Thuật ngữ chính trị (104)

Phạm Nguyên Trường

330. Intelligence Services – Tình báo. Tình báo là từ chỉ hoạt động thu thập tin tức một cách bí mật khiến người bị theo dõi không biết rằng mình đang bị theo dõi. Gián điệp (nhân viên tình báo hay điệp viên) cũng được dùng để chỉ người làm việc cho một hoặc nhiều cơ quan tình báo với hoạt động thu thập thông tin một cách bí mật. Yếu tố quan trọng của gián điệp là hoạt động bí mật, vì nếu người bị theo dõi khám phá ra thì họ sẽ tìm cách thay đổi môi trường để không bị theo dõi.

 

Lịch sử Trung Quốc và Ấn Độ có ghi nhận nhiều hoạt động gián điệp từ thời xa xưa. Hai chiến lược gia nổi tiếng là Tôn Tử và Chanakya bàn nhiều về các biện pháp đánh lừa địch và làm xáo trộn hàng ngũ quân địch. Đệ tử của Chanakya là hoàng đế Ấn Độ Chandragupta Maurya đã dùng nhiều biện pháp ám sát và gián điệp mà Chanakya viết trong cuốn Arthashastra của ông. Lịch sử Hy Lạp và Đế quốc La Mã ghi chép rất nhiều về sử dụng gián điệp để thăm dò quân thù. Người Mông Cổ dùng nhiều gián điệp trong công cuộc chinh phục Á Châu và Âu Châu trong thế kỷ XII và XIII.

Hoat động tình báo, gián điệp được ghi nhận nhiều nhất trong thế kỷ XX. Trong Chiến tranh Lạnh, từ 1945 cho đến thập niên 1990, Hoa Kì, Liên Xô, và Trung Quốc dùng rất nhiều gián điệp để thu thập tình báo của đối phương, nhất là tình báo về vũ khí hạt nhân. Trong thế kỷ XXI, bên cạnh vấn đề vũ khí hạt nhân, các cường quốc còn mở rộng hoạt động gián điệp sang lĩnh vực tình báo mạng, chiến tranh ma túy và các tổ chức khủng bố quốc tế.

331. Intelligentsia – Tầng lớp trí thức. Đây là từ gốc Nga để chỉ những người trí thức tham gia vào lĩnh vực chính trị – phần lớn những nhà cải cách Nga thế kỉ XIX là thuộc nhóm này.

332. Interdependence – Phụ thuộc lẫn nhau. Phụ thuộc lẫn nhau là sự tương thuộc giữa hai hoặc nhiều nhóm, hoặc giữa các thành viên của một nhóm với nhau. Khái niệm này khác với quan hệ phụ thuộc, trong đó một số thành viên phụ thuộc vào một số thành viên khác, còn một số thì không, và khác với khái niệm độc lập hoàn toàn – các thành viên hoàn toàn không phụ thuộc vào hành động hoặc hậu quả hành động của bất kì thành viên nào khác trong cùng nhóm.

333. Interest Group – Nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích là các hiệp hội được thành lập nhằm thúc đẩy lợi ích của một nhóm người trong hệ thống chính trị. Do đó, công đoàn, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức của người sử dụng lao động.. thường được gọi là các nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích cũng đôi khi bị hiểu là nhóm áp lực và các tổ chức tự nguyện, mặc dù thường được sử dụng để chỉ các nhóm được tổ chức nhằm thúc đẩy hoặc bảo vệ một số lợi ích chung của nhóm – thường gặp nhất lợi ích của nghề nghiệp nào đó.

Để giành được mục đích của nhóm, người ta có thể sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau. Các tổ chức công đoàn có thể đe dọa rút người lao động và tổ chức đình công, trong khi các nhóm chuyên gia thường cố gắng thúc đẩy mục tiêu của mình bằng những phương pháp gián tiếp hơn, ví dụ, tiếp xúc với các quan chức chính phủ, tuyên truyền và quảng cáo. Một số người, ví dụ Bentley và David B. Truman coi các nhóm lợi ích là nhân tố quan trọng trong việc tìm hiểu hệ thống chính trị. Nhiều nhóm lợi ích xây dựng được những mối quan hệ chặt chẽ, thậm chí chính thức với các đảng phái chính trị. Các tổ chức công đoàn ở Anh và Công đảng chính thức liên kết với nhau – mặc dù các công đoàn ra đời trước Công đảng và lập ra Đảng này. Tương tự như thế, các nhóm lợi ích có thể có những liên hệ chặt chẽ với bộ máy quản lí hành chính hoặc nhánh hành pháp của chính phủ. Ở Hoa Kì, “tổ hợp công nghiệp-quân sự” có những liên kết chặt chẽ với Lầu Năm Góc, Liên minh nông dân toàn quốc liên kết chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp…. Các nhóm lợi ích nắm được ít biện pháp chế tài hoặc thuyết phục công khai thường sử dụng những hành động trực tiếp như mít tinh, tuần hành và biểu tình của quần chúng; vận động hành lang cũng có thể được sử dụng nhằm thúc đẩy mục tiêu của họ. Trong hầu hết các xã hội phương Tây, một nghề hoàn toàn mới – vận động hành lang chính trị – đã được người ta xây dựng nhằm hỗ trợ các nhóm lợi ích liên hệ với các nghị sĩ, quan chức chính phủ hoặc ngành dân chính. Ví dụ, có người cho rằng dưới thời thủ tướng Thatcher (1979–90), vận đồng hành lang ở quốc hội Anh đã tăng lên gấp mười lần; ở thủ đô các nước châu Âu và ở Brussels tình hình cũng tương tự như thế. Từ những năm 1980, người ta đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu xã hội hiện tượng gọi là “những phong trào xã hội mới”, tức là những hình thức hoạt động chính trị nhóm lan rộng và có nhiều người tham gia, đôi khi được coi là đe dọa tính hợp pháp của các đảng chính thống.

Comments are closed.