽ cái mình muốn xác định ấy là gì. Trần Dần viết: “… những hình ảnh thơ nóng bỏng, cháy như lửa, một hình ảnh ánh lên nhiều hình ảnh, hình ảnh nọ chống đối hình ảnh kia, hòa hợp với nhau, lôi kéo nhau trong một điệu nhảy ma quỷ… Ðúng là: một cuộc sống chaotique, nhưng một cái chaosharmonie của nó. Một điệu danse macabre có cái thần tiên của nó. Một cái hỗn độn có cái trật tự của nó. Và cái harmonie, cái thần tiên, cái trật tự đó là tùy theo tiêu chuẩn, tôi cho là: ý thích của tôi. Mà ý thích của tôi là theo tiêu chuẩn tối cao! Ðó là sơ lược cái mơ ước ngày tôi 18, 19 tuổi.” (trang 35)

Ðó là lời “tuyên ngôn” thơ, rất “hỗn độn”, mơ hồ, nhưng lại rất sát với thơ. Nếu so với những lời văn hoa Trần Dần viết trong bản “Tuyên ngôn tượng trưng” của nhóm Ðạ Ðài mười năm trước, nào những “Chúng tôi -một đoàn thất thổ- đã đầu thai nhằm lúc sao mờ” (rất Vũ Hoàng Chương), nào những “Chúng tôi đã nhìn lên Tinh đẩu và đã nhìn xuống Thế nhân”, nào những “Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác”… thì đúng là trong hoàn cảnh nào, các tuyên ngôn cũng vô dụng. Tuyên ngôn Dạ Ðài trịnh trọng, khuôn sáo, không nói được gì, so với mấy trang đầu tập Trần Dần ghi 1954-1960.

Nói với mình, Trần Dần bỏ hẳn lối viết rườm rà, hoa mỹ, để hướng về chữ, chỉ có chữ, trần trụi chữ, sâu và thực.

 

Phê bình văn, thơ kháng chiến

Câu hỏi đầu tiên đến với người sáng tác là: viết như thế nào? Trần Dần không thoát ra ngoài thông lệ. Lúc ấy đang đánh nhau, có đòi hỏi phải viết về chiến tranh. Người ta bảo phải viết như thế này, thế kia. Còn anh? Là nhà văn, anh nghĩ gì? Anh viết như thế nào?

Trần Dần ghi: “Chúng ta thấy chúng ta vào khói ra lửa, sinh tử không sờn, chúng ta thấy chúng ta hành động ghê gớm lắm. Nhưng có điều buồn là chúng ta không thấy chúng ta! […]

Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng […] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhung bạn đừng lầm bảo rằng bộ xương đó là người, hình cốt và và cái khung là tâm hồn rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá […]

Cho nên bạn nói Chiến tranh là rèn luyện;- bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa […]

Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã mất mát và thu hoạch được những gì. […] Tôi nói rằng chúng ta mất nhiều hơn. Tại vì tôi nghĩ tới chiến tranh và tội ác của nó. Và tại vì tôi so sánh những cái thu hoạch 9 năm chiến tranh vừa qua với những cái thu hoạch lớn hơn gấp bội nếu 9 năm qua là 9 năm kiến thiết Hoà Bình. […] Vì thế tôi muốn viết nhiều, muốn viết những cái tôi chưa dám viết. Và tôi muốn viết không có kiểm duyệt. […]

Tôi vừa viết xong cuốn “Người người lớp lớp”. Viết về chiến tranh ở Điện Biên Phủ đấy. Nhưng mà tôi đã chán rồi. Tại vì rằng tôi ít thấy sự thực của chiến tranh trong đó quá. Và vì rằng tôi thấy ít sự thực của bản thân trong đó quá. Chưa phải là chiến tranh và chưa phải là tôi. Cho nên tôi viết tới hơn 300 trang mà không thích bằng một bài thơ tôi cũng mới làm về chiến tranh: “Anh đã thấy” (mes douleurs) trên dưới có 6 trang! Vài trang thơ này tôi còn thấy chiến tranh nhiều hơn, và thấy tôi nhiều hơn 300 trang “Người người lớp lớp”.

[…] Tôi muốn tả những người chiến sĩ. Người rất già người rất trẻ. Người bần cố và người con địa chủ. Người con tư sản và người công nhân. Người học sinh và người không biết chữ. Người đã làm sư và người đi ăn cướp. Người đi buôn và người đã bị buôn. Người đã lừa lọc và người đã bị lừa lọc. […] Người anh hùng và người dút dát. Người lấy súng bắn địch và người lại lấy súng tự thương. […] Người thuần, người ngổ ngáo. Người chỉ biết phục tùng, người hay cãi bướng. Và đa số là ngại học tập ,ngại nghe đả thông. Ngại nghe cán bộ nói nhiều. Ngại bị “nắm tư tưởng”. Nắm, nắm con cặc.

[…]

Tôi nghe người ta nói đừng viết cuộc sống telle qu’elle est (chú thích: cuộc sống như nó đang diễn ra) mà phải viết la vie telle qu’elle doit être! (cuộc sống như nó phải được diễn ra) – Tôi lại hiểu rằng: viết cuộc sống telle qu’elle est tức là viết cuộc sống telle qu’elle doit être.- Tôi hiểu rằng không có gì đẹp hơn, không có gì cao cả hơn, không có gì cộng sản hơn là: Sự Thực không tô điểm, Sự Thực trần truồng. Và cũng không có gì xấu hơn, không có gì yếu ớt hơn, phi cộng sản hơn là Sự Thực tô điểm, Sự Thực mặc áo hồng, áo xanh, áo hoa. Tôi nói rằng, dù áo hoa đó thích hợp, dù sự tô điểm đó là tô theo phương hướng thực của cuộc sống thực, thì cái áo đó và sự tô điểm đó vẫn cứ là không đáng tán thành. Cuộc sống cởi truồng, nó có ý nghĩa như những sự tô điểm và những bộ áo đẹp và lý tưởng nhất. Màu da của cuộc đời toute nue, đó là tất cả các bộ áo của trần gian rồi[…]

Chính vì vậy tôi muốn viết chiến tranh telle qu’elle est. 10 cây số máu. Xương phơi đầy đường. Người đáng sống thì chết. Kẻ đáng chết thì sống mãi. Tôi tưởng rằng, nếu mà nói giáo dục, thì không gì giáo dục hơn là sự thực ở trần. Chiến tranh cởi truồng là có thể giáo dục Chiến tranh, lại giáo dục cả Hòa Bình […]

 Cho nên tôi rất muốn viết về chiến tranh. Viết thật trần truồng. Không gì lớn hơn Sự Thực. Vì vậy cho nên không bao giờ tôi viết được Sự Thực[…] Nhưng mà cũng không bao giờ tôi lại không muốn tả cho đúng Sự Thực.[…]” (trích những dòng ghi từ 16/9 đến 1/10/54, trang 43-48).

Lời ghi trần trụi trên đây là một tuyên ngôn cởi truồng về mục đích của văn học, về nhân cách của nhà văn. Suốt cuộc đời, Trần Dần đã tôn trọng nó: ông đã ghi lại cuộc sống của mình, của những người xung quanh, bằng trái tim, một trái tim dù bị dìm dẫm, bằm vặp, nhầu nát nhưng vẫn giữ tròn nhiệm vụ lọc máu để nuôi sống con người.

 

 24/12/1954, đêm Noël, Trần Dần ghi:

“Bước quanh bờ Hồ. Trời tôi tối. Còn vẳng tiếng hát micro nhà thờ buông trầm trầm. Hai thằng đi. Tôi và Lê Ðạt. Buồn quá. Ðây là những lúc người tôi hẫng lắm. Rỗng lắm. Tôi còn đầy dư vị những câu chuyện trao đổi đêm nay về chính sách văn nghệ. Dư vị chua, đắng, nhạt thếch.

