Thêm một chuyến đi sâu nặng nghĩa tình

Vũ Thế Khôi

Lời dẫn.

Ông Vũ Thế Khôi sinh năm 1938, là con trai trưởng của cụ Vũ Đình Hòe (1912 – 2011). Ông thuộc tầng lớp “mầm non” được chăm sóc đặc biệt của Chính phủ VNDCCH sau khi kết thúc chiến tranh với Pháp 1954.

Ông Khôi từng nhiều năm là Chủ nhiệm khoa Tiếng Nga của trường Đại học Ngoại ngữ mà hiện nay là trường ĐH Hà Nội.

Ông Khôi được nhiều đồng nghiệp nhận xét là: giỏi chuyên môn, khái tính, tôn trọng sự thật, không lùi bước trước khó khăn và sẵn sàng đấu tranh trước mọi sự bất công.

Ông Vũ Thế Khôi thông qua các hoạt động của Nhóm Cánh Buồm, ông là người yêu quý và luôn trân trọng những giá trị văn hóa đích thực của dân tộc. Từ lối sống đó, ông Khôi đã tìm đến giao lưu, gần gũi với những người đang thực hiện việc phục dựng chân dung thực của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Đó cũng là lý do mà vợ chồng ông có mặt trong chuyến đi Việt – Lào – Thái tháng Sáu vừa qua, do BBT trang thông tin Tannamtu.com tổ chức.

Chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu với các quý vị độc giả những suy nghĩ của nhà giáo Vũ Thế Khôi sau chuyến đi qua bài viết

Thêm một chuyến đi sâu nặng nghĩa tình.

Hồi tưởng

Tôi, bản tính từ thuở đầu xanh, tuổi trẻ thich theo cái “chủ nghĩa xê dịch” của cụ Nguyễn Tuân. Cái thời trôi nổi, tôi cùng 100 bạn Thiếu sinh quân (TSQ) du học Liên Xô (1954 – 1961). Nhiều kỳ nghỉ Hè và nghỉ Đông, tuy được nước bạn cấp phiếu đi các nhà nghỉ dưỡng, nhưng riêng tôi lại thích khoác ba lô nhập bọn với một nhóm bạn học, lang thang các tỉnh thành và làng quê nước Nga.

Có lần chúng tôi đi “giầy” (ván) trượt tuyết vượt hơn ba trăm cây số đến tận Novgorod, thành phố cổ hơn cả Moskva ở cực bắc, phần châu Âu của nước Nga, và may mắn được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, đẹp đến sửng sốt – Bắc cực quang, mà các bạn Nga đồng hành cho biết, rằng ngay dân ở thành phố Petetburg cũng chỉ được quan sát đêm trắng, chứ Bắc cực quang thì chưa từng được thấy!

Từ khi về hưu, vào năm 1998 đến 2004, con cái trưởng thành, cháu nhỏ chưa có, hai vợ chồng tôi “đã hết son nhưng còn rỗi”, đã dắt nhau du ngoạn tứ xứ trong/ngoài nước. Nhiều chuyến đi chỉ là du lịch nghỉ dưỡng thuần túy. Nhưng cũng đã có vài ba chuyến đi sâu nặng nghĩa tình.

Chẳng hạn, chuyến đi cùng cả chục chàng “vệ út” năm xưa (nay hầu hết đã lên ông nội/ngoại), hành quân về “cái nôi TSQ Việt Bắc” 1949-50 – về Soi Mít bên sông Công, núi Cốc (viết đến đây chợt nhớ câu hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương về nàng Công chàng Cốc:

Một người đi nước mắt thành sông, một người chờ: chờ hóa núi”!).

Xóm Soi Mít, giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ Khu du lịch Hồ Núi Cốc, đó từng là nơi chúng tôi, lũ nhóc 10-12 tuổi, thi nhau khoác ba lô cuốc bộ vượt núi băng rừng. Đứa ở gần thì cũng chục-hai chục km, đứa từ xa thì có đến bảy-tám chục cây số, đến tựu trường, trở thành một “đại gia đình “Vệ Thiếu” thân thiết như ruột thịt.

Nhớ lại lần chúng tôi tự tổ chức đưa người cha đã 91 tuổi đời, hành hương “về nguồn” (lời ông nói). Số là từ năm 1960 bị “đuổi về vườn” (lời ông trong Hồi ký) vì “ngoan cố” bảo vệ nền tư pháp độc lập (ông, chỉ là một nhân sĩ đảng Dân chủ), đã bị bỏ quên luôn suốt ba mươi sáu năm dài, chẳng ai đoái hoài, cho dù ông tham gia Cách mạng từ thời Tiền Khởi nghĩa.

