Phạm Nguyên Trường
101. Democratic Centralism – Nguyên tắc tập trung dân chủ Tập trung dân chủ là nguyên tắc do Lenin đề ra, Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) và hầu hết các Đảng cộng sản khác đều áp dụng. Nguyên tắc ngày nói rằng những ý kiến và quan điểm trái ngược nhau đều được tự do thể hiện và thảo luận rộng rãi ở tất cả các cấp của hệ thống thang bậc của đảng, và ban chấp hành trung ương phải xem xét những quan điểm này trước khi quyết định bất kì vấn đề gì, nhưng khi đã quyết định thì tất cả đảng viên đều phải chấp nhận và chấp hành một cách vô điều kiện. Khi chưa nắm được chính quyền, nguyên tắc này có thể khả thi và “tập trung” có thể song hành với “dân chủ”. Nhưng khi đã nắm được quyền lực trong nhà nước độc đảng, thì đảng Cộng sản đã trở thành cơ cấu quyền lực và việc đảng Cộng sản được tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, ban chấp hành cấp trên kiểm soát cấp dưới trực tiếp, do đó, rất ít quan điểm và ý kiến được đưa lên cấp trên, trong khi khía cạnh “tập trung” của học thuyết lại được áp dụng triệt để. Chỉ còn tập trung, chứ không có dân chủ.
Ngay trong những ngày đầu thành lập đảng, và đặc biệt là dưới thời Lenin ngay sau Cách mạng 1917, sự kiểm soát tập trung của đảng là vấn đề đặc biệt khó giải quyết, và ngay từ lúc đó, liên kết giữa hai giá trị, tham gia một cách dân chủ và quyền lãnh đạo của huy trung ương, đã không còn. Tập trung dân chủ đã chứng tỏ không có khả năng đưa các ý kiến từ dưới lên trên và cuối cùng đã góp phần vào làm cho Đảng cộng sản Liên Xô sụp đổ. Chính sách glasnost của Gorbachev đã mở ra triển vọng dân chủ hóa nhà nước Liên Xô, và khi nhóm những người cứng rắntìm cách lập lại truyền thống tập trung dân chủ vào tháng 8 năm 1991, thì không chỉ có họ, mà chính Đảng cộng sản cũng bị nhân dân bác bỏ ngay lập tức.
102. Democratic Party – Đảng dân chủ (Mĩ). Đảng Dân chủ (Democratic Party) được thành lập như là đối trọng với Đảng liên bang (Federalist party) đang giữ thế thượng phong ngay sau khi Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua. Nó dễ làm người ta lúng túng vì lúc đó đảng này được gọi là Đảng Cộng hòa (Republican Party), sau này lại đổi thành Đảng Dân chủ-Cộng hòa (Democratic-Republican Party), mãi đến thời tổng thống Andrew Jackson (1828) mới đổi tên thành Đảng Dân chủ. Jackson là người đại diện cho lực lượng chính trị dân túy, đối lập với quan điểm tung ương tập quyền của những người theo Thomas Jefferson, tức là những người ủng hộ quyền kiểm soát mạnh mẽ của liên bang, hạn chế quyền tự chủ của các bang. Hiện nay, Đảng Dân chủ vẫn nhấn mạnh quyền của các bang hơn là Đảng Cộng hòa (Republican Party). Trên hầu hết các vấn đề, và theo nghĩa rất rộng, Đảng Dân chủ thuộc phái tả, hay, theo cách nói của người Mĩ, là những người “tự do” hơn Cộng hòa. Ít nhất là từ Thế chiến II, đó là đảng của người da đen, của người lao động có tổ chức và thường thu được phiếu của những người ủng hộ các quyền tự do dân và cũng như của những người theo chủ nghĩa bình quân trong những người trung lưu lớp trên. Tuy nhiên, trong quá khứ, và hiện vẫn còn, lập trường chống liên bang đã buộc họ phải bảo vệ những chính sách rõ ràng là phản động. Ví dụ mang tính kinh điển là trong thời Nội chiến, phần lớn đảng viên Dân chủ phản đối việc sử dụng vũ lực nhằm buộc các bang miền Nam đã li khai trở về với Liên bang. Hậu quả lâu dài của lập trường này là, trong Quốc hội, phe miền Nam của đảng Dân chủ thường bảo thủ hơn hầu hết các đảng viên Cộng hòa, đặc biệt là về vấn đề dân quyền. Hiện nay xu hướng này cũng vẫn còn, và các tổng thống của đảng Cộng hòa thường phải dựa vào liên minh không dự tính trước của các đảng viên của mình với các đảng viên Dân chủ miền Nam thì mới dễ dàng thông qua được các dự luật. Đồng thời, phái tự do hơn của đảng Dân chủ, chủ yếu được bầu từ các thành phố phía Bắc, có xu hướng kết hợp với những người Cộng hòa miền Bắc và miền Tây để thông qua những dự luật của mình. Vì chính sách dân túy và phúc lợi xã hội, Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện trong gần như toàn bộ nửa sau của thế kỷ XX. Họ thường kiểm soát được cả Thượng viện, nhưng thường chỉ với một đa số rất nhỏ.
103. Democratic Peace – Hòa bình dân chủ. Tư tưởng về hòa bình dân chủ có xuất xứ từ bài tiểu luận nhan đề Nền hoà bình vĩnh cửu (Perpetual Peace – 1795) của nhả triết học Đức, Immanuel Kant. Kant cho rằng, các quốc gia có các hiến pháp dân sự tạo nên các chế độ cộng hòa là một trong nhiều điều kiện cần thiết để có một nền hoà bình vĩnh cửu. Kant khẳng định rằng đa số cử tri không ủng hộ chiến tranh, trừ khi phải tự vệ. Vì vậy, nếu tất cả các quốc gia là những nước cộng hòa, sẽ không có nước nào xâm lược nước nào. Điều kiện thứ hai mà Kant đưa ra là, cần một liên minh hòa bình giữa các nước cộng hòa với nhau.
Các nhà nghiên cứu hiện nay khẳng định nhiều yếu tố được coi là khuyền khích quan hệ hòa bình giữa các nước dân chủ:
– Các nhà lãnh đạo dân chủ bị bắt buộc phải chịu trách nhiệm vì những mất mát do chiến tranh gây ra trước các cử tri;
– Các chính khách chịu trách nhiệm trước quần chúng thường có khuynh hướng xây dựng các thiết chế dân chủ để giải quyết các căng thẳng quốc tế;
– Các nước dân chủ ít có khuynh hướng xem các quốc gia với chính sách và các học thuyết cầm quyền tương tự với mình là thù nghịch;
– Các nước dân chủ thường thịnh vượng hơn các nước khác, và vì vậy thường né tránh chiến tranh để gìn giữ cơ sở hậu cần và tài nguyên.
Lý thuyết hòa bình dân chủ (democratic peace theory) – được hỗ trợ bởi bằng chứng thực nghiệm rằng các quốc gia dân chủ không gây chiến với nhau, nhưng các quốc gia này đánh nhau với các nước độc tài.