Xem bài thơ “Ðại hội văn công” của Dương Chi trên báo Thời Mới. Tôi nhớ lại nhiều bài thơ kháng chiến của anh em kháng chiến. Ý tứ, điệu nhịp. Tôi có ý nghĩ so sánh. Thấy nó na ná nhau quá. Thử đào sâu hơn, tôi thấy phương pháp thơ của Dương Chi không khác là bao nhiêu với phương pháp thơ của nhiều anh em kháng chiến(!) Tôi còn muốn nói là giống nhau nữa. Phương pháp thơ gì? Tôi cho rằng phương pháp thơ đó, căn bản có mấy điểm:

1) một nội dung chính trị chưa thấm, chưa nhuyễn tới mức không còn là chính trị đơn thuần nữa;

2) trộn vào nội dung chính trị đó, một vài cái gì ươn ướt một tí! Ví dụ “đại hội văn công” thì trộn vào:tình đất nước, xuôi ngược Mán, Thổ, Mường… Nam Bắc… bốn phương về đây tụ hội. Và một vài cái ánh đèn… con mắt trái tim rung v.v… […]

3) đem cái đó đặt thành vần điệu. Kỹ thuật là xem các thể thơ 4, 5, 6, 7 chữ. Thi thoảng hạ một câu lục bát nghe có vẻ mê ly. Tôi thường nghĩ đó là một ngón “thơ chim gái”. Phụ nữ nghe phải sít soa. Và cả quần chúng khi đó, lúc đó, cũng phải rít lên. Nhưng về sau không còn ai nhớ nó nữa.

Vì vậy tôi coi phương pháp thơ Dương Chi trong bài đó giống phương pháp của anh em kháng chiến. Theo ý tôi là một phương pháp thơ rất hỏng. Không có gì đáng gọi là cách mạng cả. Tôi muốn nói: “Các anh đừng có lên mặt kháng chiến. Đừng vênh váo mình tiến bộ. Đừng khinh anh em trong Hà Nội lạc hậu! Về cơ bản, các anh không hơn gì anh em Hà Nội đâu. […] Ta chưa có cách mạng thi ca”.

Tôi nhớ một hôm tôi đọc chơi chơi ví dụ: “hồn lâng lâng mơ máu giặc nồng say”. Nhiều anh em cười. Tôi đố: thơ ở đâu nào? Có anh đoán :- Một tờ báo Hà Nội nào hẳn? Tôi nói thực: Ðó là tập “Tiếng hát” của nhà xuất bản Quân Ðội Nhân Dân. Thơ kháng chiến đấy!” (trang 65- 66).

Trần Dần ghi những điều mà mọi người thấy, nhưng không dám nói ra: Một người chuyên trị thơ kháng chiến như Tố Hữu, nếu ông chịu khó đọc lại thơ ông, thì ông sẽ thấy Trần Dần nói đúng, thơ ông đầy những câu văn hoa ngớ ngẩn, lẩy Kiều một tý, ngược xuôi Mán Mường một tý, ươn ướt một tý, ca dao một tý, rất đúng ngữ điệu “chim gái”:

Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa

Mình về mình lại nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào. (trích Việt bắc)

Bài Bầm ơi, vào loại rất hay của Tố Hữu cũng là một bài lẩy ca dao:

Bầm ra ruộng cấy bầm run,

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu.

Cho nên khi bình thơ Tố Hữu, Trần Dần đã phê một câu chí lý: “Chỗ nào hay thì lại là lặp lại Nguyễn Du, Tản Ðà, ca dao… Tố Hữu chưa đem tới một cách nhìn mới mẻ gì.”

Nhưng cái họa của thơ kháng chiến là không chỉ có Tố Hữu làm thơ như thế mà hầu hết các nhà thơ nổi tiếng, khi xung phong yêu nước, họ đều nặn ra những câu thơ ngớ ngẩn như vậy. Điều này rất khác với các nhạc sĩ. Tôi nhớ một hôm, đi chơi xa với nhà thơ Lê Đạt, trong xe, tôi để cassette nhạc kháng chiến của Phạm Duy. Không nhớ rõ là khi nghe đến bài nào, Quê nghèo, Về miền Trung hay Bà mẹ Gio Linh… Lê Đạt buột miệng: “Phải yêu nước như “nó” mới làm được nhạc như thế”. Nguyễn Huy Thiệp khi nghe Thái Thanh hát Bà mẹ Gio Linh cũng bảo: “Nghe nổi cả da gà!”. Câu nói của Lê Đạt, Nguyễn Huy Thiệp làm tôi suy nghĩ nhiều về lòng yêu nước, về thơ và nhạc kháng chiến: quả là thơ kháng chiến “yếu” hơn nhạc kháng chiến rất nhiều. Có bài thơ kháng chiến nào làm cho chúng ta “nổi da gà” như Bà mẹ Gio Linh. Tại sao? Vì các nhà thơ không có “gien” yêu nước? Hay vì làm thơ yêu nước không dễ, có yêu nước thật, may ra thơ mới hay. Có rút ruột mình ra, lên đồng với chữ như Hoàng Cầm, mới làm được Bên kia sông Đuống. Có mất mát như Hữu Loan, mới làm được Màu tím hoa sim? Còn tất cả những “giả đò”, đều ngớ ngẩn và buồn cười, nhất là giả đò yêu nước. Chúng ta thử đọc một bài thơ yêu nước của Xuân Diệu:

Sớm nay xa cách làng Còng

Bước đi một bước trong lòng mến yêu

Làng Còng vất vả, gieo neo

Tô đong, thóc rẽ, bao nhiêu căm thù.

Nông dân lao động bốn mùa

Trồng bông, bón mía, lại vừa tỉa ngô.

Mùa thường ngập lụt chẳng no

Chiêm thời thỉnh thoảng mất khô một kỳ.

Tháng ba hái củi nặng nề

Tháng mười kéo một đêm khuya thức ròng.

(trích bài “Tặng làng Còng”)

Màu mè hơn Tố Hữu, Xuân Diệu tìm cách trộn trạo hổ lốn các yếu tố ca dao, lao động, nông dân, canh tác… vào cho đủ lệ bộ mũ mã cân đai, có thể rất hợp khẩu vị lãnh đạo, nhưng không làm rung động mảy may “lòng người “. Bài này thuộc loại tạm được, nhưng Xuân Diệu còn bao bài thơ khẩu hiệu không thể nào đọc được, ví dụ:

Người gánh gánh của chúng tôi: là Đảng

Người gánh gánh với chúng ta: là Đảng

Người gánh ta, ta gánh Người: là Đảng

Người gánh đất, Người gánh trời: là Đảng.

(trích bài “Gánh”)

Tóm lại, hầu như không một nhà thơ nào, thời ấy, theo kháng chiến, (tự nguyện hay bắt buộc) làm thơ ca tụng, mà không nặn ra những bài văn vần, nửa vè, nửa khẩu hiệu, tạo nên một vũ trụ quái thai thơ. Vũ Hoàng Chương cũng có những câu:

Chen tiếng hoan hô này khẩu hiệu

Muôn năm chủ tịch Hồ Chí Minh.

Muôn năm người lính già tiêu biểu

Vì giang sơn quyết bỏ gia đình

(trích bài “Nhớ về Hà Nội vàng son”)

Đó là bi kịch chung của thơ văn kháng chiến mà Trần Dần đã cô đọng lại trong vài hàng phê bình thẳng thắn và xác thực.

Nhưng điều tệ hại là chính cái sườn nửa vè, nửa khẩu hiệu ấy lại trở thành mẫu mực cho thơ văn suốt một thời dài sau khi kháng chiến chấm dứt, khi đã đánh “tuyệt nọc” Nhân Văn.

 

 

Mỹ học khổ đau

Phần cốt lõi trong nhật ký Trần Dần là thân phận con người. Con người trong cải cách ruộng đất và đấu tố, con người sau Nhân Văn. Trần Dần có đấy. Trần Dần ghi. Trước đây, chúng ta đã được đọc nhiều cuốn tiểu thuyết hay viết về thời kỳ cải cách ruộng đất. Nhiều cách viết về thân phận con người, mô tả những khổ, đau, sống, chết… trong cải cách ruộng đất. Trần Dần không viết về cải cách ruộng đất, cũng không viết về tố khổ, mà ông ghi, ông chụp hình tố khổ bằng chữ. Nghệ thuật của ông nằm ở chỗ: không làm nghệ thuật, mà chụp nó. Như thể vô tình ông đã tạo ra cái mà ông gọi là Esthétique de la douleur.

