Phạm Nguyên Trường
98. Delegation – Ủy quyền/Đại biểu. Ủy quyền trong diễn ngôn chính trị có hai nghĩa khác nhau. Thứ nhất, đấy là tư tưởng cho rằng một cơ quan, thường là quốc hội, với thẩm quyền ban hành luật pháp ủy thác một phần quyền này cho cơ quan khác. Thường thì quốc hội thông qua đạo luật với những mục tiêu lớn và phác thảo chương trình lập pháp, nhưng quốc hội không đi sâu vào chi tiết vì phải thay đổi thường xuyên cho phù hợp với những thay đổi của hoàn cảnh, cho nên quốc hội có thể ủy thác trách nhiệm ban hành quy định dưới luật cho cơ quan dân chính, bộ trưởng hoặc thậm chí là một cơ quan độc lập.
Nghĩa thứ hai gần như trái ngược với những điều được trình bày bên trên. Đại biểu là một người được chọn làm đại diện cho một cơ quan hoặc nhóm người, nhưng khác với người đại diện (representative) hoàn toàn tự do, người đại diện (delegate) không được tự do bỏ phiếu theo ý mình. Mặc dù không bị ràng buộc chặt chẽ như người được ủy quyền (mandated), tức là người phải bỏ phiếu theo hướng dẫn cụ thể, delegate phải tuân theo hướng dẫn và phải kiềm chế không được tự ý quyết định chính sách.
99. Demagogue – Kẻ mị dân. Người mị dân là chính trị gia có tài hùng biện đủ sức lôi kéo sự ủng hộ của tầng lớp nghèo đói và ít học để giành quyền lực qua cảm xúc và thành kiến. Người mị dân thường kêu gọi và thuyết phục dân chúng hành động ngay lập tức và chứ không suy nghĩ kỹ để có chính sách bao quát và thấu đáo hơn. Người mị dân thường ủng hộ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực và thường bêu riếu đối thủ của mình là kẻ yếu hèn. Những kẻ mị dân đã xuất hiện từ rất sớm, ngay từ năm 410 trước công nguyên dưới thời dân chủ Athens. Họ là những kẻ đã lợi dụng khiếm khuyết của chế độ dân chủ, vì quyền lực thuộc về nhân dân. Không gì có thể ngăn cản kẻ có thể kêu gọi được sự ủng hộ của tầng lớp bình dân, là tầng lớp đông đảo nhất, giành được quyền lực. Kẻ mị dân là người lợi dụng hoàn cảnh, công khai quảng bá cho một mục tiêu chính trị bằng cách tâng bốc đám đông, hấp dẫn họ bằng cách kích động cảm tính, bản năng và thành kiến của họ, ngoài ra còn có thể kích động, nói dối hoặc phóng đại hay là đơn giản hoá một sự kiện nào đó nhằm kích động quần chúng; người đó biến mục tiêu cùa mình thành mục tiêu của tất cả “những người tốt”, và nói rằng biện pháp mà mình đề nghị là biện pháp khả dĩ duy nhất có thể.
100. Democracy – Dân chủ. Từ “dân chủ” (democracy) thâm nhập vào tiếng Anh từ thế kỉ XVI, có nguồn gốc từ từ démocratie trong tiếng Pháp, nhưng cội nguồn của nó lại là một từ gốc Hi Lạp. Dân chủ (democracy) xuất phát từ từ demokratia mà căn gốc của nó gồm demos (nhân dân) và kratos (cai trị). Dân chủ có nghĩa là hình thức cai trị, trong đó, khác với chế độ quân chủ và quý tộc, nhân dân nắm quyền. Dân chủ đòi hỏi một cộng đồng chính trị, mà trong đó tồn tại một dạng bình đẳng chính trị giữa mọi người với nhau. “Cai trị bởi nhân dân” có thể là một khái niệm rõ ràng, nhưng những biểu hiện của nó lại làm người ta dễ lầm lẫn. Dân chủ có một lịch sử phức tạp và nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Nói đến dân chủ, trước hết, chúng ta hiểu rằng đấy là quyền của con người trong việc tham gia quản lí nhà nước thông qua các cơ chế khác nhau, quyền làm một thành viên bình đẳng trong một tập thể nào đó, quyền có điều kiện thể hiện quan điểm của mình và được lắng nghe.