Ông (Vũ Đình Hòe 1912 – 2011) từng lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, giữ hai chức Bộ trưởng Giáo dục và Tư Pháp trong Chính phủ Hồ Chi Minh, tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến Chống Pháp và Chống Mỹ, vậy mà:.. “cái ngực tôi nó trắng tinh – mầu trắng là thứ huân chương cao quý nhất, anh nhỉ?” (lời ông chỉ ngực mình trả lời anh thư ký của ông Đỗ Mười năm 1996, khi người ta sực nhớ ra việc phải gắn lên ngực ông cái Huân chương Độc Lập hạng nhất!).

Đôi lần, ông chỉ trăn trở nói với tôi (người con trưởng):

“Tôi muốn về Tân Trào một chuyến dối già, xem cây đa, mái đình, lán Nà Lừa cụ Hồ ở và làm việc, bây giờ ra sao rồi…”

Chúng tôi quyết định, không thể trông chờ ở cái “chế độ đãi ngộ người có công” nữa, hãy tự tự tổ chức mời ông đi – và cũng là cho chính mình! Một cuộc hành hương về nguồn, chỉ trong vòng một ngày, đã đi lại con đường dài gian khổ 8 năm Trường kỳ Kháng chiến: đi – đường lên Thái Nguyên – Tuyên Quang, về – đường xuôi Việt Trì – Phú Thọ.

clip_image002

Về nguồn 2001 – Cụ Vũ Đình Hòe bên lán Nà Lừa. Sơn Dương, Tuyên Quang.

clip_image004

Cụ Vũ Đình Hòe về nguồn 2001 – cây đa và đình Tân Trào.

Mười lăm năm đã qua từ cái cuộc hành hương ấy, cũng đã 5 năm cha chúng tôi về với tổ tiên, nhưng đến nay tôi vẫn nhớ như in hình dáng một ông già râu tóc bạc phơ, chống gậy đứng trên bờ cao bến Bình Ca năm xưa, như vẫn ầm vang tiếng đại pháo diệt tầu giặc… Ông trầm mặc hồi lâu, nhìn dòng Lô lững lờ xuôi. Phải chăng ông ngẫm ngợi, chiêm nghiệm về cái bể nhân tình thế thái…?!

Hiện tại

Hè năm nay, vừa mới đây thôi, vợ chồng tôi lại có thêm một chuyến đi sâu nặng nghĩa tình. Có lẽ, phải nói là một chuyến đi để đời; Chúng tôi may mắn được anh Lân Bình, cháu nội Danh Nhân Văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh, mời tham gia hành trình, “80 năm tìm lại Sê Pôn”.

Chuyến đi rong ruổi bằng ô tô, loại xe 45 chỗ ngồi vượt 2300 cây số. Lần này chúng tôi không chỉ đến Sê Pôn, một thị trấn nhỏ trên đường số 9 phía Trường Sơn Tây, một địa danh, một điểm mốc địa lý quan trọng cả từ thời chiến tranh Đông Dương, và cả thời người Mỹ đến Việt Nam. Anh Lân Bình còn đưa mọi người chúng tôi đi tới tận Viên Chăn, thủ đô Vương quốc Lào, rồi vượt sông Mê Kông sang cả thành phố Udon thuộc tỉnh Udonthani của Vương quốc Thái Lan. Với riêng tôi, phần đọng lại mãi mãi trong tâm khảm của mình là chặng hành trình suốt dọc đường 9 lịch sử, chạy từ Đông Hà – Quảng Trị, Việt Nam sang gần đến Savanakhet – nước Lào. Xe qua những địa danh đã cả trăm lần nghe nói trong thời chiến và hậu chiến, nhưng chưa một lần tôi được tận mắt, như Cồn Tiên, Dốc Miếu, sông Ba Lòng – Dakrong, Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo, Bản Đông, Sê Pôn…

Những địa danh chẳng những đã đi vào lịch sử, mà còn vang mãi trong các bài ca đi cùng năm tháng: “Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy / Đồi Đồng Tri xác mỹ chất đầy…”; “Dakrong ơi! Tây Nguyên ơi!..”.