Trong lúc nói chuyện về nghệ thuật với Lê Đạt và Đặng Đình Hưng, có lần Trần Dần bảo: “cái esthétique của tôi, nó là esthétique de la douleur” (mỹ học khổ đau) (trang 345). Nhưng ông có ý phê bình cái mỹ học khổ đau ấy là của thế kỷ XIX. Muốn biết cái “mỹ học khổ đau” ấy như thế nào, thì cứ đọc những hàng Trần Dần ghi. Ông ghi như thế nào? Ghi ngắn, gọn, những điều chính yếu. Bỏ hết những chữ thừa, tác giả xóa mình sau ống kính chữ. Chỉ có chữ. Vắn tắt như tốc ký. Chỉ có cách ấy mới lọc được nước cốt của nỗi đau.

Lối viết ấy có thể xem như một cách chắt hiện thực, lọc nước cốt các loại hiện thực, để chỉ lấy phần cô đọng nhất. Ðó là hiện thực Trần Dần. Ðó là mỹ học khổ đau.

“Thụ chém xong, Hoành, Sang nhảy vào đè ông Tuân xuống, thọc con dao nhọn vào vết chém đâm sâu vào thái dương, ông Tuân ọc ọc rồi chết. Hoành, Sang khiêng xuống bếp, treo cổ. Hoành chạy đi. Sang chạy ra cản nhân dân, xem giấy không cho vào”. (trang 118)

Những khuôn mặt, những tình huống, những cảnh, những lời, trổi lên qua vài nét phác, đôi khi là khuôn mặt địa chủ, đôi khi là khuôn mặt “nhân dân”… đôi khi cả một khung cảnh. Ðôi khi chẳng có gì cả, trần trụi hai ba chữ, cụt lủn, trống không, như những hàng ghi đầu năm 56:

 1/1 Thẩm tra chỗ dựa.

Tối họp: Tội ác địa chủ. Bảo vệ đường sắt.

 3/1 Nhà Thu.

 Tối, trấn áp địa chủ. Họp du kích trao đổi vũ khí. Họp thanh niên, thiếu nhi.

8/1 Ðiểm tố khổ Nông Hội.

9/1 Nhà Thu.

 Thông tin kẻ khẩu hiệu: Có khổ tố khổ. Ðánh đổ địa chủ cường hào đại gian đại ác. Hoan nghênh đại hội nhân dân. Sáng suốt chọn người vào thẩm phán xã.

 Tố khổ Nông Hội.

1/1 Nhà Thu.

Tối: Công thẩm Hoàn (Nguyễn văn Nga).

12/1 Sáng: đấu Hoàn. (trang 167).

Lối tốc ký: sợ không viết ngay sẽ quên mất, hình ảnh sẽ biến đi, bởi vậy phải ghi hoả tốc. Cảnh đấu Nguyễn Văn Nga được chụp khá đầy đủ, gồm 17 màn, có 17 nhân vật thay phiên nhau lên đàn đấu và đây là hai màn đầu, vẫn lối tốc ký, vắn nhất, tắt nhất:

 Đấu Nguyễn văn Nga

1. Anh Tụng lên.

– Mày mất thóc, em mày lấy, mày vu cho tao mày đánh tao.

– Nga, mày có đánh anh Tụng không?

– Không.

 Ðả đảo…

– Mày có đánh không?

– Có.

 Ðả đảo thái độ ngoan cố…

– Mày ngoảnh mặt lên đây. Khoanh tay lại. Bây giờ mày đã nhận mày kể lại đi.

– Thưa quý tòa con mất thóc về hỏi, chả nhẽ ở nhà mất còn có ai, anh Tụng…

– Anh với mày à?

– Ông Tụng, con hỏi ông Tụng, xong có đánh.

– Nga! Ðánh thế nào? Hỏi! Cho phép mày quay về ông bà nhân dân mà nói về việc đánh anh Tụng. Phải thưa ông bà.

– Thưa ông bà nhân dân, con mất thóc, con đánh anh Tụng à ông Tụng. Con trói vào cột.

– Mày có treo anh Tụng lên không?

– Con có treo ông Tụng lên ạ…

 Ðả đảo…

– Nga! Hỏi! Về sau thóc ai lấy?

– Con không biết ạ…

Kết luận:- Chúng ta nhân dân thấy bộ mặt ngoan cố tên địa chủ. Nó đã nhận là thóc con cháu nó lấy mà nó đổ cho anh Tụng, nó đánh.

2. Ông Sử

– Mày đánh tao nát cả người cả ngợm ra.

– Con chỉ đánh nát người thôi ạ. Không đánh vào ngợm ạ.

– Tao đói quá tao đi bẻ mấy bắp ngô. Tao lấy của nhân dân chứ có lấy của nhà mày đâu? Sao mày lột quần tao ra, chắp 10 roi đánh!

– Mày có đánh ông Sử không?

– Có.

– Mày đánh bằng gì?

– Con đánh bằng roi tre ạ. Ông ấy ăn cắp ngô, con đi tuần thì con đánh ông ấy chảy máu đít. (trang 135-136).

 Màn đấu Nguyễn Văn Nga tiếp tục với các nhân vật khác: Em anh Niệm, Chị Vinh, Bà Chính, Ông Thìn, ông Dăm lần lượt lên đàn tố.

Ở trang 172, Trần Dần ghi:

Viết 5 câu chuyện tình, không được in, đốt đi 2, còn 3. […]

Em ạ, chính sách quản lý hộ khẩu là để đánh địch, nhưng em coi chừng, nó lại đánh vào tình yêu của chúng ta […]

– Ðạo lý không có tương lai.

– Viết quyển “Ðời làm lính”, xong lại đốt đi. Vì nó đụng đến nhiều thứ quá.

– Nhật ký cho D. “Tác phẩm xuất bản cho một người.”

Hiện thực Trần Dần là một hiện thực tốc ký của mỹ học khổ đau. Không bình. Không luận. Để sự thực trần truồng nói. Là “tác phẩm viết cho một người”, “xuất bản cho một người”, tác giả lọc ra những nét độc đáo nhất của một chân dung, một sự kiện, một hiện tượng để ghi lên giấy, tạc vào óc người, người duy nhất viết và đọc: Trần Dần.

Mỗi hiện tượng, mỗi tình huống hay chân dung phác ra, bằng vài câu, vài dòng. Kẻ đọc “lén”-như chúng ta ngày nay- nếu giầu tưởng tượng, có thể xây dựng nên một tác phẩm văn học. Trần Dần tạo ra nguyên liệu, trong trạng thái thô nhám, ròng, như vàng ròng, chưa pha tạp, chế biến, và mặc “ta” xoay sở:

Chị Chuột chửa hoang.

6 tháng bụng to rồi. Làng mới đem ra điếm cho tuần gác, cùm, trói. Nuôi cho ăn cho đẻ xong xuôi. Trói hai ngón tay, hai ngón chân, lấy xe điếu lăn chân, rứt lông cho đau. Tra hỏi: chửa với ai. Chị Chuột khai chửa với phó Riếm.

 Vào bắt bò nhà phó Riếm. Phó Riếm không chịu, xin thử máu. Bát nước lã: Giọt máu phó Riếm với giọt máu đứa bé không quyện vào nhau. Vậy là không phải.

Lại tra, lăn xe điếu. Chuột khai ngủ với Bạch.

Bạch đẹp trai, đàn sáo. Vợ cũng đẹp. Bạch nhận. Làng ăn vạ. Bắt bò, 2 lợn, đong thóc, cả làng ăn. Sạt nghiệp. (trang 139).

Với “vụ việc” chị Chuột như vậy, “ta” có thể đọc như thế nào? Điều tra những gì nằm ngoài các con chữ, là việc của ta. Và “ta” cũng có thể dựng một truyện ngắn, như thể tác giả hào phóng muốn cung cấp những chất liệu đầu tiên cho ai muốn dựng nên một tác phẩm văn học. Cách viết gọi óc tưởng tượng của con người, nhưng rất có thể cũng là cách kêu cứu SOS, ngắn gọn, của một mớ chữ đang bị chôn sống trong hòm: Chuyện Nhân Văn, chuyện cải tạo sau Nhân Văn, cũng nằm trong lối tốc ký ấy:

“9/9

[…]Chiều. Nắng càng tấn công gay gắt. Hàng tấn bom Napalm ánh sáng thiêu đốt đất cát nóng bỏng. 2, 3 giờ, gió máy xem chừng yếu thế, đến chiều thì tắt gió hoàn toàn! Suốt cả cái tháng bẩy này, mùa hạ mùa thu giằng co nhau. Sống trong cái thế cầm cự ấy, vạn vật mệt nhoài… Sao mà tôi ghét cái ách thống trị gắt gao của mùa hè như vậy?

