Thuật ngữ chính trị (41)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

118. Difference principle – Nguyên lý bất bằng/Nguyên lý khác biệt. Nguyên lý bất bằng/Nguyên lý khác biệt là phần thứ hai của nguyên lý thứ hai của lý thuyết về công lý của John Rawls. Nguyên lý đầu tiên đòi hỏi rằng công dân được hưởng các quyền tự do cơ bản như nhau. Phần thứ nhất của nguyên tắc thứ hai đòi hỏi bình đẳng về cơ hội. Các quy tắc này được ưu tiên hơn nguyên lý khác biệt; nguyên lý khác biệt không thể biện minh cho các chính sách hoặc thiết chế phá hủy hai quy tắc vừa nói. Nguyên lý bất bằng/Nguyên lý khác biệt nói về phân phối thu nhập và của cải, địa vị và quyền lực, và nền tảng xã hội của lòng tự trọng. Nguyên lý này nói rằng sự bình đẳng trong việc phân phối các hàng hóa này chỉ được chấp nhận nếu chúng mang lại lợi ích cho những người có địa vị trí ít thuận lợi nhất trong xã hội.

119. Diplomacy – Ngoại giao. Trong ngôn ngữ chính trị, từ “ngoại giao” được sử dụng theo nhiều cách khá mơ hồ. Tất cả bắt nguồn từ kỹ thuật và phong cách được phát triển những nhà ngoại giao châu Âu trong thế kỷ 18, mặc dù, đương nhiên là, ngoại giao như hành vi và chiến lược chính trị cũng lâu đời chẳng khác gì chính trị. Về mặt kĩ thuật, ngoại giao đoàn bao gồm tất cả những người đại diện theo lối chuyên nghiệp cho lợi ích của đất nước họ ở nước ngoài. Hoạt động của họ bao gồm thu thập thông tin và đánh giá về nền chính trị của nước sở tại, bảo vệ trực tiếp lợi ích hợp pháp của công dân nước mình đang gặp rắc rối (chức năng lãnh sự), tới các cuộc đàm phán quốc tế và gửi thông điệp đặc biệt tới chính phủ sở tại. Tuy nhiên, ngoại giao còn có nghĩa khác với những hoạt động vừa nói. Nó còn có nghĩa là tất cả các phương pháp giải quyết xung đột quốc tế, và mặc dù rất thường được các phương tiện truyền thông nói tới; thật đưa ra định nghĩa chính xác. Đơn giản nhất, ngoại giao có nghĩa là không có hành động bằng vũ lực, và người ta thường nói rằng “ngoại giao” đã thất bại khi các nước giao chiến với nhau. Có thể thấy mức độ bao trùm của khái niệm này khi xem xét những biện pháp mà ngoại giao sử dụng. Đấy là “ngoại giao cá nhân” – khi nhà lãnh đạo quốc gia cụ thể nào đó tìm cách giải quyết vấn đề quốc tế trên cơ sở quan hệ cá nhân của họ với, và hiểu biết về, các nhà lãnh đạo của quốc gia khác. Có cả khái niệm “ngoại giao con thoi”, một cách làm gần như chỉ có Hoa Kỳ sử dụng. Đấy là khi một người có ảnh hưởng hoặc một nhân vật quan trọng đi qua đi lại giữa các quốc gia thù địch nhằm tìm kiếm cơ sở thỏa hiệp giữa các đối thủ trên cơ sở xây dựng những mối liên kết cá nhân và hiểu biết cả hai bên xung đột.
Ngoài ra, còn có “kênh ngoại giao”, để cung cấp các ý tưởng hoặc thu thập thông tin, thực chất là sử dụng những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, khác hẳn với cung cách nghiệp dư của “ngoại giao cá nhân”. Khái niệm “ngoại giao” cũng thường được người ta gắn với ý tưởng cho rằng các nhà ngoại giao là những chuyên gia trong các cuộc đàm phán và chuyển tải thông tin trên trường quốc tế. Người ta cho rằng các nhà ngoại giao phải có kỹ thuật và được đào tạo đặc biệt để đảm bảo rằng thông được truyền đi không mang theo cảm xúc hay phong cách cá nhân, rằng hai nhà ngoại giao của hai nước khác nhau có nhiều điểm chung và là có khả năng xử lý những vấn đề họ thảo luận một cách khách quan và điềm tĩnh hơn là hai chính trị gia bình thường. Khi chính sách đối ngoại, ở tất cả các nước, ngày càng được những người đứng đầu nhánh hành pháp trực tiếp thực hiện, cũng như các hội nghị quốc tế ngày càng trở thành chiến trường trực tiếp của các chính trị gia cao cấp, người ta có thể cho rằng ngoại giao, như một kỹ thuật đặc biệt và ngoại giao đoàn, như các chuyên gia chuyên nghiệp cả trong việc ban hành và thực thi chính sách đối ngoại, đang sắp lùi vào dĩ vãng. Có lẽ quan điểm này chứa khá nhiều sự thật. Ở Hoa Kỳ xu hướng chuyển chính sách đối ngoại từ Bộ Ngoại giao vào Nhà Trắng không suy giảm trong những năm qua.
Một trong những sự kiện củng cố ý tưởng cho rằng ngoại giao là hoạt động đặc biệt là vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức xuyên quốc gia, ví dụ như Liên minh châu Âu (EU), tức là những tổ chức không có quyền sử dụng trực tiếp lực lượng vũ trang, nhưng lại có quyền lực rất lớn. Do đó, sự hiện diện của các nhà đàm phán của trong các cuộc xung đột gần đây, như Chiến tranh vùng Vịnh hay cuộc khủng hoảng Nam Tư là những ví dụ về động ngoại giao thuần túy. Các cuộc khủng hoảng quốc tế sau các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ, năm 2001, một lần nữa cho thấy cả tầm quan trọng của EU lẫn tính chất cá nhân của công tác ngoại giao trong các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các nguyên thủ quốc gia.
120. Direct action – Hành động trực tiếp. Hành động trực tiếp là phản đối chính trị với mục đích tạo áp lực lên nhà cầm quyền để buộc họ phải thay đổi chính sách, mà không sử dụng những kênh “chính thức” như nghị viện hay bộ máy quản lý hành chính quan liêu. Hành động trực tiếp thường liên quan tới những quan tâm mật thiết nhất của người phản đối, nghĩa là hành động nhằm ngăn chặn hay chí ít cũng làm gia tăng chi phí để thực hiện chính sách mà người phản đối nhắm tới, dù chính sách đó có là gì thì cũng thế. Trong những năm gần đây, hành động trực tiếp được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực chính sách môi trường.
Hành động trực tiếp có thể mang tính tượng trưng, đấy là khi được thể hiện dưới hình thức thường được gọi là “bất tuân dân sự”. Đây là khía cạnh thứ hai của hành động trực tiếp: Thu hút sự chú ý của dư luận vào lĩnh vực chính sách mà những người phản đối quan tâm.
121. Direct democracy – Dân chủ trực tiếp. Dân chủ trực tiếp là tất cả các công dân đều có thể tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của xã hội và đưa những giải pháp (luật) đó vào cuộc sống. Chế độ dân chủ trực tiếp từng xuất hiện trong các thành bang Hy Lạp cổ đại. Các công dân tự do thường tụ tập trên quảng trường để thảo luận và thông qua quyết định về một vấn đề nào đó và bốc thăm (chứ không bầu) những người tham gia các ủy ban và các ban chấp hành.

Comments are closed.