Thuật ngữ chính trị (13)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge
31. Bonarpatism – Chủ nghĩa Bonaparte (tiếng Pháp: Bonapartisme). Trong lịch sử chính trị Pháp, chủ nghĩa Bonaparte có hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp, nó dùng để ám chỉ những người có mục đích phục hưng Đế chế Pháp dưới triều đại Bonaparte, triều đại do Napoléon I thành lập khi lên ngôi hoàng đế Pháp năm 1804. Và năm 1852, Napoléon III (cháu trai Napoléon I) thiếp lập Đệ nhị đế chế Pháp. Theo nghĩa rộng, nó dùng để nói đến những phong trào chính trị mang tư tưởng ủng hộ nhà nước tập quyền do một lãnh đạo có bàn tay sắt đứng đầu, trên cơ sở chủ nghĩa dân túy. Về mặt lý thuyết, chủ nghĩa Bonaparte được điều chỉnh dựa trên các quy tắc có từ thời cách mạng Pháp 1789, cho phù hợp với những quy tắc của triều đình do Napoléon I thành lập, hay nói cách khác, hợp thức hóa việc thâu tóm quyền lực vô hạn độ của ông ta. Chủ nghĩa Bonaparte bắt đầu hình thành sau khi Napoléon I bị đày ra đảo Elba. Những người ủng hộ Bonaparte giúp ông lấy lại quyền lực, việc này dẫn đến sự kiện Vương triều Một trăm ngày (1815) của Napoleon. Một số người không chấp nhận thất bại của Napoléon I hay Đại hội Viên vẫn tiếp tục mang tư tưởng Bonaparte, lợi dụng điều đó Napoléon III, lên ngôi hoàng đế và thành lập Đệ nhị đế chế Pháp.

32. Boundary Commission – Ủy ban Biên giới quốc gia. Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan xác định ranh giới giữa các quốc gia.
Ở Việt Nam Ủy ban Biên giới quốc gia là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Nhiệm vụ của Ủy ban Biên giới quốc gia là tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; dự thảo điều ước quốc tế xác định biên giới quốc gia và các vùng biển Việt Nam; phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng trời, các vùng biển, các đảo, các quần đảo; các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời và các vùng biển của Việt Nam với các nước láng giềng; chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia hoặc liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Ủy ban Biên giới quốc gia còn có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định dự thảo thông tư và các văn bản khác về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
Đồng thời xây dựng, đề xuất chủ trương, quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ; đề xuất chủ trương và xây dựng đề án, hồ sơ pháp lý để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ trước các cơ quan tài phán quốc tế; thực hiện hợp tác quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật; đối thoại về các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan và các đối tác khác; chủ trì, phối hợp quản lý việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về biên giới, lãnh thổ tại Việt Nam.
33. Bourgeoisie – Giai cấp tư sản. Bourgeoisie là một từ tiếng Pháp có liên quan mật thiết với sự tồn tại của các thành phố được công nhận bởi các điều lệ đô thị của mình, do đó không có tư sản “bên ngoài các bức tường của thành phố”. Hiện nay, đây là giai cấp được các định về mặt xã hội học, là những người có vốn văn hóa và tài chính nhất định, nằm trong tầng lớp trung lưu hoặc trung lưu lớp trên: thượng lưu, trung lưu và tiểu tư sản, gọi chung là “giai cấp tư sản”; là tầng lớp trung lưu giàu có và sang trọng đồi đầu với giai cấp vô sản. Trong triết học Marx, giai cấp tư sản là giai cấp xã hội sở hữu phương tiện sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa thời hiện đại và quan tâm về mặt xã hội của họ là giá trị của tài sản và sự giữ gìn đồng vốn nhằm bảo đảm cho việc duy trì vị trí kinh tế độc tôn của mình trong xã hội. Trong khi đó, Joseph Schumpeter nhận thấy sự kết hợp của các yếu tố mới vào giai cấp tư sản đang mở rộng, đặc biệt là các doanh nhân chấp nhận rủi ro để tạo ra quá trình đổi mới cho các ngành công nghiệp và nền kinh tế thông qua quá trình phá hủy sáng tạo, là động lực thúc đẩy cỗ máy tư bản chủ nghĩa.
34. Boycott – Tẩy chay. Tẩy chay là hành động tự nguyện vá có chủ ý về việc không sử dụng, không mua, hay không làm việc với tổ chức, cá nhân, hoặc quốc gia nhằm thể hiện thái độ chống đối, thường là vì lý do chính trị, đạo đức, xã hội hay môi trường. Tẩy chay có thể hiểu như là cuộc đấu tranh bất bạo động. Khi tẩy chay trở thành luật của một quốc gia thì người ta gọi là trừng phạt
35. Brandt report – Báo cáo Brandt. Báo cáo Brandt là báo cáo do một Ủy ban độc lập, với Willy Brandt (cựu Thủ tướng Đức) làm chủ tịch vào năm 1980, để xem xét các vấn đề phát triển quốc tế. Báo cáo này cung cấp nhận thức về sự khác biệt vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế ở hai bán cầu Bắc và Nam.
Báo cáo Brandt trước hết cho thấy khoảng cách lớn về mức sống ở hai bán cầu Bắc và Nam và do đó, cần phải chuyển giao mạnh mẽ nguồn lực từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Các quốc gia phía Bắc cực kỳ giàu có do buôn bán sản phẩm chế tạo, trong khi các quốc gia phía Nam nghèo đói do buôn bán hàng hóa trung gian (bán thành phẩm) với thu nhập thấp. Ủy ban Brandt vạch ra hình thức an ninh toàn cầu mới. Ủy ban này xây dựng các luận cứ của mình trên quan điểm đa nguyên, tức là kết hợp một số hiểm họa về xã hội, kinh tế, chính trị cùng với các hiểm họa quân sự cổ điển.
Hai mươi năm sau, nnăm 2001, Báo cáo Brandt đã được cập nhật bởi James Quilligan, từng là Giám đốc Thông tin của Ủy ban Brandt trong giai đoạn 1980 – 1987. Báo cáo cập nhật này được đặt tên là “Phương trình Brandt”.