– Nắng này, anh ra đào gốc, không chịu nổi đâu! Nó hắt vào mặt, rát rạt! Anh Thuần bảo tôi… Thôi anh ở nhà(!)… Anh xuống chuồng bò cào phân! Mát mà! Có được không?

[…]

Ðêm, tôi thiếp đi trong mộng ác. Tay mưng, đau nhất là ở những chỗ đã thành chai mà lại mưng tái lại. Mọi bắp thịt suốt đêm lọc acide, và chôn cất những tế bào chết vì lao lực quá sức… Lục đục suốt đêm vậy trong toàn bộ xác thịt tôi.

 […]

10/9

[…] Gió khiếp quá. Hàng sư đoàn gió bấc trèo qua núi lúc nào đổ xuống đồng cỏ. Suốt buổi sáng, mùa hè bị đánh tan nát. Nắng bị gió may thổi mát đi, nguội lửa.

Gió tốc mái, rứt mấy lá gồi chuồng bò. Cây cành bị túm tóc, vật vã kêu gào, gió vẫn không tha. Các tàu chuối bị tước xơ ra. Có tàu rách mướp, trông hệt một con rết xanh khổng lồ, hàng nghìn chân xanh ngọ ngoạy điên cuồng, cào trong không khí, cái đuôi nó bị giữ rịt ở thân, nó lồng lộn ngang ngửa, không thoát […]

Các nón lá bị gió nó hất chụp mặt. Nó kéo ra sau, quai nón xiết cổ như thừng thắt cổ! Bụi phả vào mắt chúng tôi, chưa dụi xong, gió đã ném thêm. Bọn tôi đào gốc, đã nhọc, còn bị lũ gió may kia trêu chọc. Nó đùa dai chứ… Có lúc tôi cuốc đất, mắt nhắm tịt, một anh mù làm việc.” (đầu tháng 9, 1958, trang 334-335)

Tháng 12 năm 1959, Trần Dần thốt lên: “Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ “Ðúng” mới nhiều máu làm sao.” Con người nhất định thắng ấy, đã thua, đã hàng, chấp nhận ly khai những lý tưởng ngày trước của mình.

 10-12-59 Trần Dần ghi:

“Sớm mai tòa án xử Thụy An gián điệp và Nguyễn Hữu Ðang phá hại, cả hai: hiện hành. Tôi không có giấy gọi cho dự, có lẽ vì không có vị trí gì ở đó. Không phải là nhân chứng, cũng không phải là đại biểu của nhân dân…

Người có một cái gì văng vắng. Tôi đã có đứng với nhóm Ðang cầm đầu. Tôi đã ly khai với “lý tưởng” đó. Cả khi đứng ở đó, cả khi ly khai, cả bây giờ, tôi vẫn cứ rớm máu. Chao ơi! Con đường để đi đến chỗ “Đúng” mới nhiều máu làm sao? Tương lai có để dành cho tôi nhát dao nào nữa không?

Đang đã nhìn thấy cái sai lớn của Đang chưa?[…].

Ngoài trời mưa bụi. Rét xoàng. Không có gió. Ðôi lúc vài tiếng chuông xe đạp. Năm nay rét muộn. Ðang ra tòa cuối năm. Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này. Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ “Ðúng” mới nhiều máu làm sao!” (trang 376)

1958, “Ghi trở nên một hình phạt”. Nhưng vẫn ghi. Cuốn sổ 1958 ghi lại con đường nhiều người muốn ngoi lên để đi đến chỗ “Đúng”. Ai cũng muốn tìm một đường “máu” để thoát thân: biết đâu Đảng chả đoái thương mà nghĩ lại? Phương tiện nào cũng tốt kể cả “khai”. Cả “tố”. Bao nhiêu khuôn mặt đã bước trên con đường “nhiều máu “ấy. Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã đạt được sự “Đúng ” ấy. Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã vo ve sự “Đúng” ấy. Trần Dần ghi. Bao nhiêu khuôn mặt đã “Sai “. Trần Dần vẫn ghi. Cả đúng lẫn sai đều lầm than, đều dần đi tới chỗ tha hóa. Họ tan tác cả. Chính quyền đã thành công trong sự “giẻ rách hoá “con người, như lời Lê Đạt.

Ngày 16/4/1958, Trần Dần ghi:

“Hiện nay Nguyễn Hữu Ðang, Thụy An, Minh Ðức đã bị bắt, chẳng bao lâu sẽ ra tòa. Báo chí vẫn tiếp tục diệt đánh Nhân Văn Bộ 6 Giai Phẩm Mùa Xuân (tức là 6 người: Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Ðạt, Trần Dần, Sỹ Ngọc, Tử Phác). Bộ 6 đã buông nhau ra. Bọn Nhân Văn Giai Phẩm cũng ô rơ voa nhau hết […] Sỹ Ngọc đóng cửa, miễn tiếp khách.

Bản thân tôi, do chỗ đã tự giác đình bản tư tưởng thù địch (thứ tự giác kết quả của áp lực…) nên mọi mặt khác, tôi cũng đình bản cả giao du, đình bản cả việc viết lách.

Có nên đi gặp những đồng chí lãnh đạo để hỏi những việc cần phải làm không? Ði thì lại sợ bị hiểu lầm. Nhưng nếu ngồi nhà, tiêu cực đợi, có khi còn bị hiểu lầm gấp bội. […]

Bọn Ðang – Minh Ðức – Thụy An thân thì bị cầm tù, tội ác thì đem bêu đầu trên báo chí. Vai trò của bọn chúng trong các vụ phá hoại 3 năm đang được vạch trần.

Phan Khôi thì đóng cửa, nằm khàn, không đọc báo.

Trương Tửu, Trần Ðức Thảo làm gì?

Còn cả loại B chúng tôi hiện ra sao? Làm gì?

Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Ðạt đang tiếp tục kiểm thảo ở cơ quan, cùng với những Quang Dũng, Trần Lê Văn, v.v…

Chúng tôi đi sâu vào kiểm điểm sáng tác hơn nữa. Kiểm điểm sáng tác cho sâu mới thật là khó sao! Cứ như phải rứt bỏ một mảng thịt của mình.” (trích trang 244, 245)

“Tôi chịu cái hình phạt ấy, nhẫn nại và đau khổ. Hình phạt của một người bị bung dừ […] Tôi vừa là một tội nhân, vừa phải cố tách mình ra, làm một đao phủ thủ, hành hạ cái chủ nghĩa xét lại có thực trong tôi và đám Nhân Văn.” (trang 260)

Phải nhận tội, phải cắt bỏ những mảng thịt của mình, phải tự chửi rủa mình, phải tìm gặp lãnh đạo, phải tố cáo bạn bè để xin một chút ơn huệ thừa, nhưng rồi cũng không ai thoát được guồng máy, không ai tránh khỏi bị ninh rừ.

Thành công lớn nhất của guồng máy là đã đánh vào những yếu tố thiêng liêng nhất của con người, đánh vào tình bạn, tình người, đánh tan tác hết.

Những người “Nhân Văn” không chết, nhưng họ bị rút máu, rút gân, rút dần sinh lực. Họ đều rời rã, đều muốn đầu hàng, nhiều người đã đầu hàng. Họ muốn được lãnh đạo thương xót, họ muốn được lãnh đạo đoái thương. Họ đã xuống đến đáy vực thẳm, họ chịu hết nổi. Họ sẵn sàng “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa” nhưng người ta vẫn lạnh lùng quay đi. Người ta vẫn không cho ngoi lên. Cái phận người nhỏ nhoi. Cái phận người Nhân Văn phải đi vài sa lầy, phải lún xuống, phải chịu nhận cái thời không nhân văn của dân tộc mình. Câm và điếc. Như là đã chết. Và điều đó chỉ có mỹ học khổ đau của Trần Dần mới viết nên được.

 

 

Đi! Đây Việt Bắc: thơ kháng chiến Trần Dần

Bài thơ Việt Bắc do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1990 là tập thơ đầu tiên được in của Trần Dần sau thời Nhân Văn Giai Phẩm. Tên gốc của tập thơ là Ði! Ðây Việt Bắc! một trường ca sáng tác năm 1957, gồm 13 chương mà chương thứ 13 là bài Hãy đi mãi đã được đăng trên báo Văn số 28 ra ngày 15/11/1957. Ở lần xuất bản năm 1990, bài Hãy đi mãi vẫn bị loại bỏ và tập thơ được đổi tên là Bài thơ Việt Bắc.