Trong chuyến đi lần này, tôi lại còn được biết thêm nhiều chi tiết có thật, với sự diễn đạt sống động – có vui, có buồn, có cả những kỷ niệm uất ức đến mức phải chửi thề từ miệng một anh lính Trường Sơn, từng lăn lộn trên cái chiến trường máu lửa này. Tôi chỉ tiếc là thời gian chuyến đi hạn hẹp, nên đã không có cơ hội ghé  vào thăm những cứ điểm như Khe Sanh, Làng Vây, Tà Cơn… một thời đã từng là nỗi kinh hoàng đối với lính thủy đánh bộ Mỹ.

Con đường số 9 – Nam Lào hôm nay, đã được trải nhựa phẳng lì, tựa như một dải lụa xám uốn lượn trên nền xanh mênh mông của núi rừng, điểm xuyết đôi ba cây phượng vĩ đỏ ối. Con đường đưa chúng tôi tới điểm đến tâm linh – chân cầu Sê Băng Hiêng, cây cầu bắc qua dòng sông Sê Băng Hiêng, chi lưu của sông Sê Pôn. Anh Lân Bình đã tính toán lịch trình chính xác, để chúng tôi tới được điểm đến tâm linh đúng vào ngày 15 tháng 6, ngày sinh của Người Manzi hiện đại –  Nguyễn Văn Vĩnh, để dâng nén nhang thành kính dưới chân cây cầu cũ, nơi mà “Ông Tổ nghề báo nước Nam” Tân Nam Tử đã cô đơn giã từ bể khổ, trên một con thuyền độc mộc, sau cái đêm ngày 1.5.1936 mưa gió.

Xin thưa, đây đã từng là nguyện vọng tha thiết của riêng tôi từ ngót hai chục năm trước, mà chính xác là từ năm 1998, khi cha tôi, ông Vũ Đình Hòe, đưa tôi chế bản trên máy vi tính, bài viết nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Trong bài báo quan trọng này, ông đã khẳng định sự nghiệp truyền bá rộng rãi chữ quốc ngữ bắt đầu không phải do chủ trương năm 1938 của đảng Cộng Sản Đông Dương, mà từ trước rất nhiều năm, cụ thể là từ 1907, với sự ra đời của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT).

Cha tôi đã lần ngược thời gian đến tận ngọn nguồn của phong trào, đó là Hội Trí Tri (1892) ở 47 phố Hàng Quạt. Ông từng nói đến vai trò của Phạm Quỳnh, của Nguyễn Văn Tố, nhưng lạ là lúc đó không thấy cụ nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Vĩnh… Điều này đã khiến tôi phải rụt rè lựa lời thưa lại:

-“Hình như cụ Nguyễn Văn Vĩnh có tham gia Hội Trí Tri, lại đứng tên xin phép mở trường ĐKNT và tham gia dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp ở đó? Tờ “Đăng cổ tùng báo” mà cụ Vĩnh làm Chủ bút, liệu có phải là diễn đàn trá hình của ĐKNT không? Con rất thích những bài cổ vũ việc học nghề để làm giầu “làm giầu lúc này là ái quốc đấy!”, rồi khuyến khích nữ quyền, phê phán bọn “văn minh phường chèo” (hiện nay hơi nhiều đấy ba ạ!), Ba có quen biết cụ Vĩnh không?”

Ông đáp:

-“Đâu được hân hạnh. Các cụ ấy là lớp cha chú cả về tuổi tác lẫn tinh thần. Cụ Vĩnh đương thời, khi chúng tôi bước vào đời, đã là một nhân vật lớn trong báo giới và trên chính trường. Khổ một nỗi, cụ bị chính quyền Thực dân thù ghét. Thù ghét cả cái chủ trương “Trực trị” của cụ mới lạ! Bây giờ ngồi ngẫm ra, có vẻ như họ đã ngửi thấy việc cụ tung hô “Trực trị” để con dân Việt có đầy đủ quyền công dân, như dân mẫu quốc, rồi nhắm tới việc đòi độc lập, tự do chăng?

