Thuật ngữ chính trị (27)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

69. Context – Bối cảnh. Bối cảnh là những hoàn cảnh xung quanh một sự kiện, thường là việc viết hoặc xuất bản một cuốn sách. Biết được bối cảnh ra đời của tác phẩm có thể giúp giải thích tác giả muốn gì và ý nghĩa của những điều được trình bày. Chủ nghĩa bối cảnh (Contextualism) mô tả tập hợp các quan điểm triết học nhấn mạnh bối cảnh, trong đó hành động hay lời nói được thể hiện. Những người theo phái này khẳng định rằng trong một số khía cạnh quan trọng, chỉ có thể hiểu được hành động hay lời nói khi biết được bối cảnh. Ở Anh người ta thường gán trường phái này với các nhà triết học ờ Cambridge, trong khi cách tiếp cận khác (trường phái Oxford) cho rằng chỉ cần phân tích các luận cứ trong tác phẩm là đủ. Thực ra các cuộc thảo luận mang tính tri thức cần cả hai cách tiếp cận này.

70. Contract – Hợp đồng. Hợp đồng là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên nhằm bảo đảm rằng kết quả mà mỗi bên nhắm tới sẽ làm cho mình được lợi. Mặc dù các bên tham gia đều hi vọng là sẽ được lợi, nhưng không có nghĩa là các bên đều được lợi như nhau; trên thực tế, một hoặc nhiều bên có thể bị thiệt.
71. Contradiction – Mâu thuẫn. Theo lý thuyết Marxist, mâu thuẫn là nguyên lý của tư duy biện chứng. Người ta khẳng định rằng mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các hiện tượng và là nguyên nhân chính là cho nó chuyển động và phát triển. Trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên, Engels đưa ra các ví dụ cả trong khoa học tự nhiên và toán học nhằm bảo vệ định đề này. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hiểu học thuyết về mâu thuẫn, coi đó là nguồn gốc chính của phát triển, khi xem xét xã hội loài người. Marx và Engels khẳng định trong Tuyên ngôn Cộng sản rằng: “Lịch sử của xã hội là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Các giai cấp xã hội, đặc biệt là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản trong chủ nghĩa tư bản nhận thấy rằng họ có những quyền lợi mâu thuẫn với nhau và tương tác của hai giai cấp này tạo ra không chỉ những chuyển hóa về lịch sử mà cả chuyển hóa về xã hội nữa. Marx và Engels tiên đoán về chiến thắng của giai cấp vô sản và xóa bỏ quan hệ giai cấp. Trước sự kiện là mâu thuẫn có mặt khắp nơi, các tư tưởng gia Xô Viết gặp nhiều khó khăn trong việc xác định các quan hệ xã hội trong chủ nghĩa xã hội. Họ giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra khái niệm mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng, tức là, khác với giai cấp tư sản và giai cấp vô sản trong chủ nghĩa tư bản, công nhân và nông dân ở Liên Xô không có quyền lợi đối kháng, mà chỉ có những mâu thuẫn không đối kháng mà thôi.
72. Convention 1 – Hội nghị. Hội nghị là cuộc họp của những người có những mối quan tâm hay mục đích chung, ví dụ, soạn thảo hiến pháp. 2. Tục lệ. Tục lệ là thói quen được nhiều người chia sẻ hoặc tuân theo, thường là không có quy định thành văn và đôi khi không được công nhận nột cách chính thức. Tục lệ trong lĩnh vực tài sản và quản trị là vấn đề quan trọng trong trước tác của Hume, vì, đối với ông, tục lệ cung cấp một cách giải thích khác về các thiết chế chính trị so với lý thuyết về khế ước xã hội mà ông cho là đã mất uy tín. Những người cầm bút theo trường phái không chính phủ cũng coi tục lệ là quan trọng, là ví dụ về hợp tác xã hội mà không cần cưỡng chế tập quyền. “Hiến pháp” bất thành văn của Vương quốc Anh cũng thường được coi là theo tục lệ, nghĩa là người ta nghĩ rằng làm những việc mà trước đây đã có người làm là phù hợp. Vì tục lệ cung cấp cho người ta khả năng hợp tác không cần ép buộc, nên đã thu hút được sự chú ý của các nhà triết học và xã hội học.
73. Cooperative movement – Phong trào hợp tác xã. Ý tưởng thay thế cạnh tranh kinh tế bằng sự hợp tác của những người sản xuất và/hoặc người tiêu dùng từng là ý tưởng trung tâm của truyền thống xã hội chủ nghĩa thế kỉ XIX, đặc biệt là của Robert Owen và đệ tử của ông này. Về nguyên tắc, tất cả các hoạt động kinh tế liên quan tới quá trình sản xuất, phân phối và trao đổi đều có thể được đưa vào “hợp tác xã”, hàm ý là xóa bỏ hoàn toàn sở hữu và quản lý tư bản chủ nghĩa trong lĩnh vực công nghiệp và thiết lập hệ thống các công ty tự nguyện do các nhóm công nhân làm chủ và quản lý, còn các tổ chức của người tiêu dùng thì do người tiêu dùng sở hữu và quản lý. Đấy là một trong những nguyên tắc căn bản của hợp tác kinh tế mà thu nhập ròng được phân phối trực tiếp cho các thành viên chứ không phải là lợi nhuận dành cho một nhóm sở hữu chủ hay nhà đầu tư. Trên thực tế, đã xuất hiện nhiều hình thức hợp tác xã trên khắp thế giới trong linh vực nông nghiệp, công nghiệp và trong lĩnh vực dịch vụ, hợp tác xã tiêu thụ và nhà ở. Các hợp tác xã xuất hiện nhiều và trong nhiều khía cạnh đã thu được nhiều thành công trong các nước tư bản chủ nghĩa hơn là trong các nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa. Đối với những người xã hội chủ nghĩa dân chủ và những người không chính phủ, nguyên tắc hợp tác kết hợp với lý tưởng quyền kiểm soát của công nhân tiếp tục là tư tưởng quan trọng trong việc xây dựng tầm nhìn về xã hội thay thế cho cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội.
74. Cooperation – Hợp tác. Hợp tác là một nhóm người được quyền, về phương diện pháp lý, hành động như một người duy nhất. Khi một nhóm người với mục tiêu chung thành lập hợp tác xã theo một đạo luật nào đó thì nhóm người này trở thành pháp nhân. Điều đó có nghĩa là tổ chức này có thể kiện hoặc bị đưa ra tòa, tương tự như một cá nhân.

Comments are closed.