Bài thơ toát ra hùng khí của một Trần Dần chiến sĩ. Kháng chiến “trần truồng”: Ðứng và Ði. Mạch thơ chảy như nước, từ những chữ đầu tiên:

Ðây!

Việt Bắc

 Sông Lô

nước xanh

tròng trành mảnh nguyệt!

Bình ca

sương xuống

lạc

con đò!

Ðáy dạ thời gian

còn đọng

những tên

Như

Nà Phạc

Phủ Thông

Ðèo thùng

Khau vác.

(trang 5)

Nếu có ảnh hưởng Maïakovski ở chỗ leo thang thì cũng chỉ là ảnh hưởng hình thức. Nội dung vẫn là nội dung Trần Dần. Trần Dần tượng trưng. Trước hết là âm điệu: một nhịp hùng ca, một nhịp quân hành. Nhưng không phải quốc thiều mà là nhạc rừng, nhạc núi, nhạc nội tâm của người lính “mỗi đêm từ biệt một quê hương”. Người lính ấy mang tâm sự của người dân mất nước, nhưng còn gánh cả những khổ đau của con người đói khát tự do:

Tôi mất quê hương

từ khi

mới đẻ.

Mất

nước đỏ phù sa sông Hồng

Mất vịnh Hạ Long

 Mất Huế

con sông Hương tình tự.

Mất

cửa biển Hải Phòng.

Mất mũi Cà Mau!

Tôi mất

những mùa thu

không én liệng.

Mất

mùa xuân

nhạt nhẽo cành đào.

Ngày đã mất

những mặt trời

không ấm nữa

Ðêm

lại còn

mất nốt

chiêm bao,

Tôi đói tự do

như

những bến tàu,

đói hàng hóa

đói thuyền khơi

đói biển.

(trang 29, 30)

Người lính Dần có ý thức về mình, người lính Dần đã vượt ra ngoài ý thức rập khuôn của đám đông tập thể, người lính Dần không hô khẩu hiệu, không bị lóa mắt vì hào quang hão huyền, người lính Dần nhìn thấy những khổ đau của đồng đội, người lính Dần nhìn thấy những chết chóc của chiến tranh:

Hố mắt bạn tôi

sâu như nấm huyệt

Có thể chôn

một chiếc quan tài

(trang44)

và người lính ấy đã nhìn thấy mình:

Bên suối

bao phen

tôi ôm ấp

nắng đào

chưa sấy

được nắm xương

ẩm mục

Nằm co quắp

trên sàn

lên cơn sốt

(trang 46)

và người lính ấy đã nhìn thấy người khác:

Mắt vàng sâu

thành

những cục nghệ vàng

Như ở một “suối vàng” nào

những tia mắt nghệ

lặng

nhìn nhau;

Nạn đói

kéo dài

ba tháng

Đêm hè

ngủ vẫn đắp chăn bông.

Bên đầu bản

họ ngồi

kêu

ngán ngẫm.

Chúng tôi ra vào

như

một rừng cây

trụi hết lá

trơ cành

khô khẳng

Sương từng đống

chất ùn

bên ngưỡng cửa

5 giờ chiều! Tôi ngã vật giữa cao nguyên.

(trang 48)

Việt Bắc của Trần Dần, không bịa đặt, không rừng hoa, biển cờ tiễn người ra trận, mà có rừng bệnh, biển đói chắn bước hành quân, trong một vùng núi rừng từ ấy đã thôi Tố Hữu mà rất Trần Dần:

Gió càng lên

thổi tắt

ít tinh cầu

Roi rét

quất tím bầm

mình mẩy những đêm thâu.

Ngang ngọn núi

đoàn quân

pháo thủ

ôm hàng tấn sắt

trên lưng.

Không còn là người

toàn bắp thịt không

Gân cốt

cuộn

từng búi thừng

búi chão!

….

Cả nước

thức ngàn

ngàn

đêm trắng

Mắt mở to

như cửa ngỏ

đen ngòm

Người dân nước

đã hóa thân

vạc

chui bờ

rúc bụi

sống về đêm.

(trang 58- 59- 60)

Tác phẩm Ði! Ðây Việt Bắc! của Trần Dần đã rửa tội cho những bài thơ kháng chiến cùng thời: cho những lấm lem, gian dối, đối với những người đã chết. Khâm liệm những lầm than đau khổ của những người còn sống. Đào thải những hào quang bịa đặt, những giá trị khả nghi. Trần Dần vạch sự thực trên thơ, về “10 cây số máu”. Những chữ của trần Dần vừa vẽ chiến tranh, vừa đả đảo chiến tranh. Trong trận Ðiện Biên, chữ chui xuống hầm, lẩn vào hậu trường của người lính:

Tôi ngồi viết

trong hầm

căng bạt kín

Con đom đóm đèn

thiếu thở

mắt lim dim

Chỉ sáng đủ

đôi ba

dòng chữ.

Nếu như lọt

ra ngoài đêm

một tia sáng nhỏ

trái phá

sẽ

sầm sầm

xô đến

chôn ta!

Nơi đây

hút thuốc

phải trùm chăn…

Kẻo

bom nghiến

rừng ta

thành

cám bụi

Cái chết

rình con người

rình ta

cả

bữa ăn

cùng giấc ngủ.

….

Nơi đây

đã chết

ngọn đồi xanh.

Góc nọ

một rừng cây

ngã gục

(trang 86, 87)

Cuộc sống quanh tôi

mưa nắng

ngập hào,

Gian hầm nhỏ

nước vào

hôi hám

Nắm cơm xôi

nhão nhoét

trộn đen ruồi

Sống như đây

đã chết

một mùa đông

Mùa xuân đến

cũng còn

đang ngắc ngoải

(trang 90)

Sau những lời hùng của người chiến sĩ, lời bi hướng về người hấp hối, lời bàn về ngõ cụt của chiến tranh, của những chiến thắng đắp trên xác chết, tác giả muốn kết thúc tác phẩm bằng chương cuối, chương 13, với bài Hãy đi mãi. Nhưng con 13 xấu số, bài thơ chỉ được đăng một lần trên báo Văn năm 57, rồi bị loại hẳn, ngay cả trong thời kỳ đổi mới. Điều đó dễ hiểu: đối với một nước, không có giáo dục hoà bình, không ưa sáng tạo, ngược lại, tất cả các loại hình chiến thắng xưa và nay đều được vinh thăng, tôn thờ, thì một nhà thơ đi tìm hoà bình, tìm tự do sáng tạo, phỏng có ích gì? Nhưng ai đã tiếp xúc với bài thơ ấy, thấy lời nó cứ sống mãi, tiếng nó cứ dai dẳng vang lên, như một điệp khúc, như lối thoát duy nhất của con người: Hãy đi mãi!

Khi trái đất còn đeo bom trước ngực

thắt lưng

 còn lựu đạn bao xe; –

Khi bạo lực còn khua

 môi mõm mốc xì

khẩu đại bác mỏi dừ

 vẫn sủa;-

Khi bóng tối

 còn đau như máy chém

những lời ca đứt cổ

bị bêu đầu

lũ đao phủ tập trung

 hình cụ

mặt trời lên

 phải mọc giữa rừng gươm.

(trích Hãy đi mãi in lại trong Trần Dần ghi, trang 177)

Hãy đi mãi đối với Trần Dần, là phải đi qua Việt Bắc, đi trên Việt Bắc, đi khỏi chiến tranh, đi khỏi đói nghèo, dốt nát, vượt qua nhược tiểu, bước trên đàn áp, đi khỏi nhục nhằn, nói lên nỗi lầm than của con người sống không tự do, không sáng tạo:

 ” Tôi có thể mặc thây

ngàn tiếng chửi tục tằn

trừ tiếng chửi:

– “Sống không sáng tạo “

Khí thơ bất khuất, rất Trần Dần. Bài ca đoạn tuyệt chiến tranh, hồi sinh chân lý cuối cùng: sáng tạo:

Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu nặng nề sáng tạo

như nâng một viễn vọng đài.

