Thuật ngữ chính trị (26)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

66. Constitutional Courts – Tòa bảo hiến. Hiến pháp thành văn và không thành văn nào cũng có thể được coi là bộ quy tắc để trả lời hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất liên quan đến phân phối quyền lực và thẩm quyền của tất cả các thiết chế chính trị, thực chất là “cơ quan nào có thể làm gì?” Câu hỏi thứ hai, mặc dù không phải là câu hỏi rõ ràng như câu hỏi thứ nhất, “thiết chế nào đó của nhà nước có có thể làm những việc gì”? Nói cách khác, có hạn chế đối với cơ quan nhà nước nhằm bảo vệ các quyền khác nhau của cá nhân hay không? Đây là những câu hỏi nhất định phải xuất hiện, cho nên cần phải có thực thể đóng vai trò là người canh phòng những hạn chế này – theo dõi ranh giới thẩm quyền giữa các thiết chế và bảo vệ các quyền của cá nhân nhằm chống lại hành động can thiệp của các cơ quan nhà nước. Chúng ta gọi những thực thể này là tòa bảo hiến, mặc dù không phải lúc nào người ta cũng dung những từ này. Ở một số nước, ví dụ, Pháp và Anh, vì những lý do khác nhau, đã và đang có xu hướng cho rằng tòa bảo hiến là không cần thiết hoặc không đáng mong muốn. Ở những nước như vậy Quốc hội được coi là cao hơn hiến pháp – hiến pháp chỉ đơn giản là một tập hợp các quy ước được mọi người tuân thủ mà thôi. Do đó, khi hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp đã tìm cách hạn chế quyền lực của quốc hội, và gia tăng quyền lực cho nhánh hành pháp, người ta thấy cần phải thành lập tòa bảo hiến pháp, gọi là Conseil Constitutionel (ngay cả khi ban đầu người ta muốn có tòa án yếu và phạm vi hoạt động hạn chế). Tương tự như thế, khi nước Anh ban hành Luật Nhân quyền (1998) cơ quan gọi là Law Lord (trong Viện Nguyên Lão) bắt đầu gánh vác vai trò của tòa bảo hiến.

