Thuật ngữ chính trị (17)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

31. Civil Law – Luật dân sự. Luật dân sự (Civil law hay civilian law) là một hệ thống pháp luật có nguồn gốc từ châu Âu, được xây dựng trong khuôn khổ luật La Mã, với đặc điểm chính là những nguyên tắc cốt lõi của nó được pháp điển hóa thành hệ thống có thể tham khảo như là nguồn quan trọng nhất của luật pháp. Nói một cách ngắn gọn, Luật dân sự là một nhánh pháp luật nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các cá nhân và/hoặc các cơ quan tổ chức, theo đó bên bị thiệt hại có thể được đền bù cho những thiệt hại đó. Ví dụ, nếu một nạn nhân bị ôtô đâm đòi người lái xe bồi thường thiệt hại hoặc chấn thương do tai nạn gây ra, đây sẽ là một vụ kiện dân sự.

Luật dân sự khác với hệ thống luật thong luật, khuôn khổ của thông luật là luật pháp chủ yếu xuất phát từ các phán xét thông qua các phán quyết của tòa án hay quyết định do thẩm phán đưa ra và trao thẩm quyền ưu tiên cho các quyết định của những phiên tòa án diễn ra trước đó. Luật dân sự đặt ra những nguyên tắc chung và chia ra thành các điều luật thực chất và các quy tắc tố tụng. Luật dân sự coi án lệ là thứ yếu và đứng sau luật thành văn.
Luật Dân sự Việt Nam là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và các quan hệ nhân thân trên cơ sở bình đẳng, độc lập của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ đó và có hiệu lực pháp lý trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
32. Civil Liberties – Các quyền tự do dân sự. Các quyền Tự do dân sự là các quyền tự do hoặc những quyền mà người ta cho là có giá trị tự thân và quan trọng cho hoạt động của của xã hội tự do và dân chủ. Dù cách nói có thể khác nhau, nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng các quyền tự do dân sự phải bao gồm: Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do tư tưởng, tự do đi lại, tự do lập hội, quyền được xét xử công bằng và tự do thân thể. Những quyền và quyền tự do này là những biện pháp bảo vệ quan trọng nhất nhằm chống lại những hành động độc đoán của chính phủ và là nền tảng cho hiệp hội chính trị tự do. Trong một số hệ thống chính trị, các quyền tự do này được ghi văn bản hay luật hiến định, đôi khi được gọi là một tuyên ngôn nhân quyền.
Các quyền tự do dân sự và quyền con người (nhân quyền) có liên quan chặt chẽ với nhau, và tất cả các chính phủ ít nhất đều nói đãi bôi về tầm quan trọng của những quyền này; nhưng nó thực tế vẫn là tự do chính trị thực sự chỉ có trong một số tương đối ít quốc gia mà thôi. Tuy nhiên, ngay cả ở những nước với hệ thống chính trị độc tài hay toàn trị, những nỗ lực, đôi khi không chỉ là biểu tượng, hướng tới tôn trọng các quyền tự do dân sự đã được thực hiện, nhằm đáp ứng những điều kiện mà những nước đã phát triển, giàu có đòi hỏi, nếu muốn những nước này cung cấp viện trợ.
Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố trong thế kỷ XXI, quan hệ giữa quyền tự do cá nhân và an ninh ở trong nước luôn là đề tài nóng bỏng trong các cuộc tranh luận công khai.
33. Civil Rights – Các quyền Dân sự. Quyền dân sự là những quyền được bảo vệ hoặc được người ta khẳng định là phải được bảo vệ bằng hiến pháp hoặc pháp luật, là những quyền cơ bản mà mọi người phải được hưởng, không phân biệt địa vị của người đó. Các quyền này chủ yếu là thuộc hai phạm trù: Những quyền con người căn bản là được đối xử công bằng và tử tế đối với mỗi cá nhân; và các quyền chính trị, những quyền được coi là quan trọng sống còn đối với xã hội tự do và lành mạnh, dù có chúng thực sự được nhiều người mong muốn hay không.
Phạm trù thứ nhất bao gồm quyền bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về đối xử, quyền được xét xử công bằng và quyền không bị hình phạt bất công hoặc vô nhân đạo. Quyền không bị phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, cũng như bảo vệ nhằm chống lại sự bắt bớ tùy tiện, chống lại bồi thẩm đoàn thiên vị, cảnh sát tàn bạo..v.v., được coi là những quyền căn bản mà tất cả mọi người phải được hưởng, và đấy là những quyền đòi phải được bảo vệ bằng hiến pháp trong bất kì xã hội nào.
Các quyền chính trị bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do thành lập hoặc tham gia tổ chức công đoàn, tự do thờ phụng theo ý mình và tự do phản đối công khai nhằm chống lại chính sách của chính phủ. Trong các xã hội dân chủ tự do, tất cả những quyền này là đương nhiên.
