Thuật ngữ chính trị (51)

Phạm Nguyên Trường

155. Entitlement – Quyền được làm. Đòi hỏi hoặc quyền được làm một việc gì đó bằng cách viện dẫn sự kiện đã từng xảy ra hoặc viện dẫn thủ tục đã được xác lập, đặc biệt là những việc mà trước đó thủ tục này đã cho phép làm. Ví dụ, cảnh sát có thể được vào nhà khi có giấy phép khám nhà.

156. Entrenchment – Không được sửa đổi. Tính chất của một văn kiện khung, ví dụ, hiến pháp, làm cho nó trở nên rất khó sửa đổi.

157. Environmentalism – Môi trường luận.

Trong những năm 1960 và 1970, trong nền chính trị phương Tây, người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới môi trường luận; từ đó, phong trào nào này phát triển nhanh theo hướng thành lập lực lượng chính trị thống nhất, và được nhiều người coi là lựa cọn thay thế hợp pháp cho tất cả các đảng phái chính trị truyền thống. Nói chung, môi trường luận ám chỉ lập trường chính trị, trong đó, tăng trưởng kinh tế được coi là không quan trọng bằng bảo vệ những tiêu chuẩn thường được gọi là “chất lượng sống”. Trên thực tế, các nhà môi trường học/bảo vệ môi trường có xu hướng ủng hộ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, ngay cả khi những biện pháp này làm giảm hiệu quả kinh tế, và nói chung, phản đối các ngành công nghiệp khai khoáng mới, phản đối điện hạt nhân và mở rộng những cơ sở công nghiệp quy mô lớn. Hiện nay, ở một số nước châu Âu đã có một đảng bảo vệ môi trường – thường gọi là đảng Xanh – được tổ chức khá tốt, và thường xuyên nhận được khoảng 5% phiếu bầu tại các cuộc tổng tuyển cử và, ở những nước mà hệ thống bầu cử cho phép, họ cũng có đại diện trong các cơ quan lập pháp. Ví dụ, đảng Die Grünen (đảng Xanh ở Đức, thành lập năm 1980) khá nổi tiếng trong những năm 1980 và, ở cấp bang (Lӓnder) từng cùng với Đảng Dân chủ Xã hội của Đức (SPD) đứng ra thành lập chính quyền. Ở Vương quốc Anh, Đảng Xanh (Green Party, ban đầu, năm 1973 là đảng Sinh thái năm, năm 1985 mới đổi tên) chỉ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử không quan trọng, được tổ chức theo nguyên tắc nhiều phiếu nhất là thắng (FPTP – first-past-the-post); tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, năm 1989, trong các cuộc thăm dò dư luận, có lúc đảng này đã được 15% cử tri ủng hộ và vượt qua đảng Đảng Dân chủ Tự do thường đứng thứ ba, trước khi trở về con số 1% –2% cử tri ủng hộ. Ở Đông Âu, các nhóm bảo vệ môi trường từng là lực lượng dẫn đầu trong phong trào đối lập với các chế độ cộng sản đang sụp đổ, và những tiết lộ sau đó về tình trạng ô nhiễm lan rộng trên quy mô thậm chí còn lớn hơn là người ta nghĩ, cho thấy sức mạnh tiềm tàng của những vấn đề chính trị đơn lẻ. Phong trào phản đối những thiệt hại về môi trường do các chế độ này tạo ra mạnh đến nỗi, một số nước sau đó đã phải ghi các quyền về môi trường vào hiến pháp.

Mặc dù quan tâm tới các giá trị bảo vệ môi trường, tự nó, hầu như không tạo được một tập hợp chính sách để quản lý xã hội, nhiều chính sách khác có mối liên kết về mặt tâm lý hơn là theo logic với quan tâm về môi trường có thể kết hợp với nhau. Theo đó, các chính sách như dân chủ trong lĩnh vực công nghiệp, tự do hóa luật pháp về đạo đức cá nhân, và chủ nghĩa hòa bình, liên kết về chính trị với lực lượng bảo vệ sinh thái. Trong những giai đoạn hăng hái nhất, môi trường trường luận trở thành chính sách kinh tế-công nghệ được coi đối lập với tăng trưởng kinh tế và gắn bó với hệ thống kinh tế xã hội đơn giản hơn và ít thịnh vượng hơn về vật chất, vì sợ các nguồn tài nguyên trên thế giới sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên, từ những năm 1980 các đảng phái trên khắp phổ chính trị, có lẽ do nhận thức được rằng các nhóm bảo vệ môi trường ngày càng được lòng dân và những cảnh báo của các nhà khoa học về thiệt hại môi trường trong dài hạn, đã đưa các chính sách “xanh” vào cương lĩnh của mình. Đối với các đảng môi trường, kết quả của những chính sách đó, cùng với việc đa số người dân trong các xã hội phát triển hiện đại không tự nguyện chấp nhận bị nghèo đi về của cải vật chất, dường như các đảng này sẽ không bao giờ giành được địa vị chính trị mà họ muốn.

158. Equality of Opportunity – Bình đẳng về cơ hội.

Trong thế kỷ XX, ở hầu hết các nước phương Tây, người ta ngày càng cho rằng, những yếu tố như chủng tộc, tôn giáo hoặc giới tính đều không được trở thành rào cản đối với sự nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, trong khi Napoléon ủng hộ cải cách hiến pháp của nước Pháp, theo đó con đường hoạn lộ chỉ phụ thuộc vào các kỹ năng và thành tích, thì, ví dụ, ở Vương quốc Anh, hầu như chỉ sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học Oxford và Cambridge mới được tuyển dụng vào các chức vụ cao trong các ngành dân chính, còn các tổ chức công đoàn ngành in thì ngăn chặn một cách hiệu quả, không cho những người không có dây mơ đễ mà gia nhập công đoàn, hai ví dụ này còn kéo dài cho đến nửa sau thế kỉ XX. Trong những năm 1960, ở cả Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, người ta đặc biệt nhạy cảm trước mọi hình thức phân biệt đối xử, và những mối quan tâm này được phản ánh ngay trong Hiệp ước Rome, tức là Hiệp ước thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, và sau đó được cả Ủy ban Châu Âu và Tòa án Công lý Châu Âu coi là những vấn đề nghiêm túc. Trong thập niên 1960 và những năm 1970, các bộ luật về Quan hệ chủng tộc và Trả công Bình đẳng đã được thông qua, làm cho một số hình thức phân biệt chủng tộc và giới tính trở thành bất hợp pháp. Cuối thế kỉ XX, những đạo luật này còn được củng cố thêm và ngoài ra, những đạo luật bảo vệ quyền của người khuyết tật cũng được nhiều nước thông qua.

Comments are closed.