36. Bretton Woods System
– Hệ thống Bretton Woods. Hệ thống Tiền tệ Quốc tế được lập năm 1944 tại Hội nghị quốc tế gồm 44 nước tại Bretton Woods, New Hampshire (Hoa Kỳ). Kết quả của hội nghị này là việc thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (được biết phổ biến là Ngân hàng Thế giới – World Bank) và tỷ giá hối đoái cố định, một ounce vàng có giá 35 USD, tồn tại mãi đến thập niên 1970. Thỏa thuận ban đầu, trở thành luật tại Hoa Kỳ năm 1945, được bổ sung năm 1971, khi hệ thống hối đoái theo mệnh giá được thay thế bởi hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi.
37. Brinkmanship – Chính sách “bên miệng hố chiến tranh”. Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hoạt động nhằm thu được kết quả có lợi bằng cách đẩy các sự kiện nguy hiểm đến bờ vực của cuộc xung đột thực sự. Đây là chính sách trong nền chính trị quốc tế, trong lĩnh vực đối ngoại, quan hệ lao động và chiến lược quân sự liên quan đến đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và kiện tụng với số tiền mất mát là rất cao. Đẩy tình huống tranh chấp đến bờ vực thu được thành công bằng cách buộc đối thủ rút lui và nhượng bộ. Đấy là thông qua những hành động ngoại giao để tạo ấn tượng rằng một bên sẵn sàng sử dụng các phương pháp quyết liệt chứ không nhượng bộ. Thuật ngữ này gắn liền với tên tuổi ngoại trưởng Mỹ, John Dulles, trong những năm đầu của chính quyền Eisenhower 1953-1956. Dulles đã tìm cách ngăn chặn cuộc xâm lược của Liên Xô bằng cách cảnh báo rằng giá phải trả có thể là vụ trả đũa ồ ạt nhắm vào các mục tiêu của Liên Xô.
38. British National Party – Đảng Quốc gia Anh. Đảng Quốc gia Anh là đảng chính trị, phát xít, cực hữu ở Vương quốc Anh, được thành lập vào năm 1982. Đảng này đặt trụ sở ở Wigton, Cumbria. Nhà lãnh đạo hiện nay là Adam Walker. Đây là một đảng nhỏ, không có đại diện được bầu ở bất kỳ cơ quan nào của chính phủ Anh. Đảng này thu được thành công lớn nhất vào những năm 2000, khi có hơn năm mươi ghế trong chính quyền địa phương, một ghế trong Hội đồng thành phố London và hai ghế ở Nghị viện Châu Âu.
39. Budgeting – Dự thảo ngân sách. Dự thảo ngân sách là công cụ quan trọng trong quản lí tài chính công, nó là cơ sở cho việc phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả, nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lí của nhà nước.
Ngân sách là kế hoạch tài chính trong một khoảng thời gian xác định, thường là một năm, là tổng số tiền được phân bổ cho một mục đích cụ thể và tóm tắt các khoản chi tiêu dự định cùng với các đề xuất về cách đáp ứng những khoản chi tiêu này. Nó có thể bao gồm thặng dư ngân sách, cung cấp tiền để sử dụng tại thời điểm trong tương lai hoặc thâm hụt trong đó chi nhiều hơn thu.
40. Bureaucracy – bộ máy quan liêu. Bộ máy quan liêu là thuật ngữ dùng để chỉ 1) cơ quan chính phủ không do dân bầu và 2) nhóm người xây dựng chính sách quản lí hành chính. Về mặt lịch sử, bộ máy quan liêu là một cơ quan quản lý hành chính của chính phủ với các quan chức không do dân bầu. Hiện nay, bộ máy quan liêu là hệ thống hành chính quản lý một thiết chế lớn nào đó. Cơ quan quản lý hành chính công ở nhiều nước gia là ví dụ về bộ máy quan liêu, cơ cấu tổ chức theo thang bậc trong các công ty cũng là bộ máy quan liêu.
Nhà xã hội học người Đức Max Weber khẳng định rằng bộ máy quan liêu là cách thức tổ chức hiệu quả và hợp lý nhất hoạt động của con người và các quy trình có hệ thống và hệ thống phân cấp là cần thiết nhằm duy trì trật tự, tối đa hóa hiệu quả và loại bỏ mọi sự thiên vị. Mặt khác, Weber cũng coi bộ máy quan liêu tự tung tự tác là đe dọa đối với tự do cá nhân. Bộ máy quan liêu hiện đại có bốn đặc điểm: phân cấp (phạm vi hoạt động và phân công lao động rõ ràng), tính liên tục (cơ cấu trong đó các quan chức được hưởng lương toàn thời gian và thăng tiến), phi cá tính (luật lệ và quy tắc hoạt động được quy định từ trước chứ không được hành động tùy tiện) và có chuyên môn (các quan chức được chọn theo phẩm chất, đã được đào tạo và có quyền tiếp cận kiến thức).

Comments are closed.