152. Endogeneity/Endogenuos – Nội sinh. Nội sinh (endogenous) là hiện tượng hay quá trình có nguồn gốc từ bên trong hệ thống, còn ngoại sinh (exogenous) là hiện tượng hay quá trình có nguồn gốc từ bên ngoài hệ thống. Tương đối dễ xác định xem một biến số nào đó là nội sinh hay ngoại sinh đối với mô hình lý thuyết. Nhưng, về mặt thực nghiệm, vấn đề luôn luôn xuất hiện là mô hình có thích hợp hay không và, do đó, liệu biến số về mặt lý thuyết là ngoại sinh, trên thực tế, có phải là ngoại sinh đối với hệ thống đươc lập mô hình hay không.
Đôi khi người ta nói theo lối ám chỉ. Ví dụ, khi viết: “phát triển công nghệ là quá trình nội sinh” là người ta cho rằng độc giả sẽ hiểu rằng phát triển công nghệ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nghĩa là hệ thống ở đây là nền kinh tế.
“Vấn đề tính ngoại sinh” sẽ xuất hiện khi các tác nhân được cho là sẽ ảnh hưởng tới kết quả lại phụ thuộc vào kết quả. Ví dụ, không dễ dàng đánh giá ảnh hưởng của các khoản chi cho chiến dịch vận động tranh cử tới cơ hội được bầu, vì các khoản chi cho chiến dịch lại phụ thuộc vào những cơ hội mà người ta cho là sẽ có.
153. Enlightenment – Khai sáng. Khai sáng là nhãn hiệu được người ta dùng để nói về một loạt các lý thuyết và thái độ phát triển ngay trước và sau Cuộc cách mạng Pháp (1789-1799), mặc dù một số người cho rằng thời kì Khai sáng kéo dài từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Ý nghĩa chính trị của Khai sáng xuất phát từ ảnh hưởng của nó tới hầu hết các tư tưởng chính trị sau này, nhưng đơn giản là nó đã đập tan những giả định chính trị trước đó, tức là những giả định từng giữ địa vị thống trị trong suốt thời kỳ đầu và thời Trung cổ trong lịch sử chính trị châu Âu. Mặc dù Khai sáng là một phong trào rộng lớn, bao gồm nhiều luồng tư tưởng, người ta thường gán phong trào này với những người cầm bút Rousseau (1712-1778), Diderot (1713-1984) và những tác giả Bách khoa toàn thư Pháp khác, và với Hume (1711-1776), và, kéo dài tới Hobbes (1588-1679) và Locke (1632-1704).
Tư tưởng quan trọng nhất của phong trào Khai sáng là con người có khả năng về mặt trí tuệ, đủ sức xây dựng xã hội trên cơ sở tư duy duy lý, và do đó, phủ nhận quyền lực của các ông vua và giáo hội. Tự do, đặc biệt là tự do tư tưởng và khả năng hợp tác giữa người với người là đỉnh cao của triết học, một nền triết học, nói chung, lạc quan về bản chất của con người. Trong khi đó, trước đây, ở những nước này, quan niệm từng giữ thế thượng phong về con người – có nguồn gốc từ học thuyết tội tổ tông của Do Thái Giáo-Kitô giáo – là bi quan. Tư tưởng xã hội của Khai sáng phát triển tương tự như vật lý học, tức là tìm kiếm gần như theo lối toán học những bản thiết kế xã hội thật hoàn hảo. Thực ra, việc từ chối thẩm quyền đã được mọi người chấp nhận, đặc biệt là thẩm quyền của giáo hội, có vai trò quan trọng hơn là bất kỳ học thuyết cụ thể nào.
Một số người cho rằng Rousseau là người khơi mào Cách mạng Pháp, vì ông khẳng định rằng con người có thể, và khởi thủy từng là những người tự do, nhưng bây giờ không được tự do nữa, và rằng quyền tự do chỉ có thể xuất hiện trong xã hội bình đẳng, con người thời hiện đại chỉ có tự do nếu họ vứt bỏ những xiềng xích của những khái niệm truyền thống. Ngược lại với các học thuyết bảo thủ do những người, ví dụ như Burke, thuộc phe đối lập với phong trào này, Khai sáng khẳng định sức mạnh của tư duy độc lập của con người, và có thể được coi là tiền thân của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội thời nay, đặc biệt là những người cầm bút như John Stuart Mill (1806-1873) và những người theo truyền thống chủ nghĩa công lợi khác. Nhà tư tưởng Khai sáng giai đoạn sau, Immanuel Kant (1724-1804), tóm tắt toàn bộ tinh thần của phong trào bằng một cụm từ, dùng làm nhan đề bài báo của ông Sapere Aude (Dám biết). Kant, Hegel (1770-1831) và Marx (1818-1883) đi theo lý thuyết ở lục địa châu Âu, bắt nguồn từ Rousseau dẫn đến quan điểm của chủ nghĩa xã hội châu Âu đương đại, trong khi James Mill (1773-1838), Bentham (1748-1832) và J. S. Mill tiếp tục phát triển lý thuyết của Trường pháp Anh, do Hume khởi xướng, và lập ra chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa bảo thủ ôn hòa của Burke, ở Anh, là phản ứng trước những thách thức và đe dọa của phong trào Khai sáng, nhưng ở châu Âu lục địa, có những người phản ứng hung hăng hơn và phản động hơn, trong đó phải kể đến De Maistre (1753-1821), và các nhà lý thuyết xã hội như Durkheim, có thể được coi là quan điểm báo hiệu chủ nghĩa phát xít. Phong trào trí thức cấp tiến hiện đại bắt nguồn từ Pháp, thường được gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại” (post-modernism) coi Khai sáng là kẻ thù của mình, cho rằng phong trào này là ví dụ điển hình về thái độ ngạo mạn.
154. Entryism – Tham gia chính đảng để tác động từ bên trong.
Entryism xuất hiện trong từ vựng chính trị hồi những năm 1970, mặc dù thuật ngữ này nói tới hiện tượng mới, chứ không chỉ là tham gia một chính đảng. Lúc đó, người ta sử dụng thuật ngữ này để nói tới việc những thành viên của các phong trào chính trị cực đoan tìm cách ra nhập, rồi sau đó nắm quyền kiểm soát các đảng chính trị ôn hòa hơn và có uy tín hơn. Ở Anh, hồi cuối những năm 1970 và 1980, một số người cho rằng các nhà hoạt động chính trị cực tả đã “tham gia” các Đảng Lao động, với hy vọng giành được quyền kiểm soát ban chấp hành đảng ủy khu vực và do đó, ảnh hưởng đến việc lựa chọn ứng cử viên và thiết lập chính sách ở các hội nghị hàng năm của đảng. Hiện tượng không chỉ giới hạn ở những cố gắng của những nhóm cực tả nhằm giành quyền lãnh đạo các đảng cánh tả ôn hòa. Ở Vương quốc Anh, từng có những cáo buộc nói rằng đảng bảo thủ, và thậm chí một số đảng theo đường lối tự do từng rơi vào vòng ảnh hưởng của “những người gia nhập” có tư tưởng cực hữu. Đây là chiến thuật chính trị cũ như chính chính trị vậy.