Thuật ngữ chính trị (43)

Phạm Nguyên Trường

Political Dictionary – The Bridge

126. Discrimination – Phân biệt đối xử. Phân biệt đối xử trong chính trị là đối xử thiếu thiện chí với những nhóm người được xác định theo các đặc điểm như chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính hay tôn giáo. Đây là cách làm thường thấy trong phần lớn các xã hội khác nhau; nhưng trong thế kỷ XX, đặc biệt là sau vụ thảm sát người Do Thái do Đức quốc xã tiến hành, hầu hết các chế độ dân chủ đã có những nỗ lực nghiêm túc nhằm chống lại hiện tượng này bằng luật pháp và quyết định của tòa án. Phân biệt đối xử ngược hoặc tích cực (Reverse or positive discrimination: xem hành động khẳng định) đôi khi được áp dụng – đây là đề xuất nói rằng trong một số trường hợp cần phải có những biện pháp ưu tiên ưu đãi cho thành viên của những nhóm vốn bị thiệt thòi. Trong các xã hội phi dân chủ, tệ phân biệt đối xử vẫn khá thịnh hành. Ví dụ, ở Iran thời Khomeini, nhiều người bị hành quyết chỉ vì họ theo những tín ngưỡng không phải là Hồi giáo Shi‘ite. Vấn đề hiện nay là, nhà nước có thể làm những việc gì nhằm ngăn chặn tệ phân biệt đối xử trong các mối quan hệ xã hội và kinh tế tư nhân, vì bộ máy pháp luật và hành chính sẽ trở nên quá cồng kềnh và rất khó chứng minh được rằng đã có phân biệt đối xử trong mỗi trường hợp cụ thể.

127. Dissent – Bất đồng chính kiến. Bất đồng chính kiến có nghĩa là không đồng ý, áp dụng vào chính trị thuật ngữ này thường có nghĩa là một nhóm thiểu số – dựa vào nền tảng đạo đức – kiên quyết giữ quan điểm trái ngược với một điều luật quan quan trọng, hoặc tư tưởng có ảnh hưởng lớn, đang được đa số ủng hộ cũng kiên quyết không kém. Bất đồng chính kiến thường được thể hiện về các vấn đề như chính sách đối ngoại hoặc quốc phòng của quốc gia, hoặc các vấn đề truyền thống có thể gây phẫn nộ về đạo đức như phá thai, án tử hình hay can thiệp vào hoạt động tôn giáo. Cũng có những người bất đồng quan điểm về thể chế chính trị của quốc gia và cách thức hoạt động của nó, đấy là khi những người bất đồng cho rằng nhà nước là thực thể bất hợp pháp. Trong lý thuyết chính trị, danh từ “dissenter” (người bất đồng chính kiến) đã có mặt từ khá lâu, có thể ban đầu có nghĩa là người chống lại tôn giáo chính thống, sau đó thì được áp dụng để nói về những người chống đối chế độ trong các xã hội toàn trị, ví dụ như Liên Xô cũ.
128. Dissolution – Giải tán. Thuật ngữ này dùng để nói về giải tán quốc hội/nghị viện, kèm theo là quyết định tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra cơ quan lập pháp mới. Ở nhiều nước, quốc hội/nghị viện có thời hạn hoạt động cố định, dẫn tới những vụ giải tán có thể đoán trước được. Một số bản hiến pháp cho phép chính phủ quyền quyết định thời hạn hoạt động và ấn định thời gian giải tán nghị viện/quốc hội.
129. Distributive justice – Công lý phân phối/Công bằng về khía cạnh phân phối. Công lý phân phối nói đến phân bổ các nguồn lực một cách công bằng. Thuật ngữ này có ý nghĩa ngược lại với thuật ngữ tiến trình công bằng (just process) để nói về việc thi hành pháp luật, công lý phân phối tập trung vào kết quả. Đây là đối tượng được triết học và các môn khoa học xã hội quan tâm.
Trong tâm lý học xã hội, công lý phân phối được định nghĩa là các thành viên của một nhóm nào đó cho rằng phần thưởng và chi phí được chia sẻ một cách công bằng cho các thành viên của nhóm. Ví dụ, khi một số người làm việc nhiều hơn hơn nhưng nhận được tiền công chẳng khác gì những người khác, các thành viên trong nhóm có thể cho rằng ở đây không có công lý phân phối. Nếu phần thưởng và chi phí được phân bổ theo các quy tắc phân phối đã được cả nhóm đồng ý, thì ở đấy có công lý phân phối.
Donelson R. Forsyth đưa ra 5 quy tắc phân phối sau đây:
1. Bình đẳng: dù làm gì, thì tất cả các thành viên trong nhóm đều nên được chia thưởng/chi phí bằng nhau. Bình đẳng nói rằng người đóng góp 20% nguồn lực của nhóm sẽ nhận ngang với người đóng góp 60%.
2. Vốn chủ sở hữu: Kết quả mà các thành viên nhận được nên dựa trên đầu vào mà họ đóng góp. Do đó, một người đã đầu tư đầu vào lớn (thời gian, tiền bạc, năng lượng) nên nhận được nhiều hơn là người đóng góp rất ít. Thành viên của các nhóm lớn thích phân bổ phần thưởng và chi phí dựa trên vốn chủ sở hữu.
3. Quyền lực: Những người có nhiều quyền hạn, địa vị cao hoặc quyền kiểm soát đối với nhóm sẽ nhận được ít hơn những người ở vị trí cấp thấp hơn.
4. Nhu cầu: Những người có nhu cầu cao nhất cần được cung cấp các nguồn lực cần thiết nhằm đáp ứng những nhu cầu đó. Nên cung cấp cho những cá nhân này nhiều nguồn lực hơn những người đã có nguồn lực, không phụ thuộc đầu vào mà họ đã đóng góp.
5. Trách nhiệm: Thành viên có nhiều nhất nên chia sẻ nguồn lực của họ với những người có ít hơn.
John Rawls trình bày lý thuyết nổi tiếng của ông về công lý, như là công bằng, trong tác phẩm A Theory of Justice (Lý thuyết về công lý) với ba thành phần cốt lõi sau đây:
1. Mọi người đều bình đẳng về các quyền và quyền tự do;
2. Mọi người đều có quyền bình đẳng về cơ hội; và
3. Dàn xếp bất bình đẳng kinh tế nhằm tối đa hóa lợi ích cho những người ở địa vị ít thuận lợi nhất.

Comments are closed.