Nên hành tung cụ bí ẩn, cụ có chân trong cái Hội Tam Điểm nghe như hội kín. Cái chết trên đất Lào càng khó hiểu hơn. Đám tang cụ, tôi được chứng kiến, nó lớn lắm và do Hội Tam Điểm chủ trì đấy. Tôi chỉ biết có vậy … Bọn sinh viên chúng tôi rất tôn kính các cụ, nhưng chỉ khép nép đứng từ xa nhìn ngó… Cụ Phạm Quỳnh là đồng hương Lương Ngọc, và còn có họ nữa đấy; thân mẫu Vũ Thị Đoan của cụ Quỳnh là cháu nội của cụ Nghè Tự Tháp nhà ta. Chuyện được cộng tác với cụ Tố là một hạnh ngộ cho tôi; một buổi tối hổi năm 1942, khi tôi đã là Chủ nhiệm báo Thanh Nghị, chính cụ đã cho người đến tận nhà “mời” theo phong cách rất Nho nhã của cụ …”.

Ba ơi, thế thế hệ “Tứ kiệt” Vĩnh – Quỳnh – Tố – Tốn là bậc cha chú về tuổi tác thì rõ rồi, nhưng là bậc “cha chú” cả về tinh thần của lớp trí thức được coi là “Thế hệ vàng” của Việt Nam thời hiện đại thì con rất thắc mắc, vì sao thời đó ba lại có suy nghĩ như vậy?

Cha tôi giải thích:

-“Thì đúng là như vậy, thế hệ “Tây học” chúng tôi mà không mất gốc,“học trường Tây mà không theo Tây”, như anh vừa hỏi, chính là nhờ ơn tinh thần dân tộc và cốt cách trung chính, đàng hoàng, không quỵ lụy Tây của cái thế hệ cha chú ấy. Một thời gian dài, quá dài, “người ta” độc quyền cả lòng yêu nước, tự im lặng và bắt mọi người phải im lặng về cái công vĩ đại giải phóng tư tưởng của các cụ. Làm rõ vai trò lớn lao này của các cụ, bây giờ là trách nhiệm của thế hệ các anh.

Riêng về cụ Vĩnh, anh đã biết nhiều hơn tôi rồi đấy thôi. Chúng tôi phải ngồi chơi sơi nước mấy chục năm, nghiên cứu, viết lách gì cũng không được ra ngoài cái khuôn đường lối, chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết!…”.

Tôi nói tiếp, thì bây giờ ba viết đi, viết về những điều vừa mới nói ấy, để chúng con và cháu chắt của ông khỏi đi lạc đường.

“Viết về những điều đó phải nói có sách, mách có chứng, nhất là viết về các vĩ nhân. Tôi băn khoăn mãi mới dám đặt bút viết về Cụ Hồ. Tôi phải viết về Cụ vì hân hạnh được làm việc với Cụ, trực tiếp lĩnh ý Cụ suốt 15 năm, chủ yếu về giai đoạn 1945 – 1960, nay thấy nhiều điều người ta làm không đúng theo tư tưởng của Cụ. Cũng chỉ viết về những điều mình mắt thấy, tai nghe, tay thảo. Bây giờ già rồi, bất cập rồi, không đủ sức chạy đây đó sưu tầm, lục lọi, lật lại bao nhiêu tư liệu lưu trữ đã phủ dày hàng lớp bụi. Tôi chỉ còn làm được mỗi một việc, là ngồi viết hồi ký, may ra để lại được vài ba trang giấy hữu ích cho đời!

Trong hồi ký của tôi, và cả ông bạn cố tri Nguyễn Hiến Lê trong hồi ký của mình nữa, có nhắc đến Trường tiểu học Pháp – Việt tại đình Yên Phụ, nơi chúng tôi đã được học bằng tiếng mẹ đẻ – nhờ công lao của các cụ tiền bối. Tiền thân của Tiểu học Pháp-Việt Yên Phụ là Trường Thông ngôn Yên Phụ, cụ Vĩnh theo học đấy. Chả biết có phải theo gương cụ “Tổ nghề báo” từng học tại đây hay không, mà Nguyễn Hiến Lê đã đầu têu chuyện làm báo, thủ công thôi, nhưng có tên hẳn hoi: “Phấn Đấu”.

Tôi được các bạn khen là đứa “có hoa tay”, nên được phụ trách phần trình bày, viết chữ. Tôi nhớ Lê cho “đăng” bài thơ, mà sau này mới biết, là cậu ta lấy trong tài liệu của ông bác từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục:

Học là học có nghề có nghiệp,

Trước giữ mình sau giúp người ta.

Trâu cày ruộng, chó giữ nhà;

Người không nghề nghiệp ắt là hư sinh.