Quyền dân sự và chính trị cấu thành và là phần chính của Nhân quyền quốc tế. Những này quyền nằm trong phần đầu tiên của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền, năm 1948. Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR) là công ước quốc tế do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các quốc gia thành viên thông qua ngày 16 háng 12 năm 1966 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 03 năm 1976, nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Cụ thể, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật. Tính tới ngày 19 tháng 12 năm 2010, đã có 72 quốc gia ký vào Công ước và 167 bên tham gia.
34. Civil Service – Công vụ. Công vụ là hoạt động do cán bộ, công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.
Mục đích của công vụ là phục vụ nhân dân và xã hội. Nội dung hoạt động công vụ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời thực hiện chức năng tổ chức phục vụ các nhu cầu chung của xã hội không vì mục đích lợi nhuận.
Chủ thể thực thi công vụ là công chức. Hoạt động công vụ không chỉ thuần tuý mang tính quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm cả hoạt động của các tổ chức do nhà nước thành lập (được nhà nước uỷ quyền) để phục vụ các nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động này đều do công chức, nhân danh nhà nước tiến hành. Công vụ bao gồm các hoạt động nhân danh quyền lực và các hoạt động của các tổ chức được nhà nước uỷ quyền. Ở các nước trên thế giới, khi đề cập đến công vụ, người ta ít nói đến yếu tố quyền lực nhà nước mà thường chỉ nói tới công chức nhân danh pháp luật hoặc nhân danh nhà nước mà thôi. Bởi lẽ, pháp luật là công cụ chính, chủ yếu do nhà nước ban hành. Hoạt động công vụ mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp.
Nguyên tắc trong thi hành công vụ: Tuân thủ theo Hiến pháp và Pháp luật, bảo vệ: lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi hợp pháp của tổ chức, công dân; công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát; đảm bảo tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả; đảm bảo thứ bậc hành chính, có sự phối hợp chặt chẽ.
35. Civil Society – Xã hội dân sự. Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện, các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước và các thiết chế thương mại của thị trường.
Xã hội dân sự bao gồm không gian gia đình và lĩnh vực tư nhân, được gọi là “khu vực thứ ba” của xã hội, để phân biệt với chính phủ và lĩnh vực kinh doanh. Hoạt động tình nguyện và độc lập với các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước thường được xem là 2 đặc tính của các tổ chức cấu thành xã hội dân sự.
Có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự:
1. Xã hội dân sự là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường”, nơi mà mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung
2. Trung tâm Xã hội dân sự của Trường đại học kinh tế London định nghĩa Xã hội dân sự như sau: “Xã hội dân sự đề cập tới một mảng các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Về lý thuyết, các hình thái tổ chức xã hội dân sự khác hẳn với các hình thái tổ chức nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trên thực tế, ranh giới giữa nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường là khá mập mờ và không rõ ràng. Xã hội dân sự thường bao gồm sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư.
3. Cuốn "Chế độ Dân chủ, nhà nước và xã hội" của N.M.Voskresenskaia và N.B.Davletshina định nghĩa xã hội dân sự: “Xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,…thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình”.
Những người ủng hộ xã hội dân sự khẳng định rằng các yếu tố chính trị của nhiều tổ chức tự nguyện tạo điều kiện cho công dân nhận thức tốt hơn và có thêm thông tin, cử tri lựa chọn tốt hơn, có thể tham gia vào hoạt động chính trị và làm chính quyền có trách nhiệm hơn. Có người khẳng định rằng ngay cả các tổ chức phi-chính trị trong xã hội dân sự cũng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chế độ dân chủ. Đấy là là do họ xây dựng vốn xã hội, lòng tin và giá trị chung, được chuyển sang lĩnh vực chính trị và giúp tổ chức xã hội thành một khối, tạo điều kiện cho nhận thức về các liên kết của xã hội và lợi ích của những mối liên kết này. Những người ủng hộ cho rằng xã hội dân sự là thành tố quan trọng đối với xã hội: Đó là lực lượng cùng với Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, là lực lượng giúp khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng xã hội tốt đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Xã hội dân sự có nhiều ưu điểm: Hoạt động trong khuôn khổ pháp luật để thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước; là cầu nối giữa cá nhân với Nhà nước, cùng với Nhà nước hoạch định và tổ chức phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách.

Comments are closed.