Điều đó có nghĩa là chúng ta lựa chọn dân chủ trên cơ sở niềm tin vào sự bình đẳng của mọi công dân. Một mặt, đấy là niềm tin vào quyền tự do của mỗi người và mặt khác tin rằng tự do của người này không được trở thành cản trở đối với tự do của những người khác. Karl Popper minh hoạ điều đó trong thí dụ sau. Toà án xét xử vụ một tên lưu manh đánh người hàng xóm. “Tôi là công dân tự do”, tên lưu manh tự bào chữa, “tôi có quyền vung nắm đấm về mọi hướng chứ”. Quan toà đã khéo léo đáp: “Chuyển động của nắm đấm của anh bị giới hạn bởi mũi của người hàng xóm”. Nói cách khác, bạn được tự do hành động khi mà hành động đó không gây phương hại cho người khác, những người cũng có những quyền tự do như bạn.
Quyền bình đẳng tham gia vào việc bầu chọn các nhà lãnh đạo, cũng dựa trên cơ sở như thế. Trong chế độ dân chủ, mỗi người đều có một lá phiếu và các lá phiếu có giá trị ngang nhau. Trên thực tế, lí tưởng về tự do và bình đẳng dĩ nhiên cũng có một số khiếm khuyết. Không cần phải tiến hành những cuộc nghiên cứu phức tạp cũng thấy rằng ngay tại những nước có nền dân chủ phát triển, không phải tất cả các công dân đều bình đẳng trong việc sử dụng quyền tự do của mình. Thí dụ, cựu tổng thống Mĩ, Bill Clinton, đã định bãi bỏ điều luật, theo đó, để được tham gia bầu cử, người ta phải trải qua kiểm tra xem đã thoát nạn mù chữ hay chưa.
Cần phải hiểu rằng dân chủ không phải bắt đầu khi nhân dân được công nhận là nguồn gốc của quyền lực trên lời nói, mà phải là khi xây dựng được một hệ thống đảm bảo công dân được thực sự tham gia và kiểm soát được quyền lực. Dân chủ sẽ thắng lợi hoàn toàn khi tất cả các công dân thực sự tham gia và hoàn toàn bình đẳng trong việc giải quyết các công việc của quốc gia. Nhưng đây là mô hình lí tưởng. Trên thực tế, còn nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp mà xã hội hiện chưa giải quyết được.
Đến giữa thế kỉ XX đã hình thành ba quan điểm chính về vấn đề dân chủ như sau:
1. Từ quan điểm nguồn gốc của quyền lực (dân chủ là chính quyền của dân)
2. Từ quan điểm mục đích (dân chủ là chính quyền hành động nhân danh và vì lợi ích của nhân dân)
3. Và cuối cùng, từ quan điểm các thủ tục thành lập chính phủ.
Quan điểm thứ ba là quan điểm được nhiều người chia sẻ nhất hiện nay. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các cuộc bầu cử được coi là có vai trò quan trọng nhất, vì chính tại các cuộc bầu cử mà hai đặc trưng chủ yếu của dân chủ là, thứ nhất, các chính khách sẽ cạnh tranh với nhau để giành cho được càng nhiều phiếu càng tốt và thứ hai, trong thời gian bầu cử, nhân dân có thể gây ảnh hưởng đến chính sách trong tương lai bằng cách ủng hộ ứng cử viên đáp ứng được các quyền lợi cơ bản của họ.
Như vậy, dân chủ có tính hấp dẫn trước hết là vì nó đáp ứng được nhu cầu tự thể hiện của con người, nó là động lực cho sáng kiến và tự do sáng tạo.