 

 

Thơ độc âm: Mùa sạch

Trong sự khao khát cái mới, khách thơ thường muốn tìm đến một cái gì triệt để. Tập Mùa sạch của Trần Dần được nhà xuất bản Văn Học in năm 1997 có tính triệt để này. Trần Dần tìm đến thơ độc âm, như một thử nghiệm triệt để.

Độc âm. Vì mỗi bài xoay quanh một âm chính, ví dụ Hành trình trong, với âm trong:

Phố trong

Bộ hành trong

Giờ trong

Tắcxi trong (trang 7)

Bài Lịch xuân, với âm xuân:

….Nơi ngâm hạt xuân

Nơi tưới màu xuân

Nơi đóng tàn xuân

Nơi bắc cầu xuân

Nơi đúc thép xuân

Nơi rỡ mành xuân (trang 60)

Bài Lịch con cái, với âm đông:

 Ðứa cày ruộng đông

Ðứa leo núi đông

Ðứa mò biển đông

Ðứa làm đường đông(trang 75)

Hoặc bài Lịch họ hàng, với âm đồng:

Là trai đồng chiêm

Là gái đồng mùa

Là thúc bá đồng lầy

Là anh em đồng mỏ… (trang 76)

Lối cách tân này của Trần Dần dựa trên nhịp điệu của ca dao, đồng dao:

Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Ca dao, đồng dao thường hay lập lại âm đầu, lấy âm đầu làm âm chính, âm chủ. Trần Dần lập lại âm cuối, hoặc âm giữa, lấy âm phụ, âm khách làm chính. Ông tìm cách lạ hoá và tạo ra một loại đồng dao mới, chức năng không chỉ “tả tình”, “tả cảnh” như ca dao đồng dao ngày trước, mà có thể có những chức năng hoàn toàn khác, biến đổi tuỳ theo bài hát. Ví dụ, nếu ta đọc một mạch, liền hơi: Phố trong, bộ hành trong, giờ trong, tắcxi trong… sẽ thấy bài thơ diễn ra như một bức tranh siêu thực, nhiều hình ảnh lướt qua, cắt đứt nhau theo nhịp điệu đồng dao. Nếu đọc một mạch liền hơi: Là trai đồng chiêm, là gái đồng mùa, là thúc bá đồng lầy, là anh em đồng mỏ… chúng ta có một quan hệ trai gái, họ hàng, làng xã. Nếu đọc một mạch: Nơi ngâm hạt xuân, nơi tưới màu xuân, nơi đóng tàn xuân, nơi bắc cầu xuân, nơi đúc thép xuân, nơi rỡ mành xuân… chúng ta thấy hiện ra trước mắt hoạt cảnh sống động của mùa xuân, như xem một cuốn phim mà người cầm caméra đang quét rất nhanh ống kính dõi theo tầm mắt. Trần Dần muốn tìm ra một thứ đồng dao mới, tạo những ấn tượng mới, những hiệu quả mới… Một thứ đồng dao không đứng một chỗ, mà đi.

Tập Mùa sạch là tác phẩm cách tân duy nhất được in ra của Trần Dần, những tìm tòi khác, trong những tập thơ khác, vẫn ở trạng thái nằm, chưa in. Cho nên chúng ta chưa thể biết hết những thử nghiệm thơ của Trần Dần.

Trong thử nghiệm độc âm này, nhịp điệu thường bị gò bó, có những câu trở thành khiên cưỡng, eo hẹp. Nhưng thật ra, không biết Trần Dần có cố ý cách tân thơ, hay là ông chỉ muốn chứng minh một điều: ở tận cùng của gò bó, nhà thơ vẫn làm việc được, vẫn sáng tác được. Và trong “không khí độc âm toàn diện”, “ta về ta tắm ao ta”, người thơ vẫn có thể tạo ra một bối cảnh khác thường mà âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, cùng gặp gỡ trong một ánh sáng mới:

Ao ta…

Liềm chiêm hái sáng

Thuyền chiêm chở sáng

Ngõ chiêm ơi ới sáng

Cầu tre chiêm rửa sáng.

Chị em chiêm gánh sáng

Ao chiêm làu lạu sáng

Con trâu chiêm cày sáng

Cá chiêm đẻ sáng.

Bếp chiêm khua sáng

Lửa chiêm làn lạn sáng

Mưa chiêm hàn hạt sáng

Sương chiêm màng mạc sáng

Vú chiêm sàn sạt sáng

Gàu chiêm tát sáng

Hạt chiêm chín sáng

Làng chiêm gặt sáng

Người cấy sáng

Người hái sáng

Người ải sáng

Người ngâm sáng

Người rửa sáng

Người trảy sáng

Người quảy sáng

Người lảy sáng

Người bày sáng

Người lội sáng

Người xới sáng

Người bới sáng

Người tưới sáng

Người lưới sáng

Người vin sáng.

Người vun sáng.

Người trồng sáng.

Người hong sáng.

Người đong sáng.

Người tải sáng.

Người rắc sáng.

Người gặt sáng.

Người giặt sáng….

(trích Ao ta, trang 29, 30, 31)

Sáng dồn đến, sáng ập vào, sáng tấn công mọi mặt, khiến người đọc chưa kịp tảo thanh sáng trước đã bị sáng sau áp đảo: sự đuổi bắt sáng tạo ra một sức hút kỳ lạ, sức lôi cuốn của độc âm, tựa như : một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao… khiến người hát, người nghe không thể ngừng mà cứ phải đi, đi mãi… Trong không khí đen tối của hòm chữ bị giam trong mồ, sáng là một độc âm thiên thần, sáng đưa con người đến thế kỷ mới, đến sáng thế kỷ.

Và khi Trần Dần dùng độc âm như một hình ảnh độc vận của đất nước đã được tảo thanh, rửa sạch, trong tất cả các lãnh vực xã hội, chính trị và tư tưởng, chỉ còn lại một mùa duy nhất: mùa sạch, thì tác dụng độc âm trở nên vô cùng mạnh mẽ:

Tôi thích nhất công tác ở Việt Nam mùa

Bò mùa lúc nhúc công trường mùa.

Ga mùa lục xục tàu mùa

Chiều mùa lục bục sấm mùa.

Tỉnh mùa lục tục gặt mùa.

Mạ mùa gieo mùa.

Sao mùa vằng vặc ngoại thành mùa.

Xóm mùa lạc xạc cày mùa.

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa.

(trích Trên quả đất mùa, trang 14)

 Mùa sạch trở nên đỉnh cao của nước Việt sạch, khi cả cõi bờ đã được quét sạch để đạt tới:

Miền sạch

Thuyền sạch

Bút sạch

Tất cả đều sạch, từ tư tưởng đến bốn mùa, đều sạch. Ở đỉnh sạch. Không còn lại gì.

 

 

 

Phố Dần trong Cổng tỉnh

Dạ khúc trường thiên Cổng tỉnh là một tập tiểu thuyết thơ, viết trong khoảng 59-60, cùng thời với ba tập thơ khác: Sắc lệnh, Con tầu xã hội17 tình ca. Cả ba đều chưa xuất bản. 59-60 cũng là năm Hoàng Cầm sáng tác Về Kinh Bắc.

Cổng tỉnh được nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1994, 15 năm sau khi viết xong.

Thời điểm 58-60 là những năm kinh hoàng, sau Nhân Văn. Không khí đen tối dội lại trong Về Kinh BắcCổng tỉnh.

Cả Trần Dần lẫn Hoàng Cầm đều lấy đêm làm phông cho hai khúc ca bi tráng của mình.

Về Kinh Bắc bắt đầu bằng 5 đêm: đêm Thổ, đêm Kim, đêm Mộc, đêm Thủy và đêm Hỏa. Hoàng Cầm về Kinh Bắc, về quê cha đất tổ, lậy mẹ, mách mẹ những kinh hoàng đàn áp:

Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc

Con không cười, con thoảng nhớ thoảng quên.

Không chỗ dung thân, Trần Dần về Nam Ðịnh, về “phố mẹ”, nhờ ký ức mở cửa cổng tỉnh, mở gan ruột mình, trở về “tảo mộ xó quê” trong nhà tù tỉnh, bằng những lời thơ mà ông gọi là dạ khúc. Dạ khúc về những đêm giữa ban ngày trong ông và trong lòng tỉnh.

