Thuật ngữ chính trị (55)

Phạm Nguyên Trường

170. Eurocentrism – Dĩ Âu vi trung. Dĩ Âu vi trung hay còn gọi là chuộng châu Âu là thế giới quan lấy nền văn minh phương Tây làm trung tâm hoặc một điểm thiên vị, ưu ái nó và coi thường các nền văn minh ngoài phương Tây. Đấy có thể là toàn bộ thế giới phương Tây, mà cũng có thể là lục địa châu Âu hoặc thậm chí chỉ gồm Tây Âu (nhất là trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh). Khi nói về lịch sử, thuật ngữ này có thể được dùng để nói về lập trường biện hộ chủ nghĩa thực dân châu Âu và những hình thức đế quốc chủ nghĩa khác nhau.

Thuật ngữ dĩ Âu vi trung xuất hiện hồi cuối những năm 1970, nhưng mãi đến những năm 1990 mới trở thành phổ biến. Đấy là khi người ta sử dụng trong quá trình phi thực dân hóa và phát triển và viện trợ nhân đạo mà các nước công nghiệp hóa (Thế giới thứ nhất) dành cho các nước đang phát triển (Thế giới thứ ba).

171. Eurocommunism – Chủ nghĩa Cộng sản Tây Âu. Chủ nghĩa Cộng sản Tây Âu là thuật để chỉ khuynh hướng chính trị trong các đảng Cộng sản Âu Châu, cụ thể là các đảng cộng sản Italy, Tây Ban Nha và Pháp. Phong trào này xuất hiện hồi cuối những năm 1960, sau những sự kiện Mùa xuân Praha 1968, tách ra khỏi chủ nghĩa Cộng sản theo kiểu Liên Xô, để đi theo con đường thứ ba là thực hiện sự cộng sinh giữa những tư tưởng Dân chủ phương Tây và những ý tưởng của Xã hội chủ nghĩa với ba luận điểm chính. Thứ nhất, Liên Xô không phải là mô hình xã hội chủ nghĩa duy nhất. Mỗi đảng hoạt động trong những điều kiện dân tộc đặc thù và phải xây dựng cương lĩnh hành động phù hợp với những điều kiện đó. Thứ hai, các đảng này đề xuất quá trình hội tụ tất cả các lực lượng tiến bộ (công nhân, nông dân, trí thức, sinh viên, phụ nữ, viên chức, và các giai cấp trung lưu) nhằm tiến hành đổi mới xã hội theo hướng dân chủ và chủ nghĩa xã hội, cô lập những nhóm phản động và đương đầu với sự kiện là của chủ nghĩa tư bản không thể đáp ứng được đòi hỏi phát triển của xã hội. Luận điểm thứ ba là, các đảng cộng sản phải tự cải tổ, vằng cách dân chủ hóa cơ cấu tổ chức, tạo ra những cuộc tranh luận nội bộ. Ngay trước khi Liên Xô tan rã, năm 1991, thuật ngữ chủ nghĩa Cộng sản Tây Âu đã thuộc về lịch sử, vì nó đã được dùng để phân biệt chủ nghĩa xã hội hiện thực, trong đó đảng Cộng sản nắm toàn bộ quyền lãnh đạo.

172. European Commission – Ủy ban châu Âu. Ủy ban châu Âu là cơ quan hành pháp cao nhất Liên minh châu Âu (European Union), có trách nhiệm trình các dự luật, thi hành các quyết định, bảo vệ các hiệp ước của Liên minh châu Âu và điều hành công việc chung hàng ngày của Liên minh. Các ủy viên Hội đồng tuyên thệ tại Tòa án Công lý Châu Âu (European Court of Justice) ở Thành phố Luxembourg, cam kết tôn trọng các hiệp ước và hoàn toàn độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình trong thời gian giữ chức vụ. Các Ủy viên Hội đồng do Hội đồng Liên minh châu Âu (Council of the European Union) đề xuất, trên cơ sở đề nghị của chính phủ các quốc gia, và sau đó được Hội đồng châu Âu (European Council) bổ nhiệm sau khi được Nghị viện châu Âu (European Parliament) chấp thuận. Mặc dù không phải là yêu cầu chính thức, nhưng các ủy viên thường là những người đã từng giữ các vị trí cao, ví dụ, thành viên của Nghị viện châu Âu hoặc bộ trưởng trong chính phủ.

Cơ quan này hoạt động như nội các, với 27 ủy viên. Mỗi nước thành viên có một ủy viên, nhưng các ủy viên, theo lời tuyên thệ, phải đại diện cho lợi ích chung của toàn thể EU chứ không phải đại diện cho quốc gia của mình. Một trong số 27 ủy viên là Chủ tịch Ủy ban, chức vụ này do Hội đồng Châu Âu đề xuất và được Nghị viện Châu Âu bầu chọn. Sau đó, Hội đồng Liên minh châu Âu đề cử các thành viên khác của Ủy ban theo thỏa thuận với chủ tịch vừa được đề cử, và 27 thành viên như một cơ quan duy nhất, phải được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua.

Comments are closed.