Có khá nhiều tài liệu chuyên môn – trong lĩnh vực chính trị học và luật công – viết về tòa bảo hiến, và phần lớn các cuộc tranh luận đều mang tính chuyên môn cao. Những câu hỏi quan trọng liên quan đến cách thức tòa án nhận tài liệu để xét xử. Có hai cách thức chính. Một là, một số người, thường là các nghị sĩ cùng với lãnh đạo nhánh hành pháp, có thể được quyền gửi điều luật mới cho tòa án trước khi luật này có hiệu lực để quyết định xem có tương thích với hiến pháp hay không. Ngoài ra, trước khi các tòa án thông thường xét xử, đương sự có thể được phép thách thức tính hợp hiến của điều luật liên quan đến trường hợp của mình.
67. Constructivism – Thuyết kiến tạo. Thuyết kiến tạo, một lý thuyết mới về quan hệ quốc tế, xuất hiện hồi cuối thế kỷ XX, đã đưa các học giả về quan hệ quốc tế trở lại với những câu hỏi nền tảng, trong đó có bản chất của nhà nước và các khái niệm về chủ quyền, bản sắc và tư cách công dân. Ngoài ra, chủ nghĩa kiến tạo đã mở ra những khu vực khảo sát mới, ví dụ, vai trò của giới và tính cách dân tộc, không có trong các lý thuyết khác về quan hệ quốc tế.
Định đề chính của thuyết kiến tạo là cả đối tượng lẫn khái niệm đều không có bất kỳ ý nghĩa khách quan, cố định, hoặc tất yếu nào; mà, ý nghĩa của chúng được kiến tạo thông qua tương tác xã hội. Nói cách khác, chúng ta gán ý nghĩa cho các đối tượng, chứ không phải ngược lại. Suy ra, hành vi của nhà nước được định hình bởi niềm tin, bản sắc và các tiêu chuẩn xã hội của giới ăn trên ngồi trốc. Các cá nhân và tập thể tạo ra, định hình và làm thay đổi nền văn hóa bằng tư tưởng và thông lệ. Lợi ích của nhà nước và quốc gia là kết quả của bản sắc xã hội của các tác nhân này. Như vậy là, đối tượng của công trình nghiên cứu là các tiêu chuẩn và thực hành của các cá nhân và tập thể.
Do đó, những người theo thuyết kiến tạo bác bỏ ý tưởng cho rằng cơ cấu vật chất có ý nghĩa cố định, tất yếu hoặc cố hữu. Alexander Wendt, một trong những người theo thuyết kiến tạo nổi tiếng nhất, khẳng định rằng, tự nó, một cơ cấu chính trị – dù là vô chính phủ hay phân bố cụ thể về vật chất – không thể cho chúng ta biết nhiều về quyền lợi: Các nhà nước sẽ là bạn bè hay kẻ thù, sẽ công nhận chủ quyền của nhau, sẽ có những gắn bó theo lối vương triều, sẽ xét lại hay giữ nguyên trạng quyền lực của mình..v.v..” . Nhiều người theo thuyết kiến tạo nhấn mạnh các cơ cấu có tính quy phạm. Cái chúng ta cần biết là bản sắc, còn bản sắc thì do hợp tác và học tập mà có sự thay đổi. Hệ thống có phải là vô chính phủ hay không phụ thuộc vào phân bố bản sắc, chứ không phải phụ thuộc phân bố khả năng quân sự, như những người theo phái hiện thực muốn chúng ta tin. Nếu các quốc gia chỉ gắn bó với chính mình, thì hệ thống có thể là vô chính phủ. Nếu quốc gia này gắn bó với những quốc gia khác, thì sẽ không có tình trạng vô chính phủ. Tóm lại, “Vô chính phủ là do các quốc gia muốn như thế”.
68. Containment – Chính sách ngăn chặn. Chính sách ngăn chặn là tên gọi của chiến lược quân sự nhằm ngăn chặn sự bành trướng của kẻ thù. Tuy nhiên, chính sách này được biết tới nhiều như là một chính sách của Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này trong thời kỳ chiến tranh lạnh nhằm ngăn chặn sự bành trướng của các phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Ngay từ giai đoạn cuối cùng của Thế chiến II, quan hệ giữa đồng minh phương Tây và Liên Xô đã có những căng thẳng thiết lập trật tự hòa bình ở châu Âu. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh dựa vào quyền tự chủ của các dân tộc. Liên Xô thì muốn phát triển một vùng ảnh hưởng với các nước vệ tinh xã hội chủ nghĩa. Cuối thập niên 1940, Liên Xô ủng hộ việc thành lập ở các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary và Bulgaria các chính phủ xã hội chủ nghĩa, thân Liên Xô và chống phương Tây.
Ngày 12 tháng 3 năm 1947 Tổng thống Harry S. Truman tuyên bố tích cực ủng hộ các nước nhằm gia chống lại những kế hoạch giành chính quyền của các phong trào cộng sản là chính sách chính thức của ngoại giao Hoa Kỳ được gọi là Học thuyết Truman.
Một phần quan trọng của Chính sách ngăn chặn là Kế hoạch Marshall, với mục đích củng cố các nước Tây Âu và như vậy ngăn chặn cuộc vận động người dân giành lấy chính quyền của những đảng phái chính trị có lập trường ủng hộ chủ nghĩa cộng sản ở Tây Âu. Cùng với Kế hoạch Marshall, Mỹ cũng theo đuổi thành lập liên minh quân sự lâu dài giữa các nước châu Âu. Việc thành lập khối NATO vào ngày 24 tháng 4 năm 1949 là một phần của chính sách ngăn chặn. Dựa vào học thuyết Truman, Hoa Kỳ đã ủng hộ phe bảo hoàng trong nội chiến Hy Lạp, tấn công Bắc Triều Tiên trong chiến tranh chống lại Bắc Triều Tiên, ủng hộ thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, và cho quân viễn chinh tham chiến trực tiếp trong chiến tranh Việt Nam.

Comments are closed.