Cổng tỉnh, như lời ghi dưới tựa, là tập thơ tiểu thuyết và là dạ khúc trường thiên.

Hai chữ dạ khúc vừa nói lên tính chất tâm huyết gan ruột của bài ca, dạ như lòng dạ. Dạ cũng là đêm, bài ca về cõi đêm của tác giả và những phận người nằm trong cổng tỉnh.

Cổng tỉnh là một bản trường ca, một cuốn tiểu thuyết hiện thực xã hội, viết về một thời trong lịch sử cận đại: thời Pháp thuộc và Cách mạng kháng chiến. Với những phận người, phận vện, phận tỉnh, phận phố… khi vươn lên dũng tráng, bất khuất, như những anh hùng, khi lếch thếch kéo nhau đi như lũ ăn mày, sinh ra trong đói khát, dốt nát, bị trị, hết thực dân Pháp đến phát-xít Nhật. Cảnh quá khứ Pháp thuộc, phản ánh hồi quang hiện tại 59-60: Bị trị hay độc lập: thành phố vẫn bị cầm tù. Một chữ cổng đã nói lên kiếp tù trong tỉnh: Chỉ đề lao mới cần cổng, chứ tỉnh nào lại có cổng, như tỉnh Nam của Trần Dần thời 59-60.

Trang đầu mở ra với lời khai từ, nhà thơ gọi là Khai tù, như lời khai của những chữ trong tù, như lời đối thoại của một người đi đêm thì thầm cùng kỷ niệm:

Kỷ niệm! Ðưa tôi về chốn cũ

Ðừng ngại mây che từng cây số buồn rầu

Ðừng ngại mở trong lòng vài khung cửa nhớ thương.

Và cứ thế, nhà thơ và kỷ niệm âm thầm dẫn nhau đi, trong đêm, qua cổng tỉnh, trở về đất cũ, chỗ nào không nhớ rõ, nhà thơ lại hỏi kỷ niệm:

Ðây có phải bụi Cửa Trường?

Một cuống nhau chôn trạnh lòng phố mẹ!…

Ðây có phải đường Hàng Song xanh lấm tấm sao chiều?

Và cứ thế, người và kỷ niệm lủi thủi rủ nhau đi, về sâu, về xa, xuyên thời gian, về lại tuổi trẻ:

16 tuổi!!!

Ðây là đêm

Ngoài cổng đề lao tim… sao mọc hững hờ.

Ðây là ngày

thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau.

Và cứ thế, vừa đi, nhà thơ vừa tâm sự với kỷ niệm:

Tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu

Ðêm xuống ướt mui rồi

Sông khuya tì tũm vỗ

Ði thôi! Kỷ niệm!

Có lẽ xa kia là phố tôi sinh

Có sương sớm đọng trên đèn muộn

Tù và thơ ơi!

Dạ khúc khởi đầu.

Cuốn tiểu thuyết gồm hai phần, phần thứ nhất tên là Ðêm và phần hai Càng đêm.

Chuyến đi về không gian cũ: thành Nam, ngược thời gian xưa: tuổi trẻ. Chủ đích ngược thời gian và không gian, nhập vào chuyến đi hôm nay của Trần Dần sau Nhân Văn. Cùng đi, là những kinh hoàng hôm qua, gặp những đen tối hãm hại hôm nay, như những bóng ma không tuổi, vượt ngày tháng, đeo đuổi mãi con người.

Nếu Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm bắt đầu bằng đêm Thổ, đêm Kim, đêm Mộc, đêm Thủy và đêm Hỏa. Năm bề bốn hướng đều đêm. Thì Trần Dần về thành Nam hôm ấy, cũng trong đêm, càng đi, càng đêm:

Gió thổi kèm ma mưa thui lòng ngõ hẹp.

ò… ò đêm đi như một cỗ quan tài. (trang 11)

Tượng chúa Jê-xu búa gõ tầm tầm

Gió đánh hàng bàng, lá chết chạy vòng quanh (trang 12)

Quá khứ và hiện tại hoà nhau trong không khí tha ma: Thành Nam dưới thời Pháp thuộc chôn trong hiện tại 59-60 của Trần Dần:

Cổng tỉnh! Người đi nhoà nhoà Cổng tỉnh !

Lá rắc vàng hồ

Phố héo người đi

Là mùa đi!

Người đi manh chiếu rách

Người đi tay áo quệt đôi mày

Năm tàn rồi… Ai?

Ai bắt người đi nhòa nhoà Cổng tỉnh

Ai?

Ai treo cổ rặng đèn trên dãy phố bồ côi (trang 50)

 

Thành Nam lâm nạm: “Phố cụt bị thương… phố mù khắc khoải” (trang 36),

Thành Nam tự tử: “Phố thắt cổ có ngọn đèn hoang. Phố hoang có ngọn đèn thắt cổ”. (trang18)

Thành Nam tàn tạ: “Phố úa. Đừng về phố úa” (trang 49)

Thành phố âm ty, đi đâu cũng lạc, cũng thấy xõa tóc:

“Ði đâu? Chớ lạc thành quách bàn cờ.

Xòa xõa tóc hàng cây.” (trang 18)

Thành phố phòng nhì, thành phố công an, mật vụ, khắp nẻo bị chặn đường:

Ðứng lại! Ai qua phố ngang” (trang 18)

“Bóng tối đầy hàm răng cảnh sát

Ðầu phố ngoạm một người” (trang 21)

Thành phố không lối thoát, ngõ cụt, người đâm:

Phố cụt đâm vào phố cụt

Tôi đâm ngang phố Hàng Ðồng đâm bổ xuống bờ sông (trang 30)

Thành phố không chỗ dung thân:

“Tôi còn một mình kháng cự với mông mênh

Tôi đứng thẳng trụ người đêm ngã bẩy” (trang 17)

Thành phố ăn mày:

“Phố chéo chênh chênh. Ăn mày gặp ăn mày

Lườm nhau – mắt vải điều cay cay chớp nắng” (trang 12)

Thành phố bán mình:

“Phố nịt vú-phố rơi voan

Phố nào thơm dạ hợp” (trang 23)

Thành phố, đói, Ất Dậu: con vện vàng hấp hối, kéo chiếc xe chở nắm xương khô của chủ, đi lần hồi, hành khất từng nhà:

Chiếc xe lăn thừng nâu … con vàng rũ cổ

Một nắm xương khô lọc lọc lòng đường.

Vàng con ơi! Hãy kéo thoai thoải hoàng hôn

Xe đi run run từng bục cửa

Hãy chờ! Nếu quả có lòng nhân.

Heo may dù úa phố (trang 45)

Rồi một chiều đông con vàng kiệt sức, bỏ chủ ra đi. Người hành khất già quờ quạng:

Ai?

Ai kẻ chôn con?

Cất mình chẳng nổi.

Ngã vật bên lề đường

Nấc rồi lại nấc

Vàng con ơi! Cho bố khất!

Tay run quờ lá rỉ

Ðắp chiếu đầy xe

Con bằng lòng vậy

Kiếp sau báo đáp đồng lần

Cha lại kéo xe con. (trang 46)

Cổng tỉnh là một liên khúc bi đát: đói, đau, cùm, xích… vượt thời gian theo đuổi mãi con người. Cổng tỉnh là những chân dung hôm qua và hôm nay, chập vào nhau như hai giọt nước: chân dung người, chân dung chó, chân dung phố, chân dung gió, chân dung mưa, chân dung bom, chân dung thành phố, chân dung lãnh tụ:

Đã có ta suy nghĩ hộ các ngươi!

Thủy bộ không quân!

Mệnh lệnh!

Các ngươi sẽ đi xéo nát các thành quách

Tắt Bách! Tắt Be to (Beetho)! Tắt mọi thứ nhạc.

Chỉ để gầm gừ họng sắt nhạc ca nông

Ta muốn nghe các dân tộc rống lên như con bò bị búa nện

Các ngươi phải luôn tay chọc tiết các kinh thành

Các ngươi sẽ đi dạy dỗ các dân tộc

Người Áo! Ðừng nhận mình có thành Viên

Người Lỗ! Hãy quên Bucarest.

Hỡi năm đại châu! Hỡi tiếng nói đầu lòng!

Phải bập bẹ Furher!

[…]

Ở đâu cũng chỉ cần một thứ ảnh; ảnh ta thôi!

