Thuật ngữ chính trị (109)

Phạm Nguyên Trường

249. IRA – Quân đội Cộng hòa Ireland. IRA là chữ viết tắt để chỉ Quân đội Cộng hòa Ireland, đôi khi còn được gọi là Quân đội Cộng hòa Ireland Lâm thời (Provisional Irish Republican Army, và không chính thức là Provos). IRA thường được áp dụng khá lỏng lẻo để chỉ các tổ chức phản đối – cả bạo lực và phi bạo lực – chủ quyền của nước Anh ở Bắc Ireland. Những rắc rối liên quan đến quan hệ Anh – Ireland là một trong những ví dụ mạnh mẽ nhất về sự chia tách tôn giáo, lòng oán hận kéo dài trước sự thống trị của người Anh theo đạo Tin lành đối với người Công giáo Ireland. IRA phát triển thành tổ chức bán quân sự hay du kích bí mật sau vụ Nổi dậy lễ Phục sinh năm 1916, nhằm chống lại chính quyền Anh quốc, nhưng có quan hệ với tổ chức chính trị Sinn Féin được thành lập vào năm 1905. Từ đó trở đi, và đặc biệt là trong những năm 1918–1922, Sinn Féin và IRA là những lực lượng chủ yếu góp phần vào việc thành lập Nhà nước Tự do Ireland và được Anh công nhận vào năm 1922, năm 1937 được trao quyền tự trị đầy đủ, nằm trong Khối thịnh vượng chung, và cuối cùng, năm 1949 thì trở thành Cộng hòa Ireland. Chính phủ Anh buộc phải thành lập lực lượng bán quân sự, gọi là “Black and Tans”, nhằm kiềm chế IRA. Sau khi đạt được thỏa thuận về Nhà nước Tự do Ireland, năm 1922, thì lại nổ ra cuộc nội chiến giữa những người dân tộc chủ nghĩa sẵn sàng chấp nhận thỏa thuận, trong đó có điều khoản phân chia Ireland, với sáu quận miền Bắc và chủ yếu là theo đạo Tin lành vẫn nằm dưới quyền cai trị của Anh, và IRA khăng đòi Ireland là quốc gia thống nhất. Năm 1923, IRA bị quân đội Nhà nước Tự do, do Michael Collins, cựu lãnh đạo IRA, chỉ huy, đánh bại. Từ những năm 1930 cho đến đầu những năm 1960, IRA thỉnh thoảng lại tiến hành chiến dịch bạo lực nhằm chống lại thỏa thuận, chủ yếu là ở nước Anh và cả ở Ireland, năm 1939, Nhà nước Tự do tuyên bố đưa tổ chức này ra ngoài vòng pháp luập.

Từ đầu những năm 1960, IRA chuyển trọng tâm hoạt động từ bạo lực sang đòi quyền công dân và đặc biệt là chống lại phân biệt đối xử với người Công giáo ở Bắc Ireland. Tuy nhiên, một số thành viên không chấp nhận xu hướng ôn hòa này, năm 1972, họ tách ra và thành lập cái gọi là IRA Lâm thời, thường gọi là Provos. Năm 1972, IRA Chính thức từ bỏ hoạt động bạo lực, chỉ để lại cánh chính trị song hành với nó, gọi là Sinn Féin Chính thức, năm 1978 đổi tên thành Đảng Công nhân và từ đó chuyển sang vận động cho việc thành lập nhà nước Ireland dân chủ, xã hội chủ nghĩa và thống nhất. Trong khi đó, IRA Lâm thời, và cánh chính trị song hành với nó, Sinn Féin, trở thành nhân tố nổi bật của chủ nghĩa dân tộc Ireland, nhất là ở Bắc Ireland. IRA Lâm thời thường xuyên tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự – bằng lực lượng du kích và các chiến thuật khủng bố – chủ yếu ở Bắc Ireland, đôi khi cả ở nước Anh. Một số chính trị gia và nhân vật nổi tiếng đã bị ám sát. Sinn Féin thu được một vài thành công trong các cuộc bầu cử vào hội đồng địa phương, và cũng đã có các ứng cử viên được bầu vào Hạ viện, mặc dù các nghị sĩ luôn luôn từ chối, không chịu nhận chức.

Toàn bộ phong trào dân tộc chủ nghĩa, đặc biệt là IRA Lâm thời được cộng đồng người Ireland ở Bắc Mĩ hỗ trợ về tài chính và những biện pháp khác. IRA Lâm thời cũng có có quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế khác nhau. Cả Sinn Féin lẫn IRA ngày càng nhấn mạnh sự tự chủ của mình, đặc biệt là kể từ Thỏa thuận Belfast, năm 1998, tạo ra chính phủ độc lập có giới hạn ở Bắc Ireland, trên cơ sở các cuộc bầu cử tự do. Sinn Féin khẳng định rằng, vì tổ chức này không thể kiểm soát được IRA, cơ hội chính trị của họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc IRA không thể thực hiện được trách nhiệm được ghi trong những thỏa thuận này. Đầu những năm 2000, IRA Lâm thời tuyên bố từ bỏ hoạt động vũ trang.

250. Iraq War – Chiến tranh Iraq. Chiến tranh Iraq, là cuộc chiến tranh diễn ra tại Iraq từ ngày 20 tháng 3 năm 2003 đến ngày 18 tháng 12 năm 2011, còn gọi là Chiến tranh vùng Vịnh thứ 2 để phân biệt với Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, giữa một bên là Lực lượng Đa Quốc gia do Hoa Kì dẫn đầu, với bên kia là chính quyền Saddam Hussein (ban đầu) và các lực lượng nổi dậy (về sau). Lực lượng Đa Quốc gia đã lật đổ được chính quyền của Saddam Hussein. Tuy nhiên, các lực lượng nổi dậy vẫn chưa bị trấn áp hoàn toàn, khiến cho mặc dù Tổng thống Hoa Kì đã tuyên bố rút hết quân và kết thúc chiến tranh, nhưng vẫn phải để lại nhiều nhân viên quân sự, trong vai trò cố vấn quân sự cho chính quyền Iraq mới. Trong thời gian từ năm 2005 đến 2007, các hoạt động thăm dò dư luận cho thấy, đại đa số người Iraq phản đối cuộc xâm lược này của Hoa Kì.

251. Iron Curton – Bức màn sắt. Biên giới giữa khu vực Đông Âu do Liên Xô kiểm soát và Tây Âu. Thành ngữ này được bà Ethel Snowden, phu nhân một chính trị gia thuộc Công Đảng sử dụng vào năm 1920, nhưng được Winston Churchill làm cho trở thành nổi tiếng trong bài diễn văn đọc tại Fulton, bang Missouri, vào năm 1946: “Một bức màn sắt chạy dọc theo lục địa châu Âu”. Từ đó trở đi, những nước thuộc khối Xô Viết bị gọi là “những nước nằm sau bức màn sắt”.

Comments are closed.