Báo ra được mỗi một số rồi bị đình bản luôn; do các bạn truyền tay nhau đọc, thày hiệu trưởng Phạm Huy Du bắt được, gọi chúng tôi lên. Thày mỉm cười vẻ độ lượng, khen báo hay, nhưng lại ôn tồn bảo:“Thầy khuyên các con hãy để hết tâm trí vào việc học cái đã. Làm báo ở trong trường lúc này không hợp đâu!”

Năm 2007 người Pháp có lời mời và tài trợ cho tôi sang trình bày tham luận tại Hội thảo Quốc tế, nhân 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, và làm việc ở CAOM – Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia (Les Archives d’Outre Mer). Họ tặng tôi cái đĩa CD với hơn 6 nghìn bức ảnh về Đông Dương, trong đó có cái ảnh dưới đây:

clip_image006

Trường Thông ngôn tại đình Yên Phụ. Năm 1890.

Cậu bé Vĩnh “nhà quê” ngồi kéo quạt để được “học lỏm” , sau trở thành thủ khoa năm 1896.

Kỷ niệm

Thực ra, ở phần Tiền Thanh Nghị (“tiền” ở đây nghĩa là “trước”), trước thời làm báo Thanh Nghị) trong Hồi ký Thanh Nghị (nxb Văn học – 1997), sau này tách ra thành sách riêng, đặt tên Thuở lập thân (nxb Trẻ – 2011), cha tôi có nhắc đến hai người thân liên quan khi nói đến cụ Nguyễn Văn Vĩnh, nhân viết về nhà thơ và kịch gia Đoàn Phú Tứ…Chuyện thế này:

Những năm 1932 – 1935, Vũ Đình Hòe theo học Luật khoa ở Đại học Đông Dương. Cùng cảnh con nhà nghèo, phải tự kiếm sống bằng các nghề khác nhau để có tiền ăn học, Thế Lữ, Nguyễn Lương Ngọc, Vũ Văn Hiền và Vũ Đình Hòe…  họp nhau lại thành một “Bần hữu hội” (Hội bạn nghèo), ở trọ trên gác hai nhà Hòe. Mỗi người một manh chiếu trải ngay xuống sàn gỗ. Sau này Giáo sư Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lương Ngọc kể trong hồi ký: “…Chúng tôi cùng ở, cùng ăn với nhau trên gác, do ông bà (tức bố mẹ) của anh Hòe nấu nướng. Chả sang trọng gì nhưng ấm cúng tình thanh niên…”.

Sinh viên luật khoa ngày ấy sẵn tài hoa: người viết văn, người làm thơ, người diễn kịch, người vẽ. Những buổi sinh hoạt chung, thường đọc và bình các bài thơ mới sáng tác. Ngoài ra còn thảo luận về tranh vẽ do sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương Trần Bình Lộc mang đến trưng bày, tập diễn kịch Ghen của Đoàn Phú Tứ.

Vì có mời thêm bạn học, bạn thơ văn nên ngày ấy gọi là “Khách thỉnh” (khách mời). “Khách thỉnh” tại gác hai nhà riêng của gia đình Vũ Đình Hòe ở phố 142 Rue Duvilier (nay là 15 phố Thanh Bảo, gần đường Nguyễn Thái Học), thu hút nhiều thanh niên, sinh viên tài hoa đương thời, trong số đó có Nguyễn Nhược Pháp, thứ nam của cụ Nguyễn Văn Vĩnh với người vợ hai.

Bức ảnh dưới đây chụp một buổi sinh hoạt chung vào năm 1935 với “Khách thỉnh” của nữ sĩ Vân Đài. Nguyễn Nhược Pháp đứng bên phải người đeo băng tang. Đoàn Phú Quán, em Đoàn Phú Tứ, ngồi giữa, ở hàng đầu.

clip_image007

Liệu có phải, thông qua Nguyễn Nhược Pháp chăng, mà Đoàn Phú Tứ đã quen biết cô chị của giai nhân, người giỏi đàn dương cầm của nhà thơ trẻ?!