Một thứ tượng: tượng ta là đủ! (trang 96-97)

Chân dung Hitler. Đúng. Võ rất kín: Chân dung Hitler trùng hợp với chân dung những lãnh tụ độc tài, tiêu diệt nghệ thuật, hò hét chiến tranh: “ta suy nghĩ hộ, tắt mọi thứ nhạc, chỉ gầm gừ họng sắt nhạc ca nông”, thế giới đại đồng: “Hỡi năm đại châu! Hỡi tiếng nói đầu lòng! Phải bập bẹ Furher”, nhại thơ Tố Hữu: “Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin”.

Thành Nam trong Cổng tỉnh, được dựng nên bằng những chân dung hôm qua và hôm nay như thế: những chân dung hò hét, của bom đạn chiến tranh; những chân dung rên la, đói rét, chết lịm, của con người; những chân dung anh hùng, đồng chí; những chân dung nhà lao, cùm xích; những chân dung im lìm rũ xuống, những chân dung gậy gộc đứng lên; những chân dung hoan hô, đả đảo… trên một bản đồ chằng chịt phố: những con phố Dần trong Cổng tỉnh.

Nguyễn Tuân có chữ phố Phái -nhưng chưa ai đả động đến phố Dần trong Cổng tỉnh- những con phố sinh ra, lớn lên, đứng dậy mà đi như người, những con phố vàng úa, chết già, những con phố thanh xuân chết yểu, những con phố trúng đạn, bị thương, những con phố què quặt, những “con phố hoang có ngọn đèn thắt cổ”.

Để lập chuyển động phố, Cổng tỉnh chôn vùi chữ cũ, ăn mừng chữ mới, tạo những chữ sơ sinh, trần truồng, chưa mặc áo lọt lòng, chưa ô nhiễm bụi bậm. Cổng tỉnh mở ra, về phía tỉnh, đánh thức kho ngôn từ bất tận đang ngủ yên trong mỗi con đường, mỗi hàng cây, mỗi phố, mỗi nhà, của một cõi nhân sinh chưa ai tìm đến.

Nhà thơ đi trong Cổng tỉnh, vừa đi vừa kể chuyện đời người, đời phố, kể những cô đơn, bất hạnh, trong chiến tranh, đói khát, trong cách mạng vùng lên, trong con người đổ xuống, dầm trong mưa máu. Phố Dần cũng chuyển động theo người. Phố Dần cũng sinh ra, lớn lên, trưỏng thành, yêu đương, tàn tạ, đổ nát. Phố Dần cưu mang cả một thời trong Cổng tỉnh. Phố Dần muôn mặt, đầy hình sắc, đầy tâm sự, đổ ngược đi xuôi, phổ phận vào những sinh linh như ta phổ nhạc. Ngay từ “Nhất định thắng” Trần Dần đã đem phố vào thơ, ông phổ thơ con phố Sinh Từ, bằng khổ đau của những kiếp đọa đầy sau chiến thắng. Phố của Dần không chỉ đơn thuần một ký hiệu ngôn ngữ, phố đã trở thành những sinh linh, có tim, óc, đột biến, có dung nhan, tâm sự khác nhau: Phố u ơ, phố vị thành niên, phố trăng non, phố dậy thì, phố cánh sen, phố đào, phố mận, phố ngọc, phố hai cô, phố chụm đầu, phố bơ vơ, phố thề, phố chờ, phố lỗi hẹn, phố phụ tình, phố chạ người, phố xanh, phố đỏ, phố lam, phố bão, phố chiều chìm, phố đục phố trong, phố đâm ngang, phố dọc, phố ngách xiên, phố trăng chênh, phố mạng nhện, phố gió, phố vắng, phố Bà đanh, phố lấm, phố lạnh, phố úa, phố bồ côi, phố goá, phố đói, phố rét, phố xào xạc, phố đèn vàng, phố đèn nâu, phố đèn sương, phố đèn rung, phố đèn Sành, phố Máy cưa, phố vàng lờ, phố Khách, phố cụt bị thương, phố mù khác khoải, phố đổ chàm, phố khổ, phố bụi, phố giày đinh, phố đìu hiu, phố mắt, phố xích, phố hò reo, phố thề, phố bãi chợ, phố hoác phố hơ, phố rỗng, phố nứt, phố khô dầu, phố long sơn, phố cháy, phố đổ, phố đè, phố què, phố máu, phố chết, phố xác, phố vôi bột, phố tha ma…

Những phố Dần, cứ phố phố ôm nhau nằm ngủ (trang 13), phố nhà mồ thông sang phố nhà mồ (114). Những phố Dần cứ: “Mặc! Mặc phố xúc xắc tống tình. Mặc phố me Tây cởi yếm” (trang 2). Còn người Dần, bên cạnh phố, người Dần, làm gì? Người Dần đi kháng chiến, người Dần viết lịch sử. Một lịch sử chiến tranh mưa máu, một lịch sử “ăn khách”, một lịch sử làm nên những best-sellers, một lịch sử bán chạy như tôm tươi, trên khắp địa cầu:

“Báo đê!” … số đặc biệt buổi chiều

Mưa máu ! Mưa máu cổng nhà thờ

Đàn chiên xạc xào buổi lễ

Mưa máu phố trăng non trẻ thơ chơi rồng rắn

Mưa máu thư tình

Mủ chữ nhoà trang (trang 89)

Người Dần vẫn đi trong phố, trong đêm, càng đi càng đêm… Sau chiến thắng, người Dần được gì?: “Tôi được- đầu lâu ao máu. Ánh đèn bày nhày phố gái mãi dâm” (trang 106). Và sau nữa, thời 59-60, người Dần còn được, được nhiều hơn nữa: “Sớm trước trổ cung vua. Chiều sau tạc chó đá” (trang 111).

Phố Dần chằng chịt tỉnh Nam, chằng chịt trên địa đồ đất nước. Một đất nước bán chạy khói lửa, xuất cảng tin tức chiến tranh, làm giàu các cột báo năm châu bốn biển, nuôi sống hàng vạn nhà báo, bằng những cái chết của dân mình: toàn anh hùng liệt sĩ. “Báo đê! Báo đê!”, từ 1959, Trần Dần đã nhìn thấy, trong Cổng tỉnh, một nước Việt đem bán cái lầm than, chém giết của mình, bán sốt dẻo cho những lò thông tin, luôn luôn cần rực lửa.

1945, “Các đồng chí về. Nghị quyết nằm trong hốc ngực” (trang 71). Theo chân anh hùng Phạm Bảy, “người đồng chí Đảng đầu tiên”, “cách mạng tuyển anh đi từ đó”. 1959, người Dần trở về, đi lại những phố Dần, vào lại ngõ ngách cuộc cách mạng kháng chiến… bằng những con chữ mới. 1959, sau cuộc tổng tấn công, càn quét, bắt sống, xử tử chữ thời Nhân Văn, người Dần trở về quê cũ dẫn ta vào cô đơn, vào cõi chết, vào nhà săm, vào phủ toàn quyền, vào hỏa lò, vào lớp học… bằng những âm vang khác, không giống bất cứ một âm vang sôi sục nào của những bài thơ kháng chiến, giục máu, thúc cờ. Mà bằng những con chữ chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường chữ nghiã cách mạng: Thơ ở đây làm với những con chữ ma, một thời đã chết trong cô đơn, âm thầm; chúng rủ ta đi tảo mộ. Thơ ở đây là những con chữ bị giam trong hòm lâu ngày, chúng trốn ra, run run, táp vào ta, lẫn với mưa, với gió. Chữ đây là những sinh linh, những âm bản của cuộc đời. Chữ đây cứ tuôn ra như những giọt nước mắt, những linh hồn đầy thương tích lang thang không nhà, không cửa. Chữ đây là những sinh linh sống nhờ, thác gửi. Mỗi lần nhà thơ gõ đũa gọi hồn là chúng đi theo. Người đọc mê lạc trong nghĩa điạ chữ, bạt ngàn mồ mả, chằng chịt Cổng tỉnh.

 Trong những núi thơ ca tụng kháng chiến, ca tụng cách mạng mùa thu, Cổng tỉnh trổi lên như một cung đàn lỗi nhịp, một ngọn cỏ dại, mọc xế bên mồ.

Nguồn: http://thuykhue.free.fr/tk04/trandan1.html

Comments are closed.