Không thấy cha tôi viết… Riêng mối tình si của tác giả bài thơ Màu Thời Gian, ông chỉ viết trong hồi ký nguyên văn như sau:

“… Cứ chiều chiều, Tứ đến rủ Ngọc hoặc tôi đạp xe đến cổng trường “đầm non” ở Félix Faure (tòa nhà Bộ Tư pháp, phố Trần Phú bây giờ) đón hai bóng từ trường ra… Cả hai bước lên chiếc “xe tay” nhà, vén gọn những tà áo lụa tím phất phơ; một dong dỏng cao, dáng quý phái – cô Mộng Chi, quê ở Huế; một mảnh mai, hiền dịu đôi mắt bồ câu đen nhánh – cô Vân, con cụ N.V.V., chị thi sĩ trẻ N.N.P…

Chúng tôi theo hút, hướng về phía Hồ Tây – trường Bưởi. Rồi đạp ngoắt lên đê Parreau (đường Hoàng Hoa thám – Bưởi ngày nay), dựng xe, ngồi phệt xuống bờ. Dưới chân đê là một biệt thự, vườn rộng, hàng rào tầm xuân bao quanh. Có tiếng dạo đàn. Từ cửa sổ gác biệt thự, bay ra những notes dương cầm thánh thót. Anh Tứ hồn như bị hút vào không trung…

Tôi không hiểu gì về nhạc Tây phương, lại sợ các bạn trọ ở nhà chờ cơm nên len lén rút lui. Tứ cứ ngồi lặng đi, đê mê… có lẽ đến khuya mới về, cả những đêm sương giá, mưa phùn. Khổ – hay sướng? – anh chàng “si”! Si giai điệu và si giai nhân.

Hương thời gian không nồng,

Hương thời gian thanh thanh;

Màu thời gian không xanh,

Màu thời gian tím ngát…[1]

Đúng là Đoàn Phú Tứ mê “tiếng chim thanh” “trong gió xanh” nên “tình một thuở còn hương”…”.

Kết

Tôi nhận được thông báo của anh Lân Bình cho biết, nhân dịp Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam, nhân 80 năm ngày giỗ cụ Vĩnh và nhân 10 năm khởi sự thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, anh Lân Bình sẽ tổ chức hành trình “80 năm tìm lại Sê Pôn”, với thời gian 6 ngày 5 đêm.

Tôi đến nhà riêng anh Lân Bình chơi, tôi thảng thốt khi ngắm các bức ảnh thờ, thấy có bức ảnh Nguyễn Thị Vân (1913 – 1936)… Tôi rên rỉ với anh Lân Bình:

“Ôi, ôi… đây là bà Vân à? Bà là chị Nguyễn Nhược Pháp đúng không? Bà giỏi đàn piano lắm đúng không?… Giời ơi, tôi và mấy người nữa không nghĩ ra rằng đây là bác của Lân Bình! Nếu biết sớm, tôi sẽ xin để đưa vào cái mục cụ Hòe viết trong hồi ký về Đoàn Phú Tứ… Tiếc quá… Nhưng chưa muộn”.

Tôi đã quyết định phóng to bức ảnh “Khách thỉnh” quý hiếm, photocopy đoạn hồi ký trên đây dán ra mặt sau, ép plastic cẩn thận, với ý định đến nhà riêng anh Bình, đặt lên bàn thờ, dưới chân dung cụ Nguyễn Văn Vĩnh cùng những người thân đã khuất của gia tộc cụ, thắp nén hương kính cáo cụ về mối đồng thanh tương ứng giữa người con trai tài hoa bạc mệnh của cụ (Nguyễn Nhược Pháp) và cha tôi (Vũ Đình Hòe). Rồi sau đó, trao lại làm kỷ niệm cho anh Lân Bình, người cháu nội của “Ông Tổ nghề báo nước Nam”, một trong những người cha tinh thần của thế hệ trí thức vàng Việt Nam thời hiện đại.

Cảm ơn Lân Bình đã cho tôi thực hiện được tâm nguyện, lại trao cho tôi vinh dự tuyên đọc tại điểm đến tâm linhở chân cầu Sê Băng Hiêng, Quyết định của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh vinh danh Tân Nam tử – Nguyễn Văn Vĩnh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Tôi có một niềm xác tín rằng rồi đến một ngày không xa, tại chân cây cầu Sê Băng Hiêng, sẽ có một tấm bia tưởng niệm:

Danh nhân Văn hóa Việt Nam – Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936).

Nơi đây cũng sẽ trở thành điểm đến tâm linh cho những ai yêu mến nền văn hóa dân tộc, yêu mến con chữ tiếng Việt thiêng liêng, nhân tố tạo nên nền văn học chữ Quốc ngữ!

Hà Nội, tháng Bẩy năm 2016.

Vũ Thế Khôi

Nhà giáo Ưu tú

[1] Cụ Hòe trích bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, nhưng nhớ lộn trật tự các câu thơ. – VTK

Nguồn: http://www.tannamtu.com/?p=2587

Comments are closed.